6. TIẾN HÓA, NGHIỆP VÀ TÁI SINH
Vào cái đêm lớn lao ấy, khi đức Phật giác ngộ, tương truyền rằng ngài đã kinh quá nhiều giai đoạn của sự tỉnh thực. Đầu tiên, “với tam định tĩnh, thuần tịnh, không lỗi lầm, không cấu nhiễm, được làm cho mềm mại, dễ sử dụng, an trú bất động,” ngài xoay chú ý về sự nhớ lại những đời quá khứ. Ngài kể lại cho ta kinh nghiệm ấy như sau:
- Ta nhớ lại nhiều đời trước: một đời, hai, ba, bốn, năm đời,.. năm mươi, một trăm đời... trăm ngàn đời, trong các thời kiếp khác nhau. Ta biết mọi sự về những thời ấy: chỗ ở, tên họ, gia đình, và ta đã làm gì. Ta kinh quá trở lại những may mắn bất hạnh của mỗi đời, cái chết của ta trong mỗi đời, rồi lại tái sinh trở lại nhiều lần. Như thế ta nhớ lại vô số đời trước với những nét đặc biệt chính xác, và những hoàn cảnh. Minh này ta đã chứng vào canh đầu của đêm.
Từ khi có sự nổi lên ưa chuộng các tôn giáo đông phương vào cuối thế kỉ trước, một số khá lớn những người Tây phương đã bắt đầu chấp nhận tri kiến của Ấn giáo và Phật giáo về tái sinh. Một trong những người này là Henry Ford, kỹ nghệ gia nổi tiếng thương người, đã viết:
- Tôi theo lý thuyết tái sinh vào năm tôi hăm sáu tuổi. Tôn giáo không cho biết tí gì về vấn đề này. Ngay cả sự nghiệp cũng không đem lại cho tôi niềm thỏa mãn. Sự nghiệp thật vô bổ nếu ta không thể đem theo cái kinh nghiệm ta thu nhập để sử dụng trong đời kế tiếp. Nhưng khi tôi khám phá thuyết tái sinh, thì thời gian không còn bị hạn chế nữa. Tôi không còn là một tên nô lệ cho cái kim đồng hồ... Tôi muốn san sẻ với người khác sự an tịnh mà cái thấy ấy đã đem lại cho chúng ta.
Một cuộc trưng cầu ý kiến của viện Gallup vào năm 1982 chứng tỏ cứ bốn người Mỹ thì có một người tin có luân hồi. Đây là một thống kê làm ta giật mình, khi xét đến một nơi mà triết lý khoa học duy vật hầu như tiềm tàng trong mọi phương diện của đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, phần đông người ta chỉ có khái niệm lờ mờ về đời sống sau khi chết, và hoàn toàn không biết nó ra như thế nào. Luôn luôn người ta bảo tôi rằng họ không thể nào tin nổi một chuyện không có bằng cứ hiển nhiên. Nhưng sự “không tin” của họ đâu phải là bằng chứng để nói không có đời sau chứ? Voltaire nói:
- Chung quy, sinh ra lần nữa cũng không là chuyện lạ lùng gì hơn chuyện sinh ra lần này.
Tôi thường hỏi: “Nếu ta đã từng sống trước đây, thì tại sao ta không nhớ?” Nhưng tại sao “ta không nhớ” lại có nghĩa rằng trước kia ta chưa từng sống? Chung quy, những kinh nghiệm tuổi thơ, hay của hôm qua, hay cả đến những điều ta vừa nghĩ một giờ trước, rất sống động khi chúng xảy ra, nhưng kí ức về chúng hầu như hoàn toàn phai mờ, như thể chưa từng xảy đến. Nếu những gì chúng ta làm hay nghĩ vào thứ hai tuần trước mà ta còn không nhớ được, thì làm sao ta nghĩ là có thể dễ dàng hay bình thường, để nhớ những gì ta làm trong đời trước?
Đôi khi tôi đùa người ta và hỏi:
- Cái gì làm bạn cương quyết cho rằng không có đời sau như vậy? Bạn có bằng chứng gì? Nếu bạn chết mà thấy quả thực có đời sau thì bạn tính sao? Có phải là bạn phải tự giới hạn mình, khi bạn tin rằng không có đời sau nào cả? Có phải là có lý hơn nếu bạn cứ đặt một nghi vấn về đời sau, hay ít nhất có thái độ cởi mở về điều ấy, mặc dù không có cái mà bạn gọi là “bằng chứng cụ thể”? Cái gì sẽ làm bằng chứng cụ thể là có đời sau?
Tôi lại muốn người ta hãy tự hỏi mình:
- Tại sao bạn thấy tất cả tôn giáo lớn đều tin có đời sau, tại sao hàng trăm triệu người suốt lịch sử, kể cả những triết gia lỗi lạc nhất, thánh hiền và những thiên tài của Á châu, đều sống niềm tin này như một phần cốt yếu của đời họ? Phải chăng họ đều ngu cả?
Ta hãy trở lại vấn đề bằng chứng cụ thể. Không phải chỉ vì ta chưa bao giờ nghe về Tây Tạng, hay chưa từng đến đấy, mà ta nói rằng không có xứ Tây Tạng. Trước khi lục địa khổng lồ Mỹ châu được “tìm ra,” có ai ở châu Âu ngờ rằng nó có đấy? Ngay cả sau khi tìm ra châu Mỹ, người ta còn tranh cãi về sự có mặt của nó. Tôi nghĩ chính cái tri kiến hạn hẹp của ta về cuộc đời đã ngăn cản ta chấp nhận hay khởi sự tư duy nghiêm chỉnh về khả tính của tái sinh.
May thay, chuyện chưa hết. Những người nào trong chúng ta có tu tập tâm linh, như tu thiền chẳng hạn, sẽ khám phá nhiều chuyện về tâm thức chúng ta, mà từ trước ta chưa biết đến. Vì khi tâm ta càng mở ra cho kinh nghiệm kỳ lạ, bao la về hiện hữu của tự tính tâm, thì ta bắt đầu thấy một chiều không gian khác hẳn, trong đó mọi quyết đoán của chúng ta về lai lịch mình và về thực tại, mà ta tưởng mình biết thật rõ, bây giờ khởi sự tan rã, và trong đó ta thấy đời sau ít nhất cũng là một chuyện có thể xảy đến. Ta khởi sự hiểu rằng mọi sự mà các bậc thầy nói về sống chết và đời sau, quả là thực có.