Nói đến mười điều thù thắng, tức là sự truy cứu điểm căn bản nhất chính là ‘A-lại-da thức’ cũng gọi là ‘Sở tri y’. Tất cả pháp tịnh và bất tịnh, pháp hữu lậu và vô lậu đều nương vào A-lại-da thức để hình thành, do vậy mười điều thù thắng cũng lấy Sở tri y này làm nơi nương tựa, đó chính là lý do Luận này nói pháp Đại thừa chính là tâm chúng sanh, như thế A-lại-da thức và tâm chúng sanh đãnói lên sự tương đồng đó sao? Lấy tâm chúng sanh hoặc A-lại-da thức làm căn bản để thành lập pháp Đại thừa, thế thì muốn tin hiểu pháp Đại thừa không thể không tìm hiểu A-lại-da thức, vì nó là cái hình thành tất cả pháp. Nói cách khác, tin và hiểu được tâm của chúng sanh cũng chính là tin và hiểu pháp Đại thừa. Nội dung tư tưởng “Khởi Tín Luận” là căn cứ vào tâm chúng sanh (pháp) hiển bày thể, tướng và dụng (nghĩa) để thuyết minh pháp Đại thừa, còn “Nhiếp Luận Thích” do Thế Thân trước tác, Chơn Đế dịch cũng cho rằng, hiển bày công đức thù thắng của Đại thừa là thật có và sự lợi ích cho mọi người. Có thù thắng công đức là đức tướng của Đại thừa. ‘Thật có’ là thật thể; ‘lợi tha’ là tác dụng hình thành nhân quả thiện trong thế gian và xuất thế gian của Đại thừa, ý nghĩa này so với nội dung tư tưởng của luận này thì bản chất không có gì khác (ở đây đề cập ý kiến nhất trí của các nhà Duy tâm luận, nhưng không đề cập luận này với Chơn Đế dịch có mối quan hệ gì). Muốn chứng minh được pháp Đại thừa là có thật, trình bày không cụ thể thì khó có thể làm cho người khác tin tưởng pháp Đại thừa, nên ở đây nói pháp Đại thừa chính là tâm chúng sanh, điều mà mọi người đều biết được, không cần dẫn chứng gì khác, lập tức sanh khởi chánh tín. Theo các nhà Duy tâm luận cho pháp Đại thừa là Duy tâm luận, đặc điểm này không giống với giáo pháp của Thanh văn.

Tín tưởng và tu học Phật pháp là nguyên tắt tu tập thân tâm, là phương pháp thật hiện làm cho tự tâm được tự tại thanh tịnh. Niềm tin và sự tu học không phải sự sùng bái thần linh từ ngoài thân tâm mà được, mà chính là sự xác định niềm tin từ tự tâm, có thể tu tập sửa đổi đạt đến tự tại một cách hoàn mãn. Vì thế pháp môn tu tập để thành Phật trong giáo pháp Đại thừa, muốn chúng ta tin tưởng và học tập ở ngay tự tâm, và đứng từ lập trường căn bản của tâm này để lý giải tất cả vấn đề, như vậy mới có thể tin hiểu tu học pháp Đại thừa. Do đó, Đại thừa là tâm chúng sanh, tin là tin tưởng tâm của mình, chứng đắc cũng từ tự tâm. Giáo pháp Đại thừa rất chú trọng tự tâm, nên “Đại thừa Khởi Tín” tin vào pháp môn lấy tâm chúng sanh làm căn bản, d0 đó các Thiền sư Trung Quốc và các nhà Thiên Thai, Hiền Thủ (Hoa Nghiêm) đều xem trọng Luận này, vì Luận này thực tiễn giảng giải các vấn đề có liên quan với pháp môn từ tâm của chúng ta. Truyền thuyết cho rằng: Thiền sư Huệ Tư trước tác “Đại Thừa Chỉ Quán” là tái chế từ luận này. Luận này chú trọng tự tâm tu hành, do đó ở phần mở đầu liền trình bày rõ ý nghĩa cốt yếu: “Gọi là pháp (Đại thừa) ấy là tâm chúng sanh”. Xuất phát từ tâm và hồi quy cũng trở về tâm. Tin pháp Đại thừa là tinvấn đề này.