DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 4/6 ĐầuĐầu ... 23456 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 31 tới 40 của 58
  1. #31
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Các hành động cuối cùng trong ba hành động tiêu cực của thân là tà dâm, là việc giao phối được thực hiện với một người không thích hợp, ở một bộ phận thân thể không thích hợp, vào một thời gian không thích hợp, ở một nơi chốn không thích hợp, hay ngược lại ý muốn của người khác – dĩ nhiên là gồm cả việc hãm hiếp. Đối với một người đàn ông, các người nữ không thích hợp bao gồm mẹ của mình, vợ hay bạn gái của ai khác, các gái điếm được trả tiền nhất thời bởi người nào khác, các thân quyến của mình, hay các người nữ đã thọ giới, như các ni cô. Cũng gồm cả những người nam khác. Các bộ phận thân thể không thích hợp là hậu môn và miệng. Các nơi không thích hợp là chung quanh trụ xứ của vị Thầy của mình hay gần một stupa (tháp) hoặc trong một thánh điện, hoặc trước sự hiện diện của cha mẹ mình. Thời gian không thích hợp đối với một người nam là khi người nữ có kinh nguyệt, khi họ có thai, và lúc họ đang đau đớn bởi một bệnh tật mà sự giao hợp sẽ làm bệnh tệ hơn. Nếu một người đàn ông thực hiện sự giao hợp trong những cách thức này, ngay cả với vợ của mình, thì điều đó được gọi là tà dâm. Nói chung sự tà dâm được thực hiện bởi sự tham muốn, nhưng người ta cũng có thể làm như thế bởi lòng sân hận, như khi một người ngủ với vợ của một kẻ thù. Cũng thỉnh thoảng nó được thực hiện do sự vô minh, cho rằng qua sự giao hợp người ta có thể đạt được các chứng ngộ vĩ đại. Hành động tiêu cực của sự tà dâm có thể chỉ bị mắc phạm bởi chính mình, và hành động được tạo nên rõ ràng khi hai cơ quan sinh dục giao tiếp.

    Bốn hành động tiêu cực kế tiếp là các hành vi thuộc lời nói. Đầu tiên là sự nói dối. Việc này bao gồm sự nói nghịch lại điều gì người ta đã thấy, nghe, hoặc biết là sự thật. Việc nói dối có thể được thúc đẩy bởi sự tham lam, sân hận, hay si mê. Ý định là làm lầm lạc người khác, và nó có thể được thực hiện bằng cách nói hay gật đầu hoặc ra hiệu bằng tay. Bất kỳ hành động nào được làm vì ý định làm mê lầm người nào đó tạo nên tà hạnh nói dối. Nếu người khác nghe nó, điều đó tạo nên sự trọn vẹn của hành động này.

    Kế tiếp là nói chia rẽ. Ý định là gây sự chia rẽ giữa bằng hữu hay những người trong cộng đồng tâm linh vì lợi lạc của riêng mình hay vì lợi lạc của người khác. Dù người ta có thành công trong việc gây chia rẽ hay không, thì giây phút người khác nghe lời nói chia rẽ, điều đó tạo thành sự trọn vẹn của hành động này.

    Kế tiếp là sự nói xấu. Ý định là nói ác, và hành vi sẽ trọn vẹn khi những lời nói xấu được người nào nghe thấy. Nói xấu bao gồm sự sỉ nhục người khác, nói về lỗi lầm của họ, dù đúng hay không đúng; nếu người ta làm điều này để làm hại người khác, thì đó là sự nói xấu.

    Kế tiếp là nói tầm phào vô nghĩa. Đó là nói lông bông không có mục đích gì, và nó có thể được thúc đẩy bởi bất kỳ một thứ nào trong ba độc. Ý định chỉ là nói chuyện phiếm không có bất cứ lý do nào, hoàn toàn nói tầm phào không có mục đích. Việc tiến hành của hành động này không cần tới một người thứ hai. Bạn không cần một người cùng tham dự; bạn có thể làm việc này bằng cách nói chuyện với chính mình. Nói tầm phào vô ích gồm cả nói về chiến tranh, lỗi lầm của người khác, hay tranh luận chỉ vì lý lẽ. Nó cũng bao gồm việc đọc các sách không cần thiết do sự tham muốn.

    Cuối cùng, có ba hành động tiêu cực của tâm, hành động thứ nhất là sự tham muốn. Đối tượng của sự tham muốn là các vật sở hữu thuộc về người khác. Sự mê lầm thúc đẩy lòng tham muốn có thể là bất kỳ cái nào trong ba độc – tham, sân, hay si. Việc làm trọn vẹn tà hạnh này đòi hỏi năm yếu tố: sự tham muốn mạnh mẽ đối với vật sở hữu của người khác, lòng ham muốn tích lũy của cải, sự ham muốn của cải của người khác, sự ham muốn mình có được của cải của người khác, và không thấy cái hại trong việc ham muốn vật sở hữu của người khác. Nếu có đầy đủ năm yếu tố này, thì khi người nào ham muốn điều gì, nó sẽ làm trọn vẹn việc thực hiện của hành động thuộc tâm thức này.

    Kế tiếp là ý định xấu, nó tương tự việc nói ác. Ý định là làm thương tổn người khác hay nói ác hoặc hy vọng rằng những người khác sẽ chịu bất hạnh và thất bại trong các hoạt động của họ. Một khi ta mê say trong những tư tưởng như thế, thì kết quả hay sự trọn vẹn là bạn đánh đập người ấy hoặc trong tâm có ý định làm như thế. Việc này cũng đòi hỏi năm yếu tố: đó là ta có – như một động lực nền tảng – sự oán ghét hay sân hận, ta thiếu sự nhẫn nhục, ta không nhận thức các lỗi lầm của sự sân hận, ta thực sự có ý định làm hại người khác, và ta không nhận thức được các lỗi lầm của ý định xấu đủ để làm đầy tràn ý đồ tai hại của mình. Chỉ ước muốn người khác sẽ bị đau khổ đã là một ý định xấu.



  2. #32
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Điều cuối cùng trong mười hành động tiêu cực là những tà kiến hay những quan điểm sai lầm trong đó ta phủ nhận sự hiện hữu của những sự việc thật sự hiện hữu. Nói chung có bốn loại tà kiến: các tà kiến đối với nguyên nhân, đối với hậu quả, đối với chức năng của một sự việc, và đối với sự hiện hữu của một sự việc. Tà kiến đối với nguyên nhân là tin rằng không có hành động theo nghiệp báo; đối với hậu quả là tin rằng những hành động nào đó không có kết quả; đối với chức năng là nghĩ rằng trẻ con không do cha mẹ chúng sinh ra và các hạt giống không tạo ra các kết quả của chúng, và cũng cho rằng không có đời trước hay đời sống sau khi chết. Loại tà kiến thứ tư là tà kiến đối với các sự việc hiện hữu – sự tin tưởng do bởi vô minh và lòng tham muốn là các đấng Giác ngộ, Niết bàn, và Tam Bảo không hiện hữu. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng mặc dù có nhiều loại tà kiến, những tà kiến này thực sự cắt đứt căn nguyên tích tập đức hạnh của con người và do đó thúc đẩy cá nhân đó miệt mài trong các hành động tiêu cực không có bất kỳ sự kiềm chế nào. Vì vậy, các tà kiến về Tam Bảo và định luật nhân quả được nói là những tà kiến lớn nhất trong các tà kiến.

    Chúng ta cũng nên lưu tâm tới sự trầm trọng tương đối của các hành động tạo nghiệp. Khi hành vi được thúc đẩy bởi những mê lầm hết sức mãnh liệt thì hành vi đó được nói là rất nghiêm trọng. Cách thức hành vi thực sự được thực hiện cũng quyết định sức nặng của nghiệp. Ví dụ, nếu một hành động giết người được mắc phạm với sự vui thích to lớn, trước tiên là tra khảo nạn nhân và sau đó nhạo báng, sỉ nhục họ, việc đó được cho là hết sức nghiêm trọng bởi tính cách phi nhân trong việc người đó hay chúng sinh bị giết. Nếu tâm kẻ sát nhân không có lương tri hay sự hổ thẹn, bấy giờ do hắn không có các lực lượng chống lại nên tà hạnh sát sinh hết sức nghiêm trọng. Nếu hành động sát sinh của bạn bị thúc đẩy bởi sự vô minh, như làm một lễ tế thần, cho rằng việc sát sinh này thực sự là một hành vi tôn giáo và nó không tạo thành một hành động tiêu cực, thì điều này được cho là rất nghiêm trọng.

    Nói chung, bạn càng hoàn thành trọn vẹn những hành động tiêu cực nào đó, thì hành vi càng trở nên nghiêm trọng. Sức nặng của nghiệp cũng tùy thuộc vào người tiến hành hành động. Nếu bạn hồi hướng công đức của bạn cho sự lợi lạc của chúng sinh vì mục đích thành tựu sự Giác ngộ, điều đó được coi là có hiệu lực hơn, trong khi đó, nếu nó được hồi hướng vì những mục đích thấp hơn, thì sẽ được coi là ít hữu hiệu. Điều này cũng được áp dụng cho hành vi tiêu cực; động lực của các mê lầm càng mạnh mẽ thì hành động theo nghiệp lực càng mạnh, và trong tất cả những mê lầm này, sự sân hận được coi là mạnh mẽ nhất. Chỉ một phút chốc sân hận đối với một vị Bồ Tát sẽ hủy diệt tất cả những đức hạnh bạn đã tích tập trong hàng ngàn kiếp.

    Hậu quả của những hành động tiêu cực cũng được đặt nền trên cường độ của những mê lầm thúc đẩy chúng. Cũng có những hậu quả tương ứng với nguyên nhân. Ví dụ, do tội sát sinh, ngay cả khi đã tái sinh trong đời sống ở các cõi thấp, người ta được tái sinh làm người, nhưng đời người ấy sẽ ngắn ngủi. Do ăn cắp, người ta sẽ thiếu thốn của cải vật chất, kết quả của việc tà dâm là người ta sẽ có một người vợ rất không chung thủy, kết quả của lời nói thô ác là người ta sẽ sỉ nhục bạn, kết quả của lời nói gây chia rẽ là sẽ có sự bất hòa trong bạn bè v.v… Kết quả của việc sát sinh trong một đời trước, ngay cả khi làm người, người ta sẽ có sự thúc đẩy theo bản năng và thích thú trong việc sát nhân. Cũng có những kết quả có tính chất môi trường, chúng cùng chín mùi hơn nữa đối với một tập thể. Ví dụ, do kết quả của việc sát sinh, người ta sẽ phải sống ở một nơi mùa màng không thật tốt, sự thu hoạch không phong phú, vùng đất rất khô cằn, khí hậu không thật trong lành, đầy rẫy các loại cây và gai độc. Là hậu quả có tính chất môi trường của việc trộm cắp, một người chủ trại sẽ không có những mùa màng thành công. Kết quả theo môi trường của các tà kiến là người ta sẽ không có sự che chở và không có nơi quy y (nương tựa).

    Nếu như kết quả của giới hạnh, người ta kềm chế không đắm mình trong những hành động tiêu cực này và quyết định không mê đắm trong chúng, thì điều đó tạo nên sự tích tập các hành động tích cực. Tuy nhiên, nếu ta không có khả năng hay năng lực để mê say trong những hành động tiêu cực, điều đó không có nghĩa là ta đã tích tập các thiện hạnh; thiện hạnh chỉ có thể được tích tập khi ta có khả năng hay năng lực để làm các hành động tiêu cực này nhưng ta không làm do kềm chế theo giới luật.

    Một số hành động được tạo tác nhưng không làm một cách cố ý, như những việc ngộ sát, sát sinh trong giấc mộng, hay làm điều gì nghịch lại ý muốn của ai. Trong những trường hợp này hành động được tạo tác nhưng không tích tập nghiệp quả; hành động tạo nghiệp không trọn vẹn, vì thiếu yếu tố quan trọng là ý định. Trái lại, nếu bạn ép buộc người nào phạm một tà hạnh nhân danh bạn thì bạn sẽ tích tập nghiệp xấu.



  3. #33
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Kết quả của một hành động có thể chín mùi trong đời này hay ngay trong đời kế tiếp hoặc sau một khoảng cách nhiều đời. Một số hành động hết sức nghiêm trọng, được thực hành do sự vô minh hay sân hận dữ dội, ta được biết là trầm trọng đến nỗi chúng tạo ra kết quả ngay trong đời này. Đó cũng là trường hợp của một số hành động tích cực; nếu bạn có lòng đại bi đối với chúng sinh, nếu bạn có sự quy y mạnh mẽ nơi Tam Bảo, và nếu bạn đền đáp thiện tâm của Đạo sư và cha mẹ bạn, thì kết quả của những hành động này được biết là rất mạnh mẽ khiến chúng sẽ bắt đầu chín mùi trong đời này.

    Việc có được thân người là kết quả chính yếu của sự giữ giới hạnh trong sạch và kiềm chế đối với mười ác hạnh. Tuy nhiên, để có một thân người được phú cho những điều kiện sẽ trợ giúp cho tiến trình trên con đường của ta, thì phải cần tới những yếu tố khác. Chúng gồm có một cuộc đời trường thọ để hoàn tất sự thực hành Pháp. Nó cũng giúp cho một thân thể tráng kiện, đẹp đẽ và khỏe mạnh cũng như sinh trong một gia đình được tôn kính, vì khi đó bạn dễ dàng thâu phục sự kính trọng to lớn của mọi người và có ảnh hưởng mạnh mẽ. Các yếu tố khác được đề cập trong các bản văn là có lời nói đáng tin cậy cùng một thân thể và tâm thức đầy năng lực khiến bạn không dễ bị tổn thương bởi những chướng ngại. Với một hình tướng thu hút, cái nhìn đơn sơ của bạn sẽ lôi cuốn các đệ tử và khiến cho họ có đức tin to lớn nơi bạn không chút khó khăn. Xuất thân từ một gia đình được tôn kính, mọi người sẽ nghe bạn và chú ý tới sự chỉ dạy của bạn. Bạn sẽ có thể tập họp được nhiều người dưới ảnh hưởng của bạn bằng cách bố thí vật chất cho họ, và bạn sẽ khiến cho người khác lãnh hội điều bạn nói là chân thật do lời nói đáng tin cậy của bạn. Bất kỳ điều gì bạn nói ra sẽ nhanh chóng thành tựu như bạn mong muốn, giống như khi một vị vua ban ra một sắc lệnh. Bạn sẽ không sợ hãi hay xấu hổ khi giảng dạy Pháp cho một số đông người, và sẽ có ít các trở ngại khi thực hành Pháp. Nhờ có một thân thể và tâm thức đầy năng lực, bạn sẽ có thể chịu đựng sự gian khổ lớn lao về thể xác, và sẽ không có bất kỳ sự ân hận hay thất vọng nào trong việc hoàn thành mọi mục đích của riêng bạn hay của những người khác.

    Mỗi một phẩm tính khác nhau có một nguyên nhân đặc biệt theo nghiệp quả. Nguyên nhân của một đời sống trường thọ thì luôn luôn là có một thái độ giúp đỡ, vị tha, không bao giờ làm hại người khác. Nguyên nhân của một thân thể tráng kiện, khỏe mạnh là sự bố thí quần áo mới cho người khác và kiềm chế tánh cáu giận của bạn. Sự sinh ra trong một gia đình được kính trọng là kết quả của tánh luôn luôn khiêm tốn, không bao giờ kiêu ngạo, và coi mình như một đầy tớ đối với vị Thầy và cha mẹ của mình. Nguyên nhân của sự giàu có là bố thí vật chất cho người nghèo, và nguyên nhân của lời nói đáng tin là sự tự chế đối với các ác hạnh của ngôn ngữ. Sự có ảnh hưởng lớn lao là kết quả của việc cúng dường Tam Bảo, cha mẹ, các vị Thầy v.v… Có được một thân thể và tâm thức đầy năng lực là kết quả của việc bố thí đồ ăn thức uống cho người khác. Nếu bạn tích tập những nguyên nhân này, bạn sẽ thành tựu được đời người hiếm có với những phẩm tính trên.

    Nếu bạn giải đãi và không suy nghĩ nghiêm túc về định luật nghiệp quả, thì đôi khi bạn có thể có cảm tưởng là hiện tại bạn không tích tập bất kỳ hành động tiêu cực nào và cho rằng mình là hành giả lỗi lạc. Nếu chúng ta phân tích những tư tưởng và hành động của mình sâu sắc hơn, ta sẽ thấy rằng chúng ta đang nói năng vô ích, làm tổn hại người khác, hay dấn mình vào sự ham muốn mỗi ngày. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng quả thật chúng ta thiếu yếu tố đầu tiên là sự thâm tín rất cần thiết để thực sự tuân theo định luật nghiệp quả. Chúng ta cần nhận ra kẽ hở giữa sự thực hành Pháp và phương cách chúng ta đang sống cuộc đời mình vào lúc này. Để đóng kín kẽ hở, bạn hãy hợp nhất sự hiểu biết về định luật nhân quả với các hành động của bạn. Nếu bạn thấy có khả năng nguy hiểm trong cách thức bạn suy nghĩ và hành động thì bạn sẽ nuôi dưỡng liên tục quyết định sửa đổi những tư tưởng và hành vi của bạn.

    Ngài Tsong-kha-pa nói rằng mặc dù chúng ta nên làm một nỗ lực to lớn để không bao giờ mê đắm trong những hành động tiêu cực này nữa, nhưng do một sự kết giao lâu dài với những vô minh, đôi khi chúng ta nhận ra chính chúng ta đã mắc phạm chúng một cách thiếu kiểm soát. Chúng không nên bị bỏ mặc không được chú ý tới. Đúng đắn hơn, chúng ta nên thực hành các kỹ thuật tịnh hóa mà chính Đức Phật đã khuyên dạy. Ngài nói rằng nhờ thực hành bốn năng lực đối nghịch, chúng ta sẽ có khả năng tịnh hóa sự tiêu cực đã từng mắc phạm và sẽ có thể chiến thắng nó. Trước tiên là năng lực của sự hối hận. Nhờ suy nghĩ về sức nặng của hậu quả do những hành động tiêu cực, từ tận đáy lòng, chúng ta nên phát triển một cảm thức hối hận sâu sắc đối với những hành động đã phạm. Thứ hai là năng lực của sự tịnh hóa. Điều này có thể được hoàn thành qua nhiều loại kỹ thuật, gồm có sự trì tụng, tưởng nhớ, và đọc Kinh điển, tô tạo hình tượng Phật, cúng dường, và đọc tụng danh hiệu chư Phật. Các kỹ thuật tịnh hóa này phải được thực hiện cho tới khi bạn thấy các dấu hiệu và biểu thị của sự thành công trong thực hành tịnh hóa của bạn. Các dấu hiệu này gồm có những giấc mơ thấy bạn ói mửa, mơ thấy uống sữa hay sữa đông, thấy mặt trời và mặt trăng trong một giấc mộng, mơ thấy bay hay thấy lửa cháy, thấy chế ngự những con trâu, hay thấy những người mặc áo choàng đen, mơ thấy tăng ni, thấy leo lên đồi, và mơ thấy nghe giáo lý. Đây là những dấu hiệu của sự thành công trong việc thực hành tịnh hóa của bạn.



  4. #34
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Thứ ba là năng lực của sự quyết định không làm ác hạnh trong tương lai. Nếu bạn có năng lực quyết định và tự chế không phạm vào mười ác hạnh, thì bạn sẽ không chỉ có khả năng tịnh hóa những tiêu cực của riêng mười ác hạnh, mà bạn cũng sẽ có khả năng tịnh hóa những vô minh và các dấu vết do chúng để lại. Nếu năng lực quyết định của bạn rất cạn cợt, thì sự thực hành tịnh hóa của bạn cũng sẽ cạn cợt. Năng lực cuối cùng là thiền định về sự quy y Phật, Pháp và Tăng và sự phát triển ước muốn trở nên Giác ngộ vì tất cả chúng sinh.

    Nếu một hành động tiêu cực bị mắc phạm và để lại sự bất tịnh thì sẽ có tiềm năng gây nên sự tái sinh trong các cảnh giới thấp của sinh tử. Các hành động tiêu cực chỉ có thể được hoàn toàn tịnh hóa trong ý nghĩa rằng tiềm lực của chúng sẽ hoàn toàn bị tiêu hủy, hoặc tiềm lực của chúng tạo nên sự tái sinh ở các cõi thấp sẽ bị tiêu hủy nhưng chúng có thể biểu lộ như những cơn nhức đầu không đáng kể trong đời này. Đó là vì, mặt khác, bất kỳ hành động tiêu cực nào tạo nên các hậu quả trong một thời gian dài có thể được kinh nghiệm trong một thời gian ngắn. Các kết quả này phụ thuộc vào việc hành giả có khéo léo trong sự thực hành tịnh hóa hay không, bốn năng lực có đầy đủ hay không, và cũng tùy thuộc sự thực hành của hành giả mạnh mẽ ra sao và sự thực hành tịnh hóa này được thực hiện bao lâu.

    Trong một số trường hợp tiềm lực của hành nghiệp bị tiêu hủy; trong các trường hợp khác nó có thể hiển lộ trong những kinh nghiệm nhẹ hơn. Bạn không nên cho rằng điều này mâu thuẫn với sự trình bày trong các Kinh điển là một khi các hành nghiệp đã bị mắc phạm sẽ không bao giờ tiêu mất năng lực của chúng ngay cả trong một trăm kiếp. Điều này có nghĩa là nếu một khi đã mắc phạm các hành nghiệp và chúng để lại dấu vết, thì chúng sẽ không bao giờ mất đi năng lực của chúng chỉ do bởi thời gian. Không có hành động nào không thể được tịnh hóa. Sự tịnh hóa tiêu hủy tiềm năng của các hành nghiệp tiêu cực trong cùng cách thế mà các hành động tích cực mất đi tiềm năng của chúng do sự phát sinh lòng sân hận. Nhưng Đức Phật đã nói rằng không bao giờ bạn có thể tịnh hóa được một hành động nghiệp một khi nó đã sinh ra kết quả. Ví dụ như các kinh nghiệm tiêu cực chúng ta có trong đời này là hậu quả của các hành động tiêu cực đã mắc phạm trong quá khứ – những hành động đã từng xảy ra; không có cách nào khiến bạn có thể tịnh hóa chúng.

    Ngài Tsong-kha-pa nói rằng vì các hành động tích cực có thể mất đi tiềm năng của chúng do sự phát khởi của những yếu tố đối nghịch, như sự sân hận, chúng ta không chỉ hết sức thận trọng khi tích tập đức hạnh mà cũng nên thận trọng tương tự như vậy để giữ gìn những đức hạnh một khi đã tích tập chúng. Điều này được thực hiện nhờ sự hồi hướng công đức của ta cho sự thành tựu Giác ngộ với mục đích đạt được Phật Quả. Có nói rằng một khi bạn đã hồi hướng công đức của bạn cho sự thành tựu vì mục đích như thế, thì cho đến khi bạn hoàn thành được mục đích đó, thiện hạnh mà bạn đã tích tập sẽ không bao giờ mất đi tiềm lực của nó. Giống như ký gửi tiền của bạn trong một nhà băng thì kẻ trộm không lấy cắp được – trong trường hợp này kẻ trộm là sự sân hận, tham muốn hay vô minh.

    Mặc dù nhờ sự thực hành các đối lực đúng đắn, chúng ta có thể tịnh hóa toàn bộ các tiêu cực và tiêu hủy tiềm lực đem lại những hậu quả không đáng ao ước của chúng, nhưng trước hết, thật đơn giản, tuyệt hảo là đừng nên mắc phạm những hành động tiêu cực này. Vì vậy, ngay từ lúc đầu, tốt hơn là không bao giờ mê đắm trong chúng, không bao giờ làm ô nhiễm tâm bạn với những hành động tiêu cực như thế. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng tương tự như người bị gãy một chân; về sau chân được chữa khỏi, nhưng so với một chân chưa bao giờ bị gãy thì rất khác biệt.



  5. The Following User Says Thank You to lamebay For This Useful Post:

    choconxauxi (10-19-2015)

  6. #35
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Một số người có thể nghĩ rằng vì trong những Kinh điển khác, sự thành công và các lợi lạc của cuộc đời trong sinh tử này được mô tả như những cái phải né tránh và từ bỏ, sẽ không thích hợp với một hành giả khi ước muốn những hình thức hiện hữu thuận lợi, bởi nó cũng là một đời sống trong sinh tử. Đây là một thái độ hết sức sai lầm. Khi chúng ta nói về các mục đích thì có hai loại: các mục đích nhất thời và mục đích tối hậu. Các mục đích nhất thời bao gồm sự có được thân người quý báu ở đời sau. Trên căn bản của một thân người quý báu như thế, bạn có khả năng thực hiện sự thực hành Pháp của bạn để cuối cùng có thể hoàn thành mục đích tối hậu của bạn là thành tựu Giác ngộ. Mặc dù đối với một hành giả Đại thừa, mục đích tối hậu là làm việc để thành tựu sự Toàn Giác vì chúng sinh, nhưng cũng rất cần thiết đối với một hành giả ước muốn có một tái sinh thuận lợi trong tương lai, như đời sống con người, để họ (nam hay nữ) có thể tiếp tục thực hành. Ngài Shantideva nói rằng đời người quý báu nên được xem như một chiếc thuyền nhờ đó người ta có thể vượt qua đại dương sinh tử. Để hoàn thành mục đích tối hậu là thành tựu trạng thái Toàn Giác, bạn phải có được thân người quý báu trong nhiều đời. Nguyên nhân nền tảng của sự thành tựu các hình thức tái sinh quý báu như thế là sự thực hành giới hạnh.

    Đối với đa số, khi đã phát triển ước muốn thực hiện sự thực hành Pháp thì thật là khó khăn khi hoàn toàn từ bỏ thế giới. Loại hành giả tốt nhất từ bỏ đời sống thế gian và dành phần đời còn lại của họ trong một thực hành cô tịch, đơn độc. Điều này thực sự đáng tán thán và có lợi lạc to lớn, nhưng đối với đa số chúng ta thì thật là khó khăn khi thực hiện một thực hành như thế. Bạn cũng phải nghĩ về cuộc đời của riêng bạn và cũng làm việc trong cộng đồng và phụng sự mọi người. Bạn không nên hoàn toàn bận tâm với những hoạt động thế gian; bạn cũng phải dùng rất nhiều năng lực và thì giờ cho sự thực hành Pháp nhằm mục đích có đời sau tốt đẹp hơn. Bạn bắt đầu nhận ra rằng so với số phận tương lai của bạn thì các công việc của đời này không quan trọng bằng.

    Nhờ sự quy y và sống trong định luật nghiệp báo, nỗ lực từ bỏ các hành động tiêu cực và tích tập các hành động tích cực, bạn có thể được hưởng một tái sinh thuận lợi trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta đừng chỉ bằng lòng với điều đó, vì sự tái sinh thuận lợi ấy là một nơi chốn trong sinh tử, có bản chất là đau khổ. Đúng hơn, chúng ta nên nuôi dưỡng nhận thức rằng mỗi hình thức hiện hữu trong vòng sinh tử này có bản chất là đau khổ. Từ vô thủy, chúng ta có sự bám luyến theo bản năng vào vẻ hào nhoáng phồn vinh của sinh tử, và chúng ta chưa bao giờ có thể nhận thức được những lạc thú của sinh tử thật sự là gì: đó là những đau khổ đích thật. Chừng nào các tù nhân không biết rằng họ đang ở trong nhà tù và không nhận thức được rằng thật khó khăn và đau khổ khi chịu đựng cuộc sống của người tù, thì họ sẽ không phát triển bất kỳ ước muốn chân thực nào để tự giải thoát khỏi tù ngục.

    Bạn không nên có quan niệm sai lầm rằng Phật giáo bi quan. Đúng hơn, nó hết sức lạc quan, vì mục đích của mỗi cá nhân là sự Toàn Giác, nó đem lại một hạnh phúc tuyệt đối và bền vững. Phật giáo nhắc nhở chúng ta rằng điều này là có thể đối với hết thảy mọi người. Những lạc thú của sinh tử có vẻ đáng ưa thích nhất thời, nhưng chúng không bao giờ có thể thỏa mãn chúng ta dù chúng ta hưởng thụ chúng bao lâu chăng nữa, và chúng không đáng tin vì là đối tượng của sự biến dịch. Trái nghịch với an lạc và hạnh phúc của Niết Bàn – là cái gì tối hậu, thường hằng, và vĩnh cửu – những lạc thú và hạnh phúc này trong sinh tử trở nên vô nghĩa.



  7. The Following User Says Thank You to lamebay For This Useful Post:

    choconxauxi (10-19-2015)

  8. #36
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    CHƯƠNG 8

    BỐN SỰ THẬT


    Để xây dựng một ước nguyện kiên cố muốn giải thoát khỏi vòng sinh tử, chúng ta phải khảo sáùt điều kiện của ta và xem xét các lý do chúng ta muốn được giải thoát. Điều trước tiên cần nhận thức là thân xác và tâm thức chúng ta bị quy hướng về sự đau khổ. Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) – giáo lý đầu tiên của Đức Phật – đề cập tới vấn đề này một cách trực tiếp. Những sự thật này là sự thật về đau khổ (Khổ đế), sự thật về căn nguyên của đau khổ (Tập đế), sự thật về việc chấm dứt đau khổ (Diệt đế), và sự thật về con đường dẫn tới sự chấm dứt đau khổ (Đạo đế). Quyết định của Đức Phật khi giảng dạy những sự thật trong chuỗi tiếp nối này có ý nghĩa to lớn đối với sự thực hành của chúng ta. Để nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc nhận thức rằng điều chúng ta thường coi là hạnh phúc thực ra là sự đau khổ, trước tiên Đức Phật đã dạy sự thật về đau khổ.

    Khi nhận thức rằng bạn đã rơi vào một đại dương của đau khổ, bạn sẽ phát triển ước muốn được giải thoát khỏi nỗi khổ đó, và vì mục đích đó, trước hết bạn sẽ nhận ra rằng cần phải tiệt trừ căn nguyên của đau khổ. Khi tìm kiếm căn nguyên của đau khổ, bạn tìm thấy những vô minh và các hành động gây nghiệp. Rồi bạn sẽ có thể nhận thức được rằng vòng sinh tử và những đau khổ của nó được tạo ra bởi những hành động nghiệp của chính bạn, chúng lần lượt bị thúc đẩy bởi những vô minh, được cắm rễ sâu trong sự tin tưởng sai lầm về sự vững chắc hay hiện hữu bẩm sinh của bản ngã. Nếu phân tích cách chúng ta nghĩ về bản ngã như thế nào, ta sẽ nhận ra rằng chúng ta có khuynh hướng cho là nó hiện hữu tự bản chất, độc lập với tâm thức và thân xác. Tuy thế, khi ta cố gắng định vị nó, thì nó tránh né chúng ta. Đức Phật dạy rằng cái ngã như thế không hiện hữu và niềm tin của ta nơi một bản ngã độc lập là nguyên nhân chính yếu của mọi đau khổ.

    Trong nhiều miền đất khác nhau, một nhóm người không chấp nhận có bất kỳ đời sống nào sau cái chết và một nhóm thì chấp nhận là có. Những người chấp nhận có đời sống sau cái chết có thể được chia làm hai nhóm: một nhóm quả quyết rằng những vô minh và ô nhiễm của tâm thức có thể được tiệt trừ và tịnh hóa, trong khi nhóm kia tin rằng chúng không thể. Nhóm sau xác quyết rằng chừng nào tâm thức còn đó thì không bao giờ chúng ta có thể tịnh hóa và tách lìa tâm thức ra khỏi những vô minh. Vì thế, sự tiệt trừ vô minh có nghĩa là tâm thức phải được chấm dứt. Trong nhóm người tin rằng cuối cùng tâm thức có thể được tách lìa ra khỏi những ô nhiễm và vô minh của nó – đó là những người tin vào Niết bàn – một số người đồng hóa Niết bàn với một nơi chốn hoàn toàn thoát khỏi những đau khổ, một nơi chốn vui vẻ vừa ý trên một cảnh giới cao quý. Những người khác đồng hóa Niết bàn với tâm thái trong đó các vô minh hoàn toàn được tan hòa vào thực tại. Niết Bàn hiện hữu ngay trên nền tảng của tự tâm. Đây là quan điểm của đạo Phật



  9. The Following User Says Thank You to lamebay For This Useful Post:

    choconxauxi (10-20-2015)

  10. #37
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Sự thật về sự Đau khổ (Khổ đế)


    Để hiểu được sự thật thứ nhất, là sự đau khổ, người ta phải thiền định về khổ. Chúng ta tự coi mình là vật quý giá nhất trong vũ trụ, và chúng ta tự xử sự như thể chúng ta còn quý báu hơn một vị Phật. Nhưng loại bám chấp đó vẫn không đưa tới hạnh phúc viên mãn. Từ vô thủy chúng ta đã từng trải qua vòng sinh tử và đã có vô số cuộc đời. Từ thời thơ ấu tới bây giờ, chúng ta đã từng thăng trầm, chịu đựng mọi thứ thất vọng và lầm lạc. Đời sống chúng ta bị bao vây bởi những vấn đề, những sự đau khổ, cùng cực, thất vọng. Cuối cùng thì cuộc đời này sẽ chấm dứt với cái chết, và sau đó chúng ta không xác quyết được là nó sẽ dẫn ta đi tới đâu. Chúng ta nên thực sự xem xét có hay không một con đường để giải thoát chính bản thân ta khỏi sự hiện hữu không vừa ý này. Nếu cuộc đời là cái gì phát sinh độc lập với những nguyên nhân và điều kiện (duyên), và chấm dứt không có sự tương tục thêm nữa, thì chúng ta sẽ không có cách nào để thoát khỏi. Và nếu điều đó là sự thật thì chúng ta nên sống theo những nguyên lý khoái lạc. Nhưng chúng ta biết rằng nỗi khổ là thứ gì chúng ta thực sự không mong muốn, và nếu có thể có được sự hoàn toàn tự do đối với nó thì sự tự do đó xứng đáng để đạt tới.

    Các hành nghiệp của thân, ngữ, và tâm là những thứ trói buộc chúng ta vào vòng sinh tử và đau khổ. Như ta biết, chúng ta có thể tích tập những hành động này ngay cả trong một phút chốc, và phút chốc đó có thể ném chúng ta vào một cảnh giới thấp. Sự trói buộc này bắt rễ trong một tâm thức không được điều phục và gây nên bởi sự vô minh của riêng ta, sự ngộ nhận của chính ta về bản ngã. Ý niệm theo bản năng này về một thứ bản ngã độc lập, cô lập thúc đẩy chúng ta miệt mài trong đủ mọi loại hành động tiêu cực, nó đưa đến sự đau khổ. Thái độ quy-ngã này đã từng là đạo sư của chúng ta, chúng ta đã luôn luôn vâng theo mệnh lệnh của nó. Chúng ta phải nhận thức rằng chúng ta không có lợi lạc gì khi tuân theo huấn lệnh của nó. Chừng nào chúng ta còn làm như thế thì không có cơ hội để có hạnh phúc. Trong hoàn cảnh này chúng ta nên khảo sát xem có thể chiến thắng được sự mê lầm (vô minh) này hay không.

    Chính kinh nghiệm về việc sinh ra là một khổ nhọc cho cả người mẹ lẫn đứa con. Sau khi ta sinh ra, sự vô minh có một ảnh hưởng theo bản năng đối với thân xác và tâm thức ta, ngăn cản tâm thức hướng về sự thực hành Pháp. Chính thân thể của ta trở thành những nguyên nhân cho sự phát khởi các vô minh. Ví dụ như khi thân thể bị suy yếu bởi các bệnh tật nào đó, bạn sẽ trở nên cáu giận, và khi nó mạnh khỏe hơn thì bạn có sự tham muốn. Sự sinh ra chắc chắn được tiếp theo bởi cái chết, và theo sau cái chết là sự tái sinh khác. Nếu điều này chưa đủ, chính sự tái sinh sẽ là nền tảng cho những đau khổ hơn nữa, bởi sự tái sinh này chuẩn bị môi trường cho những vô minh hơn nữa, chúng lại thúc đẩy những hành động tiêu cực gây nên những hậu quả nghiệp báo.

    Sự hiện hữu làm người này mà chúng ta ôm giữ như báu vật thì phát sinh từ cái gì dơ bẩn. Thân xác chúng ta được sinh ra từ sự kết hợp những sinh chất của cha mẹ, là tinh dịch, và trứng. Nếu chúng ta nhìn thấy máu và tinh dịch trên một cái khăn hay một giọt chảy xuống mặt đất, chúng ta sẽ hoảng hồn. Tuy vậy chúng ta vẫn tiếp tục tôn thờ thân xác của riêng mình. Chúng ta cố gắng phủ lên thân thể mình những quần áo tốt đẹp và che đậy mùi của nó bằng nước hoa. Cha mẹ chúng ta cũng được sinh ra từ những chất thể tương tự, cha mẹ và ông bà của họ cũng vậy. Nếu chúng ta truy nguyên nó, ta sẽ thấy thân xác là sản phẩm kết quả của tất cả những chất thể bất tịnh này. Nếu truy cứu một bước nữa, ta có thể thấy thân xác giống như một bộ máy để sản xuất phân và nước tiểu. Khi bạn nhìn thấy những con giun đất ăn bùn đất ở một đầu và sau đó bài tiết nó ở đầu kia, bạn thấy chúng thật đáng thương. Sự thật thì thân thể của chính chúng ta cũng tương tự như vậy; chúng ta vẫn tiếp tục ăn và tiếp tục bài tiết. Một thân xác như thế thì không có gì để yêu mến.

    Hơn nữa, nhân loại có tiềm năng đe dọa chính sự sống còn của trái đất. Do tâm thức không được điều phục, có những người không chỉ tích tập kho tàng các hành động tiêu cực mà họ cũng làm ảnh hưởng đến đời sống của vô số người, gây nên sự khốn cùng, đau khổ, và dày vò.



  11. The Following User Says Thank You to lamebay For This Useful Post:

    choconxauxi (10-20-2015)

  12. #38
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Rồi thì có đau khổ do sự già nua. Sự già nua xảy ra từ từ; nếu không thì chúng ta sẽ không thể chịu đựng nổi nó một chút nào. Khi già đi, chúng ta mất sự mềm dẻo đã có khi ta còn trẻ; ta không thể tiêu hóa thức ăn mà có một thời ta ưa thích. Chúng ta không thể nhớ lại tên người hay đồ vật mà ta thường hồi tưởng một cách sống động. Dần dần răng chúng ta rụng đi, và chúng ta mất đi thị lực và thính lực. Cuối cùng chúng ta tới một giai đoạn tàn tạ mà người ta bắt đầu chỉ nhìn thấy một cảnh tượng gớm ghiếc của chúng ta. Khi bạn tới giai đoạn cần sự giúp đỡ của người khác, thì người ta sẽ xa lánh bạn.

    Kế tiếp, có đau khổ do bệnh tật. Sự đau khổ về thể xác và buồn phiền trong tâm thức tăng lên, và bạn phải mất nhiều ngày đêm bị bệnh tật tàn phá. Bệnh tật ngăn cản bạn không được dùng món ăn bạn ưa thích, và bạn bị cản ngăn không được làm những điều bạn thích làm. Bạn phải dùng những loại thuốc có mùi vị dễ sợ. Kế tiếp là đau khổ vì cái chết. Bạn sẽ chia tay những vật sở hữu quý báu của bạn, và bạn sẽ chia tay với những người thân yêu của riêng bạn, và bạn sẽ chia tay với thân thể của chính bạn đã từng đi theo bạn suốt cả cuộc đời. Nỗi khổ của cái chết hết sức rõ ràng đối với chúng ta; không cần thiết phải giảng nghĩa nó thêm nữa.

    Rồi có đau khổ do gặp gỡ điều không ưa muốn, như những kẻ thù. Trong đời này, nhiều kinh nghiệm xảy ra nghịch lại với ước muốn của chúng ta. Những người Tây Tạng chúng tôi đã mất sự tự do; đây là đau khổ của sự gặp gỡ không ưa muốn. Ngay cả những người ở một nước siêu cường như Hoa Kỳ cũng bị bao vây bởi mọi thứ vấn đề. Vì họ được nuôi dưỡng trong sự thừa thãi vật chất như thế, đôi khi họ trở nên hư đốn. Do sự cạnh tranh thả dàn nên đời sống của họ nhiều lo âu hơn những dân tộc khác. Sự cạnh tranh tốt đẹp đến một điểm nào đó, nhưng nếu nó nằm ngoài sự kiểm soát như ở Hoa Kỳ, thì nó tạo nên sự ganh tỵ và tràn đầy bất mãn. Ở các quốc gia phát triển về vật chất, có quá nhiều thực phẩm đến nỗi đôi khi người ta đổ chúng xuống biển, trái lại ở phía khác của hành tinh là những quốc gia, như các nước ở Châu Phi, có hàng triệu người đang chết đói. Thật khó tìm ra một người nào hoàn toàn mãn nguyện.

    Kế tiếp là đau khổ do bị lấy đi điều mình mong muốn. Người Tây Tạng chúng tôi mất quê hương và phải chia ly với những người thân yêu của mình. Cũng có đau khổ do không đạt được điều mong muốn dù đã tìm cầu. Cho dù bạn làm việc trong những cánh đồng, bạn không thu hoạch vụ mùa tốt đẹp, hoặc nếu bạn bắt đầu một công việc nhưng nó không thành công.

    Viễn cảnh khác về sự đau khổ là chiêm nghiệm đau khổ của sự bất định. Trong vòng sinh tử này, trải qua tiến trình của nhiều sự tái sinh, và đôi khi trong một đời duy nhất, mọi sự đều thay đổi. Cha mẹ chúng ta biến thành kẻ thù, thân quyến của ta sẽ trở thành thù địch, những kẻ thù của ta sẽ trở thành bằng hữu, về sau cha mẹ chúng ta sinh ra làm con của chính chúng ta. Không có sự chắc chắn. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng chúng ta nên cố gắng ngăn ngừa loại thay đổi bất thường có tính chất cảm tính khi xử sự với người khác, được đặt nền trên sự phân biệt hay phân loại một vài người là kẻ thù và một vài người khác là người thân hay bằng hữu. Chúng ta nên suy nghĩ về tính chất bất định của toàn thể cuộc đời trong vòng sinh tử này và cố gắng phát triển một số ý thức chán ghét đối với sự luân hồi sinh tử.

    Cũng có đau khổ do thiếu sự bằng lòng. Nếu chúng ta thực sự khảo sát xem bao nhiêu thực phẩm ta đã dùng suốt tiến trình của một đời người thì ta cảm thấy thất vọng và tự hỏi có ích lợi gì khi chúng ta dùng chúng. Nhưng đó mới chỉ riêng trong đời này, nếu chúng ta xem xét tất cả các đời quá khứ của ta – ví dụ như tổng số sữa ta đã uống từ những bà mẹ của ta khi ta là những đứa trẻ sẽ như thế nào ? Nó vượt ngoài trí tưởng tượng. Bạn nên suy nghĩ về mọi loại thành đạt và đau khổ trong vòng sinh tử này và hãy nghĩ rằng không có loại kinh nghiệm nào mà bạn không từng trải qua trong vòng sinh tử. Chúng ta cố gắng hưởng thụ để có được những thứ thỏa mãn tinh thần, nhưng khi chúng ta cố gắng bao nhiêu để vui hưởng lạc thú và hạnh phúc của vòng sinh tử ta vẫn không có được sự hài lòng; nó đúng là vô tận. Bạn nên suy nghĩ về sự không hài lòng này, cái mà tự nó là một đau khổ vĩ đại. Chúng ta đã từng kinh qua mọi kinh nghiệm này và lặn hụp trong vòng sinh tử từ vô lượng kiếp. Khi suy nghĩ về sự vô ích của những kinh nghiệm như thế, bạn cần xác định rằng nếu bây giờ bạn không dừng hẳn vòng sinh tử lẩn quẩn này, thì việc tiếp tục nó chỉ hoàn toàn là sự vô ích. Vì thế bạn nên phát triển một ý thức nhàm chán sâu xa đối với toàn bộ các thứ kinh nghiệm trong vòng sinh tử này.

    Có sự đau khổ do phải từ bỏ thân xác không biết bao nhiêu lần. Cho tới bây giờ chúng ta đã sống quá nhiều cuộc đời và có quá nhiều thân mạng, và chúng ta vẫn không thể sử dụng chúng trong một phương cách có ý nghĩa. Chúng ta đã không thành tựu được điều gì chỉ bằng cách mang vô số thân xác này. Chúng ta đã phải chịu đựng sự thụ thai rất nhiều lần. Đức Phật nói rằng nếu chúng ta đếm số lượng những bà mẹ của ta bằng cách để riêng ra những viên sỏi, mỗi viên tượng trưng cho một bà mẹ của ta, thì việc tính đếm này không thể chấm dứt.



  13. The Following User Says Thank You to lamebay For This Useful Post:

    choconxauxi (10-20-2015)

  14. #39
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Hãy quán chiếu về sự kiện mọi sự thành công thịnh vượng trong vòng sinh tử đều chấm dứt trong một loại khốn khổ và thất vọng nào đó. Như các bản văn nói, sự chấm dứt của thâu hoạch là suy kiệt, chấm dứt của địa vị cao trọng là sự sụp đổ, sự chấm dứt của gặp gỡ là chia ly, và sự chấm dứt của đời sống là cái chết. Tóm lại, mọi kinh nghiệm, niềm vui, và hạnh phúc trong vòng sinh tử này, dù chúng xuất hiện mạnh mẽ và to lớn đến đâu, đều chấm dứt với nỗi khốn khổ.

    Cuối cùng, một viễn cảnh xa hơn nữa với ba loại đau khổ. Loại thứ nhất được gọi là đau khổ do đau khổ, là những kinh nghiệm hiển nhiên do nỗi đau đớn thể xác và tinh thần mà ta thường xem là đau khổ. Loại thứ hai được gọi là đau khổ do sự thay đổi. Vì tất cả niềm vui và hạnh phúc thế gian cuối cùng biến thành những đau khổ, nên chúng được gọi là những đau khổ do sự thay đổi. Những đau khổ do sự thay đổi được nhận diện sai như những kinh nghiệm hạnh phúc. Ví dụ, nếu bạn bị sốt hay cảm thấy rất nóng, thì khi nước mát được tạt lên người bạn, bạn sẽ cảm thấy một thứ phúc lạc. Đây là cái chúng ta coi là hạnh phúc. Hoặc nếu bạn đang đi bộ một thời gian dài và một lát sau bạn có cơ hội ngồi xuống, thì giây phút đó dường như thực sự rất hỉ lạc. Tuy nhiên, thực ra nó không phải là một kinh nghiệm hỉ lạc; cái bạn đang thực sự kinh nghiệm là một sự chấm dứt từ từ của đau khổ trước đó. Nếu việc ngồi xuống là một niềm vui chân thực thì việc tiếp tục ngồi phải tạo ra cho bạn niềm vui tương tự, nhưng nếu bạn tiếp tục ngồi, thì một lát sau bạn sẽ thấy mệt và sẽ muốn đứng dậy.

    Loại đau khổ thứ ba là đau khổ do bị tùy thuộc khắp cả, là sự kiện tâm thức và thân thể chúng ta bị tùy thuộc đến nỗi nó có thể bị đau khổ bất kỳ lúc nào. Ba loại đau khổ có thể được minh họa theo cách này. Nếu bạn bị một vết phỏng và bạn dùng một thứ thuốc mỡ cho bạn một loại cảm thức về sự che chở và khoan khoái, điều đó giống như đau khổ do sự thay đổi, bởi vì mặc dù đó là sự khoan khoái nhất thời, nó sẽ không kéo dài. Sau đó nếu có ai ngẫu nhiên chạm vào vết phỏng hay nước nóng văng vào nó, bạn sẽ thực sự cảm thấy đau đớn. Đó là nỗi khổ hiển nhiên, nỗi khổ do sự đau khổ. Cái khiến cho hai loại đau khổ này có thể có được là trước hết chúng ta có vết phỏng đó. Nếu ta không bị phỏng, chúng ta sẽ không có những kinh nghiệm theo sau. Vết phỏng cung cấp điều kiện cho đau khổ lớn mạnh hơn nữa, giống như sự sở hữu của chúng ta về một thân xác và tâm thức khiến cho ta phải chịu đau khổ lớn mạnh hơn. Và bản chất của chính thân xác cung cấp điều kiện để bị phỏng. Nó có khuynh hướng chịu đau khổ. Đây là đau khổ do bị tùy thuộc toàn bộ, khắp cả.

    Chúng ta nên nhận thức rằng những nỗi khổ của súc sinh, ngạ quỷ, và chúng sinh ở địa ngục cũng có thể xảy ra ở trong nhân loại. Nhiều người chết vì đói. Dường như đôi khi họ phải ăn lá cây và cả một số côn trùng và sâu bọ. Những điều đó rất giống các kinh nghiệm của ngạ quỷ. Nỗi khổ tương tự đang xảy ra hiện nay ở Châu Phi, nơi hàng triệu người đang chết vì đói. Khi các quốc gia ở trong cảnh chiến tranh, do những dị biệt về chính trị, thì người dân đau khổ hầu như đang sống trong cảnh giới địa ngục.

    Ngay cả các vị trời cũng đau khổ. Họ có thể biết trước cái chết của mình nên họ đau khổ trong tâm thức. Ta được cho biết là các vòng hoa của họ héo rũ, quần áo và thân thể họ bắt đầu hôi thối. Khi đã kinh nghiệm tất cả những lạc thú của thiên đường, họ cạn kiệt toàn bộ tiềm lực để làm những hành động tích cực. Kết quả là khi chết, họ sẽ đi thẳng xuống các cảnh giới thấp của sinh tử. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng như vậy, khi đã quán chiếu về những đau khổ tổng quát của tất cả chúng sinh trong vòng sinh tử nói chung và cũng như những đau khổ đặc thù của mỗi loài trong các cảnh giới luân hồi, thì chúng ta nên phát triển một cảm thức nhàm chán sâu xa đối với mọi kinh nghiệm trong sinh tử và phát triển một sự từ bỏ sâu sắc. Sau đó, chúng ta sẽ bắt đầu thực sự khảo sát một cách chính xác xem đâu là các nguyên nhân đưa tới những khốn khổ và thất vọng như vậy. Vì vậy vấn đề của sự thật thứ hai, sự thật về căn nguyên của sự đau khổ, sẽ đến sau đó.



  15. The Following User Says Thank You to lamebay For This Useful Post:

    choconxauxi (10-20-2015)

  16. #40
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Sự thật về căn nguyên của đau khổ


    Sự mê lầm (vô minh) là nguyên nhân chính của sự tái sinh trong vòng sinh tử. Không có các mê lầm thì những hành động nghiệp sẽ không có năng lực để tạo nên sự tái sinh; chúng sẽ như các hạt giống bị đốt cháy. Điều tối quan trọng là phải tìm cách đối trị những mê lầm, và điều đó lần lượt tùy thuộc vào việc bạn có nhận diện các mê lầm một cách đúng đắn hay không. Vì vậy, chúng ta phải hết sức thông hiểu về các đặc tính tổng quát và đặc thù của những mê lầm. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất nói hãy điều phục một kẻ thù ở bên trong, đó là sự mê lầm. Các kẻ thù ở bên ngoài dường như có thể rất nguy hại, nhưng trong những đời sau họ có thể biến thành bằng hữu của ta. Mặc dù thế, họ cung cấp cho ta cơ hội để thực hành sự nhẫn nhục và lòng bi mẫn vì ở nền tảng thì tất cả chúng ta đều giống nhau: hết thảy chúng ta đều muốn hạnh phúc và không thích đau khổ. Nhưng kẻ thù bên trong, là kẻ thù vô minh, thì không có các phẩm tính tích cực; nó chỉ là cái để bị chống lại và bị hủy diệt. Vì vậy chúng ta phải nhận diện kẻ thù đích thực và tìm xem nó hoạt động như thế nào. Bất kỳ trạng thái tinh thần nào hủy diệt sự an tĩnh của tâm thức và đem lại sự khổ nhọc tinh thần, nó làm xáo trộn, làm ưu phiền và dằn vặt tâm thức, được gọi là một mê lầm (vô minh).

    Chúng ta hãy nhận diện vài mê lầm chính. Đầu tiên, đó là sự tham muốn, là sự ham muốn mạnh mẽ những người đẹp, những vật đẹp đẽ, hay những kinh nghiệm dễ chịu. Sự tham muốn rất khó trừ bỏ; như thể tâm thức bạn trở nên gắn chặt với đối tượng. Một mê lầm khác là sự sân hận. Khi người nào đó trở nên sân hận, ta có thể nhìn thấy lập tức là họ đánh mất sự điềm tĩnh, khuôn mặt họ đỏ lên và nhăn nhúm, và ngay cả đôi mắt họ cũng trở nên đỏ ngầu. Đối tượng của sự sân hận, dù có sự sống hay vô tri, là cái gì được nhận thấy không đáng ưa và gớm ghiếc. Sự sân hận chính là một tâm thái không được điều phục, hết sức thô lậu và bất ổn. Sự mê lầm khác, tính tự phụ, là một tâm thái trong đó người ta cảm thấy kiêu hãnh về thân thế, địa vị và kiến thức của riêng mình, nó được đặt nền trên một thái độ quy ngã. Bất luận mình có thực sự thành tựu được điều gì hay không, họ cảm thấy tự mãn. Người có sự tự phụ sâu xa sẽ hết sức vênh vang và có vẻ rất tự mãn. Kế tiếp là sự vô minh, quan niệm sai lầm về đặc tính của Bốn Sự Thật Cao Quý, định luật nghiệp quả, và v.v… Trong phạm vi riêng biệt này, vô minh ám chỉ một yếu tố tinh thần hoàn toàn ngu muội đối với bản tánh của Tam Bảo và định luật nghiệp quả. Sự mê lầm vì hoài nghi là tư tưởng lưỡng lự về việc có hay không Bốn Sự Thật Cao Quý, có hay không định luật nghiệp quả.

    Phạm trù khác của các mê lầm là những tà kiến, những nhận thức sai lầm sống động về bản tánh của thực tại. Cái đầu tiên trong những tà kiến này là một tâm thái tập trung vào bản ngã của con người và vọng tưởng rằng nó hiện hữu thực sự và có bản chất – tưởng tượng là trong thân xác và tâm thức vô thường của chúng ta có một loại bản ngã nào đó thường hằng, độc lập. Các loại tà kiến khác là tin rằng không có đời sống sau cái chết, không có định luật nghiệp quả, và không có Tam Bảo. Dựa trên tà kiến về bản ngã, các mê lầm khác phát sinh. Ví dụ, nếu có một sợi dây thừng cuộn tròn và có màu hơi sậm, bạn có thể nhận định sai lầm sợi thừng cuộn tròn đó là một con rắn. Rồi ý tưởng sai lầm rằng sợi thừng là một con rắn sẽ làm tăng lên mọi loại phản ứng trong tâm thức bạn, như sự sợ hãi, và sẽ dẫn tới mọi loại hành động, như vùng chạy ra khỏi nhà hoặc cố gắng giết con rắn, tất cả được đặt nền trên một ngộ nhận đơn thuần. Cùng cách thức đó, chúng ta tin tưởng sai lầm là thân và tâm có loại bản ngã nào đó, và do đó mọi mê lầm khác, như tham muốn và sân hận, tiếp nối theo sau. Do bởi thái độ quy ngã, cái vọng tưởng về bản ngã này, chúng ta phân biệt giữa bản thân và người khác. Rồi dựa trên việc những người khác xử sự với chúng ta thế nào, ta coi một vài người là thân thiết và cảm thấy bám luyến đối với họ, và coi những người khác là xa cách và phân loại họ như kẻ thù. Sau đó chúng ta có những kinh nghiệm về sự sân hận và oán ghét và trụ bám vào chính mình, chúng ta trở nên tự mãn và kiêu hãnh. Rồi thì, nếu sự trói chặt của vọng tưởng về bản ngã quá mạnh, chúng ta có thể bắt đầu đặt vấn đề về giá trị của bản thân Đức Phật là người đã giảng dạy về sự vô ngã. Bởi thế, chúng ta có thể bắt đầu hoài nghi định luật nghiệp quả, Bốn Sự Thật Cao Quý, và Tam Bảo. Những tà kiến này đưa tới các hoài nghi. Tất cả những điều này phát sinh là do sự tin tưởng sai lầm vào một bản ngã hiện hữu nội tại.

    Khi mê lầm phát khởi trong bạn, nó làm đảo lộn sự an tịnh, sự tỉnh thức của tâm bạn, và nó cũng che ám phán đoán của bạn về người khác. Nó để lại một dấu vết hết sức mạnh mẽ. Nó không chỉ gây họa hại cho bạn mà cũng cho những người khác nữa. Ví dụ như nếu bạn quá sân hận đến nỗi bắt đầu đánh người khác, thì bạn gây phiền não cho những người láng giềng của bạn. Sự sân hận sẽ giảm sút năng lực đức hạnh của bạn và sẽ làm cho bạn mất mát tài sản và bằng hữu. Khi một người nằm dưới sự thống trị của sân hận, người ấy thực sự đánh mất nhân tính. Con người chúng ta được trang bị một cách tự nhiên một bộ óc hết sức tinh vi, và chúng ta có khả năng phán đoán cái gì đúng cái gì sai và cân nhắc mặt trái mặt phải của một tình huống. Chúng ta có đặc ân tự nhiên đó, so với các hình thức luân hồi khác thì nó là điều độc nhất vô nhị của con người, nhưng khi ta chịu ảnh hưởng nặng nề của sự mê lầm thì ta sẽ mất đi năng lực đó. Mặc dù có thể quyết định làm điều gì đó, nhưng chúng ta đánh mất khả năng phán đoán. Sự điều phục tâm thức là công việc quan trọng nhất của đời người.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •