DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 20/21 ĐầuĐầu ... 1018192021 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 191 tới 200 của 202
  1. #191
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    144. Tượng vương Chaddanta thì cung kính y cà sa - mà bồ-tát Jotipàla lại nhiếc mắng "sa môn trọc đầu"?

    - Đại đức chắc nhớ chuyện voi chúa Chaddanta, là tiền thân của Đức Phật Thích Ca chứ?

    - Đấy là chủ đề "cung kính y cà sa" mà đại vương sẽ nói chuyện hôm nay?

    - Vâng.

    - Vậy thì xin đại vương hoan hỷ kể chi tiết câu chuyện cho nghe, bần tăng chỉ nhớ đại lược.

    - Cung kính chẳng bằng tuân mệnh, trẫm sẽ kể đây:

    Bồ tát của chúng ta, một kiếp kia sinh làm Tượng vương, có tên là Chaddanta, ngài là voi chúa cai quản một đàn voi, thường gặp những sa môn mặc y cà sa đang hành thiền định hoặc lui tới trong khu rừng. Thấy màu vàng của y cà sa, tượng vương Chaddanta với trí nhớ tiền kiếp, biết đây là những bậc tu hành cao thượng nên hết sức cung kính. Tượng vương Chaddanta dạy bảo đàn voi, theo gương mình, quỳ xuống đảnh lễ.

    Ngày qua tháng lại, có người thợ săn theo dấu đàn voi để săn ngà, thấy voi chúa và cả đàn voi cung kính lễ bái những vị sa môn mặc y cà sa vàng. Mưu kế nảy sinh, người thợ săn kiếm vải nhuộm vàng bằng nước chát, trùm lên người giả làm sa môn rồi tập ngồi thiền định dưới một cội cây to.

    Hôm nọ, voi chúa và đàn voi đi qua, thấy vị "sa môn", đồng quỳ xuống đảnh lễ rất cung kính, cúi đầu, thụt lùi mấy bước mới tiếp tục lộ trình. Khi cả đàn voi đi khuất, chỉ còn con voi chậm chạp sau cùng; người thợ săn tay nhanh như điện, lấy ngọn giáo sắt, tẩm độc cực mạnh đâm chết con voi, thiêu hủy thịt, lấy ngà đem bán. Hành động ấy của gã thợ săn kéo dài chưa được bao lâu thì voi chúa đã khởi tâm nghi ngờ: "Dường như có sự thiếu vắng của một số con voi quen thuộc? Vậy thì một số voi đã mất, bị giết hại ở đâu và do đâu? Trên lộ trình kiếm tìm thức ăn, sự nguy hiểm có thể xảy ra tại nơi nào? Chỗ kiếm tìm thức ăn không có, những chỗ bước đi không có! Vậy thì phải bắt đầu từ chỗ quỳ xuống đảnh lễ các vị sa môn rồi bước đi! Sự nguy hiểm phải được quan sát từ đó!"

    Sau khi suy nghĩ chu đáo, buổi sớm, tượng vương cho cả đàn voi đi trước, mình đi sau cùng. Trên đường đi, gặp sa môn y cà sa màu vàng, voi chúa và đàn voi đều quỳ xuống cung kính đảnh lễ như mọi hôm, nhưng không có gì xảy ra. Đến chỗ "sa môn" giả dạng, sau khi đảnh lễ, voi chúa cảnh giác đi sau cùng. Thấy voi chúa với sáu chiếc ngà vàng to lớn, thợ săn rất sung sướng nghĩ mình sắp giàu có đến nơi. Với động tác quen thuộc và rất chính xác, gã thợ săn nhích tay lao ngọn sắt tẩm độc ra. Lạ lùng làm sao, y đã nhanh mà chiếc vòi của voi chúa còn nhanh hơn. Khi mũi giáo vừa thò ra khỏi chiếc y màu vàng thì trọn vẹn thân thể và hai tay của tên thợ săn đã bị vòi voi quấn chặt rồi nhấc lên cao!

    Giữa sát na ấy, khi voi chúa định quật nát thân thể gã thợ săn, màu vàng của chiếc y đã làm cho tâm của voi chúa chùn lại. Voi chúa nghĩ: "Y cà sa màu vàng là lá cờ chiến thắng, quý báu, cao thượng của chư vị A-la-hán, chư vị Chánh Đẳng Giác! Tuyệt đối ta không thể xâm phạm. Dẫu tên thợ săn này đã có tâm ác độc, đã giết hại đồng loại của ta, nhưng tội y làm thì y sẽ lãnh chịu. Một ngàn lần sanh mạng của ta dầu bị phanh thây, chặt đầu..., ta cũng không dám đụng chạm đến chiếc y cà sa màu vàng linh thiêng ấy."

    Ý nghĩ đi liền theo hành động, voi chúa thay vì quật nát tên thợ săn, đã nhẹ nhàng đặt y xuống, thò vòi lấy ngọn giáo sắt bẻ vụn, quăng ra xa. Voi chúa nhìn tên thợ săn đang co rúm, da mặt tái xanh đầy sợ hãi, bằng cái nhìn nghiêm khắc, rống to một tiếng đầy uy vũ, vang động cả rừng già rồi bỏ đi!




  2. #192
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    Chuyện voi chúa cung kính y cà sa là vậy đó, tâu đại đức. Khi kể, trẫm có thêm bớt một tí cho nó liền lạc câu chuyện.

    Nghe xong, đại đức Na-tiên nói với giọng cảm khái:

    - Thật là một bài thơ đẹp và hùng tráng biết bao!

    - Quả là vậy! Nghĩa cử ấy thật là tuyệt vời!

    - Tâu, từ câu chuyện ấy, đại vương sẽ dẫn đến nội dung gì?

    Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

    - Vâng! Cũng là bồ tát mà kiếp ấy voi chúa kính trọng y cà sa, kính trọng phẩm mạo xuất gia của các bậc sa môn; nhưng kiếp khác, khi làm thanh niên bà-la-môn, có tên là Jotipàla, lại nói lời thô bỉ xâm phạm đến Đức Phật Kassapa, như nguyền rủa Đức Phật Kassapa là "sa môn đầu trọc". Điều ấy chứng tỏ gì? Chứng tỏ hai khía cạnh và hai ý nghĩa khác nhau, chỗ thì tôn trọng, chỗ thì phỉ báng trong hai tiền thân của Đức Phật. Xin đại đức giải minh mối nghi cho!

    Đại đức Na-tiên mỉm cười:

    - Vâng, nhưng xin đại vương vui lòng cho bần tăng nghe câu chuyện "sa môn đầu trọc" ấy chứ? Ít ra cũng có hoàn cảnh, bối cảnh như thế nào? Nhân và quả của sự việc như thế nào chứ?

    - Vâng, trẫm sẽ kể đây:

    Thuở Đức Phật Kassapa tại thế, ngài có một Thánh đệ tử cư sĩ làm nghề thợ gốm. Ông ta có đức tin bất động với Tam Bảo, thường hay cúng dường đến Đức Phật Kassapa và Tăng chúng. Ông ta cũng thường hay dẫn dắt ngoại đạo đến nghe Pháp, quy y với Đức Phật. Trong số ấy có thanh niên Jotipàla, là một thanh niên có học thức, có trí nhưng cứng đầu. Không biết bao nhiêu lần, người thợ gốm tìm cách dẫn thanh niên Jotipàla đi nghe thuyết pháp, nhưng thanh niên ấy đều từ chối, nói rằng: "Đến sa môn trọc đầu xấu xa ấy mà làm gì, ta không đi."

    Hôm kia, rủ bạn đi tắm sông, gần tịnh xá của Đức Phật Kassapa; người thợ gốm lựa thế nắm chỏm tóc của thanh niên Jotipàla, kéo và lôi bằng sức mạnh, buộc Jotipàla đến chỗ Đức Phật nghe pháp cho bằng được. Thanh niên Jotipàla, ban đầu, chưởi toáng lên, luôn miệng phỉ báng "sa môn đầu trọc" và người bạn thợ gốm; nhưng sau đó, y chợt tỉnh: "Bạn ta vốn là người từ tốn, ôn nhu, đức hạnh; chưa bao giờ bạn ta có lời nói hay hành động thất lễ với một đứa con nít, mà sao bây giờ lại tỏ thái độ như vậy đối với ta? Lại nữa, bạn ta biết rõ ta là dòng dõi bà-la-môn cao quý, thượng đẳng; còn bạn ta thuộc vào giai cấp thợ thuyền, hạ liệt? Chắc phải có lý do gì bức thiết, quan trọng, bạn ta mới nắm chỏm tóc ta, kéo và lôi bằng sức mạnh, vô lễ đối với ta như vậy."


    Thưa đại đức! Đấy là câu chuyện, là lý do, là bối cảnh phát sanh từ lời phỉ báng. Như vậy chứng tỏ gì? Chứng tỏ những câu nói rải rác trong kinh điển: "Hễ vị bồ tát sinh trong kiếp nào cũng đều cung kính Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng"... là sai! Câu chuyện kia quả là một minh chứng hùng hồn vậy.

    - Đại vương kết luận hơi sớm. Câu chuyện thanh niên Jotipàla dường như chưa chấm dứt mà.

    - Vâng. Sau khi nghe pháp xong, trí tuệ phát sanh, thanh niên Jotipàla quay sang bạn, cất giọng ngạc nhiên: "Với những thời pháp cao siêu, vi diệu như thế này, tôi không hiểu tại sao, cho đến bây giờ bạn chưa xuất gia trong giáo pháp của Đức Đạo Sư!" Rồi sau đó thanh niên Jotipàla xuất gia, không bao lâu, đắc thiền và thắng trí, cuối đời, mãn thọ, hóa sanh vào phạm thiên giới.

    Đại đức Na-tiên chợt nói:

    - Như vậy, chứng tỏ gì? Chứng tỏ từ thâm sâu, thanh niên Jotipàla đã có sẵn căn cơ vững chắc, có đức tin, sự kính trọng Tam Bảo không chỉ ở bình diện cạn cợt của năm bảy kiếp sống. Còn sự phỉ báng ở đầu môi, như "sa môn đầu trọc, xấu xa đê tiện v.v..." thì còn phải xét ở thói quen, sự tạp nhiễm, truyền thống gia tộc, phương cách giáo dục...; nghĩa là trong bối cảnh toàn diện mà thanh niên Jotipàla đang sống, khi ấy may ra mới đủ thẩm quyền xác định tư cách trọn vẹn của một con người. Tâu đại vương! Đại vương đã có cái nhãn quan tổng thể ấy chưa?



  3. #193
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    Đức vua Mi-lan-đà cảm thán:

    - Đại đức quả là thông tuệ, mở rộng tầm nhìn cho trẫm. Tuy nhiên, lập ngôn của đại đức quá cô đọng, hãy từ từ mở phơi vấn đề cho trẫm thấy, thì trẫm cảm ơn lắm vậy!

    - Thật là hân hạnh khi được bậc chí tôn tán thán. Bần tăng xin mạo muội đưa ra vài câu hỏi, đại vương hiểu như thế nào thì xin đáp cho thế ấy.

    - Thưa, vâng!

    - Một gia đình bà-la-môn giàu có, sang trọng như gia đình thanh niên Jotipàla thời đó, sẽ nói về giòng giống của mình, sẽ dạy cho con cái của họ như thế nào?

    - Thưa, sẽ nói rằng, họ là chủng tộc cao quý, thượng đẳng, sanh ra từ miệng đấng Phạm thiên; là người cầm muỗng trong các chiếu tiệc tùng, là con mắt sáng của thế gian; là tập cấp tôn quý đứng đầu xã hội, cho chí giai cấp quý tộc, vua chúa cũng phải cúi đầu, cung kính, lễ bái, cúng dường. Các tập cấp trong xã hội phải có bổn phận cung phụng tất cả mọi nhu cầu ăn ở cùng tiện nghi sinh hoạt. Họ là trí tuệ, là tri thức của loài người; chỉ có họ mới đủ tư cách thiêng liêng nói chuyện, trao đổi với thần linh v.v...

    Với truyền thống như thế, với sự giáo dục như thế, thanh niên Jotipàla hít thở, ăn nói, đi đứng... mang sự hãnh diện và tự hào của một tập cấp cao quý lâu đời. Vậy thì từ cửa miệng của thanh niên Jotipàla, khinh chê tập cấp khác, hoặc phát ngôn câu "sa môn đầu trọc, xấu xa, đê tiện" là lời phát ngôn bình thường hay do ác khẩu, ác ngữ?

    Đức vua Mi-lan-đà có vẻ suy nghĩ mới đáp:

    - Nói rằng "ác khẩu, ác ngữ" thì hơi vội quy kết, võ đoán. Có lẽ là do thói quen, tự hào của tập cấp mình mà sinh ra thế!

    - Vậy là đại vương đã tự trả lời. Cái tâm của Jotipàla có lẽ không do định kiến sâu dày, không do ác kiến, chỉ là sự phát ngôn bừa bãi ở bên ngoài mà thôi.

    - Vâng!

    - Nước của trái amata vốn ngọt, nhưng nếu trộn với nước rau má nhiều, nước ngọt kia sẽ trở nên đắng. Nước rau má đắng, nhưng nếu trộn nhiều nước amata ngọt, nước đắng kia sẽ trở thành ngọt. Thanh niên Jotipàla bản chất tốt, hạt giống Bồ đề lâu đời ở trong tâm, nhưng một mình sống giữa tập cấp bà-la-môn, sự lây nhiễm hoặc mất cả mùi vị cũng là điều dĩ nhiên vậy.

    - Vâng!

    - Nước nhiều, lửa phải thua nước. Lửa nhiều, nước phải thua lửa.

    - Vâng!

    - Người có tâm lành, nhưng thường hay thân cận, giao tiếp quá nhiều với bạn ác, thì tâm lành, tốt kia lần hồi sẽ bị biến chất. Người có tâm ác, nhưng bạn bè, gia đình, quyến thuộc đều là người hiền lương, thì không bao lâu, kẻ có tâm ác kia sẽ được cảm hóa.

    - Thưa, vâng!

    - Thanh niên Jotipàla dẫu tu tập nhiều đời, nhưng trí tuệ chưa già dặn, chàng lại còn non trẻ; nói năng đi đứng, hiểu biết... đều bị uốn nắn theo đức tin của ngoại giáo, tà kiến. Chúng ta có thể nào quy chụp thanh niên Jotipàla là ác khẩu, ác ngữ, sân tâm, ác tâm, nói lời thô bỉ, mạ lỵ với định kiến sâu dày được chăng?

    - Thật không thể.

    - Khi thanh niên Jotipàla còn một mình, nghe pháp, chàng tức khắc xuất gia, như vậy chứng tỏ gì? Chứng tỏ rằng trái amata ngọt đã trở lại nguyên trạng trái amata ngọt; chàng đã trở lại với căn cơ, tâm tuệ vốn có sẵn từ nhiều kiếp trước.

    - Vâng!

    - Đến đây ta có thể kết luận rằng: tự thâm sâu, chàng Jotipàla vẫn cung kính, tôn trọng Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, được không hở đại vương?

    - Kết luận ấy không hời hợt, không vội vã, không nông cạn chút nào!

    - Cảm ơn đại vương!

    Đức vua Mi-lan-đà sảng khoái, cười ha hả.



  4. #194
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    145. Về cái nhà không mái của người thợ gốm?

    - Thưa đại đức! Chuyện của người thợ gốm, Thánh đệ tử cư sĩ của Đức Phật Kassapa vẫn chưa xong ạ!

    - Đại vương cứ hỏi! Chẳng lẽ đại vương có những hoài nghi nào đó liên quan đến vị Thánh cư sĩ này chăng?

    - Thưa, vâng!

    - Chuyện ấy ra sao, đại vương cứ kể ra và cứ đặt câu hỏi, hy vọng rằng bần tăng sẽ góp được một vài ý kiến chăng!

    Đức vua Mi-lan-đà bắt đầu kể:

    - Trẫm có nhớ rằng, người thợ gốm có tên là Ghàtikàra, sống đời cư sĩ nhưng giữ giới luật của bậc Thánh. Vị ấy tuy làm thợ gốm nhưng không dám tự tay đào đất lấy sét vàng, sét trắng. Vị ấy đã phải bỏ nhiều thời gian đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác tìm những hang, những lỗ do chuột, chồn, cáo đào, bới vương vãi ra. Vị ấy chỉ dùng loại đất sét ấy về lọc mịn, nhồi, nắn thành thau, chậu, nồi, chén, bát... rồi đặt vào lò nung, sau đó đem bán cho mọi người. Vì giữ giới luật của bậc thánh, vị ấy không nhận tiền, vàng, bạc hoặc cất giữ tiền, vàng và bạc; chỉ nhận và trao đổi theo giá trị của mặt hàng để lấy ngũ cốc, rau cải, muối, vải vóc v.v... Bằng cách sống và làm việc như vậy, vị ấy nuôi mình, nuôi cha mẹ mù lòa cùng hộ độ Đức Phật Kasspa và Tăng chúng. Đặc biệt, vị Thánh cư sĩ luôn đặt bát cho Đức Phật Kassapa vào mỗi buổi sáng.

    Hôm kia, vì công việc đi tìm đất sét khó khăn, xa xôi, vị Thánh cư sĩ phải đi rất sớm. Từ khi sao mai còn tinh rạng trên bầu trời, vị Thánh cư sĩ đã lo cơm canh và nước uống cho cha mẹ, lại còn chuẩn bị chu đáo phần để bát cho Đức Phật theo lệ thường.

    Vị Thánh Ghàtikàra dặn lại với cha mẹ mù lòa:

    - Thưa cha mẹ! Sáng nay con không thể tự tay đặt bát cho Đức Thế Tôn, thật là có lỗi, nhưng con tin là Đức Thế Tôn hiểu lòng dạ của con. Vậy thì khi cha mẹ nghe tiếng "đằng hắng" ở nơi cửa - nhất định đấy là Đức Phật - thì cha mẹ sẽ thưa lại với ngài như sau: "Bạch Đức Thế Tôn! Con trai của con đã đi vắng, nhưng đứa con trai của con vẫn mong muốn cúng dường vật thực vào mỗi buổi sáng. Vậy xin Đức Thế Tôn hoan hỷ, hãy tự ý đi vào bếp; thức ăn khô, thức ăn nước, con của con đã đậy đằng sẵn ở trong cũi, cơm trộn sữa, con của con đang để sẵn ở trong chảo."

    Và quả đúng, sau đó, chuyện xảy ra y như vậy. Đức Thế Tôn Kassapa chẳng chấp nhất gì, đi vào bếp và tự tay đổ cơm và canh vào bát cho mình. Người cư sĩ thánh thiện cùng cha mẹ mù lòa của vị ấy sung sướng, hỷ lạc vô cùng.

    Lại hôm khác, mưa xuống, tịnh thất của Đức Phật bị dột rất nặng, chẳng có chỗ nào khô ráo để Đức Thế Tôn an ngự. Ngài nói: "Này chư tỳ kheo! Hãy đi tìm tranh hoặc cỏ để lợp lại cốc cho Như Lai. Hãy đến nhà cư sĩ Ghàtikàra xem sao!" Khi các vị tì kheo đi về, Đức Phật hỏi: "Thế nào, ở đấy có tranh hoặc cỏ không?" Chư tỳ kheo thưa: "Dạ có, nhưng nó ở trên mái!" Đức Thế Tôn phán: "Cứ có tranh là được, bất kỳ ở đâu, hãy lấy tranh ấy về!"



  5. #195
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    Vâng lời Đức Phật, chư tỳ kheo đến nhà cư sĩ Ghàtikàra, leo lên mái và gỡ tranh ra. Hôm ấy, cư sĩ đi vắng. Cha mẹ mù lòa của ngài cư sĩ, nghe tiếng người xôn xao, với tiếng tranh bị gỡ ở trên mái, bèn ngạc nhiên hỏi: "Các người là ai?" "Thưa, chúng tôi là tỳ kheo!" "Các vị làm gì vậy?!" "Thưa, cái cốc của Đức Thế Tôn bị mưa dột, chúng tôi gỡ tranh này về lợp lại cái cốc cho Đức Thế Tôn!"

    Cha mẹ mù lòa của cư sĩ Ghàtikàra nghe vậy, hỷ lạc dâng khắp đầy người, rối rít nói: "Vậy là tốt, vậy là có phước báu lắm, vậy các ngài hãy gỡ đi, cứ gỡ hết đi, về lợp lại tịnh thất cho Đức Thế Tôn".

    Người cư sĩ thánh thiện đi công việc về, thấy nhà trống không, chẳng có mái che, bèn hỏi: "Tại sao cái nhà toang hoác, thấy trời vậy, thưa cha mẹ?" Cha mẹ cư sĩ kể lại. Thế là hỷ lạc dâng khắp đầy trong tâm vị cư sĩ suốt một tuần mới chịu tan đi.

    Câu chuyện kể đến ngang đây, Đức vua Mi lan đà ngưng hơi nghỉ một lát. Đại đức Na tiên tiếp lời:

    - Thế là bắt đầu hôm ấy, cái mái nhà trống không ấy của ngài cư sĩ, mưa nắng gì cũng không lọt vào được, suốt ba tháng như thế?

    Đức vua gật:

    - Đúng vậy. Và các vấn đề, những mối nghi cũng bắt đầu từ đấy.

    - Đại vương cứ nói!

    - Nước mưa hoặc nắng không thể lọt vào nhà suốt trong ba tháng hẳn là điều phi thường, nhiệm mầu, lạ lùng! Ôi! oai lực của vị cư sĩ kia quả là to lớn! Cũng phải thôi! Người cư sĩ kia có ngũ giới trọn vẹn, có bát quan trai giới tuyệt hảo, lại còn có thêm giới luật của bậc thánh. Ngoài ra, ông ta có thiện căn sâu dày, hiếu thảo phụng sự nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa, hộ độ Đức Phật và Tăng chúng, có đức tin trong sạch, bất thối với Tam Bảo, với thiện pháp... Người như thế thì phước báu như thế. Nhân như vậy thì quả phải thù thắng. Nhà không phải lợp bằng cỏ tranh bình thường mà rõ ràng là được lợp bởi giới, bởi đức tin thuần khuyết, bởi công đức cao vợi, bởi tâm hiếu thảo, bởi sự cúng dường không mệt mỏi! Trên thế gian này chẳng ai có oai lực để so sánh bằng...

    - Đại vương cứ nói tiếp.

    - Vâng, cho chí Đức Thế Tôn Kassapa cũng chẳng có oai lực được như thế, mưa dột mái phải kiếm tranh lợp lại như mọi người trong thế gian này? Thưa đại đức! Đấy là những câu hỏi của trẫm, những mối nghi của trẫm vậy!

    - Nói tóm lại, đại vương muốn hỏi: "Tại sao oai lực của Đức Thế Tôn không bằng oai lực của vị Thánh đệ tử?"

    - Vâng, vâng!

    - Và, tại sao, Đức Phật Kassapa lại vô ngại đến độ, đi vào bếp nhà người ta, tự ý lấy cơm canh đổ vào bát của mình?

    - Vâng, vâng!

    Đại đức Na-tiên im lặng giây lát:

    - Tâu đại vương! Về oai lực chư Phật thì quả là vô biên giới, vô hạn lượng, vô hạn định, không có mé bờ. Đức Phật là tối thượng trong tam giới, là thầy của chư thiên và nhân loại, không có oai lực nào trên thế gian khả dĩ so sánh với oai lực của ngài được. Cốc của Đức Phật bị dột, thế ra ngài sợ bị dột ư? Ngài sợ nước ư? Không phải thế đâu! Hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn nước ấy; hằng ngàn hằng triệu mưa, nắng, gió ấy... cũng chẳng thể làm gì ngài được đâu! Núi Tu di vẫn bất động trước cơn gió hung bạo, cuồng nộ thổi trăm chiều và cho dù sức mạnh của trăm ngàn cơn gió ấy cọng lại, núi Tu di vẫn không lay chuyển.



  6. #196
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    Ví như biển cả sâu thẳm và mênh mông, hằng trăm hằng ngàn con sông Hằng tuôn đổ vào, không vì thế mà biển cả đầy hơn. Trái lại, hằng trăm, hằng ngàn con sông Hằng, hằng ngày rò rỉ nước, không vì vậy mà biển cả vơi đi chút nào. Núi Tu di và biển cả được ví như đức lớn của Đức Phật vậy, nó ở ngoài và ở trên mọi oai lực, không có oai lực phi thường nào đụng đến ngài được. Huống hồ là oai lực của vị cư sĩ! Huống hồ là các oai lực của tự nhiên như nắng, mưa, gió, bão... tâu đại vương! Có lẽ là đại vương chỉ giả vờ hỏi khó bần tăng đấy thôi!

    - Không dám! Cách giải thích của đại đức như thế đã tạm ổn, tuy chưa có minh chứng cụ thể. Đức Phật nhập diệt lâu rồi, chúng ta chỉ còn thấy oai lực ấy hiện hữu trên ngôn ngữ và lý luận. Ở đấy cần phải có đức tin mới giải tan vấn đề được, phải vậy không, đại đức?

    - Đúng thế. Và bần tăng biết, bần tăng có đức tin ấy.

    Đức vua Mi lan đà cười xòa:

    - Trẫm cũng có, đại đức chớ có lo! Vậy còn mối nghi thứ hai và thứ ba?

    - Tâu, việc dâng cúng vật thực thành tựu là do ở tâm, ở tác ý quyết định. Chính Đức Phật Kassapa biết tác ý kính thành, trong sạch của người cư sĩ, nên đã vô ngại đi vào bếp. Nhờ vậy, người cư sĩ và cha mẹ của người cư sĩ sẽ hoan hỷ hơn. Vì hoan hỷ nên phước báu sẽ lớn hơn. Giúp cho chúng sanh nhiều phước báu, tạo thêm duyên cho chúng sanh biểu hiện tấm lòng, tăng trưởng đức tin, không là việc đáng làm sao, hả đại vương!

    - Trẫm đồng ý với kiến giải này.

    - Việc gỡ mái nhà cũng y như thế. Đức Thế Tôn biết gia đình ấy sẽ sung sướng, hỷ lạc; và niềm hỷ lạc sẽ đến cho họ cả tuần lễ, nên ngài mới làm. Chuyện ấy là thường tình thôi. Ví như đại vương là bậc cao quý, tự đến nhà một bề tôi trung thành, thân tín, là niềm hãnh diện cho người bề tôi ấy. Giả dụ đại vương lấy ở nhà ấy một vật gì, người bề tôi ấy hẳn là sung sướng lắm. Có phải thế không ạ?

    - Vâng.

    - Có người còn hỏi: "Tại sao Đức Phật không sử dụng oai lực thần thông để che kín mái nhà của mình? Thảng hoặc, sai Đế thích hoặc Tứ đại thiên vương bảo thần mưa, thần nắng đừng có phạm đến mái nhà?" Đại vương có muốn trả lời điều này chăng?

    - Thưa, không cần thiết. Thần thông là thế gian pháp, bất đắc dĩ chư Phật mới sử dụng. Khi các câu hỏi ở trên đã thông rồi thì các điều còn lại, trẫm sẽ tự giải nghi cho mình. Làm phiền đại đức vậy là đã quá nhiều. Chư Phật độ người là quan trọng, biểu diễn thần thông phép lạ là việc làm không thích đáng vậy.

    - Cảm ơn đại vương đã thông hội vấn đề nhặm lẹ.

    - Thưa, cũng thường thôi!



  7. #197
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    146. Tại sao có lúc Đức Phật xưng mình là bà-la-môn, có khi xưng mình là vua?

    - Thưa đại đức! Bà-la-môn là giai cấp tu sĩ ngoại đạo, tôn thờ thần linh, có gia đình hoặc xuất gia, thuộc về giáo phái tà kiến... có phải thế không ạ?

    - Tâu, vâng!

    - Thế sao Đức Đạo Sư tối thượng của chúng ta, đôi chỗ lại tự xưng mình là bà-la-môn, ví dụ như ngài nói: "Như Lai là một bà-la-môn, cũng đi trì bình khất thực, xin cơm của thí chủ để nuôi mạng...", điều ấy có đúng chăng? Có cần thiết phải hạ mình như thế chăng? Ngài không ngại thế gian hiểu lầm chăng?

    - Tâu đại vương! Đức Phật tự xưng mình là bà-la-môn, điều ấy có thật, chẳng phải là sự hạ mình, chẳng phải là đề cao một giáo phái ngoại đạo. Đấy là cách nói chuyện thân mật, gần gũi của Đức Phật nhằm hóa độ có hiệu quả mọi tầng lớp trong xã hội.

    - Xin đại đức giảng cho nghe.

    - Khi nói chuyện với người nông dân, Đức Đạo Sư của chúng ta sẽ nói: "Này người nông phu! Như Lai cũng là một nông dân, Như Lai cũng cày, cũng cuốc, cũng bừa, cũng gieo mạ! Cày bừa ấy là đức tin, tinh tấn, gieo mạ ấy là những hạt giống thiện pháp. v.v..." Khi nói chuyện với một thương gia, Đức Thế Tôn sẽ nói: "Này người thương gia, Như Lai cũng làngười đi buôn, Như Lai có tiền bạc, Như Lai duỗi ngựa đường xa, Như Lai mua những món hàng chỗ này chỗ kia! Tiền bạc của Như Lai là tín, là giới; ngựa của Như Lai là tinh tấn v.v..."

    Đại vương nghĩ thế nào, với cách nói chuyện như vậy, dẫn đề như vậy, sự thuyết phục, hóa độ cụ thể, có dễ dàng, có tạo thêm sức mạnh hay chăng?

    - Chắc chắn thế rồi!

    - Lại nữa, tâu đại vương! Trường hợp ngài xưng mình là bà-la-môn còn có tính hóa độ sâu sắc hơn thế!

    - Trẫm xin rửa tai để lắng nghe.

    - Đại vương nên hiểu rằng, bà-la-môn vào thời Đức Phật tại tiền, đã thoái hóa, đã biến chất, đã suy đồi, đã phản bội lý tưởng ngàn xưa của tiền nhân họ. Kinh sách cổ xưa của bà-la-môn nói về giới hạnh, tu tập, thiền định... là để thực hành con đường nhằm có thể đến cọng trú với phạm thiên. Phạm thiên là cảnh giới cao quý, thanh tịnh, chói sáng; nơi đã thoát ly mọi ô nhiễm, cấu uế của ngũ trần dục giới. Đại phạm thiên, vị vua của cõi trời này có rất nhiều oai lực nên bà-la-môn giáo rất ngưỡng vọng, tôn thờ.

    Đại vương nên biết rằng, trong tiếng Phạn, phạm thiên là brahmà, và bà-la-môn là brahamano (brahamana). Vậy một brahmano muốn đuợc gọi là một brahmano thì phải thực hành con đường đi đến cõi brahmà; con đường ấy được gọi là brahmacariya, tức phạm hạnh. Chữ "phạm hạnh" mà Đức Phật thường dùng là để chỉ đến giới hạnh cao thượng của hàng ngũ xuất gia.

    Tâu đại vương! Vậy một bà-la-môn chơn chính vốn rất cao quý, cao thượng chứ không phải tầm thường đâu. Đức Phật rõ là muốn hóa độ những người bà-la-môn trở về với ý nghĩa bà-la-môn đích thực của mình, chứ không phải bà-la-môn thoái hóa, nhãn hiệu, thiếu thực chất, xa cội nguồn, sống đời lợi dưỡng, xa hoa trong truyền thống tập cấp của họ.



  8. #198
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    - Hay lắm! Bây giờ trẫm mới được hiểu. Khi Đức Phật nói: "Như Lai cũng là một bà-la-môn..." tức là muốn nói đến bà-la-môn chơn chính ấy.

    - Vâng!

    - Xin đại đức cho nghe thêm một số đức tính cao thượng của bà-la-môn!

    - Như đại vương đã hiểu, một người bà-la-môn xuất gia chơn chính phải lấy việc khất thực làm phương tiện nuôi mạng, không được nuôi mạng bằng buôn bán, các nghề nghiệp, xem thiên văn, địa lý, bói toán, tử vi, bốc xăm, xem hướng nhà... để lấy tiền của thiên hạ. Khi đi khất thực phải giữ tâm bình đẳng, thanh tịnh trước người giàu, kẻ nghèo, vật thực ít hay nhiều, ngon hay dở. Phải chánh niệm, tỉnh giác, khoan thai; nuôi dưỡng tâm từ, tâm xả v.v... Tâu đại vương, đi khất thực nuôi mạng như vậy có được gọi là cao thượng chăng?

    - Rất là cao thượng.

    - Thứ hai, nếu được gọi là bà-la-môn thì bà-la-môn ấy phải nuôi dưỡng đức tin trong sáng cho mọi người bằng cách sống đời xuất gia phạm hạnh; phải có kiến thức về pháp học để tiêu trừ nạn vấn, nghi nan cho nhiều người. Đức Thế Tôn là bậc thầy trong tam giới, ngài phải phá nghi cho nhân loại, Đế thích, phạm thiên, diêm chúa, dạ xoa, a tu la. v.v...

    - Ôi! Cao quý thay!

    - Thứ ba, bà-la-môn phải sống đời dứt bỏ, xả ly mọi bất tịnh trần cấu dục uế; phải cô đơn một mình như loài tê giác trên lộ trình ấy, chẳng có ai là bạn, chỉ có mình tự giải quyết vấn đề của chính mình. Đức Thế Tôn cũng chỉ đơn độc một mình, dứt bỏ, xả ly mọi bất tịnh trần cấu của cả ba cõi; giải thoát sanh già bệnh chết, tận tuyệt vô minh, phiền não; chiến thắng tất cả ma quân để đến nơi vô sanh bất diệt!

    - Trẫm hiểu rồi.

    - Thứ tư, một bà-la-môn chơn chính luôn luôn nuôi dưỡng thiện pháp, sống và hành theo thiện pháp, còn Đức Thế Tôn thì đã đạt đến nơi toàn thiện.

    Thứ năm, một bà-la-môn chơn chính phải thông hiểu Tam phệ đà, giữ gìn truyền thống tốt đẹp lâu đời về giới hạnh, về kỷ luật, về kinh điển, về giáo dục... rồi truyền lại cho thế hệ hậu lai. Đức Thế Tôn cũng y như thế... trong việc dạy dỗ pháp học, pháp hành đến cho tứ chúng; chế định luật giới cho mỗi chúng, không mệt mỏi giáo huấn người, trời, Đế thích, phạm vương, a tu la, dạ xoa v.v...

    Thứ sáu, bà-la-môn chuyên tâm về thiền định, Đức Phật cũng chuyên tâm về thiền định. Khi muốn nghỉ ngơi, Đức Phật thường trú định phạm thiên, tịnh cư!

    Thứ bảy, bà-la-môn hằng biết rõ sự thực hành để đi đến các cảnh giới cao cả; đâu là cõi nhỏ cảnh giới cao cả, đâu là cõi lớn cảnh giới cao cả. Đức Thế Tôn cũng hằng biết như thế, nhưng lại mênh mông và vô lượng hơn nhiều.

    - Trẫm biết rõ.

    - Vậy, danh hiệu bà-la-môn ấy chẳng phải do sự tôn xưng của Phật phụ, Phật mẫu, thượng tộc Thích ca vương, đại thần, quân binh, bằng hữu v.v... cũng chẳng phải do sự tôn xưng của chư thiên, long vương, dạ xoa... Đức Đạo Sư là bậc Toàn thắng ma, là bậc Thập lực tuệ, có sức mạnh vô úy, tối thượng, ở trên và ở ngoài ba cõi, thật chẳng có sự tôn xưng nào xứng đáng hoặc xứng danh được. Chí đến mười hồng ân tôn xưng ngài cũng chưa đủ, huống hồ là danh hiệu bà-la-môn, dẫu là cao quý nhưng cũng chỉ thực hành con đường phạm hạnh (brahmacariya) để đi đến cõi phạm thiên, đại phạm thiên - là cảnh giới nhỏ, là học trò của ngài mà thôi vậy.



  9. #199
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    - Vâng, quả đúng như vậy! Bà-la-môn là danh hiệu khả dĩ để đối thoại, đàm thoại... với chúng bà-la-môn để họ trở về được với phẩm hạnh bà-la-môn chơn chính của mình.

    - Đúng thế! Là phương tiện giáo hóa ở một xã hội bà-la-môn giáo thịnh hành.

    - Thưa, vâng! Vậy danh hiệu ấy trẫm đã hiểu rồi, nhưng còn danh hiệu vua? Có lần Đức Thế Tôn nói rằng: "Này đại vương, Như Lai cũng là vua, cũng là người nâng đỡ mười vương pháp." Điều này được hiểu ra sao? Trong mười hồng ân không có, vậy ta phải hiểu cách hiểu bà-la-môn sao?

    - Đúng thế! Đại vương là bậc thông tuệ, ngài có thể từ danh hiệu bà-la-môn mà giải thích về danh hiệu vua do Đức Phật tự xưng, về nhân và quả của nó, được chăng?

    - Có thể được. Nhưng có chỗ nào không khế hợp hoặc thiếu sót, xin đại đức bổ thuyết cho!

    - Đại vương không cần phải tự khiêm!

    Đức vua cười cười trong mắt, rồi nói:

    - Thưa đại đức! Từ xưa tới nay được làm vua do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có kẻ do cha truyền con nối. Có kẻ do đầu óc, có chí lớn, có tài làm tướng, đánh bại và chinh phục đất đai, lãnh thổ thiên hạ mà xưng làm vua. Có kẻ do có tài, có đức được dân chúng tôn phục, kính mến mà suy cử lên ngôi vua. Có kẻ do soán đoạt, giết cha, giết anh mà chiếm vương vị. Có kẻ do sự bất công xã hội, sự áp bức của giới cầm quyền mà nổi dậy đánh bại kẻ ác mà xưng làm vua v.v... Tuy nhiên, dẫu làm vua kiểu nào, vị vua ấy cũng có các quan tham mưu đưa ra một chính sách để cai trị muôn dân; có một đường lối giáo dục theo kiến thức, quan niệm và chủ trương của vị vua ấy để tuyên dương, quảng bá chế độ của mình đến cho bá tánh. Đức Thế Tôn cũng y như thế, ngài tu tập nhiều đời kiếp, đạt quả vị Chánh Đẳng Giác, làm vua một quốc độ lớn rộng mênh mông, ở ngoài giới hạn của ba cõi; ngài cũng có một chính sách, ấy là kinh luật luận, hằng tuyên dương, quảng bá, giáo dục tất cả chúng sanh trời, người, Đế thích, phạm thiên, long vương, dạ xoa v.v... biết quay về với chánh pháp, sống và hành theo chánh pháp.

    Thưa đại đức! điều thứ nhất ấy trẫm vụng về đưa ra, ngài đừng chê cười nhé!

    - Chẳng dám đâu, đại vương! Nó rất hay là khác, lỗ tai của bần tăng rất hoan hỷ và mát mẻ.

    Rất hùng hồn, đức vua Mi lan đà tiếp:

    - Điều thứ hai, đức vua khôn khéo áp dụng vương pháp, tuy cũng là pháp luật nhưng pháp luật này mềm dẻo, thấu tình đạt lý để cai trị muôn dân. Người trong hoàng tộc không thể ỷ y mình là lá ngọc cành vàng để sống đời vinh hoa phù phiếm. Vương pháp sẽ không tha cho họ. Bọn phản nghịch, nổi loạn sẽ có tinh binh uy dũng đánh phạt; tùy theo tội nặng nhẹ mà tử hình, chung thân, phạt tiền, phạt trượng, cảnh cáo hoặc tha bổng. Kẻ trộm cắp, giết người, bất chánh, lừa đảo v.v... đều có chung hình phạt tương tự. Người có công được khen thưởng rất xứng đáng. Người tài hiền được nâng đỡ, đón mời, thỉnh vào triều với chức cao trọng vọng cho bá tánh y chỉ, nương nhờ. Các ngành nghề lao động, thủ công... được khuyến khích, đề cao, hỗ trợ. Kinh thư thánh hiền được dạy dỗ cho muôn dân v.v...

    Nói tóm, đức vua tối thượng ấy ngồi dưới chiếc lọng trắng tinh sạch, trang nghiêm, uy vũ - tượng trưng cho quyền lực của vương pháp - luôn thương yêu và chăm lo cho dân, làm cho dân giàu nước mạnh, sống thuận hòa, ấm áp, chứa chan tình người và đạo nghĩa.



  10. #200
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    Đức Tối thượng sư của chúng ta cũng y như thế và còn hơn thế nữa. Vương pháp tức là chánh pháp. Kẻ trong hoàng tộc chính là thân tộc Thích ca vương, cũng phải được dạy dỗ nghiêm khắc, giúp họ biết bố thí, cúng dường, nghe pháp; cho xuất gia kể cả hoàng tử, thái tử, hoặc ngay cả con ruột của mình. Muôn dân chính là tứ chúng, bá tánh chính là chúng sanh ba cõi. Kẻ sái quấy, thực hành không đúng pháp thì đã có giới luật định tội, trục xuất hoặc khinh trọng tùy theo giới phạm mà răn dạy. Tất cả đều phú túc, phú cường trong một giáo pháp toàn hảo ở chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. Vô lượng kẻ đạt ngộ đạo quả bốn bậc. Vô lượng kẻ giải thoát tử sanh. Vô lượng kẻ thuyết pháp, đầu đà, tinh thông một tạng, hai tạng, ba tạng. Vô lượng kẻ phước báu trời, người. Cõi trời thênh thang mở rộng cho tất cả mọi người một cách đồng đẳng, vô phân biệt. Đức Tối thượng sư ngồi dưới chiếc lọng trắng thanh khiết - tượng trưng cho pháp mầu giải thoát - điều ngự và sách tấn ba cõi, bốn loài đồng đăng giác ngạn.

    Nghĩa lý thứ hai ấy, thưa đại đức kính mến, lỗ tai nghe của ngài có nóng nảy, khó chịu không?

    - Tâu, nó nổi da gà và rần rần hỷ lạc; như ru võng êm, như tẩm nước mát. Thật là toàn hảo vậy.

    - Cảm ơn đại đức!

    - Xin đại vương cho nghe thêm điều thứ ba?

    - Đức vua được dân chúng tôn trọng, cung kính, thương yêu, ngưỡng mộ, thì Đức Phật cũng được chư thiên và nhân loại cung kính, lễ bái, cúng dường...

    - Đúng thế!

    - Người tốt, người hiền, kẻ có công thì đức vua ban thưởng chức tước, lộc hàm, phẩm vị, vàng bạc v.v... , việc này đối với Đức Phật cũng y như thế. Trong tứ chúng, người nào có sự tu tập tinh cần, đúng đắn; giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh, nỗ lực xa lìa chấp thủ, tham đắm; Đức Phật sẽ lần lượt ban cho từng quả vị như Tu đà huờn, Tư đà hàm, A na hàm, A-la-hán v.v... Ấy là những phần thưởng cao quý nhất, tối thượng nhất. Bằng không được vậy, mà ai đó chỉ có đức tin, biết giữ giới cấm, biết bố thí, xả ly... thì người ấy, cũng được khen thưởng những phước báu trời, người hạnh phúc, sang cả.

    Trái lại, người xấu ác, kẻ phạm luật, phạm pháp bị đức vua xử theo pháp luật quốc gia, thì Đức Phật cũng thế; ngài xử theo giới luật đã được chế định, đồng thời định luật nhân quả còn làm việc một cách công minh, không bao giờ thiên vị.

    Ngoài ra, đức vua ban hành mười vương pháp để cho quốc độ được hạnh phúc và trường tồn, thì Đức Phật cũng hằng giáo hóa tứ chúng làm lành, tích trữ điều lành, sống theo chánh pháp để chánh pháp được tồn tại dài lâu trên thế gian này!

    Thưa đại đức! Đó là trẫm chỉ nêu đại lược những điểm then chốt, cơ bản;... chứ thật ra còn rất nhiều oai đức, sự ích lợi tại thế và xuất thế, những pháp tương tự giữa đức vua và Đức Phật. Nhưng kiến thức trẫm có hạn, thời gian cũng không cho phép, mong đại đức thông cảm cho.

    Đại đức Na tiên tán thán:

    - Vậy là đã quá đủ. Vậy là đã quá vi diệu. Đức Thế Tôn có dạy rằng: "Này tỳ kheo! Thật là vô số, vô số nguyên nhân về bà-la-môn, về vua chúa; cho dẫu có một tỳ kheo thông minh, thông tuệ, có ngôn ngữ lưu loát, kiến thức thâm sâu, diễn đạt nhanh nhạy... nói về điều ấy trong suốt một kiếp cũng không thể nói hết". Vậy thì đại vương tự khiêm mà làm gì. Chúng ta chỉ cần nghe và hiểu những cái chính mà thôi, có phải thế không ạ?

    - Thưa, vâng!



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •