“Hộ trì chánh pháp là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì khiến cho hạt giống Tam bảo truyền mãi không dứt.
“Nguyện lành là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì thành tựu được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
“Phương tiện là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì được mau chóng thành tựu trí hiểu biết tất cả.
“Thiện nam tử! Như vậy gọi là các pháp môn thanh tịnh hỗ trợ Bồ-đề của hàng Bồ Tát.’
“Thiện nam tử! Bấy giờ đức Như Lai Bảo Tạng quay nhìn khắp đại chúng Bồ Tát, rồi bảo Bồ Tát Đại Bi: ‘Này Đại Bi! Thế nào là Bồ Tát dùng sự không sợ sệt để trang nghiêm tốt đẹp, đầy đủ đức nhẫn?
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát thấy được ý nghĩa rốt ráo thì đạt được sự tinh tấn, không ngu si, không đắm chấp trong Ba cõi. Nếu không đắm chấp trong Ba cõi thì gọi đó là tam-muội, là pháp không sợ sệt của bậc sa-môn. Như đưa tay vào khoảng không chẳng có gì để nắm bắt, lại quán xét các pháp thấy không thật có tướng mạo.
“Đại Bi! Như vậy gọi là Đại Bồ Tát dùng sự không sợ sệt để trang nghiêm tốt đẹp.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ đức nhẫn? Vị Bồ Tát như vậy trong lúc trụ nơi các pháp không thấy có vô số tướng mạo của các pháp nhiều như những hạt bụi nhỏ; thực hành quán xét theo cả hai chiều thuận nghịch, đối với các pháp, hiểu rõ được ý nghĩa không có quả báo; trong khi tu tập lòng từ hiểu rõ là không có ngã, trong khi tu tập lòng bi hiểu rõ là không có chúng sinh, trong khi tu tập lòng hỷ hiểu rõ là không có mạng sống, trong khi tu tập lòng xả hiểu rõ là không có người khác.
Trâu ngoan không dẫm lúa mạ
“Tuy thực hành bố thí nhưng không thấy có vật mang ra bố thí. Tuy thực hành trì giới nhưng không thấy có tâm thanh tịnh. Tuy thực hành nhẫn nhục nhưng không thấy có chúng sinh. Tuy thực hành tinh tấn nhưng không thấy có tâm xa lìa tham dục. Tuy thực hành thiền định nhưng không thấy có tâm ác phải trừ bỏ. Tuy thực hành trí huệ nhưng không thấy tâm có chỗ thực hành.
“Tuy thực hành Bốn niệm xứ nhưng không thấy có sự tư duy. Tuy thực hành Bốn chánh cần nhưng không thấy có sự sinh diệt của tâm. Tuy thực hành Bốn như ý túc nhưng không thấy có các tâm vô lượng.
“Tuy thực hành tín nhưng không thấy có tâm không chướng ngại. Tuy thực hành niệm nhưng không thấy có tâm được tùy ý tự tại. Tuy thực hành định nhưng không thấy có tâm nhập định. Tuy thực hành huệ nhưng không thấy có căn cơ trí huệ.
“Tuy thực hành Năm sức nhưng không thấy có chỗ phá trừ. Tuy thực hành Bảy giác ý nhưng tâm không có sự phân biệt.
“Tuy thực hành Tám chánh đạo nhưng không thấy có các pháp. Tuy thực hành định nghiệp nhưng không thấy có sự tịch tĩnh của tâm. Tuy thực hành huệ nghiệp nhưng không thấy có chỗ làm của tâm. Tuy thực hành Bốn thánh đế nhưng không thấy có sự thông đạt tướng của pháp.
“Tuy tu tập niệm Phật nhưng không thấy có vô lượng các tâm hành. Tuy tu tập niệm Pháp nhưng tâm bình đẳng đối với pháp giới. Tuy tu niệm Tăng nhưng tâm không có chỗ trụ, nhờ giáo hóa chúng sinh mà tâm được thanh tịnh.
“Tuy nắm giữ chánh pháp nhưng đối với các pháp giới tâm không có sự phân biệt. Tuy tu tập tịnh độ nhưng tâm bình đẳng như hư không. Tuy tu tập các tướng tốt đẹp nhưng trong tâm không có các tướng.
“Tuy đạt được sự nhẫn nhục nhưng tâm không có chỗ nắm giữ. Tuy trụ ở địa vị không còn thối chuyển nhưng thường tự mình chẳng thấy có sự thối chuyển hay không thối chuyển. Tuy thực hành dựng lập đạo tràng nhưng rõ biết trong Ba cõi không có tướng nào khác. Tuy phá hoại các ma nhưng chính là làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh.
“Tuy thực hành đạo Bồ-đề nhưng quán các pháp đều là không, không có tâm Bồ-đề. Tuy chuyển bánh xe pháp nhưng đối với hết thảy các pháp không có sự xoay chuyển hay trở về.
Trâu ngoan không dẫm lúa mạ
Tuy cũng thị hiện nhập cảnh giới Niết-bàn rốt ráo nhưng trong tâm đối với chốn sinh tử luôn bình đẳng không thấy có khác biệt.
“Như vậy gọi là Bồ Tát được đầy đủ đức nhẫn.”
Khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết pháp như vậy, có sáu mươi bốn ức Đại Bồ Tát từ khắp mười phương hiện đến núi Kỳ-xà-quật, nơi Phật đang thuyết pháp, lắng nghe nhân duyên căn bản của các phép tam-muội và những pháp môn thanh tịnh hỗ trợ Bồ-đề. Nghe pháp như vậy rồi liền được Vô sinh nhẫn.
Khi ấy, đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo đại chúng: “Các ông nên biết, đức Như Lai Bảo Tạng vào thuở xa xưa ấy khi thuyết giảng pháp này có vô số Đại Bồ Tát nhiều như số cát của bốn mươi tám con sông Hằng đạt được Vô sinh nhẫn; có vô số Đại Bồ Tát nhiều như số hạt bụi nhỏ trong Bốn cõi thiên hạ được trụ yên nơi địa vị không còn thối chuyển; có vô số Đại Bồ Tát nhiều như số cát của một con sông Hằng đạt được nhân duyên căn bản của các phép tam-muội và các pháp môn thanh tịnh hỗ trợ Bồ-đề.
“Thiện nam tử! Vào lúc ấy, Bồ Tát Đại Bi nghe được pháp này rồi, tâm sinh hoan hỷ, liền được thay đổi hình thể như chàng thanh niên hai mươi tuổi. Từ đó luôn theo hầu kề cận bên đức Như Lai như bóng với hình.
“Thiện nam tử! Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương cùng với một ngàn người con, tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương, chín mươi hai ức nhân dân thảy đều xuất gia, phụng trì cấm giới, nghe nhiều học rộng, tu tập phép tam-muội Nhẫn nhục, luôn chuyên cần tinh tấn.
“Thiện nam tử! Khi ấy Đại Bồ Tát Đại Bi dần dần theo Phật học hỏi, lãnh thọ đủ tám mươi bốn ngàn pháp môn của hàng Thanh văn, chín mươi ngàn pháp môn của hàng Duyên giác, hết thảy đều thọ trì, tụng đọc thông suốt, ứng đối nhanh nhạy.
Trâu ngoan không dẫm lúa mạ
Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)