Sự trực nhận
Giáo lý Dzogchen giải thích rằng, cũng như một người sẽ không nhận ra Ánh sáng Căn bản nếu không có sự thực chứng tự tánh tâm và một kinh nghiệm vững vàng về pháp tu Trekcho ; cũng thế nếu không thực hành pháp Togal thì không thể nhận ra được Bardo pháp tánh. Một hành giả Togal thuần thục đã kiện toàn và an trú trong ánh sáng của tự tánh thì khi sống, họ đã có kinh nghiệm trực tiếp về những biểu hiện sẽ nổi lên trong Bardo pháp tánh. Năng lượng và ánh sáng này như vậy nằm ngay trong chúng ta, mặc dù hiện tại chúng bị khuất lấp. Tuy nhiên, khi thể xác và những tầng thô của tâm thức đã chết, thì chúng tự nhiên được phóng thích, và âm thanh, màu sắc và ánh sáng của tự tánh ta sẽ chiếu sáng rực rỡ.
Tuy nhiên, không phải chỉ có nhờ pháp Togal mới có thể xử dụng Bardo này để giải thoát. Những hành giả Mật tông trong Phật giáo sẽ liên kết những tướng xuất hiện trong Bardo pháp tánh với pháp tu của riêng họ. Trong Mật tông, nguyên lý chư thần là một cách truyền thông. Chư thần được hiểu như những ẩn dụ, nhân cách hóa và biểu trưng cho những năng lực và tính chất vô biên của tâm trí tuệ chư Phật. Sự nhân cách hóa những năng lực và tính chất ấy dưới hình dạng chư thần sẽ giúp cho hành giả nhận ra chúng và thiết lập tương quan với chúng. Nhờ tu tập sự tạo ra rồi thâu lại hình ảnh ấy vào tâm, qua phương pháp quán tưởng, mà hành giả nhận ra rằng cái tâm quán ra chư thần và chư thần được quán ra ấy không phải là hai thứ tách biệt.
Trong Phật giáo Tây Tạng, mỗi hành giả có một yidam, hình ảnh một vị Phật hay Bồ-tát nào mà họ cảm thấy có duyên với mình, và thường triệu thỉnh vị ấy để quán tưởng hình ảnh trong tim mỗi khi tập luyện. Thay vì xem những tướng của pháp tánh là hiện tượng bên ngoài, hành giả Mật tông sẽ liên kết chúng với yidam, hình ảnh vị Phật của riêng họ, hòa nhập làm một với tướng ấy. Bởi vì trong khi tu luyện, họ đã nhận ra yidam là tia chiếu tự nhiên của tâm giác ngộ, nên (khi chết) họ có thể nhìn các tướng trong Bardo pháp tánh như là biểu hiện của yidam ấy. Với cái thấy thuần tịnh này, hành giả sẽ nhận ra bất cứ gì xuất hiện trong Bardo đều là những thị hiện của yidam. Rồi nhờ năng lực tu tập và sự ban phước của yidam, vị ấy sẽ đạt giải thoát trong Bardo pháp tánh.
Đấy là lý do trong truyền thống Tây Tạng có lời khuyến cáo - cho cư sĩ thế tục và những hành giả thông thường chưa quen thuộc với pháp tu yidam - rằng bất cứ tướng gì khởi lên, đều nên quán ngay đấy là đức Quán Thế AÂm, vị Phật của lòng bi mẫn, hoặc đức A Di Dà, hoặc Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) tùy theo vị nào họ quen thờ nhất. Nói tóm lại, bất cứ cách nào bạn thường tu tập trong đời sống, thì cũng bằng cách đó bạn cố mà nhận ra các tướng trong Bardo pháp tánh.
Một gợi ý khác để nhìn Bardo pháp tánh là, hãy xem nó như thế giới nhị-nguyên được hiển bày trong hình dạng thuần tịnh tối hậu của nó. Chúng ta được đưa ra phương tiện để giải thoát, song đồng thời chúng ta cũng bị dụ dẫn bởi tiếng gọi của những bản năng và tập quán trong ta. Ta kinh nghiệm năng lực thuần túy của tâm linh mà đồng thời cũng kinh nghiệm sự rối ren mờ mịt của nó. Dường như thể ta đang được nhắc nhở phải làm một quyết định, phải chọn lựa giữa đường này hay đường kia. Dĩ nhiên chúng ta có được cái quyền chọn lựa ấy hay không còn tùy thuộc vào mức độ hoàn tất của việc tu tập của ta trong lúc sống.