DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/4 123 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 37
  1. #1
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts

    Sa Di Giới và Sa Di Ni Giới

    Sa Di Giới và Sa Di Ni Giới
    Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải

    ______________


    Sa Di Luật Nghi
    Sa Di Luật Nghi Yếu Lược

    (Bản Yếu Lược Về Giới Luật Và Uy Nghi Của Sa Di)

    Bồ tát giới đệ tử, Vân thê tự, Sa môn Châu hoằng tập
    (Châu hoằng, vị Sa môn ở chùa Vân thê, đệ tử thọ Bồ tát giới, biên tập)

    (1) Phạn ngữ sa di, thử vân tức từ, vị tức ác hành từ, tức thế nhiễm nhi từ tế chúng sanh dã. Diệc vân cần sách, diệc vân cầu tịch. Luật nghi giả, thập giới luật chư uy nghi dã.

    Phạn tự "sa di", xứ này dịch nghĩa tức từ, là đình chỉ việc ác, thi hành từ bi: đình chỉ những sự ô nhiễm của thế tục mà từ bi tế độ chúng sanh. Cũng dịch cần sách, cũng dịch cầu tịch. Còn "luật nghi" là mười giới luật và các uy nghi.

    Thượng Thiên: Giới Luật Môn
    (Chương Trước: Phần Giới Luật)

    (2) Phật chế, xuất gia giả ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền. Thị cố sa di thế lạc, tiên thọ thập giới, thứ tắc đăng đàn thọ cụ. Kim danh vi sa di, nhi bổn sở thọ giới, ngu giả mang hồ bất tri, cuồng giả hốt nhi bất học, tiện nghĩ liệp đẳng, võng ý cao viễn, diệc khả khái hỷ. Nhân thủ thập giới lược giải sổ ngữ, sử mông học tri sở hướng phương. Hảo tâm xuất gia giả, thiết ý tuân hành, thận vật vi phạm. Nhiên hậu cận vi tỷ kheo giới chi giai thê, viễn vi bồ tát giới chi căn bản, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, thứ cơ thành tựu thánh đạo, bất phụ xuất gia chi chí hỷ. Nhược nhạo quảng lãm, tự đương duyệt Luật tạng toàn thư. Kỳ thập giới danh xuất Sa di thập giới kinh, Phật sắc Xá lợi phất vị La hầu la thuyết.

    Phật qui định, người xuất gia 5 hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, 5 hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học. Thế nên các vị sa di xuống tóc rồi, trước hết phải lãnh thọ 10 giới, kế đó mới bước lên giới đàn lãnh thọ cụ túc giới. Ngày nay, gọi là sa di mà đối với giới luật của mình lãnh thọ, người ngu thì mờ mịt không biết, kẻ cuồng thì xao lãng không học, liền nghĩ vượt bậc, mơ mòng cao xa, thật đáng bùi ngùi. Vì vậy mà tôi đem 10 giới lược giải vài lời, để người sơ học biết phương trời mà họ phải hướng tới. Những người xuất gia với tâm chí tốt, hãy thiết ý tuân hành, thận trọng đừng để vi phạm. Như vậy mới gần thì làm thềm làm thang cho tỷ kheo giới, xa thì làm rễ làm gốc cho bồ tát giới. Rồi nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, ngõ hầu thành tựu thánh đạo, không phụ chí hướng xuất gia. Nếu thích xem cho rộng thì nên tự cứu xét toàn văn các sách [nói về Sa di] trong Luật tạng. Danh hiệu 10 giới sau đây xuất từ kinh Sa di thập giới, Phật dạy tôn giả Xá lợi phất nói cho tôn giả La hầu la.

    (3) Nhất viết bất sát sanh. Giải viết: Thượng chí chư Phật, thánh nhân, sư tăng, phụ mẫu, hạ chí quyên phi nhuyễn động, vi tế côn trùng, đãn hữu mạng giả bất đắc cố sát, hoặc tự sát, hoặc giáo tha sát, hoặc kiến sát tùy hỷ, quảng như Luật trung, văn phồn bất lục. Kinh tái, đông nguyệt sanh sắt, thủ phóng trúc đồng trung, noãn dĩmiên nhứ, dưỡng dĩ nị vật, khủng kỳ cơ đống nhi tử dã. Nãi chí lự thủy, phú đăng, bất súc miêu ly đẳng, giai từ bi chi đạo dã. Vi loại thượng nhiên, đại giả khả tri hỷ. Kim nhân bất năng như thị hành từ, phục da thương hại, khả hồ? Cố kinh vân, thi ân tế phạp, sử kỳ đắc an, nhược kiến sát giả, đương khởi từ tâm. Y, khả bất giới dư?

    Một là không được sát sanh. Giải: Trên đến chư Phật, thánh nhân, sư tăng, cha mẹ, dưới đến quyên phi nhuyễn động, vi tế côn trùng, hễ có sinh mạng thì không được cố giết, bằng cách hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, hoặc thấy người giết mà mừng theo, nói rộng như trong Luật tạng, vì văn nhiều nên không sao chép ra đây. Kinh ghi, mùa đông hay sinh chấy rận, hãy bắt bỏ trong ống tre, ủ ấm bằng bông, nuôi sống bằng đồ cáu bẩn, là sợ chúng đói lạnh mà chết đi. Cho đến lọc nước, che đèn, không nuôi mèo chồn vân vân, đều là đạo từ bi cả. Đối với loài nhỏ mà còn như thế, thì đối với loài lớn có thể nghiệm biết. Con người thời nay đã không thể thi hành từ bi như vậy, mà lại còn thương tổn, sát hại, như thế được chăng? Nên kinh đã dạy, thi ân cứu giúp, cho chúng được yên, nếu thấy bị giết, nên sinh từ tâm. Như thế không răn giữ được sao?

  2. #2
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    (4) Nhị viết bất đạo. Giải viết: Kim ngân trọng vật, dĩ chí nhất châm nhất thảo, bất đắc bất dữ nhi thủ. Nhược thường trú vật, nhược tín thí vật, nhược tăng chúng vật, nhược quan vật, dân vật, nhất thế vật, hoặc đoạt thủ, hoặc thiết thủ, hoặc trá thủ, nãi chí thâu thuế mạo độ đẳng, giai vi thâu đạo. Kinh tái, nhất sa di đạo thường trú quả thất mai, nhất sa di đạo chúng tăng bính sổ phiên, nhất sa di đạo chúng tăng thạch mật thiểu phần, câu đọa địa ngục. Cố kinh vân, ninh tựu đoạn thủ, bất thủ phi tài. Y, khả bất giới dư ?

    Hai là không được trộm cướp. Giải: Từ vật quí trọng như vàng bạc, cho đến một cây kim một ngọn cỏ, không được không cho mà lấy. Vật của thường trú, vật của tín thí, vật của tăng chúng, vật của quan, vật của dân, vật của tất cả, mà lấy bằng cách chiếm đoạt, lấy bằng cách trộm cắp, lấy bằng cách lừa gạt, cho đến trốn thuế, gạt đò vân vân, đều là trộm cướp. Kinh ghi, một sa di trộm trái của thường trú bảy quả, một sa di trộm bánh của chúng tăng vài cái, một sa di trộm đường phèn của chúng tăng chút ít, đều rơi vào địa ngục cả. Nên kinh đã dạy, thà là chặt tay, không lấy phi tài. Như thế không răn giữ được sao?

    (5) Tam viết bất dâm. Giải viết: Tại gia ngũ giới duy chế tà dâm, xuất gia thập giới toàn đoạn dâm dục. Đãn can phạm thế gian nhất thế nam nữ, tất danh phá giới. Lăng nghiêm kinh tái, Bảo liên hương tỷ kheo ni tư hành dâm dục, tự ngôn dâm dục phi sát phi thâu, vô hữu tội báo, toại cảm thân xuất mãnh hỏa, sanh hãm địa ngục. Thế nhân nhân dục sát thân vong gia, xuất tục vi tăng khởi khả cánh phạm? Sanh tử căn bản, dục vi đệ nhất. Cố kinh vân, tuy dâm dật nhi sanh, bất như trinh khiết nhi tử. Y, khả bất giới dư?

    Ba là không được dâm dục. Giải: Năm giới tại gia chỉ hạn chế tà dâm, còn mười giới xuất gia thì cấm hẳn dâm dục. Hễ can phạm đến hết thảy nam nữ trong thế gian thì gọi là phá giới cả. Trong kinh Lăng nghiêm ghi, tỷ kheo ni Bảo liên hương lén làm việc dâm dục, rồi chính mình tuyên ngôn, rằng dâm dục không phải giết thân ai, không phải trộm của ai, nên không có tội báo, do đó cảm ra thân xuất lửa dữ, đang sống mà vùi xuống địa ngục. Thế nhân vì dâm dục mà giết thân, mất nhà, xuất gia làm tăng sĩ há lại còn phạm? Căn bản sinh tử, dục là thứ nhất. Nên kinh đã dạy, dẫu dâm dật mà sống, không bằng trinh khiết mà chết. Như thế không răn giữ được sao?

  3. #3
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    (6) Tứ viết bất vọng ngữ. Giải viết: Vọng ngữ hữu tứ. Nhất giả vọng ngôn, vị dĩ thị vi phi, dĩ phi vi thị, kiến ngôn bất kiến, bất kiến ngôn kiến, hư vọng bất thật đẳng. Nhị giả ỷ ngữ, vị trang sức phù ngôn mỹ ngữ, diễm khúc tình từ, đạo dục tăng bi, đãng nhân tâm chí đẳng. Tam giả ác khẩu, vị thô ác mạ lị nhân đẳng. Tứ giả lưỡng thiệt, vị hướng thử thuyết bỉ, hướng bỉ thuyết thử, ly gián ân nghĩa, khiêu toa đấu tranh đẳng. Nãi chí tiền dự hâểu hủy, diện thị bối phi, chứng nhập nhân tội, phát tuyên nhân đoản, giai vọng ngữ chi loại dã. Nhược phàm phu tự ngôn chứng thánh, như ngôn dĩ đắc Tu đà hoàn quả, Tư đà hàm quả đẳng, danh đại vọng ngữ, kỳ tội cực trọng. Dư vọng ngữ, vị cứu tha cấp nạn, phương tiện quyền xảo, từ bi lợi tế giả, bất phạm. Cổ nhân vị hành kỷ chi yếu, tự bất vọng ngữ thỉ, huống học xuất thế chi đạo hồ? Kinh tái, sa di khinh tiếu nhất lão tỷ kheo độc kinh, thanh như cẩu phệ; nhi lão tỷ kheo giả thị A la hán, nhân giáo sa di cấp sám, cẩn miễn địa ngục, do đọa cẩu thân. Ác ngôn nhất cú, vi hại chí thử! Cố kinh vân, phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân, do kỳ ác ngôn. Y, khả bất giới dư?

    Bốn là không được nói dối. Giải: Nói dối có bốn. Một, nói dối trá, là phải bảo trái, trái bảo phải, thấy nói không, không nói thấy, dối trá không thật vân vân. Hai, nói thêu dệt, là trau chuốt lời nói phù phiếm, từ ngữ hoa mỹ khúc nhạc diễm lệ, lời ca tình tứ, dắt dẫn dục vọng, tăng thêm sầu bi, làm đãng tâm chí của người vân vân. Ba, nói thô ác, là nói thô tục, độc ác, mắng chửi người vân vân. Bốn, nói hai lưỡi, là đến người này nói người kia, đến người kia nói người này, ly gián ân nghĩa, khêu chọc và xúi bảo cho họ đấu nhau, tranh nhau vân vân. Cho đến trước khen sau chê, mặt phải lưng trái, chứng vào tội người, rêu rao lỗi người, đều thuộc loại vọng ngữ. Nếu phàm phu tự nói chứng được thánh quả, như nói đã được quả Tu đà hoàn, được quả Tư đà hàm vân vân, thì gọi là đại vọng ngữ, tội ấy rất nặng. Ngoài ra, vọng ngữ vì cứu hoạn nạn cấp bách cho kẻ khác, phương tiện quyền biến, từ bi mà ích lợi, cứu giúp, thì không phạm. Cổ nhân có nói, điều thiết yếu của việc sửa mình là bắt đầu từ sự không nói dối, huống chi người học đạo xuất thế? Kinh ghi, một sa di khinh cười một vị tỷ kheo già đọc kinh, rằng tiếng như chó sủa. Vị tỷ kheo ấy là bậc A la hán, nên dạy sa di cấp tốc sám hối, nhưng chỉ khỏi địa ngục, vẫn còn đọa làm thân chó. Một câu nói thô ác mà làm hại đến như thế đó! Nên kinh đã dạy, con người ở đời, búa nằm trong miệng, vì vậy chém mình, bởi lời nói ác. Như thế không răn giữ được sao?

  4. #4
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    (7) Ngũ viết bất ẩm tửu. Giải viết: Ẫm tửu giả, vị ẩm nhất thế năng túy nhân chi tửu. Tây vức tửu hữu đa chủng: cam giá, bồ đào, cập dữ bách hoa, giai khả tạo tửu. Thử phương chỉ hữu mễ tạo. Câu bất khả ẩm. Trừ hữu trọng bịnh, phi tửu mạc liệu giả, bạch chúng phương phục. Vô cố, nhất trích bất khả triêm thần. Nãi chí bất đắc khứu tửu, bất đắc chỉ tửu xá, bất đắc dĩ tửu ấm nhân. Nghi Địch tạo tửu, Vũ nhân thống tuyệt. Trụ tác tửu trì, quốc dĩ diệt vọng. Tăng nhi ẩm tửu, khả sỉ vưu thậm. Tích hữu ư bà tắc nhân phá tửu giới, toại tính dư giới câu phá. Tam thập lục thất, nhất ẩm bị diên, quá phi tiểu hỷ. Tham ẩm chi nhân tử đọa Phí thỉ địa ngục, sanh sanh ngu si, thất trí tuệ chủng, mê hồn cuồng dược liệt ư tì chẫm. Cố kinh vân, ninh ẩm dương đồng, thận vô phạm tửu. Y, khả bất giới dư?

    Năm là không được uống rượu. Giải: Uống rượu là uống tất cả thứ rượu có khả năng làm say con người. Tây vức rượu có nhiều thứ: mía, nho, cùng với trăm hoa đều có thể làm rượu. Địa phương này chỉ có rượu làm bằng gạo. Tất cả đều không được uống. Trừ lúc có bịnh nặng, phi rượu không chữa được, thì phải tác bạch tăng chúng mới uống. Vô cớ thì một giọt cũng không được thấm môi. Cho đến không được ngửi rượu, không được dừng ở quán rượu, không được đem rượu cho người uống. Nghi Địch chế rượu, Vũ vương nhân đó đau xót tuyệt bỏ. Trụ vương làm hồ rượu, quốc gia vì thế diệt vong. Tăng sĩ mà còn uống rượu thì càng đáng sỉ nhục hơn nữa. Xưa có ưu bà tắc vì phá giới uống rượu mà luôn các giới khác đều phá. Ba mươi sáu lỗi, một việc uống rượu có đủ tất cả, tội ác không phải nhỏ. Kẻ ham uống rượu thì chết rồi phải đọa vào địa ngục Phân sôi, đời đời ngu si, mất giống trí tuệ, nên rượu là thuốc cuồng làm mê loạn tâm hồn còn dữ hơn cả đá tì, chim chẫm. Nên kinh đã dạy, thà uống nước đồng nấu chảy, thận trọng đừng phạm vào sự uống rượu. Như thế không răn giữ được sao?
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  5. #5
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    (8) Lục viết bất trước hương hoa man, bất hương đồ thân. Giải viết: Hoa man giả, Tây vức nhân quán hoa tác man, dĩ nghiêm kỳ thủ; thử độ tắc tăng, nhung, kim, bảo, chế sức cân quan chi loại thị dã. Hương đồ thân giả, Tây vức quí nhân dụng danh hương vi mạt, linh thanh y ma thân; thử độ tắc bội hương, huân hương, chi phấn chi loại thị dã. Xuất gia chi nhân khởi nghi dụng thử. Phật chế tam y câu dụng thô sơ ma bố, thú mao tàm khẩu hại vật thương từ, phi sở ưng dã. Trừ niên cập thất thập, suy đồi chi thậm, phi bạch bất noãn giả, hoặc khả vi chi, dư câu bất khả. Hạ Vũ ác y, Công tôn bố bị, vương thần chi quí, nghi vi bất vi, khởi đắc đạo nhân phản tham hoa sức. Hoại sắc vi phục, phấn tảo tế hình, cố kỳ nghi hỷ. Cổ hữu cao tăng tam thập niên trước nhất lưỡng hài, huống phàm bối hồ. Y, khả bất giới dư?

    Sáu là không được mang vòng hoa thơm hay dùng hương thơm xoa mình. Giải: Vòng hoa là người Tây vức xâu hoa làm vòng để trang sức đầu họ, còn quốc độ này là cái loại dùng lụa, nhung, vàng và các thứ quí báu mà chế tạo hay trang sức khăn mão. Dùng hương thơm xoa mình là kẻ sang ở Tây vức dùng danh hương làm bột, bảo thanh y xát vào mình, còn quốc độ này là cái loại đeo hương, xông hương, sáp và phấn. Người xuất gia đâu có nên dùng những thứ đó. Phật qui định ba pháp y đều dùng toàn vải gai thô sơ, còn lông thú miêÍng tằm thì hại sinh vật, tổn từ bi, không phải những thứ thích hợp với người xuất gia. Trừ tuổi đến bảy mươi, suy đồi quá lắm, phi lụa không ấm thì hoặc có thể dùng được, còn những kẻ khác đều không thể. Vũ vương nhà Hạ chỉ mặc áo xấu, Công tôn Hoằng chỉ dùng áo ngủ bằng vải, sang như đế vương đại thần, đáng dùng mà không dùng, thì người hành đạo đâu được ngược lại, ham phục sức hoa mỹ. Nên, lấy hoại sắc làm y phục, lấy phấn tảo che thân hình, vốn là sự thích nghi của người xuất gia. Xưa có vị cao tăng mà ba mươi năm chỉ mang một đôi giày, huống chi hạng phàm phu. Như thế không răn giữ được sao?
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  6. #6
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    (9) Thất viết bất ca vũ xướng kỹ bất vãng quan thính. Giải viết: Ca giả khẩu xuất ca khúc; vũ giả thân vi hý vũ; xướng kỹ giả vị cầm sắt tiêu quản chi loại thị dã; bất đắc tự tác, diệc bất đắc tha nhân tác thời cố vãng quan thính. Cổ hữu tiên nhân, nhân thính nữ ca âm thanh vị diệu, cự thất thần túc. Quan thính chi hại như thị, huống tự tác hồ? Kim thế ngu nhân, nhân Pháp hoa hữu tì bà nao bạt chi cú, tứ học âm nhạc. Nhiên Pháp hoa nãi cúng dường chư Phật, phi tự ngu dã. ?ng viện tác nhân gian pháp sự đạo tràng, do khả vi chi, kim vị sanh tử xả tục xuất gia, khởi nghi bất tu chánh vụ nhi cầu công kỹ nhạc? Nãi chí vi kỳ, lục bác, đầu trịch, xu bồ đẳng sự, giai loạn đạo tâm, tăng trưởng quá ác. Y, khả bất giới dư?

    Bảy là không được ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe. Giải: Ca là miệng hát các khúc ca, vũ là thân múa các điệu vũ, hòa tấu biểu diễn là cái loại đàn cầm đàn sắt ống tiêu ống quản. Không được chính mình tự làm những việc này, mà khi người khác làm, mình cũng không được cố đi xem và nghe. Xưa có tiên nhân vì nghe con gái hát, âm thanh tuyệt diệu, mà thốt nhiên mất liền thần túc. Cái hại xem nghe còn như thế, huống chi tự làm? Ngày nay, những kẻ ngu muội nhân kinh Pháp hoa có câu tì bà nao bạt nên tự ý phóng túng mà học âm nhạc. Nhưng trong kinh Pháp hoa nói, là để hiến cúng chư Phật, không phải tự vui. Do đó, những am viện ứng phó làm đạo tràng pháp sự trong nhân gian thì hoặc có thể làm được, còn nay vì vấn đề sanh tử mà thoát tục xuất gia, thì đâu có thể không tu tập việc chính, lại cầu học tập cho khéo về kỹ nhạc. Cho đến những việc đánh vi kỳ, lục bác, đầu trịch, xu bồ, vân vân, đều rối loạn đạo tâm, thêm lớn tội ác. Như thế không răn giữ được sao?
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  7. #7
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    (10) Bát viết bất tọa cao quảng đại sàng. Giải viết: Phật chế thằng sàng cao bất quá Như lai bát chỉ. Quá thử tức phạm. Nãi chí tất thể điêu khắc, cập sa quyến trướng nhục chi loại, diệc bất nghi dụng. Cổ nhân dụng thảo vi tòa, túc ư thọ hạ; kim hữu sàng tháp diệc ký thắng hỷ, hà cánh cao quảng, túng tứ huyễn khu. Hiếp tôn giả nhất sanh hiếp bất trước tịch, Cao phong Diệu thiền sư tam niên lập nguyện bất triêm sàng đắng, Ngộ đạt thọ trầm hương chi tòa thượng tổn phước nhi chiêu báo. Y, khả bất giới dư?

    Tám là không được ngồi giường cao và rộng lớn. Giải: Phật qui định giường giây cao không quá tám ngón tay của Ngài. Quá cỡ ấy thì phạm. Cho đến cái loại sơn vẽ chạm trổ và màn nệm bằng sa lụa cũng không nên dùng. Phật mà dùng cỏ làm đồ ngồi, đêm nghỉ dưới cây; nay ta có giường có chõng cũng đã hơn rồi, sao lại phải cao rộng để phóng túng xác huyễn. Hiếp Tôn giả một đời hông không dính chiếu, Cao Phong Diệu thiền sư ba năm lập nguyện không dính giường ghế, Ngộ Đạt quốc sư nhận pháp tọa trầm hương còn tổn phước mà rước họa. Như thế không răn giữ được sao?
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  8. #8
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    (11) Cửu viết bất phi thời thực. Giải viết: Phi thời giả, quá nhật ngọ phi Tăng thực chi thời phận dã. Chư thiên tảo thực, Phật ngọ thực, súc sanh ngọ hậu thực, quỉ dạ thực. Tăng nghi học Phật, bất quá ngọ thực. Ngạ quỉ văn oản bát thanh, tắc yết trung hỏa khởi, cố ngọ thực thượng nghi tịch tịnh, huống quá ngọ hồ. Tích hữu cao tăng, văn lân phòng tăng ngọ hậu cử thoán, bất giác thế khấp, bi Phật pháp chi suy tàn dã. Kim nhân thể nhược đa bịnh, dục sác sác thực giả, hoặc bất năng trì thử giới, cố cổ nhân xưng vãn thực vi dược thạch, thủ liệu bịnh chi ý dã. Tất dã tri vi Phật chế sanh đại tàm quí, niệm ngạ quỉ khổ thường hành bi tế, bất đa thực, bất mỹ thực, bất an ý thực, thứ cơ khả nhĩ. Như hoặc bất thiên, đắc tội di trọng. Y, khả bất giới dư?

    Chín là không được ăn phi thời. Giải: Phi thời là quá giờ ngọ thì không phải giờ ăn của tăng sĩ. Chư thiên ăn buổi sáng, Phật ăn giờ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, quỉ ăn ban đêm. Tăng nên học Phật, không ăn quá giờ ngọ. Ngạ quỉ nghe tiếng chén bát thì trong cổ họng lửa nổi lên, nên ăn đúng giờ ngọ mà còn phải yên tịnh, huống quá giờ ngọ ấy. Xưa có vị cao tăng nghe vị tăng sĩ ở phòng bên cạnh, sau giờ ngọ mà thổi bếp, bất giác rơi lụy khóc thầm, buồn nỗi suy tàn của Phật pháp. Con người thời nay, có kẻ mình yếu, nhiều bịnh, muốn ăn luôn luôn, hoặc không thể giữ giới này, nên cổ nhân gọi bữa ăn chiều là thuốc, là lấy cái ý chữa bịnh. Nhưng quyết định phải biết trái với sự qui định của Phật mà phát sanh sự hổ thẹn to lớn, nghĩ nhớ nỗi thống khổ của ngạ quỉ mà thường hành từ bi, không ăn nhiều, không ăn ngon, không ăn một cách yên dạ, mới có thể tạm được. Nếu không thì đắc tội càng nặng. Như thế không răn giữ được sao?
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  9. #9
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    (12) Thập viết bất tróc trì sanh tượng kim ngân bảo vật. Giải viết: Sanh tức kim dã. Tượng, tợ dã; tợ kim giả ngân dã. Vị kim sắc sanh bản tự hoàng; ngân khả nhiễm hoàng, tợ kim dã. Bảo giả thất bảo chi loại dã. Giai trưởng tham tâm, phương phế đạo nghiệp. Cố Phật tại thế thời, Tăng giai khất thực, bất lập yên thoán, y phục phòng thất tất nhậm ngoại duyên, trí kim ngân ư vô dụng chi điểa. Tróc trì thượng cấm, thanh khả tri hỷ. Sừ kim bất cố, thế nho thượng nhiên, Thích tử xưng bần, súc tài hề dụng? Kim nhân bất năng câu hành khất thực, hoặc nhập tòng lâm, hoặc trú am viện, hoặc xuất viễn phương, diệc vị miễn hữu kim ngân chi phí. Tất dã tri vi Phật chế sanh đại tàm quí, niệm tha bần phạp thường hành bố thí, bất doanh cầu, bất súc tích, bất phiến mại, bất dĩ thất bảo trang sức y khí đẳng vật, thứ cơ khả nhĩ. Như hoặc bất nhiên, đắc tội di trọng. Y, khả bất giới dư?

    Mười là không được nắm giữ sanh tượng (vàng bạc) bảo vật. Giải: Sanh là vàng. Tượng là tương tự; tương tự với vàng là bạc. Nghĩa là sắc của vàng sanh ra vốn tự vàng, còn bạc có thể nhuộm sắc vàng nên tương tự với vàng. Bảo là cái loại bảy thứ quí báu. Tất cả đều tăng trưởng tham tâm, trở ngại và phế bỏ đạo nghiệp. Nên khi Phật tại thế, tăng sĩ đều khất thực, không lập bếp núc, áo cơm phòng thất đều tùy ngoại duyên, đặt vàng bạc vào vị trí vô dụng. Nắm giữ mà còn cấm thì sự thanh bạch có thể biết được. Bừa nhằm vàng mà không ngoái lại để ngắm, nho sĩ thế gian còn như thế, Thích tử tự xưng bần đạo thì chứa của làm gì ? Người xuất gia thời nay không phải ai cũng khất thực, mà hoặc nhập tòng lâm, hoặc ở am viện, hoặc đi phương xa, cũng không khỏi cần đến tiền bạc. Nhưng quyết định phải biết trái với sự qui định của Phật mà phát sanh sự hổ thẹn to lớn, nghĩ nhớ nỗi nghèo thiếu của người khác mà thường hành bố thí, không mưu cầu, không dồn chứa, không buôn bán, không dùng bảy thứ quí báu trang sức những vật y phục, đồ dùng, vân vân, mới có thể tạm được. Nếu không thì đắc tội càng nặng. Như thế không răn giữ được sao?
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  10. #10
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts

    Hạ Thiên: Uy Nghi Môn

    (Chương Sau: Phần Uy Nghi)

    ----------

    (13) Phật chế, sa di niên mãn nhị thập, dục thọ cụ túc giới thời, nhược vấn, bất năng cụ đối sa di sự giả, bất ưng dữ cụ túc giới. Đương vân, khanh tác sa di, nãi bất tri sa di sở thi hành! Sa môn sự đại nan tác; khanh thả khứ thục học, đương tất văn tri, nãi ưng thọ cụ túc giới. Kim thọ khanh cụ túc giới, nhân vị Phật pháp dị hành, sa môn dị tác. Cố đương tiên vấn. Dĩ hạ điều tắc, ư sa di uy nghi chư kinh, cập cổ thanh qui, kim Sa di thành phạm trung tiết xuất. Hựu Tuyên luật sư Hành hộ luật nghi, tuy giới tân học tỷ kheo, hữu khả thông dụng giả diệc tiết xuất. Lương dĩ mạt pháp nhân tình đa chư giải đãi, văn phồn tắc yểm, do thị san phồn thủ yếu, nhưng phân loại dĩ tiện độc học. Gian hữu vị bị, tùng nghĩa bổ nhập nhất nhị. Kỳ hữu nhạo quảng lãm giả, tự đương kiểm duyệt toàn thư.


    Phật qui định, sa di tuổi đầy hai mươi, khi muốn lãnh thọ cụ túc giới, nếu chất vấn mà người nào không thể phúc đáp đầy đủ về việc sa di, thì không nên truyền thọ cụ túc giới cho người ấy. Nên bảo, ông làm sa di mà không biết việc sa di phải làm, huống chi việc sa môn là việc lớn, khó làm. Ông hãy đi học cho thuộc, phải nghe và biết đủ cả, mới nên lãnh thọ cụ túc giới. Bây giờ truyền thọ cụ túc giới cho ông thì người ta bảo Phật pháp dễ tu, sa môn dễ làm. Vì vậy nên phải chất vấn trước. Nhữngđiều tắc dưới đây là trích ra từ các bản kinh nói về uy nghi sa di, từ bản thanh qui đời xưa và sách Sa di thành phạm đời nay. Tác phẩm Hành bộ luật nghi của Tuyên luật sư tuy để răn bảo các vị tỷ kheo mới học, nhưng điều nào có thể thông dụng thì cũng trích ra. Vì lòng người thời đại mạt pháp lắm sự biếng nhác, nghe nhiều thì chán, do đó mà tôi lọc bỏ những điều phồn toái, trích lấy những chỗ chính yếu. Nhưng vẫn phân loại để tiện cho việc học đọc. Tựu trung có chỗ nào chưa đủ, tôi theo ý nghĩa mà phụ thêm một vài điều. Ai thích xem cho rộng thì nên tự cứu xét toàn văn các sách [trên đây].

    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •