BA KHÍ CỤ CỦA TRÍ TUỆ
Cái cách để tìm được sự tự do giải thoát do trí tuệ vô ngã đem lại, là nhờ tiến trình lắng nghe, tư duy quán tưởng và thiền định. Các bậc thầy khuyên ta bắt đầu bằng lắng nghe giáo lý thực nhiều lần (văn tuệ), và khi lắng nghe, giáo lý ấy nhắc đi nhắc lại cho ta nhớ bản tính trí tuệ bị che giấu trong ta. Giống như thể ta là người đang nằm trong bệnh viện bị mất trí nhớ sau một tai nạn, và có người thương yêu săn sóc ta đang thì thầm trong tai ta tên thật của ta, chỉ cho ta những hình ảnh của bạn bè thân quyến ta, cố đưa ta trở về tri giác để biết mình là ai. Dần dần, khi lắng nghe giáo lý, có vài đoạn vài tri kiến trong đó tác động trên ta môt cách mạnh mẽ, những kí ức bản lai diện mục của ta sẽ bắt đầu tìm lối quay về, và một cảm giác sâu xa về một cái gì thân thiết, quen thuộc sẽ chầm chậm thức dậy trong ta.
Lắng nghe là một tiến trình vô cùng khó khăn hơn phần đông người ta tưởng, lắng nghe thực sự - theo các bậc thầy muốn nói – là hoàn toàn buông bỏ cái ta, buông tất cả thông tin, khái niệm, tư tưởng và thành kiến đã được độn đầy đầu óc ta. Nếu bạn thực tình lắng nghe giáo lý, thì những thứ ấy - vốn dĩ là chướng ngại thực sự ngăn che ta với tính bản nhiên của ta – có thể từ từ được rửa sạch.
Khi cố lắng nghe thực sự, tôi thường thấm câu nói của thiền sư Suzuki Rodhi:
- Nếu tâm bạn trống rỗng, thì nó luôn luôn sẵn sàng cho mọi sự; mở ra cho mọi sự. Trong tâm người sơ học, có thật nhiều khả năng, nhưng trong tâm của chuyên gia thì có rất ít khả năng.
Tâm người sơ cơ là một cái tâm trống rỗng, rộng mở, sẵn sàng đón nhận, và nếu ta thực sự lắng nghe với một cái tâm của người sơ học, thì ta mới có thể thực sự nghe được một cái gì. Vì nếu ta lắng nghe với một tâm im lặng, càng thoát khỏi thành kiến càng tốt, thì có thể tạo cơ hội cho sự thật của nền giáo lý xuyên thủng khối vô minh nơi ta, và làm cho ý nghĩa của sự sống chết trở nên càng ngày càng rõ rệt một cách lạ lùng. Thầy Digo Khientse Rinpoche tôi thường nói:
- Càng lắng tai, càng nghe nhiều, càng nghe nhiều, hiểu càng sâu.
Hiểu biết được sâu xa là nhờ quán xét và tư duy (tư tuệ), khí cụ thứ hai của trí tuệ. Khi ta quán xét những gì ta đã nghe, nó từ từ thẩm thấu vào dòng tâm thức ta và thấm khắp kinh nghiệm nội tâm về cuộc đời mình. Những sự cố hàng ngày bắt đầu xác chứng sự thật của giáo lý, vì sự quán tưởng dần mở ra cho ta thấy những gì ta đã hiểu trên phương diện tri thức, sự quán tưởng mang hiểu biết ấy từ đầu óc đi vào tim ta.
Khí cụ thứ ba của trí tuệ là thiền định (tu tuệ). Sau khi lắng nghe giáo lý và tư duy về những lời dạy, ta đem thực hành những tri kiến ta đã đạt được và áp dụng chúng một cách trực tiếp trong nhu cầu hàng ngày, qua quá trình thiền định.