c. Phân biệt loại trừ các loại tà định.


Nguyên văn:

應知外道所有三昧,皆不離見愛我慢 心,貪著世間名利恭敬故。真如三昧 ,不住見相,不住得相,乃至出定亦 無懈慢,所有煩惱,漸漸微薄。若諸 夫不習此三昧法,得入如來種性,無 是處!以修世間諸禪三昧,多起味著 ,依於我見,繫屬三界,與外道共。 離善知識所護,則起外道見故。

Dịch nghĩa:

Nên biết các thứ tam-muội mà ngoại đạo có, đều không ra khỏi tâm kiến ái ngã mạn, tham trước những danh lợi cung kính của thế gian. Chơn như tam-muội, không trụ nơi kiến, không trụ nơi đắc, cho đến khi xuất định cũng không giải đãi ngã mạn, tất cả các thứ phiền não, dần dần giảm bớt. Nếu hàng phàm phu không tu tập tam-muội này, mà vào được chủng tánh Như Lai, thì thật không có lẽ nào như vậy! Do tu các thiền định tam-muội của thế gian, phần nhiều khởi ra say đắm, lại nương theo ngã kiến, cột chặt trong ba cõi, cùng chung với ngoại đạo. Nên nếu rời sự hộ trì của thiện tri thức, thì sẽ khởi ra những kiến chấp của ngoại đạo.


Chơn như tam-muội với thế gian định của phàm phu ngoại đạo không giống nhau, nên ở đây đặc biệt thêm phần so sánh phân biệt. Tiếp theo phần văn: “như được tương tợ tam-muội, hoặc trong bảy ngày được định …”, ở phần trên, “nên biết” đây là đồng với “các thứ tam-muội mà ngoại đạo có”, “đều không ra khỏi tâm kiến ái ngã mạn” mê muội; cuối cùng không ra khỏi “tham trước những danh lợi cung kính của thế gian”, không có khả năng thành tựu pháp tối thượng xuất thế gian - thành Phật. Tam-muội không phải Phật pháp mới có, nếu có khả năng tập trung ý chí, thân tâm đạt đến ninh tịnh; như tứ thiền bát định thì chung với phàm phu và ngoại đạo, đều gọi là tam-muội. Chẳng qua phàm phu và ngoại đạo đạt được thiền đó, đều tương ưng với các loại phiền não như kiến ái ngã mạn v.v… Kiến ái ngã mạn là đại diện cho tất cả các loại phiền não. Kiến là sự sai lầm về phương diện tư tưởng, như kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến v.v… Ái là sự sai lầm về phương diện tình cảm, như tham luyến đắm trước v.v… Còn ngã mạn là sự sai lầm về phương diện ý chí, như tự thị cống cao ngã mạn v.v... Định thì có ba loại: vị định, tịnh định và vô lậu định. Vô lậu định là định này tương ưng với trí tuệ Bát-nhã; có khả năng xa lìa một phần phiền não, còn thiện tâm hữu lậu hiện tiền, thì gọi là tịnh định. Nếu lấy sự ái trước làm chủ, tham luyến đắm trước trong cảnh định, hoặc ỷ vào định mà sanh khởi ngã mạn v.v…, thì gọi là vị định. Nếu tam-muội mà không xa rời phiền não, tương ưng với phiền não, thì tất nhiên hay tham trước danh lợi cung kính của thế gian, rồi kết quả thối thất mất tam-muội, tạo các nghiệp ác.

“Chơn như tam-muội” với tam-muội của ngoại đạo không giống nhau, không nương tựa tất cả tướng cảnh giới, nên “không trụ nơi kiến”, do không có trụ mà tu tập, nên cũng “không trụ nơi đắc”. Trong định như thế không có sự chấp trước, đương nhiên không tương ưng với phiền não, “cho đến khi xuất định”, do năng lực còn lại của định, mà không ham muốn ngủ nghỉ, ăn uống, thân tâm khinh an như trong định, “cũng không giải đãi ngã mạn”, “tất cả các thứ phiền não”, cũng đều “dần dần giảm bớt” đi, như thế sẽ không còn tham đắm danh lợi cung kính nữa. Do đó, muốn thử nghiệm sự chánh hay tà của tam-muội, có thể quan sát tình hình sau khi xuất định mà quyết định được chánh hay tà. “Nếu hàng phàm phu không tu tập” chơn như “tam-muội này”, mà nói có khả năng “vào được chủng tánh Như lai” – phát tâm trụ, đây chắc chắn “thật không có lẽ nào như vậy”! Tu Bồ-tát hạnh không tu tập chơn như tam-muội thì không được, bởi vì, “tu các thiền định tam-muội của thế gian, phần nhiều khởi ra say đắm, lại nương theo ngã kiến, cột chặt trong ba cõi, cùng chung với ngoại đạo”. Thiền định của thế gian tuy có thể xa rời một phần phiền não, song chưa đoạn trừ ngã kiến của kiến đế cần phải đoạn, mà nương với ngã kiến để tu thiền định. Ngã kiến lại là kẻ đứng đầu của phiền não, do đó ở trong cảnh của định rồi sanh ra các loại say đắm, thuộc trong tam giới hữu lậu, chưa thể giải thoát. Như không có sự xa lìa tạp nhiễm của dục giới, khởi lên phiền não ràng buộc của dục giới, bị ràng buộc trong dục giới. Như đạt được thiền định của cõi sắc giới, dục giới phiền não tuy không khởi lên, song cẫn còn có sắc giới phiền não, do đó gọi là ràng buộc trong sắc giới. Được vô sắc giới định, nếu có đạt phi tưởng phi phi tưởng định, phiền não ràng buộc của vô sắc giới, vẫn chưa có khả năng đoạn tận. Thế gian định không xa lìa kiến ái phiền não trong tam giới, do đó bị cột chặt trong ba cõi, không thể vượt khỏi. Đây đều là thế gian tam-muội, các loại định như tứ thiền, tứ vô lượng tâm và tứ vô sắc định, đều đồng với thế gian và ngoại đạo.

Tóm lại, nếu nương vào cảnh giới, chấp trước cảnh giới mà tu tập đạt được, đều đồng với định của phàm phu trong thế gian; chỉ có tu tập chơn như tam-muội mới là chánh định không đồng với thế gian. Muốn tu tập chơn như tam-muội này phải nương theo thiện tri thức. “Nên nếu rời sự hộ trì của thiện tri thức”, thì không thể tuỳ lúc mà thưa hỏi, sẽ dễ bị lầm đường lạc hướng, rồi “khởi ra những kiến chấp của ngoại đạo”, rơi vào trong lưới tà kiến. Nương tựa thiện tri thức là điều kiện cần thiết của tu chỉ. Trong quá khứ thiền giả đi hành cước tham vấn, cũng chính là vì thỉnh cầu sự chỉ dạy đính chính của thiện tri thức.