DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/20 ĐầuĐầu 1234513 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 191
  1. #21
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Năm giờ sáng, trống, chuông, kèn inh ỏi, chùa đã công phu. Tôi đắp choàng lên chùa, thì cũng thấy sự cúng dường y như hồi chiều hôm qua. Tôi thấy các sư lạy, thì tôi cũng lạy bàn chánh mà đứng niệm vái : “Nam-mô Trung thiên giáo chủ, thiên bá ức hóa thân Thích-ca-mưu-ni phật.” Đoạn và lạy và quán Thế-tôn tùy thuận chúng-sanh, hóa thân chưởng chưởng hình ngoại-đạo chư thiên mà độ chúng sanh. Lạy rồi tôi thọ tro và son như mấy người kia. Buổi sớm mơi nầy, cả thảy trong nhà nam-nữ lớn nhỏ đều thọ tro, son. Ấy là đạo Thủ-la-hê-thiên tam-mục đó.
    Điểm tâm rồi, đi dạo cảnh, đem sổ nhựt-ký theo đặng biên. Tôi cũng đi con đường hồi hôm. Qua khỏi chỗ bến xe ngựa chừng vài trăm thước, có một cái đường hẻm, hai bên có buôn bán đông đảo, đường thì nhỏ, bề ngang chừng ba thước ; mà thiên hạ chen nhau đi. Mỗi người có bông-hoa, lễ-vật bưng đi, thì tôi định ở trong ấy có chùa. Nhưng tôi cũng đi thẳng, vì đi một con đường cho dễ nhớ. Tới khoảng chợ đêm, mới coi lại : chính giữa là chỗ dựng hình một vị danh hiền trong nước. Chung quanh có bồn-bông, có băng ngồi, xẻ đường, phân nẻo ở trong vùng rào sắt ấy. Đã có người dạo cảnh ở trong đó đông đảo. Còn vòng theo ngoài rào có xây thềm cẩn đá, thiên hạ ngồi quanh đó buôn bán đủ thứ, nhưng thưa hơn ban đêm. Cứ men men đi tới, phút thấy mé sông, tới đầu đường có cái tam cấp xuống bến. Tới đây, người ta đen nghẹt, tăng, tục, nữ, nam, già, trẻ, xuống lên không ngớt. Kẻ buôn, người bán, hai bên lề đường ngồi chật tới đầu đường chỗ tam cấp. Còn ở xa ngỡ là hết, vì thấy sông trước đó, ngờ đâu đi tới bực-thạch tam cấp, thấy dưới mé sông còn rộng và hẳm xuống sâu, thiên hạ trạc-hà. Thấy tấm bản đề “Gange Ghat”. Mừng đặng biết sông Linh (hằng-hà). Xuống tam cấp, chen cùng họ, xem đầu nầy, coi chỗ nọ, nhất là tôi ham quan-sát mấy chỗ của những thầy tu ngoại-đạo ngồi. Họ che cái giại hay cặm cây dù lớn mà ngồi, có đủ đồ, nào hình tượng, lư hương, son, phấn tro. Mỗi cây dù và mỗi cái giại là mỗi ông sư ngoại-đạo ngồi, đặng tiếp bổn-đạo nào đi cầu nước Sông-linh. Trước khi xuống múc nước, hoặc tắm, thì bổn-đạo nào tìm thầy đạo nấy mà xin phép và lễ hình-tượng đạo-giáo-chủ, rồi mới đặng xuống múc nước hoặc tắm. Mỗi đạo khác nhau, chỉ dòm hình trạng ông thầy tùy cái biểu hiệu vẽ nơi trán, tay hoặc có dấu riêng vật dụng ; như tích-trượng, chuỗi đeo cổ cùng hình tượng thờ. Khi múc nước hay tắm rồi thì lên thọ phép của thầy, hoặc phết tro, hoặc điểm son, hoặc cột niệt, đeo bùa, học chú, cầu kinh nguyện. Đoạn cúng ít xu, hột nổ, bánh trái, bông hoa rồi mới về. Kẻ múc nước, thì cũng dâng lễ vật rồi, thầy họa phù trong nước rồi đem đi về, nội nhà dùng, gọi là hạnh-phúc.














    Om Mani Padme Hum !

  2. #22
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Tôi đi dài theo đó mà quan-sát, đoạn vào chùa xem họ đi cúng, không chỗ nào là không để mắt. Lối mười giờ, nắng lung, tăng, tục lần lần thưa-thớt tôi mới đi về chỗ ngụ. Mấy sư ở chùa thấy tôi về, hỏi tôi đi đâu ? Tôi nói : Đi sông Hằng. Họ vui cười và nói, chiều đi vui lắm. Bữa nay tôi đi lại trù-phòng ăn ngọ, tôi có nói với ông-từ vì tôi không muốn họ bưng lại liêu mất công. Khi tôi theo chưn hai ông sư đặng đến trù phòng, tôi thấy người ta nam, nữ, già, trẻ ở trong cửa nhà ăn đi ra. Mỗi người ra cửa, đi ngang qua một người, ngồi nơi sàng trước cửa ấy, bỏ một đồng xu thì lấy một miếng trầu. Hai sư và tôi đứng đó, chờ cho họ ra hết mới vô cửa. Một mâm trầu têm đã hết, một đống xu ước có ba bốn trăm. Tôi hỏi ông sư già những người ấy làm cái gì đông vậy ? Ông rằng : họ đi ăn cơm của ông chủ bố thí. Vô tới nhà ăn, thì tôi thấy phía trước, chỗ hai sư và tôi ngồi ăn đây, là một khoảng rộng lớn trọn luôn bốn căn, tráng xi-măng. Thấy bỏ lá chầm ăn cơm lai láng, thì biết những người khi nãy đi vào cửa trước thọ thí-thực, rồi ra cửa sau mua trầu. Tôi để ý lắm, sau sẽ hỏi lại. Ăn ngọ rồi trở về liêu, tôi hỏi ông sư-già. Sao ông-chủ cho người ta ăn cơm mà không cho trầu lại bán. Ông nói : cái trầu đó là có ý coi đặng mấy xu, cho biết có mấy người ăn cơm. Tôi nghe qua liền hiểu ý, vào liêu nghỉ trưa và nói trong bụng rằng : Người chủ nầy bố thí như thế thì hậu thế còn giàu to nữa, rồi bố thí nữa. Không biết ngày nào hết giàu hết bố thí… phút ngủ quên. Chiều lúc chùa công phu thì tôi vào chùa giây lát rồi trở ra đi thẳng xuống mé sông. Quả thiệt, người ta đã là đông rồi. Một đám con buôn lo bày hàng ra, kẻ bán đồ ăn, người bán vải, hàng cùng đồ vật-dụng không thiếu. Chiều có ý đông hơn sớm mơi. Có hát chập, có thầy bói, có bóng, thầy pháp. Tôi lại xem một ông thầy pháp đang cúng hà-bá cho một người bịnh. Có bông hình, có tàu, có hũ đựng gạo bày bố trên mé. Thầy hò hét cúng quảy rồi đem hình, tàu, hũ, bông (cùng nhiều cái tôi không biết đặt tên là chi) mà thả xuống sông. Tôi thả rểu cùng bến cho tới 8 giờ tôi mới về nghỉ.

    Từ đây tôi hay đi các bến, gặp nhiều sự lạ của chư sư ngoại-đạo, họ lo tu tập lối ép xác. Bấy lâu thấy trong kinh nói chớ không thấy chán-chường, nay đặng tợ mắt thì tôi cũng lấy làm đau lòng mà thấy họ hành hài cái thân của họ. Họ làm vậy ngỡ là đặng hạnh-phúc giải-thoát. Mà họ không ngờ là họ phá cái sở-tạo, mà họ dung-túng cái năng-tạo.

    Một bữa mơi kia, tôi gặp một vị Du-già-sư kéo một bó xương rồng thứ gai-lưỡi-ông, đem lại bến Das-sasumedh (hình trước đó),(17) sắp như tấm ván, rồi nằm ngửa trên gai. Trần truồng, chỉ một rẻo vải đậy chỗ kín, chịu cái nắng lúc tháng tư nầy ở chốn Tây-thiên. Kẻ qua, người lại cho xu thì ném trên bụng, trên ngực. Từ mơi tới trưa, hết người ta rồi mới dậy. Tôi lại thấy những thầy Phá-kích đi guốc thì đóng đinh ló trên mặt guốc một hai phân tây. Ôi thôi, biết bao điều lạ thường. Tôi lại thấy đặng trong ngày khác tại bến Manikanika, những sư ngoại-đạo trồng chuối ngược, đứng một cẳng. Mà cách trồng chuối ngược là khó chịu nhất, nhưng họ cũng rán, đặng lấy tiền bố thí. Tôi hay để ý, là họ hay làm các cách ép xác nơi các bến, vì nơi ấy đông người vãng lai. Họ, nay ở bến nầy, mai đi bến kia, chớ không ở một bến. Họ hay làm nghịch với thời tiết ; như lúc mùa nắng nực, họ lại rán ép mình mà đởm cự với cái nắng cái nực. Còn tháng lập đông, thì họ lại xuống sông mà ngồi, chỉ ló cái đầu lên thôi. Có kẻ ngồi tới cả tuần, cả tháng, có kẻ lại trần truồng, nằm ngủ ngoài sân, ngoài đồng trong lúc ban đêm mà cự với sự lạnh. Trời Tây-thiên, lúc mùa nắng như lửa đốt. Đi trên đường lối 50 thước thì phồng cẳng, mà họ trần truồng đứng ngoài nắng. Còn có kẻ lại nhúm lửa giữa trời nắng mà nằm, hoặc ngồi gần đó. Sự tu tập của ngoại-đạo nói không cùng. Trong kinh nói kê giới là đứng một cẳng, còn bây giờ nó bày đặt trồng chuối ngược, ngồi dưới nước, chôn mình dưới cát thì không biết giới chi. Như cẩu giới thì có kẻ tu hành ngoại-đạo kia, không chịu thọ thí thực của ai cả. Chỉ đi theo lối chợ búa lượm đồ bỏ, rớt mà ăn. Có kẻ thấy mấy ổng thì lấy đồ ăn đương bán mà quăng xuống đất, họ lượm họ ăn. Bằng cho trên tay không lấy. Thấy vậy rất đau lòng giùm cho ngoại-đạo thủ giới nhiều cách lạ lùng và ép bức thân thể quá lẽ.














    Om Mani Padme Hum !

  3. #23
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Một buổi mơi kia, tôi đến bến Assi (hình trên đây), tôi gặp đám thiêu xác. Tử thi để nằm trên hai cây đòn ép bằng tre, trước sân chùa, có một ông sư tụng kinh một chập. Đoạn bốn người lại khiêng tử thi đem xuống sông-linh. Thầy tụng kinh làm lễ tẩy trần, tiêu tội, nhúng thây ấy ba lần dưới nước.




    Xong rồi khiêng lên để trên đống củi, đã chất sẵn nơi sân bến. Họ sắp củi gộc ở dưới, củi đòn ở trên, lớp ngang lớp dọc cao chừng một thước tây. Củi nhỏ hơn hết là bằng bắp cẳng, chớ không có củi nhỏ, hoặc chà, hoặc bổi. Thầy tụng kinh làm lễ thiêu, thì chủ tang bày đồ cúng trước đó. Nào cơm, bánh, nị, dầu, nước sông-linh, thầy cúng rồi thì dầu, nị thì họ chế trên củi gộc. Kế đó bà con thân tộc ai cũng có cũng ít nhiều dầu, nị đều chế trên củi. Thầy cầm đuốc châm vào đèn cháy đều rồi, thì đút cây đuốc trên lớp củi gộc. Tôi sợ sẽ cháy thây thì khét, nên đi ra xa đứng xem. Nị, dầu bắt lửa cháy, thì trong năm phút đã cháy đều. Ban đầu tôi nói trong trí tôi : củi mà cháy đặng cũng nửa giờ. Không ngờ cháy mau quá, lửa phủ cháy vải bó thây, lần lần cháy tới thịt. Tôi không nghe hôi, khét chi hết, mà cũng không thấy tử thi cong tay, uynh chưn chi cả. Tôi bèn thả rểu chỗ khác đặng xem, bởi nhiều bến và nhiều chùa lắm. Ở theo mé sông Hằng, không xóm nào là không có bến, nên mỗi xóm, mỗi bến. Mỗi bến năm bảy cái chùa lớn, nhỏ. Bởi nhơn-dân tín-ngưỡng sông-linh đó lắm, sống thì đặng nước linh ấy làm cho mát mẻ thân tâm, kham chịu phiền não. Chết lại nhờ nước linh ấy tẩy sạch trần duyên, tiêu trôi nghiệp cảm. Vậy mới kêu là sông-Linh, vậy nên, chư sư ngoại-đạo, mới nhờ đó mà nuôi thân, như bầy con nhờ vú mẹ. Còn nhà chùa cũng nhờ đó mà đặng nền cao, cột lớn. Chùa nào cũng có huê lợi hằng ngày, lớp lời trong những món lễ vật bán cho đàn-na đem vào chùa dưng cúng, lớp đồng tiền dưng cúng. Chùa nào, ở trước cửa vào chùa, cũng có nhà trữ bán đủ vật, hương, đăng, hoa, quả. Còn kẻ ngoài đến bán, cũng đem lại đó mà giao cho chùa bán. Còn ai buôn bán món khác nơi bến, thì cũng có cúng chút ít số lời cho chùa. Vậy nên nhà chùa ngoại-đạo xứ nầy giàu lắm.












    Om Mani Padme Hum !

  4. #24
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Cho đến những ghe tàu để du thủy, để lập đàn cúng tế thủy phủ, thần long, thì nhà chùa cũng có huê lợi ở trong. Ngày nào cũng nượp-nượp ngày nấy. Không lựa rằm ngươn chi cả, lòng người không nguội lạnh chỗ tín-ngưỡng. Số dân Ấn-độ ba trăm ngoài triệu người, chia nhau thờ đủ. Đạo trời thì từ cõi trời Kiên-thủ-thiên lên tới Phi-phi-tưởng-thiên, không cõi nào là không có. Còn tạp đạo cõi trần là khác. Nào Đạo thần : sơn-thần, thọ thần, hỏa thần, thủy thần. Đạo quỉ : La-sát, quỉ xà, ngưu ma, yêu tượng, quỉ điểu, chằng tinh v.v… đều có người tín ngưỡng, tùy hỉ trình độ. Kể sao cho hết, sơ lược chút ít. Trải ba năm quan-sát, một mặt, một sự thuần nghề nghiên-cứu, thì sự chi thuộc về đạo Phật và ngoại-đạo, tôi không bỏ qua. Thế thì, ba năm đăng đẳng, biết bao chỗ mắt thấy với tai nghe thì chẳng phải ít. Huống chi trên một khoản giấy cỏn con mà viết thuật sao cho hết. Đất Thiên-trước là ổ ngoại-đạo, là nguồn cội ngoại-đạo. Hoàn cầu nầy, các thứ đạo cũng do đó mà đem ra. Ngàn xưa Phật tổ hiện sanh nơi đó, đem chánh pháp mà phục tà-pháp, mà còn chưa hết, đến nay cũng còn tràn đồng. Thế thường chẳng lạ, lúa ít, cỏ nhiều, vật hữu ích thì kém, vật vô dụng lại thặng số. Lúa thì có mùa, cỏ lại đặng cái tư-niên.



    Đây là cảnh chùa Ngoại-đạo cận mé sông-linh.

    Thấy cái thạnh hành của ngoại-đạo nơi chốn Tây càn mà chán ngán cho đồng tiền của bổn đạo, vì lòng tín ngưỡng tuôn ra mà lập cảnh hưng tà trục chánh, giúp ma đuổi Phật, trợ ám, phế-minh. Đã trải qua một tuần lễ rồi, kiếm không ra chùa Phật-đạo, lòng áo-não tràn-trề. Dưới sông, trên bờ, ngoài xóm, trong thành-thị, không một nơi đâu mà có thấp thoáng cái tháp tự cùng tràng-phan phướn cái của nhà Phật. Lòng thích-tử trong bộ đồ ngoại-đạo nầy, có ngậm-ngùi cho chăng. Toại kệ rằng :

    Trong vùng ngoại-đạo cõi Tây-thiên,
    Thích-tử vào ra, luống ngậm phiền.
    Nguồn cội nỡ quên, vùi Phật Tánh,
    Xuống lên ba cõi, nghiệp không yên.


    Tại Bénarès nầy toàn là giống dân Hindou, gặp đời mạt pháp nhưng lòng dân thuần-hậu. Chỉ có đạo Hồi-hồi, nơi xứ Arabe đem qua, hay sanh sự với các chi đạo kia. Chớ các đạo trong Trung-thiên Ấn-độ, thì không kích bác nhau. Đạo nào nấy giữ, êm đềm lo làm phước thiện mà kiếm quả nhơn-thiên. Chỉ một mình đạo Hồi-hồi ưa gây nghiệp Tu-la tranh-đấu, nghịch với cả thảy đạo.

    Như chỗ tôi nương-ngụ, người chủ nhà bố thí cơm cho dân nghèo, mỗi ngày ăn ba bốn trăm người, mà tôi ở nửa tháng tại đó cũng thấy vậy hoài. Tôi hỏi ông từ, cho ăn vậy bao lâu ? Ông ta nói mỗi năm ba tháng, còn ngày Tết lại cho quần áo nữa.

    Thấy cái nhà của ổng mà có mười sáu cái liêu, để rước thầy du phương thì biết, cái lòng ham phước-thiện của người cõi Tây-phương là thế nào. Còn sự ham bố-thí cúng dường cho nhà chùa, hoặc làm chùa hoặc in kinh, hoặc nuôi chư sư ngoại-đạo thì nói không nổi.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #25
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts





    Ngôi chùa cổ, được tìm thấy ở các hang động Ellora ở Ấn Độ, được tạc từ một tảng đá duy nhất.

    Như cảnh chùa trên đây thì cái kỹ nghệ của dân Hindou rất mỹ-lệ. Tôi có xem Đế-thiên, Đế-thích xứ Nam-vang cũng không sánh kịp. Đồ sộ một cảnh chùa như thế thì cũng của tiền của đàn-na, tín-thí. Hỏi lại xứ ta có cảnh tự nào như thế chăng ? Thì biết lòng người xứ Ấn-độ, đối với Đạo là thế nào. Tôi nghĩ như thế, nên nói trong trí rằng : Tà-đạo, giáo-pháp chưa minh chánh mà lòng người còn đối như thế. Hà huống là chánh-đạo thì lòng dân ắt phải kính ngưỡng.


    Đây là Pandava ratha, chẳng phải lầu-các thế-tục đâu.

    Tôi thấy cảnh ngoại-đạo như thế thì tôi chắc ý rằng sẽ thấy cảnh chánh đạo, tuy vân(2) tôi kiếm trong vùng nầy, không có chùa Phật. Như cảnh chùa trên đây, đừng thấy đồ sộ từng cấp mà ngỡ là phố lầu, đó là nhà chùa đạo Hindou, toàn cả một dãy đó.

    Một buổi chiều kia, sau khi công phu chiều, tôi thấy mỗi ngày tại nhà ông-chủ, hễ tối lối 6 giờ rưỡi, thì người nhà khiêng sữa bò sống, khiêng thùng, cầm đuốc bằng đồng, đi cúng dường ở đâu tôi không biết mà kéo cả tốp đi. Tôi có ý tọc mạch, rán học mấy câu như sau đây đặng nhập với họ mà đi cho biết.

    Trước khi đi thì đứng trước cửa chùa, một hàng dài. Có một người cầm đuốc, cán đồng chạm khéo lắm, hô như vầy : Vissounate cavasté doudhe giatahê. Đoạn mấy người đứng sắp dài theo đó, bèn nói rập với nhau như vầy : Vissounate fouilla cavasté doudhe giatahê. Rồi đó người cầm đuốc và ai nấy đồng nói : Civa, civa, Sampo, sampo, Mahađêu. Như vậy ba lần thì khiêng đồ đi theo ông cầm đuốc. Đi dọc đường cũng nói ba tiếng sau đó.


    Om Mani Padme Hum !

  6. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    lavinhcuong (06-07-2016)

  7. #26
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Té ra đi tới cái đường hẻm đông đảo, mà tôi đã ngó thấy, khi tôi đi xuống sông-linh lần thứ nhất đó. Họ quẹo vào, đi đến một cảnh chùa rất lớn mà cúng dường. Nơi giữa đại-điện có một cái hồ nước, chính giữa hồ có một cục đá. Tôi xem kỹ, hồ xây hình như cái mặt dưới của một cối đá xay bột vậy. Còn chính giữa có cục đá lồi lên cao đó, như cái ngõng cối vậy. Họ kêu là Vissounate. Đoạn người nhà mở thùng rương ra, lấy cái nón bằng cái ô, toàn bằng vàng, trao cho ông thầy ngồi kề miệng hồ. Ông lấy, bèn đội trên cái ngõng đá, rồi lấy bông hoa đá xỏ vào dây, như dây chuyền, tốt đẹp lắm, máng vào ngõng đá. Ông thầy sửa soạn một hơi, thì thấy cái ngõng đá ấy thành ra một cái hình người. Hia vàng, áo bạc, mão vàng, hai tay cầm bông sen. Xong xuôi, ông thầy mới đọc kinh cúng. Ông chủ bèn dưng đồ cúng trong chén vàng, dĩa vàng, ly vàng, kế đổ hết một đấu sữa xuống hồ nước ấy. Cái đấu nầy bằng bạc, chứa hai thùng thiếc nước mới đầy. Chung quanh chánh điện có phòng, có giường ngủ, trải gấm, gối thêu cước vàng chỉ bạc. Cúng rồi thì thâu đồ, bỏ lại rương như cũ. Ông chủ bảo tôi đi xem chùa, hình tượng nhiều quá, thiên hạ đến cúng chật nứt. Phần nhiều là hình dưới đây, điện nào cũng có, chùa nào cũng thờ. Thiên hạ kính ngưỡng lung hơn.

    Khi cúng rồi, mấy anh em bèn dẫn tôi đi trở về chỗ ngụ. Họ khiêng thùng rương, đấu và các vật khác đem về. Tôi hỏi ông sư già rằng : Những đồ cúng ấy không phải cúng luôn cho chùa sao ? Ông nói : Ai sắm nấy dùng trong lễ cúng. Còn hàng bình-dân họ mua đồ bằng giấy (đồ mã bông bằng giấy), ly, chén, bằng đất, họ dùng trong lễ cúng. Về đến nhà ngụ là 11 giờ rưỡi khuya.





    Ảnh minh họa tục thờ "sinh thực khí" (của người Nam và người Nữ) kêu là Lingam ở Ấn độ.











    Lần sửa cuối bởi hoangtri; 06-07-2016 lúc 07:38 AM
    Om Mani Padme Hum !

  8. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    cunconmocoi (06-06-2016)

  9. #27
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Một bữa kia tôi đi dạo cùng thành thị, xem cảnh vật ngoài đời cho biết, vì cả tuần nay, tôi mắc theo các cảnh chùa Ngoại-đạo đặng xem tình hình của họ.




    Nữ thần Durga giống hình Phật Mẫu Chuẩn Đề.


    Rảo xem phường-phố, dinh-thự, lầu-đài thì không thấy nóc nhà nào cất ngói cả. Phố xá, nhà-cửa, lầu-các dinh-dãy, đều cất nóc bằng.




    Tôi bèn nghĩ suy nói trong bụng:
    Phải lắm, nếu cất nhà có nóc, ngói như xứ của mình thì chịu sao nổi sự nóng-nực trong lúc tháng ba, tháng tư âm-lịch nầy. Nếu không làm nóc bằng, đúc xi-măng sạn đôi ba tấc, thì sự nóng mặt trời nó xuyên qua như chơi. Như tôi ở tại liêu nhà ngụ đây, ở dưới tầng nền, trên một cái lầu nữa, mà sự nóng nực còn bằng ba, bốn lần nóng hơn xứ mình. Mỗi ngày tắm ba lần, trưa, chiều và khuya. Ngày uống nước ba bốn bình gù lệt (mỗi bình hai litres nước). Thành thị Ba-la-nại tốt đẹp hơn Madras nhiều lắm. Phần đông số là nhà chùa của ngoại-đạo, làm cho cái thành Ba-la-nại đặng nguy nga và sạch sẽ hơn Madras. Các nơi bán đồ ăn, thì tôi thấy tiệm nào cũng bán cà-ri hàng bông, nhiều thứ bánh mứt. Tôi để ý xem, mà không thấy nơi nào, bán đồ mạng-vật. Tôi lấy làm lạ, mà nói trong bụng rằng : Không lẽ nào toàn nhơn-dân ăn đồ hàng bông. Còn người dân Ăng-lê ở đây và quân lính, cùng người ngoại quốc đến làm ăn trong xứ thì cũng vậy hay sao ? Không lý nào. Tôi để ý đó lắm, vì muốn rõ biết. Nhưng ngày nào cũng đi mà ngày nào cũng không gặp. Tôi muốn hỏi thăm ông sư già, song tôi lấy làm ngại vì mình là một vị Thích-tử. Lại e nỗi ông sư là một vị nhà sư ngoại-đạo, thức lòng người về món ăn mạng-vật, sợ người không vui lòng. Nên chi tôi bỏ qua, để ngày sau rồi sẽ hay, vì mình còn ở lâu.

    Một buổi mơi, tôi đến bến Kédar nầy, tôi ngồi nơi bực thạch để xem sông-linh, thấy số cát ở dưới sông, bãi nầy, cồn kia toàn là cát tụ nhóm. Trên bãi, cồn đều trọi trọi, không cây, không nhà và mênh mông. Tôi nghĩ rằng : Phật nói đến sự đông, sự nhiều thì hay lấy số cát sông Hằng nầy mà thí dụ, thiệt nói không cùng. Tôi bèn hỏi một người Hindou ngồi bên tôi rằng : Sông nầy, có nhiều cái cồn, bãi sao không cất nhà ở trển ? Anh ta nói, “Tháng nắng thì thấy cát, còn lúc mùa mưa thấy nước như biển, sóng to làm lở nhiều bờ đê, bực thạch, phải rúng sập tới chùa, miễu, nhà cửa, dinh thự, lầu-các trên mé. Hiện lúc nầy nhiều chỗ bị sập mấy năm trước hay năm rồi, họ đương tu bổ lại. Ông không thấy sao ?”

    Om Mani Padme Hum !

  10. #28
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Lúc đang ngồi suy nghĩ cái lòng mộ đạo của dân-tộc Ấn-độ, dám đem tiền của mà cúng cấp cho nhà chùa đặng kinh dinh đồ sộ như xứ nầy, thiệt trong xứ ta chưa từng thấy. Bỗng có một nhà sư đạo Du-già lại ngồi kề bên tôi. Ông không nói chi cả, cứ ngó tôi, nhưng tôi cũng cứ một việc ngồi ngó ra sông. Chập lâu, ông nín lặng, tôi nghĩ thầm rằng : theo trong kinh sách của Thông-thiên-học, nói bọn nhà tu Phá-kích, Du-già trong xứ nầy, tu phù phép nhiều lắm và hiển-hích lắm. Tôi đang nghĩ tới đó thì trong lòng có hơi nghi sợ, bèn ngồi quán A-tự, chập lâu quá mà chưa lộ chữ ấy. Tôi bèn quán chữ Án, cũng không lộ. Tôi bèn nghĩ rằng : Lạ quá, ở xứ mình, khi gấp gãy mà mình quán còn lộ, mà chánh trong lúc đi đường từ Nam qua tới Tây-phương đây, cũng đặng như sở nguyện. Sao nay không thấy đặng, không lộ là nghĩa gì ? Tôi bèn lét mắt dòm nhà sư Du-già, tôi thấy ông đang cầm một cục bằng pha-lê trắng, trong ấy có hình Phật mẫu Chuẩn-đề “Gayatri”. Ông đang mê mẩn quán xem, tôi bèn chỗi dậy, bỏ đi lại chỗ khác mà ngồi. Tôi thầm niệm danh hiệu phật tổ Thích-ca, xin ủng hộ… Đoạn tôi quán tưởng hình dung, bây giờ toại ý nguyện. Tôi bèn lấy quán tướng mầu ấy, tôi nhìn ngay lên mặt nhựt. Lấy mặt nhựt làm điểm hào-quang nơi mi-gian của Phật tổ. Chập lâu có đến trên mười phút, tôi mới lấy mắt dòm cả người nơi mé sông, thì sắc diện ai nấy cũng đặng màu kim-sắc. Tôi toại nguyện bình đẳng quán.

    Từ khi bần-tăng lìa Nam-việt xuống tàu sang Trung-thiên-trước-quốc, quyết chí quan-sát Phật-đạo nơi xứ ấy, vì là nơi ngàn xưa Phật giáng sanh.

    Khi qua tới Xá-vệ quốc (Calcutta) là ngày 29 Avril 1935, thì bơ-vơ phải tạm ngụ nơi chùa đạo Hindou hết 15 ngày ; qua 14 Mai thì nghe nói có chùa Phật cách xa thành Xá-vệ tám cây số ngàn. Bần tăng bèn nói với ông chủ chùa, xin cho người dẫn đi viếng chùa Phật thì ông vui lòng cho một ông thầy Hindou dẫn tôi đi. Ra chợ mướn xe ngựa đi từ 8 giờ sớm mai tới 9 giờ rưỡi mới đến tại chùa. Vào chùa xin lễ Phật, thẳng vào chánh điện thấy tượng Như-lai, phút chốc động lòng, sa nước mắt, vì từ 17 Avril tới nay không đặng lễ bái Thánh-tượng. Đảnh lễ rồi, bước ra gặp một vị Sa-di đi dưng bát cúng ngọ, cúng rồi ra, bèn hỏi bần-tăng thì mới biết bần-tăng là Annam Bí-sô. Thấy bố cáo của chùa để trên bàn, tôi xin một tờ rồi từ giã ra về Xá-vệ. Xem lại mới biết chùa của hội Maha-Bodhi, ở Ceylon(1) qua đó mà chấn hưng Phật-đạo thì bần tăng mới lưu-ý.

    Om Mani Padme Hum !

  11. #29
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Mười tháng tại làng Lộc-giả-viên (Sarnath)

    Qua ngày sau bần-tăng bèn từ giã chùa Hindou, quảy gói đi bộ tầm tăng già mà vào, phút gặp hai vị Sa-di Xiêm đạo hiệu là Mêta và Karnna, thì ra mắt nhau, nhờ huynh Mêta biết tiếng Tây chút ít nên chuyện vãn mới hay làng ấy là Lộc-giả-viên. Bần-tăng bèn tỏ ý muốn nhập hội, thì Mêta nói rằng phải đóng 10 đồng rupee mỗi tháng. Bần tăng cậy Mêta đem ra mắt Giáo-chủ sư-tăng-già, bần-tăng đảnh-lễ rồi tỏ ý muốn vào hội.

    Mêta thông-ngôn lại bằng tiếng Anglais. Thầy nhận lời, bần tăng dâng lên 10 đồng xin nhập hội.

    Từ đây, bần tăng an thân, ở tại hội lo học chữ Anglais và Hindou, vừa biết nói đủ lẽ phổ-thông cùng người bổn-hội.

    Ngày 2 Novembre 1935.

    Tôi xin hội cho đi lên Phật-đà-gia (tức là cội Bồ-đề, đức Thích-ca tọa thiền nơi đó) đặng lễ bái, cúng dường. Hội cho phép.

    Ngày 15 Décembre 1935.

    Một người Bikku Ceylon chết tại nhà thương. Có thỉnh bần-đạo đưa xác bữa trưa 16 Décembre. Đến tại nơi thiêu xác, có sở hỏa-thiêu trên mé sông Gange. Cách thiêu gọn gàng và trong hai giờ tử thi cháy ra tro cả.

    Ngày 18 Décembre 1935.

    Lối 7 giờ rưỡi tối, đưa hai ông bạn đạo Bí-sô ra xe lửa đi về Ceylon. Bận-biệu, mến tình ứa lụy, hun tay rờ cẳng tỏ tình yêu. Cùng nhau chung chạ mười ngày tại Bénarès mà sự mến nhau bằng ở thế mười năm. Ba ông đi dự lễ Xá-lợi, kỷ niệm tại Sarnath ngày 10 Novembre, rủi một ông về tới Bénarès thọ bịnh, tịch nơi ấy. Xem hai ông bạn rất đau lòng, vì đi ba về hai.



    Tháp nầy ở Lộc-giả-viên.


    Ngày 21 Décembre 1935.

    Tám giờ sớm mai, bần-tăng đến Phật-đà-gia (Bodhi Gaya), chiều chụp hình dưới cội Bồ-đề. Bần-tăng lên ở Phật-đà-gia đặng một tháng rưỡi.




    Ảnh gốc (đã nhòe)



    Phật-đà-gia (Bodhgaya), tại cây Bồ-đề khi Phật thành đạo.(1)



    Cây Bồ Đề (nơi đức Phật thành đạo) tại Bồ đề Đạo tràng ngày nay.

    Lần sửa cuối bởi hoangtri; 06-08-2016 lúc 06:01 PM
    Om Mani Padme Hum !

  12. #30
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 4 Janvier 1936 – mùng 10 tháng chạp năm Ất-Hợi.

    Bần-tăng đi viếng động Dunghasiri là nơi Bồ-tát động, trước khi thành Phật còn là một vị Bồ-tát, thì kiếp ấy Phật tu tại đây, trên núi, dưới bưng, sơn thủy xinh đẹp. Có thỉnh hai cục đá cẩm thạch làm kỷ-niệm.



    Tháp Phật-tổ, Phật-đà-gia.(Tượng Như-lai thờ trong cái tháp Phật-đà-gia nầy).


    Ngày 15 Janvier 1936 – 21 tháng chạp năm Ất-Hợi.

    Bữa 15 Janvier 1936, phút thấy ba bốn vị lama sắm sửa hành-lý, bần-tăng bèn nói : Nay mấy huynh về xứ nào ? Có huynh Lama tên Lô-săng trả lời : “Thưa, chưa về xứ, bây giờ đi qua xứ Népal đặng cúng dường Phật-tháp, tháng sau chúng tôi trở lại Phật-đà-gia, chừng ấy chúng tôi mới về xứ.” Nghe qua, bần-tăng bèn đi kiếm huynh Dhammajoti (là thầy bí-sô của hội phái lên chấp sự nơi Phật-đà-gia) đặng xin thầy làm ơn gởi bần-tăng đi theo mấy thầy lama đi Népal, vì bần-tăng muốn qua đó lễ bái Thánh-tháp. Vị lòng người của hội, nên mấy thầy lama chịu cho bần-tăng nhập bọn.

    Ngày 28 Janvier 1936 – mùng 5 tháng giêng năm Bính-Tý.

    Bần-tăng bàn tính đi Népal. Đồng-hành là năm vị :

    1 Một Bikku Annam ;
    2 Một Phước-kiến – Phạm-ngộ tì khưu ;
    3 Losang Lama ;
    4 Losang Kompo ;
    5 Kolchoch Tâmpa.
    (ba vị lama sư.)

    Ngày 29 Janvier 1936 – mùng 6 tháng giêng năm Bính-Tý.

    Hôm nay, mùng 6 tháng giêng Annam, bần-tăng đi viếng nước Niếp-ba-lê tại Hi-mã-lạp-sơn (Phạn ngữ Népal Himalaya). Tàu gọi là Tuyết-lãnh. Bốn giờ sáng thức dậy lên xe kiến thẳng ra bến xe lửa Gaya cùng Đạo-hữu Lama Losang. Cụ bị một gói hành trang vật dụng. Có đạo hữu Dhammajoti đồng đi đưa ra tới gare, người tiễn hộ 4 rupee lộ-phí. Trễ, hụt xe 5 giờ, phải đợi tới 11 giờ rưỡi sáng có chuyến xe đi Raxaul (gare kế ranh Népal). Đạo hữu Lama Losang lo mua giấy xe lửa giá 2 rupee 14 annas mỗi người. Lên xe, tới ga Patna-junction đổi xe (3 giờ chiều). Sang qua xe hơi của sở hỏa-xa, chở đi ra bến tàu Dighaghat. Tại cửa bến có hai bảng đề Ferry. Xuống sà-lúp(1) (của hỏa-xa hội) năm giờ chiều tàu chạy trên sông Gange. Trót một giờ tới bến Paleza Patna Steamer. Xe lửa chực sẵn, lên xe đi tới gare Muzoffarpur chín giờ tối, xuống xe ngủ tại gare đợi tới 3 giờ sáng ngày 30.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •