Tự nhiên tôi bỗng giật mình. Thì ra ngài biết rõ chuyện xảy ra đêm hôm trước. Trong khoảng khắc tôi hiểu ngay rằng ngài đã cố ý hướng dẫn cho tôi kinh nghiệm về tánh không (sunyata) nhưng tôi chưa đủ trí tuệ để hòa nhập vào cái không hải rỗng lặng uyên nguyên kia, công phu thiền quán của tôi còn nhiều thiếu sót, bản ngã của tôi còn mạnh chưa chịu tiêu dung vào hư không để bước vào cảnh giới “Không Vô Biên Xứ Định”.
Thấy tôi có vẻ ngượng ngùng, sư trưởng Lachen mỉm cười:
– Một công phu tu tập siêng năng chưa đủ mà còn phải chú trọng việc mở mang trí tuệ nữa. Con cần trì tụng chú Đại Bi và bộ Bát Nhã Ba La Mật để suy ngẫm về tánh không cho thật đáo thì mới mong có thể tiến bộ thêm được.
Tôi cúi đầu cám ơn lời chỉ bảo của ngài, quả thật tôi rất chăm chỉ thực hành các nghi thức nhưng chưa đạt được đến trạng thái ung dung tự tại của các bậc tu chứng đã thực sự kinh nghiệm được tánh Không (suyata). Cho đến nay, mỗi khi nhớ lại cái kinh nghiệm lạ lùng trên đỉnh Thangu tôi không khỏi thầm biết ơn ngài đã chỉ điểm cho tôi thấy rằng cái bản ngã mà ta tưởng đã diệt được nó qua công phu tu hành vẫn còn rất mạnh và chỉ khi thực sự kinh nghiệm được tánh Không, người tu mới có thể bước vào cái thế giới bao la rộng rãi của những cảnh giới bất khả tư nghĩ”.
Từ đó tôi nghiệm rằng chỉ khi ý thức thực sự được tính chất vô ngã của mình thì người tu mới có thể tiến bộ trên con đường đạo. Các phương pháp thiền định của ngoại đạo tuy cũng cao siêu, cũng giúp các hành giả lên được những cảnh trời nhưng vì cái “ngã” dù là tiểu ngã hay đại ngã vốn còn chấp có nên đã trở thành một chướng ngại ràng buộc, khiến người tu không sao vượt lên cao hơn nữa. Tuy trụ ở các cảnh trời hưởng phước một thời gian, khi các phước báu này tiêu tan thì họ lại sa đọa trở lại vào vòng luân hồi sinh tử. Một người tu khi đã đến sát bờ phải biết dùng trí tuệ để vượt lên, vượt qua, chiến thắng mọi chướng ngại cuối cùng để qua đến “bờ bên kia” vì nếu không thì họ vẫn chỉ chơi với giữa dòng, lúc chìm đắm khi nổi trôi không sao đạt đến thực tại cuối cùng được.
Sau khi từ giã sư trưởng Lachen, chúng tôi dừng chân tại Sikkim, một tiểu quốc nằm sát biên giới Ấn Tạng. Tôi ghé vào chùa Podang nơi bà Alexandra Divid Neel đã từng tu ở đó. Vị Lạt Ma trụ trì mời tôi nghỉ trong căn phòng mà trước đó ít năm bà David Neel đã trú ngụ. Chính tại căn phòng này mà khi tiểu vương Koshan Maharajah đến viếng, bà David Neel đã nghe thấy một tiếng nói vô thanh cảnh cáo ông về chính sách “cải cách xã hội” đang được thi hành lúc đó.
Tiểu vương Koshan Maharajah là người theo Âu học, đã từng du học nhiều năm ở Âu châu. Khi về nước, ông chủ trương Âu hóa và triệt để bài trừ những điều mà ông cho là cổ hủ, lỗi thời. Ông ra lệnh đóng cửa chùa chiền, bắt giam các tu sĩ, cấm dân chúng thực hành các nghi thức tôn giáo cổ truyền. Ông tin rằng khoa học, lý luận và một nền giáo dục rập khuôn Âu châu mới là con đường đưa xứ sở ông trở nên văn minh, tiến bộ.
Cuộc cải cách xã hội của Koshan Maharajah thất bại sau đó vì gặp phải sự chống đối mãnh liệt của dân chúng. Tiểu vương Tashi Namgyang Maharajah, em ruột của Koshan lên nối nghiệp và thay đổi chính sách này bằng một đường lối ôn hòa hơn. Ông khuyến khích việc bảo tồn truyền thống cổ truyền, đề cao giá trị sẵn có và thay đổi các tập tục mê tín dị đoan bằng việc giáo dục các tu sĩ qua các đại học Phật giáo. Nhờ vậy xứ Sikkim trở nên một trung tâm Phật giáo quan trọng, trong thời gian du lịch tại đây tôi đã sưu tầm được rất nhiều bộ sách cổ giá trị. Tại chùa Eche (Eche Gompa) tôi đã họa lại rất nhiều hình vẽ, các chủng tự huyền bí thâu thập được nhiều tài liệu viết từ thế kỷ thứ 14.
Biết tôi là một học giả đã biên soạn nhiều sách vở về Phật giáo, tiểu vương Tashi Maharajah đã ra lệnh cho nhà quý tộc Enche Kazi phải lo liệu cho tôi thật chu đáo. Từ việc cung cấp vật thực đến việc lo lừa ngựa di chuyển để hướng dẫn tôi đi khắp các chùa chiền, di tích lịch sử trong vùng.
Enche Kazi là một tín đồ Phật giáo thuần thành, dòng họ của ông sở hữu rất nhiều đất đai tại đây và từ nhiều đời trước tổ tiên họ đã cho xây cất nhiều đền chùa, tu viện khắp xứ. Tôi sống với gia đình Kazi hơn một tháng và họ đối đãi với tôi như người nhà. Tôi được biết gia đình này đã giúp đỡ và trợ cấp cho hàng trăm tu sĩ để họ yên tâm tu học. Phần lớn gia đình người dân xứ này đều trông cậy vào những người con trai buôn bán, canh tác chăn nuôi nhưng nếu những người này muốn từ bỏ gia đình để trở nên một tu sĩ thì gia đình đó ắt phải chịu các thiệt thòi vật chất. Enche Kazi đã chu cấp cho tất cả những gia đình này để họ yên tâm và khuyến khích con cái tu học. Chính tại đây mà tôi được biết rằng Lạt Ma Yongden cũng đã được nuôi dưỡng, tài trợ bởi gia đình này. Trong khu du hành, bà Alexandra David Neel đã từng tạm trú nơi đay, bà đã nhận Yongden làm nghĩa tử và cùng ông này du hành khắp Tây Tạng. Công trình nghiên cứu của bà David Neel và Lạt Ma Yongden đã giúp cho hàng triệu người khắp thế giới biết đến Tây Tạng và định mạng cho thấy gia đình Kazi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thời gian sắp đến.
Trước khi rời Sikkim, tôi viết thư cảm ơn tiểu vương Tashi Maharajah về tấm thịnh tình ngài đã dành cho tôi. Nhà vua cho người triệu tôi đến dùng cơm riêng với ngài, một hân hạnh mà tôi không thể từ chối.
Đó là một buổi chiều êm ả, tiếng ve sầu ngân nga vang lừng khu thượng uyển, chúng tôi ngồi trên một hàng hiên cao nhìn về những rặng đồi thấp chập chùng quanh Podang. Câu chuyện bao quanh vấn đề tôn giáo, triết học, xã hội rồi chuyển qua các đề tài như kinh tế, thương mại, giao thông v.v…