Con đường đến tự do vô thượng.
Đạt Lai Lạt Ma 14
(THE WAY TO FREEDOM)
Con đường đến tự do vô thượng.
Đạt Lai Lạt Ma 14
(THE WAY TO FREEDOM)
CON ĐƯỜNG ĐẾN TỰ DO VÔ THƯỢNG
Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14
Nguyên bản: THE WAY TO FREEDOM by His Holiness, The Dalai Lama of Tibet
Thorsons An Imprint of Harper Collins Publishers, 1997
Bản dịch Việt ngữ: Liên Hoa - Bản Hiệu đính tháng 5-2006
Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin TP. Hồ Chí Minh 2009
Thực hành Phật giáo là tiến hành một cuộc chiến đấu giữa những thế lực tiêu cực và tích cực trong tâm bạn. Thiền giả nỗ lực làm tiêu mòn điều tiêu cực và phát triển, tăng trưởng điều tích cực. Những giáo lý trong quyển sách này là để chuyển hóa tâm thức; chỉ đọc hay nghe mỗi một đoạn thôi cũng có thể đem lại lợi lạc to lớn.
NỘI DUNG
Dẫn Nhập
Chương 1: GIÁO LÝ
Chương 2: ĐẠO SƯ
Chương 3: CƠ HỘI
Chương 4: CÁI CHẾT
Chương 5: SỰ TÁI SINH
Chương 6: SỰ QUY Y
Chương 7: NGHIỆP
Chương 8: BỐN SỰ THẬT
Chương 9: LÝ TƯỞNG BỒ TÁT
Chương 10: BỒ TÁT HẠNH
DẪN NHẬP
Thực hành Phật giáo là tiến hành một cuộc chiến đấu giữa những thế lực tiêu cực và tích cực trong tâm bạn. Thiền giả nỗ lực làm tiêu mòn điều tiêu cực và phát triển, tăng trưởng điều tích cực. Những giáo lý trong quyển sách này là để chuyển hóa tâm thức; chỉ đọc hay nghe mỗi một đoạn thôi cũng có thể đem lại lợi lạc to lớn.
Không có những cột mốc vật chất để đo lường sự tiến bộ trong cuộc chiến đấu giữa những thế lực tiêu cực và tích cực trong tâm thức. Sự chuyển hóa bắt đầu khi trước hết bạn nhận diện và nhận thức được những lầm lạc của bạn, như tính giận dữ và ganh tỵ. Sau đó người ta cần hiểu biết những cách đối trị sự lầm lạc, và sự hiểu biết đó có được là nhờ nghe các giáo lý. Không có một phương cách đơn giản để tẩy trừ những lầm lạc. Chúng không thể được nhổ sạch bằng cách mổ xẻ. Chúng phải được nhận thức, và sau đó, nhờ sự thực hành những giáo lý này, chúng có thể từ từ giảm bớt và rồi hoàn toàn bị tiệt trừ.
Những giáo lý này đem lại các phương tiện để giải thoát bản thân ta khỏi sự lầm lạc – một con đường mà cuối cùng đưa tới sự tự do đối với mọi đau khổ và dẫn tới sự phúc lạc của Giác ngộ. Ta càng thông hiểu Pháp, hay giáo lý đạo Phật, thì sự áp chế của tánh tự cao, oán ghét, tham lam và những cảm xúc tiêu cực khác gây nên bao nhiêu đau khổ càng giảm bớt. Việc thực hành sự hiểu biết này trong đời sống hàng ngày trải qua một thời gian nhiều năm tháng sẽ từ từ chuyển hóa tâm thức, bởi tâm thức vẫn chịu sự biến đổi, dù thường thì nó có vẻ không phải thế. Nếu bạn có thể so sánh tâm thái hiện tại của bạn với tâm thái sau khi đọc cuốn sách này, thì bạn có thể nhận ra một vài sự tiến bộ. Nếu như thế, các giáo lý này sẽ đáp ứng được mục đích của chúng.
Trong kiếp này, Đức Phật đã xuất hiện từ hơn 2500 năm trước trong thân tướng Thích Ca Mâu Ni, hiền giả của bộ tộc Thích Ca. Ngài xuất gia làm một nhà sư và dấn mình vào những thực hành du già gian khổ. Tọa thiền dưới một gốc cây ở nơi gọi là Bodh Gaya ở miền bắc Ấn Độ, Ngài thành tựu sự Toàn Giác. Sau đó Ngài ban rất nhiều giáo lý để khế hợp với những lợi lạc và khuynh hướng khác nhau của chúng ta. Trong một số giáo lý, Ngài dạy cách thức để có được một sự tái sinh tốt đẹp hơn và trong những giáo lý khác, Ngài dạy làm thế nào để đạt được giải thoát khỏi sự luân hồi của sinh và tử. Những bản văn sâu rộng chứa đựng những giáo lý này được gọi là Kinh (sutra), phác thảo những phương pháp và phương tiện để đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Lưu xuất từ kinh nghiệm và Pháp âm mạch lạc của Đức Phật, những giáo lý này có thể được thực hành và chứng nghiệm bởi bất kỳ ai.
Ở Tây Tạng, các giáo lý Phật giáo đã được biên tập trong một cuốn sách duy nhất để khám phá những giai đoạn của toàn thể con đường đi đến Giác ngộ. Trong quá khứ, nhiều người đã có thể thành tựu trạng thái Toàn Giác nhờ nương tựa vào chính những giáo lý này; chúng thích hợp với bất kỳ những ai có tâm thức chưa được điều phục. Mặc dù chúng ta nhận ra sự tai hại do những lầm lạc của mình, như mối họa hại cho chính ta và người khác khi ta hành động từ sự giận dữ, nhưng chúng ta vẫn còn rơi vào ảnh hưởng của chúng. Vì vậy một tâm thức chưa được điều phục ném chúng ta xuống vực thẳm một cách hung bạo thay vì nó dừng lại khi nhìn thấy bờ vực.
Chúng ta đã từng trôi lăn trong vòng luân hồi đau khổ này do những lầm lạc của ta và những hành động do chúng kích động, được gọi là nghiệp. Do tương quan nhân-và-quả giữa những hành động và kinh nghiệm của ta, chúng ta dùng đời mình để chịu đựng đủ loại thăng trầm trong phiền não và rối rắm. Hoàn toàn thoát khỏi gánh nặng của các hành vi trong quá khứ và sự áp chế của tham, sân, và si, điều đó được gọi là giải thoát, hay Niết bàn. Khi chúng ta có thể tẩy trừ những lầm lạc và nghiệp nhờ chứng ngộ sự thanh tịnh tự nhiên của tâm, sự an lạc hoàn toàn sẽ phát khởi và chúng ta đạt được giải thoát toàn triệt khỏi sự luân hồi đau khổ.
Nếu chúng ta làm các thiện hạnh như cứu sống những con vật, thì ta có thể tích tập những điều kiện cần thiết để được tái sinh làm người. Nếu chúng ta thực hành Pháp nghiêm cẩn, ta có thể tiếp tục sự tiến bộ tâm linh của ta trong những đời sau. Nhưng cuộc đời này thật quý báu và không thể tiên đoán được, và dấn mình vào sự thực hành khi chúng ta có cơ hội là điều quan trọng. Ta không bao giờ biết được cơ hội đó sẽ kéo dài bao lâu.
Theo định luật nghiệp báo hay nguyên lý nhân quả thì những gì chúng ta làm bây giờ sẽ có kết quả ở tương lai. Tương lai chúng ta được quyết định bởi tâm thái của ta trong hiện tại, nhưng tâm thái hiện tại của ta thì bị tàn phá bởi những mê lầm. Chúng ta nên khao khát thành tựu sự Giác ngộ. Nếu điều đó không thể được, chúng ta nên cố gắng đạt được giải thoát khỏi sự tái sinh. Nếu không được nữa thì ít nhất, ta gieo trồng hột giống để có một tái sinh thuận lợi trong đời sau, mà không bị rơi vào một cõi luân hồi thấp. Trong thời cơ tốt lành này, khi chúng ta được nghe và thực hành Pháp mà không bị ngăn ngại, chúng ta đừng để cho cơ hội hiếm có đó qua đi.
Tuy nhiên, tự giải thoát khỏi nỗi đau khổ chỉ là một phần của cuộc truy tìm. Giống như ta không muốn có ngay cả nỗi đau khổ nhỏ bé nhất và chỉ mong muốn hạnh phúc, thì những người khác cũng vậy. Tất cả chúng sinh đều bình đẳng trong ý nghĩa là ai cũng có khuynh hướng tự nhiên ước muốn hạnh phúc và giải thoát khỏi đau khổ. Mọi chúng sinh đều có quyền giống nhau là được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ. Hiểu rõ điều này mà vẫn làm việc chỉ vì sự giải thoát cho riêng mình sẽ khiến cho sự thành tựu trở thành cái gì thật nhỏ bé. Nhưng nếu động lưc nền tảng của chúng ta là làm sao có đủ khả năng giúp đỡ người khác, thì chúng ta có thể đạt tới trạng thái Toàn Giác và đủ năng lực để làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Và nhờ đó bản thân chúng ta có thể thành Phật.
Nếu tâm thái hiện tại của ta nghèo nàn và khả năng thì giới hạn, làm thế nào chúng ta có thể hoàn thành những ước nguyện của người khác ? Chỉ đơn thuần muốn giúp đỡ họ thì không đủ. Đầu tiên chúng ta phải có khả năng nhận thức những khát khao của người khác. Để nhận thức của ta được trong sáng, ta phải giải trừ tất cả lỗi lầm ngăn cản chúng ta trong việc nhìn các sự vật như chúng là. Những chướng ngại cho sự Toàn Giác là những ô nhiễm do những lầm lạc như lòng ham muốn, giận dữ, kiêu ngạo và vô minh để lại. Ngay cả sau khi các lầm lạc đã được tẩy trừ, tâm thức vẫn còn những dấu vết của chúng. Nhưng bởi bản tánh thật sự của tâm thức thì trong sáng, thanh tịnh, và tỏ biết nên ta có thể tịnh hóa tâm thức một cách hoàn hảo và bởi thế, đạt được sự trong sáng của sự tỉnh giác được gọi là Toàn Giác.
Động lực chính yếu thúc đẩy Đức Phật thành tựu tất cả những phẩm tính vĩ đại của Ngài về thân, ngữ và tâm là lòng bi mẫn. Cốt tủy của sự thực hành của chúng ta cũng nên là ước nguyện giúp đỡ người khác. Một ước nguyện vị tha như thế hiện diện tự nhiên trong lòng chúng ta bằng sự thấu hiểu rằng cũng như chúng ta, những người khác ước muốn được hạnh phúc và né tránh đau khổ. Cũng như một hột giống, chúng ta có thể giữ gìn và khiến cho ước nguyện tăng trưởng nhờ sự thực hành. Về cơ bản, mọi giáo lý của Đức Phật đều nỗ lực phát triển thiện tâm và lòng vị tha này. Con đường của Đức Phật được đặt nền tảng trên lòng bi mẫn, là ước nguyện người khác được giải thoát khỏi khổ đau. Lòng bi mẫn này đưa chúng ta tới sự nhận thức rằng hạnh phúc của người khác là tối hậu, nó quan trọng hơn hạnh phúc của chính ta, và không có họ, chúng ta sẽ không có sự thực hành tâm linh, không có cơ hội để Giác ngộ. Tôi không tự cho là mình đã đạt được sự hiểu biết vĩ đại hay chứng ngộ cao siêu, nhưng để tưởng nhớ tới thiện tâm của những vị Thầy của tôi là những người đã ban cho tôi các giáo huấn này, và với mối quan tâm tới hạnh phúc của mọi chúng sinh, tôi trao tặng những giáo lý này cho các bạn.
http://www.thuvienhoasen.org/conduon...othuong-00.htm
CHƯƠNG 1
GIÁO LÝ
Nhờ sự thiền định, Đức Phật xuất hiện sau khi đạt Giác ngộ từ 2500 năm trước. Chủ đề của giáo lý đầu tiên của Ngài là Bốn Sự Thật Cao Quý. Sự Thật Cao Quý Thứ Nhất là sự thật về nỗi khổ, do bởi hạnh phúc của ta không ngừng trôi tuột đi. Mọi sự chúng ta có bị lệ thuộc vào lẽ vô thường. Không có gì thường hằng trong những điều ta thường cho là thật có. Tham, sân và si là những nguyên nhân của nỗi khổ đau ghê gớm của chúng ta. Vì vậy, Sự Thật Cao Quý Thứ Hai là thấu hiểu nguyên nhân này của sự đau khổ. Khi bạn tiệt trừ gốc rễ của đau khổ (là những mê lầm), thì bạn đạt được một trạng thái chấm dứt đau khổ – Sự Thật Cao Quý Thứ Ba, hay Niết Bàn. Sự Thật Cao Quý Thứ Tư là có một con đường dẫn tới sự chấm dứt đau khổ. Để đạt tới trạng thái đó trong bổn tâm bạn, bạn phải theo đuổi một con đường.
Chỉ tới khi thấu hiểu định luật nghiệp báo hay nhân quả thì chúng ta mới hứng khởi dấn mình vào con đường để chấm dứt đau khổ. Những tư tưởng và hành động tiêu cực sinh ra những kết quả và điều kiện (duyên) tiêu cực, cũng như các tư tưởng và hành động tích cực sinh ra những kết quả và điều kiện tích cực. Khi phát triển một sự xác tín sâu sắc vào định luật nhân quả, chúng ta sẽ có khả năng nhận thức những nguyên nhân và điều kiện (duyên) của những nỗi khổ của chính chúng ta. Hạnh phúc hay nỗi bất hạnh hiện tại của chúng ta là kết quả của những hành động trước đó không hơn không kém. Những đau khổ tự chúng quá hiển nhiên đến độ kinh nghiệm của chúng ta chứng nhận được sự có mặt của chúng. Vì thế, chúng ta sẽ phát triển sự nhận thức là nếu không muốn đau khổ, thì bây giờ chúng ta nên làm việc để trừ tiệt những nguyên nhân của nó. Nhờ thấu hiểu sự đau khổ và các nguồn gốc của nó, chúng ta có thể nhận thức khả năng tiệt trừ vô minh, đâu là căn nguyên chính của đau khổ, và chúng ta có thể quan niệm được một trạng thái chấm dứt, một sự chấm dứt toàn bộ sự vô minh này cùng những mê lầm sinh ra từ nó. Khi sự hiểu biết của ta về sự chấm dứt đau khổ đã toàn hảo, chúng ta sẽ phát triển một ước muốn mạnh mẽ và tức thời để đạt đến một trạng thái như thế. Nhận thức của chúng ta phải hết sức sâu sắc đến nỗi lay động được toàn bộ con người ta, và khiến ta có một ước muốn tức thời đạt tới trạng thái đó. Một khi chúng ta phát triển ước muốn tức thời này để thành tựu sự chấm dứt đau khổ, thì một sự cảm kích bao la đối với những bậc đã chứng ngộ sự chấm dứt này trong bổn tâm các ngài sẽ phát triển. Sự nhận thức về các thành tựu của Đức Phật sẽ trở nên mạnh mẽ. Các lợi lạc và vẻ tráng lệ của giáo lý của Ngài trở nên rõ ràng.
Giáo lý về những giai đoạn của con đường đi tới Giác ngộ này từ Ấn Độ truyền sang Tây Tạng. Đạo Phật không tới xứ Tây Tạng mãi cho tới thế kỷ thứ tám, nhưng vào thế kỷ thứ chín sự thực hành của nó bị vua Lang-dar-ma cấm đoán. Ông ta đóng cửa các tu viện, là trung tâm chính yếu cho những giáo lý. Sự hủy diệt Phật giáo của vua Lang-dar-ma rộng lớn, nhưng người ta vẫn còn có thể thực hành ở những miền hẻo lánh, và truyền thống được giữ gìn. Vào thế kỷ thứ mười một, rối rắm phát sinh từ hai cách tiếp cận sự thực hành giáo lý. Đó là sutra, hay con đường nghiên cứu và thực hành, qua đó phải mất nhiều đời để đạt được Giác ngộ, và tantra, các thực hành bí mật khiến cho sự Giác ngộ có thể thành tựu ngay trong một đời. Vào thế kỷ thứ mười một, một tăng sĩ Ấn Độ tên là Atisha trở nên nổi tiếng nhờ khả năng giảng dạy Phật Pháp và bảo vệ được Giáo Pháp trong các cuộc tranh luận với các triết gia phi-Phật giáo. Ngài có thể tập hợp mọi quan điểm triết học Phật giáo khác nhau đã phát triển qua nhiều thế kỷ cũng như những hệ thống thực hành của cư sĩ và tu viện. Ngài được mọi trường phái triết học coi như một bậc Đạo sư vô tư và có thẩm quyền.
Vào thời điểm đó, vị vua của miền tây Tây Tạng, được hứng khởi bởi đức tin Phật Pháp vĩ đại của tổ tiên, ngài đọc nhiều bản văn và nhận thấy những gì ngài suy nghĩ có những mâu thuẫn trong các hệ thống khác nhau, đặc biệt là đối với Kinh thừa (sutra) và Mật thừa (tantra). Nhiều người Tây Tạng lúc đó, do một ngộ nhận về vai trò của giới luật trong hai hệ thống, cho là những thực hành Kinh thừa và Mật thừa không thể cùng được thực hiện bởi một con người. Tuy nhiên nhà vua nhận ra là khi đạo Phật đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám, hai hệ thống đã cùng hiện diện một cách êm ả. Vị Đạo sư Ấn Độ Shantarakshita đã truyền bá sự thực hành giới luật tu viện lẫn những thực hành rộng rãi và bi mẫn của Kinh thừa. Cùng lúc đó, vị du già vĩ đại Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) đang truyền bá sự thực hành Mật thừa và điều phục những lực lượng xấu ác gây tác hại cho Tây Tạng. Hai vị Đạo sư này cùng chỉ dạy sự thực hành Pháp và không có bất kỳ sự thù địch nào giữa các ngài. Nhận thức rằng Ấn Độ là nguồn mạch của sự thực hành Kinh thừa và Mật thừa, nhà vua phái hai mươi đệ tử thông tuệ từ Tây Tạng sang Ấn Độ nghiên cứu với ý định là họ sẽ trở về và làm sáng tỏ các giáo lý cho người Tây Tạng. Nhiều người trong số đó đã chết trên đường đi, nhưng hai người trở về được và tường trình cho nhà vua là ở Ấn Độ, sự thực hành Kinh thừa và Mật thừa được tiến hành mà không có bất kỳ khó khăn nào giữa chúng. Tại tu viện Vikramashila ở Bengal họ tìm thấy ngài Atisha, vị Đạo sư vĩ đại. Những đệ tử này cảm thấy rằng ngài Atisha là người có thể giúp đỡ cho Tây Tạng.
Bản thân nhà vua đang tìm kiếm đủ số vàng đáp ứng cho các phí tổn để mời thỉnh vị Thầy này từ Ấn Độ, nhưng ngài bị một vị vua thù địch với Phật giáo bắt giữ. Ngài được chọn lựa giữa mạng sống và công cuộc tìm kiếm Giáo Pháp của mình. Khi ngài từ chối không từ bỏ sự tìm kiếm, ngài bị giam cầm. Người cháu cố gắng giải cứu ngài, nhưng nhà vua nói: “Cháu không nên băn khoăn về ta. Đừng lãng phí dù chỉ một đồng vàng để chuộc ta. Hãy dùng tất cả số vàng để mời ngài Atisha ở Ấn Độ.” Người cháu không vâng lời chú và cuối cùng đưa ra số vàng nặng bằng trọng lượng của nhà vua dùng làm tiền chuộc ngài. Nhưng kẻ bắt cóc từ chối điều này, nói rằng người cháu đã mang lại số vàng chỉ bằng trọng lượng của thân mình người chú, nhưng không đủ để chuộc cái đầu. Ông ta từ chối thả tù nhân cho tới khi người cháu mang thêm vàng tới. Sau đó người cháu kể lại cho chú điều gì đã xảy ra. “Nếu cháu tiến hành chiến tranh để cứu chú,” người cháu trình bày, “sẽ có cuộc đổ máu lớn. Vì thế cháu sẽ cố gắng thâu nhập vàng để chuộc đầu chú. Xin cầu nguyện cho cháu thành công.” Vị vua chú trả lời: “Đây là nguyện ước của ta muốn đem ánh sáng Giáo Pháp tới xứ Tây Tạng để soi sáng mọi nghi ngờ và mâu thuẫn. Nếu ước nguyện này được thực hiện thì cho dù phải chết ở đây, ta cũng không hối tiếc. Ta đã già rồi; sớm muộn gì cũng phải chết. Ta đã từng tái sinh nhiều đời, nhưng việc ta có thể hy sinh đời mình vì Pháp là điều hết sức hy hữu. Hôm nay ta đã được ban cho cơ hội đó. Vậy cháu hãy chuyển lời tới bản thân ngài Atisha, thưa với ngài là ta đã từ bỏ đời mình để ngài có thể viếng thăm Tây Tạng, truyền bá thông điệp của Đức Phật và soi sáng những ngộ nhận của chúng ta.” Lắng nghe quyết định của chú, người cháu hết sức xúc động. Với nỗi buồn ghê gớm, ông tạm biệt chú mình.
Người cháu gởi một nhóm dịch giả Tây Tạng sang Ấn Độ để tìm kiếm ngài Atisha. Đoàn tìm kiếm gồm sáu người này mang theo bảy trăm đồng vàng, cuối cùng tới được tu viện của ngài Atisha, ở đó họ được cho gặp vị tu viện trưởng. Mặc dù họ không bộc lộ mục đích của việc đi đến Ấn Độ của mình, vị tu viện trưởng nói: “Không phải là ta muốn chiếm hữu ngài Atisha, nhưng rất hiếm có những vị Thầy nào như ngài, và nếu ngài rời Ấn Độ thì sẽ là một đại họa cho chính Giáo Pháp và vì thế cho toàn thể dân chúng. Sự hiện diện của ngài ở Ấn Độ hết sức quan trọng.” Cuối cùng, vị dịch giả Tây Tạng có thể gặp ngài Atisha, và đôi mắt ông ràn rụa mước mắt. Ngài Atisha nhận ra điều này và bảo ông ta: “Đừng lo lắng. Ta biết sự hy sinh vĩ đại mà nhà vua Tây Tạng đã làm vì ta. Ta đang xem xét nghiêm cẩn thỉnh cầu của nhà vua, nhưng ta già rồi và cũng có trách nhiệm phải trông nom tu viện.” Nhưng sau cùng ngài Atisha đồng ý đi Tây Tạng. Sau khi tới miền tây Tây Tạng, ngài được người cháu nhà vua thỉnh cầu soạn một bản văn có lợi lạc cho toàn thể Phật Pháp ở Tây Tạng. Ngài đã để lại cho chúng ta tác phẩm Ngọn Đèn trên Con Đường đi đến Giác Ngộ, nó cô đọng mọi con đường chính yếu từ toàn bộ các giáo lý thành một hình thức thích hợp với những nhu cầu thực sự của dân chúng Tây Tạng.
Vào thế kỷ thứ mười lăm, Đạo sư Tây Tạng Tsong-kha-pa viết một quyển sách được gọi là Lam Rim hay Các Giai đoạn của Con Đường đi tới Giác Ngộ. Ngài nghiên cứu về sự trình bày của ngài Atisha và làm cho những giáo lý nguyên vẹn này thích hợp hơn nữa với bất kỳ người nào trong sự thực hành. Lam Rim là nền tảng cho giáo lý chứa đựng trong quyển sách này.
Bằch cách vạch ra mọi giai đoạn của con đường đi đến Giác ngộ, Lam Rim cũng chỉ rõ tất cả các giáo lý hợp thành một tổng thể hữu cơ như thế nào – làm thế nào Pháp bao gồm cả Kinh điển, con đường thông thường, và tantra, con đường bí mật. Mặc dù thỉnh thoảng những giáo lý này có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng chúng không có mâu thuẫn gì khi được thực hành thích ứng trong một tiến trình tiệm tiến. Tất cả chúng đều quan trọng như những người hướng dẫn trên con đường đi đến Giác ngộ. Một số người cho là mình có thể thực hiện những thực hành bí mật mà không cần hiểu biết các giáo lý Phật giáo căn bản. Không có nền tảng đúng đắn của con đường thông thường, người ta có thể không tiến bộ chút nào trong Mật thừa. Không có ước nguyện tràn đầy bi mẫn là đạt được Giác ngộ để đưa tất cả chúng sinh đến sự giải thoát thì Mật thừa chỉ trở thành sự trì tụng thần chú nào đó; thực hành Mật thừa sẽ bị bó hẹp trong việc sử dụng những nhạc cụ như não bạt, kèn trum-pét làm bằng xương đùi và tạo nên lắm sự ồn ào. Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật nói rằng thực hành sự rộng lượng (bố thí), giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ là con đường duy nhất, dù đi theo Kinh thừa hay Mật thừa, mà tất cả chư Phật trong quá khứ đã vượt qua để đi đến Giác ngộ. Nếu bạn từ bỏ những phương diện thông thường và chung nhất của con đường, thì đó là một sai lầm lớn.
Vì thế, Đạo sư vĩ đại Tsong-kha-pa, tác giả của Những Giai đoạn của Con đường đi tới Giác ngộ, khuyên rằng các hành giả nên tìm sự dẫn dắt của một Đạo sư kinh nghiệm và nỗ lực hiểu biết tất cả các giáo lý của Đức Phật phù hợp và thích ứng với sự thực hành của họ. Những phương diện nào không thể lập tức thực hành thì cũng chớ nên loại bỏ. Thay vào đó, hãy tự hỏi một cách sâu sắc là liệu bạn có thể đưa chúng vào thực hành trong tương lai không ? Nếu bạn có thể làm điều đó thì cái nhìn của bạn về các giáo lý Phật giáo sẽ hết sức thâm sâu.
Khi một người giảng dạy Pháp, người ấy (là nam hay nữ) đang phụng sự như sứ giả của chư Phật. Bất chấp sự chứng ngộ thật sự của Đạo sư, điều quan trọng là người nghe Pháp thấy vị Thầy không phân cách với Phật. Người nghe không nên phí thì giờ để suy nghĩ về những lỗi lầm của Đạo sư. Trong các Truyện Jataka (truyện Tiền Thân của Đức Phật) có kể rằng người nghe Pháp phải ngồi ở một chỗ thật thấp, với một tâm thức được điều phục và sự hoan hỉ lớn lao, hãy nhìn vào mặt Đạo sư và uống chất cam lồ của lời ngài nói, giống như các bệnh nhân chăm chú nghe lời thầy thuốc. Đức Phật nói rằng người ta không nên y cứ vào con người của Đạo sư mà đúng hơn, nên y cứ vào Giáo pháp, nội dung giáo lý của vị Thầy, thông điệp của Đức Phật. Từ quan điểm về tính chất thiêng liêng của chính giáo lý, điều hết sức quan trọng là phải kính trọng vị Thầy.
Khi nghe hay đọc các giáo lý, chúng ta giống như một bình chứa để thâu góp trí tuệ. Nếu cái bình lật úp thì mặc dù các vị Trời có thể đổ mưa cam lồ xuống, nhưng nó chỉ chảy ngoài thành bình. Nếu bình dơ bẩn, cam lồ sẽ bị hư hỏng. Nếu bình có lỗ thủng thì cam lồ sẽ bị rỉ ra. Mặc dù ta có thể tham dự một giảng khóa, nhưng nếu chúng ta dễ dàng bị phóng tâm thì ta giống như một cái bình chứa lộn ngược đầu. Dù ta có thể chuyên chú, nhưng nếu thái độ của ta bị những ý hướng tiêu cực chế ngự, như nghe giáo lý để chứng tỏ sự thông minh siêu việt, thì chúng ta giống như một bình chứa dơ bẩn. Cuối cùng, mặc dù chúng ta có thể thoát khỏi những lỗi lầm này, nhưng nếu ta không giữ các giáo lý trong tâm, thì giống như để chúng đi vào tai này và đi ra tai kia. Sau khi buổi giảng dạy chấm dứt, chúng ta sẽ hoàn toàn trống rỗng, như thể là ta không thể đem giáo lý đi qua cửa khi chúng ta về nhà. Đây là lý do việc dùng sổ tay, hay ngày nay, dùng một máy ghi âm, được coi là một ý kiến tốt. Khả năng ghi nhớ các giáo lý dựa vào sức mạnh của sự thường xuyên quen thuộc.
Trong một cuộc nói chuyện với Lạt ma Khun-nu, ngài thuật lại một cách sống động những sự kiện trong đời ngài đã xảy ra rất lâu trước khi tôi sinh ra. Hiện nay tôi đã 59 tuổi. Tôi có khuynh hướng quên mất ngay cả những bản văn tôi đang nghiên cứu lúc này. Lạt ma Khun-nu nói rằng việc học hỏi không bền bỉ là bởi sai lầm đã không nỗ lực trong sự hoan hỉ, và tôi cho rằng điều này hết sức đúng. Bởi thiếu thời giờ, tôi không thường đọc một bản văn; tôi chỉ đọc qua nó một lần và sau đó rút ra một vài ý tưởng tổng quát của những gì bản văn đề cập tới. Vì có trí thông minh khá tốt, tôi đọc các bản văn rất nhanh nhưng không thường đọc chúng. Như một câu cách ngôn nói, người có trí thông minh vĩ đại thì giống như một cánh đồng bốc cháy: ngọn lửa tắt rụi nhanh chóng.
Nếu bạn đọc Các Giai đoạn của Con đường đi tới Giác ngộ của ngài Tsong-kha-pa chín lần thì bạn sẽ có chín cách hiểu biết khác nhau về bản văn. Khi bạn đọc một bài xã luận trong báo một lần thì thường không có chuyện đọc lại nó; bạn không thích đọc lại, nó chỉ làm bạn mệt mỏi. Khi bạn đọc các bản văn được viết sâu sắc và lôi cuốn lần thứ hai, thứ ba, và thứ tư, đôi lúc bạn ngạc nhiên là bạn đã quên vấn đề này hay vấn đề kia, mặc dù bạn đã đọc nó nhiều lần trước đó. Đôi khi bạn nảy ra một sự hiểu biết mới mẻ và cách nhìn khác biệt, vì vậy, sự thường xuyên làm cho quen thuộc là phương pháp chính để trị bệnh hay quên. Những người ước muốn đạt được sự Toàn giác nên nhất tâm, chăm chú, khiêm tốn trong tâm thức, được thúc đẩy bởi một ước nguyện giúp đỡ chúng sinh, chuyên chú bằng cả tâm hồn mình, nhìn Đạo sư bằng đôi mắt mình, và lắng nghe Đạo sư bằng đôi tai mình.
Lắng nghe các giáo lý với một thái độ đúng đắn cũng là điều quan trọng. Trước hết, bạn nên nhận thức chính mình là một bệnh nhân và vị Thầy là bác sĩ. Thi sĩ Ấn Độ vĩ đại Shantideva nói rằng khi chúng ta bị đau đớn bởi những bệnh tật thông thường, thì chúng ta phải tuân theo lời dặn dò của bác sĩ. Vì chúng ta bị đau khổ bởi hàng trăm bệnh tật do những vô minh như ham muốn và oán ghét, cho nên việc nghe theo lời dạy của vị Thầy không còn là vấn đề phải thắc mắc. Các vô minh thì hết sức xảo quyệt. Khi một mê lầm như sự giận dữ hiện diện, chúng ta mất sự kiểm soát. Những lo lắng do tham đắm khiến chúng ta ăn không ngon ngủ không yên. Cũng như bệnh nhân coi những thuốc men mà bác sĩ đưa cho là hết sức quý báu, cẩn thận không dám lãng phí, thì cũng thế, các giáo lý được vị Thầy ban cho nên được giữ gìn như vật trân bảo.
Để khỏi bệnh, bệnh nhân phải dùng thuốc. Chỉ để yên thuốc trong chai sẽ không giúp ích được gì. Tương tự như vậy, để giải thoát tâm thức của ta khỏi bệnh mê lầm kinh niên, chúng ta phải áp dụng những giáo lý vào sự thực hành, và chỉ nhờ thực hành mà chúng ta sẽ có thể tự giải thoát khỏi bệnh mê lầm. Dù chỉ trong thời gian ngắn, sức kiên nhẫn của bạn càng mạnh, thì sự giận dữ của bạn càng ít và lòng tôn kính người khác của bạn càng lớn. Khi sự tự phụ và kiêu ngạo của bạn giảm bớt, thì ảnh hưởng của những mê lầm cũng yếu đi. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng người đang đau đớn bởi bệnh phong hủi kinh niên không thể dùng thuốc một hay hai lần mà đẩy lui được bệnh, mà phải uống thuốc liên tục. Cũng thế, từ vô thủy tâm thức chúng ta đã thường xuyên bị những mê lầm trói buộc chặt chẽ. Làm sao chúng ta có thể hy vọng thoát khỏi chúng nếu chỉ thực hành một hai lần ? Làm thế nào có thể hy vọng chữa lành một bệnh tật chỉ bằng cách đọc một bản văn y học ?
Phật giáo Tây Tạng có bốn trường phái: Nyingma, Sakya, Geluk, và Kagyu. Là một sai lầm nếu cho là một trong những phái này siêu việt hơn những trường phái khác. Tất cả các phái đều tuân theo cùng một Đạo sư, là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đều kết hợp các hệ thống Kinh thừa và Mật thừa. Tôi cố gắng nuôi dưỡng một niềm tin và kính ngưỡng đối với tất cả bốn trường phái. Tôi hành xử như thế hoàn toàn không phải là một cử chỉ ngoại giao, mà do bởi một xác tín mạnh mẽ. Đó cũng là một nhiệm vụ mà ở địa vị Đạt Lai Lạt Ma, tôi phải biết đầy đủ về các giáo lý của bốn trường phái để có thể chỉ dẫn cho những người đến với tôi. Nếu khác đi, tôi giống như một bà mẹ không có đôi tay đành nhìn đứa con chết đuối. Có lần, một thiền giả phái Nyingma đến hỏi tôi về một thực hành nào đó mà tôi không rành rẽ. Tôi có thể gửi ông ta tới một Đạo sư vĩ đại có khả năng giải đáp vấn đề của ông, nhưng tôi cảm thấy buồn lòng rằng ông ta đã đến để khẩn cầu một sự chỉ dạy của tôi, và tôi đã không đáp ứng được ước muốn của ông ấy. Nếu ước muốn của người khác vượt quá khả năng đáp ứng của ta, thì đó là một chuyện, còn chừng nào nó nằm trong chính khả năng của ta, thì điều quan trọng là làm thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của càng nhiều chúng sinh thì càng tốt. Chúng ta phải nghiên cứu mọi phương diện của các giáo lý và phát triển sự ngưỡng mộ đối với chúng.
Chúng ta cũng không nên cho là Phật giáo Tây Tạng ưu việt hơn các hình thức khác của đạo Phật. Ở Thái Lan, Miến Điện và Tích Lan, các nhà sư có một lời nguyện chân thành khi thực hành giới luật tu viện, và không như các nhà sư Tây Tạng, họ còn giữ được tập quán đi khất thực đã được Đức Phật và các đệ tử của ngài thực hành từ 2500 năm trước. Ở Thái Lan tôi đã tham dự vào cuộc kinh hành của một nhóm nhà sư. Đó là một ngày nóng bức, và vì theo truyền thống thì kinh hành với chân không giày dép nên chân tôi thực sự bị phỏng dộp. Ngoài chuyện ấy ra, còn thì thật cảm hứng khi nhìn sự thực hành của các nhà sư Thái Lan.
Hiện nay nhiều người chỉ nhìn thấy sự tiêu cực trong sự thực hành của một truyền thống tâm linh hay tôn giáo. Họ chỉ để ý xem các tổ chức tôn giáo khai thác và lấy đi của cải của quần chúng như thế nào. Tuy nhiên, các sai lầm mà họ nhìn thấy không phải là những sai lầm của chính những truyền thống, mà là của những người tự nhận là tín đồ của những truyền thống đó, giống như những thành viên của những tu viện hay nhà thờ dùng những viện cớ tâm linh để làm lợi lạc cho bản thân bằng tổn phí của những tín đồ khác. Nếu bản thân các hành giả thiếu thận trọng thì sẽ làm hại lây tới tất cả những người chuyên tâm vào sự thực hành đó. Những toan tính sửa chữa các sai sót đã được thể chế hóa của các tổ chức thường bị hiểu lầm thành một cuộc tấn công vào truyền thống nói chung. Nhiều người kết luận rằng tôn giáo có hại và không thể giúp ích cho họ. Họ bác bỏ bất kỳ hình thức đức tin nào. Những người khác dửng dưng với sự thực hành tâm linh và hài lòng với lối sống thế gian của mình. Họ có những tiện nghi vật chất và không theo mà cũng không chống đối tôn giáo. Tuy nhiên tất cả đều bình đẳng ở điểm đều ước muốn bẩm sinh là đạt được hạnh phúc và tránh khỏi đau khổ.
Nếu chúng ta bỏ sự thực hành tâm linh, hay trong trường hợp này là bỏ sự thực hành Phật giáo thì chúng ta không còn tin tưởng vào định luật nghiệp báo nữa và sẽ không còn coi các bất hạnh của ta là kết quả của những hành động tiêu cực trong quá khứ. Các bất hạnh có thể được xem là những biểu hiện của sai lầm trong xã hội hay trong cộng đồng, hoặc như kết quả của hành vi của một người bạn. Rồi thì chúng ta đi đến chỗ đổ lỗi trách móc những người khác về những điều rất rõ ràng là lỗi lầm của chính chúng ta. Sự đổ lỗi, trách móc này sẽ củng cố thêm những thái độ quy-ngã, như sự luyến ái và oán ghét. Qua mối liên kết với những thái độ lầm lạc như thế, chúng ta trở nên vướng mắc với những thứ sở hữu của ta và bị bủa vây bởi tính hồ nghi hay ngay cả bệnh hoang tưởng.
Nhiều hành giả vĩ đại đã đi trên con đường Phật Pháp và hướng dẫn cuộc đời họ trên nền tảng của lòng từ ái và bi mẫn. Với những động lực như thế, ý hướng căn bản của bạn sẽ là sự làm việc cho lợi lạc của chúng sinh, và vì lợi ích của họ mà bạn nỗ lực nuôi dưỡng những tâm thái tích cực của mình.
Ở một vài nước phát triển, nhiều người thờ ơ với bất kỳ hình thức thực hành tâm linh nào là những người giàu có về vật chất, nhưng dù như thế họ vẫn hoàn toàn không hài lòng. Họ đau khổ vì muốn giàu có hơn nữa, đến nỗi mặc dù sung túc về vật chất nhưng họ lại nghèo nàn về mặt tinh thần. Chính khi họ nhận ra là mình không thể đạt được điều mà họ mong muốn thì sự rối loạn thực sự bắt đầu. Họ trở nên thất vọng và sự lo buồn phát sinh. Tôi đã trò chuyện với vài người bạn, họ rất giàu, nhưng bởi cách nhìn cuộc đời của họ thiên về vật chất nên họ miệt mài trong công việc. Họ không rảnh rỗi để dành cho một thực hành nào, nó có thể giúp cho họ có được một vài cách nhìn xa rộng hơn. Dần dà, họ thực sự đánh mất giấc mơ hạnh phúc, là cái mà tiền bạc đã phải lo liệu, cung cấp để thay thế.
Trong sự thực hành đạo Phật, mặc dù né tránh những nỗi đau khổ này, nhưng chúng ta quán xét chúng một cách thận trọng – những nỗi khổ của sự sinh ra, khổ của già lão, khổ của những biến đổi trong thể trạng, khổ của sự bất định trong đời này, và khổ của sự chết. Chúng ta nỗ lực, thận trọng khi suy nghĩ về chúng để khi thực sự đối diện với chúng thì chúng ta đã sẵn sàng. Khi chạm mặt cái chết, ta sẽ nhận ra rằng thời khắc của chúng ta đã đến. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không giữ gìn thân thể mình. Khi đau ốm, chúng ta dùng thuốc và cố gắng ngăn ngừa sự chết. Nhưng nếu cái chết là điều không tránh được, thì người theo đạo Phật sẽ chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta hãy để sang một bên trong chốc lát vấn đề đời sống sau khi chết, sự giải thoát, hay trạng thái Toàn giác. Ngay trong đời này, sự suy tưởng về Pháp và tin tưởng ở Pháp đã có những lợi lạc thực tiễn.
Chúng ta phải sử dụng tất cả các cơ hội để thực hành Chân lý, để tự cải thiện, thay vì chờ tới một lúc nào đó mà ta cho là mình sẽ bớt bận rộn. Như Gung-thang Rinpoche đã nói, các hoạt động của đời này giống như các gợn sóng trên mặt ao: khi gợn sóng này biến mất thì cái khác xuất hiện, không bao giờ chấm dứt. Các hoạt động thế gian không ngừng nghỉ cho tới khi chết; vì thế chúng ta phải nỗ lực tìm ra một khoảng thời gian trong mỗi ngày của đời mình để thực hành Pháp. Trong cơ hội này – khi ta đã có được thân người quý báu, đã gặp được Pháp và có một vài niềm tin ở nó – nếu chúng ta không thể đưa Pháp vào thực hành thì sự thực hành sẽ khó khăn hơn trong những đời sau, khi chúng ta không có được những điều kiện như vậy nữa. Giờ đây, chúng ta đã gặp được một hệ thống sâu xa như thế, trong đó toàn bộ phương pháp để đạt tới trạng thái Giác ngộ đều có thể tiếp thụ được, thì thật rất đáng buồn nếu chúng ta không nỗ lực làm cho Pháp có ít nhiều ảnh hưởng trên cuộc đời chúng ta.
minhquang (10-11-2015)
Toàn bộ Kinh điển Phật giáo đều cần thiết và thích hợp với một hành giả. Khi đang vẽ một bức thangka (một tranh cuộn của Phật giáo Tây Tạng), người nghệ sĩ phải thông hiểu tính chất cần thiết của mọi loại sơn. Nhưng điều đó chưa đủ; người ấy phải biết khi nào mỗi loại sơn được cần đến, trước tiên phác họa nét chính và sau đó thêm vào những màu sắc. Hiểu được sự phối hợp thực sự của chúng là điều tối quan trọng. Tương tự như vậy, chúng ta phải biết sự quan trọng của tất cả giáo lý Phật giáo cũng như chúng phải được thực hành vào lúc nào và thực hành ra sao. Khi những nhân tố này hiện hữu thì mọi che chướng và khó khăn gắn liền với sự thực hành của bạn tự nhiên bị tiêu trừ.
Khi nói về sự thực hành Pháp, tôi không có ý nói về việc từ bỏ mọi sự và đi vào ẩn thất cô tịch. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta nên tập trung sự tỉnh giác cao độ vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Dù ta đang ăn, ngủ hay làm việc, chúng ta nên liên tục kiểm soát các ý hướng của ta, kiểm soát thân, ngữ, tâm và các hành động của ta, ngay cả sự tiêu cực vi tế nhất. Hãy cố gắng phối hợp các hoạt động hàng ngày của bạn với một động lực bi mẫn. Hãy thấm nhuần những hành xử thuộc thân, ngữ và tâm của bạn bằng trí tuệ đạt được từ sự lắng nghe các giáo lý và từ sự thực hành. Nhưng nếu người nào có thể từ bỏ mọi sự và dâng hiến đời mình cho sự thực hành, thì người đó đáng được ngưỡng mộ.
Sự học hỏi thì giống như ánh sáng chiếu soi bóng tối của vô minh, và sự hiểu biết tích tập được là tài sản tối cao vì ngay cả kẻ trộm tài giỏi nhất cũng không thể lấy cắp được nó. Sự học hỏi là vũ khí tiêu diệt kẻ thù vô minh. Nó cũng như người bạn tốt nhất dẫn dắt ta qua mọi lúc gian nan của đời mình. Chúng ta có được những người bạn chân thật nhờ ta có một thiện tâm và không lừa dối mọi người. Những người chúng ta kết làm bạn khi ta có quyền lực, địa vị và ảnh hưởng là những người bạn chỉ dựa vào quyền lực, ảnh hưởng và địa vị của ta. Khi ta gặp điều bất hạnh và mất mát tài sản thì những người gọi là bạn này bỏ mặc chúng ta. Người bạn không thể sai lầm là sự học hỏi các giáo lý. Đây là một thứ thuốc không có các phản ứng phụ hoặc các nguy hiểm. Sự hiểu biết giống như đội quân hùng mạnh sẽ giúp ta đè bẹp những thế lực của những lỗi lầm của chính ta. Với sự hiểu biết đó chúng ta có thể tự bảo vệ để không phạm vào những ác hạnh. Danh tiếng, địa vị, và của cải có thể sinh ra từ sự hiểu biết của con người; nhưng chỉ có sự học hỏi và thực hành để tiệt trừ mê lầm là đem lại hạnh phúc bền vững của sự Giác ngộ.
Không có sự thông hiểu giáo lý thì những chứng ngộ sẽ tiếp nối theo sau. Các giáo lý chúng ta thọ nhận cần phải sống động. Khi chúng ta huấn luyện một con ngựa cho một cuộc đua thì phải huấn luyện trên cùng một loại đường chạy khi cuộc đua diễn ra. Tương tự như vậy, những chủ đề mà bạn nghiên cứu chính là những giáo lý bạn phải đưa vào thực hành. Việc học hỏi được thực hiện là để cho thực hành. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu bạn có thể thông hiểu những Kinh điển sâu rộng như lời chỉ dạy riêng cho bạn, thì bạn sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc thông hiểu các tantra cùng các bình giải của chúng như lời dạy riêng để đưa vào thực hành trên con đường đưa đến Giác ngộ. Điều này giữ cho chúng ta khỏi quan niệm sai lầm là có vài loại giáo lý không cần thiết cho thực hành và vài loại giáo lý chỉ cần thiết cho việc nghiên cứu có tính chất học giả.
Việc cúi lạy và chắp tay của bạn trước khi nhận lãnh giáo lý là một cách thức để đối trị tánh kiêu ngạo và tự cao. Đôi lúc bạn thấy một người ít hiểu biết Pháp hơn bạn nhưng họ lại có được ý thức khiêm tốn và kính trọng trổi vượt hơn. Nhờ hiểu biết Giáo Pháp, bạn phải khiêm cung hơn những người khác. Nếu bạn không như vậy thì bạn còn thấp thỏi hơn người kia. Vậy khi bạn học hỏi, hãy cố gắng kiểm soát tâm thái của riêng bạn và hợp nhất điều bạn học với cách thức bạn suy nghĩ. Nếu điều đó được thực hiện thì sẽ tới một giai đoạn bạn có thể thấy một vài loại kết quả, một vài biến đổi hay tác động trong tâm bạn. Đó là một biểu thị cho thấy bạn đang tiến bộ trong sự thực hành và mục đích của việc học hỏi đã được đáp ứng.
Chiến thắng các mê lầm vô minh là công việc của cả một đời người. Nếu chúng ta có thể dấn mình vào thực hành trong một cách thế bền bỉ, thì trải qua nhiều năm tháng chúng ta sẽ thấy một sự chuyển hóa trong tâm. Nếu ta tìm kiếm sự chứng ngộ tức khắc hay sự điều phục lập tức các tư tưởng và cảm xúc thì chúng ta sẽ trở nên mất can đảm và ngã lòng. Hành giả du già Milarepa ở thế kỷ thứ mười một, một trong những Đạo sư vĩ đại nhất của lịch sử Tây Tạng, đã sống nhiều năm như một con thú hoang dã và chịu đựng sự gian khổ ghê gớm để có thể thành tựu những chứng ngộ cao tột. Nếu chúng ta có thể hiến dâng thời gian và năng lực như thế thì ta có thể thấy được lợi lạc từ sự thực hành của mình còn nhanh chóng hơn nữa.
Chừng nào chúng ta có bất kỳ sự tin tưởng nào vào hiệu quả của các giáo lý, thì điều quan trọng là phát triển sự xác tín vào giá trị của việc thực hành ngay lập tức. Để tiến bộ trên con đường, điều cần thiết là có sự hiểu biết đúng đắn về con đường, và điều đó chỉ có thể đạt được bằng cách lắng nghe một giáo lý. Như vậy, bạn hãy phát triển một động lực để thành tựu trạng thái Toàn giác vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, và với động lực đó, hãy lắng nghe và đọc giáo lý này.
Hằng hà sa số chư Phật đã xuất hiện trong quá khứ, và chúng ta đã không có may mắn được gặp các Ngài. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời là để hóa độ chúng sinh trong thời đại suy thoái này. Ngài đã xuất hiện trong thế gian 2500 năm trước và từ đó đã chỉ dạy cho nhiều chúng sinh con đường giải thoát khỏi sự luân hồi đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta không có diễm phúc được gặp Ngài, được ở dưới sự dẫn dắt của Ngài, và vì thế còn bị sót lại với tâm thức chưa thuần thục và tầm thường. Đã có nhiều Đạo sư vĩ đại ở Ấn Độ và Tây Tạng thành tựu trạng thái Toàn Giác. Nhiều Đạo sư vĩ đại khác đã hoàn tất những chứng ngộ cao siêu, trong khi những vị Thầy khác mới chỉ xoay xở để đi vào con đường.
CHƯƠNG 2
ĐẠO SƯ
Ngày nay, các giáo huấn đã hiện diện trong nhiều thế kỷ, nhưng sự quan trọng của Pháp không nằm ở tính chất tương tục của nó trải qua một thời gian dài, mà nằm ở chỗ nó có hiện diện trong tâm ta hay không, có sống động trong những hành động của ta hay không. Nếu chúng ta chỉ thỏa mãn rằng giáo lý của Đức Phật vẫn còn hiện hữu trong thế gian thì Pháp có nguy cơ bị suy hoại vì sẽ không ai có đủ khả năng để nói về nó từ kinh nghiệm thực hành. Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 qua đời vào năm 1933, dân tộc Tây Tạng đã tự cô lập. Mặc dù sự biến chuyển lớn lao đang xảy ra ở những nơi khác trong thế giới, người Tây Tạng tự giam nhốt mình… Hiện nay Phật giáo Tây Tạng có thể bị hủy diệt vì sự phân hóa của người dân Tây Tạng, vì thế thực sự nỗ lực trong việc thực hành Pháp là điều hết sức quan trọng trong lúc này. Vào những thời điểm hệ trọng như thế, chính Đạo sư, vị Thầy, là người che chở và nâng đỡ ta. Chính Đạo sư là người khai mở cho ta những giáo lý mênh mông và sâu thẳm do chính Đức Phật lập nên, trong một phương cách thích hợp với tầm hiểu biết của chúng ta.
Mặc dù tất cả chư Phật đã tích cực làm việc cho sự lợi lạc của chúng sinh, nhưng chúng ta có thể hưởng được những lợi lạc như thế hay không thì tùy thuộc vào việc ta quan hệ với vị Thầy của mình thế nào. Đạo sư là cánh cửa duy nhất đi vào sự Giác ngộ vì ngài là vị Thầy sống mà ta có thể quan hệ trực tiếp. Gặp được một vị Thầy thì không đủ nếu ta không tuân theo chỉ dạy của ngài về sự thực hành và về cách sống cuộc đời mình. Nếu chúng ta may mắn gặp được những giáo lý này thì hầu như ta tránh được phần lớn những trở ngại chính khi ta thực hành Pháp. Vì vậy, thật quan trọng nếu ta làm cho phần đời còn lại của ta trở nên có ý nghĩa bằng cách tiến hành sự tu tập. Nếu chúng ta khởi sự từ bây giờ, thì rất có thể là ta sẽ có đủ năng lực để tiến bộ trong suốt con đường.
Sự thực hành theo bất kỳ con đường nào cần được đặt nền trên những giáo lý toàn diện và chính xác. Chúng ta phải xem xét thận trọng loại thực hành nào ta thích làm và loại giáo lý nào ta cần để tạo nền tảng cho sự thực hành. Đại học giả Tây Tạng Sakya Pandita (1182-1251) thường nói rằng người ta quá chăm chút những vấn đề thế gian như việc mua một con ngựa. Vì thế, khi chúng ta đã chọn sự thực hành Pháp, thì điều quan trọng là phải chọn lựa kỹ càng hơn nữa sự thực hành và vị Thầy, vì mục đích là đạt được Phật Quả, chứ không phải là sự truyền bá. Sự việc vị Thầy có đích thực hay không thì không tùy thuộc vào khả năng trích dẫn từ Kinh điển Phật giáo. Bạn cần phân tích lời nói và hành động của vị Thầy. Qua sự phân tích sâu sát thường xuyên, bạn sẽ có thể phát triển sự sùng kính sâu xa đối với vị Thầy đó.
Đạo sư Tây Tạng Po-to-wa (1031-1106) nói rằng khởi điểm của toàn thể con đường là học hỏi để nắm được lời chỉ dạy của vị Thầy, và như thế, mọi kinh nghiệm chứng ngộ tối thiểu và sự giảm bớt mê lầm ít ỏi nhất sẽ xảy đến như kết quả của những giáo lý của vị Thầy. Nếu chúng ta không thể điều hành các công việc của mình mà không nhờ tới sự hướng dẫn của một luật sư giỏi, thì không cần bàn tới tầm quan trọng của vị Thầy nếu ta đang đi theo một con đường không quen thuộc để đạt được Phật Quả.
Có những trường hợp những người rất thông minh, họ có vẻ hết sức linh lợi, nhưng khi chú tâm tới Pháp thì tâm trí họ trở nên tê liệt. Điều này cho thấy là họ không tích tập đầy đủ tiềm năng tích cực. Cũng có trường hợp những người rất thông minh và có sự hiểu biết Giáo Pháp uyên bác, nhưng sự hiểu biết này không ảnh hưởng được tâm thức họ. Họ không đem những gì họ biết vào thực hành. Trong bối cảnh này, vị Thầy hết sức quan trọng. Sự chứng ngộ cao cấp đặc biệt chỉ có thể có được nhờ sự dẫn dắt từng bước một của vị Thầy có kinh nghiệm chân xác. Vị Thầy trở nên một vai trò mẫu mực và nguồn hứng khởi cho sự thực hành của chúng ta. Ta có thể phát triển đức tin mạnh mẽ nhờ đọc các bản văn có liên quan tới sự thực hành lòng bi mẫn. Nhưng khi gặp được một con người bằng xương bằng thịt đã từng thực hành nó và là người có thể chỉ dạy cho ta sự thực hành lòng bi mẫn từ kinh nghiệm riêng của ngài, thì điều này còn gây cảm hứng chúng ta mãnh liệt hơn nữa.
Một vị Lạt ma có một vài thị giả hay người hầu thì không đủ để coi người đó là một vị Thầy. Có một khác biệt giữa một vị Thầy với một Tulku (hóa thân), hay một tái sinh của một Đạo sư đặc biệt trở lại cõi đời. Một số vị vừa là Lạt ma vừa là Tulku, một số là Tulku nhưng không là Lạt ma, và một số là Lạt ma chứ không phải Tulku. Trong cộng đồng Tây Tạng, các vị Tulku chiếm một địa vị cao. Nếu họ cũng không có các phẩm tính của một vị Thầy, thì vị trí của họ chỉ là địa vị xã hội. Trong xã hội Tây Tạng, và ngay cả ở Tây phương là nơi nhiều vị Lạt ma tới giảng dạy, khi người nào đó được gọi là Tulku thì người ta lập tức tôn kính họ. Còn những người khác thật sự là những hành giả nghiêm cẩn thì không được kính trọng nhiều, chỉ vì họ không có danh hiệu Tulku. Triết gia Phật giáo vĩ đại nhất của Ấn Độ là ngài Nagarjuna, ngài được tất cả các hành giả sau này coi như vị Thầy, mặc dù ngài chỉ có một cái tên, và chúng ta không thấy ghi lại là ngài có một đoàn tùy tùng hay thư ký riêng. Các vị Lạt ma Tây Tạng của ta có những danh hiệu dài và rất kêu, một số tên thật khó phát âm. Thật ra, không cần có một danh hiệu nào khác ngoài danh hiệu Tỳ kheo (vị tăng), đã được chính Đức Phật ban cho. Đây là một số trong những sai lầm lớn của xã hội Tây Tạng. Người Tây Tạng chúng ta không chú ý tới các chiếc y tu sĩ màu vàng thực sự được chính Đức Phật ban cho, mà thay vào đó, chú tâm tới những y phục được ban ra như một dấu hiệu đẳng cấp để làm cho người ta có vẻ cao quý. Sau này các vị Thầy Ấn Độ mang một loại mũ màu đỏ nhạt, và ở Tây Tạng, tín đồ theo các vị ấy lưu tâm tới chiếc mũ đỏ đó hơn là tới điều thực sự quan trọng. (…)
Tu sĩ vĩ đại Geshe Sang-pu-wa (thế kỷ thứ 12) có nhiều vị Thầy. Có lần, khi du hành từ miền đông Tây Tạng, ngài gặp một đệ tử cư sĩ đang ban các giáo lý. Geshe Sang-pu-wa đến nghe. Khi những người tùy tùng hỏi vì sao ngài cần phải nhận giáo lý từ một cư sĩ, thì Geshe Sang-pu-wa trả lời là ngài đã nghe được hai điều rất ích lợi. Vì Geshe Sang-pu-wa có thể phát triển lòng kính trọng và đức tin ở nhiều người nên việc ngài có nhiều vị Thầy không thành vấn đề đối với ngài. Những người như chúng ta có tâm thức chưa thuần thục, có thể nhìn thấy lỗi lầm nơi vị Thầy của mình và có xu hướng dễ dàng mất lòng tin. Chừng nào ta còn nhìn thấy lỗi lầm nơi vị Thầy, và chừng nào ta có xu hướng mất lòng tin bởi nhìn thấy các lỗi lầm cạn cợt bên ngoài và được phóng chiếu, thì tốt nhất là có ít Thầy thôi nhưng liên hệ với các ngài thật tốt. Nếu bạn không có vấn đề này thì bạn được tự do, càng có nhiều vị Thầy càng tốt.
Khi bạn nhìn vị Thầy như hiện thân của tất cả chư Phật và mong nương tựa vào ngài, niềm tin đó được đặt nền trên lòng kính ngưỡng. Khi bạn nuôi dưỡng đức tin nhờ sự nhận thức Đạo sư là nền tảng và gốc rễ của sự phát triển của bạn, thì đó là đức tin được đặt nền trên sự xác tín. Khi bạn phát triển đức tin vào vị Thầy bằng cách tuân thủ lời dạy của Thầy, nó được gọi là đức tin tha thiết. Nói chung, đức tin được coi là gốc rễ hay nền tảng của mọi tư tưởng thiện hạnh. Khi bạn có thể thấy vị Thầy của bạn ngang bằng với chính Đức Phật, thì bạn có thể tự ngưng việc nhìn thấy các lỗi lầm của vị Thầy và sẽ chỉ nhận ra những phẩm tính vĩ đại của ngài. Nhưng đức tin phải được đặt nền trên kinh nghiệm đã được thử thách và kiểm chứng. Vì thế, bạn nên nỗ lực bền bỉ và thận trọng để ngăn ngừa những nhận thức khiến cho bạn nhìn thấy lỗi lầm nơi vị Thầy, nó thực sự có thể là những phóng chiếu của chính bạn, và nỗ lực để nhìn thấy những phẩm tính vĩ đại trong vị Thầy. Có nói rằng mặc dù thực ra vị Thầy của bạn không thực sự là một vị Phật, nhưng nếu bạn coi vị Thầy đích thật là một vị Phật thì bạn sẽ có được cảm ứng như thể từ một Đức Phật thực sự. Trái lại, cho dù trong thực tế vị Thầy của bạn có thể là một vị Phật toàn hảo, nhưng nếu bạn không thể nhìn thấy ngài (có thể nam hay nữ) theo cách thế đó, thì bạn sẽ nhận được sự cảm ứng của một con người bình thường.
Hiện nay, trong thời đại suy thoái này, các guru (Đạo sư) làm việc thay mặt cho tất cả chư Phật và Bồ Tát để giải thoát mọi chúng sinh khỏi vòng luân hồi đau khổ. Trong nhiều tantra có tiên đoán rằng trong thời đại suy thoái, Đức Phật sẽ xuất hiện ở thế gian trong thân tướng guru. Và trong thời đại suy thoái, lòng bi mẫn của các ngài phải làm việc trong một cách thế mạnh mẽ hơn nữa, điều này có thể gây bối rối cho những người nghĩ rằng lòng bi mẫn phải có hình thức quy ước nào đó. Nếu chúng ta không cảm thụ được giáo huấn và lòng bi mẫn của Đức Phật, thì không vị Thầy nào có thể giúp đỡ đắc lực cho ta được. Nhưng đức tin và sự xác tín sẽ khai mở cho chúng ta năng lực của chư Phật, lòng bi mẫn mãnh liệt của các ngài hướng tới mọi chúng sinh không ngoại trừ ai. Tình thương đó bao gồm cả các bạn và tôi.
Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)