DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 4/11 ĐầuĐầu ... 23456 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 31 tới 40 của 101
  1. #31
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    Tự nhiên tôi bỗng giật mình. Thì ra ngài biết rõ chuyện xảy ra đêm hôm trước. Trong khoảng khắc tôi hiểu ngay rằng ngài đã cố ý hướng dẫn cho tôi kinh nghiệm về tánh không (sunyata) nhưng tôi chưa đủ trí tuệ để hòa nhập vào cái không hải rỗng lặng uyên nguyên kia, công phu thiền quán của tôi còn nhiều thiếu sót, bản ngã của tôi còn mạnh chưa chịu tiêu dung vào hư không để bước vào cảnh giới “Không Vô Biên Xứ Định”.

    Thấy tôi có vẻ ngượng ngùng, sư trưởng Lachen mỉm cười:

    – Một công phu tu tập siêng năng chưa đủ mà còn phải chú trọng việc mở mang trí tuệ nữa. Con cần trì tụng chú Đại Bi và bộ Bát Nhã Ba La Mật để suy ngẫm về tánh không cho thật đáo thì mới mong có thể tiến bộ thêm được.

    Tôi cúi đầu cám ơn lời chỉ bảo của ngài, quả thật tôi rất chăm chỉ thực hành các nghi thức nhưng chưa đạt được đến trạng thái ung dung tự tại của các bậc tu chứng đã thực sự kinh nghiệm được tánh Không (suyata). Cho đến nay, mỗi khi nhớ lại cái kinh nghiệm lạ lùng trên đỉnh Thangu tôi không khỏi thầm biết ơn ngài đã chỉ điểm cho tôi thấy rằng cái bản ngã mà ta tưởng đã diệt được nó qua công phu tu hành vẫn còn rất mạnh và chỉ khi thực sự kinh nghiệm được tánh Không, người tu mới có thể bước vào cái thế giới bao la rộng rãi của những cảnh giới bất khả tư nghĩ”.

    Từ đó tôi nghiệm rằng chỉ khi ý thức thực sự được tính chất vô ngã của mình thì người tu mới có thể tiến bộ trên con đường đạo. Các phương pháp thiền định của ngoại đạo tuy cũng cao siêu, cũng giúp các hành giả lên được những cảnh trời nhưng vì cái “ngã” dù là tiểu ngã hay đại ngã vốn còn chấp có nên đã trở thành một chướng ngại ràng buộc, khiến người tu không sao vượt lên cao hơn nữa. Tuy trụ ở các cảnh trời hưởng phước một thời gian, khi các phước báu này tiêu tan thì họ lại sa đọa trở lại vào vòng luân hồi sinh tử. Một người tu khi đã đến sát bờ phải biết dùng trí tuệ để vượt lên, vượt qua, chiến thắng mọi chướng ngại cuối cùng để qua đến “bờ bên kia” vì nếu không thì họ vẫn chỉ chơi với giữa dòng, lúc chìm đắm khi nổi trôi không sao đạt đến thực tại cuối cùng được.

    Sau khi từ giã sư trưởng Lachen, chúng tôi dừng chân tại Sikkim, một tiểu quốc nằm sát biên giới Ấn Tạng. Tôi ghé vào chùa Podang nơi bà Alexandra Divid Neel đã từng tu ở đó. Vị Lạt Ma trụ trì mời tôi nghỉ trong căn phòng mà trước đó ít năm bà David Neel đã trú ngụ. Chính tại căn phòng này mà khi tiểu vương Koshan Maharajah đến viếng, bà David Neel đã nghe thấy một tiếng nói vô thanh cảnh cáo ông về chính sách “cải cách xã hội” đang được thi hành lúc đó.

    Tiểu vương Koshan Maharajah là người theo Âu học, đã từng du học nhiều năm ở Âu châu. Khi về nước, ông chủ trương Âu hóa và triệt để bài trừ những điều mà ông cho là cổ hủ, lỗi thời. Ông ra lệnh đóng cửa chùa chiền, bắt giam các tu sĩ, cấm dân chúng thực hành các nghi thức tôn giáo cổ truyền. Ông tin rằng khoa học, lý luận và một nền giáo dục rập khuôn Âu châu mới là con đường đưa xứ sở ông trở nên văn minh, tiến bộ.

    Cuộc cải cách xã hội của Koshan Maharajah thất bại sau đó vì gặp phải sự chống đối mãnh liệt của dân chúng. Tiểu vương Tashi Namgyang Maharajah, em ruột của Koshan lên nối nghiệp và thay đổi chính sách này bằng một đường lối ôn hòa hơn. Ông khuyến khích việc bảo tồn truyền thống cổ truyền, đề cao giá trị sẵn có và thay đổi các tập tục mê tín dị đoan bằng việc giáo dục các tu sĩ qua các đại học Phật giáo. Nhờ vậy xứ Sikkim trở nên một trung tâm Phật giáo quan trọng, trong thời gian du lịch tại đây tôi đã sưu tầm được rất nhiều bộ sách cổ giá trị. Tại chùa Eche (Eche Gompa) tôi đã họa lại rất nhiều hình vẽ, các chủng tự huyền bí thâu thập được nhiều tài liệu viết từ thế kỷ thứ 14.

    Biết tôi là một học giả đã biên soạn nhiều sách vở về Phật giáo, tiểu vương Tashi Maharajah đã ra lệnh cho nhà quý tộc Enche Kazi phải lo liệu cho tôi thật chu đáo. Từ việc cung cấp vật thực đến việc lo lừa ngựa di chuyển để hướng dẫn tôi đi khắp các chùa chiền, di tích lịch sử trong vùng.

    Enche Kazi là một tín đồ Phật giáo thuần thành, dòng họ của ông sở hữu rất nhiều đất đai tại đây và từ nhiều đời trước tổ tiên họ đã cho xây cất nhiều đền chùa, tu viện khắp xứ. Tôi sống với gia đình Kazi hơn một tháng và họ đối đãi với tôi như người nhà. Tôi được biết gia đình này đã giúp đỡ và trợ cấp cho hàng trăm tu sĩ để họ yên tâm tu học. Phần lớn gia đình người dân xứ này đều trông cậy vào những người con trai buôn bán, canh tác chăn nuôi nhưng nếu những người này muốn từ bỏ gia đình để trở nên một tu sĩ thì gia đình đó ắt phải chịu các thiệt thòi vật chất. Enche Kazi đã chu cấp cho tất cả những gia đình này để họ yên tâm và khuyến khích con cái tu học. Chính tại đây mà tôi được biết rằng Lạt Ma Yongden cũng đã được nuôi dưỡng, tài trợ bởi gia đình này. Trong khu du hành, bà Alexandra David Neel đã từng tạm trú nơi đay, bà đã nhận Yongden làm nghĩa tử và cùng ông này du hành khắp Tây Tạng. Công trình nghiên cứu của bà David Neel và Lạt Ma Yongden đã giúp cho hàng triệu người khắp thế giới biết đến Tây Tạng và định mạng cho thấy gia đình Kazi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thời gian sắp đến.

    Trước khi rời Sikkim, tôi viết thư cảm ơn tiểu vương Tashi Maharajah về tấm thịnh tình ngài đã dành cho tôi. Nhà vua cho người triệu tôi đến dùng cơm riêng với ngài, một hân hạnh mà tôi không thể từ chối.

    Đó là một buổi chiều êm ả, tiếng ve sầu ngân nga vang lừng khu thượng uyển, chúng tôi ngồi trên một hàng hiên cao nhìn về những rặng đồi thấp chập chùng quanh Podang. Câu chuyện bao quanh vấn đề tôn giáo, triết học, xã hội rồi chuyển qua các đề tài như kinh tế, thương mại, giao thông v.v…



  2. #32
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    Tôi chỉ lên một ngọn đồi gần đó, nơi hàng đêm tôi vẫn nhìn thấy những vệt sáng di chuyển giống như những ngọn đèn xe hơi:

    – Tôi không thể ngờ ngài cho thiết lập cả một trục giao thông xuyên qua ngọn đồi kia, một xa lộ như vậy ắt hẳn tốn kém lắm.

    Tashi Maharajah ngạc nhiên:

    – Nhưng làm gì có xa lộ nào trên đồi đó, con đường giao thông duy nhất từ Ấn qua đây là con đường lộ dưới thung lũng Tisha.

    – Nhưng tôi nhìn thấy rất nhiều vệt sáng như đèn pha xe hơi di chuyển rất nhanh dọc theo sườn đồi kia mà…

    Tashi Maharajah mỉm cười nói nhỏ:

    – Đó không phải là xe hơi đâu! Có rất nhiều hiện tượng lạ lùng xảy ra quanh đây nhưng dĩ nhiên tôi không bao giờ muốn nói cho những người ngoài biết vì họ có thể cho rằng tôi là người mê tín dị đoan hay trông gà hóa cuốc. Tuy nhiên ông đã nhìn thấy nó thì tôi có thể cho ông biết rằng ngọn đồi đó là vị trí hết sức hiểm trở, lừa ngựa đi còn khó huống chi xe hơi. Những luồng sáng đó vẫn thường xuất hiện và di chuyển hết sức nhanh, chúng có thể đổi vị trí hay hướng đi trong chớp mắt. Có lần chúng lao thẳng vào cung điện của tôi rồi bất chợt chuyển hướng quay ngược lại, không một phi cơ nào có thể chuyển hướng 360 độ trong một thời gian kỷ lục như vậy. Chúng lướt trên không trung một cách dễ dàng như những đốm lửa khổng lồ, dân chúng xứ tôi tin rằng đó là những vị thần linh tu luyện trên Tuyết Sơn đang dạo chơi… Tôi không biết phải giải thích như thế nào nhưng tôi biết chắc rằng đây là một hiện tượng mà khoa học không thể giải thích được.

    Tôi im lặng kính phục sự thành thực của vị tiểu vương trẻ tuổi. Có lẽ không giải thích được những sự kiện này một cách chính xác, rõ rệt nên người dân xứ này đã giải thích nó bằng những quan niệm về thần linh và chấp nhận nó như một sự hiển nhiên. Điều này khác hẳn với lối giải thích của người Âu, nếu không thể giải thích điều gì, họ phủ nhận ngay rằng điều đó không có thật. Nếu đầu óc lý luận, khoa học không thể chấp nhận một cái gì thì họ lên án ngay rằng đó chỉ là một sự tưởng tượng.

    Nhưng khoa học giải thích thế nào về đời sống? Tại sao sự kiện xảy ra trong đời sống như vậy? Nếu tư tưởng con người chỉ là những luồng điện chạy trong thần kinh quan phản ứng hóa học và điện học thì người ta giải thích thế nào về hiện tượng thần giao khi tư tưởng được phóng ra không trung và được tiếp nhập bởi một người khác? Nếu bộ óc có khả năng của dòng điện sẽ như thế nào? Khoa học đã biết gì về điện lực hay họ chỉ dựa trên một số định luật và các phản ứng của nó để đưa ra một quan niệm trừu tượng, một cái gì mà họ có thể sử dụng nhưng không hề hiểu đích thực nó là gì? Những danh từ như “protons, electrons, neutrons” của khoa học thực nghiệm quả không có một nghĩa lý gì hết đối với những người dân bản khai nhưng họ đâu cần biết đến những thứ này mà vẫn sống một cách thoải mái được. Sự sống không hề phân biệt một nhà thông thái hay một bác nông phu vì sống không phải là một cái gì bất động, tuân theo các định luật khoa học nhưng là một cách gì sống động trong cơ thể, tư tưởng, tình cảm con người.

    Hiện tượng những vệt sáng di chuyển tại Podang cũng không khác những ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới là bao. Dĩ nhiên có kẻ tin, người không tin và người ta cũng thêu dệt rất nhiều sự kiện hoang đường lạ lùng đi kèm theo nó. Điều này không phải mãi dến thế kỷ 20 mới xảy ra, các tài liệu lịch sử đã nói về những đốm lửa bay nhảy trên không gian từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch.

    Hiện tượng này được ghi nhận xảy ra nhiều nhất tại Ngũ Đài Sơn bên Trung Hoa. Phía nam rặng Ngũ Đài Sơn người ta đã xây một cái tháp khá cao để khách hành hương có thể nhìn thấy rõ phong cảnh quanh đó. Nhưng thật ra ngọn tháp này được sử dụng để chiêm ngưỡng những vật sáng thường di chuyển quanh những đỉnh núi này mà người ta gọi là những đốm lửa thiêng (divine ball of fire).

    Nhà mạo hiểm John Biofeid đã bỏ ra hơn một năm trời sống tại đây đển nghiên cứu hiện tượng lạ lùng này. Ông viết trong cuốn The Wheel of Life như sau: “Quanh rặng Ngũ Đài có rất nhiều chùa chiền thờ đức Văn Thù Bồ Tát mà người Trung Hoa tin rằng ngài thường trú ngụ tại đây. Chúng tôi leo lên ngọn núi thứ năm, ngọn cao nhất trong tất cả năm ngọn vào một buổi chiều. Nắng vừa tắt và không gian thật yên tĩnh, tôi nhìn thấy một ngọn tháp khá cao xây ở phía sau chùa, đó không phải là một tháp chuông vì lối kiến trúc của nó không giống những tháp chuông thông thường, có lẽ đó là một đài quan sát thì đúng hơn vì nó chỉ có một cái sân nhỏ trên nóc và một chếc thang dài để leo lên. Đêm đó, trong lúc đang ngồi trong chánh điện thì một vị tăng cầm đèn lồng xuất hiện nói với vị sư trụ trì: “Đức Bồ Tát đã xuất hiện”. Chúng tôi vội theo chân vị tăng đó leo lên đỉnh tháp… Điều chúng tôi nhìn thấy quả hết sức kỳ diệu, không thể diễn tả. Hàng trăm quả cầu lửa liên tiếp bay lượn trên đỉnh những ngọn núi hùng vĩ trước mặt, tôi không thể phỏng đoán kích thước, vận tốc của chúng. Chúng từ đâu đến hay đi về đâu? Tôi chỉ biết thộn mắt ra ngắm những quả cầu lửa màu sắc chói lọi lơ lửng giữa không gian… Một hình ảnh lạ lùng, huyền bí, linh thiêng đến tuyệt vời”.




  3. The Following User Says Thank You to chimvacgoidan For This Useful Post:

    Thiện Tâm (09-24-2015)

  4. #33
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    6 – Chết và tái sinh



    Trong thời gian ở Sikkim, tôi đã được nghe kể về chuyến hành hương của hòa thượng Tomo tại Ấn Độ. Cả một rừng người nô nức theo chân phái đoàn của ngài đi thăm viếng các Phật tích. Tại Sarnath hàng trăm ngàn người đã sắp hàng nghênh đón ngài dài mấy chục cây số. Báo chí Ấn Độ chạy những hàng tít lớn: “Một vị đại Lạt Ma, quan trọng vào hàng thứ tư sau đức Đại Lạt Ma đang viếng thăm Ấn Độ”, “Đại lão hòa thượng Tomo Geshe Rinpoche đang thăm viếng các Phật tích”v.v…

    Người ta đã thêu dệt nhiều chi tiết ly kỳ vào cuộc hành hương này mặc dù không một ký giả nào được ngài tiếp kiến và như tôi đã đề cập trước đây, không ai chụp được tấm hình nào của ngài. Tuy thế người ta vẫn phóng đại tất cả mọi điều lên bản báo và số người tò mò theo dõi phái đoàn của ngài mỗi ngày một đông. Tờ Calcuts Daily cho biết hòa thượng Tomo không bao giờ ngủ và điều này đã tạo ra những cuộc bàn cãi lớn, nhiều nhà khoa học cho rằng không ngủ là điều không thể xảy ra được. Người ta đã chất vấn ngài về điều này nhưng hòa thượng Tomo không bao giờ trả lời những câu hỏi vô ích như vậy. Tôi biết rõ hòa thượng Tomo không bao giờ nằm, ngài luôn luôn ngồi thiền ngày cũng như đêm trên một chiếc ghế gỗ. Ngài cho biết khi nằm người ta có thể ngủ quên lúc nào không biết và như vậy là không hoàn toàn kiểm soát được thân thể. Để hoàn toàn làm chủ cả thân lẫn tâm, hòa thượng Tomo thường ngồi trong tư thế liên hoa một cách ngay ngắn, nghiêm chỉnh và ngài đã làm thế trong suốt mấy chục năm nay. Tôi tin rằng với khả năng của ngài thì nằm hay ngồi cũng không thành vấn đề nữa nhưng có lẽ vì thói quen nên ngài thích ngồi hơn. Tôi biết thêm rằng một người đã nhập đại định (Samadhi) không cần ngủ vì họ đã kiểm soát thân và tâm hoàn toàn nên việc ngủ để thân thể nghỉ ngơi, tái lập quân bình không còn quan trọng nữa.

    Hòa thượng Tomo vốn không thích những gì ồn ào, náo nhiệt nhưng lần này chuyến hành hương của ngài còn có sự hiện diện của Sardar Bahadur ladena, tùy viên thân cận của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười ba và rất nhiều nhân vật trong chính quyền Tây Tạng nên quần chúng mới biết đến và làm ồn ào như vậy. Hòa thượng Tomo và Ladena được lệnh đến Sarnath làm lễ an vị cho một pho tượng Phật lớn do tiểu vương Maharajah of Bhutan tặng cho ngôi chùa tại đây. Lịch sử pho tượng này cũng vô cùng đặc biệt và liên quan mật thiết đến lịch sử Tây Tạng mà tô sẽ đề cập đến trong chương kế tiếp khi nói về cái triều đại vua chúa xứ Tây Tạng. Có lẽ vì sự quan trọng của pho tượng này mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã triệu một phái đoàn gồm những nhân vật cao cấp nhất trong nội các đặt dưới quyền lãnh đạo của một vị hòa thượng nhiều giới đức như hòa thượng Tomo.

    Ít lâu sau tôi được đọc tài liệu của Hầu tước Von Veheim Ostrau viết về chuyến công du này. Tuy là một viên chức ngoại giao cao cấp, ông cũng không được ngài tiếp kiến nên chỉ đứng trong đám đông quan sát buổi lễ. Baron Von Ostrau đã viết: “Hàng ngàn người chen chúc nhau trên một khoảng đất chập hẹp trước ngôi chùa. Họ đến để chiêm ngưỡng một vị Lạt Ma nổi tiếng, người được dân chúng Tây Tạng coi như bậc Bồ Tát hóa thân. Tuy nhiên vị Lạt Ma này chỉ ngồi yên lặng không phát biểu hay tuyên bố một điều gì. Ông ngồi đó như một pho tượng trang nghiêm đắm mình trong một trạng thái thiền định nhưng hình như có một sự bình an nào đó toát ra từ vị Lạt Ma già yếu này khiến cho số người đông đúc như vậy mà không có một tiếng động ồn ào nào, tất cả chỉ lặng lẽ chắp tay cầu nguyện một cách thành kính. Làm sao một cá nhân đơn độc có thể cảm hóa được cả một đám đông hỗn tạp ồn ào như vậy trừ khi người đó đã đạt đến những trạng thái rất cao, có thể tạo ra một bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh quanh mình…”




  5. #34
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    Nhiều người hy vọng hòa thượng Tomo sẽ qua viếng thăm Ấn Độ một lần nữa để họ có dịp chiêm bái nhưng không ai ngờ đây là chuyến hành hương cuối cùng của ngài vì sau đó ít lâu ngài đã từ bỏ thể xác tại làng Tomo.

    Hòa thượng Tomo qua đời khi tôi đang trên đường rời Sikkim về Tích Lan. Được tin tôi vội ghé lại YiGah Cholin tham dự buổi lễ tri ân ngài. Xa cách mấy năm nhưng cảnh xưa vẫn không thay đổi, hình như thời gian không ảnh hưởng gì đến ngôi chùa bé nhỏ nép mình dưới bóng rặng Tuyết Sơn hùng vĩ này.

    Kachenia vô cùng mừng rỡ khi gặp lại tôi, ông sốt sắng đưa tôi đến thăm căn phòng của hòa thượng Tomo. Căn phòng được giữ nguyên vẹn như khi ngài còn tạm trú tại đây, cái ghế ngồi được lau chùi sạch sẽ, chiếc áo khoác của ngài vẫn treo trên vách, ngọn đèn dầu vẫn thắp sáng trên chiếc bàn nhỏ, bên cạnh các khí cụ hành lễ như chuông, mõ, khánh, v.v… Nhìn cảnh vật quen thuộc, tôi không khỏi bùi ngùi, mới ngày nào chúng tôi còn qùy dưới chân ngài để nghe dậy bảo mà giờ đây ngài đã khuất bóng…

    Đối với Kachenia thì hòa thượng Tomo vẫn tiếp tục hiện diện tại đây như hồi nào. Hàng ngày ông vẫn đun trà, đốt trầm và lau dọn căn phòng sạch sẽ. Nhìn ông thong thả vừa niệm chú vừa làm các công việc hàng ngày như không có chuyện gì xảy ra khiến tôi thầm cảm phục công phu tu hành, trì giới nghiêm mật của vị lão tăng này.

    Kachenia kể cho tôi nghe về những ngày cuối cùng của Hòa thượng Tomo: Từ lau ngài cho các đệ tử biết rằng đã đến lúc ngài phải rời bỏ thể xác già yếu đang sắp sửa hư hoại này. Tuy nhiên ngài nhấn mạnh rằng ngài sẽ trở lại thế gian dưới một thể xác khác vì công việc của ngài tại đây còn dở dang. Sau chuyến hành hương tại Ấn Độ, ngài trở về tu viện Dungkar cho chư tăng biết rằng ngài sẽ nhập định ít hôm và căn dặn đừng ai làm rộn đến ngài. Ngài nhập định trong nhiều ngày liên tiếp nhưng vị tăng hầu cận cứ cảm thấy bồn chồn lo ngại làm sao. Sau mười ngày vẫn thấy ngài ngồi yên bất động, ông ta đánh bạo đưa một tấm gương nhỏ gần lỗ mũi ngài xem ngài còn thở không. Đến khi đó ông ta mới biết rằng ngài đã qua đời trong lúc thiền định.

    Kachenia cho tôi biết thêm rằng trong lúc thiền định, Hòa thượng Tomo đã tập trung tư tưởng hướng dẫn sự sống chuyển vào một mầm sống mới, để tiếp tục công việc phổ độ chúng sinh theo đúng hạnh nguyện Bồ Tát của ngài.

    Theo quan niệm của nhiều môn phái triết học Ấn Độ, kể cả Phật giáo, thì cuộc đời là bể khổ và người tu phải tìm lối thoát ra khỏi các khổ đau này. Nguyên nhân của sự đau khổ bắt nguồn từ bản ngã, vốn có khuynh hướng phân biệt và từ đó nẩy sinh các tham vọng, ái dục. Làm sao thoát ra khỏi đau khổ? Có hai con đường thoát khổ: Con đường thứ nhất chủ trương từ bỏ thế gian, tu tập thiền định để đi ngược về cội nguồn, vượt qua sự phân chia để hòa nhập vào cái bản thể chân như, từ bỏ cái Tiểu Ngã để hòa nhập với Đại Ngã. Đó là con đường của những môn phái Ấn Độ giáo, nhất là những phái chịu ảnh hưởng kinh Veda.

    Con đường thứ hai không chủ trương từ bỏ thế gian mà trái lại chấp nhận nó, tu tập thiền định để nhận định rõ rệt nguyên nhân sự đau khổ để chuyển hóa, thay đổi chính mình. Thay vì cho thế gian là chốn xâu xa tìm cách tách ra, từ bỏ nó thì con đường này lại tìm cách chuyển biến chính mình, biến lòng ích kỷ thành tình thương rộng lớn, biến cõi Vô Minh thành chốn Niết Bàn. Người đi trên đường này không phân biệt giữa mình và mọi vật, Niết Bàn hay Địa Ngục vì biết rằng tất cả đều do Tâm tạo mà do Tâm tạo thì chỉ cần chuyển hóa tâm thức đến chỗ trang nghiêm, thanh tịnh, đạt đến Niết Bàn của Diệu Tâm. Đó là con đường của Phật giáo.

    Theo Phật giáo, mục đích của thiền định không phải nhập vào một trạng thái vô thức, an tĩnh, bất động (tranquility) nhưng là một sự chuyển hóa (transformation) để ý thức tất cả cho thật rõ rệt như nó là. Thiền định là quay vào bên trong để nghe rõ tiếng nói của Tâm, tiếng nói của Vô Thanh và người ta chỉ có thể nghe được những âm thanh huyền diệu này khi thân và tâm thật thanh tịnh, sáng suốt không còn tham sân si. Khi đã nghe được tiếng nói chân thật này thì đã có Định mà có Định thì sẽ phát sinh Trí Huệ Bát Nhã. Khi có Trí Huệ này, người tu sẽ không còn thấy mình và mọi vật có sự khác biệt nữa, mình và chúng sinh đều là một và đã là một thì ắt phải nghe thấy tiếng kêu cầu cứu của chúng sinh đang đau khổ… Người tu khi đó phải quay về thế gian để cứu đời, độ đời, quên mình, hy sinh, thực hành Bồ Tát Đạo, vô ngã, lợi tha.




  6. #35
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    Một người đi trên con đường Bồ Tát Đạo không nhập Niết Bàn mà thường tiếp tục trở lại giúp đỡ chúng sinh dưới hình thức một vị Hóa Thân (Tulku).

    Một vị Hóa Thân không phải là một đấng thần linh hay cái gì khác thường nhưng chỉ tượng trưng cho một tư tưởng vì tư tưởng vốn trừu tượng và được biểu lộ qua một hình ảnh tượng trưng. Vì trừu tượng nên tư tưởng chỉ có thể hành động qua cái vật tượng trưng cho nó. Vật này có thể là một biểu hiện, hình ảnh hay cũng có thể sống động như một con người. Thí dụ như đức Đạt Lai Lạt Ma thường được coi là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Điều này không có nghĩa đức Quán Thế Âm đã nhập vào một con người nào đó mà chỉ có nghĩa là một người mà đời sống trong sạch đã được lựa chọn để tượng trưng cho con đường của Bồ Tát Quán Thế Âm: từ bi, hỉ xả, vô ngã, lợi tha.

    Hóa Thân thường là một người đã tu cao, vượt ra khỏi các giới hạn tầm thường của cuộc sống, vượt qua khỏi biên giới của sinh tử và có thể lựa chọn một đời sống theo ý muốn vì đối với họ mỗi kiếp sống chỉ là những giai đoạn của một diễn tiến mà thôi.

    Theo luật Nhân Qủa, tất cả mọi hành động, tư tưởng của con người đều không bao giờ mất đi nhưng được lưu trữ trong Tàng Thức và chính cái này đã sắp đặt nên cá tính (personality) con người, Nói một cách khác, cá tính con người là tổng số những kinh nghiệm thu tập trong qúa khứ và sự phối hợp của những kinh nghiệm này cùng tư tưởng, hành động trong hiện tại sẽ trở thành những yếu tố chi phối đời sống trong tương lai. Đa số con người không ý thức được sự tiếp diễn không ngừng này nên họ chỉ hành động theo hoàn cảnh nhất thời mà thôi. Vì tính chất vô minh của bản ngã mà họ đồng hóa mình với kiếp sống hiện tại và hành động tùy theo điều kiện chung quanh. Nói theo kinh điển Tây Tạng thì họ chỉ vật vờ từ kiếp sống này qua một kiếp sống khác mà không hề định hướng do đó họ cứ tiếp tục trôi nổi trong vòng sinh tử luân hồi.

    Khi người ta nhận định rõ đời sống chỉ là những giai đoạn của một diễn tiến và tìm cách định hướng cho nó thì họ mới có hy vọng thoát khỏi vòng kiềm tỏa khổ đau của luân hồi. Muốn được như vậy, người ta cần phát các hạnh nguyện lớn như một hình thức định hướng, tu sửa thân khẩu ý vì biết rằng ý tưởng, hành động trong hiện tại là những yếu tố chi phối tương lai và khi làm chủ được tư tưởng cũng như hành động thì người ta có thể cởi bỏ các ràng buộc của vô minh để giải thoát.

    Việc chinh phục sự chết đã được ghi nhận rõ rệt trong cuốn Tử Thư (Bardo Thodol), một cuốn sách ghi những chi tiết về giai đoạn giữa cõi sống và cõi chết. Tôi chỉ tóm lược một vài nét chính như sau:

    Một người bình thường sẽ chịu chi phối bởi sự chết nhưng một người đã hoàn toàn kiểm soát thân và tâm có thể chiến thắng tử thần vì họ có thể làm chủ cái giây phút quyết định đó. Sự chiến thắng tử thần không thể coi như người đó sống mãi không chết vì cái thể xác hữu hình, hữu hoại này dù sao vẫn chịu chi phối bởi luật tạo hóa nhưng điều này chỉ có nghĩa là người đó có thể kinh nghiệm được lúc chết trong một trạng thái ung dung tự tại và có thể chuyển hóa sinh lực của mình đến một nơi nào tùy theo ý muốn.

    Trường hợp của hòa thượng Tomo đã chứng minh rõ rệt rằng không những ngài đã kiểm soát được tâm để đầu thai vào một kiếp sống khác mà còn kiểm soát được thân thể ngay cả sau khi chết. Mặc dù đã trút hơi thở cuối cùng nhưng thể xác của ngài vẫn ngồi yên trong vị trí liên hoa, không ai biết rõ ngài đã qua đời lúc nào và thể xác của ngài vẫn còn nguyên vẹn, không hề hư hại trong một thời gian rất lâu.

    Hầu tước H.E.Richardson, đại sứ Anh tại Tây Tạng đã ghi rõ điều này trong một văn kiện ngoại giao. Ông đang công du gần đó thì được tin hòa thượng Tomo từ trần. Vì đã có dịp tiếp xúc với hòa thượng Tomo nhiều lần nên ông vội vã đến lăng Tomo tỏ lòng kính ngưỡng. Ông được vị Lạt Ma trụ trì cung kính mời vào và trước khi có dịp ngỏ lời chia buồn thì vị Lạt Ma này sốt sắng đưa ông vào chánh điện. Đại sứ Richardson đứng lặng người vì rõ ràng Hòa thượng Tomo vẫn đang ngồi trên chiếc ghế gỗ thường nhật. Richardson nghĩ có lẽ ông đã được báo cáo sai về cái chết của ngài nên ông vui vẻ bước đến trước mặt hòa thượng ngỏ lời chào và khi đó ông mới biết rằng ngài đã thực sự qua đời. Đứng trước cái xác tươi tốt nguyên vẹn không một dấu vết hư hại, Hầu tước Richardson đã viết: “Sự kiện một người chết mấy tuần lễ mà da thịt vẫn hồng hào, không một dấu hiệu hư hại quả là một sự kiện lạ lùng nhất mà tôi đã chứng kiến. Tôi xem xét kỹ lưỡng thì thấy các Lạt Ma không hề sử dụng một loại hóa chất nào để giữ cho thân thể như vậy. Vị Lạt Ma trụ trì cho biết họ đã lựa chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ nhập tháp và thân thể ngài sẽ được để yên như vậy trong nhiều tháng cho đến khi nhập tháp.




  7. #36
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    Một người Tây phương chắc chắn không thể chấp nhận được việc này nhưng người Tây Tạng vẫn quan niệm sống và chết không phải là hai trạng thái đối nghịch nhau nhưng chỉ là hai bề mặt của sự thật. Sự chết chỉ có thể ảnh hưởng đến những ai sợ hãi nó, nếu sống và chết là một việc hiển nhiên như ngày và đêm, như mùa hè và mùa đông thì cái chết đâu có gì đáng sợ.

    Khi một người đã đạt đến trạng thái giác ngộ nào đó, tất cả tế bào trong thân thể người đó cũng đều được chuyển hóa bởi các rung động cao cả và phát ra những luồng từ điện hết sức tinh tế ảnh hưởng đến những người chung quanh. Dĩ nhiên những người có lòng tin, những tín đồ thuần thành sẽ được lợi lạc rất nhiều vì như tôi đã trình bày, đức tin là một chất dẫn điện rất mạnh có thể nối liền tâm thức các tín đồ với luồng từ điện mạnh mẽ kia. Luồng từ điện này có thể chống lại sự hủy hoại của thời gian lên thân thể người chết. Hầu hết thân thể các vị thánh đều ít bị ảnh hưởng bởi thời gian (xác vị thánh Thiên chúa giáo Francis Xavier tại thành Goa vẫn y nguyên như khi ngài còn sống mặc dù thời tiết nhiệt đới nóng bức, ẩm ướt vô cùng).

    Vì lý do trên, xác các vị Đại Lạt Ma, các vị hòa thượng được giữ gìn cẩn thận trong những tháp (chorten) thay vì hỏa táng. Một ngôi tháp lớn đã được xây dựng trong thung lũng Tomo và tín đồ các nơi đã cúng dường trọng thể cho việc dựng tháp này.

    Hòa thượng Tomo hứa sẽ trở lại trong ít lâu, ngài để lại một số ấn chứng để các đệ tử có thể tìm thấy ngài. Điều bất ngờ nhất là ngài đã trở lại dưới mái nhà mà cách đó không lâu tôi đã tạm tru tại Gangtok: căn nhà của Enche Kazi xứ Sikkim.

    Tôi biết Enche Kazi là một tín đồ thuần thành, một gia đình đã góp công rất nhiều trong việc phục hưng Phật giáo tại Sikkim. Năm 1949, khi ghé thăm Enche tôi đã được ông ta kể rõ chuyện này.

    Mặc dù hãnh diện đã đem một đấng hóa thân vào đời, Enche cũng không khỏi rơi những mắt khi kể lại cho tôi. Vợ ông ta qua đời ngay khi sanh đứa con đầu lòng, vài năm sau khi được biết đứa nhỏ này không ai khác hơn là Hòa thượng làng Tomo, ông ta lại phải gạt lệ tiễn con về Tây Tạng. Lúc đầu ông không muốn mất con nhưng chính tiểu vương Maharajah đã khuyên ông không nên can thiệp vào sứ mạng cao cả của một bậc Hóa Thân như vậy.

    Ngay khi còn nhỏ, đứa bé con của Enche Kazi đã tỏ ra khác thường, khi ông này gọi nó là “Puchung” (thằng bé tí) thì nó đã nghiêm nghị nhấn mạnh rằng tên của nó là “Jigme” (Vô úy – không sợ hãi).

    Bài kệ của Hòa thượng làng Tomo để lại tại chùa Nachung không những nói rõ rằng ngài sẽ mang tên Jigme trong kiếp sau mà còn nói rõ địa điểm ngôi làng cũng như đường đến căn nhà mà ngài sẽ hóa thân vào đó. Bài kệ cho biết rõ tuổi tác cha mẹ và hình ảnh căn nhà trước có trồng hai cây ăn trái v.v…

    Khi phái đoàn tu viện Dungkar đến nơi thì đứa nhỏ Jigme đã lên bốn tuổi. Vừa thấy phái đoàn nó đã reo lên: “Cha ơi, các đệ tử của con đến đón con về Tây Tạng đây này”. Các tu sĩ thay phiên nhau mang ra những chiếc hộp kín và đứa nhỏ đã nói đúng những đồ vật để trong hộp. Nó có thể phân biệt rõ những chiếc chuông, khánh của Hòa thượng Tomo trong số hàng chục chiếc chuông, khánh giống nhau như đúc được mang ra để giảo nghiệm. Ngoài ra nó còn giải đáp được những bài kệ vô cùng bí hiểm mà chỉ một số rất ít Lạt Ma trưởng lão mới có thể hiểu được ý nghĩa.

    Sau khi kết luận rằng Jigme chính là hậu thân của Hòa thượng làng Tomo, phái đoàn long trọng rước cậu bé Jigme về Tây Tạng. Vừa đến Dungkar, đứa nhỏ đã nhận ra Amnchi, vị Lạt Ma đã chăm sóc sức khỏe cho Hòa thượng Tomo.

    – Này Amchi, ngươi không nhận ra ta hay sao? Chính ngươi đã săn sóc cho ta ngày trước kia mà…

    Sau khi oai nghiêm ngồi lên chiếc ghế gỗ, Jigme thong thả gọi tên từng vị sư già trong tu viện lên để ban phép lành. Người ta không còn nghi ngờ gì nữa, quả thật Jigme chính là hóa thân của Hòa thượng Tomo. Khi tin này vừa được truyền ra bên ngoài, hàng ngàn người đã kéo nhau về Dungkar và một buổi lễ long trọng đã được cử hành trọng thể.

    Thông thường một nhóm trưởng lão sẽ được triệu đến để giúp vị Hóa Thân phục hồi trí nhớ tiền kiếp hay bổ khuyết những thiếu sót gây ra bởi sự chuyển kiếp. Trường hợp của Jigme thì khác hẳn, tuy vẫn còn những nét ngây thơ của một đứa nhỏ lên bốn nhưng Jigme đã thông thuộc mọi kinh điển kể cả những bộ kinh khó nhất, dài nhất mà ngay cả các vị Lạt Ma dầy công tu luyện cũng khó lòng thuộc nổi. Jigme có thể làm chủ những khóa lễ long trọng không kém bất cứ một vị trưởng lão nào. Sau một thời gian sống tại Dungkar cậu bé Jigme được đưa vào tu viện Sera, viện đại học Phật giáo lớn nhất Tây Tạng. Tại đây Jigme đã theo học chương trình giáo dục dành cho các tu sĩ uyên thâm nhất và cậu đã liên tiếp thi đậu những kỳ thi hết sức khó khăn cho đến năm vừa lên bảy tuổi thì Jigme đã tốt nghiệp thủ khoa và được ban cho địa vị Sư trưởng (Geshe Rinpoche).

    Chuyện này dường như vô lý hoang đường đối với các độc giả phương Tây. Ngay như tôi lúc đầu cũng còn nghi ngại không biết có nên tin hay không nhưng thời gian du hành qua các quốc gia Á châu đã giúp tôi chứng kiến và sưu tầm nhiều trường hợp trùng hợp lạ lùng. Tôi có thể khẳng định rằng tái sinh không phải một quan niệm mơ hồ hay một lý thuyết trừu tượng trên sách vở nhưng là một sự thật hiển nhiên với những bằng chứng rõ rệt.

    Trước khi trình bày những bằng chứng kể trên tôi muốn nhân cơ hội này đặt câu hỏi với những nhà khoa học về việc duy trì những kinh nghiệm qúa khứ vào đời sống hiện tại. Những khoa học gia tin tưởng ở yếu tố di truyền (herldity) có khi nào tự hỏi di truyền còn có nghĩa gì không? Phải chăng nó là một nguyên lý bảo tồn kinh nghiệm để tiếp tục một diễn tiến được chi phối bởi những động lực vô cùng tế nhị? Di truyền phải chăng chỉ là một danh từ khác ám chỉ ký ức? Khi chúng ta sử dụng chữ ký ức, chúng ta không phân biệt nó là tinh thần hay vật chất, tâm lý hay sinh lý vì cả hai cũng chỉ là những mức độ cao thấp khác nhau của một diễn tiến vô cùng tế nhị.




  8. #37
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    7 – Thân và Tâm

    Một cá nhân thường được định nghĩa gồm có hai phần: tâm lý và sinh lý hay tâm và thân. Thân là phần vật chất được cấu tạo bởi các yếu tố mà khoa học có thể giải thích và chứng minh. Tâm là những tri giác, suy tưởng, quan niệm và tình cảm của con người mà khoa Tâm lý học đang cố gắng giải thích.

    Khoa học chú trọng phần sinh lý và ít để ý đến phần tâm lý mặc dù không hề phủ nhận nó nhưng giáo lý Phật giáo lại giải thích rất rõ rệt sự liên hệ giữa hai phần này.

    Phật giáo giải thích rằng vạn vật tự nó vốn không có tự tánh nhưng nhờ tác dụng của tâm thức mà phân biệt được mọi thứ. Con người có các giác quan (yếu tố sinh lý) nhưng các giác quan này cần phải có thêm các thức căn (yếu tố tâm lý) mới có thể sử dụng được. Thí dụ như người chết mặc dù vẫn có giác quan nhưng không thể hiểu biết, cảm xúc vì thiếu yếu tố tâm lý.

    Có năm thức căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân) liên quan mật thiết với năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và năm thức căn này đều có tính cách giới hạn trong phạm vi riêng của chúng. Thí dụ như nhãn căn phối hợp với mắt được sử dụng để nhìn nhưng không thể nghe họ nói được. Nhĩ căn phối hợp với tai dùng để nghe nhưng không thể làm gì khác v.v…

    Ngoài ra còn có một thức căn tổng quát phối hợp tất cả năm thức căn kia gọi là ý thức hay tâm thức. Ý thức đóng vai trò kiểm soát, điều khiển các thức căn kia nhưng ngoài ra nó còn có thể phân biệt, tiên đoán, tưởng tượng, phối hợp mọi thứ. Tuy nhiên ý thức vẫn có tính cách giới hạn vì khi thân thể ngủ say, ý thức cũng bị hôn mê theo nên Phật giáo còn phân biệt thêm một căn thức nữa gọi là Mạt Na Thức (Manasvljnana) hay ý căn vẫn còn nên khi tỉnh giấc con người vẫn không thay đổi. Vì tính chất không gián đoạn này nên ý căn theo kiếp sống đi đầu thai từ kiếp này qua kiếp khác. Khoa Phân tâm học cố gắng giải thích ý thức và ý căn bằng những danh từ như tiềm thức, vô thức nhưng họ không thể đi xa hơn vì thiếu kinh nghiệm và phương tiện để đào sâu vào tâm hồn con người.

    Ngoài ra Phật giáo còn phân biệt thêm một thức nữa có tính cách bao gồm tất cả, phát sinh mọi hiện hành gọi là Tàng Thức hay Á Lại Da Thức (Alayavijnana). Chính Tàng thức gìn giữ tất cả mọi kinh nghiệm cá nhân và tùy theo những định luật vô cùng tế nhị mà thúc đẩy các cơ hội thuận tiện, các cơ duyên cho hạt giống chất chứa nơi đây phát hiện. Tất cả mọi tư tưởng, hành động của con người đều tạo ra một năng lực làm rung động và biến chuyển vạn vật chung quanh. Cái năng lực này được ghi nhận vào Táng Thức dưới hình thức một chủng tử và tùy theo các định luật nhân qủa phức tạp mà chủng tử này phát hiện hay tiềm ẩn trong mỗi kiếp sống.

    Tàng thức có tính cách cá nhân vi Tàng thức mỗi người đều khác nhau, điều học hỏi của người này khác với kinh nghiệm của người kia. Tuy nhiên Tàng Thức lại có tính cách vô biên nghĩa là Tàng Thức của cá nhân và của vạn pháp vẫn là một. Do đó mới có sự ảnh hưởng của cộng nghiệp và biệt nghiệp đối với con người.

    Biệt nghiệp là điều do mình gây ra được lưu trữ trong Tàng Thức và dĩ nhiên vì những nhân duyên đặc biệt, cá nhân được sinh ra trong một quốc gia, dân tộc sẽ phải chịu ảnh hưởng hoàn cảnh chung của xã hội nơi cá nhân ấy sinh sống (cộng nghiệp).

    Sinh ra trong xã hội văn minh, thịnh vượng, con người có nhiều điều kiện thuận tiện để học hỏi và phát triển hơn là tại một hoàn cảnh xã hội nghèo đói, khốn cùng. Do đó tùy theo những tâm nguyện, hoàn cảnh cá nhân cũng như các chủng tử mà nghiệp dẫn dắt con người đến những hoàn cảnh xã hội thích hợp.




  9. #38
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    Nói một cách khác chính hoạt động của những cá nhân trong xã hội đã tạo ra hình thức cho xã hội đó. Một quốc gia, xã hội đang lúc suy kém thì sẽ có nhiều cá nhân xấu xa đến đầu thai tại đó để làm cho nó càng suy yếu thêm. Một quốc gia hưng vượng sẽ được nhiều cá nhân cao cả, tài giỏi đến phục vụ giúp cho nó thêm thịnh vượng. Sự liên hệ giữa cộng nghiệp và biệt nghiệp vô cùng phức tạp và quan hệ mật thiết.

    Hiểu biết được những định luật thiên nhiên là một điều quan trọng giúp cho ta ý thức được tính chất cao cả của sự sống. Sự sống thực sự vốn có tính cách rộng rãi bao la chứ không thu hẹp trong cái bản ngã cá nhân nhỏ hẹp. Nếu sự sống chỉ giới hạn vào những mục đích ích kỷ tầm thường, những tham vọng giả tạo tạm thời thì tiềm năng của nó sẽ bị thui chột, các năng lực của nó hao tán và rồi nó sẽ mất đi tính chất thiêng liêng cao quý mà chỉ là một cái gì tầm thường bất động như gỗ đá. Một cuộc đời như thế thử hỏi còn có ý nghĩa gì nữa? Chúng ta cần ý thức rằng sự hiện hữu của chúng ta trong vũ trụ không phải là một sự ngẫu nhiên hay một ảo ảnh mà có một mục đích hết sức cao cả và thiêng liêng.

    Chúng ta đều là những giọt nước trong đại dương của sự sống, tuy là một thành phần nhỏ bé nhưng chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được toàn thể sự sống của đại dương. Nước có thể bốc thành hơi, thành mây bay khắp chân trời, thành những giọt mưa chảy lai láng khắp nơi nhưng rồi nó cũng tụ lại thành suối, thành sông và chảy vào biển cả. Chúng ta có thể mang những thể xác khác nhau, trải qua nhiều kiếp sống khác nhau, học hỏi kinh nghiệm khác nhau nhưng chúng ta đều là thành phần của một sự sống vĩ đại, của một Chân Như Đại Thể.

    Chúng ta không thể kết luận về ý nghĩa của sự sống qua cái nhìn phiến diện và giới hạn của một kiếp sống ngắn ngủi mà phải kinh nghiệm nó như một cái gì tiếp diễn liên tục. Chết không phải là chấm dứt sự sống mà chỉ là một giai đoạn của sự sống cũng như ngày và đêm, sáng và tối. Nếu không có sự chết ta không ý thức được ngày và nếu không có bóng tối chúng ta không biết đến ánh sáng. Những giai đoạn này cần thiết và bổ túc cho nhau chứ không chống đối, trái nghịch nhau. Để kết luận, tôi muốn dẫn chứng bằng hai trường hợp về sự chết và tái sinh mà chính tôi đã chứng kiến.

    Vào năm 1929, tôi có dịp ghé đến Miến Điện cùng với vị thầy truyền giới, Đại Đức Nyanatiloka Mahathera. Thấy tôi đến dự lễ hỏa táng nhục thân sư phụ của ngài là Đại Đức Kumara Mahathera trụ trì tại chùa Kyundaw Kyaung vừa qua đời cách đó ít lâu.

    Sau buổi lễ, chúng tôi đi dọc theo sông Irrawadi để đến Madalay, một thành phố khá lớn và cũng là một trung tâm Phật giáo quan trọng của Miến Điện. Phía đông của thành phố này có một rặng đồi thấp, ở trên xây chi chít hàng ngàn ngôi chùa. Đại Đức Nyanatiloka cho biết tổng cọng có hơn 1500 ngôi chùa nhỏ bao bọc quanh một ngôi chùa lớn, vị trí các ngôi chùa được sắp đặt thành hình những cánh hoa sen với nhụy hoa là ngôi chùa chính. Lịch sử ngọn đồi này vô cùng đặc biệt và mãi về sau khi gặp Hòa thượng Tomo tôi mới biết đến tầm quan trọng của nó.

    Lịch sử Miến Điện chép rằng Mindo Min (trị vì từ 1851 đến 1878) là một vị hoàng đế nhân từ, rất sùng đạo Phật. Một hôm nhà vua đi kinh lý, trời tối phải nghỉ đêm tại một làng nhỏ. Đêm đó vua nằm mộng thấy tự nhiên mặt đất rung chuyển mãnh liệt, khắp nơi lửa cháy rực trời xen cùng với tiếng kêu gào thảm thiết của muôn loài chúng sinh. Đúng lúc ngọn lửa sắp thiêu hủy tất cả thì một đoá sen trắng tinh khiết ở dưới đất vươn lên tỏa hào quang chói lọi, rồi trời đổ mưa như hoa, những đóa hoa rơi đến đâu thì lửa tắt đến đó…

    Nhà vua giật mình tỉnh dậy cho gọi quan hầu cận đến để hỏi về giấc mộng kỳ lạ kia. Trong lúc vua tôi đang bàn tán thì vừng đông ló rạng, soi rõ một đám mây ngũ sắc đang lơ lửng trên đỉnh ngọn đồi thấp, chính giữa đám mây hiện ra một bông sen trắng rực rỡ toả hương thơm ngào ngạt. Trước linh ảnh đó, vua và các quan tùy tùng vội vã sùy sụp xuống, khi họ ngửng đầu lên thì đóa sen và đám mây ngũ sắc đã biến mất, nhưng nhà vua không cần hỏi ý các quan nữa, ông đã biết mình phải làm gì.




  10. #39
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    Hôm sau vua Mindo Min cho người đi khắp nơi thỉnh những bộ kinh Phật mang về Miến Điện. Ông cho gọi thợ đến khắc những bộ kinh này vào bia đá để lưu truyền lại cho đời sau. Sở dĩ vua cho khắc lên đá vì đá vừa to vừa nặng, khó di chuyển, không sợ hư hại và có thể chịu đựng được sự tàn phá của thời gian.

    Trong lịch sử đã có nhiều vị vua tôn sùng Phật giáo cho khắc kinh điển lên những tấm bảng đúc bằng vàng khối. nhưng vì thế mà kinh điển này chỉ được giữ gìn cẩn thận trong hoàng cung, rất ít ai được chiêm ngưỡng. Không những thế nó đã làm nhiều người nổi lòng tham muốn cướp đoạt và tạo sự chú ý của các nước láng giềng. Mindo Min chỉ muốn kinh điển được phổ biến rộng rãi để ai cũng có thể đọc được những lời vàng ngọc của đức Phật, từ các nhà bác học uyên thâm đến những người dân quê dốt nát. Sau khi việc khắc kinh lên đá hoàn tất, vua cho xây cất những ngôi chùa nhỏ sắp đặt theo hình cánh hoa sen, mỗi chùa để một tấm bia đá khắc nguyên bản tiếng Pali, Sanscrit và bản dịch bằng tiếng Miến Điện.

    Để tiện việc kiểm soát công trình xây cất này, vua truyền lệnh cho dời Thủ đô Amarapura về ngôi làng đó và đặt tên cho thủ đô mới là Mandalay (thành phố của những đóa sen, Madala là tên một loài sen có nhiều cánh).

    Trên đỉnh đồi vua cho xây ngôi quốc tự Kuthawdaw để chứa toàn bộ kinh điển mà vua thỉnh được từ khắp các quốc gia trên thế giới, kể cả những bộ kinh vô cùng qúy giá và ít được truyền tụng. Vua dự định cho xây cất thêm trên ngọn đồi kế cận những kiến trúc tương tự để chứa đựng những bộ luật, luận mà vua thỉnh được. Tiếc thay công trình chưa hoàn tất thì vua đã lâm bạo bệnh qua đời.

    Vị vua kế vị, hoàng đế Thibaw không chú ý gì đến công trình xây cất dở dang này. Ông cho rằng Mandalay không thuận tiện cho việc giao thong nên dời thủ đô về Ragoon. Công quỹ dành cho việc xây chùa ở Mandalay được chuyển qua để xây cất những cung điện nguy nga tráng lệ cho những phi tần được vua sùng ái. Vua Thibaw sống một cuộc đời trụy lạc, trác táng cho đến khi quân đội Anh tấn công Miến Điện và đặt quốc gia này dưới ách bảo hộ.

    Chính quyền Anh không để ý gì đến một ngọn đồi hẻo lánh, xa thành phố với những kiến trúc xây cất dở dang nên ít lâu nó đã trở thành sào huyệt của một đảng cướp. Dĩ nhiên vì lý do an ninh khách hành hương cũng ít ai dám lai vãng đến đây.

    Theo thời gian, những ngôi chùa lớn nhỏ trên đồi Mandalay không người săn sóc đã trở nên đổ nát, điều tàn. Hầu hết các bia đá đều bị rêu rong phủ kín, kinh điển bị hư hại hoặc bị thất lạc rất nhiều. Một hôm, có một tu sĩ đi khất thực ngang đây. Xúc động trước cảnh chùa chiền đổ nát, tro lạnh hương tàn, tu sĩ phát nguyện sẽ sống tại đây để chăm lo, săn sóc cho những ngôi chùa này. Ông khởi công quét dọn, lau chùi những bàn thờ, cạo rửa rong rêu bám trên các bia đá. Vì là một tu sĩ khất thực, trên mình chỉ có mảnh vải che thân, tài sản chỉ độc có một chiếc bát cũ không giá trị nên bọn cướp trú ngụ quanh vùng không thèm để ý đến ông mà mặc kệ cho tu sĩ muốn làm gì thì làm.

    Một hôm chúa đảng cướp thấy ông ra ông cạo rửa một tấm bia đá bám đầy rong rêu bèn lên tiếng hỏi tại sao ông làm một việc vô ích như vậy. Tu sĩ từ tốn giải thích rằng tấm bia có ghi khắc những lời của đức Phật chỉ dẫn cho chúng sinh giải thoát ra các khổ đau, phiền não. Tướng cướp yêu cầu tu sĩ đọc cho y nghe những lời đó và tu sĩ bắt đầu đọc phần đức Phật nói về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Lời giảng chân thành của tu sĩ khiến tướng cướp hồi tâm, y vội giải tán đảng cướp, phát nguyện tu hành, giúp tu sĩ tái thiết những ngôi chùa đổ nát.




  11. #40
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts


    Sự kiện một tu sĩ cảm hóa được đảng cướp hung dữ đồn xa, dân chúng bắt đầu kéo đến hành lễ, nghe U Khanti, vị tu sĩ thuyết pháp, rồi người góp công, kẻ góp của, cùng nhau chung sức tái thiết đồi Mandalay. Từng ngôi chùa rồ từng ngôi chùa được sơn sửa cẩn thận, các tăng ni bắt đầu kéo về, các khóa lễ long trọng được cử hành và khách hành hương khắp nơi nô nức trở lại ngọn đồi thiêng này.

    Sau một thời gian họ đã tái thiết hoàn toàn ngọn đồi Mandalay huy hoàng như thuở trước nhưng U Khanti vẫn chưa hài lòng. Ông kêu gọi việc khởi công xây cất ở ngọn đồi kế cận những kiến trúc tương tự để chứa những bộ Luật, Luận theo đúng tâm nguyện của vua Mindon năm xưa. Trong vòng mười năm, hơn một ngàn ngôi chùa được xây cất, hàng ngàn tấm bia đá được dưng lên, hàng triệu khách hành hương khắp nơi kéo về và Mandalay trở thành một trung tâm tôn giáo quan trọng nhất Miến Điện.

    Đối với U Khanti thì việc khắc những bộ kinh lên bia đá chỉ giúp một thiểu số người viếng nơi đây có cơ hội đọc được những lời vàng của Đức Phật. Muốn truyền bá giáo pháp đức Phật đi khắp mọi nơi để ai cũng có thể đọc được, đòi hỏi một phương tiện mới mẻ khác: Ấn tống kinh sách, phát hành rộng rãi khắp nơi.

    U Khanti bèn tính đến việc cho in lại những bộ kinh điển lưu trữ nơi đây và phổ biến rộng rãi. Ông tin rằng vua Mindon Min đã mất bao công khó nhọc mới thỉnh được các bộ kinh quý giá này, nếu không truyền bá ra ngoài thì e rằng chẳng mấy chốc những kinh điển này có thể bị thất lạc hoặc hư hỏng thì uổng phí cả một công trình vĩ đại. Việc ấn tống kinh sách, hàng ngàn bộ kinh mà vua Mindon Min thỉnh được là một công việc qúa lớn, không nhà xuất bản nào dám nhận lãnh. Ngay những người hợp tác với ông trong việc trùng tu đồi Mandalay cũng khuyên ông không nên có cái tham vọng to lớn như vậy. U Khanti không phải là một người dễ nản chí. Không tìm được nhà xuất bản nào hợp tác, ông tự tay quyên góp tiền bạc mua máy in, lập cơ sở ấn loát riêng dưới chân đồi Mandalay và khởi công ấn tống kinh sách.

    Khi chúng tôi đến Mandalay, cơ sở ấn loát của U Khanti đã ấn hành được hơn một trăm bộ kinh, đa số đều là những bộ kinh hết sức quý giá và hiếm có. Thầy tôi, đại đức Nyântiloka một bậc học giả uyên thâm đã kinh ngạc khi nhìn thư mục của nhà xuất bản cũng như danh sách những cuốn kinh mà vua Mindon sưu tập được hiện còn cất trong kho. Đại đức cho biết có rất nhiều bộ kinh mà ông chỉ nghe nói đến chứ chưa từng thấy qua. Nhiều bộ kinh tưởng đã thất truyền không ngờ lại được lưu trữ nơi đây. Phải thành thật mà nói đây quả là một việc hết sức phi thường, ngoài sức tưởng tượng.

    Ngay như tại Tích Lan, một quốc gia sùng mộ đạo Phật với những viện đại học và thư viện Phật giáo mà vẫn không thể so sánh với số lượng tài liệu sưu tầm và lưu trữ nơi đây. Đa số kinh điển tại Tích Lan đều là kinh thuộc Nam Tông, nhưng tại đây chúng tôi thấy cả kinh điển của Nam Tông lẫn Bắc Tông, các bộ Luận của những học giả, các vị tổ mà chúng tôi chỉ nghe đề cập chứ không biết rõ về thân thế, sự nghiệp v.v… Dĩ nhiên chúng tôi rất muốn tiếp xúc với U Khanti để bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

    Chúng tôi được một tu sĩ cho biết đức Maha Yathi (sư trưởng) đã rời đó đi giám sát một công việc ở xa.

    – Nhưng chừng nào ngài về?

    – Điều đó không rõ, có khi ngài đi vài hôm, có khi nửa tháng và đôi khi cả tháng tùy theo công việc.

    Vì thời gian eo hẹp, chúng tôi đành đi dạo cảnh chùa, thắp hương trước một bàn thờ Phật rồi thất vọng ra về, nhưng khi vừa ra đến cửa thì một chiếc xe nhỏ ở đâu phóng tới rồi một tu sĩ lớn tuổi nhưng còn khỏe mạnh, quắc thước bước ra. Maha Yathi U Khanti, Sư trưởng đồi Mandala.




Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •