DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 10/67 ĐầuĐầu ... 891011122060 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 91 tới 100 của 663
  1. #91
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 7 _ PHẨM TÀ CHÁNH THỨ CHÍN
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại như có Tỳ-kheo vì muốn kiến lập Chánh pháp Vô thượng nên ở nơi yên vắng, tự chẳng phải A-la-Hán mà muốn làm cho mọi người tin tưởng gọi là A-La- Hán, là Tỳ-kheo tốt, Tỳ-kheo lành, Tỳ-kheo tịch-tịnh, được nhiều người xuất gia theo làm quyến thuộc. Nhơn đó khuyên dạy các Tỳ-kheo và Ưu-Bà-tắc phá giới, đều khiến trì giới. Do đây mà Chánh pháp được kiến lập, làm rạng rỡ pháp Vô thượng của Như-Lai, khai hiển Phương đẳng Đại-thừa, độ thoát vô lượng chúng sanh, khéo hiểu những nghĩa khinh trọng trong Kinh luật mà Như-lai đã nói. Tỳ-kheo nầy lại nói : Nay ta cũng có Phật tánh. Có Kinh điển gọi là tạng bí-mật của Như- lai. Nơi trong Kinh nầy, ta sẽ quyết định đặng thành Phật đạo, có thể dứt sạch vô lượng ức phiền não kiết sử. Vì vô lượng Ưu-Bà-Tắc mà nói rằng : Các ông đều có Phật tánh, ta cùng các ông đều sẽ an trụ nơi cấp bực của Như-lai mà thành Vô thượng Chánh giác, đứt sạch vô lượng phiền não kiết sử. Tỳ-kheo nói những lời trên đây không gọi là người phạm Đại Vọng Ngữ mà gọi là bực Bồ- Tát.

    Như nói : Người phạm tội đột-kiết-la phải bị đọa trong Địa ngục chịu tội đến tám trăm muôn năm tính theo năm tháng ở cõi Trời Đao-Lợi, huống là cố phạm tội du-lan-giá.

    Trong Đại-thừa đây, nếu có Tỳ-kheo phạm tội du-lan-giá thời không nên thân cận.

    Những gì gọi là tội du-lan-giá trong Kinh Đại-thừa ?

    Nếu có đàn-tín tạo lập chùa Phật, đem các tràng hoa dùng cúng dường Phật. Có Tỳ-kheo thấy chỉ trong xâu hoa, không hỏi xin mà lấy thời phạm tội du-lan-giá. Hoặc biết hay chẳng biết cũng đều phạm như vậy. Nếu vì tâm tham mà phá hoại tháp Phật thời phạm tội du-lan-giá. Không nên thân cận những người như vậy.

    Nếu đàn-tín thấy tháp Phật hư, vì muốn tu bổ cúng dường Xá lợi, nơi trong tháp nầy hoặc được châu báu bèn đem gởi Tỳ-kheo. Tỳ-kheo lãnh rồi bèn tự ý thọ dụng. Tỳ-kheo nầy gọi là hạng bất tịnh, sanh nhiều sự đấu tránh. Các Ưu-Bà-Tắc tốt không nên gần gũi cúng dường. Tỳ-kheo như vậy gọi là vô căn, gọi là hai căn, gọi là bất định căn.

    Người bất định căn lúc tham muốn làm gái, thân liền biến làm gái, lúc tham muốn làm trai thân liền biến làm trai.

    Tỳ-kheo như vậy gọi là ác-căn, không gọi là nam, không gọi là nữ, không gọi là tại gia, không gọi là xuất gia. Với Tỳ-kheo nầy, không nên thân cận cung kính cúng dường.

    Trong Phật pháp, về pháp tắc của hàng Sa-Môn, phải sanh lòng từ bi lợi ích chúng sanh, cho đến loài trùng kiến cũng phải ban sự vô úy, đây là pháp của Sa- Môn. Xa lìa uống rượu cho đến ngữi mùi đây là pháp của Sa-Môn. Chẳng được vọng ngữ cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến sự vọng ngữ, đây là pháp của Sa-Môn. Chẳng sanh lòng dục cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến lòng dục, đây là pháp của Sa-Môn.


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “Bạch Thế-Tôn ! Nếu Tỳ-kheo ngủ chiêm bao hành dâm dục, có phạm giới chăng ?”

    Phật dạy : “Không phạm giới. Ở nơi sự dâm dục, phải sanh ý nghĩ là hôi nhơ, cho đến không có một niệm tưởng là sạch tốt. Tránh sự nghĩ tưởng ái nhiễm hàng phụ nữ. Nếu chiêm bao hành dâm, lúc thức dậy phải hổ thẹn ăn năn,. Nếu móng lòng dâm dục phải kíp trừ bỏ. Tỳ-kheo đi khất thực, lúc nhận cúng dường, phải có ý tưởng như ăn thịt con đẻ trong thời kỳ đói kém. Pháp môn trên đây là Kinh luật của Phật nói, Người thuận theo đây thời là bực Bồ-tát.

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  2. #92
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 7 _ PHẨM TÀ CHÁNH THỨ CHÍN
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nếu có kẻ nào nói rằng : Đức Phật cho phép Tỳ-kheo luôn đứng co một chơn, luôn nín lặng không nói, hoặc nhảy vào lửa, nhảy xuống vực, từ trên gộp đá cao tự nhảy xuống chẳng tránh sự hiểm nạn, hoặc uống độc dược, hoặc tuyệt thực, nằm trên tro đất, tự trói tay chơn, hoặc giết hại chúng sanh, bàng môn chú thuật, con nhà hàng thịt, không căn, hai căn, bất định căn, giác quan không đủ, Như-Lai đều cho những người trên đây xuất gia hành đạo. Phải biết lời nầy là của ma nói.

    Nếu có chỗ nào nói rằng cho mặc ma-ha-lăng-già, đều cho chứa cất tất cả hột giống, loài cỏ cây đều có thọ mạng, Như-Lai nói lời nầy rồi bèn vào Niết-bàn. Phải biết trên đây là lời của ma nói.

    Trước kia Như-Lai cho ăn năm thứ sữa bò cùng với dầu, mật, cho mặc y kiều-xa- gia, dép da v.v… trừ những vật của ngoại đạo.

    Như-Lai cũng không cho luôn đứng co một chơn, mà bảo theo đúng chánh pháp pháp tùy ý đi đứng nằm ngồi. Như-lai cũng chẳng cho tuyệt thực hay uống độc dược, hoặc năm thứ nóng đốt thân, trói cột tay chơn, giết hại chúng sanh, luyện bàng môn chú thuật, dùng ngà voi châu ngọc làm dép da. Chẳng cho mặc ma-ha-lăng-già, chứa cất các hột giống. Chẳng nói cỏ cây có thọ mạng. Nếu ai nói Như- Lai cho phép và nói như trên đây, phải biết kẻ ấy là quyến thuộc của ngoại đạo, không phải là đệ tử của Phật.

    Như-Lai chỉ cho ăn năm thứ sữa bò và dầu, mật, cho mang dép da, mặc y kiều- xa-gia,. Như-Lai nói tứ đại không có thọ mạng. Kinh luật nào nói như vậy chính là lời của Phật. Thuận theo lời Phật là đệ tử của Phật. Còn không thuận theo lời Phật thời là quyến thuộc của ma. Nếu có người nào tùy thuận Kinh luật của Phật, phải biết đó là bực Bồ-Tát.

    Nầy Ca-Diếp ! Thế nào là lời của ma nói, thế nào là lời của Phật nói. Nay Như-Lai đã phân biệt nhiều cho ông rồi.”


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “Bạch Thế-tôn ! Nay con mới biết rõ chỗ sai biệt của lời Phật nói cùng lời ma nói, nhơn đây mà con được ngộ nhập nghĩa sâu của Phật pháp”.

    Phật khen Ca-Diếp Bồ-Tát : Nầy Ca-Diếp ! Ông có thể hiểu rành rẽ như vậy, đáng gọi là người thông sáng.

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  3. #93
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 7 _ PHẨM TỨ ĐẾ THỨ MƯỜI
    __________________________________________________ ______________________________________


    10. PHẨM TỨ ĐẾ THỨ MƯỜI

    (Hán bộ phần giữa quyển thứ bảy)


    Nầy Ca-Diếp ! Nói là “khổ” đó, chẳng gọi là Thánh đế. Tại sao vậy ? Vì nếu nói “khổ” là khổ Thánh-đế, thời tất cả trâu, dê, lừa, ngựa cùng người Địa ngục lẽ ra có Thánh-đế.

    Nầy Ca-Diếp ! Nếu có người nào chẳng biết cảnh giới rất sâu của Như-Lai với Pháp thân vi mật thường trụ không biến đổi, (thấy nhục thân) cho là thực thân (không phải Pháp thân), chẳng biết đạo đức oai lực của Như-Lai, đây gọi là “khổ”.

    Do vì chẳng biết nên nơi “pháp” thấy là “phi-pháp”, nơi “phi pháp” thấy là “pháp”. Phải biết người nầy ắt phải đọa vào ác thú mãi trôi lăn trong vòng sanh tử, thêm lớn nghiệp hoặc chịu nhiều khổ não.

    Nếu có người hay biết Như-Lai thường trụ không có biến đổi, hoặc nghe tiếng nói hai chữ “thường trụ” một lần phớt qua tai, bèn được sanh lên cõi Trời. Về sau, lúc được giải thoát, mới được chứng biết Như-Lai thường trụ không có biến đổi. Khi đã chứng biết bèn tự nói : “Ngày trước, tôi từng nghe nghĩa thường trụ nầy, nay được giải thoát mới được chứng biết. Đối với bổn tế, vì không rõ biết, nên tôi phải Luân hồi Sanh tử xoay lăn vô cùng, ngày nay mới bắt đầu đặng chứng biết như thật.”

    Nếu người nào biết như vậy, thiệt là tu khổ-đế, được nhiều lợi ích lớn. Nếu người không biết, dầu là siêng tu nhưng không được lợi ích, đây gọi là biết : “khổ”, gọi là “khổ thánh-đế”.

    Nếu người nào không tu tập được như vậy, thời gọi là “khổ”, chẳng phải “khổ thánh-đế”.

    “ Khổ-tập-đế” là, nơi trong chơn pháp chẳng sanh Chơn trí. Thọ lấy vật bất tịnh, tức là nô tỳ, hay nói phi pháp là chánh pháp, dứt diệt Chánh pháp chẳng cho còn lâu. Vì nhơn duyên nầy mà không biết được Pháp tánh, vì không biết mà Luân hồi Sanh tử chịu nhiều sự khổ não, chẳng được sanh cõi Trời và Chánh giải thoát, Nếu có thâm trí chẳng hoại chánh pháp do nhơn duyên nầy được sanh cõi Trời và Chánh giải thoát.

    Nếu có người không biết khổ tập đế, mà nói chánh pháp không có thường trụ. Đây đều là diệt pháp. Vì nhơn duyên nầy nên trong vô lượng kiếp lưu chuyển sanh tử chịu các sự khổ não.

    Nếu có thể biết pháp thường trụ chẳng khác, đây gọi là biết “tập”, gọi là “tập thánh-đế”. Nếu người không thể tu tập được như vậy thời gọi là “tập”, chẳng phải “tập thánh-đế”.

    Khổ diệt-đế là, nếu có người tu học nhiều pháp Không thời là chẳng tốt. Bởi vì sao? Vì dứt tất cả pháp, vì hư hoại chơn pháp tạng Như-lai. Tu học như trên đây gọi là tu pháp không. Người tu khổ diệt-đế thời nghịch lại tất cả pháp tu của Ngoại đạo. Nếu nói rằng tu pháp Không là diệt-đế đó, thời tất cả Ngoại đạo cũng tu pháp Không, đáng lẽ họ có diệt-đế, nếu có người tu tập Như-Lai tạng : Vô ngã không-tịch, người nầy nơi vô lượng đời lưu chuyển thọ khổ trong vòng sanh tử. Nếu có người chẳng tu tập như vậy, dầu có phiền não nhưng chóng có thể diệt trừ, vì người nầy biết Tạng bí mật Như-Lai.

    Nếu có người nói rằng có tạng Như-Lai, dầu chẳng thấy được nhưng nếu có thể diệt trừ tất cả phiền não đây thời đặng chứng nhập. Nếu phát tâm như trên đây, nhơn duyên trong một niệm, có thể đặng tự tại đối với tất cả pháp.

    Nếu người nào có thể tu tập Diệt-đế như vậy chính là đệ tử của ta. Bằng không, thời gọi là tu pháp Không chẳng phải "diệt Thánh-đế" vậy.

    Đạo Thánh-đế tức là Phật-bảo, Pháp-bảo, Tăng-bảo và Chánh giải thoát.



    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  4. #94
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 7 _ PHẨM TỨ ĐẾ THỨ MƯỜI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Có hạng chúng sanh điên đảo cho rằng không Phật, không Pháp, không Tăng và không Chánh giải thoát, sanh tử lưu chuyển dường như huyễn hoá. Do kiến chấp nầy nên lưu chuyển ba cõi chịu nhiều khổ não.

    Nếu người có thể phát tâm thấy rằng Như Lai thường trụ không biến đổi, Pháp, Tăng giải thoát cũng thường trụ như vậy. Nhờ một niệm nầy trong vô lượng đời tùy ý mà đặng quả báo tự tại.

    Như ta thuở trước, vì bốn thứ điên đảo, chẳng phải pháp chấp là pháp, nên mắc lấy vô lượng nghiệp quả ác. Ngày nay ta đã diệt hết những kiến chấp như vậy, nên đặng thành Phật Vô thượng Chánh giác. Đây gọi là đạo Thánh-đế.

    Nếu có người cho rằng Tam-bảo là vô thường, đây là lối tu hư vọng chẳng phải đạo Thánh-đế.

    Nếu người tu tập Tam-bảo là thường trụ, người nầy là đệ tử của ta, chơn chánh tu tập thấy bốn pháp Thánh-đế. Trên đây gọi là bốn Thánh đế.


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng : “Thế-tôn ! Nay tôi mới biết tu tập bốn pháp Thánh-đế rất sâu”.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  5. #95
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 7 _ PHẨM TỨ ĐẢO THỨ MƯỜI MỘT
    __________________________________________________ ______________________________________


    11. PHẨM TỨ ĐẢO THỨ MƯỜI MỘT

    (Hán bộ phần sau quyển thứ bảy)


    Phật bảo Ca-Diếp Bồ-tát : “Nầy thiện-nam-tử ! Thế nào là Tứ-Đảo ? (bốn điều điên đảo) “ Nơi chẳng phải khổ tưởng cho là khổ”, gọi là điên đảo. Chẳng phải khổ chỉ cho Như-Lai.

    Tưởng cho là khổ, tức là cho rằng Như-Lai là vô thường biến đổi.

    Nếu có người nói Như-Lai là vô thường, đây gọi là tội khổ rất lớn.

    Nếu nói Như-Lai khi xả thân khổ nầy để nhập Niết-bàn như củi hết lửa tắt, đây gọi là chẳng phải khổ mà tưởng cho là khổ. Chính đó là điên đảo.

    Nếu ta nói rằng : Như-Lai là thường thời là chấp ngã, vì chấp ngã nên có vô lượng tội, thế nên phải nói Như-Lai là vô thường, nói như thế thời ta vui thích.

    Như-Lai là vô thường chính đó là khổ, nếu đã là khổ thế nào sanh vui. Bởi ở trong khổ tưởng cho là vui nên gọi là điên đảo.

    Nơi vui tưởng cho là khổ, gọi đó là điên đảo. Vui tức là Như-Lai. Khổ tức là Như-Lai vô thường. Nếu nói Như-Lai là vô thường đây gọi là nơi vui tưởng cho là khổ.

    Như-Lai thường trụ, gọi là vui.

    Nếu ta nói rằng : Như-Lai là thường, sao lại nhập nơi Niết-bàn. Nếu nói Như-Lai chẳng phải là khổ, sao lại bỏ thân mà diệt độ. Bởi ở trong vui tưởng cho là khổ nên gọi đó là điên đảo. Các điều tưởng lầm như trên gọi là sự điên đảo thứ nhứt.

    “ Vô-thường tưởng là thường, thường tưởng là vô-thường”, đây gọi là điên đảo.

    Vô thường chỉ chẳng tu pháp không. Vì chẳng tu pháp không nên thọ mạng ngắn ngủi.

    Nếu có người cho rằng chẳng tu pháp không tịch thời đặng trường thọ. Quan niệm đó gọi là điên đảo. Đây là sự điên đảo thứ hai.

    “ Vô-ngã tưởng là ngã, ngã tưởng là vô-ngã”, đây là điên đảo.

    Người đời cũng nói có ngã, trong Phật pháp cũng nói có ngã.

    Người đời dầu nói có ngã nhưng không có Phật tánh, đây thời gọi là nơi vô-ngã mà tưởng là ngã gọi đó là điên đảo.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  6. #96
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 7 _ PHẨM TỨ ĐẢO THỨ MƯỜI MỘT
    __________________________________________________ ______________________________________


    Phật pháp nói có ngã tức là Phật tánh. Người đời lại nói Phật pháp không ngã, đây gọi là nơi ngã tưởng là vô ngã. Nếu nói Phật pháp quyết định vô ngã nên đức Như-Lai dạy hàng đệ tử tu tập pháp vô ngã. Lời trên đây là điên đảo. Đây là điều điên đảo thứ ba.

    Tịnh tưởng là bất tịnh, bất tịnh tưởng là tịnh, đây gọi là điên đảo.

    Tịnh chính là Như-Lai thường trụ, chẳng phải thân tạp thực, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân thịt, chẳng phải là thân gân xương ràng rịt.

    Nếu có người nói rằng Như-Lai là vô thường, là thân tạp thực, là thân thịt, là thân gân xương ràng rịt, cũng cho rằng Pháp, Tăng, Giải thoát đều là diệt tận, đó gọi là những quan niệm điên đảo vì tịnh mà cho là bất tịnh.

    Bất tịnh tưởng cho là tịnh, gọi đó là điên đảo.

    Nếu có người nói rằng trong thân của ta đây không có một pháp nào là bất tịnh cả, bởi không có bất tịnh nên quyết định sẽ đặng vào nơi chỗ thanh tịnh. Thuyết tu bất tịnh quán của Như-Lai là thuyết hư-vọng.

    Trên đây là quan niệm điên đảo. Đó gọi là điều điên đảo thứ tư”.


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng : “Thế-Tôn ! Từ nay con mới đặng chánh kiến. Bạch thế-Tôn, trước đây chúng con đều là người tà kiến cả".

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  7. #97
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 8 _ PHẨM NHƯ LAI TÁNH THỨ MƯỜI HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    12. PHẨM NHƯ LAI TÁNH THỨ MƯỜI HAI

    (Hán bộ phần trên quyển thứ tám)


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “Thế-Tôn ! Hai mươi lăm cõi có ngã cùng chăng ?

    Phật dạy : “Nầy Thiện-nam-tử ! Ngã tức là nghĩa Như-Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của Ngã. Nghĩa của Ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được.

    Như cô gái nghèo, trong nhà có nhiều kho tàng vàng vòng, tất cả người nhà không ai biết. Một hôm có người khách lạ khéo biết phương tiện bảo cô gái nghèo : “Nay tôi thuê cô dọn cỏ rác cho tôi”.

    Cô gái liền đáp : “Nếu ông có thể chỉ kho vàng cho tôi, rồi tôi sẽ dọn cỏ rác cho ông”.

    Người khách nói : “Tôi biết cách thức, có thể chỉ kho vàng cho cô.”

    Cô gái nói : “Tất cả người nhà của tôi còn chẳng biết được, huống là ông mà có thể biết !”

    Khách lại nói : “Nay tôi có thể biết chắc chắn”.

    Cô gái nói : “Tôi gấp muốn thấy, ông nên chỉ cho tôi”.

    Người khách liền ở trong nhà cô, đào được kho vàng ròng. Cô gái thấy kho vàng lòng rất vui mừng ngạc nhiên lạ lùng, kính trọng người khách.

    Nầy Thiện-nam-tử ! Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, tất cả chúng sanh chẳng nhận thấy được. Khác nào cô gái nghèo có kho vàng mà chẳng biết. Hôm nay ta chỉ bày Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh hiện bị các phiền não che đậy. Như cô gái nghèo kia trong nhà sẵn có kho vàng nhưng không thấy được. Hôm nay đức Như-Lai chỉ bày kho báu giác tánh cho chúng sanh, đây chính là Phật tánh. Chúng sanh thấy được tánh nầy lòng rất vui mừng quy ngưỡng đức Như-Lai.

    Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Như-Lai. Cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sanh. Kho vàng ròng dụ cho Phật tánh.

    Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như cô gái sanh một trai trẻ nầy mắc bịnh, cô gái buồn rầu tìm y sĩ. Y sĩ đến xem bịnh, dùng ba thứ bơ, sữa đường phèn hiệp lại bảo cho đứa trẻ uống. Y sĩ dặn cho cô gái, đứa trẻ sau khi uống thuốc chớ cho nó bú, phải chờ thuốc tiêu hóa, rồi mới được cho bú

    Cô gái liền lấy chất đắng thoa trên vú rồi bảo đứa bé : “Vú của mẹ đã thoa thuốc độc, con chớ chạm đến”.

    Đứa bé đói khát muốn bú, nhưng nghe mùi đắng trên vú bèn chẳng dám gần. Thời gian sau thuốc uống đã tiêu hoá, người mẹ lấy nước rửa sạch vú mình, gọi con đến bú.

    Lúc đó đứa trẻ mặc dầu đói khát nhưng nhớ mùi đắng nên chẳng dám đến bú.

    Người mẹ bảo : “Vì con uống thuốc nên mẹ lấy chất đắng thoa trên vú. Thuốc con uống đã tiêu hóa, vú của mẹ cũng đã rửa sạch, giờ đây con có thể đến bú không hại gì.”

    Đứa trẻ nghe mẹ bảo lần lần đến bú.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  8. #98
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 8 _ PHẨM NHƯ LAI TÁNH THỨ MƯỜI HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy Thiện-nam-tử ! Đức Như-Lai cũng vậy. Vì độ tất cả chúng sanh nên dạy tu pháp Vô ngã. Nhờ tu pháp đó dứt hẳn tâm chấp ngã, được nhập Niết- bàn. Vì trừ những vọng kiến trong đời nên thị hiện pháp xuất thế gian. Lại chỉ rõ quan niệm chấp ngã của người đời là hư vọng chẳng phải chơn thật, nên dạy tu pháp vô ngã để được thân thanh tịnh.

    Như cô gái kia chữa bịnh cho con, nên lấy chất đắng thoa trên vú. Cũng vậy, Đức Như-Lai vì dạy tu pháp không nên nói các pháp đều không có ngã.

    Như cô gái kia rửa sạch vú rồi kêu con đến bú. Cũng vậy, đức Phật hôm nay nói Như-Lai Tạng (NGÃ).

    Vì thế nên các Tỳ-kheo chớ sanh lòng kinh sợ.

    Như đứa trẻ kia nghe mẹ kêu lần lần đến bú. Cũng vậy, các Tỳ-kheo nên tự phân biệt Như-Lai tạng, chẳng được, chẳng có.


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “Thế-Tôn ! Thiệt không có ngã. Vì lúc đứa trẻ mới sanh không hiểu biết. Nếu là có ngã thời ngày mới sanh lẽ ra liền có hiểu biết. Do nghĩ nầy nên định biết là không ngã.

    Nếu quyết định có ngã, sau khi đã thọ sanh, lẽ ra không chết mất. Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. là thường trụ, lẽ ra không hư hoại. Nếu là không hư hoại, sao lại có Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, Chiên-đà-la, Súc sanh v.v… sai biệt nhau. Hiện nay thấy các thứ nghiệp duyên chẳng đồng, các loài đều riêng khác. Nếu quyết định có ngã, thời tất cả chúng sanh lẽ ra không hơn kém.

    Do những nghĩa trên đây nên định biết Phật tánh chẳng phải là pháp thường trụ.

    Nếu cho rằng Phật tánh quyết định là thường trụ, thời do duyên gì lại nói có sát sanh, trộm cướp, tà dâm, lưỡng thiệt, ác khẩu. Vọng ngôn, ỷ ngữ, tham lam, sân khuể, tà kiến.

    Nếu Ngã tánh là thường trụ, cớ gì sau khi uống rươu lại say mê.

    Nếu Ngã tánh là thường trụ, thời kẻ mù lẽ ra thấy sắc, kẻ điếc lẽ ra nghe tiếng, kẻ câm lẽ ra nói được, người què lẽ ra có thể đi.

    Nếu Ngã tánh là thường trụ, lẽ ra chẳng còn tránh hầm lửa, nước lụt, thuốc độc, dao gươm, kẻ ác, thú dữ.

    Nếu Ngã là thường trụ, thời những việc đã từng nghe thấy lẽ ra chẳng quên. Nếu chẳng quên cớ gì lại nói : tôi đã từng thấy người nầy ở chỗ đó.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  9. #99
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 8 _ PHẨM NHƯ LAI TÁNH THỨ MƯỜI HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nếu Ngã là thường, thời lẽ ra chẳng nên có niên thiếu, tráng niên, lão thành v.v… Lẽ ra chẳng nên có thạnh, suy, mạnh, yếu cùng nhớ đến việc đã qua.

    Nếu Ngã là thường, thời nó ở chỗ nào ? Nó ở trong nước mũi, nước miếng, hay ở trong các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng ư !

    Nếu Ngã là thường, lẽ ra nó phải khắp trong thân, như dầu mè không chỗ hở trống. Nếu như vậy lúc chặt đứt thân thể, thời Ngã đó lẽ ra cũng bị đứt !”


    Phật bảo Ca-Diếp Bồ-tát : “Thiện-nam-tử ! Ví như nhà vua có đại lực sĩ. Trên trán lực sĩ gắn hột châu Kim cương. Lực sĩ nầy cùng người đánh vật. Hột châu Kim cương bị đầu kẻ địch đụng lún khuất trong da, Nơi đó thành vết thương. Liền nhờ y sĩ cứu chữa. Y sĩ tài giỏi xem vết thương biết là do hột châu lún vào ở khuất dưới da. Y sĩ hỏi lực -sĩ : “Châu Kim cương trên trán của ông đâu rồi ?”

    Lực sĩ kinh hãi đáp : “Hột châu trên trán của tôi đã mất rồi ư ? Nó rơi rớt ở đâu ?” Nói xong lo rầu khóc lóc.

    Y sĩ an ủi : “Nay ông chẳng nên buồn khổ. Vì lúc ông đánh vật, hột châu lún vào ở ẩn dưới da, bóng nó hiện ra nơi ngoài. Lúc các ông vật đánh nhau, lòng quá giận tức, nên hột châu lún vào trán mà chẳng hay biết”.

    Lực sĩ chẳng tin lời của y sĩ, nghĩ rằng : Nếu hột châu ở dưới da, máu mũ chảy tuôn cớ sao hột châu chẳng trồi lên. Còn nếu hột châu ở trong gân, lẽ ra không thể thấy. Hoặc giả y sĩ gạt gẫm ta chăng ? Bấy giờ y sĩ cầm gương soi trên mặt lực sĩ. Hột châu Kim cương hiện ánh sáng trong gương. Lực sĩ nhìn thấy, ngạc nhiên mừng rỡ.

    Nầy Thiện-nam-tử ! Tất cả chúng sanh cũng như vậy. Vì không được gần gũi bực Thiện-tri-thức, dầu có Phật tánh mà đều không nhận thấy. Bị tham, sân, si che đậy. Vì thế nên đọa Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỹ, A-tu-la, Chiên-đà-la, Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà. Sanh vào trong các dòng đó, nhơn tâm tưởng mà gây ra các thứ nghiệp duyên. Dầu được thân người, nhưng phải điếc, đui, câm, ngọng, què, thọt; thọ các quả báo trong hai mươi lăm cõi. Vì tham, sân, si, che lấp bổn tâm, nên chẳng biết Phật tánh. Như lực sĩ kia hột châu vẫn ở trong thân mà hô đã mất.

    Cũng vậy, chúng sanh chẳng biết gần gũi Thiện-tri-thức, chẳng biết bảo tạng Như- Lai, nên tu học Vô ngã. Như hạng chẳng phải bực Thánh, dầu nói là có Ngã, nhưng lại chẳng biết chơn tánh của Ngã.

    Hàng đệ tử của ta cũng giống như vậy, vì chẳng biết gần gũi bực Thiện-tri- thức, nên tu học Vô ngã mà chẳng biết chỗ thật của Vô ngã. Còn chẳng tự biết chơn tánh của Vô ngã, huống lại có thể biết chơn tánh của Ngã.

    Nầy Thiện-nam-tử ! Đức Như-Lai nói các chúng sanh đều có Phật tánh, ví như y sĩ chỉ hột châu Kim cương cho lực sĩ, các chúng sanh nầy bị vô lượng phiền não che đậy chẳng biết Phật tánh. Nếu dứt hết phiền não, bây giờ mới đặng chứng biết rõ ràng. Như lực sĩ thấy hạt châu trong gương sáng.

    Tạng Như-Lai vô lượng chẳng thể nghĩ bàn như vậy.



    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  10. #100
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 8 _ PHẨM NHƯ LAI TÁNH THỨ MƯỜI HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như núi Tuyết có một vị thuốc tên là “Dược vị”. Thuốc đó rất ngọt, ở dưới lùm bụi rậm, người không thấy được. Có người nghe mùi thuốc liền biết chỗ đó chắc có thuốc ấy. Thuở trước có vua Chuyển Luân ở nơi núi Tuyết nầy đặt những bọng cây để tiếp lấy thuốc. Lúc thuốc đó chín thời từ đất chảy ra chứa vào trong bọng cây, mùi vị thuốc ngọt ngon. Sau khi Vua đã băng, thời thuốc đó hoặc chua, hoặc mặn, hoặc ngọt, hoặc đắng, hoặc cay, hoặc lạt, tùy địa phương của thuốc sanh ra mùi vị đều khác nhau. Nhưng vị thật của thuốc đọng ở nơi núi như mặt trăng tròn. Người phàm ít phước dầu có đào xới chỉ luống khốn khổ mà không thể được; lúc có Thánh-Vương ra đời, vì phước lớn của Vua, liền đặng vị thật của thuốc.

    Nầy Thiện-nam-tử ! Mùi vị tạng Như-lai cũng như vậy, bị các rừng bụi phiền não che đậy, chúng sanh mê mờ chẳng thấy được.

    “Dược vị” trên kia dụ cho Phật tánh. Bởi các phiền não nên sanh ra các thứ mùi vị sai khác như là Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỹ, Trời, người, Nam, Nữ, Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà v.v…

    Phật tánh hùng mãnh không thể hư hoại, vì thế nên không ai có thể sát hại được. Nếu sát hại được thời Phật tánh dứt, nhưng Phật tánh trọn không thể dứt, vì không bao giờ tánh có thể dứt được.

    Như tánh của Ngã tức là tạng Như-Lai không có gì phá hoại, đốt cháy được tánh ấy. Dầu không có thể phá hoại, nhưng chẳng thấy được. Nếu chứng đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mới thấy được tánh. Do cớ đó nên không ai có thể sát hại được.


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng : “Thế Tôn ! Nếu không ai sát hại được, thời lẽ ra không có nghiệp bất thiện ?”

    Phật nói : “Nầy Ca-Diếp ! Thiệt có sát sanh. Vì Phật tánh của chúng sanh ở trong thân ngũ ấm, nếu sát hại ngũ ấm, gọi là sát sanh, đã có sát sanh, thời đọa ác thú.

    Do nhơn duyên của nghiệp mà có Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ- đà,Chiên-đà- la, nam-nữ v.v… hai mươi lăm cõi sai khác lưu chuyển trong dòng sinh tử.

    Người chẳng phải bực Thánh vọng chấp tướng của Ngã là lớn hay nhỏ, bằng hột cỏ, hoặc bằng hột gạo, hột đậu, nhẫn đến bằng ngón tay cái, họ vọng sanh các thứ tưởng tượng như vậy, tướng của vọng tưởng không có chơn thật.

    Tướng Ngã xuất thế gian, gọi là Phật tánh. Nhận lấy Ngã nầy, gọi là rất lành.

    Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có người giỏi biết kho báu dưới đất, liền lấy cuốc bén đào đất, thẳng đến đá bàn, cát, sỏi, có thể đào qua không khó, chỉ đến lớp Kim cương thời không thể xoi thấu.

    Luận về chất Kim cương, tất cả dao búa không thể làm hư bể. Phật tánh của chúng sanh cũng lại như vậy, tất cả nhà biện luận, Thiên-ma, Ba-tuần, cho đến các hàng Trời, Người, không thể phá hoại.

    Tướng ngũ ấm là hữu vi, tướng hữu ví dụ như đá, cát, sỏi, có thể đào, có thể xoi. Phật tánh dụ như Kim cương, không thể phá hoại được.

    Do nghĩa nầy, nên phá hoại thân ngũ ấm thời gọi đó là sát sanh.

    Nầy Thiện-nam-tử ! Nên biết quyết định rằng Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn như vậy.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
    Gửi bởi Mây trắng trong mục Kinh
    Trả lời: 219
    Bài cuối: 04-06-2017, 08:30 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •