DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 11/18 ĐầuĐầu ... 910111213 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 101 tới 110 của 179
  1. #101
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả


    Là con người ai cũng sợ khổ cầu vui, song người mê chỉ biết sợ quả khổ cầu quả vui. Ngược lại người tỉnh chỉ sợ nhân khổ, tạo nhân vui. Hai bên có cái nhìn khác nhau, bên nào sẽ đạt được như sở nguyện? Dù ngây thơ thế mấy, người ta vẫn biết, không tạo nhân lành mà cầu quả tốt là chuyện không đâu; sợ quả khổ mà cứ tạo nhân ác là việc khó tránh. Nhân ác không gây, dù chẳng sợ quả khổ, nó vẫn không đến; nhân lành cứ tạo, dù chẳng cầu quả vui, nó vẫn bò sang. Cho nên người trí nhìn từ cái nhân mà chọn lựa, chọn nhân lành bỏ nhân ác. Cả đời mãi gây tạo nhân lành, loại trừ nhân ác, người này bảo đảm gặt hái những kết quả đẹp đẽ an vui. Ai say sưa tạo nhân ác, chẳng bao giờ nghĩ tới nhân lành, chắc chắn sẽ thu lượm được muôn vàn đau khổ, dù họ sợ sệt khẩn cầu quả ấy đừng đến. Cho nên câu châm ngôn nhà Phật, ít Phật tử nào không thuộc, là "Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả".


    NGHĨA BỒ-TÁT VÀ CHÚNG SANH


    Bồ-tát (Bodhisavattu) là người giác ngộ, thấy tận cái manh nha cái đầu mối của sự khổ đau và an lạc. Muốn hết khổ được vui, không gì hơn ngay cái mầm đau khổ chúng ta đừng gieo, cái mầm an vui phải tung vãi. Không gieo nhân khổ thì quả khổ làm gì có. Cứ tung vãi nhân vui thì quả vui không vời cũng đến. Đây là hành động của người giác ngộ. Chúng sanh là những kẻ mê, chỉ nhìn trên cái quả mà sợ mà cầu. Luôn luôn sợ khổ cầu vui, mà nhân đau khổ không tránh, nhân an vui không tạo. Một khi quả đau khổ đến thì cầu khẩn van xin, song làm sao qua khỏi, vì đã hình thành. Cầu mong mơ ước quả an vui, nhưng nhân không gây thì quả từ đâu mà đến. Đây là hình ảnh trái ngược của kẻ mê người giác. Tuy nhiên, cái mê này ai cũng có thể bỏ, cái giác này ai cũng có thể làm. Chỉ là nhắm vào nhân là giác, ai không thể làm được việc đó. Thế nên, Bồ-tát là chuyện tất cả chúng ta có thể làm được và chúng sanh chúng ta cũng bỏ được.



  2. #102
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    BỒ-TÁT SỢ NHÂN


    Bồ-tát là con người giác ngộ và hay làm giác ngộ người khác. Bởi giác ngộ nên thấy rõ cái gì là nhân đau khổ liền sợ hãi tìm mọi cách để diệt trừ. Thấy tham lam và keo kiệt là nhân đau khổ, Bồ-tát tu bố thí để tiêu diệt nên nói bố thí độ san tham. Thấy buông lung ngạo mạn là nhân phá hoại đức hạnh, Bồ-tát tu trì giới để khử dẹp, nên nói trì giới độ phá giới. Thấy nóng giận là nhân gây nhiều tội lỗi. Bồ-tát tu nhẫn nhục để dẹp, nên nói, nhẫn nhục độ sân hận. Thấy lười biếng bê tha là nhân hư thân mất công đức, Bồ-tát tu tinh tấn để đánh đuổi, nên nói tinh tấn độ giải đãi. Thấy tâm tán loạn là nhân điên đảo tối tăm, Bồ-tát tu thiền định để thu nhiếp, nên nói thiền định độ tán loạn. Thấy ngu si là nhân trầm luân sanh tử, Bồ-tát tu trí tuệ để chiếu phá, nên nói trí tuệ độ ngu si.

    Sở dĩ Bồ-tát tu lục độ là để diệt trừ sáu cái nhân xấu xa tội lỗi mù tối hiểm nguy, dẫn con người đi mãi trong trầm luân đau khổ. Khi sáu cái nhân ấy bị tiêu diệt hoàn toàn là giác ngộ giải thoát. Giai đoạn tu lục độ là đang hành hạnh Bồ-tát, đến khi giác ngộ là Bồ-tát thật sự. Phần này là tu hạnh Bồ-tát nặng về tự giác.


    CHÚNG SANH SỢ QUẢ


    Chúng sanh là những con người mê muội, một bề sợ khổ mà không biết nguyên nhân. Thấy cái gì khổ đau đến là kinh hoàng khiếp sợ van xin cầu cứu, mà không biết cái khổ ấy xuất phát từ nguyên nhân nào. Khi cái khổ qua rồi, thì bình thản như thường không biết gì tu sửa. Những cái quả chúng sanh sợ nhất là:

    Sợ người khác giết hại mình, mà tâm giết hại người không bỏ. Còn ôm mưu đồ giết hại người thì quả người giết hại mình làm sao tránh khỏi. Sợ người khác lén lấy, cướp giựt tiền bạc của cải của mình mà tâm tham lam của người không chừa. Đã tham của người thì người tham của mình là sự đương nhiên. Sợ người ta xâm phạm tiết hạnh vợ con mình, mà mình vẫn dòm ngó thèm thuồng vợ con người. Ôm lòng phá hoại sự trinh bạch của gia đình người thì người phá hoại hạnh phúc gia đình mình khó tránh khỏi. Sợ người ta dùng lời lường gạt vu cáo mình, mà mình vẫn thích lường gạt vu cáo người. Đã có cái nhân lường gạt vu cáo người thì quả người lường gạt vu cáo mình làm sao trốn được. Sợ say sưa như điên như dại bị người cười chê, mà rượu không từ không kiêng. Sẵn sàng uống rượu thì phải chấp nhận say sưa. Đây là những cái quả mà chúng sanh sợ hãi. Song sợ quả mà không tránh nhân, thật là khờ khạo ngây thơ. Đó là nói lên tính mê muội của con người, được gọi là chúng sanh.



  3. #103
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    BỒ-TÁT TẠO NHÂN


    Đến phần giác tha, Bồ-tát thấy bổn phận mình phải đem sự giác ngộ lại cho mọi người. Để đạt mục đích ấy, Bồ-tát phải tạo dựng cho mình đầy đủ những điều thiết yếu này: Một là Bồ-tát phải thông suốt Phật pháp (nội minh). Vì mục đích dạy người tu theo đường lối giác ngộ mà không thông suốt giáo lý Phật thì không thể thực hiện được. Hai là Bồ-tát phải thông hết các môn tâm lý học, xã hội học, khoa học. (ngoại minh). Có suốt thông các môn này thì sự giáo hóa không bị chướng ngại. Ba là Bồ-tát phải biết các môn y dược (y phương minh). Trị cho người được lành bệnh, chỉ dạy đạo lý cho họ rất dễ dàng, vì họ có cảm tình sẵn sàng nghe mình dạy. Bốn là Bồ-tát phải học các nghề nghiệp thật hay thật khéo (công xảo minh). Cần giúp đỡ mọi người, chúng ta phải có tài giỏi nghề khéo, vừa chỉ dạy dân chúng, vừa gầy được nền kinh tế tốt đẹp cho đồng bào.

    Nhờ tài nghệ đặc biệt của mình, người ta mới đến cầu học, là cơ hội tốt để giáo hóa họ. Năm là Bồ-tát phải giỏi ngoại ngữ (thanh minh). Muốn tiếp xúc với nhiều hạng, nhiều giống người, cần phải biết nhiều thứ tiếng. Biết tiếng họ, chúng ta mới dễ thông cảm và giáo hóa họ. Tạo dựng cho mình đầy đủ năm điều kiện này, Bồ-tát mới làm tròn sự nghiệp giác tha. Chúng ta không thể ôm ấp lý tưởng suông rằng "thệ nguyện giác tha", khi đó nơi mình không có một chút khả năng, một ít phương tiện thì sự giác tha trở thành vô nghĩa. Trước tiên chúng ta phải tạo dựng cho mình đầy đủ điều kiện thiết yếu (ngũ minh), sau đó mang hành lý lên vai tiến trên đường giác tha, chúng ta mới làm tròn nhiệm vụ.

    Tạo dựng cho mình đủ năm điều kiện trên rồi, Bồ-tát còn phải ứng dụng bốn việc thì sự giáo hóa mới dễ thành tựu: Một là Bồ-tát phải sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc của cải hoặc sức lực của mình khi người cần. Nhờ sự giúp đỡ người ta dễ có cảm tình, nhiếp hóa họ mới được (bố thí nhiếp). Hai là Bồ-tát phải nói lời hòa nhã dịu dàng dễ mến. dù chúng ta có giúp ai bao nhiêu, mà thốt ra những lời thô bạo họ đều bực bội chán ghét. Khéo dùng lời hiền hòa nhu nhuyến nhiếp hóa người (ái ngữ nhiếp) là dễ thành công. Ba là Bồ-tát phải xông pha làm những điều gì để đem lợi ích thiết thực cho người. Chúng ta không phải chỉ nói suông, mà phải làm thật sự.

    Ai cần điều gì có thể làm được, chúng ta phải nỗ lực làm giúp, để đem đến kết quả lợi ích cho họ. Nhờ bàn tay của mình giúp họ thành công một việc, sau đó mình đem chánh pháp giáo hóa họ, họ dễ dàng thu nhận (lợi hành nhiếp). Bốn là Bồ-tát phải lăn xả vào trong mọi ngành mọi nghề để cùng làm cùng sống với họ. Dễ thông cảm nhau nhất là bạn đồng nghiệp. Đồng trong một cảnh ngộ, có bàn luận điều gì thật là dễ cảm thông. Chính chỗ chung nghề nghiệp, chúng ta đem chánh pháp giáo hóa họ được sự chấp nhận không khó khăn gì (đồng sự nhiếp). Bốn điều này là phương tiện không thể thiếu của Bồ-tát trên con đường giác tha.



  4. #104
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    CHÚNG SANH CẦU QUẢ


    Chúng sanh không ưa tạo nhân tốt mà mong cầu quả tốt. Quả tốt làm gì đến được, bởi không có nhân. Tuy thế mà họ vẫn ước mơ trông đợi quả tốt. Như người ta cứ mong cho mình được sống lâu mạnh khỏe, mà không chịu cứu người giúp vật. Sanh mạng của người không được tôn trọng mà muốn mọi người tôn trọng sanh mạng mình là điều không thể được. Hoặc cầu mong mình được giàu có ai nấy đều ủng hộ mình, mà không chịu làm việc bố thí, giúp đỡ người lúc cùng khốn. Lại có người cầu cho gia đình mình hòa vui hạnh phúc vợ con đều trinh bạch, mà không chịu sống hạnh trinh bạch với mọi người. Cũng có người cầu xin đừng ai lừa gạt mình, mà không chịu nói lời chân thật. Quả là muốn đi bên tây mà hướng mặt về đông.

    Có người cầu nguyện gia đình mình sum họp thuận hòa, mà không dùng lời khuyên can cho mọi người cùng hòa hợp. Có người cầu mong đừng ai dùng lời hung ác nói với mình, mà mình không chịu dùng lời hiền hòa nói với người. Có những người muốn ai cũng trình bày lẽ thật với mình, mà mình không trình bày với người. Có những người cầu mong đừng ai tham lam với những cái có của mình, mà mình không chịu bỏ lòng tham với những cái có của người. Có những người cầu xin đừng ai giận hờn mình, mà mình chưa chịu hỉ xả cho người. Có những người cầu cho mình có trí tuệ sáng suốt, mà những cố chấp tà kiến không chịu bỏ. Bao nhiêu thứ cầu mong này không bao giờ người ta toại nguyện, chỉ vì mong quả mà không chịu tạo nhân. Đây là sự cầu mong suông của những con người mê muội.



  5. #105
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    SỰ SAI BIỆT GIỮA BỒ-TÁT VÀ CHÚNG SANH


    Nhìn trên cái "SỢ" giữa Bồ-tát và chúng sanh đã quá khác biệt nhau. Bồ-tát biết là nhân đau khổ liền hoảng sợ tìm mọi cách để tiêu diệt chúng. Còn một chút mầm đau khổ, Bồ-tát vẫn không an. Bởi vậy Bồ-tát luôn luôn ứng dụng Lục độ để khử dẹp mọi mầm nhân đau khổ. Nhân đau khổ đã diệt sạch, quả đau khổ do đâu đến được, nên Bồ-tát không bao giờ quan tâm đến quả. Không sợ quả mà quả cũng không đến. Ngược lại, chúng sanh nom nớp sợ quả khổ, mà nhân đau khổ không ngăn ngừa, cho nên càng sợ chúng lại càng đến. Người ta khóc lóc than van khi gặp quả khổ, mà không chịu nhìn xem quả khổ ấy do ai gây nên. Kêu trời trách đất hận người, chỉ là việc vô ích, có khi quả khổ lại tăng thêm. Không trời Phật nào cố làm chúng ta khổ, do sự dại khờ ngu muội của chúng ta tạo thành những nhân đau khổ, nhân đã có thì quả cố nhiên phải đến. Khóc than oán trách chỉ làm thêm đậm nét khổ đau mà thôi.

    Đến phần giác tha, Bồ-tát cố tạo cho mình đầy đủ khả năng, nào ngũ minh, nào tứ nhiếp pháp, làm thuyền bè cứu vớt chúng sanh. Bồ-tát không mong ước viển vông, mà phải cụ thể thực tế nhìn thẳng vào lẽ thật. Cho nên phải rèn luyện mình có thật tài, thật đức, mới nói đến sự giáo hóa mọi người. Bồ-tát không có thái độ ngây thơ như những người nói từ bi, nói thương chúng sanh, mà chỉ có ở đầu môi. Bồ-tát là con người hành động, mang trí tuệ và tài năng của mình đi vào cuộc đời, sống bên cạnh quần chúng, như pháp "Lợi hành" và "Đồng sự" của Tứ-nhiếp-pháp , Bồ-tát không phải những hình ảnh thờ ở chùa ngồi trên tòa sen hay cỡi sư tử, mà là những người có kỹ năng khéo léo, mình mẩy lem luốc, đang loay hoay trong xí nghiệp, trong hãng xưởng chế tạo, tự mình làm và chỉ dạy người làm, đây là "Công xảo minh" trong Ngũ minh.

    Ngược lại, chúng sanh một bề mong cầu quả đẹp, mà không tạo những nhân tốt. Quả đẹp làm sao có, khi nhân tốt chúng ta chẳng gieo. Muốn gặt quả mà không gieo nhân; nếu được, quả ấy chỉ là quả gian lận, quả cướp giựt, bất chánh. Ví như có người thấy hàng xóm trồng cam trái chín oằn cây, mê quá lại hái ngang, nếu chủ vườn thấy đánh gãy tay, nếu không thấy hái được đem về, cũng là cái quả ăn cắp, cái quả xấu xa nhục nhã. Cầu quả mà không chịu gây nhân, là kẻ mơ ước hão huyền, xa rời thực tế, là kẻ lười biếng muốn ăn mà không chịu làm. Không gây nhân cầu quả, là kẻ mê muội nên gọi là chúng sanh.




  6. #106
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Bồ-tát và chúng sanh, nào có cách biệt bao nhiêu, chỉ chịu đổi cái nhìn. Nhìn thẳng vào nhân để thấy rõ nhân khổ thì tránh, nhân vui thì hành là Bồ-tát. Chỉ một bề sợ quả khổ, cầu quả vui, mà không cần biết nguyên nhân, là chúng sanh. Bồ-tát, chúng sanh trên con người không khác, chỉ khác cái nhìn nhân và nhìn quả thôi. Như hai người cùng đứng một địa điểm, một người xây mặt về đông, một người xây mặt về tây; nếu nguời xây mặt về tây chịu quay lại nhìn về đông, thì đâu có khác nhau. Như thế thì tất cả chúng sanh đều có khả năng làm Bồ-tát, không phải việc Bồ-tát chỉ dành riêng cho Bồ-tát, còn chúng ta không có phần.

    Xuyên suốt bài này, chúng ta thấy rõ Bồ-tát và chúng sanh cách nhau chừng kẽ tơ sợi tóc. Chúng sanh đổi cái "sợ quả" thành "sợ nhân" là chuyển thành Bồ-tát. Thật là mê giác chỉ khác nhau một cái nhìn. Bồ-tát ở đây rất gần gũi thân thiết với chúng sanh. Có khi là ông thầy giảng kinh cho mọi người nghe, đâu không phải là Bồ-tát, vì ngài thông suốt "Nội minh". Có lúc là ông thầy xem mạch bốc thuốc cho mọi người, âu cũng là Bồ-tát, vì ngài thực hành "Y phương minh". Một người thợ giỏi đang hướng dẫn chỉ dạy đàn em với nhiệt tình không vụ lợi, biết đâu chừng cũng là Bồ-tát, vì ngài thực hiện "Công xảo minh". Cho đến người bạn cùng cuốc rẫy trồng khoai mà nói đạo lý chân thật chúng ta nghe, ai ngờ là Bồ-tát, vì Ngài thực hành "Đồng sự nhiếp".

    Bồ-tát là những con người thiết thân với chúng ta, chỉ khác với chúng ta ở chỗ thấy rõ nhân ác để tránh, nhân thiện để tạo. Còn chúng ta chỉ một bề sợ quả khổ cầu quả vui, mà không chịu thấy tường tận nguyên nhân của nó. Gần đây bên ngành y học cũng có câu "ngừa bệnh hơn chữa bệnh", cũng na ná sợ nhân hơn là sợ quả. Đạo Phật là đạo giác ngộ, thấy nguyên nhân rõ ràng là giác, giác là Bồ-tát. Chúng ta tu theo Phật là đi trên con đường giác, xét rõ nguyên nhân của mọi việc xảy ra để ngừa tránh là theo hạnh Bồ-tát. Mọi người chúng ta đều có khả năng thực hiện việc "sợ nhân", thì chúng ta ai cũng làm Bồ-tát được.



  7. #107
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Chấp là gốc của đấu tranh


    Mọi người chúng ta đều than cuộc sống là đau khổ..., người nghèo có cái khổ của người nghèo, người khá giả có cái khổ của người khá giả. Biết là mình khổ mà không biết cái khổ ấy xuất phát từ nguyên nhân gì. Khi khổ đến, người ta chỉ biết kêu Phật kêu trời than vắn thở dài, cam chịu bất lực. Người học Phật không chấp nhận như vậy, mà phải phăng tìm tận cội rễ thử xem nó phát xuất từ đâu. Không một kết quả nào xảy ra mà không có nguyên nhân. Vậy khổ từ nguyên nhân nào tạo ra? Chính "cố chấp" là nguyên nhân đấu tranh và đau khổ. Hết cố chấp là hết đấu tranh, hết đau khổ. Chúng ta đọc đoạn kinh Phú-lâu-na sau này thì thấy rõ.


    ĐẠI Ý KINH PHÚ-LÂU-NA

    Thế Tôn ở nước Xá-vệ (Savathi) vườn Thái tử Kỳ-đà (Jetavana) tịnh xá ông Cấp Cô Độc (Anathapindika), tôn giả Phú-lâu-na (Punna) đến xin Phật dạy pháp tu tóm gọn để vào rừng tinh tấn tu hành. Phật dạy: Nếu mắt thấy sắc đuổi theo chấp chặt là đau khổ. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý duyên pháp đuổi theo chấp chặt là đau khổ (xa Niết-bàn). Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng cho đến ý duyên pháp không đuổi theo không chấp chặt là hết đau khổ (gần Niết-bàn). Phật hỏi Phú-lâu-na: Sau khi hiểu rồi, ông đến chỗ nào tu? Phú-lâu-na bạch: Con đến nước Du-na ở phương Tây tu. Phật bảo: Dân xứ ấy hung hăng bạo ngược, họ sẽ mắng nhiếc nhục mạ ông, ông nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa dùng tay đánh đập con. Phật bảo: Chúng dùng tay đánh đập ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện không lấy đất đá ném con. Phật bảo: Chúng lấy đất đá ném ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa dùng cây, gậy đánh đập con. Phật bảo: Chúng dùng cây, gậy đánh đập ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng còn hiền thiện chưa lấy dao bén đâm chém con. Phật bảo: Chúng lấy dao bén đâm chém ông, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng thật hiền thiện chưa giết con chết. Phật bảo: Chúng giết ông chết, ông sẽ nghĩ sao? Phú-lâu-na bạch: Con nghĩ, chúng thật hiền thiện đã giúp con giải thoát thân ô uế khổ đau này. Phật bảo: Ông nên đến đó độ những người chưa được độ.

    Phú-lâu-na đến xứ ấy an cư ba tháng chứng được Tam minh và độ được năm trăm cư sĩ nam, năm trăm cư sĩ nữ.



  8. #108
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    GIẢI RỘNG PHÁP TU

    Mắt thấy sắc đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Vì con mắt chúng ta nhìn sự vật không có cái thấy đồng nhất, do còn thói quen huân tập lâu đời của mỗi người cộng thêm vào trong đó, nên thấy có sai biệt. Thấy sai biệt mà mỗi người đều cho mình thấy đúng sự thật thì sự cãi vã không thể tránh khỏi. Có cãi vã là có buồn khổ, nên chấp chặt là đau khổ. Ví như năm cô đi chợ cùng vào hàng vải. Có một loại vải mà nhuộm đủ năm màu, năm cô nhìn qua mỗi cô thích mỗi màu khác nhau. Cô thích màu xanh cho màu xanh là đẹp, cô thích màu hồng cho màu hồng là đẹp... Nếu mỗi cô đều khẳng định màu mình thích là đẹp tuyệt, các màu khác không thể sánh được, sẽ có trận cãi vã nổi lên chăng? Hẳn không tránh khỏi.

    Cãi vã là nhân giận hờn thù địch, đưa đến kết quả đau khổ. Ai có thể đứng ra phân giải màu nào đẹp hơn màu nào. Chân lý sẽ đi về đâu? Chúng ta khéo biết mỗi người có cái thấy khác nhau, chỉ có cái đẹp riêng của mỗi người, không có cái đẹp chung cho tất cả, thông cảm nhau, đừng cãi vã vô ích, đây là biết sống không gây đau khổ. Nếu thấy sắc liền đuổi theo là nhiễm ái, có nhiễm ái là có bảo thủ. Ái, thủ là nhân sanh tử đau khổ ở đời vị lai. Chính ái thủ cũng là nhân đấu tranh ngay trong hiện tại. Ta thấy sắc đẹp ấy ta thích, người khác thấy đẹp cũng thích. Nếu ta được thì người mất, ai cũng muốn được thì phải đấu tranh, có đấu tranh là có đau khổ. Bởi đấu tranh nên phiền não, đây là nhân xa Niết-bàn.

    Tai nghe tiếng đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Tai chúng ta nghe tiếng cũng không đồng nhau. Bởi mỗi người do huân tập sai biệt cao thấp, nên có nhận định khác nhau. Ví như cùng nghe một bài pháp, mà có kẻ khen hay có người chê dở, hoặc người khen đoạn này, kẻ khen đoạn khác. Như cùng nghe một bản nhạc, người tài tử chuyên nghiệp chê nhạc không hay, người mới bập bẹ vài nốt nhạc khen bản nhạc rất hay. Cái nghe của chúng ta còn tùy thuộc chỗ huân tập mà đánh giá khác nhau. Nếu bảo cái nghe của ta là chân lý, cái nghe của người khác cũng nhận là chân lý. Hai chân lý mà sai biệt nhất định phải tranh cãi. Đã tranh cãi thì đi đến khổ đau. Nên nói chấp chặt là đau khổ. Thế mà người đời nói: "Cái gì tai nghe mắt thấy mới là sự thật." Tai nghe tiếng mà chạy theo tiếng cũng là đau khổ. Vì tiếng có hay dở, có tốt có xấu, có khen có chê. Nếu nghe khen ta mừng, nghe chê ta giận, nghe hay ta thích, nghe dở ta bực, đây là gốc phiền não, là nhân đau khổ, cũng là xa Niết-bàn.

    Mũi ngửi mùi đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Mũi chúng ta cùng ngửi một thứ mùi, mà kẻ khen thơm người chê hôi, tùy thuộc sự huân tập khác nhau. Ví như một trái sầu riêng, người quen ăn nói là thơm, người chưa từng ăn nói là hôi. Hai người đồng ngửi được mùi sầu riêng, mà hai người nhận định trái nhau. Như vậy, thơm là chân lý, hôi là chân lý? Nếu ai cũng cho mình là chân lý thì khó tránh khỏi một trận cãi vã. Lại nữa, như mùi nước mắm biển, người quen ăn khen thơm, người không quen ăn chê hôi. Làm sao đánh giá đúng sự thật của nó. Chúng ta quen thói, mình nói thơm bị người khác chê hôi là nổi giận. Nhân đấu tranh từ đây phát khởi, quả đau khổ nhân đó mà thành. Nếu chúng ta phóng tâm chạy theo mùi thơm, dễ bị chúng phỉnh gạt, đi đến chỗ sa đọa. Đây cũng là tâm ái nhiễm, sanh ra bảo thủ, tạo thành nhân sanh tử đau khổ ở đời sau.




  9. #109
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Lưỡi nếm vị đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Lưỡi chúng ta nếm vị cũng không nhất định giống nhau, tùy thuộc chỗ huân tập riêng của mỗi người. Chính chúng ta cũng thừa nhận mỗi người có khẩu vị khác nhau. Nếu mỗi người chấp chặt khẩu vị của mình là đúng thì sự tranh cãi không có ngày dừng. Ví như người quen ăn mặn khi nấu canh nếm thử rất vừa ăn, múc bưng lên bàn gặp người quen ăn lạt nếm thử liền chê mặn. Cả hai đều nếm đến vị canh, một bên bảo vừa ăn, một bên chê mặn. Chân lý về bên nào? Nếu mời người thứ ba nếm thử, người này quen ăn mặn thì đồng ý với người ăn mặn, quen ăn lạt thì đồng ý với người ăn lạt.

    Nếu chấp theo cái lưỡi của mình thì sự cãi vã không tránh khỏi. Có những thức ăn người chồng thích người vợ không thích, người cha ưa, con không ưa. Chúng ta khẳng định theo khẩu vị mình bắt mọi người phải theo thì họ bực bội. Bực bội thì mầm đấu tranh dễ bùng nổ. Chính đây là gốc đau khổ. Người chạy theo vị ngon đòi thỏa mãn cái lưỡi, họ phải nhọc nhằn không có ngày cùng. Anh thợ mộc làm mỗi ngày được năm ngàn đồng (5.000đ tiền VN), hai bữa ăn đòi phải ngon, chắc anh không còn dư đồng nào để giải quyết những nhu cầu khác, và anh sẽ không có ngày nào được nghỉ. Thích thức ăn ngon là ái nhiễm vị, có ái nhiễm thì có bảo thủ, ái thủ là nhân sanh tử đau khổ ở đời sau, là xa Niết-bàn.

    Thân xúc chạm đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Thân xúc chạm cảm giác không giống nhau, tùy cơ thể mỗi người. Một người mập (béo), một người ốm (gầy) ở chung nhau một căn phòng. Khí hậu khoảng mười tám độ C, người mập (béo) cảm thấy mát, người ốm (gầy) phát run. Người ốm lại đóng kín cửa sổ, người mập bực bội mở toác ra. Thế là, sự ẩu đả phải đến. Bởi chấp chặt vào cảm giác riêng mình, nên dễ nổ ra sự chống đối. Ở chung mà chống đối nhau là phiền não, là khổ đau. Hơn nữa, đuổi theo xúc dục là nhân tan nát gia đình, là mầm trầm luân khổ hải.

    Ý duyên pháp trần đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tại sao? Pháp trần là bóng dáng ngoại cảnh do huân tập in sâu vào ý căn (não bộ) mà thành. Ý y cứ những bóng dáng sẵn có ấy, nhận định mọi sự việc xảy ra, giống như người mang một thứ kiếng màu nhìn cảnh vật. Bởi sự huân tập từ mỗi gia đình, hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên sự nhận định của mỗi người cũng khác nhau, như mỗi người mang một thứ kiếng màu. Chấp chặt nhận định riêng tư của mình, bắt mọi người phải giống như vậy, là không thể được. Cho nên sự đấu tranh cãi vã xảy ra thường nhật, vì chỗ không đồng ý nhau. Vợ chồng cãi vã đến ly dị cũng vì không đồng ý.

    Anh em chống đối nhau đến tình cốt nhục phải phân ly, cũng vì không đồng ý. Cha có thể từ con, cũng vì con không giống ý mình... Vợ chồng làm sao đồng ý nhau được? Vì vợ quen nếp nội trợ, giao thiệp với phái nữ, còn chồng hoạt động bên ngoài, phần lớn tiếp xúc phái nam, sự huân tập hai bên khác nhau quá nhiều, làm gì có nhận định giống nhau như một được. Thế mà đòi mọi việc phải đồng ý nhau, có chỗ bất đồng liền sanh sự, quả là điều không hợp lý. Cha và con lại khó đồng ý nhau. Vì cha được học hỏi huân tập hoàn cảnh khác, con được học hỏi huân tập một hoàn cảnh khác. Nếu con giống hệt cha là con đã lạc hậu, vì sống lùi lại hai ba thập kỷ. Hiểu như vậy, chúng ta muốn được cuộc sống vui hòa, cần phải thông cảm nhau và xả cái chấp riêng biệt của mình, mới đem lại đời sống an lành hạnh phúc.

    Nếu ý đuổi theo pháp trần là loạn động điên đảo, là phiền lụy khổ đau. Muốn tâm an định, ý dừng lại không chạy theo pháp trần, lúc ấy là hết khổ, gần Niết-bàn.

    Trên đây là nói rộng pháp tu ngài Phú-lâu-na nhận được một cách đơn giản nơi đức Phật. Ứng dụng pháp tu này chỉ trong vòng ba tháng Ngài chứng được Tam minh và độ được hàng ngàn cư sĩ.



  10. #110
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    LÝ DO NÀO NGÀI TU CHỨNG NHANH CHÓNG

    a) Khéo ứng dụng pháp tu. - Do Ngài khéo ứng dụng pháp tu đúng như thật nên kết quả nhanh. Sáu căn là cội nguồn tội lỗi, cũng chính sáu căn là gốc giải thoát. Cho nên mê lầm sáu căn là "lục tặc" (sáu đứa giặc), tỉnh giác sáu căn là "lục thông" (sáu pháp thần thông). Chúng ta tu mà không nắm được cội rễ này, cứ xoay quanh hình thức bên ngoài, nên tu cả đời mà ít thấy tiến bộ. Vì tu mà vẫn thấy thị phi, vẫn tranh hơn thiệt... làm sao hết phiền não, nên càng tu càng xa Niết-bàn.

    b) Tâm can đảm không sợ hiểm nguy. -Sau khi Phật hỏi ông định đến đâu yên tu, Ngài thưa đến phương Tây nước Du-na. Phật liền cảnh cáo dân xứ ấy hung hăng bạo ngược..., Ngài vẫn không chút nao núng và bạch một cách thoải mái với Phật. Phật thấy ý chí vững chãi và tâm hiền hòa bao dung của Ngài, nên đồng ý cho đi. Chính Phật cũng thấy trước là Ngài sẽ thành công, nên bảo "ông nên đến đó độ những người chưa được độ". Nếu chỉ riêng ý chí kiên cường xem thường họa hoạn cũng chưa đủ cho Ngài sớm đắc đạo, còn nhờ tâm đại hỉ xả dù gặp cảnh nào vẫn thấy người ta còn tốt. Mặc người đối xử cách nào, Ngài vẫn không ôm một chút oán hờn thù giận. Ngược lại, chúng ta thì sao? Gan dạ xông pha vào chốn hiểm nguy đã không có, ai chạm đến bản ngã thì hận thù không thể tha. Vậy chừng nào chúng ta mới đắc đạo?



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •