DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 5/20 ĐầuĐầu ... 3456715 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 41 tới 50 của 196
  1. #41
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Nhà vua đứng ngước mắt nhìn xem ông Tiên này có phản kháng với mình gì không? Nhưng không.

    Ngay giờ phút ấy quả đất tự nhiên rung động sáu lần, năm trăm vị tiên đệ tử theo Ngài tu học bay vót lên hư không ngó xuống hỏi rằng:

    - Lạy thầy! Thầy bị đau khổ như vậy có khỏi mất tâm nhẫn không?

    Đáp: - Tâm ta vẫn bình tĩnh và cũng là tăng thượng duyên cho tâm nhẫn của ta lại càng thêm vững chắc!

    Tới đây ông vua đã từ từ hạ cơn ghen, nhìn thấy ông Tiên vẫn thản nhiên, sự nhẫn đã thế, lại còn sự đau cũng không thấy hoài tâm, dịu giọng hỏi:

    - Nhà ngươi tự nói tu phép nhẫn nhục lấy gì làm bằng cớ, cho có sự thật?

    Đáp: - Ta không nói nhà vua cũng thấy được sự thật của ta, một là ta không khuất phục dưới thế lực áp bức bất minh thiếu nhận xét, hai là ta không quan tâm đến lưỡi kiếm của nhà vua chém ta, và ta cũng không có ác niệm gì đối với sự hung tàn của nhà vua, muốn biết rõ sự thật ta sẽ nguyện rằng: Nếu quả ta có thực hành đạo nhẫn nhục, huyết sẽ biến ra sữa, thân sẽ bình phục như cũ.

    Đại Tiên nói xong, huyết tự nhiên biến ra sữa, thân thể lại hoàn toàn như xưa.

    Nhà vua thấy sự nhẫn nhục của đại tiên hiển nhiên quá! Cảm động quá rùng mình, sởn gáy, sợ toát mồ hôi! Là mình đã quá ư nóng giận với tâm mê chấp tham dục nếu ta không xin lỗi sẽ bị chiêu họa.

    Nhà vua vội vất kiếm xuống đất, quỳ trước mặt đại tiên thưa rằng:

    - Thưa Đại Tiên, tôi đã hiểu lầm, vì quá si mê nên hôm nay đối với Ngài một cách quá đáng, vô nhân đạo, cúi xin Ngài tha thứ nhận lòng thành sám hối của tôi.

    Đại Tiên đáp: Hôm nay nhà vua cũng vì nữ sắc, quá giận dùng kiếm chém ta tâm nhẫn của ta như đại địa, ta thề rằng sau khi ta được thành Phật ta sẽ dùng tuệ đao, chém ba cái độc, tham, sân, si cho nhà vua trước.

    Nhà vua thấy Đại Tiên đã hoan hỷ tha thứ, và nhận lời tạ lỗi của mình, vái chào ra về.

    Lúc ấy trong núi có các bộ Long, Vương, bộ quỷ thần thấy vua Ca Lợi vô cớ làm huỷ nhục vị Đại Tiên, tức giận nổi cơn lôi đình làm cho mây khói u ám rợp trời, sấm sét vang dội, ý muốn hại vua và đánh chết họ hàng nhà vua cho bằng hết.

    Đại Tiên thấy thế ngửa mặt lên trời nói rằng:

    - Các ông nên buông lòng bao dung toả khắp muôn loài, nếu có thiện chí với tôi, bênh tôi, thì xin đừng làm hại nhà vua!

    Từ đó vua Ca Lợi, tự hạ mình xuống như người đệ tử tôn kính Đại Tiên như thầy, luôn luôn đến thăm viếng cúng dàng, cũng có lúc mời về Vương cung giảng dạy.

    Thời ấy cũng có một bọn Phạm Chí chừng ngàn người tu theo tà đạo, thấy vua Ca Lợi kính trọng biệt đãi vị Đại Tiên, sinh lòng ghen ghét thuê người lấy phân trát lên toà ngồi của Đại Tiên, lúc vắng mặt, đã nhiều lần nhưng không biết rõ kẻ nào có tâm nham hiểm xấu xa, một thái độ đê hèn; sau cùng do sự điều tra chắc chắn của nhà vua, bắt được những kẻ gian ác đem ra tra hỏi, chúng tự xưng là bọn Phạm Chí mướn. Lập tức vua Ca Lợi hạ lệnh bắt hết nhóm Phạm Chí lại cung môn.

    Đại Tiên vốn lòng từ bi và đương thực hành đạo nhẫn nhục, nên xin vua tha tội cho họ. Trước nhà vua và đại chúng, Đại Tiên phát thệ rằng:

    - Tôi vì chúng sinh tu hạnh nhẫn nhục tích góp công phu không lười mỏi, để cầu thành Phật, sau khi được thành tựu, tôi sẽ lấy nước pháp trí tuệ tẩy trừ cho hết trần cấu uế dục lũ các người này được trong sạch trước.

    Tới đây Phật nhắc lại cho tôi hay rằng:

    - A Nan! Ông Sàn Đề Bà La thuở đó chính là tiền thân của ta, vua Ca Lợi nay là ông Kiều Trần Như, bốn quan đại thần thuở đó nay là bốn vị Tỷ Khưu cùng nhóm với ông năm người, còn ngoài đạo Phạm Chí lúc đó nay là ông Uất Tỳ La Ca Diếp và ngàn vị Tỷ khưu này.

    Thuở đó ta thề nguyện độ cho các ông ấy trước, nay ta thành Phật nên các ông ấy được độ trước. Như vậy biết lời thề nguyện không sai.

    Khi đại chúng nghe Phật nói xong, ai nấy đều vui mừng, tán thán hạnh nhẫn nhục của Ngài thực là hy hữu, rồi cùng nhau lễ tạ lui ra.


    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  2. #42
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Phẩm XIII. VUA TỪ LỰC CHO HUYẾT



    Chính tôi được nghe: Một thời Ðức Phật ở nước Xá Vệ tại vườn Kỳ Hoàn buổi sáng ấy, bầu trời êm ả, thả làn gió nhẹ qua những hàng cây vi vút; buổi trà nước dâng Phật vừa xong, tôi (A Nan) ra khoảng rừng vắng tọa thiền dưới gốc cây tự nghĩ như vầy: Đức Phật ra đời biết bao người được nhờ ơn tế độ, thế giới thanh bình, nhân dân an lạc, cây cỏ xinh tươi, muôn loài hớn hở, là do nhờ đức hóa của Ngài, lại nghĩ rằng: Nhóm ông Kiều Trần Như trồng nhân lành gì? Nương nhân duyên gì? Cửa từ bi thuyết pháp cứu sinh, bọn ông được vào trước? Trận mưa cam lồ bắt đầu bọn ông được tắm trước? Nghĩ xong tôi đứng dậy về Tịnh Xá đem ý nghĩ trên bạch Phật, Phật bảo tôi rằng:

    - A Nan, nhóm ông Kiều Trần Như đã một lần bị chết đói, vì lòng từ bi nên ta trích huyết trong người ra cho các ông ấy uống, bởi thế nay được nghe pháp trước, giải thoát trước.

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn! Vì duyên gì mà các ông ấy bị đói? Tại sao không ăn các món khác lại phải uống huyết mới sống? Cúi xin Ngài nói lại cho con và đại chúng đây được rõ!

    Phật dạy rằng: - A Nan! Ông muốn biết câu chuyện ấy hãy chú ý nghe: Thuở đó tới nay tính số kiếp A Tăng kỳ đã quá lâu, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua nước lớn, tên là Di Già La Bát La (Tàu dịch: Từ Lực) cai trị tám mươi bốn ngàn nước nhỏ, hai vạn bà phu nhân, một vạn quan đại thần, nhà vua từ bi khoan hậu, đủ bốn tâm bình đẳng, thương dân giúp vật, thường đem mười điều lành giáo hóa, trong nước được thanh bình an lạc, muôn phương kính nể.

    Thời ấy có các loài Dịch Quỷ, hay đi bắt người để uống máu ăn tiết, chứ không sống bằng cơm gạo, ngô, khoai.

    Những người dân thuở đó theo lệnh của nhà vua bắt buộc ai cũng phải tu mười điều lành, giữ thân miệng, ý thanh tịnh. Vì thế bọn ác quỷ không dám đến gần, không thể bắt ai ăn được, nên chúng bị đói, chỉ còn da bọc xương, khí lực đã gần tuyệt. Bấy giờ có năm con quỷ đến tâu vua rằng:

    - Tâu bệ hạ: Chúng tôi sống bằng sự ăn uống khí huyết của loài người. Nhà vua dạy dân tu theo mười điều lành; vì họ tu theo mười điều lành, nên có các thiên thần ủng hộ, chúng tôi không dám bắt ăn thịt, bị đói đã lâu, chỉ còn chờ chết. Vậy nhà vua làm hạnh từ bi há không thương lũ chúng tôi sao?

    Nhà vua nghe quỷ nói, trong tâm rất cảm động, hỏi rằng:

    - Ngoài máu thịt người các ngươi dùng gì?

    - Tâu Đại Vương máu thịt người là món chính, ngoài ra không dùng món gì có thể bảo tồn được thể xác.

    Vì quá thương họ đói, nên nhà vua lấy dao khoét mình ra năm lỗ rồi nói:

    - Máu của ta đây các ngươi lấy bát lại hứng mà uống.

    Bọn quỷ vui sướng quá! Đương đói, tranh nhau cầm bát lại vừa hứng vừa uống, uống xong lạy tạ xin về.

    Nhà vua nói: - Hãy khoan! Ta bảo đã: Các người bị nghiệp báo làm thân quỷ là do đời trước ham uống máu ăn thịt chúng sinh, lại thêm lòng tham sẻn, nên rán tu theo mười điều lành, tương lai ta thành Phật ra sẽ lấy Pháp thân và huyết giới, định, huệ, để trừ tâm tham dục ba độc đói khát cho lũ ngươi, và sẽ đưa lũ ngươi tới chỗ an vui vĩnh viễn.

    Tới đây Ðức Phật nhắc lại rằng:

    - A Nan! Nên biết: Vua Từ Lực thuở đó chính là tiền thân của ta đây, năm quỷ dạ xoa, nay là nhóm ông Kiều Trần Như năm người. Thuở đó ta hứa độ cho bọn ông ấy trước, nên nay các ông ấy được nghe thuyết pháp trước, và được giải thoát trước.

    Bây giờ, tôi và đại chúng được nghe câu chuyện đời quá khứ của Ngài và năm ông, ai ai cũng sợ toát mồ hôi, với lòng đại bi của Ngài, với chí sắt đá của Ngài ai mà bì kịp, rồi cùng nhau lễ tạ lui ra.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  3. The Following User Says Thank You to minh thức For This Useful Post:

    luanhoi (05-10-2016)

  4. #43
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Phẩm XIV. HÀNG PHỤC LỤC SƯ



    Chính tôi được nghe: Một thời Ðức Phật ở thành Vương Xá, tại vườn Trúc cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Khưu ở đó.

    Vua Bình Sa là người mến mộ Phật giáo, ông theo Phật nghe thuyết pháp đã lâu, và thực hành tu tiến, nên bấy giờ ông đã chứng được sơ quả, bởi vậy, lòng tin của ông lại càng kiên cố. Ông thường dâng thuốc thang, áo cà sa, giường đệm, món ăn quí lên cúng Phật và chư Tăng; ông rất tôn trọng, những người hay làm điều lành, và khi tới đâu, ông cũng khuyên người tu theo Phật giáo.

    Trong nước ông có bọn Phú La Na Lục Sư, làm giáo chủ ngoại đạo, cũng thời đó, nhưng ra đời trước Phật ít năm, họ đem tà thuyết để dối bịp dân, những kẻ cuồng si không biết nhận xét chánh tà theo họ rất đông. Song em nhà vua cũng theo học bọn chúng, làm một con tin thuần cẩn, trí óc ngâm chìm dưới nguồn sau của bọn họ. Đem tiền của cung cấp đã lâu ngày, tài sản bị khuynh vong, gia đình bại hoại, cũng như kẻ bị bùa mê, bánh mến, không khác.

    Đức Phật ra đời như vầng thái dương, xuất hiện luồng quang minh, soi khắp không gian muôn loài ấm áp, cây cỏ xinh tươi; ánh tuệ sáng đã tung tỏa khắp muôn phương, biết bao người đắc quả thành công trên đường giải thoát. Kẻ không biết theo một đạo giáo chân thật, khác gì loài rùa nằm dưới đầm sâu, cóng rét chịu quanh năm, mà không biết có ánh mặt trời trên đại địa, cũng như em vua Bình Sa, chịu buộc mình nơi tà giáo ngoại đạo, không biết nhận xét chánh tà.

    Vua Bình Sa thương em mê muội, với tính cố chấp, hết sức thuyết đạo lý của Phật giáo cho nghe, và giục em mời Phật; phải tôn kính Phật, phải bỏ tà đạo, người em vẫn không chịu nhận lời và thưa rằng:

    - Thưa anh! Muôn triệu người trên vũ trụ bao la, mỗi người một ý nghĩ khác nhau, không ai giống ai; mỗi người có sự nhận xét riêng, mỗi người có một sở thích riêng, anh theo giáo lý đạo Phật, anh khen Phật hay, tôi theo phái Lục Sư dĩ nhiên tôi hợp với lý trí của tôi là phải là đúng, là cao, tôi mới theo, nhưng anh đã nói tôi sẽ mời thầy tôi và Phật đàm luận về đạo lý hơn kém sẽ bày tỏ.

    Nhà vua cười nói: - Hay lắm! Nay mai chú mời luôn đi, nhưng chú phải cam đoan với tôi. Nếu Phật hơn thì chú phải bỏ thầy chú theo Phật cùng tôi, nếu Phật kém tôi sẽ bỏ Phật để theo cùng chú!

    - Vâng! Dĩ nhiên.

    Ngày mai vua Bình Sa lên bạch Phật rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn! Muốn cho toàn quốc dân thoát khỏi vòng ác đạo, cùng được hưởng sự an vui từ đời này cho đến kiếp khác, con nhận thấy ngoài sự giáo hóa của Ngài ra thì không có đạo giáo nào hơn được, dân con có bọn Lục Sư, cũng đường một tôn giáo, đem những tà thuyết mị dân, đưa người vào hố sâu hang hiểm làm mồi cho hùm, beo, lang sói, chết đọa tam ác đạo. Con có người em cũng theo bọn chúng, hết sức răn bảo mà không chuyển lòng, con định bảy ngày nữa, mời Thế Tôn ra thí tràng, sau đó cho tìm bọn Lục Sư tới, để Ngài hóa phục dẹp bỏ đạo tà, hiển dương chánh đạo, một yếu điểm nhất là muốn cho quần chúng biết sức thần biến và đạo lý của Ngài để họ tự bỏ rơi bọn Lục Sư, cúi xin từ bi hoan hỷ cho chúng con được trượng thừa công đức!

    Đừc Phật mỉm cười nói:

    - Việc ấy cũng nên, làm Nhân Chúa có trách nhiệm mở mang trí óc khôn sáng cho dân, làm gấp ta vui lòng!

    Nhà vua hoan hỷ lễ tạ lui ra, khi về hạ lệnh cho toàn quốc biết rằng:

    - Quốc dân nên biết! Trong bảy ngày nữa, Ðức Thế Tôn và Lục Sư sẽ đàm luận về đạo giáo, ai muốn biết, thì đến nơi thí tràng.

    Em vua Bình Sa sửa soạn bàn, ghế, tòa ngồi rất trang nghiêm, tới ngày thứ bảy Lục Sư tới trước tiên, em vua trịnh trọng mời lên ngồi tòa cao đẹp, các nhà văn hào dân chúng đến đông như kiến cỏ, nhưng không thấy Phật đến, người em vua hỏi:

    - Anh giục tôi mời ông Cù Đàm (Phật) các thầy tôi và dân chúng tới đông sao không thấy Ông ấy tới?

    - Chú đã đi mời Ngài chưa.

    - Chưa!

    - Chú sai người đi mời Ngài hoặc chú đi, hôm trước tôi mời Ngài đã hứa.

    Đương nói thì Phật đến, vua Bình Sa ra đón Phật, khi vào tới nơi, những tòa cao đẹp bọn Lục Sư đã ngồi hết cả, thấy thế nhà vua nóng lòng, nhưng không biết nói sao, chỉ riêng trách em mình. Đức Phật và chư Tăng phải ngồi tất cả những hàng ghế dưới.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  5. #44
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Khi Phật ngồi yên tĩnh chừng được ba phút, bỗng nhiên thấy Ngài và chư Tăng ngồi trên ghế cao, bọn Lục Sư ngồi dưới chót, Lục Sư hổ thẹn đứng dậy, em nhà vua lại vác ghế lên cao mời Lục Sư ngồi, ngồi xong chừng một phút lại thấy ghế dưới chót, Phật ngồi trên cao, cứ như thế đến ba bốn lần, nhưng vẫn bị ngồi hàng ghế cuối, tới đây họ biết không có năng lực gì địch thủ, nên chịu ngồi ngượng ở đó.

    Khi dâng nước, họ cứ theo thứ tự, tòa trên dâng trước, tòa dưới dâng sau. Đầu tiên dâng lên Phật.

    Phật nói:

    - Dâng Thầy của các ngươi trước, dâng ta sau cũng được!

    Theo lời Phật phán bảo, họ đưa nước dâng Lục Sư, khi giơ bình rót, tắc không chảy, sau dâng Phật, rót chảy, Phật rửa tay xúc miệng xong, làm phép chú nguyện.

    Xong việc trà nước bắt đầu dâng cơm, họ dâng Phật trước, Phật nói:

    - Hôm nay các ngươi không phải vì ta mà thết bữa cơm nay, ta chỉ là khách, Thầy các ngươi là mục đích hơn, ngươi hãy dâng Thầy ngươi trước để Thầy ngươi chú nguyện cho.

    Theo lời Phật dạy, bắt buộc họ mời Lục Sư chú nguyện, lúc chưa mời không sao, sau khi mời họ nhìn thấy Lục Sư hai hàm răng cắn chặt, không thấy nói năng cầu nguyện gì, chỉ biết giơ tay làm hiệu, xua những người ấy đến chỗ Phật, Phật làm phép chú nguyện xong.

    Bắt đầu dâng món ăn, Phật nói:

    - Hãy dâng Thầy các ngươi trước!

    Họ phải theo lời Phật dạy, khi dâng lên Lục Sư, các món ăn bay bổng lên hư không lơ lửng trên đó và không rơi, làm cách nào cũng không thể lấy được, chờ khi dâng món ăn lên Phật và Tăng Chúng xong, thì các món ăn ấy rơi xuống trước mặt Lục Sư.

    Khi dùng cơm xong, Phật gọi em vua bảo rằng:

    - Khanh mời thầy khanh thuyết pháp trước đi.

    Người em mời thuyết pháp, Lục Sư im thít không nói năng gì, té ra hai hàm răng cắn chặt lúc nào không biết, đồng thời bọn chúng giơ tay làm hiệu; ý nói đến mời Phật thuyết pháp còn ta bị câm họng ráo trọi.

    Bọn đồ đệ của Lục Sư biết thầy mình thất thế và kém hẳn đã có ý chán nản phát ra tự đáy lòng, bấy giờ em vua và dân chúng lại lễ Phật và mời Ngài thuyết pháp.

    Trước khi Phật thuyết pháp quả đất động chuyển sáu lần, hào quang năm sắc chiếu khắp đại thiên thế giới. Đức Phật như một đấng cha hiền thương đàn con dại, như một bực đại Giáo Sư đối với kẻ sơ tâm mới học, với đại chúng Ngài ra những lời hòa nhã dịu dàng, diễn thuyết các pháp, tính, tướng, phân biệt nghĩa lý sâu huyền, thế gian, và xuất thế gian.

    Đại chúng nghe xong có rất nhiều người được giác ngộ, em vua Bình Sa chứng được Pháp Nhãn Tịnh, ngoài ra còn có người sơ quả cho đến tam quả, còn những vị xuất gia được lậu tận, có vị phát tâm vô thượng chứng quả bất thoái. Toàn thể đại chúng dự hội hôm ấy ai ai cũng phân biệt được chánh tà, họ phát tâm tin kính ngôi Tam Bảo, trở về quy y Phật, thờ Phật làm Thầy và bỏ rơi bọn Lục Sư, không cúng dàng thừa sự chúng nữa.

    Tới đây mọi người đều đứng lên, ca tụng những công đức Ngài đã ban cho và phát nguyên xin theo làm đệ tử, đảnh lễ lui ra.

    Lục Sư vừa bị nhục, vừa mất thể diện căm hờn tụ tập lại một nơi bàn kế để trả thù Ðức Phật, họ ra nơi rừng vắng học tập các phép lạ, và nghiên cứu các kỹ thuật.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  6. #45
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Lúc ấy Thiên ma Ba Tuần thấy đồ chúng của mình thua Phật, dân chúng chán ghét, tất nhiên đạo của họ không truyền bá được, y liền bay xuống hóa làm hình Lục Sư tới để biểu diễn các phép lạ, và truyền phép cho Lục Sư, xong lại bay về Thiên Đàng.

    Lục Sư sau khi được phép của Ba Tuần truyền thụ vui mừng quá! Tự đắc chí cho là cao diệu, là tối thắng, chúng tập hợp bàn nhau rằng: - Hôm trước bọn ta bị nhục, mọi người phải ly tán, giờ đây xem sự thần biến của Thầy chúng ta truyền thụ, có dư để hàng phục ông Cồ Đàm Sa Môn, bây giờ yêu cầu vua lập một cuộc thi thần thông, để xem hơn thua thế nào, bàn nhau xong họ lên tâu rằng:

    - Tâu Bệ Hạ, chúng tôi sẽ có đủ pháp lực tài năng thần biến, xin Bệ Hạ lập một cuộc đấu phép với Phật, để cho quốc dân biết tài năng của chúng tôi.

    Nhà vua cười nói: - Lũ bây thực là ngu si quá, Phật có đạo đức cao siêu phép thần túc vô ngại, các ngươi muốn thi với Phật, chẳng khác lửa đom đóm muốn tranh ánh mặt trời, nước vết chân trâu đem ví với biển cả, loại Dã Can lại muốn thi hùng với muôn sư tử, đống đất tổ kiến đem ví với lực cao núi Tu Di, những hình lớn nhỏ coi thấy rõ ràng, thấp kém lại muốn nghển cao, các ngươi sao lại ngu lỗ quá như vậy?

    Lục Sư nói: - Tâu Bệ Hạ! Ngài chưa biết phép thuật của chúng tôi, đó là Ngài thiên vị, tự cho ông Cồ Đàm (Phật) là người tuyệt đối không còn ai hơn, chúng tôi quyết thử tài một phen hay dở Ngài sẽ rõ!

    Vua nói: - Tại sao bữa trước các ngươi không đem tài ra đối phó, nay còn nói khéo nói khôn làm chi?

    - Tâu Bệ Hạ! Hôm đó chúng tôi chưa đủ phép lực, bây giờ có đủ khả năng đối thủ!

    - Không sao! Muốn thì ta sẽ lên thưa với Phật, nhưng chỉ sợ các ngươi tự để nhục cho hậu thế!

    - Tâu Bệ Hạ! Chúng tôi xin hẹn bảy ngày nữa, Bệ Hạ hãy cho dân chúng sửa sang nơi thí tràng bằng phẳng.

    Sau khi Lục Sư ra về, nhà vua lên xe đi đến chốn Phật, lễ xong quỳ gối chắp tay thưa rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn! Bọn Lục Sư còn rắc rối quá; hôm qua chúng lên xin thi thần lực với Thế Tôn, con đã lấy lý luận phân trần và la mắng nhưng bọn chúng còn ra vẻ không chịu. Vậy kính xin Ngài ra sức thần biến để hóa phục bọn tà ác trở về chánh đạo, nhân đấy con và dân chúng được coi sự thần thông biến hóa của Ngài.

    Phật nói: - Hãy biết thế, ta tự tri thời.

    Vua Bình Sa lễ tạ lui ra, về vương cung sắc lệnh cho quân dân sửa sang nơi thí trường, đặt bàn ghế, kê tòa ngồi cao đẹp cúng Phật, chung quanh kết hoa, treo phan phướn, các ngả đường kéo biểu ngữ để cổ động cho dân chúng đến xem.

    Tới ngày thứ bảy Đức Phật và các vị đệ tử, từ thành Vướng Xá đi sang nước Tỳ Xá Ly, nước ấy có bọn ông Luật Xương và nhân dân ra đón rước.

    Buổi sáng ấy, dân chúng thành Vương Xá xôn xao, không biết Phật đi đâu, hỏi thăm mãi mới biết Ngài đi sang nước Tỳ Xá Ly.

    Lục Sư hay tin Phật đi, không ở lại đấu phép đắc chí nói:

    Ông Cồ Đàm (Phật) trí tuệ và thần biến kém, biết sức không địch nổi nên tìm đường tẩu thoát, thế mà mọi người còn do dự không tin.

    Tâm ngã mạn của Lục Sư lên cao quá, tự tuyên bố rằng:

    - Chúng tôi sẽ đuổi cho tới cùng.

    Được tin Phật sang nước Tỳ Xá Ly, vua Bình Sa lập tức sai sửa soạn lương thực năm trăm con ngựa, năm trăm xe, tổng số quan quân mười bốn ức người, sang nước Tỳ Xá Ly, Lục Sư cũng theo vua sang, chúng thưa với Luật Xương rằng:

    - Thưa Ngài! Chúng tôi tới đây muốn để thi thần thông, và đàm luận về thực tính với ông Cồ Đàm, xin Ngài cho ông ấy rõ, và hẹn bảy ngày nữa sẽ bắt đầu!

    - Vâng! Quí Ngài muốn thế, tôi sẽ thưa với Phật giùm.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  7. #46
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Luật Xương tới lễ Phật thưa rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn! Bọn Lục Sư si mê quá! Tự nói có đạo lực nên xin lên thi thần biến. Vậy kính xin Thế Tôn hàng phục bọn gian ác ấy!

    Phật nói: Hãy biết thế, ta tự tri thời!

    Luật Xương lễ tạ lui ra, về sửa soạn nơi thí tràng, lương thực các đồ cúng dàng trọng hậu, dân chúng nôn nao, chờ ngày để xem cuộc đấu thần thông.

    Sáng ngày hôm sau, Phật và Tăng chúng đi sang nước Châu Diệm Di, vua Ưu Điền đem quan quân ra đón tiếp. Cũng buổi sáng ấy nhân dân nước Tỳ Xá Ly xôn xao hỏi nhau rằng:

    - Sáng nay Đức Phật đi đâu?

    - Có người nói: Đức Phật và chúng Tăng sang nước Câu Diệm Di buổi sáng sớm.

    Lục Sư thấy thế, tâm ngã mạn lại càng lên cao, và đắc chí lắm, bảo nhau phải theo đuổi cho bằng cùng.

    Được tin Phật đi khỏi, ông Luật Xương đem năm trăm cỗ xe chở lương lực và bảy ức người cùng với vua Bình Sa sang nước Câu Diệm Di.

    Lục Sư vào yết kiến vua Ưu Điền rồi thưa rằng:

    - Tâu Hoàng Đế! Sa Môn Cồ Đàm, tự biết lực không địch nổi, nên thầy trò phải trốn sang đây, xin Hoàng đế cho chúng tôi thi thần thông với ông ấy!

    - Vâng! Quí Ngài muốn thế tôi sẽ thưa với Phật giùm!

    Ngày mai vua Ưu Điền lên bạch Phật rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn, Lục Sư ngày qua lên yêu cầu để thi thần thông, kính lạy Ngài có nhận lời ấy không!

    Phật nói: - Hãy biết thế, ta tự tri thời!

    Vua Ưu Điền lễ tạ ra về, sửa soạn nơi thí tràng chờ Phật định ngày đối thí. Sáng hôm sau Phật và Tăng chúng đi sang nước Việt Kỳ, vua Chuân Chân Đà La cùng với nhân dân ra nghinh tiếp Ðức Thế Tôn.

    Hôm sau người nước Câu Diệm Di không thấy Phật, xôn xao hỏi nhau thì có người nói:

    - Phật và chư Tăng sang nước Việt Kỳ sáng qua.

    Hay tin Phật đi khỏi, Lục Sư và vua Ưu Điền, vua Bình Sa và quan quân dân chúng, cũng đi sang nước Việt Kỳ. Lục Sư vào yết kiến Chuân Chân Đà La và trình bày ý kiến của mình, sau yêu cầu vua làm thế nào được đấu phép với ông Cồ Đàm.

    Đáp: - Vâng, quí Ngài muốn đấu tôi sẽ thưa với Phật."

    Vua Chuân Chân Đà La lễ lên Phật xong, rồi quỳ thưa những ý định của Lục Sư.

    Phật nói: - Hãy biết thế, ta tự tri thời!

    Nhà vua lễ tạ lui ra, về cung sắc lệnh cho quân sửa soạn và trưng bày nơi thí tràng, sắp tới ngày thi Phật và chư Tăng lại sang nước Đặc Xoa Thi Lợi, vua Nhân Đà Bà Di cùng với quan quân ra đón rước.

    Hay tin Phật đi khỏi, vua Chuân Chân Đà La với năm ức người, cùng với Lục Sư vua Bình Sa và tất cả đều theo Phật sang nước Đặc Xoa Thi Lợi.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  8. #47
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Lục Sư vào yết kiến vua Nhân Đà Bà Di và khoe khoang những lời cao đại rồi nhờ vua giới thiệu để thi thần thông với Phật. Nhà Vua nhận lời, lên bạch Phật rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn, hôm qua Vua các nước và quan quân đến đây đông lắm về việc thi thần thông với Lục Sư, cúi xin Ngài Từ Bi ra phép thần hàng phục kẻ tà đạo, để cho tất cả chúng sanh trong Châu Diêm Phù Đề theo về chánh giáo.

    Phật nói: - Hãy biết thế, ta tự tri thời!

    Ngày thi gần tới, Ðức Phật lại sang nước Ba La Nại, vua Phạm Ma Đạt hay tin Phật tới, đem quan quân ra biên giới đón Phật về thành.

    Buổi sớm mai dân chúng nước Đặc Xoa Thi Lợi, mang các món ăn ra đường đón Phật và Chư Tăng không thấy, hay tin Phật sang nước Ba La Nại, khi đó vua Nhân Đà Bà Di, vua Bình Sa, Lục Sư và tất cả các ông vua đều theo Phật sang nước Ba La Nại.

    Lục Sư vào yết kiến vua Phạm Ma Đạt và trình bày ý kiến của mình, lại yêu cầu vua làm cách nào được thi thần thông với Phật, nhà vua nhận lời.

    Sáng hôm sau vua Phạm Ma Đạt lên bạch Phật rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn, Lục Sư hôm qua lên xin thi thần thông với Ngài, cúi lạy Ngài ra phép thần biến tiêu diệt bọn ác quỉ hại dân vô ích.

    Phật nói: - Hãy biết thế, ta tự tri thời!

    Đêm ấy và Tăng chúng đi sang Ca Tỳ La Vệ.

    Hay tin Phật tới, ông Thích Chủng Bối và đại chúng ra đón Phật về Kinh.

    Sớm ngày mai, dân chúng nước Ba La Nại mới biết Ðức Phật đi du hóa nơi khác.

    Hay tin Phật đi khỏi, vua Phạm Ma Đạt, vua Bình Sa, Lục Sư và tất cả quan quân các nước, đi theo Phật, sang nước Ca Tỳ La Vệ.

    Lục Sư vào yết kiến ông Thích Chủng Bối và trình rằng: Đến đây mục đích để thi thần thông với Phật, nhà vua nhận lời, và hứa sẽ thưa với Phật giừm.

    Ngày mai ông lên lễ Phật xong bạch rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn, Lục Sư cố tình theo Ngài đòi thi thần thông, cúi xin từ bi hoan hỷ dẹp bỏ lũ ngoan cố mị dân, cho toàn cõi theo về một mối!

    Phật nói: - Hãy biết thế, ta tự tri thời!

    Ông Thích Chủng Bối sắc lệnh sửa sang nơi thí tràng, và ấn định ngày thi, xong sắp tới ngày thi, Ðức Phật và Tăng chúng sang nước Xá Vệ, vua Ba Tư Nặc nghe tin Phật tới đem quan quân ra biên giới đón.

    Ngày mai ông Thích Chủng Bối mới hay tin Phật đi khỏi. Ông Thích Chủng Bối đem chín ức người, vua Bình Xa, Lục Sư và Vua quan dân chúng các nước, đồng thời kéo sang nước Xá Vệ.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  9. #48
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Lục Sư vào tâu vua Ba Tư Nặc rằng:

    - Tâu Bệ Hạ! Chúng tôi muốn thi thần thông với ông Sa Môn Cù Đàm đã qua bao nhiêu nước, sắp kỳ thi ông tự biết không có lực địch nổi nên cùng đại chúng lẩn trốn sang đây, mong Bệ Hạ cho chúng tôi được thi thần thông với ông ấy!

    Vua Ba Tư Nặc mỉm cười nói: - Đức Phật có phép thần túc vô ngại, khi mới thành đạo, Thiên Ma Ba Tuần, thiên biến vạn hóa còn phải gục đầu xưng tội, quy y làm đệ tử, lũ ngươi đã ra gì, kẻ hèn mạt, thấp hèn, sao có thể đối đầu với ngôi Đại Pháp Vương được.

    Lục Sư nghe nói, nổi giận khí sắc biến đổi, tỏ vẻ bực tức vô cùng nói:

    Chẳng qua Ngài quá ư thiên lệch nói thế, Ngài đã biết thần biến của chúng tôi chưa?

    Nói xong ra về, tỏ vẻ bất mãn trước nhà vua.

    Ngày mai, vua Ba Tư Nặc đến chốn Phật đầu mặt lễ sát đất quỳ thẳng chắp tay bạch Phật rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn! Bọn Lục Sư ân cần xin thi thần thông, cúi xin ngài ra sức thần, tiêu diệt bọn con buôn không vốn, bịp bợm một cách giả đạo đức, nếu để chúng thì các dân tộc trên thế giới này bị đau khổ về vật chất lẫn tinh thần, vì chúng đủ mưu mô mánh khóe lừa gạt lòng người. Xong những người trí thức mới hiểu biết tâm thâm độc của bọn chúng.

    Phật nói: - Hãy biết thế, ta tự tri thời!

    Lần này vua Ba Tư Nặc quyết định mời Phật để đấu thần thông, ông sắc lệnh cho quan quân sửa sang nơi thí tràng bằng phẳng, bàn ghế tòa ngồi trang nghiêm, treo cờ phan phướn, lọng, kéo biểu ngữ, kết hoa treo đèn, mua rất nhiều hương hoa trình bày rất đẹp đẽ, ông lên điện nơi Ðức Thế Tôn ngự, ân cần tha thiết cầu thỉnh. Phật thấy ông nhiệt tâm thành khẩn, nên Ngài nhận lời. Giữa ngày mồng một tháng mười hai Phật ra thí tràng, Lục Sư với vua các nước, dân chúng đều đến đông đảo.

    Ngày ấy vua Ba Tư Nặc sửa soạn các món ăn ngon lành, buổi tinh sương dâng Phật một cành dương. Phật dùng nạo răng, nạo xong Ngài vẩy bựa xuống đất, tự nhiên sinh ra những cây cối xanh om, um tùm râm mát, cao đến năm trăm do tuần, cành lá rườm rà, sinh ra những bông hoa to như vòng bánh xe, kết thành những quả to, bằng cái bình đựng năm đấu lớn, cành cây gốc rễ hoa quả thuần bằng thất bảo, vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách v.v…, màu sắc tươi đẹp, phát sinh ra những ánh sáng lấn mặt trời, mặt trăng, người được nếm mùi vị quả ấy, thấy sung sướng ngon lành một cách siêu nhiên, nghĩa là trên thế gian chưa từng có, hương thơm diệu tỏa khắp không gian, qua mũi ai, họ thấy tính tình vui vẻ, gió hương ấy thổi tới đâu, làm cho muôn vật hớn hở xinh tươi, các cành lá đều phát ra những tiếng thuyết pháp, trong đại hội im phắc không một tiếng động để đón nghe những âm thanh dịu dàng hòa nhã, nghe vui không chán! Càng nghe càng cảm mến đạo mầu vô thượng, tất cả mọi người trong đại hội thấy sự biến hóa của cây này, tâm sinh tin kính ngôi Tam Bảo càng thêm khắng khít. Sau Phật giải đáp những nghĩa lý sâu huyền cho hợp với lý trí mọi người nên tất cả đều được hiểu ngộ, khi đó những người nhiệt tâm cầu Phật Pháp kết quả được sinh thiên, một số rất đông.

    Ngày thứ hai, vua Ưu Điền thỉnh Phật cúng trai. Hôm ấy Ðức Phật hóa ra hai quả núi báu đứng hai bên, núi này toàn bằng vàng bạc trân bảo hợp lại thành năm sắc huy hoàng, coi rất đẹp đẽ, trên núi có những cây mọc thành từng hàng, hoa quả tốt tươi, trong núi phát ra những mùi thơm ngào ngạt, một trái núi trên đỉnh sinh ra thứ lúa tám cánh, lúa này là một thứ lúa quý nhất trong các lúa, nếu đem nấu cơm thì mềm dẻo hương vị thơm ngon; một trái, ở trên đỉnh có thứ cỏ mềm nhũn thơm tho, béo bổ, những loài súc sinh tới ăn, ăn rồi khí lực sung túc có ánh sáng, phát sinh trí tuệ, tâm tình hòa vui.

    Tất cả mọi người thấy phát hiện hai trái núi lạ thường, và họ được ăn quả thấy an vui, thân thể cường tráng hết bệnh tật hết sầu não, nên họ một lòng tín ngưỡng ngôi Tam Bảo, Ðức Phật tùy theo căn cơ để diễn thuyết nghĩa lý cao diệu nhân quả luân hồi cho hợp với trình độ của họ, ai nấy trí óc khai sáng thấu rõ đạo mầu, phát tâm cầu đạo Bồ đề, kết quả sinh Thiên một số rất đông.

    Đến ngày thứ ba, vua Chuân Chân Đà La thỉnh Phật cúng dàng, buổi sáng sớm ông dâng Phật chén tịnh thủy, Ngài súc miệng rồi nhổ xuống đất, chốn đó tự nhiên thành một cái ao mỗi bề dài hai mươi dặm, quanh bờ ao thuần bằng ngọc thất bảo trộn lẫn nhau, các sắc phát ra chiếu sáng tưng bừng, nước đủ tám công đức, dưới lòng ao thuần cát thất bảo, trong ao có tám thứ hoa sen lớn như vành bánh xe, xanh, đỏ, trắng, hồng, tía, biếc đủ các sắc, lan tràn bốn mặt, ánh sáng của hoa tùy theo các sắc phát sinh, làm sáng choang trời đất.

    Thấy thế tất cả đại chúng đều vui mừng và ca ngợi Phật có đức vô lượng vô biên.

    Phật quan sát tâm niệm của từng cá nhân xong, Ngài tùy theo ý tưởng của mỗi người, để thuyết pháp, sau cuộc thuyết pháp này được rất nhiều người phát tâm cao thượng tăng phần phúc nghiệp, sinh Thiên rất đông.

    Đến ngày thứ tư, vua Nhân Đà Bà Di thỉnh Phật cúng dàng, ngày hôm ấy Ðức Phật làm cho nơi bảo địa đó, bốn mặt tự nhiên có tám dòng nước, sức chảy mạnh và xoáy kêu thành tiếng, phát ra những âm thanh mầu nhiệm thuần nói các pháp: "Ngũ Căn" "Ngũ Lực" "Lục Độ" "Thất Giác" "Bát Đạo" "Tam Minh" "Lục Thông" "Tứ Đẳng" "Đại Từ, Đại Bi", mọi người nghe rồi đều được giác ngộ và quán triệt đạo lý, tăng phần phúc tuệ, kết quả sinh Thiên rất đông.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  10. #49
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Ngày thứ năm, vua Phạm Ma Đạt thỉnh Phật cúng dàng, hôm ấy nơi miệng Ðức Phật phóng ra hào quang sắc vàng bao trùm khắp cõi đại thiên; hào quang ấy soi phải chúng sinh nào, thì "ba độc", "năm ấm" của chúng sinh ấy tiêu tan, thân tâm an lạc, cũng như các vị Tỷ Khưu nhập đệ tam thiền. Khi đó mọi người đều vui vẻ tán thán kính mến Ðức Phật rất tha thiết. Sau khi nghe thuyết pháp xong ai nấy đều khai tỏ lý trí, phát đạo tâm, tiến tu phúc tuệ, một số khá nhiều.

    Đến ngày thứ sáu, ông Luật Xương thỉnh Phật, hôm đó Ðức Phật làm cho tất cả mọi người trong đại hội tâm hiểu biết lẫn nhau, mỗi người đều có thể hiểu ý nghĩ của từng người, họ đang nghĩ thiện hay nghĩ ác, chí hướng hay hành nghiệp thế nào. Thấy thế ai cũng kính sợ Phật! Những sự mến mộ và vui mừng lại càng nồng nhiệt. Sau khi được nghe lời giảng của Ðức Phật, ai nấy sung sướng tâm trí mở mang, kết quả sinh Thiên cũng nhiều.

    Ngày thứ bảy, ông Thích Chủng Bối thỉnh Phật. Hôm đó Phật dùng sức thần tức vô ngại, khiến cho mọi người trong hội tự thấy mình là vua Chuyển Luân, có đủ cung điện, quan quân, ngọc nữ, thất bảo, lại thêm một ngàn người con, vua các quan văn võ đều đến triều phục nơi mình. Thấy thế ai cũng kinh hoảng ngơ ngác, không biết tại sao? Sau đó tự thấy như một giấc chiêm bao, ai cũng chứng tỏ do sức thần của Đức Phật hóa hiện, nên lại càng tăng phần tín hướng và phát tâm vô thượng Bồ Đề, kết quả sinh Thiên rất đông.

    Đến ngày thứ tám, vua Đế Thích thỉnh Phật, ngày đó vua Đế Thích bày tòa sư tử trang trí nơi Phật ngự, thuần bằng bảo vật trên thiên cung hương trời, nhạc trời, các món ngon quý dâng Phật, một bầu không khí khác hẳn với trần gian.

    Đức Phật và Tăng Chúng bước ra, theo sau có vua Đế Thích, vua Phạm Vương, các ông Thiên Tử, tiếp đến quan quân, dân chúng. Tới nơi Phật thăng tòa ngồi yên tĩnh, vua Đế Thích đứng hầu bên tả, vua Phạm Vương đứng hầu bên hữu tất cả đại chúng yên lặng, chờ đón Ðức Thế Tôn thuyết pháp và hiện thần biến cho xem, muôn ngàn triệu con mắt đều chiếu hướng Ðức Thế Tôn.

    Đức Phật dung nhan như vầng nhật nguyệt, hào quang sáng chói tựa núi vàng, miệng tươi như hoa nở, cất lời nói âm thanh vang xa khắp thế giới Đại Thiên, muôn loại chúng sinh đều hiểu thấu.

    Khi đó Ngài cất cánh tay vàng, vịn xuống tòa ngồi, tự nhiên có tiếng gầm lớn, vang động như sét đánh, mọi người đều giật mình run sợ! Ở dưới tòa sư tử của Ngài nhảy ra năm vị Đại Thần Quỷ nhìn như mặt sắt da đồng gầm tiếng như muôn sư tử thét, chạy xông lại kéo bọn Lục Sư xuống đất đạp tòa ngồi gẫy tan nát, tiếp đến Kim Cương mật Tích, tay cầm chày Kim Cương, trên đầu đầy lửa bốc lên vùn vụt, xông lại đánh bổ vào đầu Lục Sư.

    Lục Sư hoảng hồn chạy tán loạn, vừa thẹn vừa nhục, bị thần Kim Cương đuổi, cùng đường, nên chúng đâm đầu xuống sông chết cả. Còn chín ức đồ chúng trở lại theo Phật cầu xin làm đệ tử. Thể theo lòng từ bi, Phật cũng dung thứ và thâu nhận.

    Phật nói: - Thiện Lai Tỷ Khưu.

    Nói xong, những người ấy rụng hết tóc, áo trên mình biến thành áo Cà Sa, biến thành các vị Sa Môn theo Phật tu hành, không bao lâu hết lậu nghiệp thành La Hán.

    Ngày thứ chín, vua Phạm Thiên thỉnh Phật. Ngài hóa thân cao lớn tới cõi trời Phạm Thiên uy nghiêm hiển hách phóng hào quang sáng lớn, tưng bừng khắp cõi Đại Thiên thế giới, khi đó đại chúng ai ai cũng nghe thấy tiếng nói:

    Phật vì tất cả chúng sinh, diễn thuyết pháp yếu, khiến cho đại đa số người phát tâm cầu Phật, kết quả sinh Thiên nhiều không kể xiết.

    Ngày thứ mười, Tứ Thiên Vương thỉnh Phật. Lúc ấy Ðức Phật dùng phép Tam Muội vô ngại, khiến cho mọi người thân ấy đều phóng quang minh, và đương thuyết pháp cho đại chúng nghe.

    Trong đại hội hiển nhiên tai nghe, mắt thấy những thần thông biến hóa vô ngại của Ðức Thế Tôn, ai nấy đều tha thiết tôn kính Ngài như đấng Cha Lành. Sau được nghe Ngài giải thích sự diệu dụng của tâm Chân Như vô ngại thể tánh bất diệt vô sinh của mỗi chúng sinh đều có, nên nhiều người giác ngộ dự vào hàng "Bất Thoái" còn những người đắc quả sinh Thiên rất đông.

    Ngày thứ mười một, ông Tu Đạt thỉnh Phật. Hôm đó Ðức Phật đương ngồi trên tòa cao tự ẩn hình đi phóng quang minh sáng lòa trời đất, phát ra những tiếng dịu dàng, diễn thuyết phân minh các pháp yếu. Đại chúng nhiều người thấu tỏ đạo mầu, phát tâm vô thượng chứng ngôi A Duy Việt Chí, đắc quả sinh Thiên khá đông.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

  11. #50
    Avatar của minh thức
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    319
    Thanks
    278
    Thanked 188 Times in 77 Posts


    Ngày thứ mười hai, ông Cư Sĩ Chất Đà La thỉnh Phật cúng dàng. Ngày đó Phật nhập phép Từ bi Tam muội phóng quang minh sắc vàng, so khắp cõi Đại Thiên, hào quang ấy soi vào chúng sinh nào, thì chúng sinh ấy hết tâm "Tam độc" nảy tâm Từ bi, lại có con mắt "Bình đẳng"coi chúng sinh như cha như mẹ, như anh, như em, lòng yêu không thêm bớt, sau khi thuyết pháp nhiều người lên ngôi "Bất Thoái" và đắc quả sinh Thiên khá nhiều.

    Ngày thứ mười ba, vua Chuân Chân Đà La thỉnh Phật. Khi Phật thăng tòa ngồi yên tĩnh, nơi rốn Ngài phóng ra hai tia hào quang tỏa ra hai bên, cách thân bảy "nhận" (tức 56 thước) trên đầu hào quang đều có hoa sen, trên hoa có Ðức Phật hóa hiện, hình tướng cũng như Ðức Phật Thích Ca, các Ðức Phật ấy nơi rốn cũng phóng hào quang tẻ ra hai bên cách bảy nhật, trên những tia hào quang đều có hoa sen, trên hoa sen có Ðức Phật hóa hiện, cứ như thế chuyển biến lan tràn khắp cõi đại thiên, ai coi thấy cũng ngạc nhiên, vừa sợ vừa mừng, trộn lẫn!

    Lúc ấy Ðức Phật theo trình độ của từng người mà thuyết pháp nên nhiều người đắc quả sinh Thiên không kể xiết.

    Ngày thứ mười bốn, vua Ưu Điền thỉnh Phật. Hôm đó ông ra sắc lệnh cho các hàng hương hoa phải đem các thứ hương tốt, hoa tươi, quý đẹp vào dâng.

    Buổi sáng sớm Hoàng Đế Ưu Điền, Hoàng hậu hoàng phi thể nữ quan quân, âm nhạc ra thí tràng, nhìn thấy Phật ngồi tòa sư tử nghiễm nhiên như quả núi, hai mắt chiếu tinh quang, trông rất tôn nghiêm, ông và toàn thể gia đình cúi đầu lễ Phật rồi dâng hoa lên cúng dàng.

    Phật nhiếp phép thần túc biến những hoa ấy thành một ngàn hai trăm năm mươi bảy cỗ xe quý đẹp cao tới cõi trời Phạm thiên sáng như mặt trăng đêm rằm các bảo vật có ánh sáng phản chiếu nhau tưng bừng rực rỡ, như thần châu, tràng anh lạc, trang nghiêm nơi xe ấy, vô cùng tráng lệ.

    Trong các xe đều có các Ðức Phật ngồi, phóng quang minh bao phủ ba ngàn cõi.

    Đại chúng coi thấy sức thần biến như thế, trong tâm vừa kính mến, vừa vui mừng pha trộn lẫn nhau.

    Đức Phật thuyết pháp cũng như ông thầy thuốc tùy theo bệnh cho thuốc. Vì thế sau cuộc thuyết pháp, có rất nhiều người phát tâm hướng đạo, cũng có người được ngôi "Bất Thoái" kết quả sinh Thiên cũng nhiều.

    Ngày thứ mười lăm, vua Bình Sa thỉnh Phật cúng dàng. Hôm đó Phật phán cho ông sửa soạn các món ăn. Theo lời Phật dạy nhà vua sai người bày rất nhiều chén bát và các đồ để chứa món ăn trên bàn, khi bày xong tự nhiên các chén bát đầy các món ăn ngon quý trên Thiên cung, mùi cơm thơm ngào ngạt. Tất cả những người trong đại hội ăn cơm xong thân tâm dũng mãnh an vui.

    Sau bữa ăn, Ðức Thế Tôn chỉ ngón tay xuống đất, ai ai cũng được nhìn thấy mười tám Địa Ngục, và thấy rất nhiều tội nhân, những tội nhân ấy, tự nói những tội ác của mình đã tạo đời trước, nên nay họ phải chịu tội khổ.

    Thấy thế ai cũng thương hại và sợ hãi cho mình, nên thân thể đều run rẩy không yên!

    Để cho mọi người chứng tỏ của sự ác báo, có cụ thể, rồi Ngài phân tách những tội lỗi đó cũng do từ nơi thân miệng ý gây nên, và Ngài vạch vẽ những lối thoát khổ, nên nhiều người phát tâm đại đạo, kết quả sinh Thiên rất nhiều.

    Những tội nhân được thấy Phật và nghe thuyết pháp, họ tự phát sinh lòng tôn kính quay đầu về nơi Phật, thì những tội nhân ấy được sinh Thiên hoặc sinh làm người tất cả.

    Tới đây vua Bình Sa đến trước Ðức Thế Tôn, năm thể gieo xuống đất, lễ xuống ba lần, rồi quỳ thẳng chắp tay bạch Phật rằng:

    - Kính lạy Ðức Thế Tôn, Ngài có ba mươi hai tướng tốt đẹp, chúng con chỉ được coi thấy tướng ở thân Ngài, hoặc ở tay Ngài, nhưng chưa từng bao giờ được nhìn thấy luân tướng ở gan bàn chân, vậy kính xin cho con và đại chúng ở đây được chiêm ngưỡng.

    SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •