DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/11 123 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 107
  1. #1
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts

    Truỵên cổ Phật Giáo




    Truyện cổ Phật giáo


    Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu






    MỤC LỤC TỔNG QUÁT


    PHẦN I: Những chuyện đương thời Đức Phật

    1. Vợ chồng ông Cấp Cô Độc
    2. Tinh xá và thiên cung
    3. Quả báo của sự keo kiệt
    4. Có làm có chịu
    5. Ác khẩu và quả báo
    6. Kiện Đạt Đa ích kỷ
    7. Hái hoa dâng Phật
    8. Niệm Phật diệt tội
    9. Nghĩa khí của con khỉ mặt đỏ
    10. Bà lão bộc
    11. Công chúa lột xác
    12. Trường Sinh Đồng Tử
    13. Bộ Tri Ca tỉnh ngộ
    14. Ba luồng ánh sáng trắng
    15. Nói lời ác phải chịu quả báo
    16. Hối lỗi sinh cõi trời
    17. Đừng lãng phí
    19. Vua Lưu Ly
    20. Quỷ mẹ
    21. Đói và no
    22. Tự cứu lấy mình
    23. Tô Ti
    24. Kho tàng là rắn độc
    25. Hoàng phi Nguyệt Minh
    26. Hào quang đức Phật
    28. Người xấu xí được độ
    29. Vua A Xà Thế sám hối
    30. Ác khẩu lưỡng thiệt
    31. Những cư sĩ đầu tiên
    32. Hy sinh cứu người
    33. Hai vợ chồng phát tâm
    34. Thân là gốc khổ
    35. Vua thánh tôi hiền
    36. Hai đứa bé sinh đôi
    37. Hằng Già Đạt
    38. Ma Ha Lô đắc đạo
    39. Thần thông không chống được nghiệp lực
    40. Sa-di ngộ đạo
    41. Đại Ca Diếp quy y
    42. Bốn đứa con
    43. Giờ cuối đã điểm
    44. Tài nghị luận của Ca Chiên Diên
    45. Hoàng tử Dũng Quân
    46. Nhân thiện quả thiện
    47. Bảy năm trong chậu máu
    48. Tình đời
    49. Bốn loại phúc đức
    50. Hối lỗi thoát khổ

    PHẦN II: Những chuyện tiền thân Đức Phật

    1. Đại Y vương
    2. Tiên nhân ngũ thông
    3. Không phân biệt kẻ oán người thân
    4. Người dạy voi
    5. Trâu nước cao thượng
    6. Chết vì việc nghĩa
    7. Hóa hình cứu bạn
    8. Hoa sen trong ngục lửa
    9. Sát sinh cúng tế người chết
    10. Vua Nhất Thiết Thí
    11. Chim gõ kiến
    12. Rắn trả ơn


    PHẦN III: Những chuyện thuộc nhiều giai đoạn khác

    1. Năm loại bất tử
    2. Nghiệp giết hại
    3. Tài sản chân thật
    4. Tâm an thì đất bằng
    5. Con chó biến thành bà hoàng
    6. Thân nữ chuyển thành nam
    7. A-la-hán gặp nạn
    8. Nai biết trọng chữ tín
    9. Thời và vận
    10. Tôn kính người già
    11. Chuyện kiếp xưa
    12. Bà cư sĩ ngộ đạo
    13. Vua A Dục hối lỗi
    14. So sánh phúc báo
    15. Làm vua bảy ngày
    16. Tâm không thối chuyển
    17. Hiểu đạo và tu đạo
    18. Bài học cho người háo sắc
    19. Tâm độc địa
    20. Phước đức của hoàng hậu
    21. Tâm ham danh
    22. Ác quỷ
    23. Niệm Phật được cứu
    24. Muốn thoát sinh tử
    25. Lời nói thật
    26. Vua rồng và tiếng chuông chùa
    27. Bán thịt tự thân mua lễ vật
    28. Hai anh em
    29. Có thân hay không
    30. Y Lý Sa
    31. Cô bé lọ lem
    32. Đồng tiền gây phiền lụy
    33. Giai cấp Nhất Ức Lý
    34. Một tảng đá
    35. Hoàng tử Na Nhất Thiên
    36. Cúng dường được phước
    37. Vòng châu cài tóc



  2. The Following 2 Users Say Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Hoàng Mai (08-04-2015),Thanh Mai (08-27-2015)

  3. #2
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts

    1. Vợ chồng ông Cấp Cô Độc




    1. Vợ chồng ông Cấp Cô Độc




    Trưởng giả Tu-đạt-đa (cũng gọi là Tu-đạt) là một nhà từ thiện lớn, luôn vui thích làm những chuyện phước đức, bố thí. Ông thường cứu giúp những người nghèo khó, hay đem cơm gạo, quần áo bố thí cho họ. Trong toàn khu vực thành Xá-vệ, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, cứ hễ nghèo khổ, không nơi nương tựa, một khi tìm đến là được ông vui vẻ giúp đỡ ngay. Vì thế mọi người đều gọi ông là trưởng giả “Cấp Cô Độc”, nghĩa là “người thường chu cấp cho những kẻ cô độc, không nơi nương tựa”.

    Một hôm, trưởng giả Tu-đạt đến nhà trưởng giả Thủ-la ở thành Vương-xá để bàn bạc việc hôn nhân cho người con trai út, thì ngẫu nhiên được diện kiến đức Phật và được nghe pháp âm của Ngài. Ông quá đỗi vui mừng, liền phát tâm xây tinh xá để thỉnh đức Phật và chư tỳ-kheo đến thành Xá-vệ giáo hóa chúng sinh ở đấy. Đức Phật hoan hỉ nhận lời, khi nào tinh xá xây xong thì Ngài sẽ đến.

    Trưởng giả Tu-đạt trở về thành Xá-vệ lập tức đi xem khắp nơi để tìm một địa điểm thích hợp. Ông nhận thấy trong số các nơi đã xem qua chỉ có vườn cây của thái tử Kỳ-đà là vô cùng rộng rãi, thoáng mát, có sông có nước, có đồi có núi, có hoa thơm cỏ lạ, cảnh đẹp như tranh, thật là một khung cảnh vô cùng thanh tịnh, u mỹ.

    Ông nghĩ, nếu được một chỗ như thế này để xây dựng tinh xá cúng dường đức Phật, để Thế Tôn về đấy thuyết pháp và chư tỳ-kheo an trú thì thật không có chỗ nào tốt đẹp hơn. Nhưng đây lại là khu vườn mà thái tử Kỳ-đà yêu thích nhất, nên trưởng giả Tu-đạt không biết phải làm cách nào để thái tử chịu nhượng lại khu vườn cây này cho ông. Ông suy nghĩ nát óc và tuy biết là sẽ rất khó khăn nhưng không còn cách nào khác hơn đành phải trực tiếp đến gặp thái tử Kỳ-đà để khẩn khoản xin thái tử nhượng lại khu vườn ấy.

    Nhưng dù ông có nói thế nào thái tử Kỳ-đà cũng khăng khăng một mực không chấp thuận. Đến khi nghe trưởng giả Tu-đạt nài nỉ tới lần thứ ba, thái tử cảm thấy thật khó mà cự tuyệt mãi một người danh tiếng lừng lẫy trong cả nước như ông trưởng giả này, bèn nghĩ kế đòi một giá bán thật cao để khiến cho trưởng giả phải thối chí. Nghĩ sao làm vậy, thái tử bèn nói:

    – Thật sự tôi không muốn nhượng khu vườn này cho ông, nhưng thấy ông cứ nài nỉ mãi như thế, thôi thì thế này. Tôi bằng lòng bán với điều kiện như sau: Ông hãy lấy vàng trải đầy khắp mặt đất của khu vườn. Nếu ông đồng ý trả đủ số vàng như thế thì tôi sẽ nhượng đất cho ông.

    Không ngờ thái tử vừa nói giá như thế thì trưởng giả Tu-đạt tỏ ra vui mừng khôn xiết, lập tức trở về huy động người nhà lấy xe chở vàng nhanh chóng đến trải đầy khắp mặt đất chỗ khu vườn.

    Khoảng xế chiều thì toàn bộ khu đất đã được phủ kín vàng, chi còn thiếu một khoảnh nhỏ. Thái tử Kỳ-đà nhìn thấy ông trưởng giả có vẻ như đang trầm ngâm suy nghĩ liền đến bảo:

    – Bây giờ ông đổi ý vẫn còn kịp đấy. Đất vẫn là của tôi, ông có thể lấy vàng về.

    Trưởng giả Tu-đạt nhoẻn miệng cười, nói:

    – Ngài lầm rồi! Tôi không hề tiếc rẻ số vàng bỏ ra, chỉ đang nghĩ xem nên lấy số vàng còn thiếu này từ kho nào cho thuận tiện đó thôi.

    Ban đầu thái tử Kỳ-đà vẫn tưởng có thể làm cho trưởng giả Tu-đạt phải thối chí trước một giá bán quá cao như thế, không ngờ ông này chẳng tiếc gì số vàng lớn, vẫn quyết tâm mua cho bằng được khu đất. Thái tử lấy làm tò mò, liền gạn hỏi nguyên do mua đất. Trưởng giả Tu-đạt mới thật lòng đem dự tính xây dựng tinh xá cúng dường đức Phật và chư tăng mà nói cho thái tử nghe. Thái tử không khỏi lấy làm cảm động trước tín tâm chân thành của vị trưởng giảTu-đạt liền hỏi tiếp:

    – Đức Phật là người như thế nào mà ông đối với ngài nhiệt tâm và thành tín đến thế?

    Trưởng giả Tu-đạt liền kể lại việc mình được gặp Phật tại thành Vương-xá và được nghe giáo pháp giải thoát của ngài như thế nào. Thái tử nghe xong cũng sinh lòng hoan hỷ, rất mong muốn chính bản thân mình sẽ được gặp Phật. Thái tử liền nói:

    – Trưởng giả! Số vàng còn thiếu ông không cần phải chở đến nữa, xem như tôi cúng dường số vàng ấy vào việc xây dựng tinh xá. Ngoài ra, đất đai thì xem như bây giờ đã là của ông, nhưng cây cỏ hoa lá trong vườn thì tôi chưa hề bán. Vậy nay tôi cũng xin tự nguyện cúng dường tất cả cây cối trong vườn này để góp phần làm chỗ cho đức Phật và chư tăng an trú.

    Trưởng giả Tu-đạt thấy thái tử Kỳ-đà phát khởi lòng tin như thế thì rất vui. Từ đó cả hai đều hết sức hân hoan, cùng nhau đốc thúc việc xây dựng và chờ đợi ngày đức Phật quang lâm.

    Khi tinh xá vừa xây xong, trưởng giả Tu-đạt lập tức nghênh thỉnh đức Phật và chư tăng về. Bởi vì tinh xá này là do trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường khu đất và thái tử Kỳ-đà cúng dường vườn cây, nên người thời bấy giờ gọi tên tinh xá này là “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên”, nghĩa là vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ-đà.

    Trưởng giả Tu-đạt vốn thích bố thí, ham làm việc thiện, lại thêm việc xây tinh xá khiến ông phải tốn kém số tiền quá nhiều, khiến cho việc làm ăn nhanh chóng suy sụp, dần dần khánh kiệt cả gia sản, không còn trong tay bất cứ tài sản giá trị nào, thậm chí đã đến mức sắp phải chết đói.

    Ngay lúc đó, ông nhặt được trong đống rác một khúc gỗ quý. Đây là một loại gỗ chiên-đàn cực kỳ hiếm có và hết sức quý giá, nhưng vì nó chưa được rửa sạch nên khi ông đem đi bán chẳng ai muốn mua cả. Cuối cùng có một nhà buôn thấy ông tội nghiệp nên miễn cưỡng đổi lấy với 4 thưng gạo trắng.

    Bấy giờ, phu nhân trưởng giả Tu-đạt liền đong một thưng gạo đem đi nấu cơm. Cơm vừa chín thì có tôn giả Xá-lợi-phất đến đứng ngay trước cửa, ôm bình bát khất thực. Phu nhân vô cùng hoan hỉ, liền đem thưng gạo đã nấu thành cơm ấy mà cúng dường hết cho ngài Xá-lợi-phất. Sau đó bà đong một thưng gạo khác đem đi nấu. Cơm vừa chín thì có ngài Mục-kiền-liên đến khất thực. Bà cũng đem cơm mới nấu ra cúng dường hết cho ngài Mục-kiền-liên. Lần thứ ba nấu cơm, bà lại cúng dường cho ngài Ca-diếp. Còn thưng gạo cuối cùng, cơm vừa chín tới thì thấy đức Phật từ xa đi đến. Bà vui mừng thầm nghĩ: “Cũng may là mình vẫn còn một thưng gạo cuối cùng mới nấu chín này để cúng dường đức Thế Tôn!” Nghĩ thế rồi, có bao nhiêu cơm trong nồi bà dâng cúng trọn lên đức Phật.

    Đức Phật thấy vợ chồng trưởng giả Tu-đạt có lòng lành và tín tâm như thế nên từ kim khẩu ngài liền chúc nguyện rằng:

    – Tội diệt phúc sinh, từ nay trở đi phúc đức vô tận, không còn khốn khó.

    Ngay khi đức Phật vừa đi khỏi thì nhà buôn vừa mua khúc gỗ chiên-đàn khi nãy tìm đến, vui vẻ nói với trưởng giả Tu-đạt:

    – Ông thật may mắn, khúc gỗ ấy sau khi tôi rửa sạch mang ra chợ bán đã có người đến trả đến hơn năm nghìn đồng tiền vàng. Tôi nghĩ đây là phước báu của ông nên không dám một mình hưởng trọn, xin cùng với ông chia đôi số tiền này vậy.

    Thế là trưởng giả Tu-đạt nhận được một số tiền lớn, có thể mua lại nhà cửa và bắt đầu trở lại công việc làm ăn buôn bán. Từ đó mọi việc đều thuận lợi đến nỗi không bao lâu sau thì vàng bạc, tiền tài, châu báu trong nhà, cơm gạo, lụa là vải vóc trong kho đã chất đầy như núi, so với lúc trước thì bây giờ ông còn giàu có hơn gấp nhiều lần.

    Trong thâm tâm, trưởng giả Tu-đạt rõ biết đây là do nhân lành bố thí và cúng dường của mình mới có được, nên ông cho lập đàn thật lớn để cúng dường đức Phật và chư tăng, thỉnh đức Thế Tôn thuyết pháp cho mọi người được nhiều lợi lạc, và từ đó càng nỗ lực làm việc từ thiện, cứu giúp người nghèo khó.

    Quả thật là, đem của cải mình hiện có ra bố thí cho người khác, thấy thì có vẻ như mất đi, nhưng thật ra chẳng khác nào mang hạt giống tốt vùi trong lòng đất ẩm, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày hái được quả ngọt.



  4. The Following 2 Users Say Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Hoàng Mai (08-04-2015),Thanh Mai (08-27-2015)

  5. #3
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts


    2. Tinh xá và Thiên cung



    Xá-lợi-phất là một trong các vị đệ tử hàng đầu của đức Phật. Từ khi ngài bỏ ngoại đạo về quy y Phật thì tăng đoàn lớn mạnh thêm rất nhiều, vì ngài đã dẫn theo cả một đồ chúng rất đông đảo cùng lúc xuất gia theo Phật.

    Đức Phật rất tin tưởng vào nhân cách cũng như năng lực của ngài. Lần đầu tiên khi cần có người trong tăng đoàn đến miền bắc Ấn Độ để hoằng pháp và trông coi công trình xây dựng tinh xá Kỳ Viên, chính ngài là người được đức Phật giao cho trọng trách đó.

    Nguyên do là ở nước Ma-kiệt-đà, miền nam Ấn Độ, đã có tinh xá Trúc Lâm, nhưng còn ở miền bắc thì hai năm sau khi đức Phật thành đạo vẫn chưa có địa điểm thuận lợi nào làm cơ sở cho Ngài thuyết pháp.

    Một hôm, nhân duyên xui khiến trưởng giả Tu-đạt ở thành Xá-vệ nước Kiêu-tát-la[1] đến miền nam thăm người thân, được diện kiến thánh nhan của đức Phật, bèn xin quy y và tự nguyện phát tâm xây dựng một tinh xá ở miền bắc cúng dường đức Phật, để nước pháp cam-lồ được ban rải khắp mọi nơi.

    Trưởng giả Tu-đạt ở thành Xá-vệ, sau khi mua được vườn hoa của thái tử Kỳ-đà bằng cách dùng vàng trải đầy mặt đất, bèn xin đức Phật phái một người đến thiết kế và chỉ dẫn việc xây cất tinh xá tại đấy.

    Đức Phật biết rằng khi Phật pháp còn chưa truyền đến miền bắc thì người dân ở đó đa phần đều tin theo ngoại đạo. Vì thế, người được phái đến miền bắc không những phải lo việc xây cất tinh xá mà còn phải có khả năng hàng phục đồ chúng của ngoại đạo nữa. Vì lý do đó mà đức Phật đã chọn ngài Xá-lợi-phất để giao nhiệm vụ theo trưởng giả Tu-đạt về thành Xá-vệ.

    Quả thật vậy, tinh xá bắt đầu xây dựng chưa bao lâu thì ma nạn đã bắt đầu xảy tới.

    Rất nhiều ngoại đạo ganh tức với Phật giáo đang phát triển, bèn kéo đến yêu cầu trưởng giả Tu-đạt phải bỏ ngay ý định xây dựng tinh xá cúng dường đức Phật và còn bảo ông không được tin theo đức Phật nữa.

    Trưởng giả Tu-đạt vốn đã được tiếp nhận hồng ân của pháp Phật nên không màng đến những lời của ngoại đạo. Vì thế ngoại đạo bèn nghĩ đến việc tranh luận cùng đệ tử của đức Phật, tức là ngài Xá-lợi-phất. Họ nghĩ là nhờ vào số đông sẽ có thể hạ bệ Phật giáo ở miền bắc ngay từ buổi đầu và khiến cho trưởng giả Tu-đạt thay đổi ý định.

    Nghe tin này, trưởng giả Tu-đạt rất kinh hoàng. Ông nghĩ rằng, làm sao một mình ngài Xá-lợi-phất có thể tranh biện nổi với số đông ngoại đạo như thế?

    Lòng nặng trĩu ưu tư, trưởng giả Tu-đạt đành phải chuyển đến ngài Xá-lợi-phất lời yêu cầu của bọn ngoại đạo. Không ngờ khi nghe tin thì ngược lại, ngài Xá-lợi-phất rất vui mừng, vì thấy rằng đây là cơ hội tốt nhất để ngài tuyên dương Chánh pháp.

    Sau khi định ước xong về thời gian và địa điểm của ngày đại hội tranh biện, phía ngoại đạo bèn chọn ra mười vị luận sư xuất sắc nổi danh nhất để đối phó với mỗi một mình ngài Xá-lợi-phất.

    Nhưng sự lo lắng của trưởng giả Tu-đạt thật ra là hoàn toàn không cần thiết, vì cho dù về mặt số lượng thì các luận sư ngoại đạo là đông đảo, còn phía Phật giáo chỉ có mỗi một mình ngài Xá-lợi-phất, nhưng về mặt thực lực tranh biện thì đừng nói gì mười vị luận sư này, mà dẫu có đến ngàn vạn luận sư ngoại đạo cũng không phải là đối thủ tranh biện của ngài Xá-lợi-phất.

    Vì sao vậy? Vì trong hàng đệ tử Thanh văn của đức Phật, ngài Xá-lợi-phất là bậc trí tuệ đệ nhất, không ai sánh bằng. Ngài xuất thân từ một gia đình danh tiếng thuộc dòng Bà-la-môn, ông nội và cha ngài đều là những vị luận sư Bà-la-môn nổi danhBà-la-môn, là những vị học giả lỗi lạc nhất của toàn cõi Ấn Độ thời ấy.

    Nói về kiến thức thế gian, ngài Xá-lợi-phất, tinh thông tất cả các mọi kinh điển, luận thư của ngoại đạo. Nhưng còn hơn thế nữa, hiện nay ngài đã đạt được trí huệ giải thoát nhờ chứng đắc thánh quả A-la-hán. Vì thế, việc ngài Xá-lợi-phất đứng ra tranh biện với ngoại đạo thật ra là một sự kiện có thể hoàn toàn thấy trước được kết quả.

    Quả thật như vậy, vào ngày tranh biện ấy ngài Xá-lợi-phất đã toàn thắng một cách thuyết phục. Rất nhiều đồ chúng ngoại đạo sau khi được nghe cuộc tranh biện đã xin quy y với ngài Xá-lợi-phất, từ bỏ ngoại đạo để nương về với Chánh phápThích-ca Mâu-ni.

    Phật giáo khi ấy tuy hãy còn ở miền nam mà ánh sáng Chánh pháp đã bắt đầu được chiếu rọi đến miền bắc. Số người ngoại đạo nhờ sự thức tỉnh của ngài Xá-lợi-phất mà quay về quy y Phật lên đến cả ngàn vạn người.

    Lúc ấy trưởng giả Tu-đạt mới thở phào một tiếng nhẹ nhõm. Ông hết sức khâm phục trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất và lại càng tin tưởng hơn vào giáo pháp của đức Phật.

    ***

    Công trình xây cất tinh xá Kỳ Viên tiến hành rất mau lẹ. Theo sự thiết kế của ngài Xá-lợi-phất thì có 16 điện chỉ dành làm nơi đại chúng vân tập, lại có ba trăm căn phòng lớn, sáu mươi ba nơi thiền phòng an tịnh; ngoài ra cũng có đầy đủ các tịnh thất mùa đông, nhà trú mùa hạ, thảy thảy đều riêng biệt; nhà trù, phòng tắm, chỗ rửa chân, nhà xí... không thiếu gì cả.

    Khi tinh xá xây dựng gần xong, ngài Xá-lợi-phất nói với trưởng giả Tu-đạt:

    – Trưởng giả Tu-đạt, ông nhìn xem trong không trung hiện giờ vừa có gì xuất hiện vậy?

    Trưởng giả Tu-đạt nhìn lên rồi thất vọng trả lời:

    – Bạch tôn giả, tôi không nhìn thấy gì cả.

    – Điều đó không có gì lạ, vì mắt thường không thể nhìn thấy những hiện tượng như thế. Bây giờ, nương vào thần lực thiên nhãn của tôi, ông hãy thử nhìn xem một lần nữa.

    Trưởng giả Tu-đạt ngước mắt nhìn rồi mừng rỡ reo lên:

    – Bạch tôn giả, tôi thấy có rất nhiều cung điện nguy nga tráng lệ!

    – Đó toàn là những cung điện của trời Lục dục, do việc ông cúng dường tinh xá cho đức Phật thuyết pháp nên ứng hiện. Tuy tinh xá ở đây xây dựng chưa xong nhưng ở trời Lục dục thì cung điện phước báo của ông đã hoàn tất.

    – Xin hỏi tôn giả, cõi trời Lục dục có quá nhiều cung điện như thế, tương lai tôi nên sinh về cõi trời nào là tốt nhất?

    Tôn giả Xá-lợi-phất giải thích:

    – Cõi trời Đao-lợi có thọ mệnh rất lâu dài, cư dân ở đó đều biết tu hành, chuyên cần thực hành Phật đạo, rất khó bị đọa lạc. Ông nên phát nguyện sinh về đó.

    – Vậy tôi nguyện sẽ sinh về cõi trời Đao-lợi!

    Khi trưởng giả Tu-đạt vừa phát nguyện như thế thì tất cả các cung điện khác liền từ từ ẩn mất, chỉ còn lại cung điện của cõi trời Đao Lợi là thêm phần huy hoàng lộng lẫy trước mắt ông.

    Suốt cả một đời, chưa bao giờ trưởng giả Tu-đạt vui mừng như lần ấy!



  6. The Following 2 Users Say Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Hoàng Mai (08-04-2015),Thanh Mai (08-27-2015)

  7. #4
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts


    3. Quả báo của sự keo kiệt



    Ở miền Nam Ấn Độ, cách thành Vương Xá không xa có một khu rừng trúc u nhã, yên tịnh tên là Ca Lan Đà. Trúc trong rừng ấy vừa cao vừa rậm rạp, bao quanh một khu tinh xá lớn và tráng lệ, do vua Tần Bà Sa La xây dựng và cúng dường đức Phật. Đó chính là tinh xá Trúc Lâm, là nơi đức Phật cùng rất đông đệ tử của Ngài cư ngụ, và cũng là nơi mà đức Phật thường giảng kinh thuyết pháp cho rất nhiều người nghe.

    Hai vị đệ tử thượng thủ của Ngài là ngài Xá-lợi-phất và ngài Mục-kiền-liên, trước khi dùng cơm lần nào cũng vận dụng thần thông “từ bi” (thần thông này do lực từ bi mà có) để quán sát các chúng sinh đang chịu khổ trong ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, xem có cơ duyên nào cứu độ họ được hay không, rồi mới dùng cơm.

    Có một lần tôn giả Mục-kiền-liên quan sát thế giới ngạ quỷ, thấy có một ngạ quỷ rất đáng thương. Thân nó giống như cây cột cháy, bụng thì to như gò núi, hễ đưa bất cứ thứ gì lên miệng thì thứ ấy lập tức biến thành những cây kim bằng sắt. Đã thế mà còn thường khạc ra lửa khói, tự đốt cháy mặt mày, tóc tai thì cứng như dao kiếm, suốt ngày khóc lóc kêu than, đói khát muốn chết, thế mà một giọt nước cũng không nuốt được, vì hễ đưa nước lên tới miệng thì nước liền biến thành máu, không uống được.

    Thấy tình cảnh ngạ quỷ thống khổ như thế, Mục-kiền-liên mới tiến đến trước mặt nó hỏi:

    – Ngươi đã tạo nên nghiệp tội gì mà bây giờ phải chịu khổ như thế này?

    – Bạch Tôn giả, nơi nào có mặt trời chiếu thì không cần thắp ngọn đèn dầu leo lét. Trí huệ đức Phật như kính sáng, có thể chiếu rọi chúng sinh trong mười phương. Bất kỳ người nào tạo nghiệp tội trong quá khứ, hiện tại và vị lai cũng được kính trí huệ của Ngài soi rõ, không thiếu sót mảy may nào. Tôi đã tạo tội ác gì, ngài có thể thưa hỏi đức Phật thì rõ. Bây giờ tôi quá đói khát, không trả lời cho ngài được, xin ngài thứ lỗi.

    Ngạ quỷ nói với ngài Mục-kiền-liên như thế xong, lại tiếp tục rên rỉ kêu than. Tôn giả Mục-kiền-liên liền đi tìm đức Phật bái kiến.

    Lúc ấy đức Phật đang thuyết giáo nghĩa cứu cánh cho các tỳ-kheo, thấy dáng điệu vội vàng của ngài Mục-kiền-liên liền hỏi:

    – Mục-kiền-liên, ông có việc gì mà cuống quýt lên như thế?

    – Vâng, bạch Thế Tôn! Con có một điều không giải quyết được, nên tới đây thỉnh Thế Tôn khai thị.

    Đức Phật từ bi trả lời:

    – Có chuyện gì ông cứ nói.

    – Vừa rồi con quán sát trong địa ngục có một ngạ quỷ thân thể bị cháy sém, cổ họng như lỗ kim, bụng to như cái thùng, không ăn được bất cứ món gì, không ngừng đi lùng kiếm thức ăn, nhưng cứ hễ đưa thức ăn lên miệng thì thức ăn biến thành kim sắt. Ngạ quỷ này đã làm nên tội gì mà phải thọ một quả báo như vậy, cúi xin Thế Tôn thuyết giải cho chúng con rõ.

    Trước khi Mục-kiền-liên bắt đầu kể, đức Phật đã biết rõ chuyện gì xảy ra, nên mới thuận theo cơ duyên này mà nói với các đệ tử trong pháp hội:

    – Các ông hãy nghe cho kỹ, ta sẽ nói cho các ông rõ.

    Cách đây rất lâu trong thành Xá Vệ, có một người rất giàu có, làm nghề ép mía lấy nước ngọt bán. Công việc làm ăn thịnh vượng, trong nhà tấp nập công nhân thợ thuyền. Lúc ấy có một vị Bích Chi Phật, vì muốn hóa độ tất cả chúng sinh nên thị hiện chứng bệnh hay khát nước. Có một người khuyên ngài nên uống nước mía ép, vì thế ngài bèn đến nhà ông nhà giàu nọ xin nước mía uống.

    Người này thấy có Bích Chi Phật đến, sinh lòng cung kính, hoan hỉ cúng dường nước mía cho ngài. Nhưng ông có việc gấp phải đi ra ngoài, không thể tự tay cúng dường, bèn giao việc này cho bà vợ và căn dặn rằng: “Bà hãy thay tôi đem nước mía lên cúng dường Bích Chi Phật.” Bà vợ trả lời: “Vâng, tôi đem lên liền.”

    Ông nhà giàu đi rồi, bà vợ bèn nghĩ: “Nước mía rất quý, từ trước đến nay nhà ta chưa bao giờ đem cho ai uống không. Nếu hôm nay cho ông này uống, sau này sẽ có nhiều người đến xin nữa.”

    Tâm keo kiệt phát khởi, bà lén thi hành độc kế bằng cách lấy một cái bát bằng sắt, đổ nước dơ uế vào rồi mới đổ một chút nước mía lên trên, xong bưng lên đưa cho Bích Chi Phật uống. Vị Bích Chi Phật đón lấy cái bát, biết ngay việc làm tội lỗi của người đàn bà, nên đổ những món bẩn thỉu trong bát xuống đất, lấy nước rửa bát sạch sẽ rồi bỏ đi.

    Không lâu sau, mạng sống người của đàn bà keo kiệt chấm dứt, đọa xuống làm ngạ quỷ, thường bị đói khát và bị lửa nghiệp đốt thân. Nghiệp khổ này còn phải kéo dài đến 90 ngàn năm nữa mới hết.

    Đức Phật thuyết xong nhân duyên của người đàn bà keo kiệt bị đọa xuống làm ngạ quỷ, khiến tứ chúng trong pháp hội đều kinh hãi từ bỏ tính keo kiệt tham lam, ghê sợ chuyện sinh tử, ai cũng chứng được quả thánh, hoan hỉ tán thán rồi lui ra.



  8. The Following 2 Users Say Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Hoàng Mai (08-04-2015),Thanh Mai (08-27-2015)

  9. #5
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts


    4. Có làm có chịu



    Lúc đức Thích-ca Mâu-ni trụ tại thành Vương-xá, một hôm có một người lái buôn tên gọi là Phất Ca Sa muốn đi mua hàng hóa, nên sáng sớm đi đến thành La Việt, nhưng vừa tới cổng thành thì đã bị một con trâu húc chết.

    Chủ con trâu thấy thế, sợ nếu giữ con trâu hung ác này lại thì về sau thế nào cũng sẽ xảy ra chuyện không lành, bèn đem con trâu đi bán với một giá rẻ mạt.

    Người chủ mới mua trâu xong bèn dắt trâu về nhà. Đi được nửa đường gặp một con sông, ông muốn cho trâu uống nước. Không ngờ trâu chẳng những không uống nước mà còn nổi tính hung bạo dữ dằn, thình lình dùng sừng húc người này chết tươi.

    Người nhà của nạn nhân thấy thế nổi giận, đem con trâu ra giết, rồi đem thịt ra chợ bán. Có một người nông phu tham giá rẻ, mua đầu trâu về, lấy dây cột sừng trâu lại rồi xách về nhà.

    Ấn Độ là một nước nhiệt đới, vô cùng nóng bức. Người nông phu đi được một đoạn đường thì vừa nóng vừa khát, bèn treo đầu con trâu lên một cành cây rồi ngồi dưới gốc cây này nghỉ ngơi.

    Quái lạ thay, sợi dây cột đầu con trâu mắc lên cành cây bỗng dưng vô cớ đứt đoạn, khiến đầu con trâu rơi xuống, trúng ngay đầu người nông phu khiến ông này bị trọng thương mà chết ngay tại chỗ.

    Chỉ trong vòng một ngày mà con trâu này đã giết chết ba người.

    Vua Tần Bà Sa La nghe tin này rất lấy làm lạ, biết rằng bên trong phải có nguyên do gì đây. Ông bèn dẫn một số đại thần, đem hoa quả hương đèn tới núi Linh Thứu lễ Phật rồi thỉnh Ngài thuyết giải cho nghe.

    Đức Phật kể cho vua Tần Bà Sa La nghe rằng:

    – Thuở xưa có ba người lái buôn đi qua nước láng giềng làm ăn mua bán. Họ muốn để dành tiền nên chiều hôm ấy, thay vì đi tìm nhà trọ thì lại ghé đến nhà một bà lão xin mướn một căn phòng. Hai bên thỏa thuận giá cả xong, họ ở lại nhà bà lão ngủ qua đêm ấy. Sáng hôm sau, bà lão có việc phải đi ra ngoài, ba người thừa cơ hội bà vắng mặt lẻn trốn đi mất.

    Về tới nhà thấy thế, bà lão tức giận vô cùng, đuổi theo họ đòi tiền. Ba người phải gánh vác hành lý nặng nề nên đi chưa được xa đã bị bà lão bắt kịp. Họ thấy bà lão già cả, dễ ức hiếp, nên nặng lời nhục mạ chưởi mắng bà. Bà lão không làm gì được họ, phẫn uất mà nói:

    – Mấy người chỉ là một phường vô lại, thấy tôi già cả nên mới ức hiếp nhục mạ tôi. Nhưng hành động này của mấy người thế nào cũng có ngày trả báo. Kiếp này tôi không làm gì mấy người được, nhưng kiếp sau, dầu tôi có sinh ra làm người hay dầu có mất thân người đi nữa, tôi cũng quyết sẽ báo thù. Tôi sẽ giết hết cả ba người, có thế mới hả được niềm căm hận này.

    Đức Phật thuyết câu chuyện nhân duyên ấy xong liền nói tiếp:

    – Con trâu hung ác chỉ trong một ngày giết hại ba mạng người chính là bà lão thuở trước. Ba người lái buôn đã khinh miệt bà lão trong kiếp xưa, kiếp này đã lần lượt bị trâu húc chết trong vòng một ngày.

    Tội phúc như chiếc bóng đi theo mỗi người, nếu mình khinh miệt người khác mà làm việc trái với lương tâm, thì cũng chỉ có mình tự chịu lấy quả báo đau khổ về sau mà thôi!



  10. The Following User Says Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Thanh Mai (08-27-2015)

  11. #6
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts


    5. Ác khẩu và quả báo



    Ngày xưa, trong thành Xá Vệ có một người nhà rất giàu, tên gọi là Sư Chất, đã hơn 40 tuổi rồi mà chưa có con. Hai vợ chồng rất lo lắng, liền đến một nhà Bà-la-môn xin bốc một quẻ bói xem sau này có sinh được đứa con trai hay con gái nào không? Nhưng họ vô cùng thất vọng nghe thầy bói trả lời rằng suốt đời họ sẽ không có con.

    Sư Chất nghe thế không chịu tin, lại đi tìm một ông thầy tướng số khác, cao tay ấn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn xin bốc quẻ. Lạ thay, vị thầy tướng này vốn được mọi người tôn kính và khen ngợi là bói linh như thần, lại cũng làm cho Sư Chất thất vọng.

    Sư Chất đi về mà lòng phiền muộn, bỗng sực nhớ đến bậc đại thánh Thích-ca Mâu-ni, tự nghĩ:

    – Đức Phật là giáo chủ của trời và người, là bậc Nhất thiết trí, không có gì là Ngài không biết, không có gì là Ngài không hiểu, tại sao ta lại không đến gặp Ngài xin chỉ giáo?

    Nghĩ đến đây ông bèn nhắm hướng tinh xá Kỳ Viên mà đi. Cung kính đảnh lễ đức Phật xong, ông chắp tay bạch:

    – Bạch đức Thế Tôn đại bi, xin Ngài thương xót chúng sinh ngu si mà chỉ giáo. Con có chút ưu tư, năm nay đã hơn 40 mà chưa có đứa con trai nối dõi, đó là do nhân duyên gì, cúi xin đức Phật khai thị.

    Đức Phật trả lời:

    – Không lâu nữa ông sẽ có một đứa con trai, vừa có phúc lại vừa có đức, chỉ có điều là khi nó vừa lớn nó sẽ xin xuất gia.

    Nghe tin này Sư Chất rất đỗi vui mừng, thành tâm đảnh lễ chân Phật, rồi thỉnh cầu:

    – Cầu xin Thế Tôn và chư tăng cho phép chúng con được cúng dường vào trưa mai, để chúng con được kết thêm thiện duyên và trồng chủng tử vào ruộng phước của Như Lai.

    Đức Phật nhận lời rồi, Sư Chất hoan hỉ quay về chuẩn bị đàn trai. Hôm sau ông dẫn đầu gia nhân, chân thành cúng dường những món ăn thức uống ngon lành đẹp mắt nhất.

    Đức Phật nhận cúng dường xong, thuyết một thời pháp rồi dẫn tăng chúng quay về tinh xá. Đi được nửa đường, đức Phật và tăng chúng ngồi dưới một gốc cây bên bờ sông nghỉ ngơi. Bỗng từ trên cây, một con khỉ nhảy xuống xin mượn bình bát của đức Phật. Nó ôm bình bát chạy đi thật xa rồi quay về, trong bình bát chứa đầy mật ngọt. Nó dùng hai tay kính cẩn dâng bình bát lên đức Phật, Ngài nhận lấy và chia cho chư tăng dùng để con khỉ được nhiều phúc đức. Con khỉ thấy thế mừng rỡ nhảy nhót.

    Không lâu sau nó đến ngày tận số, đầu thai làm người, sinh vào nhà của Sư Chất.

    Lúc nó sinh ra, trong nhà phàm có vật dụng gì có thể chứa đựng thức ăn, thì vật dụng ấy bỗng đầy ắp mật và đường. Vợ chồng Sư Chất thấy điều quái dị, bèn do nhân duyên này đặt tên con là Mật Thắng.

    Thời gian vùn vụt trôi mau như tên bắn, hơn mười năm trôi qua như trong nháy mắt, Mật Thắng nay đã lớn khôn. Chú bé chán ngán chuyện thế tục, xin phép cha mẹ cho mình được xuất gia, cha mẹ hết sức vui mừng mà trả lời:

    – Lúc con chưa ra đời, đức Phật đã biết sẽ có ngày hôm nay. Bây giờ con muốn xuất gia, cha mẹ rất hoan hỉ. Không bao giờ cha mẹ ngăn chận con một cách vô lý.

    Được cha mẹ hoan hỉ cho phép rồi, Mật Thắng đến tinh xá Kỳ Viên xin xuất gia với đức Phật. Nhờ có tiền duyên, Mật Thắng chứng quả rất mau.

    Một hôm, thầy đang trên đường đi độ hóa với các bạn đồng tu, cảm thấy vừa nóng vừa khát lạ thường, ai nấy đều ao ước có một cái gì để uống. Tỳ-kheo Mật Thắng bèn cầm bát tung lên trời rồi sau đó dùng hai tay tiếp lấy bát trở về. Bấy giờ trong bát đựng đầy mật ngọt, Mật Thắng bèn chia cho chúng tăng giải khát.

    Về tới tinh xá, một vị tỳ-kheo đi tìm đức Phật xin thỉnh giáo:

    – Bạch Thế Tôn, trong quá khứ tỳ-kheo Mật Thắng đã tu phúc đức gì mà bây giờ bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có thể có đường và mật?

    Đức Phật trả lời:

    – Các ông có nhớ có một lần lâu lắm rồi, có một con khỉ đem mật ngọt đến cúng dường Như Lai và chúng tăng không? Nhờ bố thí với thiện tâm, nên sau khi chết rồi nó được sinh ra làm người, và nhờ nó chân thành cúng mật ngọt cho Phật nên kiếp này nó có thể được đường và mật bất cứ lúc nào và ở đâu.

    Đức Phật nói xong, vị tỳ-kheo nọ hỏi tiếp:

    – Bạch Thế Tôn! Thế thì tiền kiếp Mật Thắng do nhân duyên gì mà bị đọa làm thân khỉ?

    Lúc ấy xung quanh đức Phật có rất nhiều đệ tử vân tập, Ngài nhìn họ một lúc rồi đáp:

    – Thầy ấy bị đọa xuống làm khỉ là do một nhân duyên xảy ra cách đây 500 kiếp về trước, thời đức Như Lai Ca-diếp còn tại thế. Lúc đó có một vị tỳ-kheo trẻ tuổi, tình cờ thấy một vị tỳ-kheo khác đang băng qua một con suối nhỏ, vị trẻ tuổi bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ-kheo kia giống hệt như con khỉ. Nhưng sau đó thầy ấy tự biết lỗi lầm của mình, đến xin sám hối với vị tỳ-kheo mà mình đã chế nhạo. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên bị đọa xuống làm khỉ, tuy nhiên nhờ thắng duyên biết sám hối nên kiếp này mới được gặp Phật và được Phật độ, chứng quả A-la-hán một cách mau chóng.

    Nghe đức Phật giảng xong, các vị tỳ-kheo đều nhận ra rằng một câu nói ác cũng có thể chiêu cảm nghiệp khổ, vì thế không còn ai dám ác khẩu, ngay cả đến một câu nói đùa cũng không dám nói.

    Bởi vì luật nhân quả không bỏ sót bất cứ một người nào.



  12. The Following User Says Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Thanh Mai (08-27-2015)

  13. #7
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts


    6. Kiện Đạt Đa ích kỷ



    Có một hôm đức Phật đang đi dạo bên bờ hồ sen. Lúc ấy buổi sáng sớm, gió nhè nhẹ thổi, hương sen phảng phất. Từ dung của đức Phật như trăng rằm, ngài chăm chú nhìn giữa hồ sen, thấy hoa sen hàm tiếu đầy hồ, nước xanh trong vắt, lấp lánh ánh sáng.

    Bỗng nhiên, Ngài dùng huệ nhãn nhìn thấu qua đáy hồ và thấy cảnh địa ngục.

    Trong địa ngục bốn phía đen ngòm có một hồ máu đỏ tanh tưởi, trong đó ngàn vạn tội nhân đang chìm nổi, khóc than thảm thiết, có kẻ thì sức lực cạn kiệt mệt mỏi, có kẻ thì giãy giụa vùng vẫy. Giữa đám tội nhân ấy, đức Phật nhìn ra một người mạnh khoẻ nhất tên là Kiện Đạt Đa, cũng đang tận lực vùng vẫy giãy giụa.

    Kiếp trước, Kiện Đạt Đa là một tên tướng cướp chuyên đốt nhà và giết người, không có tội ác nào không nhúng tay vào. Vì tội ác dẫy đầy chồng chất mà hắn phải đọa xuống địa ngục.

    Nhưng có một lần, sau một vụ cướp của đốt nhà, trên đường về hắn thấy một con nhền nhện đang từ từ bò ngang qua đường. Khi vừa đưa chân lên định đạp xuống kết liễu mạng sống con nhện, bỗng nhiên hắn khởi lên một niệm lành trong tâm: “Con nhện nhỏ bé này cũng có sinh mệnh, giết nó chết giữa đường kể cũng tội nghiệp, thôi hôm nay ta tha cho nó làm phước một phen!” Con nhện dưới chân hắn vội ba chân bốn cẳng chạy bán mạng tìm đường sống.

    Khi đức Phật quan sát tới việc thiện của hắn, Ngài liền tìm cách cứu Kiện Đạt Đa ra khỏi địa ngục. Vừa khéo, một con nhện của thế giới Cực Lạc đang giăng một sợi tơ bạc tuyệt đẹp giữa những cành hoa. Đức Phật bèn nắm lấy sợi tơ bạc ấy, và thả từ hồ sen xuống tận địa ngục.

    Địa ngục đen ngòm không chút ánh sáng, dễ sợ như một ngôi nhà mồ, chỉ thấy có một vài bộ mặt hung ác gớm ghiếc và vô số tội nhân như những hạt cát chìm nổi trong hồ máu, bò trườn vặn vẹo như những con trùng.

    Kiện Đạt Đa vốn khoẻ mạnh, vô tình ngẩng đầu lên, thấy giữa không gian đen ngòm có một lằn ánh sáng chiếu xuống đỉnh đầu hắn. Như gặp được cứu tinh hắn mừng rỡ nghĩ rằng:

    – Đây không phải là một sợi tơ nhện từ cõi trời xa thăm thẳm kia đang từ từ hạ xuống hay sao? Giả sử như ta bám được sợi tơ nhện này rồi cứ thế mà leo lên, làm gì mà không thoát được địa ngục và trèo lên tới thế giới Cực Lạc?

    Nghĩ thế rồi, hắn bèn hai tay nắm lấy sợi tơ nhện, rồi vận dụng hết sức lực cố gắng trèo lên. Cái nghề trèo cây đu cành vốn là nghề của một tên tướng cướp như hắn, nên hắn trèo lên một cách dễ dàng!

    Nhưng khoảng cách giữa địa ngục và Cực Lạc thế giới sao mà xa xôi diệu vợi, dẫu cố gắng tới đâu cũng không thể trong một lúc mà leo tới được. Sau một khoảng thời gian dài, Kiện Đạt Đa từ từ thấm mệt, hắn đành phải lơ lửng giữa hư không mà nghỉ ngơi.

    Lơ lửng giữa hư không như thế, Kiện Đạt Đa thuận mắt nhìn xuống phía dưới. Hồ máu trong địa ngục bây giờ đã chìm ẩn trong một màu đen sâu thẳm, mù mờ không thấy rõ nữa. Kiện Đạt Đa lòng như nở hoa, mừng rỡ cất tiếng cười hô hố.

    Đột nhiên hắn thấy phần dưới của sợi tơ nhện có vô số tội nhân đang lũ lượt như đàn kiến theo gương hắn cố gắng trèo lên. Hắn kinh hoàng phẫn nộ tự nghĩ: “Mỗi một mình ta trèo mà còn sợ sợi tơ nhện mong manh kia đứt mất, huống chi với sức nặng của chừng ấy người! Nếu chẳng may sợi tơ nhện đứt thì tất cả những cố gắng và hy vọng của ta sẽ tan thành bọt nước, phải rơi xuống địa ngục chịu khổ nữa!” Lũ tội nhân vẫn hàng hàng lớp lớp không ngừng trèo lên, càng lúc càng đông. Kiện Đạt Đa cuống quýt vừa sợ vừa giận, nổi sân hận la hét om sòm:

    – Ê! Ê! Cái lũ tội nhân kia! Sợi tơ nhện này là của ta khám phá, nó thuộc quyền sở hữu của ta! Ai cho phép bọn bây trèo lên? Đi xuống! Đi xuống!

    Vừa dứt lời, sợi tơ nhện bỗng đứt ngay ở phía trên chỗ Kiện Đạt Đa đang nắm.

    Tên Kiện Đạt Đa ích kỷ kia xoay tít giữa hư không mấy vòng, rồi rơi tõm xuống địa ngục trở lại. Phần tơ nhện còn lại vẫn óng ánh, lấp lánh trong địa ngục tối tăm lặng im như cõi chết, nhưng quá xa tầm tay với của tội nhân, như một con diều lơ lửng cao vút trong không trung.

    Khuôn mặt từ bi của đức Phật liền phủ lên một thoáng buồn. Ngài lắc đầu khẽ thở dài một tiếng.

    Hoa sen nở đầy hồ vẫn tỏa hương ngào ngạt, lá sen mềm mại vẫn xanh mơn mởn, và lòng từ bi thương xót của đức Phật thì cứ vẫn dạt dào.



  14. The Following User Says Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Thanh Mai (08-27-2015)

  15. #8
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts

    7. Hái hoa dâng Phật



    Có một lần đức Phật đi dạo ở thành La Duyệt. Trời đương độ mùa xuân, cảnh xuân tươi đẹp, thời tiết lý tưởng. Đức Phật thong thả từ thành trong đi vòng ra thành ngoài, nhìn cảnh sông nước tươi tốt, đồng cỏ mơn mởn xanh, Ngài thấy trong lòng thơ thới, an nhiên. Bỗng dưng từ xa vọng lại tiếng ca, nghe sao mà ai oán, sao mà bi thảm đến thế! Lúc ấy, Đức Phật yên tịnh ngồi bên bờ suối.

    Không lâu sau, một đoàn người đủ cả già trẻ nam nữ, trong tay ôm một bó hoa tươi, im lặng tiến đến gần.

    Từ xa, họ đã thấy đức Phật uy nghi, tướng hảo, như mặt trời mọc buổi bình mình, như trăng sáng giữa bầu trời đầy sao, còn có rất đông các vị đệ tử Bồ Tát vây quanh trước sau; trong lòng họ, ai nấy đều cảm thấy như mình bắt được một kho tàng quý báu, nên không ai bảo ai, như ong vỡ tổ, họ chạy đến trước mặt đức Phật, đảnh lễ Ngài và nói:

    – Bạch Thế Tôn! Chúng con thấy Ngài tướng hảo trang nghiêm, biết ngay Ngài chính là đức Phật tối tôn, chỉ có Ngài mới là bậc cứu thế chân chính mà thôi. Chúng con phụng mệnh quốc vương, mỗi ngày phải ra ngoài thành hái hoa để chưng bày trong hoàng cung, ngày nào không hái được hoa thì sinh mệnh chúng con khó có thể bảo toàn, chúng con sẽ bị khổ hình roi vọt trút trên đầu trên cổ không thương xót. Hôm nay chúng con có may mắn lớn gặp được Ngài là bậc Đại Thánh, giống như người bệnh được thuốc, thật không ai có thể hình dung được niềm vui mừng của chúng con. Thỉnh cầu Thế Tôn tiếp nhận những bó hoa tươi chúng con xin cúng dường.

    Đức Phật mỉm cười, xót thương họ mà nói:

    – Không nên làm như thế. Các người phụng mệnh nhà vua mà hái hoa, nếu đem hoa tặng ta thì các người sẽ chịu sự trừng phạt của nhà vua, làm sao ta có thể nhẫn tâm lấy hoa của các người!

    – Bạch Thế Tôn! Xin Ngài quan sát rõ tâm của chúng con. Được gặp Phật xuất thế là chuyện muôn ức kiếp khó mà có được. Chúng con thà xả bỏ cái thân mệnh ngắn ngủi đau khổ, đem hoa cúng đường Phật gieo trồng nhân duyên thiện lành và thoát khỏi cái thân phận đớn đau này.

    – Nếu quả thật các người bị nhà vua xử phạt thì các người sẽ phải làm thế nào?

    – Bạch Thế Tôn! Chúng con quyết không ân hận, vì dù cho có bị sát hại đi chăng nữa, thì nhờ nương vào công đức của Phật, chúng con chắc chắn sẽ không còn rơi vào nẻo ác, cuối cùng cũng sẽ sinh vào chỗ tốt đẹp an vui.

    Người nào biết rõ rằng sống là khổ đau mới phát tâm muốn giải thoát một cách chân thật. Đức Phật mỉm cười, im lặng gật đầu. Những người ấy bèn lấy hoa rải lên thân Phật và chúng đệ tử Bồ Tát xung quanh Ngài. Không trung lập tức ngát lên hương thơm ngào ngạt.

    Những người hái hoa thấy tôn nhan của đức Phật lộ vẻ hoan hỉ, họ bèn nhảy nhót vui mừng và xin thọ Tam quy, Ngũ giới.

    Sau đó, đức Phật còn thuyết pháp Đại thừa Lục độ (Sáu Ba-la-mật) cho họ nghe. Những người hái hoa này đều phát tâm vô thượng, hiểu rõ sâu xa ý nghĩa Phật pháp, đạt được vị bất thối chuyển.

    Đức Phật hoan hỉ thọ ký cho họ:

    – Các người sau này sẽ thành Phật, đều có tên là Diệu Hoa.

    Những người hái hoa đảnh lễ đức Phật xong, vui vẻ lui đi.

    Cúng dường Phật bằng tâm chân thành, dù chỉ một đóa hoa cũng được Phật thọ ký, Phật pháp quả thật là không thể nghĩ bàn!



  16. The Following User Says Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Thanh Mai (08-27-2015)

  17. #9
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts


    8. Niệm Phật diệt tội



    Khi đức Phật đã chứng quả Vô Thượng Bồ Đề thì có rất nhiều người đi theo Ngài xuất gia học đạo. Dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn, có rất nhiều người đã chứng quả A-la-hán, thoát được sự đau khổ của sinh tử. Các vị này có thể tự do tự tại đi lại khắp mọi nơi trong mười phương không một chút chướng ngại.

    Trong số các vị đã chứng quả A-la-hán ấy có một vị phát nguyện cứu độ tất cả những người đã có nhân duyên với ngài trong những kiếp trước hay trong kiếp này. Dầu cho họ có đầu thai làm người hay làm súc sinh, ngài cũng tìm đủ mọi cách và vận dụng đủ mọi thần thông để giải thoát cho họ.

    Sau một vài tháng như thế, ngài đã độ hóa được vô số người, tất cả đều quy y Phật và đều trở thành những Phật tử thuần thành.

    Duy chỉ có một người hãy còn ở dưới địa ngục là ngài chưa tìm ra cách nào để cứu được. Đó chính là mẹ của ngài ở kiếp này. Lúc còn sống, mẹ ngài không kính trọng người lớn tuổi, hủy báng Tam bảo, nên chết rồi phải đọa xuống địa ngục, chịu những cái khổ khủng khiếp như bơi trong biển lửa, trèo lên núi đao. Nghiệp chướng của bà quá nặng nề nên tuy có con trai đắc quả A-la-hán rồi mà cũng không cứu bà ra khỏi địa ngục được.

    Thế nhưng người con hiếu thảo vẫn tha thiết muốn cứu mẹ, tự biết sức của chính mình không đủ nên nghĩ cách nhờ đến tha lực.

    Vị A-la-hán thấy vua của một vương quốc bé nhỏ nọ, tuy còn trẻ tuổi nhưng bản tính hung bạo, đã từng tạo tội giết cha để chiếm ngôi. Tội giết cha và thí vua nhất định sẽ chiêu cảm quả báo khổ đau cùng cực.

    Vị A-la-hán dùng thần thông quán thấy vị hôn quân ngỗ nghịch vô đạo này mệnh sống chỉ còn có 7 ngày, chết rồi sẽ đọa ngay xuống đúng cái địa ngục mà mẹ ngài đang ở để cùng chịu chung cảnh khổ của địa ngục ấy.

    Vì muốn cứu mẹ và đồng thời cứu luôn ông vua lẫn tất cả những người đang chịu khổ trong địa ngục, vị A-la-hán bèn đến trước mặt vua, hiện thần thông, nửa thân người treo lơ lửng trên hư không.

    Vua thấy thế hoảng sợ vội rút kiếm ra tính sát hại ngài, nhưng lưỡi kiếm chưa chạm đến thân ngài thì vuột khỏi bàn tay vua rơi xuống đất. Vua lấy làm lạ, vừa định mở miệng ra hỏi thì nửa phần thân người đang treo lơ lửng trên hư không bỗng nói trước:

    – Có phải cái ngôi báu mà bệ hạ đang ngồi đó là do bệ hạ chiếm đoạt không? Bệ hạ giết vua cha để soán ngôi, bệ hạ có biết tội ấy nặng như núi không? Nếu bệ hạ không mau mau hối lỗi, chỉ trong bảy ngày nữa bệ hạ sẽ chết và đọa xuống địa ngục. Hôm nay tôi đặc biệt đến đây để báo cho bệ hạ biết trước mà sớm sám hối, may ra mới thoát khổ sau này.

    Nhà vua nghe thế trong lòng vừa xấu hổ vừa sợ hãi. Nghe rằng cái chết đang kề cận ngay trước mắt, chỉ trong vòng 7 ngày nữa là thọ mệnh chấm dứt rồi sau đó sẽ rơi xuống địa ngục chịu khổ, ông chợt biết những việc ông làm là tội lỗi. Nhà vua khóc lóc thảm thiết, van cầu ngài A-la-hán ra tay cứu độ.

    Vị A-la-hán thương xót sự ngu muội của ông, nói rằng:

    – Bây giờ thọ mệnh của bệ hạ chỉ còn có 7 ngày, dẫu có muốn tạo công đức cũng không kịp nữa. Tôi cho bệ hạ biết, nếu trong 7 ngày tới mà bệ hạ có thể xả bỏ tất cả mọi thứ, một lòng thành tâm niệm “Nam Mô A-di-đà Phật” thì có thể nương vào sức đại từ đại bi của Phật A-di-đà mà được độ thoát.

    Nghe lời dạy bảo của vị A-la-hán, nhà vua nhất tâm nhất ý niệm thánh hiệu Phật A-di-đà.

    Quả nhiên 7 ngày sau ông tắt thở, nhưng tâm trí vẫn hết sức tỉnh táo sáng suốt. Ông biết mình đã rơi xuống địa ngục, nhưng nhờ trong ròng rã 7 ngày liền ông đã niệm danh hiệu Phật A-di-đà cho đến mức nhất tâm, nên đến cửa địa ngục rồi mà cũng không chút sợ hãi, ông cứ thế tiếp tục niệm danh hiệu Phật.

    Khi danh hiệu Phật vừa từ cửa miệng ông xướng lên thì địa ngục bỗng nhiên mát mẻ, các dụng cụ tra tấn bày hai bên bỗng không cánh mà bay. Lúc ấy tất cả tội nhân trong địa ngục đều cùng nhau bắt chước nhà vua niệm Phật. Tâm thành khẩn của mọi người đã giao tiếp được với nguyện lực của đức Phật A-di-đà, nên nhà vua, mẹ của vị A-la-hán cùng hết thảy mọi tội nhân trong ngục đều được giải thoát và siêu sinh.



  18. The Following User Says Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Thanh Mai (08-27-2015)

  19. #10
    Avatar của dieunghiem
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    201
    Thanks
    176
    Thanked 142 Times in 52 Posts
    9. Nghĩa khí của con khỉ mặt đỏ


    Ngày xưa, trong một ngọn núi thâm u rậm rạp, có một con quạ đen già tên là Câu Kỳ xây tổ trên một khóm cây cao to, sinh hạ được vài chú quạ đen xinh xắn dễ thương. Quạ già rất mực yêu thương mấy chú quạ con.

    Ngày dài tháng rộng, lão quạ đen Câu Kỳ thường đi chơi trong rừng sâu núi thẳm, và kết bạn với một con khỉ mặt đỏ. Tình bạn của họ vô cùng thân thiết.

    Gần khóm cây của lão có một con rắn độc cũng thường hay tới chơi. Khi nó thấy được mấy chú quạ con xinh xắn trên ngọn cây, nó không ngừng chăm chú nhìn lên, nhưng vì lão quạ đen và con khỉ mặt đỏ thường ở đấy canh chừng nên nó chưa có cơ hội lên làm thịt mấy chú quạ con ấy.

    Có một hôm, lão quạ đen phải bay đi nơi khác kiếm thức ăn, con khỉ mặt đỏ cũng lên núi hái hoa quả, con rắn độc bèn chụp lấy cơ hội ngàn vàng này, bò lên tổ quạ ăn tươi nuốt sống mấy chú quạ con rồi bỏ đi.

    Lão quạ đen cực khổ lắm mới tìm được thức ăn mang về, nhưng khi về đến tổ chỉ thấy lác đác vài chiếc lông tơ bên cạnh mấy ngấn máu đỏ. Lão biết ngay là con rắn độc đã ăn mất quạ con của lão rồi. Lão đau khổ vô ngần, kêu thương không ngớt, muốn báo thù cho con nhưng thừa biết mình không phải là đối thủ của con rắn độc. Vì thế nên nỗi thương đau của lão lại càng tăng thêm.

    Khỉ mặt đỏ vừa về tới, thấy lão quạ đen đang khóc than bi thảm, ngạc nhiên gạn hỏi nguyên do. Lão quạ đen mới đem chuyện quạ con bị rắn độc giết ăn thịt ra kể cho khỉ mặt đỏ nghe.

    Khỉ mặt đỏ nổi giận quát tháo:

    – Con rắn độc tâm địa tàn ác, táng tận lương tâm, chuyên gây nghiệp sát sinh, lười biếng không biết kiếm sống theo chính nghiệp, thấy ai yếu hơn mình thì nhe răng uy hiếp giết hại, thật đáng buồn cho cảnh ỷ mạnh hiếp yếu này!

    Con khỉ mặt đỏ lựa lời an ủi quạ đen, rồi nói một cách cương quyết:

    – Con rắn độc này quá khốn nạn, tôi sẽ báo thù thay cho bạn!

    Nói xong, nó nhảy vọt đi. Đi không xa, từ trên cao nhìn xuống, nó thấy con rắn độc đang trườn đi một cách ung dung an nhàn. Nó bèn nghĩ rằng:

    – Con rắn độc khốn nạn, mi tàn nhẫn giết hại con của bạn ta mà ăn thịt, hôm nay ta quyết ăn thua đủ với mi, một sống hai chết mới thôi!

    Nghĩ như thế xong, nó nhảy ra trước mặt rắn độc chặn đường. Rắn độc nổi giận đùng đùng ngóc thân lên, định quấn lấy khỉ. Nhưng con khỉ mặt đỏ nhanh nhẹn như tên bắn, nhảy sang một bên rồi lại nhảy tới phía trước, dùng hết sức lực một tay túm lấy đầu rắn, một tay chụp một hòn đá cứng, rồi đập xuống nghiền nát đầu đối thủ. Rắn bị bể đầu chết tươi.

    Khỉ mặt đỏ cầm xác con rắn quăng xuống vực sâu rồi vui vẻ thơ thới quay về. Lão quạ thấy kẻ tử thù đã đền xong nợ máu, cũng thấy có chút phần an ủi.

    Nghe được câu chuyện này, đức Phật nói rằng:

    – Con khỉ này chính là một vị Bồ Tát hóa thân, nó vì chính nghĩa mà trừ khử con rắn độc, không cho phép rắn tiếp tục giết hại những sinh mệnh bé nhỏ yếu ớt khác. Nó đã tự hy sinh, chẳng thà tự mình chịu lấy nghiệp sát và bị đọa lạc mà sinh mệnh của chúng sinh được bảo toàn.

    Giới luật của Tiểu thừa tuyệt đối cấm sát sinh, nhưng theo tinh thần Đại thừa, không thể chấp chặt vào các pháp một cách cứng nhắc, thà tự mình đọa địa ngục mà giúp cho chúng sinh thoát khổ thì vẫn là chuyện nên làm.

    Cao cả thay tinh thần Bồ Tát!



  20. The Following User Says Thank You to dieunghiem For This Useful Post:

    Thanh Mai (08-27-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •