DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 55/67 ĐầuĐầu ... 545535455565765 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 541 tới 550 của 663
  1. #541
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ta lại bảo Mục Kiền Liên có người chưa được quả Tu Đà Hoàn, lúc trụ nơi nhẫn pháp, dứt vô lượng quả báo trong ba đường dữ, nên biết rằng chẳng phải trừ nơi trí mà dứt diệt. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta, bèn cho rằng đức Như Lai quyết định nói có chẳng phải do trí mà dứt diệt. Lại một lúc kia ta nói với Tỳ Kheo Bạt Ba nếu Tỳ Kheo quán nơi sắc : Hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc gần hoặc xa, hoặc thô hoặc tế, những sắc như vậy chẳng phải là ngã chẳng phải ngã sở : Quán như vậy có thể dứt được lòng tham ái nơi sắc, _ Bạt Ba bạch rằng : Thế nào gọi là sắc ?

    _ Ta đáp : Tứ đại gọi rằng sắc, thọ tưởng hành thức bốn ấm nầy gọi là danh. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai quyết định nói sắc là tứ đại.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Ta lại nói rằng như nhơn nơi mặt gương mà có bóng hình hiện ra, sắc cũng như vậy nhơn nơi tứ đại tạo thành. Chính là những thứ to, nhỏ, rít, trơn, xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, vắn, vuông, tròn, cong , ngay, nhẹ, nặng, lạnh, nóng, đói khát, khói, mây , bụi mù, đây gọi là những sắc do tứ đại tạo thành dường như vang bóng. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói có tứ đại thời có sắc do tứ đại tạo thành, hoặc nói có tứ đại mà không có sắc.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Trước kia Phương Tử Bồ Đề nói rằng nếu có Tỳ Kheo trì giới lúc phát tâm ác, nên biết rằng lúc đó mất giới Tỳ Kheo. Ta nghe lời nầy bèn bảo rằng : Nầy Phương Tử ! Giới có bảy thứ từ nơi thân và miệng mà có vô tác biểu sắc. Do nhơn duyên vô tác biểu sắc nầy nên dầu tâm của Tỳ Kheo ở trong ác vô ký nhưng chẳng gọi là mất giới, vẫn còn gọi là trì giới. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Phật nói có vô tác biểu sắc.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Trong các Kinh khác ta có nói rằng giới chính là ngăn chế pháp ác, nếu chẳng làm ác đây gọi là trì giới. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn xướng rằng đức Như Lai quyết định nói không có vô tác biểu sắc.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Trong khế Kinh ta từng nói sắc ấm của thánh nhơn nhẫn đến thức ấm đều là do vô minh sanh ra. Tất cả phàm phu cũng như vậy, từ vô minh sanh ra ái, nên biết rằng ái nầy chính là vô minh, từ ái sanh ra thủ, nên biết rằng thủ nầy chính là vô minh ái. Tù thủ sanh ra hữu, hữu nầy chính là vô minh ái thủ. Từ hữu sanh ra thọ, nên biết rằng thọ nầy chính là hành hữu. Từ nơi thọ sanh ra danh sắc, vô minh ái, thủ, hữu, hành, thọ, xúc, thức, lục, nhập v.v… do đây nên thọ chính là mười hai chi. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói không có tâm sở.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  2. #542
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy Thiện Nam Tử ! Trong khế Kinh ta từng nói từ nơi nhãn, sắc, minh và ác dục, do bốn thứ nầy làm nhơn duyên sanh ra nhãn thức. Ác dục trong đây chính là vô minh, lúc dục cầu thời gọi là ái, do ái mà có thủ, thủ đây gọi là nghiệp, nghiệp làm duyên cho thức, thức làm duyên cho danh sắc, danh sắc làm duyên cho lục nhập, lục nhập làm duyên cho xúc, xúc làm duyên cho tưởng thọ ái, tín, tinh tấn định và huệ, những pháp nầy nhơn nơi xúc mà sanh nhưng chẳng phải là xúc. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói có tâm sở.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Hoặc có lúc ta nói chỉ có một cõi, hoặc nói hai ba bốn năm sáu mười tám chín nhẫn đến hai mươi lăm cõi. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói có năm cõi, hoặc nói có sáu cõi.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Ngày trước lúc ở nơi rừng Ni Câu Đà tại thành Ca Tỳ La Vệ, Thích Ma Nam bạch với ta rằng : Thế Tôn sao gọi là Ưu Bà Tắc ? Ta nói : Nếu có Thiện nam tử hoặc Thiện nữ nhơn nào căn thân đầy đủ thọ ba pháp quy y thời gọi là Ưu Bà Tắc. Thích Ma Nam lại hỏi : Thế Tôn sao gọi là nhứt phần Ưu Bà Tắc ? Ta nói : Nếu thọ ba pháp quy y và thọ một giới thời gọi là nhứt phần Ưu Bà Tắc. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói Ưu Bà Tắc được thọ từ phần.

    Lại một lúc kia ta ở bên sông Hằng, Ca Chiên Diên đến bạch với ta rằng : Thế Tôn ! Tôi giáo hoá chúng sanh khiến họ thọ pháp bát quan trai : Hoặc một ngày, hoặc một đêm, hoặc một giờ, hoặc một niệm, những người nầy được thành trai pháp chăng ? Ta nói : Này Ca Chiên Diên, những người nầy chỉ được điều lành mà chẳng được gọi là được trai pháp. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn nói rằng đức Như Lai nói pháp bát quan trai thọ đủ mới được.

    Trong khế Kinh ta từng nói rằng nếu có Tỳ Kheo đã phạm bốn tội trọng thời chẳng gọi là Tỳ Kheo, gọi là phá Tỳ Kheo, hư mất Tỳ Kheo chẳng còn có thể sanh chủng tử pháp lành, như hột giống đã cháy chẳng còn mọc mầm sanh bông trái, như cây đa la nếu ngọn đã bị đứt thời chẳng còn sanh trái. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói các Tỳ Kheo phạm giới trọng rồi bèn mất giới Tỳ Kheo.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  3. #543
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trong khế Kinh , ta vì Thuần Đà mà nói bốn hạng Tỳ Kheo : Một là hạng rốt ráo đến chánh đạo, hai là hạng chỉ bày chánh đạo, ba là hạng lãnh thọ chánh đạo, bốn là hạng nhiễm ô chánh đạo. Người phạm bốn tội trọng là hạng nhiễm ô chánh đạo. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói các Tỳ Kheo đã phạm bốn tội trọng chẳng mất giới.

    Trong khế Kinh ta bảo các Tỳ Kheo có nhứt thừa, nhứt đạo, nhứt hạnh, nhứt duyên, bốn pháp nầy có thể làm cho chúng sanh được đại tịch tịnh, dứt hẳn tất cả sự ràng buộc sầu khổ, khổ quả cùng khổ nhơn, làm cho tất cả chúng sanh đến nơi nhứt thừa. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói Tu Đà Hoàn nhẫn đến A La Hán đều được Phật đạo.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Trong khế Kinh ta nói Tu Đà Hoàn bảy lần sanh qua lại trong nhơn gian cùng cõi Trời, bèn chứng A La Hán nhập Niết Bàn. Tư Đà Hàm một lần sanh trong nhơn gian và cõi trời bèn nhập Niết Bàn. A Na Hàm phàm có năm hạng : Hoặc có trung gian nhập Niết Bàn nhẫn đến thượng lưu nhập Niết bàn. A La Hán phàm có hai hạng : Một là hiện tại, hai là vị lai, hiện tại cũng dứt phiền não ngũ ấm, vị lai cũng dứt phiền não ngũ ấm. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói Tu Đà Hoàn đến A La Hán chẳng được Phật đạo.

    Trong khế Kinh ta từng nói Phật tánh đủ có sáu điều : Một là thường, hai là thật, ba là chơn, bốn là thiện, năm là tịnh, sáu là có thể thấy. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có.

    Ta lại nói Phật tánh của chúng sanh như hư không. Hư không chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, chẳng phải nội ngoại, chẳng phải sắc thinh hương vị xúc, Phật tánh cũng như vậy. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có.

    Ta lại nói Phật tánh của chúng sanh dường như kho châu báu ẩn kín trong nhà của bần nữ, như Kim Cang bảo châu ẩn trên trán của lực sĩ, như suối Cam Lộ của Chuyển Luân Thánh Vương. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có.

    Ta lại nói hàng Nhứt Xiển Đề phạm bốn tội trọng, hủy báng Kinh điển Đại thừa, tạo tội ngũ nghịch đều có Phật tánh. Những chúng sanh nầy đều không có pháp lành. Phật tánh là lành. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  4. #544
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ta lại nói chúng sanh chính là Phật tánh, vì nếu rời chúng sanh thời chẳng được Vô thượng Bồ Đề. Do đây nên ta vì vua Ba Tư Nặc mà nói ví dụ rờ voi : Như bọn người mù nói hình dạng của voi, dầu chẳng trúng nhưng đều chẳng rời ngoài voi. Chúng sanh nói sắc, nói thọ tưởng hành thức là Phật tánh cũng như vậy, dầu chẳng phải là Phật tánh nhưng chẳng phải rời Phật tánh. Như ta vì vua Ba Tư Nặc mà nói ví dụ ống không hầu Phật tánh cũng như vậy. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn lập ra nhiều thuyết khác nhau, như người mù hỏi màu của sữa, Phật tánh cũng như vậy. Do cớ nầy, hoặc có người nói hàng Nhứt Xiển Đề phạm bốn tội trọng hủy báng kinh Đại Thừa tạo tội ngũ nghịch đều có Phật tánh. Hoặc có người nói là không có Phật tánh.

    Trong khế Kinh nhiều lần ta nói rằng một người xuất thế thời nhiều người được lợi ích. Trong một cõi nước không có hai vua Chuyển Luân. Trong một thế giới không có hai đức Phật xuất thế. Một tứ thiên hạ không có tám Tứ Thiên Vương, nhẫn đến không có hai Tha Hoá Tự Tại Thiên. Ta nói từ Diêm Phù Đề, dưới đến Địa ngục A Tỳ, trên đến trời Sắc Cứu cánh. Các đệ tử của ta nghe lời nầy chẳng hiểu ý của ta bèn cho rằng đức Như Lai nói không có Phật mười phương. Thật ra trong các Kinh Đại Thừa ta nói có thập phương chư Phật.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Những điều tránh tụng như vậy là cảnh giới của chư Phật chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được. Nếu người nào đối với những việc nầy sanh lòng nghi còn có thể phá hoại được vô lượng phiền não. Nếu người nào ở trong những việc nầy sanh lòng quyết định thời gọi là chấp trước.

    Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật rằng : Thế nào là chấp trước ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Những người như vậy hoặc do người khác dạy bảo, hoặc nghe người khác nói, hoặc tự tìm Kinh điển, với những điều ham thích chẳng thể buông bỏ đây gọi là chấp trước.

    _ Bạch Thế Tôn ! Sự chấp trước nầy là thiện hay là bất thiện ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Sự chấp trước như vậy chẳng gọi là thiện, vì không thể phá hoại những lưới nghi.

    _ Bạch Thế Tôn ! Những người nầy vốn tự chẳng nghi, sao lại nói rằng chẳng phá hoại lưới nghi ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Luận về người chẳng nghi chính là nghi.

    _ Bạch Thế Tôn ! Nếu có người nói rằng bực Tu Đà Hoàn chẳng đọa ba ác đạo. Người nầy cũng nên gọi là chấp trước, là nghi.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  5. #545
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Nên gọi là quyết định, mà chẳng được gọi là nghi. Tại sao vậy ? Nầy Thiện Nam Tử ! Như có người trước kia thấy cây thấy người, về sau đi ban đêm từ xa thấy gốc cây trụi, bèn nghi rằng đó là người hay là cây ? Như người trước thấy Tỳ Kheo và Phạm Chí, lúc sau đi đường từ xa thấy Tỳ Kheo bèn nghi rằng đó là Sa Môn hay là Phạm Chí ? Như người trước thấy bò và trâu, lúc sau từ xa thấy bò, bèn nghi rằng đó là bò hay trâu ?

    Nầy Thiện Nam Tử ! Tấ cả chúng sanh trước thấy hai vật về sau bèn sanh nghi, vì trong tâm họ chẳng nhận được rõ ràng.

    Ta cũng chẳng nói rằng bực tu Đà Hoàn có đọa ba đường ác hay chẳng đọa ba đường ác, cớ gì người nầy lại sanh lòng nghi !

    _ Bạch Thế Tôn ! Như Phật nói phải trước có thấy rồi sau mới nghi. Nhưng có người lúc chưa thấy hai vật cũng lại sanh nghi. Như đối với Niết Bàn. Như có người đi đường gặp dòng nước đục, trước kia chưa từng thấy mà cũng sanh nghi rằng dòng nước nầy sâu hay cạn.

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Luận về Niết Bàn chính là dứt khổ, chẳng phải là Niết Bàn thời chính là khổ. Tất cả chúng sanh thấy có khổ cùng chẳng phải khổ. Như thấy đói khát, lạnh nóng, giận mừng, bịnh gầy, an ổn, trẻ, già, sống chết, trói buộc, cởi mở, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, sau khi thấy những việc nầy, chúng sanh bèn nghi rằng sẽ có những gì xa lìa vĩnh viễn những sự khổ não nầy chăng ? Do đây nên chúng sanh đối với Niết Bàn mà sanh nghi.

    Nếu ông cho rằng người đó từ trước đến nay chưa từng thấy dòng nước đục nầy sao lại sanh nghi. Lời nói nầy không đúng nghĩa, vì người đó ở nơi chỗ khác đã từng thấy rồi, nên ở nơi chỗ mới đến nầy mà sanh nghi.

    _ Bạch Thế Tôn ! Người đó lúc trước thấy nước sâu cạn đã chẳng sanh nghi, nay cớ gì mà sanh nghi ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Vì trước kia chưa đi nên sanh nghi. Do đây nên ta nói rằng vì trong tâm họ chẳng nhận được rõ ràng nên sanh nghi.

    _ Bạch Thế Tôn ! Như lời Phật nói nghi chính là chấp trước, chấp trước chính là nghi, đây là ngườ nào ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Là người dứt căn lành.

    _ Bạch Thế Tôn ! Những hạng người nào có thể dứt căn lành.

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Người thông minh lanh lợi có thể khéo phân biệt, nếu xa lìa bạn lành chẳng nghe chánh pháp, chẳng khéo tư duy, chẳng thật hành đúng pháp, người nầy có thể dứt căn lành.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  6. #546
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Người thông minh nầy vì thiếu bốn điều trên mà tự suy nghĩ rằng : Không có vật bố thí, vì người thí là rời bỏ của cải, nếu bố thí mà có quả báo, thời thí chủ phải thường nghèo cùng, vì nhơn cùng quả giống nhau. Do suy nghĩ những việc như vậy nên người nầy nói rằng không nhơn không quả. Nếu nói không nhơn không quả như vậy thời gọi là dứt căn lành.

    Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng : Thí chủ, người thọ và tài vật đều là vô thường biến đổi, nếu không biến đổi sao lại nói rằng đây là thí chủ, đây là người thọ, đây là của cải, nếu không người thọ sao lại được quả báo, do nghĩa nầy nên biết rằng không nhơn không quả. Nếu nói không nhơn không quả như vậy thời gọi là dứt căn lành.

    Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng : Lúc thí chủ bố thí có năm sự bố thí : Người thọ thí khi lãnh được của cải rồi hoặc làm lành, hoặc làm điều chẳng lành, mà thí chủ nầy cũng chẳng mắc phải quả báo lành hay chẳng lành, như trong đời từ hột sanh ra trái, rồi từ trái trở lại có hột. Nhơn chính là thí chủ, quả chính là người thọ, mà người thọ nầy không thể đem điều thiện, điều bất thiện của mình đã làm khiến cho thí chủ được quả báo thiện cùng bất thiện, do nghĩa nầy nên không nhơn không quả. Nếu nói không nhơn không quả như vậy, nên biết người nầy có thể dứt căn lành.

    Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng : Không có vật bố thí, vì vật bố thí là vô ký, đã là vô ký thời đâu có quả báo lành, không quả báo lành tức là vô ký, của vật nếu là vô ký nên biết rằng không có quả báo thiện ác, nên không có sự bố thí không nhơn không quả. Nếu nói rằng không nhơn không quả như vậy phải biết người nầy có thể dứt căn lành.

    Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng : Người bố thí do nơi ý, ý nầy chẳng phải là sắc pháp, không thể thấy không đối tượng, đã chẳng phải là sắc pháp thời đâu có thể bố thí, do đây nên không có sự bố thí không nhơn không quả. Nếu nói không nhơn không quả như vậy, phải biết rằng người nầy có thể dứt căn lành.

    Người thông minh lại suy nghĩ rằng : Nếu thí chủ cúng thí cho tượng Phật, tượng chư Thiên cho cha mẹ đã qua đời, như vậy là có người thí mà không người thọ, nếu không người thọ thời lẽ ra không quả báo, nếu không quả báo thời là không nhơn, nếu đã không nhơn thời là không quả. Nếu nói không nhơn quả như vậy, phải biết rằng người nầy có thể dứt căn lành.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  7. #547
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Người thông minh nầy lại suy nghĩ rằng : Không cha không mẹ. Nếu nói cha mẹ là nhơn sanh ra chúng sanh, đúng lý phải thường sanh không có đoạn tuyệt, vì nhơn là thường có, nhưng chẳng thường sanh, do đây nên biết rằng không có cha mẹ. Người nầy lại nghĩ rằng : Không cha không mẹ. Vì nếu thân chúng sanh do cha mẹ mà có, lẽ ra một người phải đủ cả hai căn nam nữ, nhưng sự thật không có đủ, do đây biết rằng chúng sanh chẳng phải do cha mẹ mà có. Người nầy lại nghĩ rằng chẳng phải do cha mẹ mà có ra chúng sanh, vì chính mắt họ thấy chúng sanh chẳng giống với cha mẹ, nghĩa là thân hình diện mạo tâm tánh đi đứng cử động chẳng giống với cha mẹ, nên cha mẹ chẳng phải là nhơn sanh ra chúng sanh. Người nầy lại nghĩ rằng trong đời có bốn thứ không có : Một là chưa sanh gọi là không có, như lúc còn là viên đất sét thời chưa có công dụng của cái bình ; hai là đã diệt mất gọi là không có, như cái bình đã bể hư thời gọi là không có ; ba là riêng khác nhau nên lẫn không có, như trong bò không có ngựa trong ngựa không có bò ; bốn là rốt ráo gọi là không có, như sừng thỏ lông rùa. Cha mẹ cũng đồng như bốn thứ không có nầy. Nếu nói cha mẹ là nhơn có ra chúng sanh, lúc cha mẹ chết đứa con bất tất cũng chết, do đây nên cha mẹ chẳng phải là nhơn sanh ra chúng sanh. Người nầy lại nghĩ rằng : Nếu nói cha mẹ là nhơn sanh ra chúng sanh, lẽ ra nhơn nơi cha mẹ thường sanh ra chúng sanh, nhưng lại có hóa sanh và thấp sanh, do đây nên biết chẳng phải nhơn nơi cha mẹ sanh ra chúng sanh. Người nầy lại nghĩ rằng : Tự có chúng sanh chẳng phải nhơn nơi cha mẹ mà được sanh trưởng như chim công nghe tiếng sấm nổ mà có trứng, như chim thanh tước uống nước mắt của chim tước trống mà có trứng, như chim cộng mạng thấy chim trống múa bèn có trứng. Người nầy lúc suy nghĩ những điều trên đây nếu chẳng gặp được bực thiện tri thức khai thị, phải biết rằng người nầy có thể dứt căn lành.

    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Trong đời không có quả thiện ác, vì có những chúng sanh tu tập đủ mười điều lành, ưa thật hành bố thí siêng làm công đức, mà những người nầy cũng lại bị các bịnh tật nhóm trên thân, hoặc chết yểu, hoặc mất của, hoặc nhiều sự lo khổ. Cũng có những người tạo đủ mười điều dữ, tham lam bỏn xẻn tật đố giải đãi, mà lại mạnh khỏe sống lâu, hoặc giàu có không sầu khổ, do đây nên biết rằng không có quả thiện ác. Người nầy lại nghĩ rằng : Tôi cũng từng nghe các thánh nhơn nói có người tu tập pháp lành khi chết bị đọa trong ba đường dữ. Có người làm điều ác khi chết sanh trong loài người trên trời, do đây nên biết rằng không quả thiện ác. Người nầy lại nghĩ rằng : Các thánh nhơn nói hai thuyết : Hoặc nói sát sanh được quả báo lành, hoặc nói sát sanh mắc quả báo dữ. Thánh nhơn còn nói bất định, tại sao tôi lại nói quyết định, do đây nên biết không có quả thiện ác.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  8. #548
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Trong đời không có thánh nhơn, vì nếu nói là thánh nhơn thời phải chứng được thánh đạo. Tất cả chúng sanh lúc có đủ phiền não tu hành chánh đạo, nên biết rằng người nầy đồng thời đủ có phiền não và chánh đạo. Nếu đồng thời có thời chánh đạo chẳn g phá được kiết sử. Nếu không phiền não mà tu hành chánh đạo, thời chánh đạo ấy dùng làm gì ? Do đây nên người đủ phiền não thời chánh đạo chẳng thể phá hoại được, người không phiền não thời chánh đạo lại vô dụng. Do đây nên biết trong đời không có bực thánh nhơn.

    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Vô minh làm duyên cho hành, nhẫn đến sanh làm duyên cho lão tử, mười hai nhơn duyên nầy tất cả chúng sanh đồng có. Tám thánh đạo tánh nó bình đẳng cũng như vậy, lúc một người được, thời tất cả người lẽ ra cũng được, lúc một người tu hành lẽ ra tất cả khổ đều diệt, vì phiền não bình đẳng. Mà nay chẳng đồng chứng đặng, do đây nên biết rằng không có chánh đạo.

    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Các thánh nhơn đều có những pháp đồng với phàm phu, như là uống ăn, đi đứng ngồi nằm, ngủ nghỉ, vui cười, đói khát, lạnh nóng, lo buồn sợ sệt. Nếu đã đồng với phàm phu có những việc như vậy, nên biết rằng bực thánh nhơn chẳng chứng được thánh đạo, nếu đã được thánh đạo lẽ ra phải dứt hẳn những việc như vậy. Những việc như vậy nếu đã chẳng dứt, do đây nên biết rằng không thánh đạo.

    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Thánh nhơn có thân thọ vui ngũ dục, cũng mắng nhiếc đánh đập người, cũng tật đố kiêu mạn thọ những sự khổ vui, tạo nghiệp thiện ác, do đây nên biết rằng không có thánh nhơn. Nếu có chánh đạo lẽ ra đã dứt những việc nầy, nếu những việc nầy chẳng dứt nên biết rằng không chánh đạo.

    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Người nhiều lòng từ mẫn gọi là thánh nhơn. Do nhơn duyên gì gọi là thánh nhơn ? Nhơn nơi thánh đạo mà gọi là thánh nhơn. Nếu tánh của thánh đạo là từ mẫn, thời nên thương xót tất cả chúng sanh, chẳng cần chờ tu hành rồi mới đặng. Nếu như không từ mẫn cớ sao thánh nhơn chứng được thánh đạo lại hay từ mẫn, do đây nên biết trong đời không có thánh đạo.

    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Tất cả tứ đại chẳng từ nhơn duyên sanh. Chúng sanh đồng có tánh tứ đại nầy. Chẳng quán sát chúng sanh đáng đến bờ nầy, chẳng đáng đến bờ kia, nếu là có thánh đạo, thời tánh của thánh đạo lẽ ra cũng như vậy, nhưng nay chẳng phải như vậy, do đây nên biết rằng trong đời không có thánh nhơn.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  9. #549
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Nếu các bực thánh nhơn có một Niết Bàn thời nên biết rằng không có thánh nhơn. Vì Niết Bàn là bất khả đắc. Pháp thường trụ là bất khả đắc chẳng thể lấy chẳng thể bỏ. Nếu các bực thánh nhơn có nhiều Niết Bàn thời là vô thường, vì là pháp có thể đếm được. Niết Bàn nếu là một, lúc một người được thời lẽ ra tất cả đều được. Nếu Niết Bàn là nhiều thời là có chừng ngằn, nếu là có chừng ngằn thời đâu được gọi là thường trụ. Nếu nói rằng thể của Niết Bàn là một, mà người giải thoát là nhiều, như một cây lọng là một mà cọng cánh lá nhiều, lời nói nầy chẳng đúng nghĩa, vì mỗi người chứng đặng chẳng phải tất cả người chứng đặng, bởi có chừng ngằn lẽ ra là vô thường nếu đã là vô thường thời đâu được gọi là Niết Bàn. Nếu không có Niết Bàn thời ai là bực thánh nhơn ? Do đây nên biết rằng không có thánh nhơn.

    Người thông minh nầy lại nghĩ rằng : Chánh đạo của thánh nhơn chẳng phải do nhơn duyên mà được. Nếu chánh đạo của thánh nhơn đã chẳng phải do nhơn duyên mà được, cớ sao tất cả chúng sanh chẳng làm thánh nhơn. Nếu tất cả người chẳng phải là thánh nhơn, thời biết rằng không có thánh nhơn và không có thánh đạo.

    Người thông minh lại nghĩ rằng : Thánh nhơn nói có hai nhơn duyên được chánh kiến : Một là nghe người khác thuyết pháp, hai là tự mình tư duy. Hai nhơn duyên nầy đã từ duyên sanh, thời duyên nầy lại từ duyên khác mà sanh, xoay vần mãi như vậy thành ra có lỗi vô cùng. Nếu hai nhơn duyên nầy chẳng từ duyên sanh, thời tất cả chúng sanh do cớ gì mà chẳng đều được.

    Lúc người thông minh nầy suy nghĩ những điều như trên thời có thể dứt mất căn lành.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu có chúng sanh nào chấp chặt những điều không nhơn không quả như vậy người nầy có thể dứt mất năm căn : Tín, tấn, niệm, định và huệ. Người dứt mất căn lành chẳng phải là người hạ liệt, ngu độn, cũng chẳng phải chư thiên, chẳng phải ba ác đạo. Người phá Tăng cũng như vậy.


    Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật rằng : Thế Tôn ! Người như vậy, lúc nào sẽ có thể sanh căn lành trở lại.

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Người nầy có hai lúc sanh căn lành trở lại : Lúc mới vào địa ngục và lúc ra khỏi địa ngục.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Căn lành có ba thứ : Quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu là quá khứ thời tánh nó tự diệt, dầu nhơn diệt nhưng quả báo chưa thục nên chẳng gọi là dứt quả quá khứ. Vì dứt nhơn lành ba đời nên gọi là dứt mất.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  10. #550
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    _ Bạch Thế Tôn ! Nếu dứt nhơn lành ba đời mà gọi là mất căn lành, người dứt căn lành vẫn có Phật tánh, Phật tánh nầy là quá khứ, là hiện tại, là vị lai, hay là khắp cả ba đời ? Nếu là quá khứ thế nào gọi là thường. Phật tánh là thường trụ nên biết rằng không phải là quá khứ. Nếu là vị lai thế nào gọi là thường ? Cớ sao Phật nói rằng tất cả chúng sanh quyết định sẽ được ? Nếu quyết định được thời sao lại nói rằng dứt mất ? Nếu là hiện tại sao lại là thường ? Cớ sao lại nói rằng quyết định có thể thấy ?

    Đức Như Lai cũng nói rằng Phật tánh cũng có sáu : Một là thường, hai là chơn, ba là thật, bốn là thiện, năm là tịnh, sáu là có thể thấy. Nếu người dứt mất thiện căn mà có Phật tánh thời chẳng được gọi là dứt mất căn lành. Nếu không có Phật tánh sao lại nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nếu nói rằng Phật tánh cũng có, cũng dứt, thế nào đức Như Lai lại nói Phật tánh là thường trụ ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Đức Như Lai vì chúng sanh nên có ba thứ giải đáp : Một là đáp quyết định, hai là phân biệt mà đáp, ba là theo lời hỏi mà đáp, bốn là yên lặng mà đáp.

    Thế nào là quyết định đáp ? Nếu có ai hỏi rằng nghiệp ác cảm quả lành hay quả chẳng lành ? Thời nêu quyết định đáp rằng cảm quả chẳng lành. Hỏi thiện nghiệp cũng đáp như vậy . Nếu hỏi đức Như Lai có phải là bực nhứt thiết trí chăng ? Thời nên quyết định đáp rằng là bực nhứt thiết trí. Nếu hỏi Phật pháp là thanh tịnh chăng ? Thời nên quyết định đáp rằng là thanh tịnh. Nếu hỏi đệ tử của Phật có ăn ở đúng như pháp chăng ? Thời nên quyết định đáp rằng có đúng như pháp mà ở. Đây gọi là quyết định đáp.

    Thế nào là phân biệt mà đáp ? _ Như đức Phật giảng nói bốn chơn đế. _ Thế nào là bốn ? _ Là khổ tập diệt đạo. _ Sao gọi rằng khổ đế ? _ Vì có tám điều khổ nên gọi là khổ đế. _ Thế nào là tập đế ? _ Vì là nhơn của ngũ ấm nên gọi là tập đế. _ Thế nào là diệt đến ? _ Vì đã dứt hẳn tham sân si nên gọi là diệt đế. _ Thế nào là đạo đế ? _ Ba mươi bảy pháp trợ đạo gọi đó là đạo đế. Đây gọi là phân biệt mà giải đáp.

    Thế nào là theo lời hỏi mà đáp ? Hỏi rằng đức Thế Tôn nói những pháp gì là vô thường ? _ Đáp rằng đức Như Lai nói pháp hữu vi là vô thường. Vô ngã cũng như vậy. _ Hỏi rằng đức Thế Tôn vì những pháp gì mà nói tất cả đốt cháy ? _ Đáp rằng đức Như Lai vì tham, sân, si mà nói tất cả đốt cháy.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
    Gửi bởi Mây trắng trong mục Kinh
    Trả lời: 219
    Bài cuối: 04-06-2017, 08:30 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •