DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 4/9 ĐầuĐầu ... 23456 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 31 tới 40 của 89
  1. #31
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts
    Lòng tốt của việc Tạo ra Thân thể ta



    Thân thể này của chúng ta không bắt đầu với một kích thước hoàn toàn phát triển, thịt da của nó đã được phát triển đầy đủ với một diện mạo khỏe mạnh. Nó đã phát triển trong bụng mẹ qua những giai đoạn phôi thai và bào thai, được dần dần tạo nên và nuôi dưỡng bằng chất lỏng bổ dưỡng đến từ máu thịt của bà. Nó lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng đến từ thực phẩm mà bà dùng. Nó hình thành nhờ việc bà phải chịu đựng đủ loại bối rối, bệnh tật, và khổ đau. Hơn nữa, nói chung, chính bà đã giúp tạo nên thân thể này, nó bắt đầu từ một đứa bé nhỏ xíu và bây giờ trở thành thân thể to lớn như một con yak.



    Lòng tốt của việc Chịu đựng những Gian khổ



    Thoạt đầu ta không đến đây với đầy đủ y phục, được trang điểm đẹp đẽ, có tiền trong túi, và sự dự phòng để du hành. Khi ta đến nơi không được biết tới này, nơi ta không biết một ai, ta không có bất kỳ điều gì – tài sản duy nhất của ta là cái miệng la hét và cái bao tử trống rỗng. Mẹ ta cho ta thực phẩm khiến ta không bị đói, cho ta thức uống để ta không bị khát, cho ta quần áo để chống đỡ cái lạnh, và của cải để khỏi bị nghèo khổ. Không phải là bà chỉ cho ta những gì bà không còn sử dụng nữa: bản thân bà phải chịu đói, khát, và không có quần áo mới. Hơn nữa, bà không chỉ hy sinh hạnh phúc của bà chừng nào mà sự hiện hữu này còn được quan tâm, bà cũng túng thiếu trong việc sử dụng của cải (như những món cúng dường) để chuẩn bị cho sự thịnh vượng của bà trong những đời sau. Tóm lại, không quan tâm tới hạnh phúc của riêng mình trong đời này và đời sau, bà đã hiến mình để nuôi dạy và chăm sóc đứa con của bà.

    Bà cũng chẳng dễ dàng và thích thú gì để có được những thứ cần thiết; để lo liệu cho đứa con, bà buộc phải phạm tội, chịu đựng, và làm việc cực nhọc. Bà đã phạm tội bởi phải tham gia vào việc đánh bắt cá, giết hại thú vật v.v.. để chăm sóc cho chúng ta. Bà phải chịu đựng bởi những gì bà mang lại cho đứa con là kết quả của việc buôn bán, lao động trong cánh đồng v.v.. giày ướt đẫm sương và lấy những vì sao làm nón đội trong những đêm khuya khoắt hay những sớm tinh mơ, cưỡi ngựa giữa đàn bê, bị quất bởi những ngọn cỏ dài, phơi chân cho chó cắn và lộ mặt cho đàn ông nhòm ngó.

    Bà cũng đối xử với kẻ xa lạ này, người đã trở thành con của bà, với tình thương yêu còn hơn là bà thương yêu cha mẹ, hay Đạo sư của bà, mặc dù bà không biết đứa bé này là ai hay nó sẽ trở thành cái gì. Bà nhìn đứa con với đôi mắt trìu mến, cho nó sự ấm áp dễ chịu của bà, nâng niu nó trong tay, và nói với nó những lời ngọt ngào: “Niềm vui của mẹ, ôi mặt trời của mẹ, kho báu, cục cưng, không phải con là niềm vui của mẹ sao v.v..”




  2. #32
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Lòng tốt của việc Nuôi dưỡng Cuộc đời ta



    Chúng ta không được sinh ra như ta hiện nay, biết cách tự ăn một mình và được phú bẩm khả năng cần thiết để hoàn thành những công việc khó khăn. Khi ta là những sinh vật bất lực, vô dụng, không thể suy tưởng, mẹ ta không vứt bỏ ta mà làm vô số việc không thể tưởng tượng nổi để nuôi dưỡng sự hiện hữu của ta. Bà ôm ta vào lòng, che chở ta khỏi những hiểm họa của lửa hay nước, giúp ta thoát khỏi những vực thẳm nguy hiểm, loại trừ mọi điều tai hại, và cầu nguyện cho ta. Vào những lúc đó, khi bà lo lắng cho cuộc đời hay sức khỏe của ta, bà phải nhờ đến đủ loại bác sĩ, tiên tri, khoa chiêm tinh, những câu thần chú, tụng đọc các bản văn, những buổi lễ đặc biệt v.v..



    Lòng tốt của việc Dạy cho ta những Lề thói chung



    Thoạt đầu, ta không là những người tài giỏi, từng trải, cứng cỏi như ta hiện nay. Ngoài việc nói oang oang và quẫy đạp lung tung, ta hoàn toàn ngu dốt. Khi ta không biết cách tự ăn một mình, chính bà đã dạy ta cách để ăn. Khi ta không biết cách mặc quần áo, chính bà đã dạy ta. Khi ta không biết làm thế nào để đi, chính bà đã dạy ta. Thậm chí khi ta không thể nói, chính bà đã dạy ta, lập lại “Má má, ba ba,” v.v.. Khi đã dạy ta những thiện xảo, bà giúp ta trở thành một người quân bình, củng cố những điểm yếu của ta và khai sáng cho ta điều chưa quen thuộc.



    Bạn nghĩ gì? Tôi bảo đảm là nhiều người trong các bạn không đồng ý. Nhiều người Tây phương phản kháng lại vấn đề này do bởi những khó khăn trong mối quan hệ với mẹ của họ. Tôi muốn nói một cách đơn giản rằng tình thương của bà mẹ rất thường được cho là điều đương nhiên, và được coi là cái gì tự nhiên. Bạn thường trông chờ quá nhiều ở cha mẹ bạn. Bạn truy nguyên nguồn gốc của mọi vấn đề của bạn trong thời thơ ấu và đổ lỗi cho cha mẹ bạn về mọi sự rắc rối.

    Trong chừng mực nào đó, thái độ này được liên kết với việc bạn thiếu niềm tin ở sự hóa thân. Không tìm ra lý do nào khác có thể có, bạn nghĩ rằng mọi sự xảy ra cho bạn có thể chỉ là kết quả của các sự kiện đã xảy ra trong đời hiện tại này, trong việc thai nghén, sau khi bạn sinh ra, và trong thời thơ ấu của bạn. Bạn nghĩ rằng tình thương yêu của bà mẹ thì tự nhiên và bạn chấp nhận nó như thế, không có sự nhận thức sâu sắc hơn. Bạn coi mọi sự bạn nhận từ cha mẹ như điều gì họ mắc nợ bạn. Khi mẹ bạn cho bạn mọi sự bà có, bạn nghĩ rằng điều đó bình thường và tự nhiên. Thậm chí bạn còn không nhận ra điều đó. Trái lại, bạn thấy khó có thể tha thứ cho hành vi vị kỷ nhỏ bé nhất của bà. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ về điều đó, một đứa bé là một chúng sinh hoàn toàn bất lực, hoàn toàn trông cậy vào lòng tốt của mẹ nó. Bà có thể giết nó một cách dễ dàng khi nó vừa sinh ra hay thậm chí trước đó. Tục giết trẻ sơ sinh là có thật. Ở một vài quốc gia, việc ra đời của một đứa bé gái được coi là một thảm họa bởi phải trao của hồi môn trong lễ cưới; vì thế, một bé gái có nguy cơ bị giết chết.

    Hơn nữa, một người mẹ cũng chỉ là một chúng sinh như mọi người khác, với những vấn đề, những thị hiếu, những điều ưa thích và không thích của riêng bà. Giả sử một bà mẹ từ bỏ đứa con khi nó ra đời để theo một người đàn ông khác mà bà thương yêu. Ta có thể nghĩ rằng bà không thương yêu con bà, trong khi thực ra chỉ vì bà chịu sự tác động của một đam mê mãnh liệt. Ta có thể nói một cách thận trọng là bà không thực sự làm chủ bản thân. Dĩ nhiên là ta có thể không tán thành cách cư xử của bà với tư cách một bà mẹ, nhưng ta không có lý do gì để ghét bà. Thực ra, nếu mẹ bạn không thương yêu hay giúp đỡ bạn thì đó là vấn đề của bà. Bạn không thể làm người khác thương yêu bạn. Nếu bà thương yêu bạn và biểu lộ lòng tốt đối với bạn thì điều đó hoàn toàn tốt lành, nhưng bà không có nghĩa vụ phải làm điều đó. Bạn đã làm gì để xứng đáng nhận được lòng thương yêu của bà? Tôi không nghĩ rằng việc thù ghét người nào đó là hợp lý chỉ vì người ấy không thương yêu bạn! Không có lý do chính đáng nào để lý giải cho tất cả những gì bà mẹ làm cho con bà. Thay vì bực tức bà về những lỗi lầm nhỏ bé nhất mà có thể bà đã phạm, trái lại ta nên cảm thấy biết ơn bà về tất cả những điều tốt lành mà bà đã mang lại cho ta. Tôi cho rằng rất cần phải nhớ tới điều này.




  3. #33
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Tu tập và Xử sự với những Cảm xúc



    Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn và bất hòa, ta thường bị những cảm xúc tiêu cực áp đảo đến nỗi không có thời giờ hay tỉnh táo để nghĩ đến sự thương yêu. Chỉ nghe các giáo lý về lòng từ và bi không thôi sẽ không thể lập tức chuyển hóa được ta hay tức thì biến ta thành những vị Bồ Tát toàn hảo. Đặc biệt là nếu ta có khuynh hướng sân hận thì dĩ nhiên là ta sẽ lại nóng giận Ta sẽ không cảm thấy có lỗi mà thậm chí cũng không băn khoăn nếu điều này xảy ra. Thậm chí Đức Tilopa đã nói rằng sự kiện đơn giản của việc giận dữ không làm cho ta quá sai lầm. Tuy nhiên, sự dính mắc vào sân hận và việc mong muốn trả thù thì thực sự tệ hại và có thể làm hại ta rất nhiều. Ta nên xét xem có lợi lạc gì trong việc duy trì sự sân hận này, trong việc dính mắc vào nó. Chẳng có gì hết: nó chỉ làm tổn hại ta và tổn thương những người khác.

    Bằng cách phát triển lòng từ ái, chúng ta có thể dần dần thay đổi. Bằng cách duy trì sự tỉnh giác và ý thức về sự vô ích của sân hận, ta sẽ kiểm soát bản thân tốt hơn. Dần dần càng ngày ta càng bớt sân hận về những việc nhỏ bé, và cường độ giận dữ của ta cũng suy giảm. Điều đó không có nghĩa là ta nên kềm giữ và đè nén mọi cảm xúc giận dữ, mà chỉ đơn giản là ta nên thay đổi sự định hướng của tâm ta. Cảm xúc giống như những con sóng và chúng luôn luôn êm dịu. Mỗi khi ta ý thức rằng ta đang giận dữ, ta nên cố gắng lái sự chú tâm của ta tới một điều gì khác có thể thay thế cho những cảm xúc giận dữ của ta.

    Có rất nhiều phương pháp (kỹ thuật) tuyệt vời giúp ta xử sự và chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực. Trong thực tế Phật giáo đã chủ yếu tập trung vào những phương pháp như thế, và chúng ta sẽ đi vào chi tiết sau này.

    Có ba cấp độ khác nhau trong việc xử sự với các cảm xúc: con đường Thanh Văn, con đường Đại thừa, và con đường Mật thừa.

    Con đường của các vị Thanh Văn dạy cách đối trị: cách thức xử sự với một cảm xúc tiêu cực là nghĩ tới cảm xúc đối nghịch. Khi ta cảm thấy giận dữ, ta nghĩ tới điều gì làm sinh khởi lòng từ và bi, là điều sẽ thay thế cho sự giận dữ. Ta không đàn áp giận dữ, ta chỉ cố gắng cảm nhận lòng từ và bi thay vì giận dữ. Sẽ là sự đàn áp khi ta tràn đầy sân hận nhưng không biểu lộ ra, trong khi ở đây thì hoàn toàn khác biệt: ta quên đi sự giận dữ và chỉ nghĩ đến từ và bi. Giận dữ không còn hiện diện nữa. Nó giống như việc ta làm ấm căn phòng để cái lạnh biến mất. Ta không “đè nén” cái lạnh; ta chỉ làm ấm căn phòng. Đó là cách thức của các Thanh Văn, con đường Phật giáo nói chung, cấp bậc đầu tiên.

    Phương pháp thứ hai để xử sự với những cảm xúc của ta là phương pháp của Đại thừa, điểm chính yếu của nó là sự hiểu biết về tánh Không cùng với phương pháp nói trên. Nói cách khác, nếu ta thấu hiểu bản tánh đích thực của sự giận dữ, chân tánh của tâm, khi giận dữ xuất hiện, tất cả những gì ta phải làm là suy niệm rằng không có điều gì chọc giận ta, không có người giận dữ, và không có sự giận dữ bên trong ta hiện diện một cách độc lập. Để đến được sự hiểu biết này, ta có hai phương pháp, đó là phân tích và thiền định. Ta có thể tiếp cận cảm xúc bằng cách phân tích nó một cách thông tuệ, hay ta có thể suy niệm nó bằng sự thiền định: ta để cơn giận tràn ngập ta và ta nhìn vào nó. Khi đó ta sẽ khám phá ra rằng cơn giận đó không hiện hữu một cách độc lập. Trong cả hai trường hợp, sự giận dữ biến mất. Chính xác hơn, ta khám phá rằng không có điều gì mà ta có thể tách biệt ra là “tôi” hay “giận dữ.” Giận dữ biến mất nhờ sự hiểu biết của ta, nhờ việc ta nhận ra chân tánh của các hiện tượng và của tâm ta. Đó là cách thức của Madhyamika,13 con đường của các Bồ Tát.

    Cuối cùng có phương pháp của Kim Cương thừa, là việc hoàn toàn chấp nhận sự giận dữ như nó hiển lộ. Ta nhìn giận dữ xuất hiện và ta để nó đến mà không phản kháng lại nó. Khi đó ta buông lỏng vào sự giận dữ, giận dữ sẽ tự biến mất. Nó không thể tác động đến chúng ta nữa bởi ta không có cảm xúc tiêu cực đối với nó. Ta không ủng hộ nó mà cũng không chống lại nó: ta ý thức về sự hiện diện của nó nhưng không dính mắc vào nó. Ta chỉ để bản thân ta nghỉ ngơi trong sự giận dữ này, tự nó tan biến và chuyển hóa thành trí tuệ. Trong trường hợp này ta nói về “sự giải thoát (khỏi cảm xúc) bằng trí tuệ.”

    Đây là ba phương pháp của Phật giáo để kiểm soát cảm xúc. Hãy nỗ lực sử dụng cả ba phương pháp trong trường hợp này hay theo thứ tự ngẫu nhiên.




  4. #34
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Những Dấu hiệu và Lợi ích của việc Phát triển lòng Từ Ái



    Nhờ sự tu tập này, dần dần chúng ta học cách sống mà không cảm thấy thù ghét ngay cả đối với kẻ thù. Càng ngày chúng ta càng phát triển lòng từ ái. Các bản văn nói rằng lòng từ ái có thể được coi là chân thật khi nước mắt trào ra từ đôi mắt ta và ta nổi gai ốc khi nghĩ đến những khổ đau của chúng sinh. Nếu đó là những gì ta cảm nhận đối với tất cả chúng sinh, ta có thể nói về lòng từ và bi vô lượng. Nếu ta không còn quan tâm đến lợi lạc cá nhân mà mối bận tâm duy nhất của ta là hạnh phúc của người khác, thì ta đã phát triển lòng từ ái một cách toàn hảo.

    Thực hành này khiến ta tích tập những công đức to lớn nhất. Gampopa trích dẫn Tràng Hoa Quý báu:14 “Công đức của việc bố thí ba lần mỗi ngày, mỗi lần ba trăm món ăn thích hợp cho một vị vua, thì thậm chí không thể so sánh với công đức được tạo ra bởi lòng từ ái chỉ trong chốc lát.” Gampopa cũng đề cập đến tám kết quả tích cực của việc nuôi dưỡng lòng từ ái, được liệt kê trong cùng bản Kinh đó: được trời và người yêu mến, được trời và người bảo vệ, có tâm thức hoan hỉ, gặp những hoàn cảnh vừa ý, không là nạn nhân của việc đánh thuốc độc, không bị vũ khí làm bị thương, có thể thành tựu hầu hết các ước nguyện, và cuối cùng, được sinh trong các cõi linh thánh. Tám kết quả này kéo dài cho tới khi ta chắc chắn được giải thoát khỏi sinh tử.

    Có nhiều câu chuyện minh họa những kết quả tích cực của việc thiền định về lòng từ và bi. Một trong những câu chuyện này nói về một tinh linh xấu ác vô cùng quyền uy mà có lần viếng thăm trại của một Lạt ma. Hắn đi tới đi lui trong trại mà thậm chí không ai nhìn thấy hắn. “Tất cả những Lạt ma này thật là vô dụng,” hắn nghĩ. “Ta có thể làm tất cả những điều ác hại nào ta thích đối với bất kỳ ai trong bọn họ.” Hắn đi thẳng tới lều của Lạt ma cao cấp nhất. Hắn nhìn thấy một ông lão nhỏ bé đang ngồi trong hộp thiền định. Hắn đi vào và ngồi trên đầu vị Lạt ma, nghĩ rằng mình có thể đè bẹp ngài. Nhưng vị Lạt ma già không kháng cự. Thay vào đó, thân ngài bắt đầu bẹt ra, và vì thế ngài bắt đầu cười. Ngài co rút lại nhưng cười mãi không thôi. Thình lình tinh linh xấu ác cảm thấy thật buồn bã. Vị Lạt ma già càng cười thì tinh linh càng cảm thấy buồn. Hắn bắt đầu kêu khóc và không thể ngừng lại. Hắn khóc lóc thảm thiết và bỏ đi. Trong hơn một năm hắn không thể làm hại ai, thậm chí không thể nghĩ tới điều đó. Vị Lạt ma già đã từng thiền định về lòng từ và bi.

    Việc thiền định về lòng từ bảo vệ ta giống như một áo giáp che chở khỏi mọi tác động xấu. Tốt hơn nữa, thiền định này cho phép ta giúp đỡ và được giúp đỡ. Khi ta cảm thấy được chăm sóc tốt đẹp, được trợ giúp bởi những gì mà ta có thể gọi là các năng lực tích cực, điều đó không phải là “năng lực” bên ngoài mà là lòng từ ái của chính ta đang vận hành. Việc chữa lành bằng lòng từ là một phương pháp truyền thống vô cùng hữu hiệu!




  5. #35
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    PHÁT TRIỂN LÒNG BI MẪN
    15



    Phương diện thứ hai của cách đối trị thứ ba là sự phát triển lòng bi mẫn.

    Lòng bi mẫn là cốt lõi, là tinh túy của tất cả giáo lý của Đức Phật. Nếu bạn thấu hiểu lòng bi mẫn là gì và thực hành nó thì bạn thực hành Phật giáo. Không có lòng bi mẫn, bạn không thực hành Phật giáo.

    Đức Phật cũng nói rằng nếu bạn có lòng bi mẫn, bạn sở hữu tất cả các giáo lý và thực hành của Đức Phật. Nếu bạn thiếu lòng bi mẫn, bạn chẳng hiểu biết gì.

    Giống như ta đã phân biệt ba hình thức của lòng từ ái, cũng có ba hình thức của lòng bi mẫn:



    1. Liên quan tới chúng sinh,
    2. Liên quan tới Giáo Pháp, và
    3. Không có sự liên quan (quy chiếu).



    Loại bi mẫn đầu tiên phát khởi trong ta khi ta nhìn thấy cảnh khốn khổ, những vấn đề, và những đau khổ của chúng sinh. Chúng ta mủi lòng, xúc động, và ước muốn giúp đỡ họ thoát khỏi nỗi khổ của họ. Ta muốn làm điều gì đó cho họ.

    Loại bi mẫn thứ hai đánh dấu sự tăng trưởng mức độ hiểu biết của ta. Giai đoạn đầu tiên thì đầy cảm xúc, và bản thân ta đau đớn trước cảnh tượng khốn khổ của chúng sinh. Việc đi vào cấp độ bi mẫn thứ hai cho thấy sự hiểu biết của ta về Giáo pháp và về Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế) - và vì thế lòng bi mẫn của ta – thì sâu sắc hơn.

    Loại bi mẫn thứ ba xuất hiện với sự hiểu biết toàn hảo, sự hoàn toàn chứng ngộ chân tánh của các sự việc, của tánh Không. Khi đó ta nhận thấy thật rõ ràng là thực ra những chúng sinh quá nhiều đau khổ đó không nhất thiết phải đau khổ. Họ đau khổ do bởi mê lầm, bởi họ suy nghĩ và nhìn các sự việc theo một cách thức sai lầm. Nếu họ có thể nhìn vào các sự việc một cách khác biệt, không khái niệm hóa, thì họ có thể thoát khỏi mọi đau khổ. Lòng bi mẫn trở nên vô cùng mạnh mẽ khi ta nhận ra rằng những đau khổ, mặc dù hiện diện ở khắp nơi, thực ra không có nền tảng và dễ bị tiệt trừ. Điều tách rời chúng sinh với sự giải thoát là một bức vách mỏng manh như thế! Và tuy thế, do bởi vô minh, bởi hiểu sai chân tánh của các sự việc, đau khổ của họ thật dữ dội và hoàn toàn vô ích. Khi bản thân ta đã đi tới mặt bên kia của vấn đề, ta nhận ra sự phí phạm, là điều khiến cho một lòng bi mẫn lớn lao sinh khởi thật tự nhiên trong ta. Đồng thời, ta mất mọi điểm quy chiếu nhờ hiểu rằng trong cách thế thực sự, vững chắc, thực có thì không hề có chúng sinh đau khổ. Dĩ nhiên, ở một bình diện tương đối – nghĩa là từ quan điểm của riêng họ - họ đau khổ ghê gớm. Sự hợp nhất của trí tuệ và lòng bi mẫn phát khởi từ việc nhận ra chân tánh của các sự việc. Đây là tâm yếu của Đức Phật: lòng bi mẫn không có sự quy chiếu.

    Loại bi mẫn cuối cùng này là hình thức khách quan của hai loại bi mẫn trước, nhưng dĩ nhiên là để bắt đầu, ta phải phát triển lòng bi mẫn với sự quy chiếu (bi mẫn có điều kiện) đối với chúng sinh.

    Phương pháp cho phép ta phát triển lòng bi mẫn thì giống hệt phương pháp được dùng để phát triển lòng từ ái. Ta quán tưởng mẹ của ta và hình dung bà đang trải qua đau khổ ghê gớm. Hãy hình dung bà đang bị hành hạ: lòng bi mẫn của chúng ta sẽ dữ dội biết bao! Hiện nay những chúng sinh khác, như những chúng sinh bị tái sinh trong địa ngục, phải liên tục chịu đựng những hành hạ ghê gớm như thế! Theo truyền thống của chúng tôi, ta nghĩ tới bà mẹ của ta, nhưng thay vì bà mẹ, bạn có thể quán tưởng tới người mà bạn cảm thấy lòng từ ái to lớn nhất và hình dung bạn vô cùng yêu thương người ấy, làm thế nào bạn có thể đứng yên nếu có điều gì không hay xảy ra cho người ấy. Khi đã phát triển cảm xúc mãnh liệt này, bạn cố gắng trải rộng nó tới chúng sinh khác, biết rằng với tất cả những chúng sinh đó, bạn từng có mối liên hệ tương tự như mối liên hệ mà bạn hiện có với người này. Chúng ta đã lang thang trong sinh tử lâu dài tới nỗi ở một thời điểm nào đó, tất cả các chúng sinh đều là những bà mẹ, thân quyến, hay bằng hữu của ta. Tất cả những chúng sinh này đều có lòng từ ái và thiện lành đối với ta tương tự như lòng từ ái và thiện lành mà bà mẹ của ta đã trải rộng cho ta trong đời này. Vì thế cũng là bình thường khi ta cảm nhận lòng từ, bi và sự biết ơn tương tự mà ta cảm thấy đối với bà mẹ trong đời này của ta. Ý niệm căn bản là nếu ta có thể yêu thương một người một cách mãnh liệt, thì ta có thể phát triển cùng loại cảm xúc đó đối với hai, mười hay một ngàn người hoặc hơn nữa. Trước tiên, ta phát triển lòng nhân từ và bi mẫn đối với những người gần gũi ta, và sau đó ta mở rộng những cảm xúc này tới những người ta cảm thấy dửng dưng, và cuối cùng bao gồm những kẻ thù của ta.

    Thay vì hình dung bà mẹ của ta hay người nào thân thiết với ta, ta cũng có thể hình dung những gì ta sẽ kinh nghiệm nếu bản thân ta phải chịu đựng những hành hạ không thể chịu đựng nổi ở các cõi địa ngục khác nhau, và theo cách này phát triển một lòng bi mẫn to lớn đối với tất cả chúng sinh đang phải đau khổ như thế. Tất cả chúng sinh đều tìm kiếm sự sung sướng, hạnh phúc, yên bình, và an ổn, nhưng bởi vô minh nên họ làm điều hoàn toàn trái ngược với những gì bảo đảm cho hạnh phúc lâu dài mà họ tìm kiếm. Họ đã tích tập ác nghiệp và liên tục thâu thập nguyên nhân của những đau khổ theo sau – giống như những người mù đi loanh quanh giữa một sa mạc nóng cháy, không biết cách nào ra khỏi nơi đó. Chúng ta khao khát hạnh phúc và sợ hãi đau khổ, và ở điểm này thì chúng sinh khác cũng không có gì khác biệt chúng ta. Khi ta nhận ra sự hiển nhiên này, ta ước muốn cứu giúp họ một cách tự nhiên.

    Ta càng phát triển lòng bi mẫn thì nó càng trở nên tự nhiên hơn. Khi ta thiền định sâu xa và liên tục về lòng bi mẫn, ta đi tới một cấp độ ở đó ta là lòng bi mẫn, và mọi sự ích kỷ, mọi tánh duy ngã sẽ biến mất. Đây là cái ta gọi là sự hoàn toàn thành tựu lòng bi mẫn.

    Gampopa trích dẫn Bản văn Bàn về sự Chứng ngộ của Đức Quán Thế Âm, trong đó nói: “Nếu có một thứ có thể đặt trong bàn tay ta để tượng trưng cho những phẩm tính của Đức Phật, cái đó là gì? Đó là lòng đại bi!” Ngài cũng trích dẫn Kinh điển Bí mật của các Đấng Như Lai,16 trong đó nói: “Trí tuệ cốt tủy nguyên sơ thấu biết tất cả được bắt rễ nơi lòng bi mẫn.”

    Nếu bạn đã phát triển lòng từ ái ước muốn hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, và lòng bi mẫn thúc đẩy bạn giải thoát tất cả khỏi sự đau khổ, có thể là bạn sẽ không còn quan tâm đến việc giải thoát riêng một mình bạn nữa và một cách tự động, dù bạn có muốn hay không, trong thực tế bạn đã trở thành một Bồ Tát.

    Để trở thành một vị Phật toàn giác, trước hết bạn cần trở thành một Bồ Tát. Vì thế sự phát triển lòng từ và bi là con đường chân thật, trực tiếp dẫn tới giác ngộ.

    Ngay cả trên một bình diện tương đối, việc có một trái tim tràn đầy lòng từ và bi có thể giúp chúng ta giải quyết những khó khăn nhất thời của ta. Nếu ta chỉ nhân từ và bi mẫn, làm thế nào ta có thể có những vấn đề về tinh thần hay tâm lý? Những vấn đề như thế phát sinh từ lòng vị kỷ, từ sự bám luyến vào cái ngã của ta và sự sợ hãi là kết quả. Không bám luyến thì không có sự sợ hãi, và không sợ hãi thì không có các vấn đề!

    Lòng khoan dung có thể là bước đầu tiên hướng tới lòng bi mẫn. Khoan dung có nghĩa là tha thứ, không ôm giữ sự hận thù, cố gắng hiểu biết sâu xa hơn những động lực của người khác, và không lấy oán báo oán, một thái độ căn bản từ đó lòng bi mẫn có thể phát khởi. Lòng bi mẫn cố gắng giải quyết các vấn đề trên căn bản này. Điều này có nghĩa là nếu có người muốn làm hại bạn, bạn không dùng sự thù ghét để đáp lại thù ghét, và ở tuyệt đỉnh của nó, bạn ước muốn giúp đỡ những đối thủ của bạn thoát khỏi hận thù và những nguyên nhân của nó.

    Tuy nhiên ta không nên lẫn lộn khoan dung với sự thụ động. Khoan dung không có nghĩa là chịu đựng mọi sự, để cho ta bị lợi dụng và bị đánh đập. Ta nên bi mẫn và làm những điều tốt lành cho người khác - và bản thân ta. Cũng có một vài điều ta không nên khoan dung, chẳng hạn như những độc chất trong tâm. Khoan dung không thích hợp với sự sân hận của ta: ta không nên để cho sân hận phát triển và chế ngự ta. Khoan dung không thích hợp với những người giết hại và áp bức những người khác, và ta không nên để họ làm điều đó. Ta không nên dùng đến bạo lực, vũ khí hay sự xung đột, nhưng ta cũng không chấp nhận mọi sự một cách thụ động. Ta nên kiên quyết bảo vệ những gì ta cân nhắc đúng đắn, nhưng tránh làm hại người khác càng nhiều càng tốt.




  6. #36
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    CÁCH ĐỐI TRỊ THỨ TƯ




    Bồ đề tâm




    Ta có thể coi quyển sách của Gampopa như một cẩm nang để đạt được Phật quả, là hình thức hoàn hảo nhất của Niết bàn. Bồ đề tâm là điều rất cần thiết để thành tựu Phật quả. Bồ đề tâm là giới nguyện, khát khao vĩ đại đạt được Phật quả vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Đó là ước nguyện đưa tất cả chúng sinh tới hạnh phúc viên mãn, tới sự chấm dứt mọi đau khổ, tới Giác ngộ, tới Phật quả.

    Gampopa trích dẫn Trang nghiêm Chứng ngộ Viên mãn,17 một trong năm luận thuyết được Maitreya truyền cho Asanga: “Phát triển Bodhicitta (Bồ đề tâm) có nghĩa là khát khao sự giác ngộ viên mãn, chân thật để làm lợi lạc chúng sinh.” Bodhi có nghĩa là “tâm Phật,” hay “trí tuệ, sự hiểu biết, sự chứng ngộ.” Chitta có nghĩa là “tâm.” Vì thế Bodhichitta có nghĩa là “tâm của bodhi,” “tâm được đặt trên sự chứng ngộ.” Tâm Phật, bodhi, biểu thị các phương diện của trí tuệ và lòng bi mẫn. Trở thành một vị Phật là điều cần thiết để phát triển trí tuệ và lòng bi mẫn cùng một lúc. Bodhichitta (Bồ đề tâm) bao gồm cả hai phương diện.

    Chúng ta phân biệt hai loại Bồ đề tâm: Bồ đề tâm tối thượng18 (Bồ đề tâm tuyệt đối) và Bồ đề tâm tương đối.19 Bồ đề tâm tối thượng tương ứng với phương diện trí tuệ, trong khi phương diện bi mẫn là cốt lõi của Bồ đề tâm tương đối.



    Bồ đề tâm tối thượng



    Bồ đề tâm tối thượng là sự chứng ngộ chân lý, bản tánh tối thượng, thực tại tối thượng. Nó là Phật tánh, tâm giác ngộ, là cái bao gồm và trùm khắp mọi hiện tượng. Gampopa định nghĩa Bồ đề tâm tối thượng là “sự trống không (tánh Không) với lòng bi mẫn như tinh túy của nó, trong trẻo và vững chắc, không vướng mắc các cực đoan có tính chất kinh viện, lý thuyết.” Đây cũng là cách được trình bày trong các Kinh điển.

    Một Bồ Tát kinh nghiệm Bồ đề tâm tối thượng khi đạt được quả vị (địa) thứ nhất. Thực ra chính kinh nghiệm này đánh dấu việc đi vào quả vị thứ nhất của hành giả.

    Bồ đề tâm tối thượng phát khởi từ sự thấu suốt và thiền định về chánh kiến. Sự hiểu biết trí thức về chánh kiến thường xảy ra thật lâu trước địa thứ nhất, là cấp độ mà ở đó, qua ánh chớp đầu tiên của Bồ đề tâm tối thượng, ta kinh nghiệm chân tánh của tâm ta và của các hiện tượng (bởi các hiện tượng hoàn toàn được tri giác bởi tâm thức). Tuy nhiên, ta nên hiểu rằng sự hiểu biết trí thức – mặc dù cần thiết và hữu ích – thì không đủ và cần được hợp nhất với kinh nghiệm của ta để trở thành sự chứng ngộ đích thực.

    Càng tri giác nó một cách rõ ràng thì ta càng tiến bộ từ địa này sang địa khác, để cuối cùng đạt được cấp độ cuối cùng, địa thứ mười, là quả vị của sự chứng ngộ viên mãn. Khi đó mọi ngăn che của vô minh được vén lên: đó là Phật quả. Vì thế sự tiến bộ của ta trên con đường Bồ Tát có thể được đo lường bằng mức độ rõ ràng (quang minh) mà với nó ta tri giác chân tánh của tâm ta.

    Sự nội quán Bồ đề tâm tối thượng không phải là kết quả của việc thệ nguyện và ta không thể có được nó nhờ những gia hộ của người nào khác. Ta không thể nói đó là kết quả trực tiếp của việc nghiên cứu, quán chiếu, và thực hành, nhưng ta có thể dọn đường để nó xuất hiện bằng những điều mà ta có thể gọi là ba cách phát triển Bồ đề tâm tối thượng. Trước hết, đó là nghiên cứu, sự hiểu biết sâu xa rằng ta có thể đạt được qua việc nghiên cứu giáo lý của Đức Phật. Kế đó là sự tích tập công đức vĩ đại và trí tuệ vĩ đại. Cuối cùng, đó là chứng ngộ trí tuệ bằng sự phát triển, và kế đó là sự xuất hiện của trí tuệ hoàn toàn thanh tịnh, vô niệm. Đôi khi Bồ đề tâm có thể phát triển qua sự hứng khởi mà ta nhận lãnh từ vị dẫn dắt tâm linh của ta, nếu ta có một người dẫn dắt như thế. Nó cũng có thể phát triển bởi năng lực của lòng bi mẫn tự nhiên của ta. Một vài phương pháp vững chắc hơn những phương pháp khác. Bồ đề tâm sinh khởi từ sự hứng khởi thì ít chắc chắn hơn Bồ đề tâm được phát triển bởi việc thực hiện những thiện hạnh, quán chiếu về giáo lý, đạt được một sự hiểu biết sâu xa hơn về Bồ đề tâm, và sử dụng việc thiền định và thực hành như một cách sống, là những phương pháp tốt nhất để phát triển nó.




  7. #37
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Bồ đề tâm tương đối



    Bồ đề tâm tương đối có hai cấp độ: (1) Bồ đề tâm khát nguyện (Bồ đề tâm nguyện) và (2) Bồ đề tâm cam kết.

    Trong chủ đề này, có một khác biệt nhỏ giữa quan điểm của Nagarjuna và của Asanga. Theo định nghĩa của Nagarjuna, là điều mà Shantideva và Gampopa tán thành, sự khác biệt giữa hai loại Bồ đề tâm này thì giống như sự khác biệt giữa việc nói “Tôi muốn đi Paris” và việc thực sự đi tới Paris.

    Là Bồ đề tâm khát nguyện khi ta nghĩ: “Vô lượng chúng sinh cư trú trong thế giới đến tận cùng của không gian đều khao khát hạnh phúc tuyệt đối và ghê sợ đau khổ. Tuy nhiên, chừng nào mà họ còn ở trong mê lầm và vô minh, họ sẽ tiếp tục đau khổ. Trạng thái duy nhất thoát khỏi mọi đau khổ là sự toàn giác.” Khi đó ta tự hứa nguyện đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, để ta có thể giải thoát họ khỏi đau khổ. Một giới nguyện như thế, được kết hợp với khao khát sâu xa thực hiện nó, là Bồ đề tâm khát nguyện.

    Việc có biện pháp để làm cho điều này trở thành hiện thực – chẳng hạn như bằng cách phát nguyện và tuân thủ các giới nguyện đó, bắt đầu một việc từ thiện, cố gắng để khoan dung hơn, hoặc bằng cách theo đuổi một chương trình thiền định hay nghiên cứu – mọi sự trợ giúp ta thực hiện ước nguyện, thì theo Shantideva, đó là Bồ đề tâm cam kết. Về chủ đề này, ngài nói:



    Giống như người hiểu rõ sự khác biệt giữa việc muốn đi và thực sự đi,

    Hiền nhân nên phân biệt giữa hai điều này một cách tương ứng.



    Theo Asanga, hứa đạt được một kết quả là Bồ đề tâm khát nguyện, trong khi tự cam kết đưa phương tiện vào hành động để kết quả này xảy ra, tự trang bị cho nguyên nhân, là Bồ đề tâm cam kết. Nói cách khác, nói “Tôi muốn thành Phật để làm lợi ích tất cả chúng sinh” thì tương ứng với Bồ đề tâm khát nguyện: mục tiêu của ta rõ ràng, nhưng ta vẫn chưa làm được điều gì để đạt được nó. Nếu ta thêm vào “Để thực hiện mục tiêu này, tôi sẽ thực hành sáu ba la mật,” thì điều đó trở thành Bồ đề tâm cam kết.

    Các nguyên nhân giúp ta phát triển Bồ đề tâm tương đối là: (1) có một vị dẫn dắt tâm linh tốt, là người gây truyền cảm hứng cho ta và (2) sự thúc đẩy của nghiệp, nhờ nó ta cảm thấy một lòng bi mẫn tự nhiên. Thiện nghiệp này là kết quả của một sự tích tập vĩ đại công đức và trí tuệ đạt được nhờ những thực hành, nghiên cứu, và thiền định khác nhau.

    Các nguyên nhân giúp ta phát triển Bồ đề tâm tối thượng là:



    1. Hiểu biết sâu xa về giáo lý của Đức Phật,
    2. Tích tập vĩ đại công đức và trí tuệ, và
    3. Chứng ngộ trí tuệ nguyên sơ, vô niệm.




  8. #38
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    BỒ ĐỀ TÂM KHÁT NGUYỆN




    Quy y



    Truyền thống của Atisha Dipankara mà Gampopa tiếp nối cho rằng ta phải quy y trước hay nhận một trong những giới nguyện của Luật20 để có thể phát triển Bồ đề tâm đích thực. Quả thực, ta có thể ước muốn mạnh mẽ tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ và đạt được giải thoát viên mãn, nhưng ta không biết phải bắt đầu làm điều đó ra sao. Không có một khuôn mẫu, không có một con đường, chúng ta sẽ lúng túng. Biết được cách thức và nơi chốn ta bắt đầu, ta cần sự giúp đỡ của người hiểu rõ và có khả năng trao truyền sự hiểu biết này. Tuân thủ chiến lược này là điều được gọi là quy y (nương tựa).

    Ta có thể nương tựa nhiều thứ. Nếu ta không có chỗ để ngủ, một căn nhà sẽ là nơi nương tựa của ta. Nếu trời mưa, ta sẽ nương tựa một nơi trú ẩn. Nếu ta đói, ta sẽ tìm sự nương tựa trong một tiệm ăn. Một nơi nương tựa là điều đáp ứng một nhu cầu đặc biệt. Trong trường hợp đặc biệt mà ta đang xử sự, ta tìm nơi nương tựa để thoát khỏi những đau khổ của sinh tử. Ta đã hiểu rằng chẳng nơi nào trong sinh tử có được hạnh phúc lâu dài, và ta muốn từ bỏ sinh tử mãi mãi, nhưng ta cần biết cách làm ra sao. Nếu đây là mục đích của ta, bất kỳ điều gì cho phép ta thực hiện nó sẽ là nơi nương tựa của ta. Người mà ta nương tựa phải có năng lực, sự hiểu biết, ý chí, và lòng bi mẫn cần thiết để bảo vệ ta khỏi đau khổ và chỉ cho ta lối ra. Chỉ có Đức Phật (mục đích của ta), Pháp (giáo lý), và Tăng đoàn (những người dẫn dắt ta) mới đáp ứng được những tiêu chuẩn này. Đây là lý do vì sao theo truyền thống, mọi Phật tử đều quy y Phật, Pháp và Tăng đoàn, mà ta gọi là Tam Bảo. Quy y không phải là khẩn cầu Phật, Pháp, và Tăng đoàn giúp đỡ và cứu ta. Nó có nghĩa là tìm ra một mục đích và một con đường và tự cam kết đi theo hướng đó.



    Quy y Phật



    Theo Đại thừa, nơi quy y chân thực là Đức Phật.

    Hai ngàn năm trăm năm trước, Thái tử Tất Đạt Đa đã giải thoát bản thân ngài khỏi những đau khổ của sinh tử bằng cách trở thành một vị Phật. Ngài đã chỉ cho ta mục đích, mục tiêu thực sự: tất cả chúng ta đều có Phật tánh, tất cả chúng ta đều có khả năng để thành Phật, là điều ta phải nhận ra và chứng ngộ. Chấp nhận điều này có nghĩa là ta cố gắng đi theo các giai đoạn trên con đường, để hiểu rõ khả năng đạt được giác ngộ của ta. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc quy y.

    Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật nhờ những nỗ lực của ngài, sự hiểu biết của ngài về giáo lý, và nhờ mẫu mực của những vị Phật khác xuất hiện trước ngài. Ngài tuyên bố: “Ta đã giải thoát khỏi những đau khổ của sinh tử, và ta biết con đường dẫn đến giải thoát. Tất cả những ai muốn điều đó cũng có thể thành Phật.”

    Khi trình bày về Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế), ngài đã giảng rất rõ về việc làm thế nào và vì sao chúng ta bị trói buộc vào những đau khổ của sinh tử (Chân lý Thứ Nhất, Khổ Đế). Ngài đã giảng về những nguồn gốc của đau khổ này (Chân lý thứ Hai, Tập Đế) và tuyên bố rằng có thể giải thoát chính mình khỏi nỗi khổ đó (Chân lý Thứ Ba, Chân lý của sự Tận diệt, Diệt Đế). Sau đó ngài phác họa con đường tuần tự mà ta có thể đi theo để rời bỏ sinh tử (Chân lý Thứ Tư, Đạo Đế). Ngài không chỉ ban cho ta “cẩm nang” để thấu hiểu về những khổ đau của thế giới này mà còn cho ta “bản đồ” để thoát khỏi nó. Vì thế ngài là gương mẫu duy nhất của chúng ta, vị dẫn dắt duy nhất với kinh nghiệm cần thiết để đưa ta đến cùng đích của con đường. Ta không thể tìm ra một người nào có đầy đủ phẩm tính hơn để nương tựa. Đã từng có vô số vị Phật trong quá khứ và sẽ có vô số vị Phật trong tương lai.

    Bên ngoài những cơ cấu lịch sử chặt chẽ, một vị Phật là người đã từ bỏ mọi sự cần phải từ bỏ và đã thành tựu tất cả những gì cần phải thành tựu. Ngài đã tịnh hóa được mọi mê lầm và những cảm xúc tiêu cực. Trí tuệ của ngài hoàn toàn phát triển. Tên gọi “Phật” xuất phát từ gốc Phạn ngữ bodh, có nghĩa là “sự thấu suốt” hay “sự hiểu biết.” Vì thế một vị Phật là người thấu suốt mọi sự phải được thấu suốt. Thậm chí cách dịch Tây Tạng còn rõ ràng hơn. Sang-gye được kết hợp lại từ sang, có nghĩa là “tỉnh thức” hay “giác ngộ,” và gye có nghĩa là “mở rộng, nở rộ.” Vì thế Sang-gye có nghĩa là người đã tỉnh thức khỏi giấc ngủ của sự vô minh và là người có trí tuệ đã hoàn toàn nở rộ.

    Chúng ta coi Đức Phật như một gương mẫu để noi theo, một lý tưởng để đạt tới, nhưng ta cũng phải hiểu rằng Phật tánh hiện diện trong mỗi chúng sinh. Mỗi người chúng ta đều có tiềm năng này để trở nên hoàn toàn giác ngộ. Chính với mục tiêu này mà chúng ta bắt đầu trên con đường. Yếu tố cốt tủy trong việc quy y là sự nhận thức về việc ta có khả năng để trở thành những đấng hoàn toàn giác ngộ và sự thấu suốt mà ta chia sẻ khả năng này với tất cả chúng sinh. Quyết định đi theo con đường giác ngộ để cứu giúp bản thân và tất cả chúng sinh là điều mà sự quy y Phật nhắm đến.




  9. The Following User Says Thank You to minhquang For This Useful Post:

    dieunghiem (09-29-2015)

  10. #39
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Quy y Pháp



    Bằng cách quy y Phật, ta mang lại cho cuộc đời ta một ý nghĩa, một hướng đi, một mục tiêu và một ý định; và bằng cách làm điều này, ta tự động quy y Pháp. Quả thực, con đường duy nhất để đạt được mức độ ý thức của một vị Phật là sử dụng giáo lý của Đức Phật như một cách sống và áp dụng những phương pháp của các giáo lý đó. Quyết định học tập và thực hành Pháp là điều mà việc quy y Pháp nhắm đến.

    Ta phân biệt hai phương diện của Giáo Pháp:



    a) Giảng dạy Pháp; những giáo lý khẩu truyền của Đức Phật và những giáo huấn, hướng dẫn, phương pháp được trao truyền bởi dòng truyền thừa của các đệ tử của ngài và

    b) Kinh nghiệm Pháp; Giáo Pháp “đích thực”, nó bao gồm “Pháp của con đường” (đó là, sự thấu suốt và kinh nghiệm về Pháp) và “Pháp của sự tận diệt” (là cái tương ứng với giây phút ta đạt được kết quả cuối cùng của sự thực hành của ta, đó là sự giác ngộ).


    Quy y Tăng đoàn



    Ta thọ nhận các giáo lý và giáo huấn này từ Tăng đoàn, là cộng đồng các hành giả, những bạn đồng hành của ta trong Giáo Pháp, những người thực hành và đã thọ nhận giáo lý được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các thành viên của Tăng đoàn là những người ban cho ta giáo huấn về Pháp. Ta không thể đi vào Giáo Pháp mà không có sự giúp đỡ và hướng dẫn của các ngài. Các ngài chỉ cho ta con đường; các ngài nâng đỡ ta từng bước một và cảnh báo để ta có thể tránh được những sai lầm và cạm bẫy.

    Cũng có ba loại Tăng đoàn:



    Tăng đoàn những người bình thường, bao gồm cộng đồng các tăng và ni đã thọ Cụ túc giới (các gelong hay các Tỳ kheo) và các cư sĩ.
    Tăng đoàn các Bồ Tát (Tăng đoàn arya hay Tăng đoàn siêu việt) là những bậc có kinh nghiệm về Pháp. Đức Phật cũng được bao gồm trong Tăng đoàn này, bởi ngài có kinh nghiệm sâu xa nhất về Pháp.


    Ta nói đến một nhóm Tăng đoàn (Tăng chúng) ngay khi có hơn bốn Tỳ kheo hay Bồ Tát sống chung với nhau.

    Tầm quan trọng được trao cho điều này hay điều khác trong những phương diện này của sự quy y thì tùy thuộc vào mỗi cá nhân hành giả. Những người cảm thấy khó khăn trong cách tiếp cận trí thức và những người không có một tính khí quá sức độc lập và thích đi theo một nhóm sẽ nhận được những kết quả tốt hơn nếu họ tạo thành một thành phần của một cộng đồng các hành giả. Khi đó Tăng đoàn thật quan trọng. Nhờ đi theo Tăng đoàn, họ học được cách thực hành Pháp, và cuối cùng thành công trong việc thấu hiểu Đức Phật.

    Đối với những người không muốn lệ thuộc vào người khác và không muốn là một thành phần của một nhóm thì Pháp quan trọng hơn, khi đó Pháp được trình bày như nơi quy y chân thực, bởi chính nhờ Giáo Pháp mà ta nhận ra Đức Phật và đi tới chỗ tiếp xúc với Tăng đoàn ở bên trong.

    Tuy nhiên, theo Phật giáo Đại thừa, nơi quy y chính yếu là Phật. Uttaratantra Shastra21 và các bản văn Đại thừa chính yếu giảng nghĩa chi tiết rằng Phật là nơi quy y tối thượng duy nhất. Những Kinh văn đó nhấn mạnh đến tiềm năng thành Phật của ta và thúc đẩy ta coi việc thể nhập tiềm năng này là mục tiêu duy nhất.

    Ta tìm thấy một mục đích bằng cách quy y Phật. Ta tìm thấy một phương pháp bằng cách quy y Pháp, và ta tạo ra những hoàn cảnh thích hợp cho việc thực hành của ta bằng cách quy y Tăng đoàn. Quy y Phật, Pháp, và Tăng đoàn là thực hành con đường tâm linh hay con đường dẫn đến Phật quả.




  11. #40
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Ba Thân




    Bây giờ dĩ nhiên là ta nên có một ý niệm về một vị Phật, bởi chẳng có ý nghĩa gì trong việc muốn trở thành một điều gì đó mà ta chẳng hiểu gì về nó!

    Nói chung, như đã nói trước đây, ta có thể định nghĩa một vị Phật là người đã phát triển trí tuệ hay lòng bi mẫn của mình tới mức độ tột cùng, mức độ tối thượng. Tuy nhiên, không có định nghĩa đơn giản về một vị Phật, và vì thế ta phải tiếp cận bản tánh của ngài từ những góc độ khác nhau.

    Như thế một vị Phật được mô tả là có ba kaya, hay ba “thân,” đó là dharmakaya (Pháp Thân), sambhogakaya (Báo Thân), và nirmanakaya (Hóa Thân).22 Ý niệm này không phải luôn luôn khó hiểu. Nó không có nghĩa là chư Phật có những hình thức khác nhau, nhưng có nghĩa là điều ta gọi là “Phật” có thể được mô tả từ ba góc độ, ba phương diện, hay ba quan điểm.



    Pháp Thân (dharmakaya)

    Pháp Thân biểu thị sự vắng mặt của tư tưởng nhị nguyên của kiểu nói “Đây là tôi và đây là những người khác”; “Điều này tốt và điều này xấu.” Một vị Phật không vướng mắc vào những ý niệm như thế bởi ngài có tánh Không, hay sunyata, được nhận thức một cách hoàn hảo. Một số người cho rằng sự vắng mặt của tri giác nhị nguyên đưa đến chỗ mọi phân biệt giữa ta và người khác biến mất và khiến ta không là gì hết, như thể ta bị tán nhỏ ra hay bị chìm một một trạng thái hôn mê sâu. Khi đó họ tự hỏi rằng một trạng thái như hế thì có gì là đáng ao ước và đi đến kết luận rằng tốt hơn là nên từ bỏ mọi thực hành tâm linh và tạm bằng lòng với việc theo đuổi các lạc thú thế gian. Họ quên rằng đây không phải là phương diện duy nhất để mô tả một vị Phật.

    Pháp Thân là tâm Phật. Nó hoàn toàn không mê lầm nên nó thoát khỏi những ý niệm, giả định, bám chấp, nghi ngờ, và sợ hãi. Nó là sự tỉnh giác vô hạn, bao la, trong sáng và trực tiếp. Tâm suy tưởng mà ta kinh nghiệm thì không trong sáng và đầy những giả định và suy luận. Tâm của Pháp Thân siêu vượt điều đó và nhìn thấy một cách trực tiếp và rõ ràng, vì thế không cần có các ý niệm hay giả định. Đây là kinh nghiệm sâu xa nhất của chân tánh của tâm ta. Tâm Phật thì toàn trí bởi nó không bị trói buộc bởi những tư tưởng nhị nguyên. Kinh nghiệm này cũng được gọi là rigpa, Mahamudra (Đại Ấn), tịnh quang và Đại Viên mãn. Giống như không gian, nó vô hạn, không bị pha trộn, không thể thấu hiểu và nhận biết bằng bất kỳ cách nào. Nó luôn luôn ở đó nhưng ta không thể nắm bắt nó. Nó an bình - không gì có thể quấy nhiễu nó. Nó rõ ràng – mọi sự được nhìn thấy không chút chướng ngại. Nó bi mẫn – mọi chúng sinh được nhìn một cách bình đẳng với bản thân ta. Nó đầy năng lực – một hiện thể Pháp Thân có thể hóa hiện và xuất hiện như điều gì đó hoặc người nào đó, khi cần thiết, mà không cần nỗ lực. Đây là bản tánh cốt tủy của tâm của tất cả chúng ta.




  12. The Following User Says Thank You to minhquang For This Useful Post:

    dieunghiem (10-01-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •