Và trong ta nẩy sinh quyết định diệt trừ con ma kia, kẻ thù lớn nhất của ta. Khi ác ma ấy chết rồi, thì cái nhân của mọi khổ đau sẽ hết, và bản tính chân thật của ta sẽ chiếu sáng, bao la và năng động.
Trong trận chiến chống lại kẻ thù lớn nhất đó - ngã chấp, ngã ái - thì đồng minh lớn nhất của bạn là sự thực hành tâm đại bi, đấy là lòng bi mẫn, hiến mình phụng sự kẻ khác, gánh lấy đau khổ của họ thay vì tự yêu thương ta. Lòng bi mẫn ấy song hành với trí vô ngã, sẽ phá hủy một cách toàn vẹn sự cố chấp vào một tự ngã giả tạo đã từng là nguyên nhân của cuộc lang thang bất tận của chúng ta trong sinh tử. Bởi thế, trong truyền thống Tây Tạng, chúng tôi xem đại bi như là nguồn cội tinh túy của giác ngộ, trọng tâm của hoạt động giác ngộ. Shantideva nói :
Còn gì cần nói nữa ?
Kẻ ngu làm việc cho tự lợi
Chư Phật làm việc cho tha lợi
Hãy nhìn sự khác nhau
Nếu tôi không đổi hạnh phúc mình
Lấy khổ đau của người
Thì tôi sẽ không đạt thành Phật quả
Và trong sinh tử tôi cũng không có niềm vui chân thật.
Nhận chân được cái mà tôi gọi là “trí tuệ của đại bi” là thấy rõ lợi lạc của bi mẫn, cũng như tai hại mà điều ngược lại với tâm bi mẫn đã đem lại cho ta. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng cái gì là lợi lộc ích kỷ của tự ngã, và cái gì là lợi lạc tối hậu của chúng ta, vì chính do lẫn lộn hai thứ ấy mà tất cả khổ đau đã đến. Chúng ta cứ tiếp tục tin một cách ngoan cố rằng tự che chở mình là tốt hơn hết trong đời, nhưng sự thực trái lại. Ngã chấp tạo ra ngã ái, và ngã ái trở lại tạo ra sự thù ghét thâm căn đối với đau khổ và điều hại. Tuy nhiên đau khổ và điều hại vốn không có hiện hữu khách quan, cái làm cho nó thực hữu chính là thái độ thù ghét của chúng ta đối với nó. Khi hiểu điều này, bạn sẽ hiểu rằng chính sự thù ghét của ta đã thực sự thu hút vào nơi ta mọi trở ngại và tiêu cực có thể xảy đến, làm cho đời ta đầy những lo âu, mong chờ, sợ hãi. Hãy làm mòn sự thù ghét ấy bằng cách làm mòn tâm chấp ngã và sự bám víu của nó vào một cái ngã phi thực, và khi ấy bạn sẽ tiêu mòn mọi trở ngại và tiêu cực đeo theo bạn. Vì làm sao bạn có thể tấn công một người hay một vật không có ở đấy ?
Vậy chính tâm đại bi mới là sự che chở lớn nhất, và những bậc thầy quá khứ còn biết đấy là nguồn suối chữa lành mọi bệnh tật. Giả sử bạn bị một chứng bệnh như ưng thư hay sida. Bằng cách gánh lấy tất cả đau đớn của những người đồng bệnh, cọng vào nỗi đau của bạn, với một tâm đầy bi mẫn, bạn sẽ - chắc chắn - thanh lọc ác nghiệp cũ, mà chính là nguyên nhân bây giờ và trong tương lai, của đau khổ tiếp nối.
Ở Tây Tạng ngày xưa tôi nhớ đã nghe có nhiều trường hợp lạ lùng, những người khi nghe mình bị bệnh nan y sắp chết, đã bố thí mọi sở hữu và đi đến nghĩa địa để chết. Ở đây họ thực tập sự chịu thay những đau khổ cho người khác, và điều kỳ diệu xảy ra là họ không chết, mà trở về nhà hoàn toàn khỏi bệnh.
Khi làm việc với người sắp chết, ta sẽ có được cơ hội trực tiếp thực hiện lòng bi mẫn trong hoàn cảnh mà lòng bi mẫn có lẽ cần thiết nhất.
Lòng bi mẫn của bạn có ba lợi ích cho người sắp chết : trước hết, vì nó mở lòng bạn nên bạn dễ tỏ cho người ấy niềm yêu thương vô điều kiện mà họ rất cần. Trên một bình diện tâm linh sâu xa hơn, nếu bạn cố thể hiện tâm đại bi và hành động từ tâm ấy, bạn sẽ tạo một bầu không khí trong đó người sắp chết có thể được gợi hứng để tưởng đến chiều hướng tâm linh hay cả đến bắt đầu tu tập. Trên bình diện sâu xa nhất, nếu bạn thường xuyên thực hành đại bi đối với người chết, và làm cho họ cũng làm theo bạn, bạn có thể chẳng những chữa lành tâm bệnh mà cả đến thân bệnh của họ. Khi ấy, bạn sẽ ngạc nhiên thấy năng lực của tâm đại bi thực là vô giới hạn, như các bậc thầy đã nói.