DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 4/20 ĐầuĐầu ... 2345614 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 31 tới 40 của 191
  1. #31
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 30 Janvier 1936 – mùng 7 tháng giêng âm-lịch.

    3 giờ sáng ngày 30 có xe ; tới giờ thức dậy, lên xe đi tới gare Sagauli là 6 giờ mơi. Đổi xe, xuống điểm tâm quấy-quá, lối 7 giờ mơi lên xe chạy đến gare Raxaul (gare giáp ranh Népal, gare về Ăng-lê, chợ về phần địa Népal). Chín giờ mơi, xuống xe ra cửa gare trình và trả giấy xe. Quảy gói lội bộ ba cây số ngàn tới trạm Dhamasala Raxaul đỗ ngụ, ăn trưa rồi, ngủ một đêm.

    Ngày 31 Janvier 1936 – mùng 8-1 âm-lịch.

    Sáng ăn bột xú, uống trà xong, 5 giờ quảy gói lội bộ chừng ba cây số ngàn tới gare Birganj. Ải địa đầu nước Niếp-ba-lê. Có quan lại sở Thông-hành tại gare, xin passeport nhập cảng. Ba sư Lama dễ xin, nói tên biên rồi, tới bần đạo và vị Phước-kiến bị hạch hỏi, tiểu thơ lại không dám cho, phải đợi ông Radgia đến sẽ tâu. Đợi một chập, Ngài trấn ải nguyên nhung đến hạch hỏi, bần đạo trao thơ Mahabodhi hội và khai ở xứ Ceylon qua ở tại Sarnath Bénarès Bồ-đề hội tu hành. Ngài nghi là người Nhựt-bổn, nên tra hỏi gạn-gùng từ lời, dùng-dằng không chịu cho đi. Bần-đạo bủn-rủn, đạo-hữu Phước-kiến cũng vậy, đứng sững niệm Phật. Chập lâu, bần-đạo bước lại gần thi lễ và trăm tiếng Ăng-lê với ngài, vì ngài có học, năn nỉ xin cho đi viếng Thánh-địa lễ bái, cúng dường ba ngày sẽ trở về Ba-la-nại. Ngài biết tiếng Ăng-lê giỏi, bần dùng giây lát, rốt lại thuận tình vì ngài ngó bộ pháp-phục bèn động lòng cung kính. Ngài hiệp-chưởng(1) xá rồi nói : Tôi cho thầy đi, bèn nói với thơ lại biên tên họ, cho thông hành. Mừng hạnh phúc, lấy giấy thông hành rồi mới mua giấy xe lửa đặng. Mỗi người mua giấy xe đều phải trình giấy thông-hành bất kỳ ngoại-quốc hay nội ban Ấn-độ. Đạo-hữu Losang lo góp tiền mua giấy xe lửa đi Amlekhganj, giá 11 annas mỗi vị. Rủi, giấy xe mua rồi mà thông hành ký tên đóng dấu không kịp, xe lửa đã xúp-lê chạy, nên đạo-hữu Losang phải ở lại lấy thông hành, chỉ có bốn người đi trước. Không dè sự trễ ấy tại không có lo huê-hồng.

    Xe trải qua truông(2) và cách bốn, năm gare mới tới gare Amlekhganj là gare chót, hết đường hỏa xa, là 11 giờ rưỡi sáng, ăn ngủ tại gare một đêm đặng đợi xe mai, bạn Losang đến hiệp nhau đi.

    Ngày 1er Février 1936 – mùng 9-1 âm-lịch.

    Sáng điểm tâm, bốn anh em lo nấu cơm, nấu trà chờ đạo-hữu tới. Đúng 11 giờ rưỡi, xe tới. Đón bạn, anh em mừng nhau, bày cơm nước, ăn ngọ xong, đồng lên xe hơi camion đi Bambiti Dramsola. Xe nầy chở gạo mỗi bộ hành giá 1 rupee. Xe chạy theo triền núi, trải qua biết bao đèo ải, núi tứ giăng. Ban đầu núi đá hòn, đá khối, xem phong cảnh nào sơn nào thủy mỹ-lệ, có cây tòng đầy núi, có thác nước, có dây thép treo để chở lương phạn qua mấy cái ải sâu. Qua ba bốn cái trạm police nhỏ, tra xét, trình thông hành. Rồi tới cái hang quan ải một cây số ngàn, tới đây xe đậu góp tiền xe và trình thông hành rồi mới thổi kèn mở cửa hang cho xe qua. Xe chạy đến trạm Bambiti 5 giờ chiều. Bambiti Dramsola là nơi cùng đường xe hơi (biệt-lộ xa). Xuống xe vào Dramsola, nấu trà uống, ngủ.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #32
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 2 Février 1936 – mùng 10-1 âm-lịch.

    4 giờ sáng, quảy hành lý đi, lên đèo xuống ải, trống bụng qua non, miệng phà ra khói, lạnh tê tái tay chưn, mũi thở ra tiếng, trống ngực ầm-ì, mệt ngất. Ngó quanh Hi-mã-lạp bao giăng, chập chùng cao thấp, tòng reo, nước khải, gió đưa sương, mặt trời đứng bóng, tạm nghỉ ăn bột xú đỡ lòng, rồi cứ việc đi hoài, phút tới ải thứ tư là Chisubani (sở douane) là 4 giờ chiều. Ải nầy có quan Thương chánh và sở mật thám nên khó lắm. Quan sở Thương chánh tra xét hành lý, móc túi, lục lưng, xong cho lại trình Quốc Vương thông hành. Ải quan tra hạch gắt gao, lính bồng súng châm lưỡi lê lườm lườm đợi lịnh. Xuôi xếp, thâu thông hành xong rồi cho đi. Đi một đỗi hai ngàn thước, có hồ nước, nghỉ nấu cơm ăn quấy quá, rồi quảy gói đi nữa. Bảy giờ tối tới trạm Chitilăng, cùng nhau đỗ ngụ, nấu trà uống, ngủ mê man, quên mỏi mệt.

    Ngày 3 Février 1936 – 11-1 âm-lịch.

    4 giờ sáng, quảy gói đi, từ đây bớt cực, đường xuống dốc phần nhiều, nước non mãn nhãn, tòng bá reo đờn, chim ca rước khách. 11 giờ tới ngọ, ghé quán điểm tâm, quảy gói đi tới trạm Patry có sở police đóng, hỏi tên họ, biên rồi cho đi. Trên núi dòm đã thấy kinh đô Népal, thấy tháp chùa. Đi riết 3 giờ chiều mới tới Simbu-tháp. Tháp đồng Sư-tử phật tháp, lớn cao, trên đảnh núi (đá hòn). Vào đó, tẩy uế, lễ Phật, nhiễu tháp, lo nấu ăn, xong rồi ngủ, mỏi mê gân cốt, vùi vẫn ngủ-ì.


    Bảo Tháp Swayambhunath Thiêng Liêng của Nepal

    Ngài Nhẫn Tế gọi là Sư-tử tháp.(1) vì có đôi sư tử ở cổng vào:








    Om Mani Padme Hum !

  3. #33
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 4 Février 1936 – ngày 12-1 âm-lịch.

    Từ hôm mùng 6 tháng Giêng Annam, bần-tăng khởi đi viếng nước Népali tại Hi-mã-lạp-sơn (Phạn ngữ : Népal Himalaya). Vừa đi xe lửa, xe hơi, đi bộ (vì không có đường xe) trọn là sáu ngày đường, từ lên núi Hi-mã thẳng tới xứ Népal. Đường đi gay go lắm, núi nầy cao hơn các núi, trèo non, lên đèo, xuống ải, đầu non tuyết đóng như vôi, giải dọc giải ngang không biết mấy trăm mà kể. Tuyết sa ngập cẳng, lạnh thấu ruột non. Cực khổ, đói cơm khát nước không sợ, chỉ có qua 6 trạm ải, quan binh tra xét gắt gao, nhứt là ải địa đầu và ải thứ tư.

    Bữa nay nhập thành rồi, thong thả, sớm mơi thức dậy 5 giờ, rửa ráy lễ Phật, nhiễu Sư-tử tháp (Phạn ngữ : Simbu-Nath). Ấy là tiền kiếp Phật chuyển thân Sư-tử tại đồng nội nầy. Tháp cao lớn lắm : 13 từng, chót bằng đồng đỏ. Cách tháp nầy, chừng 10 cây số, đi bộ một buổi tới tháp Bouddha-Nath, cái tháp nầy cũng to lớn, chót đồng, không chùa. Nhiều Lama đến cúng, hỏi thăm đại-đức thì kiếp xưa Phật sanh làm thái-tử tại thành nầy, xưa là Kinh-đô. Bần tăng lễ Phật xong, từ giã đi qua Radjagrir tự, có bọn Lama sư đã ngồi bao trước chùa tụng kinh, vào bửu-điện lễ Phật xong ra nhiễu chư Lama tăng niệm Phật. Rồi việc, có một vị Népali Bikku đến chào mời vào tợ ngồi xong, có bốn ni-cô ra đảnh lễ và cư sĩ nữ-nam dưng vật thực và cầu bần đạo ở lại ít ngày. Thương ôi ! Bất như chúng nguyện, bần tăng từ chối vì ít ngày giờ rồi từ giã qua viếng chùa kinh-đô Buddha-mơti. Lúc đi ra chùa kinh-đô, thì có trải sang thành phố, xem cảnh vật cũng lớn lao không thua gì Bénarès. Bần đạo lễ Phật xem cảnh xong từ giã qua Cổ tháp (toàn bằng đá) lễ bái rồi từ giã trở lại Bouddha-Nath tháp (tháp đồng). Còn tháp to thứ ba là tháp Nam-mô-phật-đà (Phạn ngữ : Nam-mô Bouddha) cao lớn 13 từng, chót cũng bằng đồng. Hỏi ra là rừng Trúc-lâm, chỗ núi đó, kiếp trước Phật hiến thân cho cọp cái ăn cho có sữa nuôi con. Bần tăng có tụng kinh Kim-quang-minh nên biết tích nầy, lúc ấy, Phật làm thái tử thứ ba danh là Bồ-đề-tát-đỏa, vì ít ngày giờ bần tăng không đi viếng được (đi bộ hai ngày mới tới). Toàn xứ Népal có ba tháp lớn và tốt đẹp.

    Trong khi đi lễ Tháp, bần-tăng thấy hàng trăm, hàng ngàn tăng, tục đến lễ bái, mà phần đông toàn là người xứ Tây-tạng và Bửu-tạng, còn bao nhiêu là người Népali.

    Tại Bouddha-Nath tháp, huynh Losang mướn nhà ngụ ở lại ba ngày. Mỗi vị đóng 4 annas. Sắp đặt ăn uống xong là ba, bốn giờ chiều.



    Một góc Tháp thiêng Buddha Nath tại Nepal



    Bảo tháp Boudhanath có màu trắng nổi bật cao 36m với kiến trúc hình bán cầu



    Bảo tháp Boudhanath nhìn từ xa

    Om Mani Padme Hum !

  4. #34
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Chiều lại, Lama Losang bảo bần tăng sắm lễ vật đặng ra mắt đức Thượng-tọa-quản-tháp. Nghe lời, bần tăng đến nơi dâng lễ vật và đảnh lễ ngài, nhưng ngài Thượng-tọa thấy bần-tăng đầu bạc và có đắp y Phật nên ngài đỡ tay không cho bần-tăng đảnh lễ. Ngài mời bần-tăng ngồi. Ngài nói tiếng Hindou cũng giỏi mà Ăng-lê cũng khá, ngài hỏi thăm bần-tăng là người xứ nào ? Bần tăng vừa trả lời xong, kế huynh Losang bước lại làm lễ Thượng-tọa đặng xin phép nhập điện-trung mà lễ Phật và mời bần đạo đi theo. Vào đến nơi, bần tăng không thấy Phật tượng, chỉ thấy một hàng bửu-bình bằng pha-lê đủ màu sắp trên đó, vị Thượng-tọa thắp nhang đèn lên cho huynh-đệ lễ-bái, rồi ngài dẫn huynh-đệ đi thẳng xuống giảng đường. Vui miệng, bần tăng bèn đứng dậy chấp tay hỏi bằng tiếng Hindou rằng : Bạch ngài, khi nãy huynh Losang nói với tôi rằng : lên lễ Phật, mà sao vào điện ấy không thấy cốt Phật, lại chỉ có một hàng bửu-bình (giống cái lục bình chưng bông của xứ mình, nhưng có nắp) để trên bàn đại điện mà thôi ? (Đây là bần-tăng có lòng nghi là tháp của chư vị tu hành xứ ấy, vì tục của xứ nầy : chết thì thiêu, rồi lấy tro bỏ vào bình mà ký trong tháp, hoặc có người giàu sang có cúng tiền cũng đem ký trong tháp, theo như Cao-miên và Xiêm.)

    Ngài nghe bần tăng nói, bèn trả lời rằng : Đó là bình Xá-lợi của Phật Thích-ca, thầy mà lễ đặng món ấy cũng như chơn Phật thân, thì có cần chi tượng cốt giả. Nghe qua, bần tăng chưng hửng. Chập lâu bèn thưa : Nghe rằng xưa kia Xá-lợi đã phân từ bửu-bình, chia mỗi tháp một bình, mà đây sao lại nhiều bình ? Ngài rằng : Phải, nhưng duyên cớ ấy có lẽ ông cũng hiểu, vì ông là Thích-tử, lựa hỏi tôi làm chi ? Bần-tăng chấp tay bạch rằng : Ở Annam qua tới xứ nầy là thiên sơn vạn hải, thì có đâu đặng rõ biết duyên cớ ấy, xin ngài hoan-hỉ. Đoạn ngài dẫn tích : xưa thì Xá-lợi Phật tổ ở tại tháp Niết-bàn (Cu-thi-na-quốc), lúc binh Ăng-lê náo loạn thì Tổ-sư bèn dời qua nước Niếp-ba-lê, thờ tại Sư-tử Phật tháp. Từ khi ngoại-đạo thạnh hành thì Phật đạo đã qua thời kỳ mạt pháp. Ông qua tới Trung-thiên-trước, ông có thấy những tháp-tự tiêu tan hư-sập chăng ? – Thưa, có thấy. – À, là vậy đó, vì vậy mà chư tiền Tổ-sư mới thâu bình trong các tháp bị phá hoại mà đem về xứ nầy, ký vào Bồ-tát tháp đây. Vì xứ nầy ở trên Hi-mã-lạp-sơn nên ngoại-đạo đi không tới, và nhờ người ngoại đạo không ưa dùng đồ cổ tích của Phật, nên mới còn đó cho chư tiền Tổ-sư di về đây nhiều bửu-bình như thế. Lại một lần nữa, Ấn-độ bị giặc Ăng-lê thì chư tiền Tổ cũng sợ trước, vì rằng Ăng-lê là đạo Thiên-chúa, nên lo di qua đây là lần thứ hai. Bần-tăng giữ Tháp nầy là truyền tử lưu tôn, đến nay là sáu đời trong dòng họ. Chuyện vãn xong, bần tăng xin kiếu về chỗ ngụ, trầm tư mặc tưởng rằng : Từ ngày xuất gia, tụng niệm chư kinh thì chỉ nghe hai chữ Xá-lợi, chớ chưa từng thấy. Ngày nay có hạnh đặng lễ bái, nhưng mắt chưa đặng thấy… Cả đêm thổn thức.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #35
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 5 Février 1936 – 13-1 âm-lịch.

    Sáng ra bần-tăng kêu huynh Losang mà nói rằng : “Tôi muốn vào lễ Xá-lợi một lần nữa.” Losang le lưỡi rằng : Chỗ ấy khó vào, chỉ cho vào một lần mà thôi, nếu muốn đi nữa thì phải sắm lễ khác. – Đặng, bần-tăng liền đưa tiền 5 rupee cho huynh Losang đi ra tiệm sắm lễ, vì huynh nầy thạo. Tám giờ, tùng theo Losang, bần tăng đi thẳng vào Thượng-tọa, phô bày lễ-vật và trần-tỏ như trên. Hạnh phúc thay, ngài hoan-hỉ đem lễ-vật lên tháp. Bần tăng vào lễ rồi thì bạch với ngài rằng : Xa xuôi(1) đi đến, xin ngài hoan-hỉ cho xem Xá-lợi, đặng chăng ? – Ngài không trả lời liền, tuồng suy nghĩ chập lâu, rồi nói : Vì cái công-đức xa xuôi ấy mà buộc tôi phải tẩy-tịnh hai tay rồi sẽ dở nắp bình cho thầy xem. Nói rồi, ngài lại lư hương xòe hai bàn tay, hơ trên khói và tụng thần chú rồi đi thẳng lại bàn rê bình xuống. Huynh Losang cầm cây đèn bạch lạp lại rọi (vì trong tháp tối tăm). Ngài dở nắp bình, bần tăng lấy kiếng đeo lên, dòm tận vào miệng bình, thấy hình như hột cải, nhưng tiếc vì thấy không đặng rõ lắm, bởi vì cái bình thì sâu mà bằng pha-lê màu lục, nên thấy không rõ màu Xá-lợi thế nào, bị màu pha-lê chói vào nên xem hột Xá-lợi cũng màu lục. Ngài đậy nắp bình, bần tăng lễ bái rồi kiếu về luôn.

    Bần-tăng về cả ngày buồn-bã, bữa ngọ biếng ăn. Cái tham tâm đã dậy động và nghĩ rằng : Mình đi, mình thấy, mình đặng lễ bái, mà ngặt một điều là : thương thầy Bổn-sư, tuổi đã cao mà công cũng cao trong nền đạo hạnh, nhưng không đặng thấy và lễ bái. Trọn ngày đêm van-vái vọng tưởng đức Như-lai, xin thương Nam-Việt chư Thích-tử và chúng sanh xui sao cho đệ-tử cầu đặng chút phần Xá-lợi đem về nước Nam (đó là cái tham tâm nó lộ là vậy : đã lễ bái được rồi muốn thấy, thấy rồi lại muốn cho có đặng đem về xứ mà chia phước với chư tăng và bá tánh).

    Chiều, bần đạo rảo bước, nhiễu tháp, viếng phố phường quốc độ. Lúc đi vào phố mua một xâu chuỗi trường Kim Cang, phút gặp một vị xưng rằng Heat-Lama, chủ tự hai cảnh tháp lớn. Bần đạo mượn mua hình tháp và đổi giùm bạc Népali. Người mời lên lầu phòng hầu chuyện. Mới biết hai tháp đầu (Sư-tử tháp và Bouddha-Nath tháp) có Xá-lợi Phật tổ, bần đạo lễ bái cúng dường rồi trần tỏ phương xa đến cầu Xá-lợi. Bần đạo nói tiếng Ấn-độ với ông chủ-tự, vì từ thành Calcutta đổ lên miền Bắc nước Ấn-độ là dân Hindou, đại đức chủ-tự hoan-hỉ cho thỉnh chút-ít viên bạch Xá-lợi và nói rằng : ai nuốt một viên Xá-lợi chết không sa Địa-ngục. Kẻ giàu có đàn-na hằng đến thỉnh. Trời gần tối, bần đạo kiếu về chỗ ngụ, và thuật lại việc ấy cho chúng đạo hữu nghe. Rồi cùng nhau đi ra mắt vị chủ-tự ấy. Bần đạo, Losang và Phước-kiến ba người đồng đi, hai vị Lama kia ở lại giữ đồ.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #36
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 6 Février 1936 – ngày 14-1 âm-lịch.

    Sáng lại, bần tăng đi một mình thơ thẩn vào phường. Thấy những món mà huynh Losang mua sắm lễ vật khi qua, bèn nghĩ rằng : Mình nên sắm bằng hai bằng ba hôm qua, rồi vào một mình ra mắt Thượng-tọa.

    Nghĩ vậy, rồi bần tăng liền móc tiền ra mua đủ lễ-vật chất vào giỏ xách (của tiệm có treo bán sẵn). Tiền tính 15 rupee. Trả xong, bần tăng đem lễ-vật vào thăm Thượng-tọa. Cũng y như hôm qua. Thượng-tọa mời ngồi, đàm đạo, uống nước xong ngài bèn mời bần-tăng đi đem lễ-vật lên tháp cúng dường. Bần-tăng rằng : Bạch ngài, đã hai bữa cúng dường rồi, thì nay cái lễ nầy là lễ tôi ra mắt ngài và xin ngài thương tình thâu dụng thì tôi có phước lắm, chớ không phải lễ cúng dường, vì không có nhang đèn. Ngài xem lại, y như vậy, bèn nói : Đường xá xa xuôi, thầy đã tốn công và của mà đến đây cúng dường cũng là nhiều rồi, còn mua chi nữa cho tốn hao quá lẽ. Bần-tăng rằng : Theo phép con nhà Thích-tử thì phải vậy, ngài là bực Thượng-tọa đại-thừa, mà tôi đây cũng hành đại thừa đạo. Ngài nói : Sao lại thấy đắp y theo xứ Sinnalese (là Colombo) và Burma (là Birmanie) làm cho tôi tưởng thầy là phái tiểu-thừa. Đoạn bần-tăng thuật việc đi tới xứ người phải tùy phong tục, ấy là luật hành Bồ-tát đạo, phải chìu chúng sanh thân, ngữ, ý. Ngài nghe qua thì có vẻ cung kính hơn hai ngày trước và lúc mới vào nãy giờ. Đoạn bần-tăng xin ngài nhậm lễ ra mắt, ngài ái ngại quá lẽ, bị nài-nỉ đôi ba phen, ngài đành phải kêu đạo nhỏ thâu lễ ấy. Đoạn ngài hỏi thăm cách hành đạo nơi Nam-Việt thế nào, thì bần-tăng nói sơ lược cái pháp yếu. Ngài có vẻ vui mừng và phục lắm. Đoạn ngài nói : Đức bổn sư của thầy có lẽ cũng già lắm, vì thầy đã bạc đầu. – Thưa phải. Thầy tôi nay đã già, xuất gia từ lúc nhỏ, tụng niệm Pháp-hoa kinh. Ngài nghe qua khen tặng, nhưng bần đạo không tỏ vẻ vui và nói rằng : Tuy tu lâu mà không trọn, vì lý có mà sự không, nên tôi buồn quá. Bần tăng bèn nói : Vậy ngài không rõ sao ? Vì thầy của tôi hiểu lý kinh mà tu đó là lý, mà không đặng thấy Xá-lợi mà đảnh lễ cúng dường cầu phước cho chúng sanh đó là sự. Nói rồi bần-tăng bèn sụp xuống đảnh lễ ngài. Ngài lật đật cũng tuột xuống mà đỡ lấy đầu của tôi và nói : Nếu thầy làm như vầy thì tôi không vui, vì công-đức tu-hành của thầy rất dày, lễ vậy tôi mất hết phước. Tôi bèn chấp tay xin ngài hoan-hỉ cho thỉnh chút ít đem về, trước cho thầy tôi và chư Thích-tử đặng lễ bái và trông thấy, sau là chúng sanh nơi ấy cũng đồng chia đặng phước lành. Ngài là Thích-tử đại-thừa thì tự ngài đã biết việc ấy. – Ngài ngẩn ngơ đôi lát, bèn nói : “Sự ấy khó vưng, vì ngài cũng rõ Xá-lợi là vật báu nhà Phật đạo, sáu đời hằng giữ chỗ nầy, chưa có ai có đặng hồng phúc ấy. Nếu Quốc Vương rõ đặng thì cũng quở tôi, tuy ngài là đạo Hindou.”

    Bần-tăng nghe qua bèn rưng nước mắt, sững sờ chập lâu, đảnh lễ ngài nữa, ngài cũng đỡ lên và nói : Ngày nay tôi rối tâm quá, không biết tính sao. Bần-tăng lễ nữa, ngài đỡ nữa và nói : Thôi thôi, vì đạo đức của thầy, vì công đức khổ hạnh của thầy và vì chúng sanh, dầu tôi có bị khổ sau khi dâng cho thầy chút đỉnh Xá-lợi, thì tôi cũng cam tâm.

    Ôi ! nghe qua đường bịnh hấp hối mà gặp thuốc hồi-dương, nên lễ nữa, ngài đỡ nữa rồi nắm tay kéo thẳng vào Đại-điện, lầy chìa khóa mở cửa tháp, vào vọng bái, quì lạy, rồi đứng dậy nói rằng : Nhơn duyên bao nhiêu thì đặng bấy nhiêu, tôi không biết. Nói rồi bưng bửu-bình xuống, bảo bần-tăng lấy một cái khăn vải vàng của Bổn-đạo cúng trên điện, để trên đầu, trải ra, ngài trút cả bình trên khăn, thì nghe như có chút ít rớt vào khăn. Dở bình lên, bần tăng bèn túm khăn, rồi lễ bái đi ra. Ngài căn dặn : Cẩn thận, rồi ngài đưa ra cửa. Bần đạo kiếu luôn về chỗ ngụ đặng dùng bữa ngọ, lòng mừng khấp khởi.



    Xá Lợi Phật Thích Ca.
    Nhẫn Tế thiền sư là người Việt Nam đầu tiên thỉnh được Xá lợi Phật

    Chiều lại, bần đạo nhớ đến vị Heat-Lama, hôm qua chỉ có Losang Lama và Phước-kiến dưng lễ vật ra mắt, bần đạo không biết nên không sắm trước. Bữa nay mới đi mua chút ít bánh trái đựng vào hộp alumium(1) dưng luôn cho ngài, vì người đối đãi rất tử tế hơn mọi người và nói : Tôi hằng ưa và kính mến chư vị Bikku.

    Cả thảy người Tibetain đều tùng phục, vì người cho thông hành xuất ngoại, nếu không có cũng khó bề ra khỏi ải.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #37
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 7 Février 1936 – ngày 15-1 âm-lịch.

    Sáng ra, bần đạo hối huynh Losang đi về Phật-đà-gia. Bần đạo và hai vị trước đó (Losang Lama và Phước-kiến) đồng đến từ kiếu Tự-chủ. Hôm qua, 6 tháng 2 đã lấy giấy thông hành. Bữa nay bần đạo còn xin ghi passe-port riêng của mình. Tội nghiệp, người cũng vui lòng y thử. Có xe hơi camion, song giá mắc quá, Losang đạo hữu không chịu đi. Ba anh em về, còn hai vị lama kia ở lại và về Tây-tạng ngõ khác. Từ biệt nhau xong, vị Losang Kompo đưa đi tới giáp ranh kinh đô rồi trở lại.

    Thẳng đến Kinh đô thì nhà vị Lama chủ, tên Darma-sạp, ra mắt tiểu chủ cho phòng ngủ. Sắp đặt hành lý, rồi kéo nhau ra mắt Đại chủ. Ông đã 120 tuổi mà còn sõi như người 70, 80, ngồi trong giường, bần đạo đến chào (cụng đầu), rồi xin ngài ghi Thông-hành. Chuyện vãn một chập, thì thấy người bưng một mâm lễ vật, bánh mứt và nếp dẹp, trà để trước mặt bần đạo, trên tợ nhỏ, rót trà Tây-tạng mời, gọi lễ tiếp cúng Tì Khưu, vì ngài là Hội-viên thay mặt hội Đại-bồ-đề trong nước Népal, ngài hằng xem kinh, nên biết trọng người tu hành. Rồi bảo người nhà bưng sang qua phòng, để trên tợ chỗ bần-đạo nghỉ, chỉ một bần-đạo có tợ mà thôi. Ba anh em ăn uống xong, lo nấu cơm rồi đi ngủ.


    Ngày 8 Février 1936 – ngày 16-1 âm-lịch.

    Sáng 5 giờ thức dậy, điểm tâm cơm đã nấu hôm qua, rồi quảy gói đi từ giã và cám ơn chủ gia nhỏ, còn ngài già cả, sớm quá chưa thức.

    7 giờ, quảy gói đi tới ải kinh đô hoàn môn Dram-sola Patry là 11 giờ trưa. Trình giấy passeport de retour(1) ở poste police rồi đi tới nữa tới trạm Dramsola Tichilang 4 giờ chiều, còn sớm đi một đỗi nữa phải trời mưa tuyết, nên rán gấp bước tìm quán đỗ ngụ 6 giờ. Gặp quán, ngủ nhờ, lo nấu ăn rồi ngủ.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #38
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 9 Février 1936 – ngày 17-1 âm-lịch.

    Sáng 4 giờ thức dậy, quảy gói đi riết tới ải Chisu-bani (Douane), trình thông hành. Quan ải thâu thông hành retour, rồi cho thông hành Quốc-gia. Sang qua phòng việc xuất-cảng đóng 3 anna thuế (đã vậy, cũng còn tra hạch ; nước nào ?, tu ở đâu ?, lăng xăng).

    Xuôi xếp, đi riết tới 10 giờ đã đến trạm Dramsola Bambiti (biệt lộ ải). Đi hay, không bằng may đò, phước gặp xe hơi, giá cả tính xong, lo mua vật thực chút ít ăn uống, rồi lên xe hơi đi cũng 1 rupee mỗi vị. Xe hơi chạy đến gara Amlekhganj 12 giờ rưỡi. Xuống xe, mua vật thực ăn thêm chút ít, nghỉ chờ chuyến xe lửa 8 giờ chiều.

    Đây nhắc lúc hôm qua ngủ tại quán, khuya lối một, hai giờ mưa tuyết lớn quá, sáng đi thì tuyết xuống lấp đường, ngó đảnh như tô vôi, lạnh tê tái thấu ruột non. Từ mẹ đẻ tới nay, 48 tuổi mới biết tuyết.


    Ngày 10 Février 1936 – ngày 18-1 âm-lịch.

    5 giờ sáng, xe lửa về tới gare Muzaffarpug, đổi xe đi thẳng tới gare bến xe lửa Paleza. 8 giờ sáng ăn điểm tâm ở bến tàu Patna Steamer. 10 giờ tàu chạy qua bến Dighat-Ghat. Về đến đây, bao nhiêu sự mỏi mê mấy ngày đường sương tuyết đều đổ trút xuống sông Gange, trong mình nghe nhẹ nhàng khỏe khoắn.

    Tàu Sampan chạy tới bến 11 giờ 15. Lên xe hơi lại gare Patna Junction.

    12 giờ tới gare Sumpur thì đạo hữu Phước-kiến từ giã xuống xe đi Grawpur đặng đi viếng Kusinagar.

    Còn lại đạo hữu Losang và bần-đạo đi thẳng về Gaya, lối 3 giờ chiều, mừng húm, mướn xe Tâm-tâm đi vào thành phố, xơi cơm tiệm vì đói quá, trải qua hai ngày ăn bánh bột nướng theo quán dọc đường, rồi lên xe về thẳng Phật-đà-gia đã 5 giờ chiều, giá xe 10 anna.

    Thuở nay từng nghe kinh nói Xá-lợi, chớ nào thấy hình trạng. Nay đặng lễ bái và thấy đặng, thỉnh đặng mới biết thật rất hữu hạnh. Khi thỉnh cầu Xá-lợi thì xem chẳng đặng rõ, bởi trong hang tháp, bây giờ về Phật-đà-gia, đem Xá-lợi để vào hộp tử tế, mới thấy rõ ràng hào quang ngời chói, màu hồng bạch tốt tươi, dầu cho ngọc dồi cũng không tày. Vật vô giá quí thay ! Đó là nhơn duyên đặng Xá-lợi đã tường thuật trên. Vì khi biệt Nam-Việt là chỉ ý muốn khảo cứu Phật đạo Tây-thiên, chớ không có cái hạnh nguyện nào về sự cầu Xá-lợi hay là trông mong đi tham cứu Phật đạo ở Tây-thiên. Đó là sự tình cờ, bất cầu tự-chí, hạnh-phúc toàn cõi nước Việt-nam, nên mới đặng như vậy.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #39
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 11 Février 1936 – ngày 19-1 âm-lịch.

    Đã quá mười trăng, dung thân nơi Tăng già, tại Lộc-giả-viên thuộc thành Ba-la-nại. Tăng già nầy có trên vài chục tăng chúng, gốc của Đại-Bồ-đề hội (Maha-Bodhi Société) lập chùa hiệu “Mỹ-la-càn-dà-cu-chi” (Mulaghandakutti Vihara). Đã đặng tường lãm sở hành chi đạo nội, ngoại, hữu, vô của nhà Tăng-sư tại đây ; đó đã phỉ nguyện rồi một việc.

    Bần đạo nhờ hội cho giấy đi nhiễu và lễ bái, cúng dường các nơi Phật cổ-tích trải ba tháng có dư, đi cùng mấy chỗ Thánh-địa như là : Ca-bì-la-quốc, viếng vườn “Long-bỉ-nhi” (Phạn ngữ Lumbini) là nơi Phật mẫu May-da hạ sanh Phật tổ. Chỗ nầy cách thành Ba-la-nại Lộc-giả-viên không biết mấy dặm, đi xe lửa Grand express (Đại-tốc-hỏa-xa) hai ngày tới nơi, rồi đi bộ một ngày, vì không có đường xe hơi, xe ngựa, mới tới nơi. Nền xưa tích cũ, trụ đá đời vua A-sô-ca còn đứng vững. Chánh phủ Ăng-lê sùng-tu lại rất tử-tế vì ngoại-quốc chư-tăng và trần-tục hằng du-lịch. Cách Ca-bì-la-quốc đi nửa ngày xe lửa tới Tăng-già Da-kỳ-thọ Cấp-cô-độc-viên (Phạn ngữ Sarawasti). Tại đây có cây Bồ-đề của Tổ-sư A-nan-đà, cũng còn sung túc nhành lá và nền cũ tích xưa vẫn còn, có lính canh gác. Cách Cấp-cô-độc-viên cũng nửa ngày xe hỏa, tới Cu-chi-na-thành Mã-lại-quốc là nơi Phật Đại-niết-bàn (Phạn ngữ Maha-Nirvana), chỗ nầy có tháp lớn lắm, có chùa trên nổng(1) rừng Song-thọ, có lên cốt Phật nằm trở đầu về hướng Bắc. Cách chùa chừng ba bốn ngàn thước là nơi thiêu Xá-lợi. Bần tăng có thỉnh chút ít tro nơi ấy đặng làm vật kỷ-niệm. Chư tăng-sư các nước đồng đi đây, đều có thỉnh tro ấy cả. Chỗ nầy xinh đẹp, phong cảnh hơn hai chỗ trước và Chánh-phủ chỉnh tu lung hơn, canh gác cách nghiêm hơn bội phần.



    Lumbini
    Siddhartha Gautama, the Lord Buddha, was born in 623 B.C. in the famous gardens of Lumbini



    Asoka pillar at Lumbini (Trụ đá vua A Dục tại vường Lâm Tì Ni


    Câu Thi Na - Nơi đức Phật nhập Niết bàn


    Bức tượng đức Phật trong tư thế nhập Niết bàn

    Om Mani Padme Hum !

  10. #40
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Cách đây ba ngày xe hỏa là Bồ-đề-thọ, Phật-đà-gia tháp (Phạn ngữ Bodh-Gaya) hay là Bouddha Gaya, cách thành Đà-gia sáu ngàn thước (Gaya Ville). Chỗ nầy nền xưa tích cũ lớn hơn hết và còn tốt đẹp, ít hư-hao. Chánh-phủ giao cho Đại-bồ-đề hội bồi bổ quản xuất. Bần-đạo ở đây gần ba tháng lễ bái cúng dường và công quả chút ít, hằng ngày tụng Pháp-hoa kinh dưới cội Bồ-đề, dưới cội Bồ-đề có thạch-tọa của Phật tổ xưa tọa đạo tràng, nhành lá sung nẫm lắm. Cách đây đi xe hoặc đi tiểu-hỏa-xa nửa ngày thì tới Na-lan-dà Đạt-ma-gia, nền xưa tích cũ rộng lớn, xưa đức Tổ-sư Huyền Trang học đạo và thỉnh kinh tại đây, chư La-hán Tổ-sư xưa ba kỳ đại hội tại đây mà diễn dịch tam-tạng : kinh, luật, luận. Cách đây năm sáu ngàn thước là Già-da-dị thành, kinh đô vua Bình-bí-sa-vương (Phạn ngữ Radjagriha-Bimbisara). Non Linh-thứu bao quanh kinh-đô, có động Kỳ-xà-khốt-sơn rộng lớn (Phạn ngữ Griddhsa Khutta). Tàu gọi Linh-thứu-lảnh. Núi thấp như núi điện Tây-ninh, cách thành lối năm cây số, trèo lên non Kỳ-xà thì có đường xưa Phật nhập thành bị Đề-bà-đạt-đa xeo đá hại Phật. Đá lở khối to lấp đường, bây giờ cũng còn y nguyên mấy khối lớn nhỏ nằm đó, bần đạo bắt động tâm thương Phật phút sa nước mắt. Chỗ kinh thành nầy phong cảnh rất đẹp, có khe nước nóng, có mội(1) nước lạnh, có hòn hỏa-diệm ; chỗ nầy nền xưa tích cũ vẫn tiêu-điều, chỉ còn nhà tịnh-thất Phật-tổ mà thôi. Chánh phủ Ăng-lê chăm nom sửa soạn tại Đạt-ma-gia Na-lan-đà lung lắm, sạch sẽ ; vô cửa phải mua giấy nhập môn, mỗi người hai cắc, khi đi viếng thì có lính theo sau lưng, nghiêm nhặt hơn hết ; vì chỗ nầy nhiều món cổ-tích của Phật-đạo. Gần Nalanda có nhà Cổ-viện, đến đó trình giấy mua tại Nalanda thì mới mở cửa cho vào xem. Ôi ! nhiều món cổ-tích, y, bát, hình tượng Phật và chư Bồ-tát, Thinh-văn. Hình đức Di Lạc đẹp đẽ lắm, trang-nghiêm y-phục, chớ không phải như của Tàu lên cốt mập to, bụng lớn vậy. Hình cốt đức Văn Thù giống như cốt đức Di Lạc. Tại Thiên-trước chỉ có mấy chỗ đó là Thánh-địa mà thôi. Bần tăng đã nhiễu khắp và lễ bái, cúng dường.

    Cách Bồ-đề-thọ chừng sáu, bảy ngàn thước là rừng U-du-e, chỗ Phật-tổ lục niên khổ hạnh (Phạn ngữ Ourouel). Và cách Bồ-đề-thọ hai, ba ngàn thước là vườn của cô Su-gia-ta (Sugata) là người con gái dưng sữa cho Phật tại cội Ta-la-thọ. Cách cội Ta-la vài trăm bước là Bồ-đề-thọ, cây Ta-la-thọ không còn.



    Cội Bồ đề, nơi đức Phật thành đạo.



    Một phần khu phế tích Na Lan Đà



    Một phần khu phế tích Na Lan Đà



    Một phần khu phế tích Na Lan Đà

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •