DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/2 12 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 13

Chủ đề: Chuyện nhân quả

  1. #1
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts

    Chuyện nhân quả



    Chuyện nhân quả


    Bài 22.

    Tổ Ca-Na-Đề-Bà (Kanadeva) 迦那提婆



    Ngài là vị Tổ thứ 15 (cuối thế kỷ thứ sáu) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Tỳ-Xá-Ly ở Nam-Ấn. Thuở nhỏ Ngài bẩm tánh thông minh, biện tài vô ngại, Ban sơ Ngài học phong tục trong nước, ưa làm việc phước thiện. Khi Tổ Long-Thọ đến nước nầy, Ngài tìm đến yết kiến. Tổ Long-Thọ muốn thử Ngài, sai đồ đệ múc một thau nước đầy để ở trước lối vào. Ngài đi qua lấy cây kim bỏ vào, rồi thẳng đến yết kiến Tổ.

    Thầy trò gặp nhau vui vẻ lãnh hội, khi Tổ Long-Thọ thuyết pháp hiện tướng vầng trăng tròn, Ngài thầm ngộ yếu chỉ. Ngài theo Tổ xuất gia và được truyền tâm ấn.

    Sau khi đắc pháp, Ngài vân du khắp nơi, lần lượt sang nước Ca-Tỳ-La để giáo hóa.Trong nước nầy có ông trưởng giả tên Tịnh-Đức sanh được hai người con trai, người cả tên La-Hầu-La-Điểm, người thứ tên La-Hầu-La-Đa. Ông hằng ngày chỉ săn sóc vườn tược. Hôm nọ, một cây trong vườn nẩy sanh thứ nấm lạ, ông nhổ về ăn thử, thấy rất ngon. Song chỉ ông và người con thứ hằng ngày đều nhổ được nấm ăn, ngoài ra không ai nhổ được. ông bảo con thứ: "Nấm cây nầy chỉ ta và ngươi được ăn, ắt là việc phi thường. Ước gì có ai thông hiểu giải thích cho việc này". La-Hầu La-Đa nói kệ:

    Thử mộc sanh kỳ nhĩ,
    Ngã thực bất khô khao,
    Trí giả giải thử nhơn,
    Ngã hồi hướng Phật đạo .


    (Cây nầy sanh nấm lạ,
    Con ăn rất ngon lành,
    Người trí giải nhơn nầy,
    Con xin theo Phật đạo).


    Chợt gặp Bồ-Tát Đề-Bà đến nhà, cha con ông Tịnh Đức vui mừng đem việc nầy ra hỏi.
    Ngài dạy :-Khi xưa lúc ông hai mươi tuổi thường mời một vị Tỳ-kheo về nhà cúng dường. Vị Tỳ-kheo ấy tuy có chút ít giới hạnh mà "con mắt pháp" chưa sáng, tâm không thấu lý, luống nhận sự cúng dường của ông. Song vị Tỳ-kheo ấy có chút ít tu hành nên khỏi sa vào đường ác, vẫn phải làm cây sanh nấm nầy để trả nợ cho ông. Xưa khi vị Tỳ-kheo ấy đến nhà ông, trong nhà chỉ có ông và người con thứ nầy thành kính cúng dường, còn bao nhiêu người đều không vui. Vì thế nên nấm hiện nay chỉ hai cha con ông được hưởng.

    Ngài lại bảo: -Ông nay được bao nhiêu tuổi ?

    Trưởng giả thưa: -Tôi được 79 tuổi.

    Ngài nói kệ :

    Nhập đạo bất thông lý,
    Phục thân hoàn tín thí,
    Nhữ niên bát thập nhất,
    Thử mộc bất sinh nhĩ.
    (*)

    (Vào đạo không thông lý,
    Đem thân đền tín thí,
    Trưởng giả tuổi tám mốt,
    Cây nầy không sanh nấm).


    Ông trưởng giả nghe nói xong, biết rõ duyên trước càng thêm thán phục, Ông thưa :-Tôi già yếu tuy muốn xuất gia e không kham theo thầy. Đứa con thứ của tôi hết lòng mộ đạo, tôi xin cho nó theo làm thị giả cho thầy, mong thầy dung nạp. Ngài hoan hỷ chấp nhận La-Hầu-La-Đa xuất gia và triệu tập các vị thánh tăng đến truyền giới.


    http://www.phatphapthuchanh.com/show...uy%E1%BB%83n-2

  2. The Following User Says Thank You to trantu For This Useful Post:

    hoatihon (03-19-2016)

  3. #2
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts


    Bài 25.

    Tổ Già-Da-Xá-Đa (Gayasata) 伽邪舍多


    Ngài là vị Tổ thứ 18 (cuối thế kỷ thứ bảy) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài họ Uất-Đầu-Lam ở nước Ma-Đề, cha hiệu Thiên-Cái, mẹ là Phương-Thánh. Bà Phương-Thánh thọ thai,một đêm mộng thấy có người cầm cái gương báu đến nói: "Tôi đến đây !". Bà chợt tỉnh giấc, nghe toàn thân nhẹ nhàng thanh thản, khác hơn ngày thường. Trong nhà có mùi hương lạ, vài lằn hào quang xuất hiện. Bảy ngày sau, Bà sanh ra Ngài.

    Thân Ngài trong sáng giống như lưu-ly. Ngài thích chỗ vắng vẻ, nói ra những lời siêu việt. Nhà cha mẹ Ngài ở trên núi Bảo-Lạc-Ca. Sau khi Ngài ra đời, ngôi nhà nầy luôn luôn có áng mây tía che đậy trên không. Tổ Tăng-Già-Nan-Đề nhơn thấy áng mây ấy tìm đến gặp Ngài. Từ đó, Ngài theo làm đệ tử của Tổ.

    Về sau, Ngài được Tổ truyền tâm ấn và thống lãnh đồ chúng. Tùy duyên, Ngài đi vân du khắp nơi để giáo hóa làm lợi ích cho quần sanh. Khi tuổi đã già, Ngài du hóa đến nước Nguyệt-Chí, trong nước nầy có người dòng Bà-La-Môn tên Cưu-Ma-La-Đa tuổi được 30 tu theo ngoại đạo (chủ thuyết tự nhiên). Ông có nuôi một con chó, mỗi khi ăn xong, con chó ra hành lang dưới tấm rèm nằm. Có những khi mưa gió ướt cả mình mà nó vẫn nằm đó. Người nhà sợ nó lạnh đuổi đi chỗ khác, rồi nó cũng trở lại chỗ đó nằm. Ông Cưu-Ma-La-Đa lấy làm lạ, đem việc đó hỏi thầy ông, nhưng không giải được điều gì. Ông mong có dịp gặp những bậc tu hành đạo đức cao cả để nhờ giải nghi.

    Ngài cùng đồ chúng đi đến gần nhà người Bà-la-môn nầy bỗng thấy khí đại thừa xông lên. Ngài dừng lại bảo chúng:

    -Khí nầy nếu vòng tròn như khoen đeo tai là có Bồ-Tát bên cạnh. Nay khí nầy tương tợ vòng tròn ắt có thánh nhơn gần đây. Thầy trò đi đến một đỗi,bỗng có người Bà-la-môn đến hỏi thị giả: "Thầy đây là người gì ?" Thị giả đáp: "Là đệ tử Phật". Người ấy liền chạy thẳng vào nhà đóng cửa lại. Ngài đi theo đến nơi gõ cửa. Trong nhà nói vọng ra rằng:

    -Nhà nầy không có người.

    Ngài hỏi: - Trả lời "không người" đó là ai ? (vậy, AI lên tiếng ?)

    Cưu-Ma-La-Đa nghe nói bèn có vẻ lạ, nghi là bậc đạo hạnh bèn mở cửa. Ra thấy Ngài, ông chào và thỉnh ngồi ghế giữa, đoạn đem nghi vấn về con chó ra hỏi.

    Ngài giải thích: -Con chó nầy là cha của ông, bởi có chút ít nghiệp nên đọa làm súc sanh. Xưa kia cha ông đem cả ngàn đính vàng để trong cái hũ, lén chôn dưới rèm. Đến khi người chết, chưa gặp ông để trối lại, vì còn tiếc của nầy nên sanh ra làm chó để gìn giữ. Nếu ông đào được, ắt nó sẽ bỏ đi. Cưu-Ma-La-Đa liền cho người đào chỗ con chó nằm, quả nhiên được hũ vàng đúng như lời Ngài nói. Ông hết lòng kính phục phát nguyện xuất gia. Ngài hoan hỷ chấp nhận làm lễ xuất gia thọ giới và cho làm thị giả. Thấy cơ duyên đã mãn, Ngài kêu Cưu-Ma-La-Đa đến dặn dò: -Xưa Như-Lai đem đại pháp nhãn trao cho Tổ Ca-Diếp truyền lần đến ta, nay ta truyền lại cho ngươi. Ngươi nghe ta dạy:

    Hữu chủng hữu tâm địa,
    Nhơn duyên năng phát manh,
    Ư duyên bất tướng ngại,
    Đương sanh sanh bất sanh.
    (*)

    (Có giống có đất tâm,
    Nhơn duyên hay nẩy mầm,
    Đối duyên chẳng ngại nhau,
    Đang sanh, đã sanh, chẳng có gì sanh cả).


    Cưu-Ma-La-Đa cung kính vâng dạy, đảnh lễ thọ lãnh. Ngài dùng mười tám phép thần biến rồi vào viên tịch. Đồ chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp cúng dường .

    Phụ chú :


    有種有心地  
    因緣能發萌
    於緣不相礙 
    當生生不生



    http://www.phatphapthuchanh.com/show...ull=1#post1346

  4. The Following 2 Users Say Thank You to trantu For This Useful Post:

    hoatihon (03-19-2016),socnho (03-19-2016)

  5. #3
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Bất tướng ngại






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  6. #4
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts


    Bài 29.

    Tổ Ma-Noa-La (Manorhita) 摩拏羅


    Ngài là vị Tổ thứ 22 (đầu thế kỷ thứ chín) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở nước Na-Đề, cha là Thường-Tự-Tại vua nước nầy. Ngài là con thứ ba của vua, khi sanh ra có nhiều điềm lạ, nên vua không dám lấy việc thế tục ràng buộc. Khi gặp Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu, Ngài được 30 tuổi, vua cha cho phép xuất gia theo Tổ. Sau Ngài được Tổ truyền tâm pháp.

    Ngài sang Tây-ấn giáo hóa. Vua nước nầy họ Cù-Đàm tên Đắc-Độ hằng sùng Phật pháp tinh tấn tu hành. Bảy năm hành đạo tại Long cung, một hôm, bỗng hiện một bảo tháp xanh huyền bề cao một thước tư, ngay chổ vua tu hành. Vua đích thân lại bưng lên để thờ, nhưng bưng không nổi, lính hộ vệ hợp lực nhắc lên cũng không lay chuyển. Sau cùng vua phải mở đại hội triệu tập tất cả lực sĩ, tăng sĩ, phạm-chí, chú-thuật…để hỏi nguyên nhơn bảo tháp xuất hiện và dời lên thờ.Trong cuộc hội nầy, Ngài cũng đến dự. Trước tiên những lực sĩ ra sức nhắc tháp lên không lay động. Kế các nhà chú-thuật dùng thần chú cũng bất lực. Sau cùng Ngài Ma-Noa-La bước ra giải thích:

    -Tháp nầy do vua A-Dục tạo ra để thờ xá-lợi của Phật. Bốn mặt đều có chạm hình tiền thân Phật Thích-Ca khi còn làm hạnh Bồ-Tát. Ngày nay do đại-vương có duyên phước lớn nên tháp nầy mới hiện.

    Nói xong, Ngài lại nhắc bảo tháp để trên bàn thờ. Vua và toàn chúng hết lòng kính phục.

    Vua thưa: -Xin Tôn-giả dạy cho chúng tôi những Phập pháp gì cần học ?

    Ngài bảo:-Muốn học Phật pháp phải bỏ ba vật và đủ bảy việc.

    Vua thưa: -Ba vật gì phải bỏ và đủ bảy việc gì ?

    Ngài đáp: -Tham, sân, si là ba vật phải bỏ. Đủ bảy việc là: 1)- đại từ, 2)- hoan hỷ, 3)- vô ngã, 4)-dõng mãnh, 5)- nhiêu ích, 6)- hàng ma, 7)- vô chứng.

    Vua Đắc-Độ nghe xong cảm ngộ, rất tiếc mình được hiểu quá muộn. Tự than: "Bậc chí thành khó gặp, sự vui trong đời có gì lâu dài !"

    Vua cho đòi thái tử đến giao hết việc nước, xin theo Ngài xuất gia học đạo. Ngài triệu tập các vị thánh chúng đến hoàng cung làm lễ xuất gia và truyền giới cho vua. Xuất gia tu không bao lâu, vua Đắc-Độ chứng được quả Thánh. Ngài dạy Đắc-Độ ở lại trong nước giáo hóa, còn Ngài sang nước Nguyệt-Chi tìm người kế truyền.

    Ngài Ma-Noa-La và tăng chúng đến nước Nguyệt-Chi. Vua nước nầy là Bảo-Ấn và Tỳ-kheo Hạc-Lặc-Na đồng đón tiếp, thỉnh về nội cung. Hạc-Lặc-Na đem việc Long-Tử hỏi trước:

    -Thưa Tôn-giả ! tôi có một đứa đệ tử tên Long-Tử tuổi tuy còn nhỏ mà thông minh tuyệt vời. Tôi thường nhập định tìm nguyên nhơn đời trước mà không thấy manh mối, hôm nay gặp đây xin Tôn-giả chỉ dạy cho ?

    Ngài hỏi: -Ông nhập định quán thấy được mấy kiếp ?

    Hạc-Lặc-Na thưa: -Tôi chỉ thấy được ba đời.

    Ngài bảo: -Đệ tử của ông trong kiếp thứ năm đã sanh trong nhà Bà-la-môn giàu có tại nước Diệu-Hỷ. Khi ấy, trong nước có ngôi chùa mới khánh thành cái đại hồng chung.Con ông Bà-la-môn nầy dùng gỗ chiên đàn tiện cái chày dộng chuông cúng chùa. Nhờ chày nầy giúp cho người được nghe chuông thức tỉnh. Bởi quả báo ấy, nên nay nó sanh ra được thông minh.

    Hạc-Lặc-Na lại hỏi: -Riêng tôi không biết duyên gì mà cảm được bầy hạc thường theo, xin Tôn-giả chỉ dạy ?

    Ngài bảo:-Xưa ông trong kiếp thứ tư làm vị Tỳ-kheo đạo đức được đầy đủ,có đến 500 đệ tử mỗi khi Long cung thỉnh ông cúng dường, ông xét trong hàng đệ tử không có người đủ phước đức thọ Long cung cúng nên ông chỉ đi một mình. Nhóm đệ tử bất mãn nói: "Thầy thường thuyết pháp nói: đối sự ăn uống bình đẳng, đối với pháp cũng bình đẳng, mà nay thầy đi thọ trai một mình !" Sau Long cung thỉnh, ông đều cho chúng đi theo. Bởi họ chưa đủ đức mà nặng về sự ăn uống, nên sau khi tịch diệt, chúng ấy lần lượt chết sanh trong loài có cánh. Đã trải qua năm kiếp, nay họ lại làm thân hạc. Do nhơn duyên thầy trò kiếp trước nên nay chúng cảm mến ông.

    Hạc-Lặc-Na cảm động, lại hỏi: -Nay phải tu pháp gì để giúp chúng trở lại làm người ?

    Ngài bảo: -Ta có pháp bảo vô thượng, là kho tàng Như-Lai, Thế-Tôn xưa trao cho Tổ Ca-Diếp lần lượt đến ta, nay ta trao cho ông, ông nên truyền bá chớ nên để dứt mất.

    Nghe ta nói kệ:

    Tâm tùy vạn cảnh chuyển,
    Chuyển xứ thật năng u,
    Tùy lưu nhận đắc tánh,
    Vô hỷ diệc vô ưu .
    (*)

    (Tâm theo muôn cảnh chuyển,
    Chổ chuyển thật kín sâu,
    Theo dòng nhận được tánh,
    Không mừng cũng không lo).


    Hạc-Lặc-Na vui vẻ kính vâng phụng hành. Ngài truyền pháp xong, ngay chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch. Chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp thờ .

    ------------

    Phụ chú :

    (*)


    心隨萬境轉  
    轉處實能幽
    隨流認得性  
    無喜復無憂




    Thức biến.





  7. The Following User Says Thank You to trantu For This Useful Post:

    vietlong (03-21-2016)

  8. #5
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts


    Phước báo nhãn tiền.


    Thuở xưa có hai vợ chồng Kế-la-di, tuy nghèo nhưng mà biết an thân thủ phận, vui sống cuộc đời thanh bạch, tâm tánh từ hòa và hay nhịn nhục. Một hôm, vợ chồng thức dậy sớm, chia nhau một người một ngả đi làm mướn kiếm tiền đặng độ nhựt.

    Dọc đường, Kế-la-di gặp nhiều ông trưởng giả ăn mặc chỉnh tề hội nhau trong một ngôi chùa để tổ chức một cuộc bố thí. Thấy vậy, chàng thầm trách mình nghèo khổ chẳng có phương tiện bố thí như người ta, nên lòng càng buồn bực.

    Tối lại, chàng về nhà không ngủ được, cứ nằm lăn qua trở lại thở dài. Chàng thầm nghĩ vì kiếp trước không làm điều thiện, nên kiếp nầy phải chịu bần cùng khổ sở, còn mấy ông trưởng giả kiếp trước có tu nhơn tích đức, nên kiếp nầy được giàu có hơn người. Chàng lại nghĩ nếu kiếp nầy không sớm lo lập âm đức, kiếp sau ắt còn khổ sở hơn nữa.

    Người vợ thấy chàng buồn bực liền hỏi duyên do, thì chàng đáp:

    - Nầy hiền thê! Anh sở dĩ ưu phiền là vì kiếp trước không vun cội phước nên ngày nay phải chịu cực khổ cơ hàn, muốn làm âm chất ngặt nỗi không tiền.

    - Anh chẳng nên buồn bực, mà than dài thở vắn cũng chẳng ích chi. Tốt hơn là đem bán em cho nhà giàu lấy tiền bố thí có phải ích lợi xác thực hơn không?

    Kế-la-di nghe vợ nói hết sức thương tình, rồi đáp:

    - Chúng ta vốn cùng chung một số phận, cùng chia nồng sớt lạnh, lẽ nào anh làm được điều vô nhơn đạo ấy?

    - Thôi thì chúng ta đồng bán thân lấy tiền làm công đức, anh nghĩ sao?

    Kế-la-di vui chịu, rồi sáng ra cùng nhau đến nhà một ông phú hộ và thưa:

    - Thưa ông, vợ chồng chúng tôi đến xin ông cho chúng tôi bán thân lấy ít đồng vàng đem về cúng Phật và làm phước.

    Ông phú hộ ngạc nhiên hỏi:

    - Hai vợ chồng muốn bao nhiêu?

    - Thưa, lối 10 đồng vàng thôi.

    - Thôi, ta cho hai ngươi mượn 10 đồng vàng, với điều kiện là trong bảy ngày phải lo huờn lại. Nếu quá kỳ hạn mà không trả, chừng đó hai người phải ở làm công cho ta mà trừ nợ.

    Hai vợ chồng mừng rỡ, liền làm giấy nợ rồi lãnh tiền đi đến một ngôi chùa ra mắt chủ tăng, xin nạp 10 đồng vàng, nhờ chủ tăng qua ngày thứ 6 làm chạy bố thí giùm, rồi ngày thứ 7 sẽ huờn kinh cúng ngọ.

    Chủ tăng vui lòng chấp thuận, lúc ấy hai vợ chồng ở tại chùa, vợ lo giã gạo xây bột, chồng bửa củi, gánh nước, bao hàm tất cả công việc cực nhọc về việc làm chay.

    Lúc ấy lại có một vị quốc vương đến chùa cậy chủ tăng lập đàn cầu siêu cho tiên vong và bố thí kẻ nghèo, nhưng trớ trêu làm sao, quốc vương cũng định ngày cầu siêu cùng một lúc với vợ chồng Kế-la-di.

    Chủ tăng liền tâu ông đã định lo bữa ấy làm chay cho vợ chồng Kế-la-di rồi, xin nhà vua dời qua ngày khác.

    Quốc vương bất bình và phán:

    - Trẩm đây là bực quân vương, còn kẻ kia là hạng thần dân, lẽ nào không nhường ngày ấy cho trẩm sao?

    Nói đoạn, quốc vương sai người đến bảo La-di nhường ngày ấy cho Ngài làm chay trước.

    Vua sai người đi điều đình như vậy đến ba lần, nhưng La-di vẫn khăng khăng không chịu nhường.

    Quốc vương lấy làm lạ liền cho đòi La-di đến giáp mặt hỏi nguyên do, thì chàng tâu rằng:

    - Tâu Thánh thượng, kẻ mạt dân nầy chỉ được tự do trong hai ngày ấy thôi, chớ qua ngày sau thân nầy phải làm nô lệ cho người khác, không còn tự do cúng Phật trai Tăng được nữa. Vì lẽ ấy, mạt dân không thể làm vừa lòng Thánh thượng.

    Quốc vương gạn hỏi đuôi đầu, biết rõ ngọn ngành, lấy làm khen ngợi La-di, nên vui lòng nhường cho vợ chồng khai pháp hội trước mình. Ngài truyền lịnh xuất bạc vàng châu báu ban thưởng hai người, lại xuống chiếu dạy quan địa phương cắt đất cho hai vợ chồng chung hưởng huê lợi suốt đời.

    Nhờ vậy, Kế-la-di có tiền đem trả ông phú hộ để chuộc lại tự do.



    (Tóm tắt theo tài liệu "Tục tạng kinh")


  9. The Following User Says Thank You to trantu For This Useful Post:

    socnho (03-22-2016)

  10. #6
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Mụt ghẻ hình mặt người

    (Trích đăng từ "Từ Bi Thủy Sám Pháp" _ Ngộ Đạt Quốc sư)


    Thuở xưa, về triều Vua Đường Ý Tôn có một vị quốc sư hiệu là Ngộ Đạt, tên là Tri Huyền.

    Lúc chưa hiển đạt, Ngài thường gặp gỡ một nhà sư ở đất Kinh sư trong một ngôi chùa nọ. Nhà sư ấy mắc bệnh cùi (ca-ma-la) ai cũng gớm, chỉ có Ngài Tri Huyền là thường gần gũi hỏi han, không hề nhàm chán. Nhân khi chia tay, nhà sư vì quá cảm kích phong thái của Ngài Tri Huyền mới dặn rằng:
    Sau này ông có nạn chi nên qua núi Cửu Lũng tại Bình Châu đất Tây Thục tìm tôi và nhớ trên núi ấy có hai cây tùng làm dấu chỗ tôi trú ngụ.

    Sau đó, Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư đến ở chùa An Quốc thì đạo đức của Ngài càng vang khắp. Vua Ý Tôn thân hành đến pháp tịch nghe Ngài giảng đạo. Nhân đó Vua mới ân tứ rất hậu, nên cho Ngài cái pháp tọa bằng gỗ trầm hương và từ đó trên đầu gối của Ngài bỗng nhiên mọc mục ghẻ tựa như mặt người, đau nhứt khôn xiết ! Thấy vậy Ngài cho mời tất cả các bậc danh y, nhưng không ai chữa được. Nhân đó, Ngài nhớ lại lời dặn dò khi xưa, Ngài liền đi vào núi tìm Nhà sư. Trên đường đi đến núi, trời đã mờ tối, trong khoảng âm u mây bay khói tỏa mịt mù, Ngài nhìn xem bốn phía, bỗng thấy dạng hai cây tùng, Ngài mới tin rằng lời ước hẹn khi xưa là không sai.

    Ngài liền đến ngay chỗ đó, quả nhiên thấy lầu vàng điện ngọc lộng lẫy nguy nga tráng lệ, ánh quang minh chói rọi khắp nơi. Trước cửa, Nhà sư đang đứng chờ đón Ngài một cách thân mật. Nhân ở lại đêm, Ngài Ngộ Đạt mới tỏ bài hết tâm đau khổ của mình. Nhà sư ấy nói, không hề gì đâu, dưới núi này có một con suối, sáng mai Ông đến đó mà rửa mục ghẻ ấy sẽ khỏi ngay. Mờ sáng hôm sau, một chú tiểu đồng dẫn Ngài ra ngoài suối.


    Ngài vừa bụm nước lên để rửa thì mục ghẻ kêu lên: Khoang đừng rửa vội. Ông học nhiều biết rộng, đã nghiên cứu các sách từ cổ đến kim mà có từng đọc đến chuyện Viên Án, Triệu Thố chép trong bộ Tây Hán chưa? Tôi có đọc. Ông đã đọc rồi có lẽ nào lại không biết chuyện Viên Án giết Triệu Thố vậy. Thố bị chém ở chợ phía Đông oan ức biết dường nào.Đời đời tôi tìm cách báo thù ông, nhưng không được vì Ông đã từng mười kiếp làm bậc cao Tăng, giới luật tinh nghiêm, nên tôi chưa tiện bề báo oán được.

    Nay vì Ông được nhà Vua quá kính nể nên khởi tâm danh lợi làm tổn giới đức, tôi mới báo thù được Ông. Nay nhờ ngái Ca Nặc Ca Tôn Giả lấy nước pháp Tam Muội rửa hận cho tôi rồi, từ đây trở đi tôi không còn báo oán Ông nữa. Ngài Ngộ Đạt nghe qua, hoảng sợ liền vội vàng bụm nước dội rửa mục rẻ làm nhức nhối làm tận xương tủy, rồi Ông chết giấc hồi lâu mới tỉnh. Khi tỉnh lại thì không thấy mục ghẻ ấy nữa. Nhân đó Ngài mới biết Thánh Hiền ẩn tích kẻ phàm tình không thể lường được.

    Ngài muốn trở lên lại tạ vị Sư, nhưng ngó lại thì ngôi Bảo Điện kia đã biến mất tự bao giờ. Vì thế, Ngài lập một ngôi Thảo Am ngay chỗ ấy và sau đã trỡ thành ngôi chùa. Đến năm Chí Đạo triều nhà Tống mới lấy hiệu là “ Chí Đức Thiền Tự ”. Có một vị cao Tăng làm bài ký sự ghi chép việc này rõ ràng. Khi đó, Ngài Ngộ Đạt nghĩ đến nỗi oan trái đã bao đời nếu không gặp Thánh Nhân thì do đâu khỏi được.



  11. #7
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts


    BỆNH CỦA TÔI


    tác giả Hương Đức


    Vào những năm thuộc thập kỷ 80 đất nước còn nhiều khó khăn, lương bổng công nhân viên chức đa phần đều ít ỏi, sinh hoạt chật vật, thiếu thốn. Khi nhà nước với chính sách mở cửa thực hiện chủ trương kinh tế thị trường thì cuộc sống mọi người được cải thiện. Thời điểm đó tôi cũng tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập, dành dụm một thời gian tôi có một chỉ vàng. Và chính từ chỉ vàng này, do vô minh tôi đã gây một nghiệp xấu là tìm mua một khẩu súng hơi và bắt đầu một cuộc tàn sát sinh linh mà mỗi khi nhớ lại tôi giật mình sợ hãi vì sự tàn ác của mình.



    Lúc bấy giờ quê tôi có rất nhiều chim, cò và dơi. Vào mùa trái cây chín chim ăn quả bay về hàng đàn. Cò trắng kiếm ăn từng bầy trên những cánh đồng đang cày bừa, chúng rất dạn với người. Còn dơi thì cũng rất nhiều, ban ngày chúng đeo dưới những tàu dừa rậm rạp, tụ lại thành từng nhóm hàng chục con. Với điều kiện chim chóc đầy dẫy, dạn người, tôi tha hồ bắn giết. Mỗi buổi tôi bắn được vài chục con chim là chuyện thường. Số chim, dơi bắn được lớp chế biến làm thức ăn, lớp phơi khô. Những người được tôi đãi nhậu bằng thịt chim rất thích, hết lời khen ngợi tài bách phát bách trúng của tôi. Được khen, tôi lại càng hăng đi bắn giết.

    Rồi điều gì sẽ đến đã đến. Sau hai năm bắn giết, một buổi sáng ngủ dậy tôi thấy đau đau ở chân mày trái. Tôi đến bệnh viện khám được chỉ định phẫu thuật, một tuần sau vết mổ lành. Tưởng đã yên, nào ngờ trên đỉnh đầu phía bên mổ đau nhức dữ dội khiến một bên mắt bị mờ đi, kèm theo đó là nhớt tanh hôi tuôn trên xoang mũi xuống cổ họng khiến tôi phải khạc nhổ liên tục. Đến bệnh viện chuyên khoa tai-mũi-họng khám và được chẩn đoán là viêm xoang mãn hồi cấp, tôi được chỉ định rửa, thông xoang và thuốc uống.
    Điều trị một thời gian dài thấy đỡ, tôi ngưng dùng thuốc, chỉ vài ngày sau là bệnh tái phát như cũ, lại phải uống thuốc, xông rửa xoang tiếp. Cứ như thế bệnh kéo dài hết năm này đến năm khác, cuộc đời tôi lúc ấy thật thê thảm. Có những lúc nhức đầu dữ dội tôi phải chúi đầu vào mền gối chịu đựng, tư thế lúc đó giống như những con chim bị trúng đạn chúi đầu vào bụi cỏ trốn sự truy sát của tôi. Sau này khi đến với Phật pháp tôi rất thấm thía từ “địa ngục vô gián”, sự đày đọa liên tục khiến ta dở sống, dở chết, nhìn cuộc đời sao quá tăm tối, không còn thiết tha với bất cứ chuyện gì.

    Ngoài bệnh tật hành hạ, hao tốn tiền bạc, quả báo còn tác động đến gia đình tôi hết sức nặng nề. Vợ tôi mang thai bốn lần đều bị hư hết. Khao khát có được một đứa con để ẵm bồng luôn dằn vặt nên tôi quyết định xin con nuôi. Bốn đứa trẻ vào nhà tôi chỉ ở một thời gian ngắn rồi cũng trở về. Tôi tốn khá nhiều tiền trong việc xin con nuôi nhưng rốt cuộc vẫn trắng tay. Tôi phải chịu đựng cảnh bệnh tật triền miên, nhà cửa quạnh hiu suốt mười mấy năm trời. Do sức khỏe suy sụp nên tôi bỏ hẳn việc săn bắn, khẩu súng không dùng lâu ngày đã hỏng do gỉ sét.

    Đến khoảng năm 1993, tôi may mắn quen được một chị Phật tử. Biết cảnh trục trặc về đường con cái của tôi, chị ấy khuyên nên đi hốt thuốc Nam của chùa Pháp Hoa ở Đồng Nai về uống xem sao. Không ngờ, chỉ với những món thuốc lá cây đơn giản mà vợ tôi đã có thai và sinh ra một bé gái khỏe mạnh. Gia đình, nội ngoại hai bên ai nấy đều vui mừng đến thăm viếng rất đông. Còn tôi thì khỏi phải nói, cứ lăng xăng tối ngày bên em bé để ngắm nhìn, hôn hít.

    Từ việc uống thuốc Nam của chùa mà có được đứa con, tôi đã có niềm tin vào Phật pháp. Tôi bắt đầu đến chùa gần nhà để lạy Phật và ăn cơm chay vào những ngày rằm lớn. Sau đó, nhờ những băng giảng Phật pháp, đặc biệt khi tôi được tặng bộ sách Phật học phổ thông, đọc hơn một tháng tôi đã dần nắm được giáo lý căn bản. Khi đã hiểu về Phật pháp, nhất là luật nhân quả tôi biết mình đã gây nghiệp xấu quá nặng nề. Tôi nguyện cố làm theo lời Phật dạy hy vọng có thể giảm bớt phần nào báo ứng của những tội lỗi mình đã gây ra. Ngoài đọc tụng kinh Phật, mỗi đêm đều có hai thời tọa thiền, ban ngày thì thường niệm Phật A Di Đà. Tôi hành trì như thế suốt hơn 15 năm không hề lơ là, chỉ trừ khi bệnh nặng ngồi không nổi mới tạm ngưng. Ngoài công phu, tôi còn thường xuyên tham gia các hoạt động Phật sự, cúng dường, phóng sanh, công tác từ thiện…

    Dù đã cố hết sức làm theo lời Phật dạy nhưng bệnh tật vẫn đeo đẳng mãi không giảm mà còn có chiều hướng tăng thêm. Những cơn đau đầu dữ dội đến mờ cả mắt, nhớt chảy từ xoang mũi tanh hôi nhiều hơn, các cơn nóng lạnh kéo đến thường xuyên, những tác dụng phụ của thuốc uống vào khiến người tôi lúc nào cũng lao đao, bứt rứt. Cứ như thế hành hạ tôi gần 18 năm trời.

    Đến mùa đông năm 2007 tôi phát bệnh nặng, đã điều trị hơn 15 ngày vẫn không giảm. Một đêm thắp hương xá trước bàn thờ Phật (vì lạy không nổi) tôi tuyệt vọng mà than thở rằng: “Phật, Bồ-tát ơi! Con đã hết lòng thực hành theo lời dạy của các Ngài mà sao bệnh tật cứ hành hạ con hoài, đau đớn không chịu nổi. Thôi thì xin giúp cho con chết đi để nhẹ tấm thân”. Khấn nguyện rồi tôi đi ngủ, trong giấc ngủ chập chờn nửa mê nửa tỉnh tôi chợt thấy Đức Bồ-tát Quan Âm hiện ra trước mặt. Ngài nói: “Để Ta cho con bài thảo dược này để trị bệnh”. Mừng quá tôi chắp tay chuẩn bị lắng nghe thì đột nhiên tỉnh dậy. Ngơ ngẩn vì tiếc nuối, tôi giận mình tỉnh giấc không đúng lúc khi Bồ-tát chưa kịp đọc cho nghe tên các vị thuốc, biết lấy gì để trị bệnh đây. Cứ như thế tôi thức tới sáng không ngủ lại được.

    Sáng hôm sau đang nằm võng với tâm trạng chán nản thì người chị ruột gọi về hỏi thăm, nghe tôi kể tình trạng bệnh chị khuyên tôi thử dùng tỏi và gừng xông hơi xem sao vì có nhiều người dùng như vậy mà đỡ bệnh. Tôi thực hiện theo lời chị ấy bảo nhưng khi tiến hành xông thì chịu không nổi vì đau, rát trong mũi và tức ngực nên đành ngừng xông. Ngồi nhìn tô nước gừng, tỏi bốc hơi nghi ngút tôi thấy tiêng tiếc và chợt nghĩ, nếu xông không được thì mình uống, không có lợi thì cũng đâu có hại vì chỉ là gia vị dùng hàng ngày. Sẵn trên bàn có mấy món thức ăn và gia vị khác, tôi lấy mỗi thứ một chút đem bỏ thêm vào tô nước tỏi gừng cho thơm, ngon dễ uống.

    Tôi bắt đầu uống món thuốc “tự chế” nóng hổi từng ngụm nhỏ và ngạc nhiên vì vị hấp dẫn của nó, vừa thơm thơm, cay cay, chua chua, ngòn ngọt chẳng hề có mùi hôi của tỏi. Cứ như thế tôi đã uống hết tô hỗn hợp thức ăn, gia vị đó trong ngày. Đêm đó tôi ngủ rất ngon, không chiêm bao mộng mị, ho giảm nhiều dù không dùng thuốc ho. Sáng hôm sau thấy khỏe trong người tôi quyết định cắt thuốc Tây chỉ dùng nước gừng tỏi hỗn hợp như hôm trước và qua một đêm nữa, biết bệnh đã giảm nhiều nhưng tôi vẫn tiếp tục uống thêm năm ngày liên tục. Lạ thay, tất cả các triệu chứng bệnh tật hoàn toàn biến mất.

    Khi đã qua cơn bạo bệnh, tôi ngẫm nghĩ dù Bồ-tát Quan Âm không trực tiếp đọc cho tôi bài thuốc nhưng có lẽ Ngài đã xui khiến cho chị của tôi đúng sáng hôm sau điện về thăm hỏi, khuyên tôi nên dùng bài thuốc dân gian mà hầu như ai cũng biết; và có lẽ cũng chính Ngài hỗ trợ cho tôi chọn thêm gia vị vào để thành một bài thuốc cứu mạng chính mình. Từ đó về sau cứ vài ngày tôi lại làm món nước gừng tỏi hỗn hợp trên để uống. Tôi gọi món nước đó là trà Quan Âm để nhớ đến công ơn của Ngài và cứ như thế sức khỏe của tôi hồi phục hoàn toàn.

    Chiêm nghiệm cuộc đời, tôi hiểu bệnh của mình là do nghiệp báo sát sanh mà có. Nhờ tin theo Phật pháp mà tôi được cứu mạng, nên tôi nguyện tinh tấn tu tập, luôn sống và thực hành theo lời Phật dạy để chuyển hóa ác nghiệp của mình.


  12. #8
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts


    Chén rượu độc và mối oán duyên của Quý phi





    Vào thời Hoàng đế Đường Đại Tông, đất nước khá thanh bình. Khi phụ vương của Hoàng đế Đường Đại Tông là Đường Túc Tông [2] còn sống, hai kinh thành Trường An và Lạc Dương vốn bị chiếm đóng bởi quân nổi loạn An Lộc Sơn đã được thu hồi lại. Hai đại tướng Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật đã bình định cuộc nổi loạn An Sử [3] và đưa đất nước trở lại cảnh thái bình.

    Khi Hoàng đế Đường Đại Tông lên ngôi, đất nước đã tương đối ổn định. Vấn đề duy nhất mà ông phải đối mặt là việc lão thần Lý Lâm Phủ, người là đương kim Tể Tướng thời bấy giờ, đã cùng với Trương Thái Hậu âm mưu hãm hại các trung thần của Hoàng đế. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Hoàng đế Đường Đại Tông đã cử người chặt đầu Lý Lâm Phủ vào ban đêm để trừ hậu họa.

    Hoàng đế Đường Đại Tông rất kính Thần và lễ Phật. Ba trong số những thủ hạ quan trọng bậc nhất của ông đều rất tin Phật. Đường Đại Tông đã đại hưng Phật sự ở Trường An và đóng góp rất lớn vào việc hoằng dương Phật Pháp vào thời ấy. Một hôm, Đại Tông nghe nói rằng phần mộ phụ thân của Tướng quân Quách Tử Nghi đã bị làm hư hại, và nhiều người cho rằng điều đó do những viên quan trong Triều có hiềm khích Quách Tướng quân gây ra. Đại Tông rất quan tâm đến sự việc này.

    Khi Quách Tướng quân nhập Triều, Hoàng đế Đại Tông hỏi ông về sự việc ấy xem ông phản ứng ra sao. Quách Tướng quân không hề đổ lỗi cho ai mà chỉ nói: “Tâu Bệ hạ, đó là do thần đã không thống lĩnh tốt ba quân và không giữ cho quân pháp được nghiêm cẩn. Khi chiến loạn, quân của thần thường lấy cắp của cải từ mộ của người khác. Hiện tại, phần mộ phụ thân của thần cũng bị phá, chẳng phải đây chính là nhân quả báo ứng hay sao?”.

    Sau này, người ta bình luận rằng An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đã sát hại rất nhiều bách tính trong cuộc nổi loạn. Cuối cùng, họ đều bị giết chết bởi chính con trai họ, đây cũng là báo ứng. Những câu chuyện này đã được ghi vào sách lịch sử. Sau đây là một vài câu chuyện mà chưa từng được ghi chép lại trong sách lịch sử.

    Hoàng đế Đường Đại Tông là người rất mực anh minh, nhưng ông vẫn thiếu tính quyết đoán và mưu lược của Đường Thái Tông [4]. Thật ra, mặc dù ông đã có một Thượng thư Bộ Lễ khá tài ba, ông vẫn gặp khó khăn khi cai trị đất nước trong thời bình.

    Hoàng đế Đại Tông rất giỏi chơi đàn, đặc biệt là ngũ huyền cầm [5]. Một lần, khi những cung nữ xinh đẹp nhập cung để được tuyển lựa, ông đã không tới xem mặt họ. Vào lúc ấy, ông đã là một đệ tử Phật giáo. Ông chỉ muốn hỏi những tú nữ xem liệu đất nước có thanh bình hay không và cuộc sống của dân chúng ra sao. Ông cũng muốn nghe các tú nữ chơi nhạc để đoán xem cảnh giới tư tưởng của họ thế nào. Kỳ thực, dẫu một bản nhạc có hoa lệ đến đâu, những người mang cảnh giới tư tưởng khác nhau sẽ tấu ra những âm hưởng khác nhau.



  13. #9
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts


    Do vậy, Đường Đại Tông truyền chỉ triệu những tú nữ vào trong cung. Ban đầu, họ nhảy múa và hợp tấu cùng nhau. Sau đó, Đại Tông có ý tưởng rằng: “Tại sao ta không làm một phép thử để xem có ai trong số họ hiểu được lòng ta?”. Và ông bắt đầu chơi một bản nhạc bằng cây ngũ huyền cầm. Một lúc sau, ông ông hòa lòng mình vào âm nhạc:

    “Thanh âm phiêu miểu tự thiên lai,
    Thiên nhân thải đới phong trung bãi,
    Hồng chung Pháp giới hiển thần thánh,
    Đãng tận phàm trần liên tự khai.
    Quốc gia hữu nạn cô ưu tâm,
    Sấn thử thời cơ liễu dân tình,
    Bách tính an lạc liễu tâm nguyện,
    Thục tri ngã tâm đồng cầm tại!”


    Diễn nghĩa:

    “Điệu nhạc thanh thoát như đến từ trên Thiên thượng,
    Dải lụa thiên nhân phất phơ trong không trung,
    Tiếng chuông âm vang hiển vẻ thần thánh trong Pháp giới,
    Hoa sen khai nở sau khi rũ sạch bụi trần.
    Ta lo lắng ưu sầu vì vận mệnh của đất nước,
    Nhân cơ hội này để liễu giải chuyện dân tình,
    Khi bách tính được an vui là ta mãn nguyện,
    Ai biết được lòng ta trong điệu nhạc này!”

    Sau đó, Đại Tông nghe thấy một tiếng sáo du dương thanh thoát như thể đến từ trên không trung, giống như bao nhiêu con sông đang chảy ra biển cả và đôi bàn tay làm ấm áp trái tim. Ông lại dụng tâm truyền thêm cảm hứng vào điệu nhạc:

    “Luân hồi nhân quả thuật vu âm,
    Thiện ác quả báo biểu vu cầm,
    Phàm phu kính Phật Đế vương xuất,
    Bách tính kính Phật lễ tại tâm!”


    Diễn nghĩa:

    “Luân hồi nhân quả tựa trôi theo điệu nhạc,
    Thiện ác quả báo hiển hiện trong tiếng đàn,
    Đế vương kính Phật thay cho kẻ phàm phu [6],
    Bách tính kính Phật và giữ lễ trong tâm!”


    Lúc ấy, tiếng sáo vang lên:

    “Thanh tĩnh vô vi tự tại tu,
    Bích hải tình thiên nhâm ngã du,
    Thân tại thảo đường thô trà phạn,
    Lãnh quan thế thượng đa phiền ưu!”


    Diễn nghĩa:

    “Tu luyện vô vi tự tại trong thanh tĩnh,
    Biển trời trong xanh là nơi ta đắm mình,
    Sống ở nơi tồi tàn và ăn cơm nhạt,
    Lặng lẽ quan sát người đời bao ưu phiền!”






  14. #10
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts


    Và rồi tiếng sáo chuyển thành thống thiết bi ai, giống như cơn mưa phùn trong một ngày trời trong sáng. Đại Tông hiểu rằng điệu nhạc này bày tỏ sự lầm than của bách tính trong thời chiến loạn. Ông cũng cảm thấy phảng phất trong ấy mối lưu tâm tới thiên triều và lòng kính trọng Hoàng đế. Sau khi thưởng thức xong điệu nhạc, Đại Tông nhìn đám tú nữ và hỏi: “Ai trong các ngươi vừa tấu sáo vậy?”. Một thiếu nữ bèn bước ra. Nàng không phải là người đẹp nhất trong số những tú nữ ấy, nhưng trông nàng nhu mì và không sợ hãi khi đứng trước mặt Hoàng đế.

    Nàng nói: “Hoàng thượng vạn tuế, tiểu nữ làm kinh động đến bệ hạ, xin bệ hạ xá tội!”. Đại Tông thập phần ưng ý; ông quay sang hỏi cận thần xem tên tuổi cô gái là gì. Cận thần nói: “Cô gái này là người Dương Châu, họ Tô, tên Vân Tĩnh, năm nay 18 tuổi”. Hoàng đế truyền chỉ thu nạp cô gái làm thiếp chăm lo cho sinh hoạt hàng ngày của ông.

    Sau này, Đại Tông mới biết rằng nàng không chỉ giỏi chơi sáo mà còn vô cùng xuất chúng về thư pháp và hội họa. Quan trọng hơn, nàng thường kể cho Hoàng đế nghe về nỗi lầm than của dân chúng dưới thời “An Sử chi loạn”. Do vậy, Đại Tông đã miễn giảm thuế, đồng thời cho thu thập tiền và lương thực để trợ giúp bách tính.

    Không lâu sau, Đại Tông phong cho nàng làm Quý Phi. Ông muốn phế Độc Cô Hoàng hậu và để nàng lên thế chỗ nhưng nàng không đồng ý. Nàng khuyên giải Hoàng đế: “Hoàng hậu chưa phạm phải lỗi lầm gì lớn, nếu Bệ hạ phế truất bà, thiên hạ nhất định sẽ đàm tiếu. Huống hồ Bệ hạ là người đang tu Phật, sao có thể làm chuyện bất thiện như vậy được?”. Đại Tông nghe xong vô cùng cảm kích, ông nói: “Trong cõi phàm tục này, ta rất vui khi thấy vẫn còn người có thiện tâm. Người thiện tâm tất sẽ được hưởng phúc sau này”.

    Không lâu sau, quân Thổ phồn (người Tây Tạng) và Hồi hột (người Uyghur Tân Cương) xâm chiếm Trung Nguyên. Đại Tông phải rời Kinh Thành và lẩn trốn. Độc Cô Hoàng hậu vốn rất ganh ghét với Tô Quý Phi. Bà giả truyền chiếu chỉ của Hoàng đế để mời Tô Quý Phi vào uống rượu cùng. Đến khi Tô Quý Phi đã say rượu, bà mới nói thật: “Trước kia cô là người được Hoàng đế sủng ái nhất và ông ấy không hề để mắt gì tới chúng ta. Bây giờ hoàng đế đang lâm nguy, tất cả là lỗi của cô”. Rồi Độc Cô Hoàng hậu đưa cho cô một chén rượu độc và bảo cô uống: “Cái chết của cô sẽ là bảo chứng cho sự tồn vong của giang sơn xã tắc Đại Đường”.





Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •