Đạt nghe kệ xong bèn tạ lỗi rằng: “Từ nay trở đi sẽ khiêm tốn cung kính tất cả. Đệ tử tụng Kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu nghĩa kinh, tâm thường có nghi, Hòa Thượng trí huệ mênh mông, xin nói sơ lược nghĩa lý của kinh”.
Sư nói: “Pháp Đạt, pháp vốn thông đạt, chỉ tại tâm ngươi chẳng đạt. Kinh vốn chẳng nghi, tâm ngươi tự nghi. Ngươi niệm Kinh này lấy gì làm tông chỉ?”.
Đạt nói: “Đệ tử căn tánh ngu độn, xưa nay chỉ biết y văn niệm tụng, chẳng biết tông chỉ”.
Sư nói: “Ta chẳng biết chữ, người lấy kinh tụng thử một bộ, ta sẽ giảng thuyết cho”
Pháp Đạt liền lên tiếng tụng kinh, đến phẩm Thí Dụ, Sư nói: “Hãy ngừng, Kinh này vốn lấy nhân duyên xuất thế làm tông chỉ, dù nói nhiều thí dụ cũng chẳng ngoài việc này. Thế nào là nhân duyên? Kinh nói: “Chư Phật Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên đời”. Một đại sự tức là TRI KIẾN PHẬT vây. Người đời ngoài mê chấp tướng, trong mê chấp không, nếu được ở nơi tướng mà lìa tướng, nơi không mà lìa không, tức là trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ pháp này, ngay trong một niệm tâm liền sáng tỏ, ấy là khai ngộ TRI KIẾN PHẬT vậy. Phật tức là GIÁC, chia làm bốn cửa: Khai GIÁC TRI KIẾN, Thị GIÁC TRI KIẾN, Ngộ GIÁC TRI KIẾN, Nhập GIÁC TRI KIẾN. Nếu nghe khai thị liền được ngộ nhập tức GIÁC TRI KIẾN, do đó bổn lai chơn tánh liền được hiển hiện.
Người nên cẩn thận, chớ hiểu lầm ý Kinh, nghe nói: “Khai thị ngộ nhập” bèn cho là tri kiến của Phật (tha Phật) chẳng có phần mình; nếu hiểu như thế là phỉ báng Kinh Phật vậy. Đã nói Phật thì TRI KIẾN PHẬT đã sẵn đầy đủ, đâu cần phải khai thị nữa! Người phải tin rằng nói tri kiến Phật là ở nơi tự tâm của ngươi chẳng phải Phật bên ngoài. Bởi vì tất cả chúng sanh tự che khuất ánh sáng của tự tánh, tham ái cảnh trần, phan duyên bên ngoài nhiễu loạn bên trong, cam chịu trần lao hành hạ, làm nhọc Đức Thế Tôn từ chánh định ra, khổ tâm khuyên dạy bằng đủ mọi cách, khiến ngừng nghỉ các duyên, chớ nên hướng ngoại tim cầu, tức chẳng khác với Phật , nên nói là khai tri kiến Phật. Ta cũng nên khuyên tất cả mọi người thường nên khai tri kiến Phật nơi tự tâm. Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng lành tâm ác, tham sân ganh tỵ, gièm xiểm, nịnh bợ, ngã mạn, hiếp người, hại vật, tự khai tri kiến chúng sanh. Nếu được trong tâm ngay thẳng, thường sanh trí huệ chiếu soi tự tâm, dứt ác làm lành, tức là tự khai tri kiến Phật vậy, ngươi nên niệm niệm khai tri kiến Phật chớ khai tri kiến chúng sanh. Khai tri kiến Phật tức là xuất thế, khai tri kiến chúng sanh tức là thế gian. Nếu người chỉ luôn luôn lấy công phu tụng niệm làm thời khóa, chẳng khác nào con mao ngưu tiếc đuôi! (Con mao ngưu có đuôi rất đẹp, gặp thợ săn chỉ giấu đuôi mà không giấu đầu).
Đạt nói: “Nếu như vậy tức là chỉ cần hiểu nghĩa, chẳng cần tụng kinh sao?”.
Sư nói: “Kinh có lỗi gì, đâu làm chướng niệm của ngươi! Chỉ vì mê ngộ tại người, tổn ích do mình mà thôi. Miệng niệm tâm hành tức là chuyển được kinh, miệng niệm tâm chẳng hành tức bị kinh chuyển. Hãy nghe kệ đây: