Nguyên văn bởi
nguoidienhocphat
Trả lời thắc mắc của Trí Từ: "Ảnh hưởng Phật giáo từ Trung Quốc thật sự quá sâu sắc, một câu hỏi mà đến giờ Trí Từ vẫn không hiểu nối là: Tại sao rõ ràng đức Phật xuất hiện ở Ấn Độ, kinh điển Ấn Độ lại không ghi gì về cái gọi là Phật A Di Đà, chỉ toàn là sau khi du nhập Trung Quốc thì mới xuất hiện, rồi nào là Tề Thiên, Thần này thần nọ..."
Có một cặp vợ chồng ở bên Đức qua và đang ở lại đây một tuần. Cả hai còn trẻ và đang tu theo Tịnh Độ. Họ nói với sư cô Chân Không là họ cũng thích tu Thiền nhưng họ chọn theo Tịnh Độ bởi vì: “Lỡ mình chết thì mình về Tịnh Độ liền, còn nếu mình tu Thiền thì hơi nguy vì tu Thiền mà lỡ nửa chừng bị chết thì mình không biết sẽ đi về đâu. Thành ra tu Tịnh Độ cho chắc ăn”. Sư cô Chân Không đã chỉ bày họ thấy được cái tánh bất nhị giữa Thiền và Tịnh Độ và họ đã hiểu.
Khi học về tư tưởng Phật giáo, chúng ta thấy rõ rằng trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế, các thầy các sư cô đã tu với mục đích để đạt được quả vị A La Hán, thoát ly sinh tử. Còn quý vị Phật tử cư sĩ thì tu để có hạnh phúc và để được sanh ra về cõi Trời hay ít nhất là cõi Người, chứ chưa nghe nói tới cõi Tịnh Độ. Trong thời gian Bụt còn tại thế thì danh hiệu đức A Di Đà chưa được nhắc tới.
Trong thời vua A Dục, thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, thì đạo Bụt đã được truyền qua Iraq, Iran và Afganistan. Đạo Bụt cũng đã tiếp thu được những yếu tố văn hóa của các nước đó để có thể thích ứng với môi trường, xã hội và văn hóa của các nước này. Thời xưa ở Iran đã có tín ngưỡng thờ mặt trời, và cái ý niệm vô lượng quang, vô lượng thọ đã có sẵn trong truyền thống tâm linh của những đạo giáo bản xứ. CHO NÊN TỊNH ĐỘ CỦA ĐỨC A DI ĐÀ ,VÔ LƯỢNG QUANG , VÔ LƯỢNG THỌ CŨNG LÀ MỘT PHÁP MÔN CỦA ĐẠO BỤT ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ CỦA IRAN
Nhờ tiếp thu được với những nền văn hóa trong nội địa và xung quanh nên ĐẠI THỪA ĐÃ ĐƯỢC PHÁT SINH và vì vậy đạo Bụt có thể đi khắp thế giới.
Khi mang đạo Bụt đi sang Tây phương, chúng ta phải biết sử dụng những yếu tố văn hóa của Tây phương để CHẾ TÁC NHỮNG PHÁP MÔN MỚI, những pháp môn có thể chuyên chở được tinh thần của Phật giáo nguyên thủy tức là Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn, Tam Pháp Ấn. Những giáo lý ấy phải được biểu hiện bởi những pháp môn mới thì đạo Bụt mới có thể cắm rễ và thành công được ở Tây phương.
Đạo Bụt vẫn là đạo Bụt nhưng mà HOA TRÁI NỞ RA PHÍA TRÊN RẤT MỚI. Cách đây 22 năm tại Làng Mai chúng ta có trồng rất nhiều cây cải bẹ xanh ở Xóm Hạ. Đất ở bên này tốt và những cây cải đó vào mùa Đông được trồng trong những nhà kính. Ban ngày những cây cải này thâu nhận ánh sáng mặt trời để lớn, lá vươn cao, nhưng ban đêm lạnh quá thành ra chúng phải gồng mình, lá ụp xuống và trên thân cải mọc lên rất nhiều gai. Ở Việt Nam thì những cây cải như vậy không bao giờ có gai! Ở đây nó phải thích ứng với địa phương và những cây cải này nặng từ 2 đến 3 kg. Một cây cải cũng phải tìm cách để có thể thích ứng với địa phương mới có thể sống được huống hồ là một truyền thống. Cho nên truyền thống của ta một khi sang Tây phương phải tìm cách để thích ứng với phong thổ và tập quán bên này để có thể cắm rễ vào mảnh đất Tây phương, đó là chuyện rất dĩ nhiên. Nếu ta ôm truyền thống với một thái độ bảo thủ thì không thể nào làm được chuyện này.
Phần lớn những chùa Việt Nam được thiết lập tại Tây phương ở bên Mỹ hay ở bên Âu châu chỉ phục vụ được cho đồng bào Việt kiều mà không cung cấp được những món ăn tinh thần cho người Tây phương. Cây Phật giáo ta đem trồng sang bên này dưới hình thức các chùa Việt Nam cũng giống như những cái cây trồng trong chậu và chỉ có thể phục vụ được cho Việt kiều. Thỉnh thoảng có một vài người Tây phương đến chùa và cảm thấy là lạ vui vui nhưng chưa tìm thấy một cái gì đó quen thuộc với họ. Người Trung Quốc đã làm như vậy, người Đại Hàn đã làm như vậy, người Nhật Bổn cũng đã làm như vậy. Họ đã thiết lập những ngôi chùa ở Âu châu, ở Mỹ châu. Các thầy Tây Tạng đã làm khá hơn và đã có khả năng lấy cây ra khỏi chậu. Các thầy và các sư cô người Việt ở bên này chưa làm được như các thầy các sư cô Tây Tạng. Để cây trong chậu hoài thì lâu ngày đất trong chậu sẽ hết chất bổ và cây sẽ yếu. Các bậc phụ huynh cha mẹ còn đến chùa nhưng con cái thì đã thành Tây thành Mỹ, các em cảm thấy không thoải mái khi đến chùa. Khi hết thế hệ cha mẹ rồi thì đạo Phật với hình thức Á châu sẽ không còn phục vụ được cho người trẻ. Vì vậy ta rất cần đem cây ra khỏi chậu và tìm cách trồng xuống đất. Ban đầu có thể khó khăn nhưng chịu khó chăm sóc thì cây sẽ có khả năng cắm rễ. Lúc đó ta mới mong phục vụ được nhu cầu văn hóa và xã hội địa phương.
Đức Thế Tôn đã từng sử dụng những yếu tố văn hóa địa phương để SÁNG CHẾ ra những pháp môn và các đệ tử của Ngài cũng có khả năng đó. Các vị biết sử dụng các yếu tố văn hóa địa phương để CHẾ BIẾN RA NHỮNG PHÁP MÔN MỚI NHƯ TỊNH ĐỘ TÔNG VÀ MẬT TÔNG.
(Trích "Tịnh Độ Cầm Tay" - Thích Nhất Hạnh)
Sơ lược về Thầy Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình. Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, vào ngày 11 tháng 10 năm 1926, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Pháp hiệu "Thích" được sử dụng bởi các nhà sư Việt Nam, nghĩa là họ là một phần của dòng tu Thích Ca. Ông là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. (Theo Wikipedia)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT