KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.................................................. .....................................Quyển 51
__________________________________________________ _____________________________________



Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tự tướng không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Tự tướng nghĩa là tự tướng của tất cả pháp, như biến ngại là tự tuớng của sắc, lãnh nạp là tự tướng của thọ, thủ tượng là tự tướng của tưởng, tạo tác là tự tướng của hành, liễu biệt là tự tướng của thức; hoặc là tự tướng của pháp hữu vi, hoặc là tự tướng của pháp vô vi, cũng như vậy. Tự tướng này gắn liền với cái không của tự tướng. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là tự tướng không.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là cộng tướng không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Cộng tướng nghĩa là tướng chung của tất cả pháp. Như khổ là cộng tướng của pháp hữu lậu, vô thường là cộng tướng của pháp hữu vi; không, vô ngã là cộng tướng của tất cả pháp, có vô lượng cộng tướng như vậy. Cộng tướng này gắn liền với cái không của cộng tướng. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là cộng tướng không.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là nhất thiết pháp không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nhất thiết pháp nghĩa là pháp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, hoặc là pháp hữu sắc, vô sắc, hữu kiến, vô kiến, hữu đối, vô đối, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi. Nhất thiết pháp này gắn liền với cái không của nhất thiết pháp. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là nhất thiết pháp không.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là bất khả đắc không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Bất khả đắc nghĩa là trong tất cả pháp này, chẳng thể nắm bắt được, hoặc quá khứ chẳng thể nắm bắt được, vị lai chẳng thể nắm bắt được, hiện tại chẳng thể nắm bắt được; hoặc trong quá khứ không có vị lai hiện tại, có thể nắm bắt được; hoặc trong vị lai không có quá khứ, hiện tại, có thể nắm bắt được; hoặc trong hiện tại không có quá khứ, vị lai, có thể nắm bắt được. Bất khả đắc này gắn liền với cái không của bất khả đắc. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là bất khả đắc không.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là vô tánh không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Vô tánh nghĩa là không có một mảy may tánh có thể nắm bắt được. Vô tánh này gắn liền với cái không của vô tánh. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là vô tánh không.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tự tánh không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Tự tánh nghĩa là tự tánh năng hòa hợp của các pháp. Tự tánh này gắn liền với cái không của tự tánh. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là tự tánh không.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là vô tánh tự tánh không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Vô tánh tự tánh nghĩa là các pháp không có tánh năng hòa hợp nhưng có tự tánh sở hòa hợp. Vô tánh tự tánh này gắn liền với cái không của vô tánh tự tánh. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là vô tánh tự tánh không.