Nguyên văn:

五者名為相續識,以念相應不斷故; 持過去無量世等善惡之業,令不失故 復能成熟現在未來苦樂等報無差違故 。能令現在已經之事,忽然而念,未 之事,不覺妄慮。

Dịch nghĩa:

Năm là tương tục thức, do niệm niệm tương ưng không đoạn; duy trì các nghiệp thiện ác từ vô lượng đời quá khứ, khiến cho không mất; lại có thể thành tựu quả báo khổ vui hiện tại, vị lai không có sai trái và có thể khiến những sự đã qua, hiện nay bỗng nhiên nhớ lại, các chuyện ở vị lai, bất giác mà vọng tưởng suy nghĩ.

“Năm là tương tục thức”: tâm và cảnh tương quan với nhau mà có khởi lên sự hiểu biết phân biệt, tất cả điều này đều có một loại ảnh tượng lưu lại ở trong tâm thức, nếu không ngừng phân biệt thì không ngừng bảo tồn ảnh tượng trong tâm. Do ở trong quá khứ của sự huân tập phân biệt thì hiện tại lại có khả năng sanh khởi; sanh khởi rồi sau đó lại huân tập. Vì “do niệm tương ưng không gián đoạn” nên gọi là tương tục thức, niệm tương ưng chỉ tâm phân biệt so sánh cảnh giới bên ngoài thì không ngừng sanh khởi ra niệm, niệm là tương ưng với tâm sở pháp. Phàm là tâm khởi lên sự phân biệt thì có các loại ảnh tượng sai biệt khác nhau, ảnh tượng này hiện ở trong tâm chính là niệm. Không ngừng phân biệt thì niệm không bị gián đoạn vì do nhận thức mà có các loại khái niệm tích trữ lưu lại trong tâm thức. Tâm thức phân biệt trong thế gian đều không thể rời niệm tất cả đều với niệm tương ưng mà có, vì niệm này tương ưng không gián đoạn do đó có khả năng “duy trì nghiệp thiện ác của vô lượng đời trong quá khứ, khiến cho không mất”, thiện nghiệp ác nghiệp của vô lượng trăm ngàn vạn đời đều do sự tương tục của niệm này mà duy trì không mất, vẫn còn “có thể thành tựu quả báo khổ vui của hiện tại và vị lai không có sai trái”. Quả báo khổ vui của hiện tại và vị lai vì do gây nghiệp nào thì gặt quả báo đó, nhất định không có sai lầm đây cũng là niệm lực của tương tục thức. Thọ nhận sự huân tập mà nghiệp lực không mất do đó nghiệp chủng có khả năng sanh trưởng thành thục, hiển phát làm tổng thể cho quả báo khổ vui. Dị thục của sáu thức trước, cũng nương vào trong nghiệp lực của tương tục thức mà phát sanh ra. Nghiệp được huân tập tăng trưởng và do nghiệp mà chiêu cảm quả dị thục đều nương vào tương tục thức mà có. Vẫn còn, duy trì nghiệp lực mà cảm quả báo, với sự tình của quá khứ vẫn có thể nhớ nghĩ như xưa do đó trong tương tục thức niệm tương ưng không gián đoạn, “có khả năng khiến hiện tại, đối với sự tình đã qua, trong vô ý bỗng nhiên nhớ lại”. Sự tình từng xảy ra, hiện tại bỗng nhiên xuất hiện ở trong tâm bởi vì khi quá khứ từng trải qua, lúc đó có một ảnh tượng (niệm) bảo lưu lại, bảo tồn kinh nghiệm này không mất, cũng chính là tác dụng của tương tục thức. Còn “sự tình ở tương lai”, chúng sanh trong khi bất tri “bất giác” mà “vọng tưởng suy nghĩ” nó, sự tình ở tương lai vẫn chưa đến mà trong vô ý dự tưởng như thế này hoặc thế kia. Đây là do ở trong tương tục thức, hàm tàng các loại do thấy nghe huân tập ở quá khứ mà duyên vào đó. Thời gian là có trước sau, nương vào hiện tại mà nhớ tưởng đến lúc trước là quá khứ; nương vào hiện tại mà suy luận đến tương lai thì thành vị lai. Tất cả pháp hư vọng đều có tính trước sau. Tưởng đến vị lai, không phải là đến được vị lai chỉ là kinh nghiệm của quá khứ, suy luận mà sử dụng ở trong vị lai. Kiến lập của tất cả nghiệp quả và ký ức về quá khứ, thiết tưởng đến vị lai đều nhân vì có tương tục thức mà thành lập điều đó.

Thuyết năm ý này: từ chi phần duyên khởi mà nói thì tương đương với các chi hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ; từ chín tâm luân mà nói thì tương đương với chuyển, kiến, sở thọ, phân biệt và linh khởi. Nhưng sự tổng hợp năm ý này thành một nhóm là giáo thuyết đặc biệt chỉ có của luận, có tính rất quan trọng nên tất yếu phải chú ý đến. Thuyết năm ý này là hợp với quá trình sanh khởi có thứ tự trước sau của nó, có quan hệ với học thuyết năm tâm (suất nhĩ tâm, tầm cầu tâm, quyết định tâm, nhiễm tịnh tâm và đẳng lưu tâm) trong “Luận Du Già”: suất nhĩ tâm là bất giác mà nghiệp thức sanh khởi; tầm cầu tâm là do tâm thú cảnh mà chú trọng ở năng biên; quyết định tâm là do tâm hiểu được cảnh mà chú trọng ở sự xác nhận cảnh tướng, suất nhĩ tâm và tầm cầu tâm thì tương đương với chuyển thức và hiện thức; phân biệt nhiễm tịnh của trí thức là nhiễm tịnh tâm; niệm của tương tục thức tương ưng không gián đoạn là đẳng lưu tâm. Năm ý hợp thành một nhóm có quan hệ với học thuyết năm tâm trong “Luận Du Già”, học thuyết năm tâm có ở trong “Ý Địa Phần” của “Luận Du Già” quyển thứ ba. Khi khảo cứu về ngài Chơn Đế, đã từng dịch ra năm quyển đầu “Thập Thất Địa luận” thường hay sử dụng tâm, ý và thức, còn trong “Nhiếp Đại thừa Luận” lại dịch thành ý, tâm và thức. Do đó năm tâm trong Luận Du Già thì Chơn Đế có thể dịch thành năm ý, như vậy đã xác minh được nguồn gốc của học thuyết năm ý ở trong luận. Đương nhiên, luận này đã thâu góp tất cả tư liệu mà sáng tạo hoàn chỉnh một thể hệ độc đáo riêng, không cần phải toàn bộ là nhất trí với các học thuyết trước.
Ba ý đầu của năm ý là nương vào động tâm mà có sự phân biệt, tức phân biệt rồi hiện ra cảnh giới để phân biệt. Ba ý này là tâm cảnh rất vi tế mà trở thành hỗn nhiên không xa lìa với vọng thức. Khi so sánh với Duy Thức do ngài Huyền Trang truyền thì: nghiệp thức hàm nhiếp được tự chứng phần của A-lại-da hư vọng huân tập; kiến thức thì là kiến phần của A-lại-da; hiện thức là tướng phần của A-lại-da. Ba loại này là tâm cảnh bất khả tri của A-lại-da, nương vào tâm cảnh vi tế này, khi đạt đến tâm cảnh tương quan, cảnh địa của tâm cảnh được phân minh chính là tướng thô, mà trong thô có tế: còn trí thức chú trọng ở sự chấp trước phân biệt nhiễm tịnh, tương tục thức thì chú trọng ở thọ huân trì chủng, chấp trì căn thân. Nên Địa Luận sư lấy điều này trở thành sự và dụng của thức thứ bảy mạt-na. Nhiếp Luận sư thì lấy làm trừ một phần ngã chấp của phân biệt nhiễm tịnh ra, còn lại đều là chấp tướng a-lê-da với quả báo sự dụng của-lê-da. Duy Thức sư cho rằng: chấp thủ là thức thứ bảy mạt-na, thọ huân trì chủng v.v… thì thuộc ở Lại-da. Kỳ thật, ý thức hư vọng vi tế là tập hợp các thức nên có tên gọi là ý. Các học giả sau này chia nó thành hai loại, các cách phân chia này cũng có sự tiêu chuẩn riêng của nó, do đó không thể có khả năng nhất trí được tên gọi mà nội dung thì cũng là như đây.

Tương tục thức ở trong luận, nó có đặc tính chủ yếu là: “niệm tương ưng không gián đoạn”; nên nghiệp lực từ vô lượng trăm ngàn kiếp được duy trì không mất, Duy thức gia cho đó là thọ huân trì chủng của chủng tử Lại-da (nhân tướng). Và duy trì nghiệp báo chính là quả báo Lại-da (quả tướng) được hình thành khi thọ huân đã thành thục. Còn nói đến bỗng nhiên mà nhớ lại quá khứ, bất giác rồi suy nghĩ đến tương lai, đây không phải là thuyết minh sự truy tìm suy nghĩ về quá khứ và dự đoán tương lai của ý thức; mà chú trọng ở “bỗng nhiên, bất giác”. Trong vô ý mà như vậy, chính thật ra là do sự huân tập được bảo trì từ kinh nghiệm trong quá khứ, khi kinh nghiệm từ quá khứ xuất hiện trở lại, rồi đem hiện tại này nghĩ nhớ vọng về quá khứ, thì trở thành ký ức; rồi lấy hiện tại để nghĩ tưởng hướng về tương lai thì trở thành sự dự đoán tính toán cho tương lai. Nguyên lý bảo trì kinh nghiệm này cũng đồng nhất với nguyên lý bảo trì nghiệp lực, nó cùng một nguyên lý đều là do ở niệm. Đối với tâm phân biệt thì niệm chính là tất cả tác dụng của tâm sở ở trong tâm. Còn đối với cảnh giới thì niệm chính là cảnh tượng được khởi ra ở trong tâm, tức là khái niệm. Nếu từ ba đời quá khứ hiện tại vị lai thì ức niệm quá khứ, nghĩ tưởng vị lai thì đó thật ra là đã từng huân tập ở trong tâm niệm rồi tái hiện lại thôi. Niệm tương ưng không gián đoạn này là nội dung quan trọng của tương tục thức. Năm ý đó, nếu nói một cách đại thể mà đứng từ lập trường hỗ tương y cứ để sanh khởi thì cũng chính là nội dung giữa thức thứ bảy và thứ tám của hệ Duy thức do ngài Huyền Trang truyền bá.