Tất Đạt ngồi thẳng và tập tiết kiệm hơi thở, cố thở ít lại, nhịn thở. Chàng tập lắng nhịp của tim khi thở vào, tập làm tim đập ít lại – cho đến khi rất ít, rồi không còn nữa. Nhờ vị Sa Môn trọng tuổi nhất dạy bảo, Tất Đạt tập sự quên mình và trầm tư theo những quy luật của Sa Môn. Một con hạc bay qua rừng trúc và Tất Đạt thu nhiếp nó vào tâm, bay qua rừng núi, trở thành con hạc, ăn cá, đói cái đói của hạc, dùng ngôn ngữ hạc và chết cái chết của một con hạc. Một con chồn chết nằm trên bờ cát và hồn của Tất Đạt nhập vào xác nó; chàng trở thành một con chồn chết, nằm trên bãi, bị sình trương, hôi thối, bị báo ăn hết bốn chân, diều hâu rỉa thịt, trở thành một bộ xương, trở thành cát bụi hoà với không khí. Và hồn Tất Đạt trở lại chết, huỷ hoại, thành cát bụi, thực nghiệm vòng khổ đau của một chu kỳ sống. Chàng đợi chờ với một niềm khát khao mới như một người đi săn đứng trên vực thẳm, nơi mà chu trình sống kết liễu, ở đó không cần nguyên nhân và ở đó sự thường tại không đau khổ bắt đầu.
Chàng tiêu diệt mọi cảm giác, tiêu diệt ký ức, đi ra khỏi cái ngã của mình dưới trăm nghìn hình hài khác nhau. Chàng quán mình là đá, gỗ, nước. Và sau mỗi lần chàng lại tỉnh dậy, mặt trời hay mặt trăng vẫn chiếu, chàng lại là chính chàng, đi vào chu kỳ sống, khát khao, chiến thắng khát khao, rồi lại có những khát khao mới.
Tất Đạt học hỏi rất nhiều từ các vị Sa Môn, chàng học được nhiều cách thức để diệt ngã. Chàng phiêu du qua các đoạn đường diệt ngã bằng khổ đau, qua đói khát và mệt nhọc. Chàng phiêu lưu qua những con đường diệt ngã bằng trầm tư, bằng gạn lọc khỏi tư tưởng hết mọi hình ảnh. Chàng đã học trải qua những con đường này và những con đường khác. Chàng diệt ngã được một nghìn lần và có những ngày chàng đã sống trong phi ngã. Nhưng mặc dầu những con đường đưa chàng ra khỏi ngã, cuối cùng chúng luôn luôn đưa chàng trở lại ngã. Mặc dầu Tất Đạt rời bỏ ngã một ngàn lần, sống bằng phi ngã trong con vật hay đá, đất, sự trở lại vẫn không thể tránh. Không thể tránh lúc chàng trở lại chính chàng, trong ánh mặt trời hay trong ánh trăng, trong nắng hay dưới mưa, và trở lại Ngã hay Tất Đạt, trở về niềm khắc khoải, về kiếp luân hồi nặng nề.
Cạnh chàng Thiện Hữu sống như cái bóng của chàng; Thiện Hữu cùng phiêu lưu qua con đường của chàng, và cùng làm những cố gắng của chàng. Họ ít trò chuyện riêng với nhau trừ những điều cần thiết về công việc hay thực tập. Một đôi khi họ cùng đi qua các làng khất thực. Một lần Tất Đạt hỏi Thiện Hữu:
- Này Thiện Hữu, anh nghĩ sao? Anh có nghĩ rằng chúng ta đã tiến thêm bước nào chưa? Đã đạt được mục đích của chúng ta chưa?