Kinh Bi Hoa
QUYỂN VII
PHẨM THỨ TƯ - PHẦN V
BỒ TÁT THỌ KÝ
Bạch Thế Tôn! Khi con thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, chỉ dùng một thứ âm thanh mà thuyết pháp, nhưng nếu chúng sinh nào học theo Thanh văn thừa, khi nghe thuyết pháp rồi liền được rõ biết giáo pháp của Thanh văn; nếu chúng sinh nào tu học theo Duyên giác thừa, khi nghe thuyết pháp rồi liền được rõ biết giáo pháp của Duyên giác; nếu chúng sinh nào tu học Vô thượng Đại thừa, khi nghe thuyết pháp rồi liền được rõ biết giáo pháp Đại thừa, thuần nhất không pha tạp.
“Nếu chúng sinh nào tu tập các pháp hỗ trợ Bồ-đề, muốn đạt đến giác ngộ, khi nghe thuyết pháp rồi liền buông xả được tài vật, thực hành bố thí.
“Nếu chúng sinh nào lìa bỏ mọi công đức, mong cầu sự khoái lạc trong hai cõi trời người, khi nghe thuyết pháp rồi liền được thọ trì giới luật.
“Nếu chúng sinh nào đe dọa lẫn nhau, gây sự sợ sệt cho nhau, trong lòng nhiều tham ái, sân hận, khi nghe thuyết pháp rồi liền nảy sinh tình cảm thân thiết sâu đậm với nhau.
“Nếu chúng sinh nào ưa thích làm việc giết hại, khi nghe thuyết pháp rồi liền được tâm bi.
Trâu ngoan không dẫm lúa mạ
“Nếu chúng sinh nào thường bị những sự tham lam, keo kiệt, ganh ghét, đố kỵ che lấp trong tâm, khi nghe thuyết pháp rồi liền tu tập tâm hỷ.
“Nếu chúng sinh nào tướng mạo đẹp đẽ, thân không tật bệnh, tham đắm hình sắc nên sinh lòng buông thả, giải đãi, khi nghe thuyết pháp rồi liền được tâm buông xả.
“Nếu chúng sinh nào bị lửa dâm dục thiêu đốt trong lòng nên thường buông thả, giải đãi, khi nghe thuyết pháp rồi liền quán xét sự nhơ nhớp, không trong sạch.
“Nếu chúng sinh nào tu học giáo pháp Đại thừa, bị tâm xáo động ngăn che, khi nghe thuyết pháp rồi liền đạt được phép quán thân niệm xứ.
“Nếu chúng sinh nào thường tự khoe mình giỏi biện luận tranh cãi, trí huệ sáng suốt nhanh lẹ, khi nghe thuyết pháp rồi liền rõ biết sâu sắc pháp mười hai nhân duyên.
“Nếu chúng sinh nào nghe biết ít ỏi, kiến giải hẹp hòi, lại tự cho mình là giỏi biện luận, khi nghe thuyết pháp rồi liền đạt được các môn đà-la-ni, rõ biết là các pháp không thể đoạt được, không thể mất đi.
“Nếu có chúng sinh nào ngập trong tà kiến như núi lớn, khi nghe thuyết pháp rồi liền hiểu được nghĩa không rất sâu của các pháp.
“Nếu chúng sinh nào bị tri giác che lấp, khi nghe thuyết pháp rồi liền được hiểu sâu pháp môn Vô tướng.
“Nếu chúng sinh nào bị những ý nguyện không trong sạch che lấp trong tâm, khi nghe thuyết pháp rồi liền hiểu sâu pháp môn Vô tác.
“Nếu chúng sinh nào trong tâm không thanh tịnh, khi nghe thuyết pháp rồi, tâm liền được thanh tịnh.
Trâu ngoan không dẫm lúa mạ
“Nếu chúng sinh nào bị nhiều trần duyên che lấp trong tâm, khi nghe thuyết pháp rồi liền được hiểu rõ rằng tâm Bồ-đề không hề hoại mất.
“Nếu chúng sinh nào bị sân hận che lấp trong tâm, khi nghe thuyết pháp rồi liền rõ biết tướng chân thật, riêng được thọ ký.
“Nếu chúng sinh nào trong tâm bị sự ỷ lại che lấp, khi nghe thuyết pháp rồi liền thấu hiểu rằng các pháp không có chỗ để nương dựa, ỷ lại.
“Nếu chúng sinh nào bị ái nhiễm che lấp trong tâm, khi nghe thuyết pháp rồi liền nhanh chóng rõ biết các pháp vốn thanh tịnh không cấu nhiễm.
“Nếu chúng sinh nào đánh mất tâm lành, khi nghe thuyết pháp rồi liền hiểu thấu được Tam-muội Nhật quang.
“Nếu chúng sinh nào làm theo các nghiệp của ma, khi nghe thuyết pháp rồi liền nhanh chóng rõ biết được pháp thanh tịnh.
“Nếu chúng sinh nào bị các luận thuyết tà vạy che lấp trong tâm, khi nghe thuyết pháp rồi liền được hiểu sâu chánh pháp nhiều lợi ích.
“Nếu chúng sinh nào bị phiền não che lấp trong tâm, khi nghe thuyết pháp rồi liền được rõ biết phép lìa phiền não.
“Nếu chúng sinh nào đi theo các đường ác, khi nghe thuyết pháp rồi liền được hồi tâm chuyển hướng.
“Nếu chúng sinh nào ở trong giáo pháp Đại thừa mà lại ngợi khen xưng tán cho rằng các tà pháp là tốt đẹp nhiệm mầu, khi nghe thuyết pháp rồi liền đối với tà pháp sinh tâm thối chuyển mà được sự hiểu biết chân chánh.
Trâu ngoan không dẫm lúa mạ
Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)