DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2
  1. #1
    Avatar của Đức Tâm
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    161
    Thanks
    66
    Thanked 124 Times in 63 Posts

    Câu chuyện của Vô Não (Ương Quật Ma La _ Angulimala)




    Câu chuyện của Vô Não (Ương Quật Ma La _ Angulimala)




    Ương Quật Ma La là tên mà dân chúng Kiều Tất La đặt cho Ahimsaka từ khi chàng bắt đầu chuỗi ngày tàn bạo giết người, chặt lấy ngón tay và đeo lên cổ như một vòng hoa (Tên Ahimsaka do cha chàng đặt có nghĩa là “Người vô tội”)

    Ahimsaka nguyên là một thanh niên khôi ngô anh kiệt của vương quốc Kiều Tất La (Kosala). Chàng được sinh ra từ một vọng tộc Bà La Môn. Cha chàng làm quan quốc sư cho vua Ba Tư Nặc.

    Ðược gởi đến Hoa Thị Thành (Taxila) từ thuở bé, Ahimkasa chỉ thụ giáo với danh sư Mani, và trở thành một sinh viên lỗi lạc. Tài năng và đức hạnh của Ahimsaka chỉ chiếm được lòng tin yêu của sư phụ chàng nhưng lại chuốc lấy nhiều sự ganh tỵ ghét ghen của bạn đồng môn. Ðể lung lạc ông thầy, các bạn đồng môn của Ahimsaka phao tin rằng chàng có tình ý với cô vợ của Mani. Trước những tin đồn bất chánh ấy, danh sư Mani đều tỏ ra dửng dưng không chút xao xuyến, nhưng bà vợ trẻ của anh lại xúc động vì ngỡ rằng chàng trai trẻ thầm yêu mình thật. Thấy chàng khôi ngô tuấn tú, bà tìm cách lân la dọ ý, và chẳng bao lâu bà trở nên say mê Ahimsaka một cách điên cuồng.

    Một hôm thừa lúc vắng người, bà cho gọi Ahimsaka đến và ngỏ hết nỗi lòng. Bị chàng trai thẳng thắn cự tuyệt, bà Mani xấu hổ đến cùng cực và bèn rấp tâm mưu hại chàng cho bỏ ghét.

    Khi nghe chính miệng vợ mình thuật lại hành vi đê tiện của tên đệ tử thân tín. Mani phừng phừng nổi giận. Nhưng vốn là một tay đa mưu nham hiểm, ông không lộ vẻ bất bình ra mặt chỉ mời Ahimsaka đến, tỏ lời thân ái rồi bí mật bảo:

    - Này Ahimsaka! Con theo thầy học đạo đã khá lâu. Lòng cương trực và ý chí cầu tiến của con khiến thầy rất đẹp lòng. Vì vậy thầy nhất định chọn con làm người kế thừa tông môn ta.

    Trước thâm tình của sư phụ, Ahimkasa bồi hồi xúc động, chàng kính cẩn thốt lời tạ ân, thì Mani đã tiếp:

    - Môn phái của ta có một bí pháp vô cùng tuyệt diệu. Bí pháp này chỉ được truyền trao cho những căn cơ siêu việt. Trước khi thụ huấn bí pháp này con phải tuyệt đối thanh tịnh vô nhiễm. Những ác nghiệp quá khứ của con phải được rửa sạch bằng máu người thay vì máu cừu dê như bọn phàm phu tục tử. Vậy bây giờ ta trao cho con thanh gươm thừa kế này, con phải lập tức khởi hành đi đến rừng Jalam để khởi đầu cuộc sám hối, con chỉ trở về đây gặp ta khi đã giết xong một nghìn người không hơn không kém.

    Ahimkasa sững sờ, chàng không muốn tin rằng những lời vừa nghe lại được thốt ra từ miệng của con người khả kính thánh thiện mà chàng đã hết dạ kính yêu. Thấy chàng trai do dự, Mani liền đem hết tài hùng biện ra thuyết phục. Cuối cùng Ahimsaka đành phải vâng lời, gắng gượng ra đi mà lòng hoang mang khôn tả.

    Khi vừa hạ sát xong nạn nhân đầu tiên, Ahimkasa kinh hoàng đến điên dại. Từ đó gặp ai chàng cũng vung gươm chém liền, bất kể nam nữ, già trẻ thân sơ. Tiếng than khóc của các gia đình nạn nhân vang đến tai vua quan, nhưng tất cả đều bất lực, bó tay trước tài nghệ vô song của Ahimsaka. Dân chúng run sợ gọi chàng là vô não – tức là người mất trí.

    Vô não chặt lấy ngón tay út của nạn nhân sưu tập thành một chuỗi dài treo lòng thòng trên cây, về sau sợ quạ diều tha mất bộ sưu tập độc đáo ấy, chàng lại đeo vào cổ giữ khư khư như một bảo vật. Dân chúng lại đổi tên chàng thành Angulimala, có nghĩa là “chuỗi ngón tay.”

    Câu chuyện về Angulimala đến tai Phật, nên một hôm trên đườngg du hóa, đấng đạo sư cố ý chọn con đường xuyên qua rừng Jalini, nơi tên hung thủ khát máu đang hùng cứ, bất chấp những lời can ngăn của cư dân vùng lân cận.

    Trong các kinh sách còn ghi lại rằng: Ðức đạo sư xuất hiện lúc chàng Angulimala vừa giết xong nạn nhân thứ 999. Thấy bóng ngài Angulimala vô cùng mừng rỡ, nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để chàng hoàn tất sứ mạng mà tôn sư chàng đã giao phó. Angulimala rảo bước đuổi theo Phật, chiếc gươm đẫm máu cầm sẵn nơi tay, đức đạo sư dùng thần thông khiến Angulimala không tài nào đuổi kịp ngài, dù y đã thi triển hết tài nghệ. Cuối cùng Angulimala đành dừng chân cất tiếng gọi:

    - Ðứng lại! Ðứng lại! Bớ sa môn!

    Ðấng đạo sư bình thản đáp:

    - Này Angulimala! Dù Như Lai đang đi Như Lai đã dừng bước. Còn con, con đã dừng bước hay chưa?



    Angulimala ngạc nhiên thầm nghĩ:

    - Hàng sa môn đầu trọc này không bao giờ nói láo. Vậy mà ông sư này ổng lại nói là ổng đã dừng chân, còn ta thì đang đi. Thế nghĩa là sao?

    Angulimala liền hỏi:

    - Này sa môn! Ông đang đi chính tôi mới là người dừng chân. Sao ông lại nói năng tương phản thế, ông muốn nói gì?

    - Ðúng vậy, này thanh niên! Như Lai đã dừng chân và dừng chân mãi mãi. Như Lai đã khước từ, vứt bỏ không còn hành hung hay gây thương tổn cho một sinh vật nào. Còn con, bàn tay đang đẫm máu của đồng loại. Sao con lại đem sự đau khỗ hãi hùng cho người khác để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình? Vì thế mà ta bảo rằng Như Lai đã dừng còn Angulimala thì đang tiếp tục.

    Angulimala bối rối. Chàng im lặng, lặng lẽ nhìn đấng đạo sư hồi lâu. Thái độ từ ái cùng dung mạo phi phàm của ngài khiến chàng cảm thấy an tâm và lấy lại được sự bình tĩnh khi xưa: “Trước đây còn thơ ấu, ta có nghe thiên hạ đồn đãi rằng sa môn Cồ Ðàm là một bậc giác ngộ. Ngài có một dung nhan sáng rỡ và một giọng nói rất là từ hòa thân ái, có lẽ đây là ngài chăng?

    Angulimala bèn vứt gươm và quỳ gối trước mặt đức Phật, hỏi:

    - Bạch sa môn! Ngài có phải là sa môn Cô Ðàm không? Là con của đức vua Tịnh Phạn?

    - Ðúng vậy, này Angulimala! Con đã vứt bỏ thanh gươm đẫm máu kia, có nghĩa là con đã vứt bỏ con đường lầm lạc cũ, con có cần Như Lai giúp đỡ điều gì không?

    - Bạch sa môn, đã từ lâu, con không hề quỳ lạy một ai, mà ngược lại ai thấy con cũng run rẫy quỳ mọp van xin được tha mạng. Con đường này không ai dám lai vãng một mình, mà thiên hạ thường rủ nhau đi từng đoàn hàng trăm người. Bạch sa môn! Con đã từng nghe rằng có những sinh vật bị khắc phục bằng võ lực, bằng cù móc hay roi vọt. Nhưng con, một con thú hoang đàng cuồng dại, lại được chế ngự bởi một người không gươm dao hay roi vọt.

    - Bạch sa môn! Hình bóng từ ái của người đã khiến con muốn trở về với con đường thuần lương sống yêu thương và giúp đỡ đồng loại như những ngày xa xưa, lúc con chưa điên loạn… Nhưng ai, ai có thể cho phép chở che và giúp đỡ một con người như con – người đã giết chết nghìn nhân mạng?

    - Này thanh niên, trên thế gian này có hai hạng người được xem là thanh tịnh: hạng thứ nhất là người không hề gây tội lỗi, hạng thứ hai là kẻ gây tội nhưng biết ăn năn và không bao giờ tái phạm. Nếu lòng con tha thiết muốn hoàn lương Như Lai sẽ giúp con toại nguyện.

    - Bạch sa môn, con không dám nghi ngờ gì về lòng từ bi bao la của ngài đối với con. Nhưng con đã gây tạo một ác nghiệp mà có lẽ không một ai trên thế gian này dám làm. Làm sao con có thể ước mơ làm đệ tử của sa môn Cù Ðàm, một người mà suốt đời chưa hề làm xúc não bất cứ ai?

    - Này thanh niên! Ví như có một gian phòng tăm tối suốt cả nghìn năm dài. Nếu muốn thắp sáng cho nó, con cần phải đốt bao nhiêu ngọn đèn và mất bao nhiêu lâu để dẹp cho nó tươm tất?

    - Bạch sa môn, bóng tối dù đã ngự trị căn phòng suốt nghìn năm nhưng chỉ cần mỗi một ngọn đèn được thắp lên thì bóng tối sẽ tan ngay, và thời gian để dọn dẹp căn phòng thì tùy thuộc vào khả năng siêng hay nhác của từng người.

    - Cũng vậy, này thanh niên dù con đã sát hại cả nghìn đồng loại, nhưng nếu con thành tâm cải hối, thắp lên ngọn đèn bằng ánh sáng trí huệ của con thì bóng tối ác nghiệp u mê sẽ tan biến ngay. Con vẫn có cơ hội ngộ đạo như bao nhiêu người khác. Ðó là điều mà Như Lai xác quyết với con.




  2. #2
    Avatar của Đức Tâm
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    161
    Thanks
    66
    Thanked 124 Times in 63 Posts


    Và trưa hôm ấy đức Thế Tôn đi khất thực về với Angulimala làm thị giả, chàng đã vứt bỏ chuỗn ngón tay, xuất gia làm tỳ kheo. Nhưng các bạn đồng phạm hạnh vẫn theo cư dân gọi chàng là huynh Angulimala.

    Một hôm vua Ba Tư Nặc, vua nước Kiều tát lai đến yết kiến Phật. Thấy long nhan có vẻ u sầu, đấng đạo sư bèn thăm hỏi:

    - Này đại vương! Vì sao mà mặt mũi ủ dột như thế?

    - Bạch Thế Tôn, suốt mấy tháng qua con mất ngủ vì hành vi khát máu của một tên du đãng ở rừng Jalini. Dân chúng gọi nó là Angulimala vì hắn chuyên giết người để lấy ngón tay kết vòng đeo cổ. Chính quyền địa phương cùng quân triều đình mất không biết bao nhiêu công của mà vẫn chưa trừ khử được tên vô hại ấy. Ngày nào con cũng nghe báo cáo có người bị giết về tay hắn. Chính vì vậy mà trong thời gian qua con không có thời giờ rảnh rỗi đến thăm viếng đức Thế Tôn.

    - Ðại vương! Nếu hiện giờ có người báo cáo với đại vương hay rằng Angulimala đang ở cách đại vương chưa đầy 50 bước thì đại vương nghĩ sao?

    Vua Ba Tư Nặc liền đứng phắt dậy dòm nhớn nhác tóc râu đều dựng ngược, mặt biến sắc nói nhanh:

    - Con sẽ huy động quân sĩ giết hắn ngay lập tức để trừ hậu hoạn cho cư dân Kiều Tát La.

    - Nhưng nếu Angulimala cạo bỏ râu tóc xuất gia làm tỳ khưu, thì đại vương sẽ đối xử với y như thế nào?

    - Bạch Thế Tôn! Nếu đó là một chuyện có thật thì con sẽ đầu thành đảnh lễ đấng điều ngự hy hữu của muôn loài. Nhưng con không tin rằng tên mất dạy ác ôn đó lại có thể thay tâm đổi tánh cho được.

    Ðức Phật mỉm cười, đưa tay chỉ một sa môn trẻ tuổi, hình dung tuấn tú, uy nghiêm đang ngồi trầm tư trên một tảng đá gần hương thất bảo:

    - Này đại vương! Vị tỳ kheo có dáng điệu từ hòa kia trước đây ba ngày được dân chúng gọi là hung thần rừng Jalini.

    Vua Ba Tư Nặt giật mình kinh ngạc hồi lâu mới nói:

    - Bạch Thế Tôn! Nếu những lời nói trên không được thốt ra từ kim khẩu của Thế Tôn thì con không thể nào tin được. Bạch Thế Tôn! Con muốn được diện kiến cùng tôn giả ấy.

    - Ðại vương cứ tự tiện.

    Vua Ba Tư Nặt bèn rời chỗ ngồi, e dè đến chỗ tôn giả Angulimala đang rồi vái chào và hỏi:

    - Thưa tôn giả, ngài tên là gì?

    - Thưa đại vương, tên của tôi là Vô Hại, nhưng vì một ác nghiệp trước ngày xuất gia nên mọi người đều gọi tôi là Angulimala, nghĩa là “Chuỗi ngón tay.”

    - Thưa tôn giả, trước đây một tuần, ngài ở đâu và làm gì?

    - Tâu đại dương, tôi trú ngụ tại rừng Jalini và làm tên hung thần ở vùng ấy.

    - Bạch đại đức, thật là hy hữu! Thật là kỳ diệu. Xin đại đức cho phép trẫm được cúng dường y bát và ngọa cụ.

    - Thưa đại vương! Các bạn đồng phạm hạnh đã cho tôi đầy đủ mọi thứ cần dùng…

    Và đại vương Ba Tư Nặc sau khi đảnh lễ đấng đạo sư tán thán và cáo từ ra về, lòng nhẹ nhõm như một phiến mây.

    Tỳ kheo Angulimala tuy đã xuất gia và được đấng đạo sư ân cần khai thị nhưng lòng thầy luôn luôn bị xao động. Lúc nào và ở đâu, thầy cũng nghe văng vẳng tiếng than khóc cùng rên la của các nạn nhân bị chính thầy sát hại dạo trước. Trên đường đi khất thực dân chúng thường nhìn thầy với đôi mắt thù hận lẫn sợ hãi. Tuy đã có lệnh bảo hộ của vua Ba Tư Nặc, nhưng cũng rất nhiều khi, thầy trở về tinh xá với y bát tả tơi, thương tích đầy mình, thầy vẫn im lặng chịu đựng không hề kêu van hay lẩn trốn.

    Ngày kia, lúc đi thọ bát tôn giả Angulimala gặp một thiếu phụ đang lâm bồn. Gặp sản phụ nằm rên siết bên đường, động lòng bi mẫn, thầy trở về bạch đức đạo sư, xem có cách gì cứu giúp nạn nhân không? Phật dạy:

    - Con hãy đến gặp người thiếu phụ ấy và chúc lành cho nàng như thế này:

    - Thưa chị, từ ngày sinh ra đến nay, tôi chưa hề cố ý tiêu diệt đời sống một sinh vật nào. Do lời nói chân thật này, ước mong chị được mẹ tròn con vuông.

    Tỳ kheo Angulimala bối rối:

    - Bạch Thế Tôn! Làm sao con dám thốt ra câu ấy… khi con là “chuỗi ngón tay”?

    - Này tỳ kheo, từ ngày sinh ra cho đến nay có nghĩa là từ khi con xuất gia, sanh vào thánh tộc vâng giữ đời phạm hạnh.

    Thầy tỳ kheo trẻ tuổi liền hoan hỷ hối hả ra đi. Người thiếu phụ vẫn còn nằm rên siết bên vệ đường. Tôn giả Angulimala liền gởi lời chúc lành đến cho nàng sau một bức mành trúc. Kỳ diệu thay, một chú bé kháu khỉnh liền chào đời trong sự vui mừng của tất cả mọi người hiện diện… Từ ngày đó các bạn đồng phạm hạnh gọi thầy Angulimala là Paritta có nghĩa là “chúc lành.”

    Và cũng kể từ ngày hôm ấy, tôn giả Paritta thêm vững niềm tin, tinh cần tu tập, chẳng bao lâu thầy đắc quả A La Hán. Câu chúc lành của thầy gởi đến người thiếu phụ lâm bồn dạo nọ được xem như một bài kệ cầu an và được lưu truyền làm mọi người đều kinh ngạc. Người ta muốn biết rằng tại sao một con người hung bạo, đầy dãy nghiệp chướng như thế mà lại có thể đạt đến A La Hán quả, một quả vị mà các bậc hiền nhân đầy phước báu như tôn giả A Nan vẫn chưa chứng đắc.

    Ðể giải đáp, đức đạo sư đã dạy:

    - Trên thế gian này, mọi người đều bình đẳng với nhau ở khổ đau cũng như giác ngộ. Thầy Angulimala trước kia là người hung bạo, đầy dãy nghiệp chướng như thế, nhưng về sau thầy đã tinh cần miên mật phát huy trí huệ sẵn có của thầy, đánh bạt hết ác nghiệp, giống như vầng trăng ló dạng ra khỏi mây mù, chiếu sáng thế gian. Lời dạy của đấng đạo sư đã được kết tập thành câu pháp cú 173 lưu truyền cho đến ngày nay. Cũng như trong kinh Pháp cú câu thứ 422 đã ghi lại lời khen ngợi của đấng đạo sư khi ngài đề cặp đến đức vô úy lòng khiêm tốn của tỳ kheo Angulimala tức là La Hán Paritta:

    “Người vô úy, cao thượng như một bậc đại thánh, người đã tự khắc phục không còn dục vọng, người đã rửa sạch mọi nhiễm ô, đã giác ngộ, người ấy Như Lai gọi là Bà La Môn.”

    Danh từ Bà La Môn trên được người Ấn Ðộ dành để gọi những kẽ thuộc giai cấp cao sang quyền quý nhất trong xã hội loài người.



    Nguồn: ttp://buisfamily.startlogic.com

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •