PHẦN BỐN : TỔNG KẾT
22 SỨ GIẢ HOÀ BÌNH
Một trong những học viện lâu nhất đã theo dõi sự hình thành quyển sách này trong bao nhiêu năm, mới đây đã hỏi tôi : “Thầy thực sự mong muốn điều gì sâu xa nhất qua quyển sách này, khi nó được xuất bản ?” . Khi đó trong tâm tôi hiện lên hình ảnh Lama Tseten, mà lúc còn bé tôi đã chứng kiến cái chết của ngài trong tư thái hài hòa an tịnh. Tôi buộc miệng nói : “Tôi muốn mọi người đừng sợ chết, hay cũng đừng sợ sống. Tôi muốn mọi người chết trong thanh thản, được vây quanh bởi sự chăm sóc thông minh sáng suốt nhất, nhẹ nhàng nhất, và tìm được niềm hạnh phúc tối hậu nhờ thấu hiểu thực chất, tự tánh của tâm và của thực tại”.
Thomas Merton viết : “Chúng ta có được cái gì, dù có thể lên đến cung trăng, nếu ta không vượt qua được hố thẳm ngăn cách giữa chúng ta ? Đây mới là cuộc du hành quan trọng nhất trong các cuộc du hành để khám phá, mà nếu không có nó, thì tất cả mọi chuyện khác không những vô ích, mà còn tai hại”. (Minh triết của Sa mạc, 90).
Chúng ta dùng hàng triệu Mỹ kim mỗi phút vào việc huấn luyện con người giết nhau và phá hoại, vào bom đạn và phi cơ chiến đấu. Nhưng trong khi ấy chúng ta gần như không tốn đồng nào vào việc giáo dục con người về bản chất cuộc đời và cái chết, vào việc giúp đỡ họ đối mặt và hiểu thấu những gì xảy ra khi họ chết. Tình huống này thực đáng buồn, đáng kinh hãi xiết bao, và nó thực đã cho ta thấy chúng ta vô minh đến mức nào, ta thiếu tình thương chân thật đối với chính mình và người khác đến mức nào. Hơn bất cứ gì khác, tôi cầu nguyện rằng sánh này có thể góp một phần nhỏ vào sự thay đổi tình trạng này trên thế giới, có thể thức tỉnh càng nhiều người càng tốt, làm cho họ chú ý tính cấp thiết của nhu cầu chuyển hóa tâm linh, tính cấp thiết của trách nhiệm đối với tự thân và tha nhân. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng thành Phật, và đều mong muốn sống an ổn và chết an ổn. Khi nào thì nhân loại mới thực sự thấu hiểu điều này, thực sự kiến tạo một xã hội phản ảnh được trí tuệ đơn giản mà thiêng liêng ấy trong tất cả lĩnh vực hoạt động của nó ? Nếu không có điều ấy, thì cuộc đời có giá trị gì ? Nếu không có điều ấy, làm sao ta chết thoải mái được ?
Điều tối quan trọng bây giờ là một tri kiến sáng suốt về sự chết cần được đưa vào trong thế giới ở mọi tầng lớp giáo dục. Trẻ con không nên được “che chở” cho khỏi thấy chết chóc, mà phải được khai thị, lúc chúng còn nhỏ, cho thấy bản chất thực của cái chết và những gì họ có thể học được từ cái chết. Tại sao ta không khải thị tri kiến này trong những hình thức đơn giản nhất của nó, cho tất cả mọi nhóm tuổi ? Tri kiến về cái chết, về sự làm thế nào để giúp đỡ người sắp chết, về bản chất tâm linh của sự chết, cần được truyền thông cho tất cả tầng lớp xã hội ; tri kiến ấy cần được dạy tại các trường và phân khoa đại học đủ loại ; và quan trọng nhất, tại các bệnh viện có huấn luyện cho bác sĩ và y tá điều dưỡng bệnh nhân sắp chết, những người có trách nhiệm đối với bệnh nhân.
Làm sao bạn có thể là một bác sĩ giỏi thực sự, khi bạn không có ít nhất vài tri kiến về sự thật của cái chết ? Làm sao bạn có thể thực sự giúp đỡ tâm linh người bệnh sắp chết của bạn ? Làm sao bạn có thể là một y tá giỏi, nếu bạn không khởi sự đối diện với chính nỗi sợ chết của mình, và do đó không có gì để nói với những người hấp hối khi họ hỏi bạn, nhờ bạn chỉ dẫn ? Tôi biết có nhiều bác sĩ, y tá có thiện ý, những người có tính phóng khoáng chân thành mở lòng ra mà đón nhận những tư tưởng mới, cách làm mới. Tôi cầu nguyện cách này sẽ đem lại cho họ can đảm và sức mạnh mà họ cần có để giúp các cơ sở của họ thẩm thấu những bài học của giáo lý Trung Ấm này, và áp dụng. Phải chăng đã đến lúc nghề nghiệp y khoa nên hiểu rằng sự tìm tòi chân lý về sống chết, và việc chữa bệnh vốn là hai chuyện không thể tách rời ? Điều tôi hy vọng từ quyển sách này là nó sẽ giúp mọi người khắp nơi, thảo luận về những gì có thể làm được cho người sắp chết, và những điều kiện tốt nhất để làm việc ấy. Một cuộc cách mạng tâm linh và thực tiễn trong việc huấn luyện bác sĩ và y tá, để chăm sóc bệnh nhân và đối xử với cái chết của họ, là điều quan yếu cấp thiết. Tôi hy vọng sách này sẽ là một đóng góp nhỏ mọn cho công việc ấy.
Tôi đã nhiều lần ca tụng công trình tiên phong đang được thực hiện trong phong trào Tiếp dẫn đường. Ít nhất tại đấy chúng ta thấy người chết được đối xử với sự kính trọng mà họ đáng được. Tôi muốn nói lên ở đây một lời thỉnh cầu tha thiết đến tất cả các nền cai trị trên thế giới, rằng họ nên khuyến khích sự tạo lập những Tiếp dẫn đường, tài trợ cho công trình này càng nhiều càng tốt.
Tôi có ý định cống hiến quyển sách này làm nền tảng cho nhiều loại chương trình huấn luyện khác nhau, những người thuộc đủ loại ngành nghề, mà nhất là những người quan hệ mật thiết đến việc săn sóc người chết : gia đình, bác sĩ, y tá, tu sĩ thuộc mọi giáo phái, cố vấn tinh thần, các nhà chữa bệnh tâm lý và những nhà tâm lý học.
Có cả một kho tàng tuệ giác y khoa trong Phật giáo Tây Tạng cũng như những tiên tri của Padmasambhava liên hệ chi tiết đến những chứng bệnh của thời đại này. Tôi cực lực kêu gọi nên đổ tiền bạc vào công trình nghiên cứu nghiêm túc về những lời dạy đáng ngạc nhiên ấy. Biết đâu người ta không tìm ra được từ đấy những phương pháp chữa những bệnh ngặt nghèo, như Sida và ung thư, và những chứng chưa xuất hiện, và làm giảm thiểu tính chất kinh khủng của nó ?
Tôi hy vọng gì từ quyển sách này ? Hy vọng gợi cảm hứng cho một cuộc cách mạng êm thấm trong toàn thể lối nhìn của ta về sự chết và săn sóc người sắp chết, cũng như lối nhìn của chúng ta về sự sống và săn sóc người sống.