DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 8/20 ĐầuĐầu ... 67891018 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 71 tới 80 của 191
  1. #71
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 24 Mai 1936 – mùng 4-4-â.l.

    Nhựt thường lệ. Sáng Choundouss về. Samdhen nghe nằm lì, chập lâu dậy, song không nói tới Choun-douss. Trà điểm tâm cũng không dùng, ngồi day mặt nơi khác. Đến lúc Choundouss bước ra thì huỷnh mới chuyện vãn. Bữa cơm 9 giờ, huỷnh không dùng chỉ uống chút xăng, khi Choundouss đi thì huỷnh mới trò chuyện. Thôi sự của người ta mình không nên xen vào và cũng không nên động tâm, mặc tình huynh đệ họ, để coi cách họ đối đãi nhau sao. Bần đạo lãnh phần cơm rồi giặt hậu (áo hậu) chờ tới 11 giờ ăn ngọ. Ăn ngọ rồi nghỉ trưa.


    Ngày 25 Mai 1936 – mùng 5-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, bữa nay Samdhen và Choundouss đã hòa, bần đạo mừng lòng, họ vui mình mới an lòng. Buổi cơm 9 giờ cũng lãnh phần cơm để chờ tới ngọ mới cúng dường và ăn. Huynh Samdhen sình ruột phải uống xăng, mời bần đạo dùng, nhưng bần đạo từ chối.


    Ngày 26 Mai 1936 – mùng 6-4-â.l.

    Bữa nay ăn ngọ cơm và muối vì không có rau. Họ ăn lúc 9 giờ, bần đạo cùng lãnh phần cơm chờ tới ngọ mới cúng dường rồi ăn. Ngày nay Trấn quan sẽ đến ngụ tại phòng tư của ngài nơi Quốc-tự. Quan lại và dân lo dọn dẹp quét tước tưng bừng. Chiều ngài thân hành đến. Ngài khi nào muốn hành đạo (tụng kinh) bất câu mấy ngày, thì đến liêu riêng của ngài nơi Quốc-tự. Bình thường thì ở nơi quan nha cách chùa chừng một cây số ngàn.


    Ngày 27 Mai 1936 – mùng 7-4-â.l.

    Nhựt thường lệ. Chín giờ cũng lãnh phần cơm chờ tới ngọ cúng dường rồi dùng. Bữa nay có cải bẹ xanh, bần đạo chấm muối ăn sống, lâu ngày đạm bạc thật vừa miệng. Ăn ngọ rồi không chi vui dạ, bèn ra hàng ba làm quen với Lama họa sư ngồi cho màu giùm cái họa đồ của huỷnh. Huynh đệ thấy bần đạo cho màu, đều xúm lại xem, trầm trồ gọi tốt. Lama mời xơi trầu cùng cao tầm dung.


    Ngày 28 Mai 1936 – mùng 8-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm nổ với trà, đoạn ra ngoài cùng cho màu họa đồ chơi cho qua buổi. Đoạn 9 giờ Samdhen dùng bột sadou với beurre bỏ muối, chia cho bần đạo và Choundouss ăn. Còn mấy huynh kia xơi cơm. Đến giờ ngọ, không có cơm, bần đạo dùng bột xú còn dư với muối. Lúc 9 giờ rưỡi có cô xem quẻ hôm nọ dắt lại một cô có con, xem quẻ cho đứa con, xem rồi thỉnh Samdhen đến nhà cúng giùm. Mười giờ Samdhen, Choundouss, Issê Sonnam đồng đi. Bần đạo khi dùng ngọ rồi, một mình thả xuống suối tắm sơ vì nước lạnh quá, bị mưa luôn cả đêm nên ngày nay, trời ấm cũng lạnh hơn các bữa. Tắm rồi thả dọc lối Quan nha rồi về đã 2 giờ, nghỉ mệt.
    Tối nầy Samdhen không về, thầy trò ngủ tại thân chủ gia.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #72
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 29 Mai 1936 – mùng 9-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm trà với nổ. Trưa ăn ngọ cơm với mước muối ớt. Mười giờ rưỡi thầy trò Samdhen về tới xơi bột xú. Chiều ra cho màu họa đồ giùm cho Bhutan Lama. Đây là kiểu họ vẽ đặng kết vào chính giữa tấm che trên bàn án của Phật như plafond.


    Ngày 30 Mai 1936 – mùng 10-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm trà với nổ, đoạn ra cho màu họa đồ. Chín giờ huynh đệ họ dùng bột xú, 11 giờ bần đạo ăn ngọ cơm với nước muối ớt và cải (ganga) chiên, đoạn rồi nghỉ. Chiều lại, họ dùng cơm nước rồi. Choundouss nói : bữa nay tôi phải đi ngủ nơi nhà tình nhân cho vui lòng ân nghĩa. Đoạn huynh-đệ tôi ngủ.


    Ngày 31 Mai 1936 – 11-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm rồi, kế huynh Samdhen sai Issê đi vận lương nơi Trấn quan, bần đạo liền theo chơn Issê, nói đi ra cầu nơi nhóm chợ mua hộp quẹt và thuốc. Đến nơi mua một cái hộp quẹt lớn 4 đồng 2 paisa = 8 sous Tây-tạng. Đoạn hai huynh đệ đi thẳng lại nhà tình nhân của Choundouss, đến nơi lên thang lầu, thấy huỷnh đứng nơi cửa đón rước. Issê muốn nói cợt, song huỷnh nháy và nói : “Ghơ hơ rờ mêdoucera adun hay nải khelta : có khách chẳng nên nói cợt.” Huỷnh mời vào, trải thảm nơi sàn mời ngồi, thì liền cô bạn của huỷnh rót xăng mời uống, huỷnh mời bần đạo, hoan hỉ uống một chén rồi dự kiếu. Hai huỷnh và người khách uống xăng với nhau. Uống rồi đồng ra đi. Đến ngay chỗ núi có cái hang còn thấy khói đóng đen, huỷnh bèn chỉ và nói rằng : ấy là nơi quan xử tử kẻ sát nhơn. Cách xử tử xứ Bhutan lạ quá : Đem người tội sát nhân đến mé suối và cái thây bị sát tử cũng khiêng đem đến đó, rồi nấu cơm đồ ăn cho tội nhơn ăn no nê, đoạn cột bó người tội nhơn với cái tử thi của nó đã sát hại, cột bó hẳn hòi rồi quăng xuống suối. Ấy là hai mạng đồng đi âm-ti…

    Bần đạo hỏi, vậy Tibet luật ấy cũng xử một cách đó phải không ? – Không. – Tây-tạng khác hơn, bỏ tù, rồi mỗi ngày đánh đòn hoặc 10, 20, 30, 40, 50 roi tùy án nặng nhẹ.

    Đoạn tới ngũ tháp, thì hai huỷnh đi thẳng lại nhà Trấn quan, còn bần đạo đi về Quốc tự, về tới nơi ra cho màu họa đồ chơi rồi 11 giờ ăn ngọ, kế Samdhen rủ đi ra mé suối chơi, đến nơi ngồi nơi mé suối uống rachi với Isess, uống rồi thì trời mưa tới, đi về. Bần đạo nghỉ. Kế 2 giờ có Khố quan đến liêu nói với Samdhen : gạo và nổ đã bỏ bao rồi và đem để tại hàng ba trước đây : 20 bao da gạo và 5 bao nổ. Samdhen theo chơn ra xem và nói cám ơn rồi mời Khố quan vào ngồi và lấy hình lớn nhỏ (Phật) tặng cho Khố quan. Thiệt huỷnh xử thế khéo léo, làm cho mọi người kính mến. Quan thọ lãnh cám ơn rồi xuống lầu. Huynh Samdhen bèn nói với bần đạo rằng : Trấn quan đã cấp gạo và nổ 25 bao, còn cấp đồ ăn, đồ chay đồ mặn rồi đợi đưa tiền giá 4 cốt Phật thì sẽ lên đường. Quan nói 4 cốt Phật giá đáng 2000 R, song tôi nói 1000 R là đủ giá cả các hạng. Thiệt huỷnh lanh lợi để ân hoàn. Nhờ có huỷnh mà bần đạo đặng người ngoại bang cung kỉnh và dựa hơi huỷnh mà đặng tử tế an ổn, đến đâu cũng đặng người hoan nghinh, vào ra đất khách dễ dàng như ở xứ mình.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #73
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 1er Juin 1936 – 12-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm rồi ra cho màu họa đồ. Kế 11 giờ ngọ thực rồi đi cùng Samdhen đến quan nha xin ghi thông hành. Đến đó vào thơ ký phòng việc thì thầy ký đang đánh lúc-lắc (đổ-hột) với bọn họ. Chờ ước 1 giờ mới có thầy ký phụ, ghi tên họ trước vào thông hành, đoạn chờ tới 2 giờ thì thầy đem lên phòng việc quan nha đặng hầu ký tên và đóng dấu. Về đến Quốc-tự 3 giờ, dùng trà rồi tối họ dùng cơm rồi nghỉ.


    Ngày 2 Juin 1936 – 13-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm trà nổ, khi rồi việc thì Samdhen nói : Ngày mai 14 xấu ngày quá, nên để cho bọn coolie chuyển lương phạn đi trước, mốt rằm, huynh đệ mình sẽ lên đường tốt hơn. Bần đạo nói : ngày nay đã đúng ngày giáp một tháng ở Bhutan. Trưa ăn ngọ với canh cải dưa. Trọn ngày lo sửa soạn hành lý. Chiều lại có một cô Tây-tạng đến dưng xăng và thỉnh thuốc và chiều có hai huynh Tây-tạng đến, đem dưng xăng và rachi, huynh đệ đồng dùng. Bần đạo dùng xăng chớ không dùng rachi.

    Tối hai huỷnh ngủ tại liêu cùng huynh đệ ta, còn Choundouss và Issê đi đến nhà quen nghỉ. Trọn ngày nay lo sắp đặt hành lý.


    Ngày 3 Juin 1936 – 14-4-â.l.

    Nhựt thường lệ. Điểm tâm rồi, bần đạo nói với Samdhen rằng : “Hom thoda paisa manta hai”, bần đạo hỏi Samdhen chút ít paisa. Huỷnh bèn đưa cho bần đạo phân nửa rupee Tây-tạng = 15 annas de 4 paisa (15 cắc Tây-tạng = 4 sous). Bỏ túi đi chơi ngoài cầu, đoạn Sonnam ra tới gặp, rủ đi lại nhà quen của Choun-douss đặng kêu huỷnh đi ; Choundouss và Issê nơi nhà quen đi ra gặp nhau, đồng về Quốc-tự. Bữa nay ăn ngọ với cà chiên, Issê đi xóm đem về năm trái cà, ăn một trái.

    Trọn ngày lo thu xếp hành lý. Trấn quan có cho quan lại đến lo phần việc bảo dân mang gạo và các vật nội bọn. Quan lại biên tên chia phần cho coolie. Samdhen nói : Trấn quan trả 800 rupee bạc mặt, còn 200 trả bằng gạo 20 bao, với nổ và vật thực khác. Phần coolie chuyên gạo thì về phần Trấn quan, còn vật của chúng ta (hành lý) thì sở phí mình chịu. Trấn quan có cho hai con ngựa cỡi. Ăn uống của Lại quan mình phải chịu.


    Ngày 4 Juin 1936 – 15-4-â.l.

    Bữa nay là ngày từ giã nước Bhutan, nên sáng thức sớm, lo trà nổ điểm tâm, bần đạo lo xếp đồ ngủ lại, rồi 8 giờ rưỡi, Isess đem cơm lên, huynh đệ ăn cơm với Quan lại ba người, một người lo việc chở chuyên hành lý qua Pharijong, còn hai người mã-tử ăn rồi 9 giờ, mã-tử lo đi xuống trạm ngựa gác yên hai con ngựa. Chín giờ rưỡi Samdhen và bần đạo đi lại viếng Baha-lama đặng từ giã ngài mà lên đường. Ra mắt Đại-đức, ngài đãi xăng cho Samdhen và Choundouss còn bần đạo không dùng. Ngài kỉnh lễ lên đường, một bao nổ, vải vàng, vải xanh, vải trắng và mỗi món ít thước cho hai người. Đoạn xá từ lên đường. Qua khỏi ngũ tháp có tình nhân Choundouss đón dưng xăng nhưng Samdhen trả tiền xăng. Đoạn hai huynh đệ tôi lên ngựa. Mười một giờ rưỡi đến chùa Kết-xú-la-khăn (chùa có mội nước). Có bọn Tibetain nam nữ vài mươi người chực đón thỉnh Samdhen và nội bọn vào chùa. Họ cúng dường tùy hỉ chút ít (đôi ba cắc Tây-tạng), Samdhen đãi xăng cho bổn đạo. Bần đạo đãi trà nội bọn. Đoạn thầy trò họ tụng kinh, phát niệt cùng nhau, còn bần đạo rảo bước xem cảnh chùa, đi lại chỗ nhà thác nước, thấy chính giữa cái miễu ấy có cái ống-che(1) lục tự “Án-ma-ni-bát-mê-hồng” cắm giữa chỗ đường nước chạy tròn (ấy là luân chuyển pháp luân) xem rồi đi quanh chùa thì thấy cũng có ống pháp luân để cho bổn đạo đến chùa quay và niệm lục-tự Quan-âm. Trước cửa chùa cho hai cái máy ấy, hằng ngày có người ngồi đó mà quay cái máy lục-tự ấy.

    Qua tới 1 giờ, rồi việc cúng dường, vào điện lễ Phật và bần đạo cúng 6 cắc Tây-tạng. Kiếu sư chùa ra đi. Bốn giờ tới trạm quan ải cất cao lớn, trong quan ải cũng có chùa Quốc-tự có một vị Lại quan cai quản, trạm ải tên Doncguêss-zon. Vào quan ải thì có người dắt vào điện Phật Quan-âm, huynh-đệ đồng nghỉ. Lại quan đãi trà nổ. Tối lại cũng hộ cơm. Tối nghỉ an.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #74
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 5 Juin 1936 – 16-4-â.l.

    Thức sớm sắp đặt hành lý. Bảy giờ Lại quan hộ trà và cơm lạt lót lòng rồi thì từ biệt Doncguêss-zon đi, 10 giờ rưỡi tạm mé lộ dùng trà, bột xú với canh cải bẹ, 11 giờ rưỡi đi tới 1 giờ 20 gặp xóm vào đụt mưa, mua xăng uống. Issê, Choundouss và Isess đi luôn không ghé. Uống xăng rồi, mã-tử gác yên ngựa, từ biệt chủ nhà, đi riết tới 4 giờ thì đã tới trạm nhỏ Sinhgarap. Vào nhà gần trạm nghỉ, vì trạm nầy nhỏ không có Lại-quan nên ngụ nhà dân. Lính mã-tử và Lại quan bảo chủ gia phải cho cỏ ngựa ăn và cơm nước cho họ, chủ nhà có ý co cự thì bọn nhà quan nói : Người ngựa quốc gia, dân sự phải châu cấp, bằng không thì dỡ nhà đi, chớ ở trong Quốc-vương thủy thổ làm chi không lợi ích nước nhà. Hai đàng cãi cọ
    nhau hoài rốt việc chủ gia cũng phải chìu theo Lại quan, tối cơm nước rồi nghỉ.


    Ngày 6 Juin 1936 – 17-4-â.l.

    Thức sớm trà nổ điểm tâm. Samdhen cho chủ gia nổ và chút ít tiền. Bảy giờ lên ngựa đi, từ giã Sinhgarap trạm đi, đường đi lên dốc núi lần lần trời lạnh, lên cao chừng nào thì sự lạnh càng tăng 9 giờ rưỡi tới tiểu trạm Yasa, vào nhà nghỉ lúc trước đặng nghỉ, ông chủ nhà đi khỏi, chỉ còn cô gái con của ổng ở nhà và ít người đờn ông lạ mặt. Vào đó trà nước rồi nấu cơm. Khi đến trạm, thì con ngựa của huynh Samdhen bị lên dốc, nên mệt té nhào chết giấc. Mã tử kêu nói, thì huynh đệ đồng ra lo xông thuốc cho uống nước muối, lần hồi con ngựa khỏe lại, bần đạo thấy trên lưng ngựa có một mụt ghẻ lớn bằng đồng bạc, thì xin vôi xức ghẻ ấy và nghĩ rằng : Con ngựa nầy bị có ghẻ chính giữa chỗ gác yên, bị yên đè cấn mụt ghẻ, phần Samdhen cao lớn nặng cân, phần lên dốc đảnh nên ngất đuối. Lúc Samdhen ra thấy ngựa như vậy thì hỏi lăng xăng, bần đạo nói ngựa lên dốc nhiều mà ít nghỉ chơn, phần bị mụt ghẻ đau nên tới đây đuối mệt mà té. (Bị Samdhen ép đi quá và tánh huỷnh nóng nảy lắm, bần đạo biết ý người và có lúc động lòng cho loại vật bị ép đi không đặng nghỉ, có lúc ngựa đứng nghỉ mệt, huỷnh đánh đi không kịp nghỉ.) Cơm nước rồi 11 giờ rưỡi lên đường thì hai huynh đệ đi bộ một đỗi cũng xa, cứ lên dốc riết, đến hai phần đảnh thì tuyết còn trắng núi, trời gió, mưa tuyết lạnh quá. Khi ấy hai con ngựa đi đã tới. Samdhen hỏi, sao con ngựa nầy cỡi đặng chăng ? Bần đạo nói : huynh nặng cân, cỡi con ngựa của tôi vì nó khỏe mạnh, để tôi cỡi con ngựa của huynh. Thuận tình, lên yên, bần đạo không vui mà cỡi ngựa, song nếu bần đạo không cỡi thì Samdhen không cỡi và e sanh buồn. Lên lưng ngựa đứng thẳng cẳng trên chưng đứng cho hổng đít vì sợ cấn ghẻ nơi lưng ngựa, cỡi cách nầy con ngựa đi dễ dàng và coi bộ nhẹ nhàng vì thấy nó đi lung, song bần đạo gò cương không cho đi lung, đi một đỗi tới nơi đường bình lộ, bần đạo bảo mã-tử ngừng ngựa đặng xuống đi tiểu, ấy là ý không đành cỡi mà bảo mã tử dắt ngựa đi, bần đạo đi bộ, tới một chỗ đất cỏ, có một cô Tây-tạng chăn bò, kêu dưng Lạc (Dhahi), bần đạo đi tới, Samdhen hỏi ăn Dhahi không ? – Không. – Đoạn mấy người quan sai, họ uống ăn cùng nhau, bần đạo thả bộ đi trước, lên nhiều dốc rất mệt, nhưng thầm tưởng : thà ta chết mệt chứ không đành thấy con ngựa chết mệt vì ta, tư duy suy nghĩ rồi cứ đọc kinh cầu nguyện vừa tụng vừa đi, đi như vậy chừng vài cây số, thì người ngựa đã theo kịp, thì thấy Samdhen cỡi ngựa huỷnh, còn Choundouss cỡi con ngựa của tôi. Khi thấy thì động lòng cho cái nghiệp lực của con ngựa, lúc gặp họ thì bần đạo bảo Choundouss cứ việc cỡi, bần đạo đi bộ một hơi nữa, tuy mệt nhưng vì sự thương con ngựa, làm cho bần đạo thêm lực mạnh, đi riết, bỗng gặp Isess, huynh đệ đồng đi sau, thủng thỉnh đi hoài, lên nhiều cái dốc le lưỡi bỗng đã đến bình địa, ngó xuống xa xa thấy người ngựa đều nghỉ. Lần hồi xuống dốc khỏe chơn, trước mặt đã thấy thành thị Pharijong. Lúc tới chỗ họ nghỉ, Samdhen kêu bần-đạo bảo nghỉ và uống trà. Thuận tình, ngồi nghỉ uống một chén trà. Kế mã-tử bắt kế ngựa, bần đạo bảo Choundouss cỡi, nhưng huỷnh từ chối. Bần đạo sợ sanh buồn nên lên yên đi. Bốn giờ đã tới Pharijong chuyến nầy ngụ nhà khác, chớ không ngụ tại nhà của hai vợ chồng già lúc trước.

    Vào nhà của một cô Tây-tạng, ngụ, hành lý lần lượt đã tới, nhưng gạo và vật nặng nề chưa tới. Nhà nầy rộng hơn nhà chuyến trước. Trà nước rồi nghỉ ngơi. Song nghỉ đâu đặng, Samdhen có đơn riêng nghỉ đặng, phần bần đạo bị ba người Lại quan ăn uống hoài, một lát xăng, một lát trà-nổ, cứ vậy riết tới khuya, họ lại trạm ngựa nghỉ, thì bần đạo mới nghỉ đặng.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #75
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 7 Juin 1936 – 18-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm, ăn ngọ, rồi cùng Issê rảo ra chỗ nhóm chợ, mua 6 chiêm đường cát, phút gặp huynh Tanzine Guêgane mời về chỗ ngụ, đãi xăng, bần đạo uống một chén với đường, còn Issê cứ gầm uống, bần đạo hối về. Ra về Issê ghé các tiệm mua thuốc hút, song họ sợ lính kín của quan nên không bán, về tới chỗ ngụ, nói không thuốc Nađặc mà cũng không có thuốc hút, bỗng có một người quen lại thăm nói : để tôi mua giùm cho, không quen mặt mua họ không bán đâu. Đoạn Issê đưa tiền cho người ấy đi mua, một lát trở lại đưa nửa gói 5 điếu nói : còn có 5 điếu giá 6 sous Tây-tạng. Trọn ngày lần lượt bọn coolie mang gạo và rương, gói đến. Ba sai quan cứ ăn uống tới tối, lúc 6 giờ thì bọn coolie đã đến đủ hết.
    Xong việc, họ cơm nước và uống xăng tới 8 giờ, rồi tiệc, họ lui, bần đạo trải đồ ngủ, nghỉ.


    Ngày 8 Juin 1936 – 19-4-â.l.

    Sớm điểm tâm, kế mua xăng đãi ba người Sai quan vì bữa nay họ trở về Bhutan, Samdhen kêu ba người vào đơn hiến cho mỗi người một xấp vải trắng (2R.) một cục trà, và 1 đồng bạc Tây-tạng, cấp cho gạo, muối, đường, bộng sườn bò, nổ, beurre, đủ vật, họ lãnh rồi từ giã ra về. Ăn ngọ với nước muối ớt. Đoạn một chập lúc rồi ngọ, có hai người đến lãnh bao ngựa chở gạo và hành lý, đòi giá 15 rupee mỗi con, cả thảy 18 con. Lúc họ về, bần đạo hỏi Samdhen thì huỷnh nói : mắc mỏ quá, vậy chở gạo sao thấu, thôi để bán gạo rồi lấy bạc còn tốt hơn là mướn ngựa chở. Chập lâu bỗng có huynh Ngô-trúc, đồng hương với Samdhen ở Bhutan qua, tay cầm một con chồn dồn rơm bước vào thăm Samdhen, chào hỏi nhau xong, Samdhen cầm con chồn nộm ấy nói với tôi rằng : thầy mua nó đem về xứ bán chắc đặng tiền, bần đạo nghe thấp thố tưởng huỷnh nói huỷnh đem về xứ huỷnh, mới hỏi : Sao ? ¬– Huỷnh nói lại nghe mới rõ. Bần đạo hỏi ? – Giá bao
    nhiêu ? – Thì Isess nói : 3 rupee – Issê nói 10 R, rốt nghe huynh Samdhen nói bên Bhutan giá 4 R. Tôi bèn nói : tại xứ tôi giá 5 cắc, không thiếu gì, có ai thèm dùng. Nghe nói vậy huỷnh chưng hửng, huỷnh nói tiếng Tây-tạng với các huynh kia, rồi đồng nhau xẻn lẻn hơi mắc cở. Ấy là ban đầu họ cầm bần đạo là điên, thôi cũng nhẫn tình. Nội buổi chiều họ uống xăng, cô chủ gia đem về một cô, đã say mèm rồi, cùng nhau họ giao bôi tới tối. Ca hát, tha hồ ôm ẩm rất thô. Đến tối 8 giờ qua mà còn chén thù chén tạc, bần đạo ngồi trơ đó niệm Phật, mặc tình gió dục bốn bên, cầm tâm nhẫn nhục. Nhà chật hẹp, chỗ ngủ của bần đạo là nơi đón khách, họ còn cụng chén, thì bần đạo vẫn ngồi lì chờ đến mãn tiệc mới nghỉ đặng, cả ngày luống ngồi. Khuya rồi mà Choundouss vẫn còn ôm ẩm nữ khách là người ban đầu huỷnh khinh là loạn phụ dâm nữ. Đến lúc nhiều chén quên hết, lửa dục đốt tiêu tâm tánh. Bần đạo thấy khuya rồi bèn nói, thôi đem nhau chỗ khác chơi. Kế huynh Ngô-trúc ôm chồn đến, say mèm, kêu nói om sòm. Chừng huynh Samdhen nơi liêu huỷnh cất tiếng rầy Issê và Ngô-trúc, nhờ vậy họ mới chịu nín và ngủ. Phong tục của xứ người như vậy, mình là khách lạ, như nước lòng sông, tùy tục chớ có biết nói sao. Mọi việc nhờ Phật lực mà mình tập đặng tánh nhẫn nại, chớ chi mình là kẻ ngoài trần, ắt chịu không nổi cái thói nhơ nhớp huê nguyệt của dân nam nữ Tây-tạng. Thiệt họ ăn ở không ngại ngùng, cái tục tệ đó thật là dã man, họ ăn ở còn theo thú vật, thân thể dơ dáy, dâm dục hỗn loạn, chỉ có lòng nhẫn nhục mới chịu nổi, trối thây.

    Đây thuật chuyện huynh Ngô-trúc, người tuổi lối 50, vốn là người xứ Ladakh, là người đồng hương cùng Samdhen, Isess và Issê, còn Choundouss và Issê Sonam là người xứ Khâmpá. Xứ Ladakh là thuộc địa… Xứ Khâmpá là thuộc địa Tàu, hai xứ đều trong vùng Hymalaya Tibet.

    Huynh Ngô-trúc khi nhỏ chịu thọ của nhơn dân trong xứ cấp cho đi đến Lhassa tu. Sau lớn lên ra thế, không dám về xứ, qua Bhutan đỗ ngụ. Ấy là phong tục xứ người, thọ của xuất gia, nếu không xong thì đi xứ khác lập gia đình chớ không trở về xứ đặng, nếu về xứ thì nhơn dân cũng đuổi vân vân…


    Ngày 9 Juin 1936 – 20-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, bữa ngọ nay ăn sadou (Cham-jpapáp) với cải bẹ xào. Pharijong lạnh quá, tuyết còn đóng đầy núi, bần đạo bị hôm qua nay ho quá.


    Ngày 10 Juin 1936 – 21-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, ngọ cơm nguội hôm qua hấp lại ăn, rồi lo sắp đặt hành lý đặng mai lên đường. Có mượn Choundouss đổi giùm 20 rupee tiền Tây-tạng. Bần đạo lấy ra ba tấm giấy bạc 10 rupee, nói với Samdhen rằng : Chỉ còn có bao nhiêu tiền để đi về đủ không ? – Huỷnh rằng : Thầy đừng lo, tôi có hiếm(1) đây, hết thì lấy dùng. Tôi nói, vậy tốt lắm, chừng về Calcutta sẽ tính trả lại cho huynh. Chiều bữa ấy, huynh đệ lo hành lý rồi cùng nhau uống xăng, theo tục họ, hễ gần từ giã thì làm tiệc xăng, không thịt cá chi hết, uống như uống dấm chua son, song họ ưa quá, vì xứ lạnh, uống nó lần hồi ấm áp. Bần đạo cũng tùy hỉ một hai chén.

    Rồi tiệc bần đạo cho cô chủ nhà 2 rupee vì thấy mấy bữa ngụ tại nhà cổ, cực khổ không nài, mang nước xa năm, sáu trăm thước bằng một cái thùng lớn chứa ước hai thùng dầu hôi. Cô từ chối, nhưng bần đạo nói : Tôi là kẻ tu hành không nói chơi, cô cứ thọ lãnh, huynh-đệ cũng đồng ép, cô thọ lãnh và cám ơn, và mừng rỡ.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #76
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 11 Juin 1936 – 22-4-â.l.

    7 giờ uống trà rồi, tạm biệt Pharijong, lên ngựa đi tới 12 giờ gặp quán tại xóm Dark, ghé uống trà rồi ăn ngọ bột với nước muối. Qua một giờ lên ngựa đi tới làng Tuy-na vào nhà quen đỗ ngụ, người chủ nhà cũng tử-tế. Samdhen hiến cho trà và một tấm hình Tháp Bodh-Gaya, đoạn chủ gia cũng có đáp lễ. Họ cơm chiều, bảo bần đạo dùng, bần đạo rằng : Ăn ngọ bột còn no lắm. Samdhen cằn rằng : Nếu thầy giữ lệ ngọ, e yếu sức chăng ? – Không. – Đêm ấy ngủ khá vì mê mệt sự đi đường. Tới đây phải đổi ngựa, mướn ngựa khác. Lúc ra đi thì có hai người của đức Bahalama Bhutan sai đi Tây-tạng cũng đồng nhập bọn đi, vì Samdhen cho đi chung. Khi đi tới Tuy-na thì bên mé hữu đường có một cái hồ nước lớn và dài thăm thẳm, hồ ứ, nên muỗi lung quá.


    Ngày 12 Juin 1936 – 23-4-â.l.

    Bữa nay thức sớm, 2 giờ thức lo trà nước rồi, 3 giờ lên ngựa, đi tới xóm Đôdark đã 8 giờ rưỡi, tạm ngồi trước sân nhà quen, nấu trà uống, Samdhen cho mã-tử tiền uống xăng, đoạn mã-tử trở về. Bần đạo cùng Samdhen uống trà đợi huynh-đệ còn đi sau với bầy la, mã chở gạo và hành lý sẽ tới. Mười giờ họ tới, 10 giờ rưỡi dùng bột với trà bỏ muối, họ dùng thịt sống. Ăn rồi, đi mướn ngựa không đặng, đoạn 11 giờ rưỡi Samdhen còn ghé mua xăng đãi bọn mã-tử, bần đạo thả bộ đi trước, đi theo mé hồ, muỗi mòng bay theo đen mịch, và đi và quạt, đi ước ba cây số ngồi nghỉ, chập lâu, thầy trò Samdhen, Sonnam đi tới, cũng ngồi nghỉ, đoạn Samdhen nói : Nay không có ngựa, tôi nói với mã-tử cho 2 rupee đặng tạm cỡi hai con ngựa của y, mà y không chịu. Đoạn huynh-đệ lần lượt đi, bần đạo cởi vớ giày đi cẳng không, đi riết tới 3 giờ gặp xóm, hỏi xăng không có, trời gió lạnh lẽo quá.

    Từ Pharijong tới đây mới hết đồng trống, đường đi bằng thẳng, ước sửa soạn chút ít thì xe hơi đi đặng, nhưng bị trống trải gió quá, đi đường phải cây dù che hướng gió. Lần lượt đi tới 4 giờ thì trời mưa, lạnh càng thêm, đoạn bầy la, mã với bọn Choundouss, Issê, Isess và mã tử đã tới, gặp bọn bần đạo ngồi nghỉ, chừng bần đạo thấy Choundouss và Isess cỡi ngựa, thì Choundouss bảo Isess xuống ngựa và huỷnh cũng xuống, rồi bảo bần đạo cỡi, bần đạo bèn nghĩ rằng : Có lẽ cũng gần tới chỗ đỗ ngụ, cỡi chi cho mang tiếng cỡi, nên từ chối không cỡi, tuy đã mỏi cẳng, đến lúc gặp Samdhen mà huỷnh cũng không cỡi, đi riết tới xóm Kala trời vẫn còn mưa, ghé một nhà kia hỏi ngụ không đặng, qua một cái nữa gần đó hỏi cũng không đặng, đoạn mã tử bảo đi lần tới trước kia chừng sáu, bảy trăm thước sẽ có nhà quen với y, chắc hỏi ngụ đặng. Trời còn mưa lạnh lẽo, đồng đi cùng nhau, phút đã tới nhà quen ấy, mã-tử vào hỏi, bèn ra kêu nội bọn vào. Chủ gia chỉ một cái nhà bếp, trong có nhốt bò và chứa phân, thì Choundouss cùng huynh đệ vào quét dọn, chủ gia ôm bao bố đem vào trải dưới đất làm nệm, huynh-đệ đem hành lý vật dụng vào ấy là đồ ăn, ngủ. Bần đạo còn đứng ngoài cửa, phút thấy chủ nhà bưng một giỏ phân dê lộn rác rến đem vào chỗ ngụ ấy, thì bần đạo tưởng là rác bụi đem đổ mấy chỗ ướt át hoặc hũng. Đến khi huynh-đệ sắp đặt xong, thì Samdhen kêu bần đạo vào bảo : thầy ngồi nghỉ, thì bần đạo vào ngồi gần bên Samdhen, thấy trước đơn một cái cà-ràng sắt và một đống phân dê rác đổ đó, thì không hiểu là chi. Đến khi thấy chủ gia bưng vào trong một cái mẻ bê ít cục than lửa phân bò đổ trong cà-ràng rồi đi, thì huynh Bhutan bèn lấy cái ống bễ da ra rồi hốt cứt dê bỏ trên than lửa, mới thổi bễ, khói bay nghi ngút, nội bọn đều hì hít nước mắt nước mũi nhỏ sa, một chập chừng vài ba phút thì phân dê phừng cháy, đoạn Isess lo nấu trà, nấu cơm. Bần đạo nghĩ rằng : Từ Pharijong tới đây núi không cây cỏ mọc nổi vì bị tuyết đóng đầy đảnh hằng ngày, nên nhơn-dân đồng dùng phân súc vật làm củi. Một đêm nay ngủ trong chuồng bò, nhưng cũng đặng ấm áp, cám ơn chủ gia.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #77
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 13 Juin 1936 – 24-4-â.l.

    Tối hôm qua Samdhen đã có chút ít tiền cho chủ gia, nên sáng nầy thức dậy sớm. Ba giờ mã-tử lo gác yên, gác hành lý rồi. Hai huynh-đệ lên ngựa cùng nội bọn lên đường. Hôm qua đi bộ mê mệt, nay đi ngựa đỡ quá, nếu đi bộ nữa chắc bết. Lần lượt đi theo triền núi, đường bằng thẳng, không đèo ải như đường từ Ghoom tới Pharijong và Pharijong qua Bhutan vậy. Dễ đi nhưng lạnh quá, tuy đường bằng song nó là bình địa trên đảnh, gió lung, tuyết nhiều, đảnh chót ngó thấp chủm như núi đất, nơi nào đảnh cao thì đường đi ít gió nhờ đảnh che.

    Tới 9 giờ, ghé mé suối, thổi phân dê nấu trà uống, 10 giờ rưỡi ăn bột với nước muối rồi đi (11 giờ rưỡi) đi riết tới 4 giờ rưỡi thì gặp xóm Marguết, vào xóm hỏi chỗ ngụ, phước gặp nhà sạch-sẽ, vợ chồng chủ gia cũng tử tế, cho phòng ngủ sạch sẽ. Lo nấu ăn, đây có củi phân bò và củi chút ít. Samdhen nói : Đây chủ nhà tử tế quá, bần đạo nói : Vậy đáng cho y chút đỉnh. Samdhen rằng : Có rồi, trà và tiền chút ít. Đoạn bần đạo lấy ra 10 rupee, trả cho Samdhen 4 rupee, tiền mượn tại Pharijong và Bhutan, và cho huynh-đệ 4 rupee tự ý mua đồ ăn uống và đổi 2 rupee tiền Tây-tạng. Họ coi bộ vui mừng, ấy là đời kim tiền. Họ ăn cơm rồi ngủ.


    Ngày 14 Juin 1936 – 25-4-â.l.

    Sáng thức sớm 6 giờ điểm tâm cơm nguội với trà bỏ muối (ấy là cơm hôm qua, Samdhen thấy đã bốn, năm bữa rồi bần đạo không có ăn cơm vì họ không nấu, cứ ăn ngọ bột, nên chiều hôm qua họ ăn còn dư, huỷnh bảo Isess để dành cho bần đạo sáng điểm tâm). Cơm ước một tô, bần đạo bèn chia, mỗi người đồng ăn, rồi lên đường, chủ gia cho mướn hai con ngựa, cho con (15 tuổi) làm mã-tử. Vợ chồng đồng đưa ra tới đường. Lên ngựa đi tới 9 giờ, phút gặp nhà thơ, tạm ghé trước đường uống xăng ăn bột rồi đi. Đoạn 12 giờ tạm ghé mé suối ăn ngọ bột nước muối rồi đi, 4 giờ tới làng Tzanhtra. Vào hỏi nhà ngụ, cũng ngụ trong nhà bếp chật hẹp dơ dáy. Họ lo cơm nước, bần đạo cũng làm vui lòng họ, bảo rót một chén xăng ngồi chấm chút lúc họ ăn hồ hào. Đêm nay ngủ ít vì bị bò chét cắn quá. Song trước khi ngủ Samdhen nói, nay ngủ tới 6 giờ mới thức, trà nước rồi sẽ đi, vì đường đi còn 13 cây số ngàn sẽ tới Giăng-sê là nơi đỗ ngụ ít ngày. Choundouss ghé xóm mướn ngựa, sáng sẽ đem tới đây (1 rupee mỗi con và huê hồng mã-tử). – Thầy coi mắc quá. Bữa nay đi 21 cây số, 1 rupee 4 anna. Mai đi có 13 cây số.


    Ngày 15 Juin 1936 – 26-4-â.l.

    6 giờ thức, điểm tâm trà bột. Choundouss và mã tử đã tới, gác yên rồi, lên đường, 10 giờ tới xóm tạm ghé uống xăng, dùng trà, ăn bột. Bần đạo ngọ bột với nước muối ớt. Mười một giờ rưỡi lên đường. Một giờ đã tới Giăng-sê thành, mới bước tới địa phận, thì thấy một cái nhà không nóc (kiểu Tây-tạng) trên có một cây Thánh giá thập tự, quanh tường rào có cây cối sum-sê, cảnh xem sạch sẽ, nhà cửa đẹp đẽ (cũng kiểu Tây-tạng), khi đi qua khỏi đó, tới một cái cầu, khỏi cầu bần đạo hỏi nhà chi, Choundouss bèn nói, đó là nhà của quan Ănglê, mướn đất Tây-tạng ở đó, và quan và kẻ làm việc lối 30 người. Qua khỏi cầu ngó lên đảnh núi, thấy lầu đài, tháp, tường nguy nga, hỏi ra là Trấn-quan-đài, trải qua nhà cửa phố xá, đường đi đều có vẻ sạch hơn các địa phận Tibet đã trải qua, nhưng chẳng sánh sự sạch sẽ nơi Inde-Anglais đặng. Đây, quanh co, đường hẻm phút tới nhà ngụ, mã-tử tại Tzanhtra đi trước hỏi giùm rồi, và chủ gia cũng đã sửa soạn phòng ngụ tử tế. Vào sắp đặt hành lý chỗ ngủ, chỗ ăn an bài, bần đạo nghỉ, họ lo ăn uống. Samdhen trả tiền chở chuyên cho mã-tử Pharijong và mã-tử Tzanhtra, họ dùng xăng rồi về. Tối lại, huynh-đệ họ dùng bột và thịt, bần đạo cứ lệ cũ, một chén xăng chúm chép với họ. Ăn uống rồi, họ luận đạo cùng bần-tăng, nói việc ăn thịt, Samdhen rằng : Thầy không ăn thịt vì ý gì ? – Không ý gì, bần đạo ăn vào đau bụng, bị mổ xẻ, quan thầy cấm. Trước khi mổ xẻ cũng ăn thịt vậy. Samdhen rằng : ở Tibet, chư tăng đều dùng thịt, vì kẻ tu-hành ăn thịt thì loài vật đặng siêu thăng. Bần đạo rằng : Đạo Phật nhị thừa và nhiều pháp môn, tự ý nước nào theo phong tục nước nấy, không sao, tùy hỉ chỗ dùng. Bần đạo muốn nói : Sao không ăn thịt dòng họ : ông bà, cha mẹ, anh em, cho mau siêu thăng ? Song nghĩ vì, nếu nói ra e sanh sự chẳng vui. Bần đạo nói : Phật đạo như đám mưa, chúng sanh như cây, dây, cỏ trong rừng, nhiều hạng, nhiều loại, lúc mưa sà xuống, tùy sức, tùy phận mà rút hưởng nước ấy vân vân… Samdhen nghe qua ngồi trơ và gật đầu, đoạn nói : Phải, phải. Bần đạo bèn tiếp : Vì vậy xin đừng cười kẻ khác môn mình và khác ý mình. Thôi khuya rồi, ngủ. Êm giấc.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #78
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 16 Juin 1936 – 27-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm rồi, cùng chư huynh đệ Samdhen làm đầu, đồng đi xem thành phố, chợ nhóm. Quanh quẹo con đường, trải phố nầy nhà kia quán nọ, phút thấy chùa : cất kiểu Tây-tạng, trên tháp bằng đồng như tháp Népal nhưng nhỏ hơn. Samdhen nói chùa nầy 1000 tăng chúng. Chùa nhỏ hơn chùa tại Lhassa. Bần đạo xem qua, tưởng rằng : nhỏ của nước người, song lớn và đông hơn xứ mình, phút tới chợ nhóm, buôn bán, đồ Anglais có, đồ Tây-tạng có, đồ Népal có, vì có chút ít người Népal đến ngụ tại đây. Lúc đi cũng đã có gặp một, hai người Népali. Xem rồi các nơi buôn bán hai bên lề đường phố và chùa. Bần đạo mua hai cái hộp quẹt (anglais) giá 8 sous Tây-tạng và cải củ giá 18 sous với 12 sous đồ bột cà-ri và 4 sous ớt bột. Bỗng có người lính tuần cảnh tại China đi Lhassa về tới đây, gặp Samdhen mừng rỡ và mời về chỗ ngụ. Samdhen và Choundouss đi, bần đạo không đi, cùng hai người Bhutan xẩn bẩn theo quán chợ nhóm xem, bỗng gặp Issê và Sonnam đến, cùng nhau rảo một chập nữa. Issê bèn rủ đi vòng xem thành phố và về luôn. Lúc đi ngang qua một dãy nhà thấp hẹp, dòm vào tối tăm. Issê bèn nói : đây là nhà hàng Tibet. Đi lần lượt tới Post-office và Hospital civil, kế tới nhà ngụ là 11 giờ. Bước lên lầu thấy Samdhen ngồi trước phòng, Isess bán gạo. Bần đạo vào đơn, xắc củ cải, rồi ăn ngọ bột với lá củ cải chấm nước muối ớt. Còn củ cải rắc muối để dành nấu mai ăn ngọ. Chiều lại họ ăn cơm với nhau, bần đạo chỉ giữ lệ ngọ trung rồi thôi.

    Đoạn tối bàn luận cùng nhau. Samdhen hỏi bần đạo, Quốc độ của thầy niệm Nam mô Buddha, Darma, Sangha rồi thôi sao ? Tôi thường nghe cả thảy chư Bí-sô Ceylon niệm ba bực đó thôi, không như Quốc độ Tibet thường niệm bốn : Nam mô Guru, Buddha, Darma, Sangha. Có vị Bí-sô Burma cãi với tôi, tôi nói : Nếu không có thầy giảng dạy làm sao biết pháp Phật tu hành, nên chi phải niệm Guru là thầy trước. Bần đạo rằng : Phái tiểu-thừa niệm ba ngôi, còn đại thừa niệm bốn ngôi. Phải vậy. Đoạn huỷnh hỏi tôi : Nalanda là nơi chư La-hán tả kinh luật, vậy thầy có nhớ vị nào hội chép kinh luật chăng ? – Bần đạo nói : Nalanda là nơi Darma địa, khi Phật niết bàn rồi thì chư đệ tử nhóm lại tả kinh, luật, luận. Tôn giả Ca-diếp (Kassyapa) ngài Chấp chưởng Tăng già theo lời di chúc của Phật và đặng truyền y bát là bực nhứt tổ (Sơ tổ sư). Ngài nhóm chư La-hán tại Nalanda mà lo chép kinh, thì Ananda nói kinh, Upali nói luật, còn Ca-diếp thì tăng-già. Sau đời vua Asoka thì nhóm tại Patna Kinh đô. Samdhen bèn bảo Choundouss biên vào sổ tên ba vị La-hán tả kinh như lời bần-đạo. Đoạn huỷnh nói : Khi tới Lhassa, tôi sẽ đem thầy ra mắt một vị Đại-đức Bahalama biết đủ thứ tiếng. Ấy là đức Phật-tử Rahula tái sanh. Ôi ! thầy thấy đặng ngài thì thầy sẽ biết, thiệt quang minh tướng mạo, mũi ngay, tai lớn, mắt to sáng suốt như sao. Ngài nghe đủ thứ tiếng, thầy đến ra mắt ngài và nói tiếng Annam rất tiện. Tổ sư sẽ trả lời bằng tiếng nước của thầy và sẽ nói cái trình độ tu hành của thầy và sẽ giáo hóa thầy, còn nhiều vị Bahalama nữa, tôi sẽ đem thầy ra mắt đủ hết. Vì khi thầy còn ở Ghoom, lúc ra mắt Bahalama Dromo Gheshay, thì ngài có bảo tôi, khi đến Lhassa phải đem thầy viếng cả thảy chùa và ra mắt cả thảy chư Bahalama và đức Quốc Vương Tây-tạng.

    Bần đạo nghe qua bèn chấp tay nói cám ơn Đại-đức Bahalama Ghoom và huynh. Lúc còn ở Bodh Gaya thì tôi có ra mắt ngài và huynh có thuật việc tôi muốn đi Tây-tạng, thì ngài có nói : Đặng lắm và đi không khó nhọc chướng ngại chi cả. Lời tiên tri ấy, đến nay cũng y nguyên. Đoạn huynh đệ nghỉ.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #79
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 17 Juin 1936 – 28-4-â.l.

    Nhựt thường lệ, sớm điểm tâm trà bột, đoạn mượn cối đâm bột cà-ri. Lúc ấy Samdhen rủ bữa nay đi ăn nhà hàng Tibet. Bần đạo nói : Đã lâu không dùng cà-ri, hôm qua đã có mua củ cải, vậy bữa nay tôi ăn cà-ri và cơm. Huỷnh nghe qua hối Isess nấu cơm cho tôi dùng ngọ. Isess nói mới có 8 giờ rưỡi, vậy để một lát sẽ nấu. Bần đạo đâm rồi bột cà-ri, bèn lấy cải củ trộn bột cà-ri rồi đem xuống bếp nấu, nấu rồi thì Isess nấu cơm giùm. Mười giờ thì huynh đệ họ kéo nhau đi hết, chỉ có một bần đạo ở nhà lo cơm ngọ, cơm và đồ ăn đã sẵn rồi. Mười một giờ huynh đệ họ về, thì bần đạo đương ăn ngọ. Lúc ấy có một vị Lama là người đồng xứ cùng Samdhen đến thăm, đãi xăng, họ ăn thịt sống uống xăng, đàm đạo vui vẻ cùng nhau, bần đạo chỉ tùy hỉ. Đến chiều họ rã tiệc xăng, thì Lama khách kiếu về. Samdhen kỉnh hai mủng(1) gạo và cốm dẹp. Isess bưng đồ đưa về. Đoạn tối lại, Lama khách và Isess trở lại, người có xin phép Bahalama ở đêm với Samdhen, nên trở lại bèn xuất tiền mua xăng đãi nội bọn, cùng nhau họ uống xăng tới 8 giờ rồi ăn cơm, cơm rồi uống xăng nữa tới 9 giờ rưỡi bãi tiệc ngủ. Bần đạo cũng vui lòng cầm chừng với họ chút đỉnh xăng. Người thợ dệt cũng dưng xăng, cô chủ nhà cũng dưng xăng, làm cho Choundouss và Issê say mèm.


    Ngày 18 Juin 1936 – 29-4-â.l.

    Không chi lạ, sáng thức, trời mưa hồi khuya cho tới sáng còn rỉ rả, bần đạo đi tiêu vào thẳng xuống nhà bếp múc nước rửa mặt, song hết nước. Đến 8 giờ mới có nước, nhưng nước đục như nước cơm vo ban đầu, rửa mặt rồi vào liêu điểm tâm cùng họ, họ mời ăn bánh canh thịt. Samdhen nài ép mấy lần, bần đạo chỉ từ chối, cứ nhồi bột ăn lạt vậy, cứ nói ăn thịt đau bụng, nên từ quyết. Đoạn tới ngọ, không cơm, không bột, chỉ có một chén đậu nành rang của cô chủ gia hộ, tiện việc bần đạo bèn dùng nó ăn ngọ. Các huỷnh đã ăn Thúc bá hồi 9 giờ nên không ăn ngọ. Đến chiều 3 giờ thấy huynh Samdhen bảo cô chủ mua beurre giùm và huỷnh bảo huynh đệ xúc gạo một mủng và nửa bẹ sườn dê khô đặng đem dưng vào chùa. Còn mua bánh trái đường bột, lo làm cỗ đặng mai cúng dường tại điện Phật của cô chủ nhà. Huỷnh nói : Ngày mai mùng một, nên lo cúng vía. Bần đạo liền hoan hỉ bèn lấy một tấm giấy bạc Tây-tạng thứ 2 rupee ănglê trao cho huỷnh và nói : xin cho tôi hùn cúng 1 R tại chùa và 1 R tại nhà. Huỷnh tiếp lấy và nói : Tốt lắm, vậy mai đi vào chùa cúng dường. Đoạn chiều lại 4 giờ rưỡi, có lama đồng hương với Samdhen đi với một vị lama nhỏ đến viếng. Samdhen bèn đãi xăng, uống vừa tất một hồ xăng, thì Samdhen cậy đi với Isess đem lễ vật cúng dường vào chùa. Hai người đi ước vài giờ trở lại cùng nhau nhậu xăng, ca hát với nhau đến 8 giờ, họ ăn cơm cùng nhau, Samdhen nói ngày mai không cơm, bột ngọ chi hết, vậy thầy nên dùng chút ít cơm cùng anh em tôi. – Tôi ăn đậu nành rang còn no, chư vị dùng, để tôi dùng xăng cho ấm. Đoạn họ ăn cơm rồi còn uống xăng nữa tới 9 giờ mãn tiệc, ngủ, hai vị lama khách cũng ngủ tại phòng cùng huynh đệ.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #80
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 19 Juin 1936 – mùng 1-5-â.l.

    Sáng thức sớm rửa mặt mày, đắp y rồi cùng huynh đệ, có hai huynh Khampa cũng đồng vào điện Phật, tại nhà ngụ và cúng dường và nhậu trà theo cách Tây-tạng. Họ làm cách hữu vi theo họ, còn bần đạo chỉ tụng kinh Pháp-hoa. Từ 6 giờ cho tới 9 giờ rồi sự cúng dường. Thì cô chủ đem Thúc bá thịt (bánh canh thịt) vào dưng mỗi người một chén kiểu và một chén bột trộn đường, có một mủng bột cổ và chư vật cúng dường. Bần đạo mượn Samdhen nhồi bột ăn với nước trà, còn chén bánh canh thịt thì cô chủ bưng đi sớt cho mấy huynh. Rồi việc ra sửa soạn 10 giờ rưỡi đi vào chùa, khi đến liêu Lama đồng xứ, thì tạm đó uống trà, một chập có một vị Lama bước vào, ai nấy đồng đứng dậy.

    Ngài vào liêu riêng rồi ra cũng ngồi chung đơn uống trà. Thì Samdhen nói, lama nầy là Bahalama ở chùa nầy cũng đồng xứ cùng tôi. Đoạn 11 giờ rưỡi dưng mỗi người một bát cơm. Tôi cùng Samdhen cơm đường với nho khô, còn chư huynh đệ thì cơm và đồ mặn. Ăn rồi dùng một chập trà nữa, đoạn hai vị lama chủ dẫn huynh đệ vào chùa, trước vào chùa thiền, rộng lớn, thờ Phật Thích-ca và chư Tổ-sư, đoạn lên từng trên, mỗi chỗ đều có cúng chút ít tiền và nhang. Hết chùa thiền qua Tháp sáu từng, dẫn lên tới chóp tháp thì bết cẳng, thở ra khói. Khi đến chót đứng nghỉ một chập vào điện chánh lễ bái, lần hồi trở xuống từ từng, mỗi từng đi nhiễu hữu và lễ bái mỗi điện, xuống tới dưới chót thì đếm là 108 điện, thờ đủ chư Phật, Lịch-đại-tổ-sư và chư lama-tổ, còn nhiều điện nữa, nhưng cùng nhau kéo về tới nhà ngụ là 2 giờ.

    Samdhen 4 giờ đi thăm danh tộc và cậy mướn ngựa. Lúc trở về nói xong việc ngựa rồi. Khi tối lại hỏi thăm Choundouss những cốt Phật, cốt Tổ-sư Lama cao lớn trong chùa bằng cây phải chăng ? – Không phải. Cả thảy bằng đồng. – Bần đạo hỏi nữa : Chớ không có cốt nào bằng đất đắp như bên Bhutan mà chúng ta đã ngó thấy vậy sao ? – Huỷnh rằng : Không có, lớn nhỏ toàn là đồng cả. Ôi ! nghĩ cho nhiều cốt Phật cao lớn đôi ba thước tây, còn riêng có một cốt Tổ-sư Lama ngồi đụng nóc chùa, cao có bốn thước tây, nếu là bằng đồng thì nặng biết bao nhiêu, chắc là đúc bộng… Kế lúc gần ngủ Samdhen rằng : Mơi mai có bốn ngựa chở đồ và Issê, Isess với hai huynh Khampa đi trước, mốt có bốn con ngựa, tôi, thầy, Choundouss và Sonnam đi sau. Vậy mơi thức sớm, gói cả hành lý của thầy chừa đồ ngủ gác yên ngựa như mọi lần đủ ngủ ấm thôi. Đoạn ngủ.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •