BỒ ĐỀ TÂM LY TƯỚNG LUẬN
Tác-giả: Long-Thọ Bồ-Tát.
Hán-dịch: Ngài Thí-Hộ - Việt-dịch: Thích-Tâm-Châu
Con xin quy mệnh kính lễ hết thảy chư Phật.
Nay con xin nói qua về nghĩa “bồ-đề-tâm”.
Con cũng xin chí thành đỉnh lễ bồ-đề-tâm
Nghĩa của bồ-đề-tâm cũng như một đạo quân dũng kiện, cầm những đồ binh-khí tinh-nhuệ, quyết đem lại thắng lợi trong cuộc chiến. Chư Phật, Thế-Tôn cùng chư Đại-bồ-tát, đều do nhân-duyên phát tâm đại-bồ-đề mà thành đạo-quả. Con nay cũng phát tâm bồ-đề như thế.
Thực vậy, chư Phật từ khi phát tâm cho đến khi ngồi trên đạo-tràng bồ-đề, thành quả chính-giác, đều do nơi tâm bồ-đề kiên-cố của mình. Tâm bồ-đề ấy, cũng là hành-môn tổng-trì (2) của các Bồ-tát. Quán tưởng như thế sẽ phát minh như thế.
Nay tôi nói lời tán-thán tâm bồ-đề ấy, là vì tất cả chúng-sinh. Tôi mong chúng-sinh khỏi bị sự đau khổ trong vòng luân-hồi sinh-tử. Tôi mong tất cả chúng-sinh, nếu ai chưa được độ sẽ được độ, chưa giải-thoát sẽ được giải-thoát, chưa an-ổn sẽ được an-ổn, chưa chứng niết-bàn sẽ chứng được niết-bàn. Vì muốn thành-tựu viên-mãn thắng nguyện như thế, vì muốn an lập thể-nhân (3) chân-chính của tự-tướng, vì muốn thể-nhập vào chân-thực-quán của đệ-nhất-nghĩa, vì muốn thể-nhập vào tự-tướng vô-sinh của bồ-đề-tâm kia, nên nay tôi viết ra luận này.
“Bồ-đề-tâm xa lìa hết thảy tính”.
HỎI: “Tại sao lại nói là Bồ-đề-tâm xa lìa hết thảy tính?”
ĐÁP: “câu nói ấy có nghĩa là, đối với năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, chúng đều thuộc về pháp vô ngã bình-đẳng, xa lìa thủ và xả, tự-tâm của chúng bản-lai không sinh, và tự-tính của chúng bản lai vốn không. Như thế, tại sao trong đây lại nói về ngã, uẩn, xứ, giới có chỗ biểu lộ rõ ràng mà phân-biệt được tâm hiện-tiện vô thể? Do đó, nếu ai thường giác liễu tâm bồ-đề, tức là người ấy an-trụ vào không-tướng của các pháp. Chỗ thường giác-liễu tâm bồ-đề kia: dùng bi-tâm quán, lấy đại-bi làm thể. Bởi thế, trong các pháp như uẩn, xứ, giới v.v..., không có ngã-tướng nào có thể tìm được.
Các ngoại-đạo khởi ra các hành-tướng phi-tướng-ứng, chấp tướng phân-biệt, cho rằng các uẩn là có, chẳng phải là pháp vô thường. Nhưng, thực ra, chúng chẳng phải thuộc về tướng ngã, pháp mà có thể tìm được. Trong tính chân-thực, sự nhậm-trì của các pháp, không thể chấp là “thường” cũng chẳng phải là “vô thường”. Trong các uẩn nơi ta, tên còn không có thực, huống là còn có sự tạo-tác hay phân-biệt. Nếu nói rằng có một pháp hay các pháp nào đó, đó chỉ là lời nói theo tâm của người đời, tùy chuyển theo hành-động của người đời, mà chúng chẳng phải ứng-hợp với hành-tướng thường hằng như thực, nên nghĩa ấy không phải. Vì thế, các pháp vô tính. Dù chúng thuộc bên trong hay bên ngoài cũng không có thể phân-biệt được.
Vậy, do nhân gì mà họ thường có tâm chấp-trước như thế? Vì họ không xa lìa được sự tùy theo hành-tướng của đời. Nếu nương vào nhân, nương vào tướng thì đó thuộc về hai loại không cần phân-biệt. Đó tức là chẳng phải thường và cũng chẳng phải là có thể chấp. Tâm-tính không thể chấp “thường”. Những tính “vô thường” lại cho là “thường”. Nếu biết những tính kia là vô thường thì chúng ta từ chỗ nào tạo tác ra và chúng từ chỗ nào phát sinh ra, mà chấp lấy tướng “ngã” của những pháp ấy? Nếu xa lìa được giả-tướng của thế-gian rồi, đối với các uẩn không có chướng-ngại. Giác-liễu rồi, đối với mười hai xứ, mười tám giới cũng không có chướng-ngại. “Thủ” và “Xả”, tức thời, không thể tìm đâu ra được.
Trong bài luận này nói về chữ “Uẩn”, tức là nói về: sắc, thụ, tưởng, hành và thức. năm uẩn này là mục-tiêu tu-học của các bậc Thanh-Văn. Sắc như đống bọt. Thụ như bọt nổi. Tưởng như tia sáng thái-dương. Hành như vỏ cây chuối. Thức như người làm trò huyễn-thuật. Nghĩa của năm uẩn này, chư Phật Thế-Tôn, cùng chư Bồ-Tát cũng đều nói về thí-dụ như thế.
Nay lược tỏ về hành-tướng của SẮC-UẨN. Tứ-đại-chủng (đất, nước, lửa, gió) và những pháp gì do chúng tạo ra, đó là Sắc-uẩn. Những pháp không phải là Sắc-uẩn, là thuộc về ba uẩn: Thụ, Tưởng và Hành. Hành-tưởng của thức-uẩn sẽ thuyết ở phần sau.
Nó về XỨ, tức là nói về: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý-xứ ở trong và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp-xứ ở ngoài. Đó là nói về mười hai xứ ở bên ngoài.
Nói về GIỚI, tức là nói về giới-phận của nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý-căn; giới-phận của nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý-thức và cảnh-giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp-trần. Đó là mười tám giới.
Như thế, Uẩn, Xứ và Giới, chúng xa lìa các sự thủ và xả. Chúng không có phương-sở, không có giới-phận, không thể phân-biệt được. Phân-biệt để thấy, nghĩa ấy không phải. Vì, tùy theo sự phát khởi ra phân-biệt tức thì nó có ra chỗ chấp-trước. – Như thế, làm sao chúng tương-ứng với nhau được? – Nếu có một ảnh-tướng nào bị thấy ngoài nghĩa ấy, đó là nó bị sự chuyển biến của trí-tuệ phá-hoại. – Có chỗ nói: ý trưởng-dưỡng cho Sắc-uẩn là nghĩa thế nào? – Đó là nghĩa “phi nhất, phi dị” (chẳng phải là một, chẳng phải là khác). Có những ngoại-đạo như Ba-rị-một-ra-nhã-ca...(4) , họ tùy theo vào sự thấy biết khác lạ, khởi ra sự phân-biệt ba chiều (có, không, không có, không không...). Nghĩa ấy không đúng. Như người trong mộng, mơ thấy mình đang làm việc sát-hại, nhưng chỗ hành-tướng tạo-tác là giả, không thực. Lại như có người mơ thấy họ đang ở nơi tốt đẹp tối-thượng, nhưng sự thực, nơi chốn ấy không phải là hành-tướng thù-thắng. Thế là nghĩa gì? Nghĩa là, ánh sáng của THỨC đã phá hủy ảnh-tướng của thủ, xả. Pháp của Thức như thế, làm gì còn có nghĩa ngoài nào khác nữa. Cho nên, các pháp không có ngoại-nghĩa. Chỗ biểu-hiện của hết thảy sắc-tướng, do ánh quang-minh nơi tự-thức làm cho sắc-tướng soi tỏ. Ví như người ta thấy sự huyễn-hóa của ánh thái-dương biến ra thành Càn-thát-bà (5) , lại chấp-trước là thực. Những người vô trí do tâm ngu-chấp, quán sát các cảnh-sắc cho là thực, cũng như thế. Do ngã-chấp ấy, tâm thức tùy theo đó chuyển biến.
Như trên kia đã nói về nghĩa của uẩn, Xứ, Giới. Chúng xa lìa tất cả các giới-phận sai-biệt. Chúng chỉ do sự bị xếp-đặt nơi phận-vị của tâm-thức. Sự thành-tựu của nghĩa ấy, trong Thành-Duy-Thức đã nói.
Trước kia có nói qua về năm uẩn, nhưng, tự-tướng của THỨC như thế nào? – Thức cũng có nghĩa như chữ Tâm. Như đức Phật, Thế-Tôn thường nói: “hết thảy các pháp chỉ do sự biến hiện của tâm”. Nghĩa ấy rất sâu, những người ngu-si không thể hiểu và không thấy được lý chân-thực của nó. Cho nên, để cho ngã-tướng rỗng không, tâm ấy không sinh ra sự phân-biệt. Khởi ra tâm phân-biệt, đó là tà-giáo và chỗ kiến-lập của họ không thành nghĩa gì cả. Vì nghĩa như thực của nó là thấy sự sự vật vật (pháp) là vô ngã. Ngay trong Đại-thừa, nghĩa của pháp (sự vật) cũng là vô ngã, vì bổn lai, tự-tâm không sinh. Nhưng, nếu có, đó là tùy theo chỗ sinh-khởi của nó, song, nó vẫn đều bình-đẳng. Tự-tâm tăng thượng, thể-nhập vào nghĩa chân-thực, vì chỗ ấy xuất sinh ra Du-già hành-môn (6) . Nhưng, trong vấn-đề này chúng ta cần biết, chỗ y-chỉ của pháp nọ, pháp kia là không có thực-thể. Đó chỉ gọi là sự hiện-hành của tịnh-tâm mà thôi.
Nếu là pháp quá-khứ, quá-khứ không thực. Nếu là pháp vị-lai, vị-lai chưa đến. Nếu là pháp hiện-tại, hiện-tại không trụ. Vậy, các pháp ở trong ba đời nên gọi thế nào là “trụ”? – Như quân số, như rừng cây, do sự hợp thành của nhiều pháp. Thức là tướng vô-ngã. Thức chẳng phải là chỗ sở-y. Thấy được các pháp như thế, chúng cũng như đám mây đỏ, tan diệt một cách nhanh chóng. Có các pháp, do nơi suy nghĩ biến-hiện ra. A-lại-gia-thức (7) cũng như thế. Sự có đi, có lại của các loài hữu-tình, vì “pháp nhĩ như thị” (sự vật như thế là như thế). Ví như biển lớn, mọi dòng nước đều chảy về đó. Chỗ y-chỉ của A-lại-gia-thức cũng như thế.