147. Tại sao không có hai Đức Phật xuất hiện một lần?
- Thưa đại đức! Trẫm nghe rằng, các Đức Phật giác ngộ những điều giống nhau, thuyết những pháp giống nhau, giới luật ban hành cũng giống nhau..., có phải thế không ạ?
- Tâu, vâng!
- Một vị Phật xuất hiện ở thế gian như thế, cuộc đời sẽ rất đẹp, hoàn thiện và tươi sáng thêm lên, có phải thế không ạ?
- Tâu, vâng!
- Thế tại sao hai bậc Toàn Giác không xuất hiện một lúc để cùng hỗ trợ cho nhau, tương trợ nhau để xiển dương chánh pháp? Nếu vậy thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp gấp đôi, hoàn thiện gấp đôi, và xán lạn tươi đẹp cũng gấp đôi! Và như thế thì đạo Phật sẽ huy hoàng, lan tràn trong hoàn vũ, tế độ được gấp bội chúng sanh trời, người hơn nữa. Xin đại đức chỉ giáo cho điều này?
- Tâu đại vương! Đức Phật dạy rằng, thế gian này có mười ngàn thế giới. Mười ngàn thế giới ấy chỉ có khả năng nâng đỡ một vị Phật mà thôi. Nói cách khác, mười ngàn thế giới chỉ có thể chịu đựng sự hiện hữu của một vị Phật. Nếu hai vị Phật cùng xuất hiện một lúc thì mười ngàn thế giới này sẽ bị chấn động, bị rung chuyển, bị nghiêng lệch đi, sẽ bị hủy diệt, bị tiêu vong!
Ví như một chiếc thuyền nhỏ chỉ chở được một người, nếu hai người cùng quá giang thì thuyền ấy sẽ không chở nổi, sẽ bị chìm. Chiếc thuyền chính là mười ngàn thế giới, khách quá giang là một vị Phật. Ví dụ này đại vương nên hiểu để tự trả lời và tìm hiểu lý do tại sao cho câu hỏi của mình.
- Thưa, vâng.
- Ví như hai chiếc xe chất hàng hóa với trọng tải vừa đủ để chuẩn bị cho lộ trình xa. Với lý do nào đó, người ta lấy bớt một xe, sớt hàng hóa xe ấy sang xe kia. Đại vương thấy thế nào? Một chiếc xe mà chở nặng một số hàng hóa với trọng tải gấp đôi, thì số phận chiếc xe ấy sẽ như thế nào?
- Bánh xe ấy sẽ gãy hoặc trục xe ấy sẽ vỡ lìa từng đoạn!
- Mười ngàn thế giới này cũng sẽ gãy đổ hoặc vỡ lìa tan nát ra như thế, nếu sức nặng của hai vị Phật đồng ngự đến một lần, tâu đại vương?
- Trẫm đã hiểu nhờ hai ví dụ ấy.
- Ngoài ra, biết bao điều tai hại do tranh chấp, do chia rẽ, do chấp thủ, do bảo vệ, rằng là "đây là Phật của tôi, kia là Phật của anh"; và thế là phân thành hai nhóm, sẽ tranh đấu với nhau bằng binh khí miệng lưỡi, binh khí đao gậy. Nói tóm là những điều nguy hại cho giáo pháp sẽ xảy ra.
- Vâng! Ví như trong triều đình của trẫm đây, nếu trẫm có hai vị quan cận thần có tài đức và công lao ngang nhau, đều được trẫm sủng ái. Quan lại trong triều đều phân làm đôi ủng hộ hai vị quan ấy. Chuyện gì sẽ xảy ra? Dĩ nhiên là sẽ có chuyện tranh chấp cãi cọ lôi thôi, sẽ có sự chia rẽ, mất hòa khí khi "ông quan này của chúng tôi, ông quan kia của các anh!" Thật là khó xử cho trẫm đấy. Trong triều không thể để cho hai ông quan có tài đức ngang nhau, công lao ngang nhau, quyền lực ngang nhau... như thế nào thì mười ngàn thế giới này cũng không nên tồn tại hai vị Phật, thưa đại đức!
- Vâng, mong rằng đại vương đã hiểu. Và có thể có những tế toái, phức nhiễu khác nữa. Ngay chính những hồng ân, danh hiệu, sự tôn xưng của thế gian đối với chư Phật sẽ có cái gì không được ổn cho lắm.
Ví dụ, Đức Phật là bậc tối thượng giữa muôn loài. Chữ tối thượng kia phải xét lại. Tối thượng là chỉ có một người, duy nhất, tại sao ở đây lại có hai người?
Lại ví dụ, Đức Phật là bậc đáng tôn trọng, cao quý nhất trong tam giới. Dùng chữ cao quý nhất ấy không còn thích đáng nữa.
Cũng thế, chẳng hạn, Đức Phật là bậc tiến hóa đệ nhất giữa chốn chư thiên và loài người. Chữ "đệ nhất" ấy cũng sẽ không còn dùng được.
Ngoài ra, tỉ như, Vô thượng sĩ, Thế Tôn, Thiên nhân sư v.v... đều phải sửa đổi lại.
Còn nữa, tâu đại vương! Trên đời này, những cái to lớn, vĩ đại thường chỉ có một: quả đất, mặt trời, mặt trăng, biển cả, hư không, núi Tu di, Hy mã lạp sơn... Còn các giống hữu tình lớn như ma vương, Đế thích, đại phạm thiên cũng chỉ có một. Tương tợ thế ấy, giữa thế gian chỉ có một đức Chánh Đẳng Giác mới gọi ngài là vĩ đại, quý báu, tôn quý, cao thượng, vô thượng, tối thượng v.v... Như thế, trong một thời kỳ nhất định, giữa mười ngàn thế giới này chỉ có một vị Phật đản sanh, không thể có hai vị được, tâu đại vương!