DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/67 ĐầuĐầu 123451353 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 663
  1. #21
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM THUẦN ĐÀ THỨ HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thiện-nam-tử ! hộ-trì Chánh-pháp thà chết chớ chẳng nói Như-Lai đồng với pháp hữu-vi, mà chỉ nên nói Như-Lai đồng với pháp vô-vi. Nhơn vì hộ- trì Chánh-pháp nói Như-Lai đồng với pháp vô-vi mà đặng quả Vô-thượng Chánh-giác. Như bần-nữ thà chết đuối giữa dòng chớ không chịu buông con, nhơn đó mà được sanh lên cõi phạm-thiên. Thiện nam-tử này chẳng cầu giải thoát mà giải thoát tự đến. Khác nào bần nữ kia chẳng cầu sanh Phạm-thiên mà quả Phạm-thiên tự đến.

    Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi ! Như người đi xa giữa đường mõi mệt, nghỉ nhờ nhà người. Giữa lúc ngủ, nhà ấy bổng bốc lửa to. Người ấy choàng dậy biết chắc phải chết, lòng hổ thẹn sợ thân thể lõa lồ bèn lấy y áo vấn thân mà chết, liền được sanh lên cõi trời Đạo-Lợi, sau đó tám mươi đời làm Đại-Phạm-Vương, trăm ngàn đời làm Chuyển-Luân-Vương, người ấy mãi hưởng phước lành như vậy, hẳn không bị đọa vào ác đạo. Vì duyên cớ ấy, nếu là người có tâm tàm-quý chẳng nên xem Như-Lai đồng với các hành-pháp.

    Bọn ngoại đạo tà-kiến mới được nói Như-Lai đồng với pháp hữu-vi.

    Là Tỳ-Kheo trì-giới đâu nên có quan niệm rằng Như-Lai là pháp hữu-vi.

    Nếu nói Như-lai là pháp hữu-vi, đó chính là vọng-ngữ. Phải biết người nầy sẽ đọa Địa ngục.

    Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi ! Như-Lai chơn thiệt, chính là pháp vô-vi, chẳng nên lại nói là hữu-vi. Từ nay ở trong đường sanh tử, ngài nên bỏ vô-trí mà cầu nơi chính-trí. Phải biết Như-Lai chính là vô-vi. Được chánh quán như thế, sẽ đầy đủ ba mươi hai tướng, chóng thành tựu quả Vô-thượng Bồ-đề.”


    Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát khen Thuần-Đà rằng :”Lành thay ! Lành thay ! Nay ông đã tạo nhơn duyên trường thọ, ông biết được Như-Lai là pháp thường-trụ, là pháp chẳng biến-dị, là pháp vô-vi. Nay ông khéo che đậy tướng hữu-vi của Như-Lai, sau nầy ông sẽ đặng đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình, mười tám pháp bất cộng, thọ mạng vô-lượng, luôn được an vui, không còn sanh tử sẽ thành bực Ứng-Cúng Chánh-Biến-Tri. Như người lữ khách bị lửa thiêu mà có lòng hổ thẹn lấy y áo vấn thân, nhờ tâm lành ấy nên được sanh lên cõi Đao-Lợi, lại nhiều đời làm Phạm-Vương, Chuyển-Luân-Vương, luôn được an vui chẳng sa ác đạo.

    Tôi cùng ông cũng đều nên che đậy tướng hữu-vi của Như-Lai. Lát nữa đức Thế-Tôn sẽ giảng rộng về ý nghĩa ấy.

    Nên để hữu-vi vô-vi lại đó. Ông nên kíp lo cúng-dường cơm nước cho kịp giờ, và cũng nên sắm sửa đồ cần thiết cho hàng tứ-chúng từ xa hội về đang mõi mệt. Cúng đường như thế chính là đầy đủ chủng-tử căn-bổn của Đàn-ba-la-mật.

    Thuần-Đà ! Nếu cúng dường đức Phật và chư Tăng lần cuối cùng, hoặc nhiều hay ít, đủ hay thiếu đều phải sớm lo cho kịp giờ. Đức Như-Lai sẽ nhập Niết-bàn”.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  2. #22
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM THUẦN ĐÀ THỨ HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thuần-Đà nói : “Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi ! Sao ngài lại tham chút uống ăn mà nói hoặc ít hoặc nhiều, đủ hay chẳng đủ, rồi bảo tôi lo cho kịp giờ ? Xưa kia đức Như-Lai khổ hạnh trọn sáu năm còn chịu nổi, huống là giây lát hôm nay. Ngài thiệt cho rằng đức Như-Lai chánh giác thọ đồ uống ăn nầy ư ? Tôi thời biết quyết định thân Như-Lai chính là Pháp-thân, không phải thực-thân.

    Phật bảo Văn-thù Sư-Lợi : "Thật đúng như lời của Thuần-đà ! Lành thay Thuần-Đà ! Ông đã thành-tựu đại trí-huệ, khéo thâm nhập kinh-điển Đại-thừa”.

    Văn-Thù Sư-Lợi nói với Thuần-Đà : “Ông cho rằng Như-Lai là vô-vi, thân Như-Lai là trường-thọ, hiểu biết như vậy đức Phật rất hài lòng”.

    Thuần-Đà nói : ”Đức Như-Lai chẳng riêng gì hài lòng nơi tôi, mà cũng hài lòng với tất cả chúng sanh”.

    Văn-Thù Sư-Lợi nói : ”Đức Như-Lai đối với ông, với tôi, với tất cả chúng sanh, đều hài lòng”.

    Thuần-Đà nói : "Ngài chẳng nên nói đức Như-Lai hài lòng. Luận về hài lòng, chính là đảo-tưởng. Phàm có đảo-tưởng thời là sanh tử, có sanh tử thời là pháp hữu-vi. Vì lẽ ấy Ngài chẳng nên cho Như- Lai là hữu-vi. Nếu nói Như-Lai là hữu-vi thời Ngài cùng tôi đều điên-đảo cả.

    Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi ! Đức Như-Lai không có ái-niệm. Luận về ái-niệm , như trâu mẹ kia ái-niệm con của nó, dầu là đói khát đi tìm cỏ nước, hoặc no hay chưa no, bỗng nhiên nhớ con liền trở về. Chư Phật Thế-Tôn không có ái-niệm như vậy, bình đẳng xem tất cả chúng sanh như La-Hầu-La. Từ niệm bình đẳng như vậy chính là cảnh-giới trí-huệ của chư Phật.

    Thưa ngài Văn-thù Sư-Lợi ! Ví như quốc vương ngự trên xe tứ mã, có người muốn cho xe bò theo kịp xe vua, tất không thể được. Ngài cùng tôi muốn cùng tận chỗ vi-mật thâm-áo của Như-Lai cũng không thể được.

    Ví như Kim-Sí-Điểu (35) bay vọt trên cao vô lượng do-tuần, nhìn xuống biển cả thấy rõ những loài thủy tộc cùng loài rồng và bóng của nó. Kẻ phàm tục trí kém, không thể suy lường chỗ thấy của Kim-Sí-Điểu. Cũng thế, ngài cùng tôi không thể suy lường được trí huệ của Như-Lai”
    .

    Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát bảo Thuần-Đà rằng : “ Đúng như lời ông vừa nói. Đối với những việc ấy không phải là tôi không hiểu. Chẳng qua vì muốn đem việc của Bồ-Tát thử ông đó thôi”.

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  3. #23
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM THUẦN ĐÀ THỨ HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bấy giờ đức Thế-tôn từ trên mặt phóng ra nhiều tia sáng chiếu thân ngài Văn-Thù. Ngài Văn- Thù liền bảo Thuần-Đà rằng :” Nay đây đức Như-Lai hiện thoại-tướng từ trên mặt phóng ra nhiều tia sáng như thế chẳng phải là không duyên cớ, đó là điềm đức Phật sắp nhập Niết-bàn. Ông phải sớm lo dưng lễ cúng dường lên đức Phật và chư Tăng cho kịp giờ.”

    Đức Phật bảo Thuần-Đà : ”Đã phải giờ cho ông dưng thực phẩm cúng dường Phật và đại- chúng. Như-Lai sẽ nhập Niết-bàn.”

    Đức Phật bảo luôn ba lần như vậy.

    Thuần-Đà nghe đức Phật dạy như vậy, bất giác nghẹn ngào khóc than nức nở:
    “ Khổ thay ! Khổ thay ! Thế gian sẽ trống rỗng.” Rồi ông lại thưa cùng đại-hội :
    “ Hôm nay chúng ta phải đồng tha-thiết đảnh lễ cầu đức Phật đừng nhập Niết-bàn.”


    Đức Thế-Tôn lại bảo Thuần-Đà : ”Ông chớ nên khóc than tiều-tụy như vậy. Ông phải quán sát thân nầy như cây chuối, như ánh nắng, như bọt nước, như huyễn-hóa, như thành Càn-thát-bà, như đồ gốm chưa hầm, như làn chớp, như hình vẽ trên nước, Như tù sắp bị hành hình, như trái muồi, như cục thịt, như bức dệt đã hết khổ, như chày giã lên xuống. Phải quán sát các hành-pháp như món ăn lẫn chất độc, pháp hữu-vi nhiều tai hại.”

    Thuần-Đà bạch Phật : ”Đức Thế-Tôn chẳng muốn ở lại đời làm sao con không buồn khóc cho được. Khổ thay ! Khổ thay ! Thế-gian sẽ trống rỗng. Ngữa mong Đức Thế-Tôn thương xót chúng con và chúng sanh mà ở luôn nơi đời, chẳng nhập Niết-bàn”.

    Phật bảo Thuần-Đà : Ông chẳng nên nói rằng thương xót các ông mà ở luôn nơi Đời. Chính vì thương xót ông và các chúng sanh mà hôm nay Phật mới muốn nhập Niết-bàn. Vì sao thế ? Chư Phật pháp-nhĩ như vậy. Pháp hữu-vi cũng thế. Nên chư Phật nói kệ rằng :

    Các pháp hữu-vi
    Tánh nó vô thường
    Sanh rồi chẳng trụ
    Tịch-diệt là vui.

    Thuần-Đà ! Ông nên quán-sát các hành pháp là tạp độc. Các pháp hữu-vi là vô-ngã vô-thường chẳng trụ. Tấm thân nầy có rất nhiều tai hại như bóng nước. Vì lẽ ấy ông chớ nên khóc lóc”.


    Thuần-Đà bạch Phật : "Thật đúng như lời Thế-Tôn dạy. Mặc dầu con vốn biết đức Như-Lai phương tiện thị-hiện nhập Niết-bàn, nhưng con không làm sao ngăn sự buồn thảm được. Giờ đây tự suy xét, con lại sanh lòng vui mừng.”

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  4. #24
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM THUẦN ĐÀ THỨ HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Phật khen Thuần-Đa :” Lành thay ! Lành thay ! Ông có thể rõ biết Như-Lai thị-hiện đồng với chúng sanh mà phương tiện nhập Niết-bàn.

    Thuần-Đà ! Ông nên nghe đây : Như mùa Xuân chim Ta-la-tà đều nhóm nơi ao A-Dậu-Đạt. Chư Phật cũng thế đều đến chỗ ấy. Ông chẳng nên suy nghĩ chư Phật là trường thọ hay đoản thọ. Tất cả các pháp đều nnhư tướng huyễn-thuật. Như-Lai ở trong ấy do sức phương tiện không có nhiễm trước. Vì sao thế ? Vì chư Phật pháp-nhĩ như vậy.

    Thuần-Đà ! Nay Như-Lai nhận phần cúng dường của ông là vì muốn cho ông thoát khỏi các dòng sanh tử trong ba cõi. Hàng Nhơn Thiên ở nơi sự cúng dường cuối cùng đối với Như-Lai đây, đều sẽ được quả-báo bất động, luôn được an vui. Vì sao thế ? Vì Như-Lai là phước điền tốt của chúng sanh. Nếu ông muốn vì chúng sanh mà làm phước-điền, thời phải kíp sắm sửa cúng phẩm, chẳng nên để trể”.


    Bấy giờ Thuần-Đà vì các chúng sanh được độ thoát nên cúi đầu lau lệ mà bạch Phật :” Lành thay đức Thế-Tôn ! Nếu lúc con kham có thể làm phước-điền, thời có thể biết rõ Như-Lai là nhập Niết-bàn hay chẳng phải nhập Niết-bàn. Nay trí huệ của chúng con cùng Thanh-Văn Duyên-Giác nhỏ kém như kiến muỗi, thiệt không thể suy lường Như-Lai nhập Niết-bàn hay chẳng phải nhập Niết-bàn”.

    Bạch xong, Thuần-Đà cùng quyến thuộc buồn rầu khóc lóc, thiêu hương rải hoa, hết lòng cung kính, rồi liền cùng ngài Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát đi lo sắm sửa thực phẩm.

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  5. #25
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    03. PHẨM AI THÁN THỨ BA

    (Hán bộ - phần sau quyển thứ hai)

    Ông Thuần-Đà ra đi không bao lâu, khắp cả đại-địa nhẫn đến trời phạm thiên bỗng chấn động sáu cách (36). Phàm địa động có hai : đại động và tiểu động. Có tiếng nhỏ, chỉ riêng nơi mặt đất chấn động, chỉ động một chiều, đây là tiểu địa động. Có tiếng lớn, cả đất liền cùng núi biển sông rạch cây cối đều động, động xoay nhiều chiều, lúc động có thể làm động cả tâm chúng sanh, đây là đại địa động. Đức Phật ra đời có những lần đại địa động : Từ cung trời Đâu-Suất giáng thần xuống nhơn gian, Sơ sanh, Xuất gia, Thành đạo, Chuyển pháp luân, và Nhập Niết-bàn. Giờ đây Như-Lai sắp nhập Niết-bàn nên có điềm đại-địa-động như vậy.

    Thiên-Long bát bộ (37) cả mình rởn ốc, đồng thanh buồn khóc mà nói kệ rằng :

    Cúi đầu lạy Thế-Tôn
    Chúng con đồng khuyến thỉnh,
    Chúng con mà xa Phật
    Thời không ai cứu hộ.
    Đức Phật nhập Niết-bàn
    Chúng con chìm biển khổ
    Khác nào nghé mất mẹ
    Sầu lo rất buồn khổ,
    Nghèo cùn không ai giúp
    Cũng như người bịnh ngặt
    Không lương y săn sóc
    Tự ý ăn uống lầm.
    Chúng sanh bịnh phiền não
    Thường bị kiến-chấp hại
    Xa lìa đấng Y-vương (38)
    Uống ăn thuốc tà độc
    Ngửa mong Phật Thế-Tôn
    Chớ bỏ rơi chúng con.
    Ví như mặt trời mọc
    Quang minh rất sáng chói
    Đã có thể tự soi
    Cũng trừ tất cả tối,
    Phật phóng thần thông quang
    Trừ khổ não chúng sanh
    Ở giữa các chúng hội
    Ví như núi Tu-di
    (39)

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  6. #26
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bạch Thế-Tôn ! Ví như quốc-vương sanh các vương tử diện mạo xinh đẹp, Vua rất yêu mến dạy cho rành nghề văn nghiệp võ rồi sai người đem giết.

    Ngày nay chúng con là con của Phật, nhờ Phật dạy dổ có đủ chánh kiến, xin chớ bỏ con. Nếu bỏ chúng con thời chúng con khác nào các vương tử kia. Ngửa mong đức Phật ở luôn nơi đời, chớ nhập Niết-bàn.

    Bạch Thế-tôn ! Ví như có người học giỏi nơi các bộ Luận rồi lại sanh lòng sợ đối với các bộ Luận ấy, cũng thế, đức Như-Lai thông đạt các pháp mà lại sợ các pháp. Nếu được đức Như-Lai ở luôn nơi đời giảng pháp Cam lồ cho chúng sanh được thấm nhuần đầy đủ, thời các chúng sanh đây chẳng còn lại sợ phải bị sa vào Địa ngục.

    Bạch Thế-tôn ! Ví như có người mới vừa học làm nghề, kế bị quan bắt giam vào ngục, có hỏi thăm hiện tại thế nào ? Người ấy tất đáp : Nay tôi rất buồn khổ. Nếu người ấy được thả, thời được an vui. Cũng thế, đức Thế-Tôn vì chúng con mà tu các khổ hạnh, hiện nay chúng con chưa được thoát khỏi sanh tử, thế sao đức Như-Lai đặng thọ hưởng an vui.

    Bạch Thế-Tôn ! Ví như Y vương hiểu rành các phương thuốc, đem phương bí truyền dạy riêng cho con mình, mà không dạy cho các trò khác. Cũng thế, đức Như-Lai đem tạng pháp thậm thâm bí mật dạy riêng cho Văn-Thù Sư-Lợi, mà chẳng thương chẳng dạy cho chúng con. Như ông thầy thuốc kia vì lòng còn riêng tư thân sơ, nên sự dạy không bình đẳng rộng rãi, chỉ dạy riêng cho con mình môn bí-phương, mà không truyền cho các trò khác. Đức Như-Lai trọn không có lòng thân sơ tư vị, tại sao chẳng dạy dổ chúng con. Ngửa mong đức Phật ở lâu nơi đời, chớ nhập Niết-bàn.

    Bạch đức Thế-Tôn ! Ví như những người già trẻ bịnh khổ đi nơi đường hiểm rất khốn khó gian lao, có bực dị nhơn thấy vậy xót thương bèn chỉ cho con đường tốt bằng thẳng. Chúng con cũng như vậy. Người trẻ dụ cho những kẻ chưa tăng trưởng pháp thân, người già dụ cho những kẻ nặng phiền não, bịnh khổ dụ cho sanh tử, đường hiểm nạn dụ cho Tam giới. Cúi xin đức Như-Lai chỉ dẫn con đường chơn chánh giải thoát cho chúng con, ở lâu nơi đời, chớ nhập Niết-bàn.”


    Đức Thế-Tôn bảo các Tỳ-kheo :” Các thầy đừng ưu sầu khóc kể như hàng Trời Người phàm phu kia. Các thầy phải siêng năng tinh tấn giữ vững chánh niệm”.

    Nghe đức Phật phán như vậy, hàng Trời Người Bát bộ liền nín khóc.

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  7. #27
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đức Thế-Tôn vì đại chúng mà nói kệ rằng :

    Đại chúng phải sáng suốt
    Chẳng nên quá sầu khổ.
    Chư Phật đều vậy cả
    Vì thế nên im lặng,
    Thích nơi hạnh tinh tấn
    Gìn lòng giữ chánh niệm
    Xa lìa các điều quấy
    Hớn hở được an vui.


    Lại nầy các thầy Tỳ-kheo ! Nếu có chỗ nào nghi ngờ đều phải bạch hỏi. Ở trong những pháp Không, bất Không, thường, vô thường, khổ, phi khổ, y, phi y, khứ, bất khứ, quy, phi quy, hằng, phi hằng, đoạn, phi đoạn, chúng sanh, phi chúng sanh, hữu, vô hữu, thiệt, bất thiệt, chơn, bất chơn, diệt, bất diệt, mật, bất mật, nhị, bất nhị, v.v… nếu còn nghi ngờ nay nên bạch hỏi, Như-Lai sẽ giải quyết cho. Như-Lai trước nói pháp Cam-lộ cho các thầy rồi, sau mới nhập Niết-bàn.

    Nầy các thầy Tỳ-kheo ! Phật ra đời là khó, thân người khó được, gặp Phật sanh tín-tâm, việc đây cũng khó, nhẫn sự khó nhẫn lại là khó hơn, đầy đủ giới hạnh chứng quả A-La-Hán (40) cũng là việc khó. Như tìm cát vàng cùng hoa Ưu-đàm-bát-la.

    Các thầy khỏi bát nạn được thân người là sự khó, nay gặp Như-Lai chẳng nên để luống uổng. Ngày xưa, Như-Lai tu nhiều hạnh khổ, nay được phương tiện Vô thượng như thế, trong vô lượng kiếp vì các thầy mà xả thí thân thịt tay chơn đầu mắt tủy não. Ví thế các thầy chẳng nên phóng dật.

    Nầy các thầy Tỳ-kheo ! Thành báu chánh pháp trang nghiêm, đầy đủ các thứ công đức trân bảo, giới, định và trí huệ làm tường thành và hào thành. Nay các thầy gặp được thành báu Phật pháp, chẳng nên lượm lấy những vật hư ngụy. Ví như nhà thương mãi gặp thành chơn bảo, lượm lấy ngói sạn rồi trở về nhà. Các thầy chớ để tâm hạ liệt, cam đủ nơi chút ít pháp mọn. Các thầy dầu xuất gia mà không ham mộ pháp Đại thừa. Thân các thầy dầu được đắp cà sa mà tâm chưa được nhuộm pháp Đại thừa thanh tịnh. Các thầy dầu khất thực ở nhiều nơi mà chưa từng khất pháp-thực Đại-thừa. Các thầy dầu cạo bỏ râu tóc mà chưa vì Chánh pháp cạo sạch kiết-sử.

    Nầy các thầy Tỳ-kheo ! Nay Như-Lai bảo thiệt các thầy, hiện nay Như-Lai đại chúng hòa hiệp pháp tánh chơn thiệt chẳng điên đảo. Vì thế các thầy phải nhiếp tâm dõng mãnh tinh tấn xô dẹp các kiết sử. Khi mặt trời Phật huệ lặn mất rồi, các thầy sẽ bị vô minh trùm đậy.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  8. #28
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy các thầy ! Ví như những cỏ thuốc trên mặt đất để chúng sanh dùng, Phật pháp cũng vậy, sanh ra pháp vị Cam lồ diệu thiện làm thuốc hay chữa bịnh phiền não của chúng sanh. Nay Như-Lai sẽ làm cho tất cả chúng sanh cùng bốn bộ chúng đều được an trụ trong tạng bí mật. Cũng như chữ Y, nếu ba điểm đứng chung hàng, hoặc đứng ngay, hoặc khác nhau đều không thành chữ Y. Ba điểm phải như ba con mắt trên mặt Đại-Tự-Tại-Thiên mới thành chữ Y. Như-Lai cũng thế, pháp giải thoát không phải Niết-bàn, thân Như-Lai không phải Niết-bàn, Ma-ha-bát-nhã cũng không phải Niết-bàn, ba pháp đều khác nhau cũng không phải Niết-bàn. Như-Lai này an trụ ba pháp ấy, vì chúng sanh mà nói là nhập Niết-bàn, như chữ Y trong đời.”

    Các Tỳ-kheo nghe đức Phật Thế-Tôn nói quyết định sẽ nhập Niết-bàn, ai nấy đều lo rầu, cả mình rởn ốc, lệ tràn đầy mắt, cúi lạy chơn Phật mà bạch rằng : "Đức Thế-Tôn khéo dạy vô thường, khổ, không, vô-ngã.

    Bạch Thế-Tôn ! Ví như các dấu chưn của muông thú, dấu chưn voi là hơn cả. Vô thường quán cũng lại như vậy là pháp quán tưởng bực nhứt trong các pháp quán tưởng. Nếu ai tinh cần tu tập pháp nầy, thời có thể trừ tất cả sự ái nhiễm cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc, trừ vô minh kiêu mạn và vô thường tưởng. Đức Như-Lai nếu đã lìa hẳn vô thường tưởng thời nay chẳng nên nhập Niết-bàn. Còn nếu chẳng lìa hẳn, cớ sao lại dạy rằng tu vô thường quán trừ được sự ái nhiễm ba cõi, vô minh, kiêu mạn và vô thường tưởng.

    Bạch Thế-Tôn ! Ví như đế vương biết mạng sắp chết, bèn ân xá ngục tù trong thiên hạ rồi sau mới băng. Ngày nay đức Như-Lai cũng nên như vậy, độ cho tất cả chúng sanh thoát khỏi lao ngục vô tri vô minh rồi sẽ nhập Niết-bàn. Hiện tại chúng con đều chưa được giải thoát, sao đức Thế-Tôn lại vất bỏ mà muốn nhập Niết-bàn ?

    Bạch Thế-Tôn ! Như người say rượu mê loạn nói xàm, không còn biết thân sơ, mẹ con, chị em, nằm vùi trong phẩn nhơ, nhờ lương y cho uống thuốc, ói sạch rượu ra mới được tỉnh lại, lòng rất hổ thẹn tự răn trách lấy mình, rượu là thứ hại, là cội gốc của các tội lỗi, nếu chừa được rượu thời khỏi tội lỗi. Chúng con cũng thế, từ nhiều đời đến nay luân chuyển sanh tử, tình sắc làm say mê tham đắm trong ngũ dục, không phải mẹ, tưởng là mẹ, không phải con, chị, em, mà tưởng là con, chị, em, không phải chúng sanh mà tưởng là chúng sanh, vì cớ ấy nên luân chuyển chịu khổ sanh tử, như người say kia nằm trong phẩn nhơ. Nay đức Như-Lai nên ban pháp dược cho chúng con uống để ói rượu độc phiền não, chúng con còn chưa được tỉnh ngộ, sao đức Như-Lai lại vất bỏ mà muốn nhập Niết-bàn?!.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  9. #29
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bạch Thế-Tôn ! Không có cớ gì khen cây chuối là cứng chắc được. Chúng sanh cũng thế, không co cớ gì khen ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng, dưỡng- dục, tri- kiến, tác-giả, thọ-giả là chơn thiệt được. Chúng con tu vô ngã quán cũng như vậy.

    Bạch Thế-Tôn ! Vì như bã xác không còn dùng được, bông Thất diệp không có mùi thơm, cũng vậy, thân thể của người không ngã không chủ. Chúng con thường tu tập pháp quán tưởng Vô ngã như vậy.

    Như đức Phật từng dạy tất cả các pháp không Ngã và không Ngã-sở, các Tỳ-kheo phải tu tập. Tu như đây thời trừ ngã mạn, rời ngã mạn thời chứng Niết-bàn. Bạch Thế-Tôn ! Không bao giờ có dấu chim bay nơi hư không. Người hay tu tập pháp quán vô-ngã không bao giờ có các kiến-chấp”.


    Đức Phật khen các Tỳ-kheo : Lành thay ! Lành thay ! Các thầy khéo hay tu tập pháp quán vô- ngã.”

    Các Tỳ-kheo bạch Phật : Bạch Thế-Tôn ! Chẳng những chúng con tu pháp quán vô-ngã tưởng, mà chúng con cũng tu tập các pháp quán khác như : khổ, vô thường.

    Bạch Thế-Tôn ! Như nguời say, tâm trí mê loạn thấy nhà cửa cây cỏ núi sông thảy đều xoay lộn.
    Người không tu các pháp quán khổ, vô thường, vô ngã thời chẳng gọi là bực Thánh, người nầy nhiều phóng dật trôi lăn trong vòng sanh tử. Vì thế nên các con khéo tu tập các quán ấy”.


    Đức Phật bảo các Tỳ-kheo :” Lóng nghe ! Lóng nghe ! Vừa rồi các thầy trình bày ví dụ người say đó, các thầy chỉ biết danh tự mà chưa hiểu thấu “thật nghĩa”. Thế nào là “thật nghĩa” ? Như người say kia thấy nhà cửa núi sông vốn thiệt không xoay lộn, mà tưởng cho là xoay lộn. Cũng vậy, bị những phiền não vô minh trùm đậy nên chúng sanh khởi tâm điên đảo : ngã cho là vô ngã, thường cho là vô thường, tịnh cho là bất tịnh, lạc cho là khổ. Vì mắc phải phiền não trùm che, nên dầu nghĩ tưởng như vậy mà không thấu rõ thật nghĩa”, như người say kia đối với sự không xoay lộn mà tưởng cho là xoay lộn.

    “ Ngã” chính là thật nghĩa của “Phật”, “Thường” chính là thật nghĩa của "Pháp-Thân”, “Lạc” là thật nghĩa của “Niết-bàn”, “Tịnh” là thật nghĩa của “Pháp”.

    Các thầy sao lại nói người có ngã thời kiêu-mạn cống-cao lưu chuyển sanh tử. Nếu các thầy nói rằng, tôi cũng tu tập pháp quán vô thường, khổ, vô ngã. Ba môn tu tập này không có thiệt nghĩa”.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  10. #30
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như-Lai sẽ nói ba pháp tu đặc thắng. `

    Khổ cho là vui, vui cho là khổ, là pháp điên đảo. Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, là pháp điên đảo. Vô-ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, là pháp điên đảo. Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, là pháp điên đảo. Có bốn pháp điên đảo như vậy thời là người chẳng rõ pháp tu chơn chánh.

    Các thầy ở trong pháp khổ tướng cho là vui, ở trong vô thường tưởng cho là thường, ở trong vô-ngã tưởng cho là ngã, ở trong bất tịnh tưởng cho là tịnh.

    Thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh. Xuất thế cũng co thường, lạc, ngã tịnh. Pháp thế gian có văn tự mà không thật nghĩa. Xuất thế có văn tự có thật nghĩa. Tại sao vậy ? Vì pháp thế gian có bốn sự điên đảo nên chẳng biết thật nghĩa. Lại có tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Vì có ba sự điên đảo nầy nên người thế gian ở trong lạc thấy là khổ, trong thường thấy vô thường, trong ngã thấy vô ngã, trong tịnh thấy bất tịnh, đây gọi là điên đảo. Vì điên đảo nên thế gian biết văn tự mà chẳng biết thật nghĩa.

    Gì là thật nghĩa? Vô ngã gọi là sanh tử, còn ngã gọi là Như-Lai. Vô thường là Thanh-văn Duyên- giác, còn thường là Như-Lai pháp thân. Khổ là tất cả ngoại đạo, còn lạc là Niết-bàn. Bất tịnh là pháp hữu vi, còn tịnh là chánh pháp của chư Phật và Bồ-Tát. Đây gọi là chẳng điên đảo. Vì chẳng điên đảo nên biết văn tự biết thật nghĩa. Nếu muốn lìa khỏi bốn sự điên đảo thời phải rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh như vậy.


    Các Tỳ-kheo bạch Phật : "Bạch Thế-Tôn ! Như lời đức Thế-Tôn dạy rằng dứt lìa bốn sự điên đảo ấy thời được rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh. Nay đức Như-Lai trọn không có bốn sự điên đảo thời đã rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu đã rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh sao đức Như-Lai không ở đời một kiếp hoặc nửa kiếp để dạy dỗ chúng con, cho chúng con khỏi lìa bốn sự điên đảo, mà lại vất bỏ chúng con muốn nhập Niết-bàn. Nếu được đức Như-Lai đoái thương dạy bảo, chúng con sẽ hết lòng tuân lời tu tập. Nếu đức Như-Lai nhập Niết-bàn, chúng con không thể mang thân độc hại nầy mà tu phạm hạnh. Chúng con cũng sẽ nhập Niết-bàn theo Phật.”

    Phật bảo các Tỳ-kheo : "Các thầy chớ nói như vậy. Bao nhiêu Vô thượng chánh pháp của Phật, Như-Lai đều đem giao phó cho Ma-Ha-Ca-Diếp. Ma-Ha-Ca-Diếp sẽ là chổ y-chỉ hoàn toàn cho các thầy, cũng như đức Như-Lai là chổ y-chỉ của tất cả chúng sanh.

    Ví như Quốc vương lúc đi tuần du, đem quốc sự giao phó cả cho đại thần. Cũng vậy, Như-Lai đem Chánh pháp giao phó cho Ma-Ha-Ca-Diếp"
    .

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
    Gửi bởi Mây trắng trong mục Kinh
    Trả lời: 219
    Bài cuối: 04-06-2017, 08:30 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •