DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3
  1. #3
    Ban Điều Hành Avatar của cunconmocoi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    863
    Thanks
    327
    Thanked 471 Times in 300 Posts


    BỒ ĐỀ TÂM LY TƯỚNG LUẬN

    Tác-giả: Long-Thọ Bồ-Tát.

    Hán-dịch: Ngài Thí-Hộ - Việt-dịch: Thích-Tâm-Châu

    (tiếp theo)


    Thế nên, ở trong luân-hồi các Ngài không sinh tâm thoái-chuyển, mệt mỏi. Từ trong Nhất-thừa nói ra pháp Nhị-thừa. Nhất-thừa, Nhị-thừa đều ở trong nghĩa chân-thực. Là bồ-đề của bậc Thanh-Văn hay là bồ-đề của Phật, chỉ là một tướng của trí-thân (chân-thân của trí-tuệ), một thể của chính-định. Tuy có nói, nhưng nói mà chẳng phải nói. Hoặc có nói ra mọi hành-tướng, nhưng đó chỉ vì dẫn-đạo chúng-sinh mà thôi. Nếu chúng-sinh được lợi, bồ-đề của Phật vẫn là phúc-trí bình-đẳng, thực không có hai tướng có thể trụ. Nếu có trụ-tướng tức là chủng-tử. Tướng chủng-tử kia lại hợp theo loại sinh ra. Thế là làm tăng-trưởng mầm mống sinh-tử. Như đức Phật, Thế-Tôn thường nói: “Chỉ vì chúng-sinh tạo ra các phương-tiện, phá hủy mọi hành-tướng của thế-gian, nhưng thực chẳng phải phá hủy.” Đó là có ý-nghĩa xa lìa sự phân-biệt. Nghĩa ấy rất sâu. Nghĩa rất sâu ấy không có hai tướng. Tuy nói là có phá-hủy, nhưng đây chẳng phải là phá-hủy.

    Trong pháp “không”, không có hai tướng. Các pháp giữ vững tự-tính chân-thực của chúng. Trí-ba-la-mật là tâm bồ-đề. Tâm bồ-đề trừ hết thảy “kiến”. Do đó, các thân, ngữ, tâm, đều thuộc về pháp vô thường. Nhưng chỉ vì chúng-sinh, đem lại lợi-ích cho chúng-sinh mà thôi.

    Trong này nói “không”, nhưng “không” không phải là đứt đoạn. Trong này nói “có”, nhưng “có” cũng chẳng phải là thường hằng. Thế nên, không có sinh-tử, cũng không có niết-bàn, mà đều an-trụ vào “vô-trụ niết-bàn”. Chư Phật, Thế-Tôn đều nói: “Bi-tâm khởi sinh ra, vô lượng phúc tụ hội.” Lời nói ấy là nói về lý “không” chân-thực tối thượng. Do uy-thần của chư Phật xuất sinh, mà hai hạnh tự-lợi và lợi-tha thành-tựu.

    Con nay xin đỉnh lễ Nhất-Thiết-Tính kia. Con thường tôn kính Tâm Bồ-Đề kia. Mong chỗ xưng-tán của con đối với Phật-chủng không bị đoạn-diệt. Chư Phật, Thế-Tôn thường trụ ở thế-gian. Tâm bồ-đề là tâm tối thắng trong Đại-thừa. Chính-niệm của con an-trụ trong tâm ấy.

    Tâm bồ-đề, trụ nơi tâm Đẳng-Dẫn (10) , và từ nơi phương-tiện sinh ra. Nếu thấu suốt được tâm ấy, thấy sinh-tử bình-đẳng, hai hạnh: tự-lợi và lợi-tha thành-tựu. tâm bồ-đề, lìa các kiến-tướng, vô-phân-biệt-trí, chuyển biến chân-thực.

    Các bậc trí-giả, phát tâm bồ-đề, hội-tụ được phúc-báo vô lượng vô biên. Nếu ai, trong khoảng sát-na, quán-tưởng tâm bồ-đề, người ấy hội-tụ được phúc-báo, cũng không thể tính lường được. Vì, tâm bồ-đề, chẳng phải thuộc về loại tính lường. Chất-liệu quý báu của tâm bồ-đề là thanh-tịnh không nhiễm. Nó thuộc vào bậc tối đại, tối thắng, tối thượng, đệ nhất. Nó thuộc vào chất-liệu chân-thực kiên-cố, không thể hoại và cũng chẳng phải là chỗ để hoại được. Nó thường phá các phiền-não, cùng tất cả các loại ma. Nó làm đầy đủ hạnh-nguyện Phổ-Hiền (11) của các vị Bồ-Tát. Tâm bồ-đề là chỗ hướng về của hết thảy pháp. Nói lời chân-thực, lìa các hý-luận. Đây là hành-môn thanh-tịnh của Bồ-Tát Phổ-Hiền, xa lìa hết thảy tướng. Đây xin nói rõ như thế.

    Tôi nay khen ngợi tâm bồ-đề,
    Như Lưỡng-Túc-Tôn (12) chính nói ra.
    Tâm bồ-đề ấy: tối tôn, thắng,
    Người được phúc-báo cũng không lường.
    Tôi đem phúc này cho chúng-sinh,
    Mong chóng vược khỏi biển tam hữu.
    Khen ngợi như thực và như lý,
    Trí-giả cần nên học như thế.


    Chú thích:

    (1) Bồ-Đề-Tâm Ly Tướng Luận: Luận này mang số 1661 trong Đại-Chính Đại-Tạng Kinh. Bồ-Đề (Bodhi): Xưa dịch nghĩa là “đạo”, nay dịch nghĩa là “giác”. Đạo có nghĩa là thông suốt. Giác có nghĩa là giác-ngộ. Chỗ thông suốt, chỗ giác-ngộ ấy có sự và có lý. LÝ: Niết-bàn. Dứt phiền-não-chướng chứng Nhất-thiết-trí niết-bàn. SỰ: Các pháp hữu-vi. Dứt sở-tri-chướng, biết rõ nhất-thiết chủng-trí của các pháp. Bồ-Đề-Tâm: Tâm mong cầu chân-đạo hay tâm mong cầu đạt tới chỗ chính- giác. Bồ-đề-tâm có hai loại: 1) Duyên-sự bồ-đề-tâm: Lấy 4 hoằng-thệ-nguyện làm thể, để hóa-độ chúng-sinh và viên-thành Phật-đạo. 2) Duyên lý bồ-đề- tâm: Quán chiếu hết thảy pháp bản-lai tịch-diệt, an-trụ trong thực-tướng trung-đạo, nguyện thành chính-giác, hóa-độ chúng-sinh. Bồ-đề-tâm ly tướng có nghĩa là muốn đạt tới tâm bồ-đề chân-thực, cần quán-chiếu: ngã, pháp, uẩn, xứ, giới, các ảnh-tướng ấy đều là hư-huyễn, đều do tâm-thức biến-hiện. Lìa mọi hành- tướng, thành-tựu đệ-nhất nghĩa không. Đó là Bồ-đề-tâm ly tướng.

    (2) Tổng-trì: Tiếng Phạm gọi là Đà-ra-ni (Dhàrani), Trung-Hoa dịch nghĩa là Tổng-Trì: Nghĩa là giữ cho điều thiện không mất, giữ cho điều ác không sinh. Thực- hành Tổng-trì có 4 pháp-môn: pháp, nghĩa, chú và nhẫn.

    (3) Thể-nhân: Nhân-tố nguyên-thủy trong bản-thể của sự-vật.

    (4) Ba-rị-một-ra-nhã-ca: Đây là phái ngoại-đạo, thực-sự xuất-gia. Trung-Hoa dịch- nghĩa là “Biến xuất” hay “Phổ hành”. Phái này cạo đầu, nhưng để một chút tóc trên đỉnh đầu, mặc áo màu đất đỏ, đi xin ăn, nhưng sự nhận-thức về sự-vật khác với giáo-lý của Phật.

    (5) Thành Càn-thát-bà: Đây nói về sự-vật trong giả-tưởng. Ánh thái-dương chiếu xuống nơi có vỏ sò, vỏ ốc trong biển, ánh nắng hiện lên lấp-lánh, ở xa, người ta trông như là có tường thành của loại Càn-thát-bà. Càn-thát-bà (Gandharva), Trung- Hoa dịch nghĩa là “Tầm Hương”, tên một loại thần chuyên về âm-nhạc trên cõi trời Đao-Lợi. Nơi trình diễn âm-nhạc, có vẽ những thành-quách, phong-cảnh cho đẹp mắt. Cảnh vẽ thuộc về sự giả-tạo, không thực.

    (6) Du-già (Yoga): Trung-Hoa dịch nghĩa là “tương-ứng”. Tương-ứng với 5 loại: hoàn- cảnh, hành-động, lý luận, thành-quả và căn-cơ chúng-sinh. Đây là một pháp môn thực-hành, ứng-hợp với cảnh, hành, lý, quả và cơ.

    (7) A-lại-gia thức (Alaya): Thức thứ 8 trong Duy-Thức-Học. Trung-Hoa dịch nghĩa là “Tạng-thức”, có nghĩa là Thức này hàm-tàng, hay cất giữ tất cả các hạt giống của sự vật.

    (8) Hoàng-môn: Đây chỉ cho người mà phái-tính, hoặc bộ-phận sinh-dục không nhất định là nam hay nữ.

    (9) A-Tỳ địa-ngục: A-Tỳ (Avichi), Trung-Hoa dịch nghĩa là “vô-gián”. Đây là một địa- ngục, không-gian, cũng như sự trừng-trị tội nhân không chút gián-đoạn.

    (10) Đẳng-dẫn: Tiếng Phạm là Tam-ma-ế-đa (Samàhita), Trung-Hoa dịch nghĩa là đẳng-dẫn. Đây là một pháp trong pháp-môn thiền-định. Khi ngồi thiền, thân và tâm an-hòa, bình-đẳng, nên gọi là “đẳng-dẫn” v.v...

    (11) Phổ-Hiền hạnh-nguyện: Lời phát-nguyện và thực-hành của Bồ-Tát Phổ-Hiền. Bồ- Tát Phổ-Hiền có 10 đại-nguyện chuyên hướng về sự thực-hành, phụng-sự Phật, Pháp và hóa độ chúng-sinh.

    (12) Lưỡng-Túc-Tôn: Đây chỉ về đức Thế-Tôn, Ngài là bậc đầy-đủ phúc-đức và trí-tuệ


    Phật lịch 2540
    Tổ-Đình Từ-Quang
    2176 Ontario East
    Montreal, Quebec H2K 1V6
    Canada. Tel: (514) 525- 8122
    1996

  2. The Following User Says Thank You to cunconmocoi For This Useful Post:

    lavinhcuong (11-07-2021)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •