- Đại vương cứ nói.
- Thứ nhất là phải tìm chỗ bằng phẳng, tránh chỗ gồ ghề, lồi lõm, chỗ chông chênh, chỗ có khe vực nguy hiểm. Thứ hai là tránh chỗ sẽ phát sanh nhiều sợ hãi. Thứ ba là tránh chỗ có gió mạnh, gió dữ, gió độc, gió lạnh. Thứ tư, tránh chỗ quá kín đáo như mật thất hoặc hang động. Thứ năm là tránh chỗ người ta hay đến để cúng vái cầu khấn chư thiên hoặc thọ thần. Thứ sáu, tránh chỗ gần đường cái quan, gần lối đi mà bộ hành thường qua lại. Thứ bảy, tránh chỗ gần thị thành, chợ búa. Thứ tám là tránh chỗ gần bến nước, giếng nước. Đó là 8 chỗ không thích hợp cho những câu hỏi về Mendaka, thưa đại đức.
- Bần tăng đã hiểu lý do, nhưng đại vương hãy cứ giải thích một cách rộng rãi theo ý mình.
- Vâng. Chỗ bằng phẳng chỉ đơn giản là để dễ dàng thay đổi oai nghi mà không ngại vấp té vô ích. Chỗ không có thú dữ như cọp, beo, rắn độc để khỏi phát sanh sợ hãi. Chỗ có các loại gió dữ, gió mạnh, ác phong, hàn phong sẽ khiến dễ bị nhiễm cảm, nhức đầu, sổ mũi. Không tới chỗ quá kín đáo để tránh sự tò mò, dòm ngó, nghi vấn của nhiều người. Còn tránh bốn chỗ sau là tránh sự đông đúc của bá tánh, tránh ồn ào, huyên náo, hỗn tạp dễ bị phân tâm, không chuyên nhất cho sự suy nghĩ tế vi và sâu kín. Ý nghĩa, lý do của tám điều cấm kỵ là vậy, thưa đại đức!
- Hay lắm - đại đức Na-tiên gật đầu tán thán - đại vương quả là người chu đáo nhất thế gian này.
- Không dám. Tránh tám chỗ cấm kỵ ấy không thôi thì cũng chưa đáng được gọi là chu đáo đâu, thưa đại đức!
- Xin cho bần tăng được nghe cao kiến?
- Còn tám hạng người nữa sẽ không được dự nghe những câu hỏi và đáp của chúng ta, vì tám hạng người ấy không đủ trình độ tâm, trình độ trí, sẽ phát sanh nghi ngờ vô ích. Có họ thì các câu hỏi Mendaka sẽ bị chúng làm cho hư hoại.
- Xin đại vương cứ trình bày.
- Thứ nhất là hạng người nặng về luyến ái, thiên về luyến ái. Thứ hai là hạng người nhiều sân hận, nóng nảy, hung dữ. Thứ ba là hạng người si mê, đần độn. Thứ tư là hạng người nhiều ngã chấp, kiêu căng, kiêu mạn. Thứ năm là hạng người thấp thỏi, hèn hạ, ti tiểu. Thứ sáu là hạng người ương lười, biếng nhác, dễ duôi. Thứ bảy là hạng người chỉ thấy cái bụng của mình, nhìn không xa hơn cái bụng hoặc hay suy bụng ta ra bụng người. Thứ tám là người ngu, kém hiểu biết không chịu thấy ra cái ngu của mình!
- Vậy là quá chu đáo rồi.
- Chưa đâu, thưa đại đức.
- Còn gì nữa, hở đại vương?
- Thưa, cũng còn phải tránh chín hạng người nữa. Thứ nhất là người đắm đuối, ái luyến đã thành quen, thành nề. Thứ hai là người nóng nảy, hung dữ, sân hận đã thành tâm, thành tánh. Thứ ba là người si mê, đần độn đã biến thành bản chất...
Đến đây, đại đức Na-tiên chợt hỏi:
- Ở trên cũng tham, sân, si; dưới cũng tham, sân, si nhưng một bên là mới "nặng về", "nghiêng về", còn một bên là tham, sân, si đã gắn chặt, kết dính kiên cố... Phải chăng đấy là điều khác nhau, thưa đại vương?
- Vâng. Đúng là vậy.
- Xin cho nghe sáu hạng người kế tiếp.
- Thứ tư là người nhiều lo âu, sợ hãi. Thứ năm là người ham mê danh lợi. Thứ sáu là người uống rượu. Thứ bảy là người thích trang sức, trang điểm, nước hoa, dầu thơm. Thứ tám là đàn bà, thứ chín là trẻ con...
- Hay lắm! Đại vương không cần phải giải thích thêm nữa. Tuy nhiên, bần tăng chỉ muốn hỏi thử đại vương về hạng người thứ tám và thứ chín thôi, tại sao họ không có khả năng tiếp thu những câu hỏi và đáp về Mendaka?
- Thưa, đàn bà và trẻ con thời Đức Phật có rất nhiều người có căn cơ lớn, trí tuệ lớn; họ có khả năng giác ngộ giáo pháp, nhưng bây giờ thì hết rồi. Giáo hội tỳ kheo ni Đức Thế Tôn đã không cho phép duy trì, kế thừa nữa. Và trẻ con thì chẳng có ai bảy tuổi mà đắc quả A-la-hán cả!
- Vâng, thật là chính xác! Đại vương có gì trao đổi nữa chăng?
- Thưa, còn! Tất cả hạng người kể trên đều không được dự nghe. Còn người đặt câu hỏi và được dự nghe như trẫm đây phải hội đủ một số điều kiện, bằng không, các câu hỏi Mendaka cũng sẽ bị hủy hoại.