PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Một vị sư chiến sĩ



minhquang
11-12-2020, 07:37 AM
Một vị sư chiến sĩ


Ở Tây tạng và Mông Cổ, các vị sư Lạt-ma có nhiều hạng khác nhau. Một số vị vừa làm thầy tu vừa kiêm thêm một chức nghiệp khác nữa. Như có sư làm khoa bói toán, có sư biết pháp thuật, có sư giỏi thuật chiêm tinh, lại có sư làm lương y, hoặc cai quản điền thổ. Thậm chí còn có cả các vị sư lo việc cầm thương lên ngựa mà bảo vệ xứ sở và hộ trợ ngôi Tam bảo. Dưới đây, tôi dịch bài viết về một vị sư bí mật, là một chiến sĩ can đảm được người Mông Cổ thờ kính như thánh thần.

Trên đường đến thành Kobdo, nằm về vùng Ngoại Mông( ) miền Tây, vừa lúc trời chiều chúng tôi thấy một cái trại mục đồng gần bờ hồ Ba-ga-no.( ) Nhằm lúc bão dậy tuyết sa, nên chúng tôi định dừng chân tá túc nơi trại ấy. Phía ngoài có một con ngựa hồng rất đẹp đang đứng, những yên cương toàn bằng bạc khảm san hô. Chúng tôi từ ngoài đường bước vào, vừa lúc có hai người Mông Cổ từ trong trại đi ra một cách hối hả. Trong hai người ấy, một người thót lên ngựa và phóng nhanh đi ngay, lẫn khuất rất mau trong cánh đồng, phía sau mấy hòn núi tuyết. Chúng tôi vừa kịp thấy mấy vạt áo sáng ngời dưới một cái áo dài màu vàng, ở ngoài phủ một cái áo choàng rộng. Và chúng tôi cũng nhìn thấy một thanh gươm to, vỏ bằng da xanh, cán bằng sừng và bằng ngà. Còn người Mông Cổ kia là chủ nhà trại, làm mục đồng cho ông hoàng trong xứ, ông Nô-vông-xi-răng.( ) Người lấy làm vui mừng khi nhìn thấy chúng tôi, ân cần mời vào trại.

Tôi hỏi: “Người cỡi con ngựa hồng đó là ai vậy?”

Chủ nhà cúi mặt xuống, lặng thinh.

Tôi hỏi nữa rằng: “Ông nên nói cho chúng tôi biết. Nếu ông không nói tên người ấy, tức là ông đang giao thiệp bí mật với một con người nguy hiểm nào đó.”

Chủ nhà đưa tay lên, cãi lại: “Không! Không! Người ấy là một bậc đại nhân cao quý. Song theo luật pháp trong nước, tôi phải tránh nói tên ngài.”

Chúng tôi ngụ ý biết rằng người ấy nếu không phải là chủ của người mục đồng thì cũng là một vị Lạt-ma lớn chức. Vì vậy, chúng tôi không hỏi nữa, bèn lo chuẩn bị mền gối ra chỗ ngủ. Chủ nhà dọn cơm nước thết đãi chúng tôi một cách trọng hậu...

Đã mấy hôm liền trải qua hơn hai trăm sáu mươi cây số, lặn lội trên tuyết và chịu lạnh suốt đường trường, nay được nghỉ trong một cảnh nhà trại, như vậy tưởng cũng đáng công. Chúng tôi đang ngồi nói chuyện một cách tự do và vô tư lự, vừa thưởng thức món thịt cừu béo trong buổi ăn chiều, bỗng nghe có tiếng rổn rảng thốt lên: “Chào quý ngài.”

Chúng tôi xoay đầu về phía cửa trại và thấy một người Mông Cổ tầm vóc trung bình, mập mập tròn trịa, khoác một cái áo choàng bằng da hươu phủ lên tới đầu. Người đeo một thanh gươm to, ngoài bọc da xanh, chính thanh gươm chúng tôi đã thấy nơi lưng người kỵ mã hồi chúng tôi mới đến. Chúng tôi đáp lại: “Chào ngài.”

Người ấy mau mắn cởi đồ nai nịt và bỏ áo choàng ra. Bấy giờ người đứng trước mặt chúng tôi, mặc một cái áo lụa đẹp cực kỳ, màu như vàng ròng và mang một sợi đai xanh biếc rất thanh lịch. Trông qua gương mặt tóc râu cạo sạch với xâu chuỗi Bồ-đề bằng san hô đỏ và bộ cà-sa vàng của người, chúng tôi hiểu rằng ấy là một nhà đại sư Lạt-ma. Song phía trong sợi đai xanh biếc, người có giắt một khẩu súng ngắn khá to hiệu Colt.

Xoay qua chủ nhà và người dắt đường cho bọn tôi, tôi thấy gương mặt họ lộ vẻ sợ hãi và kính trọng lắm. Khách đến ngồi bên lò lửa. Người vừa cầm lên một miếng thịt cừu vừa nói rằng: “Chúng ta hãy nói tiếng Nga.”

Chúng tôi bắt đầu làm quen và nói chuyện. Khách khởi sự bằng cách chê trách đường lối chính trị đương thời của đức Phật sống ở Ourga.( )

“Bên đó, ông ấy giải phóng cho xứ Mông Cổ, chiếm lấy thành Ourga và đuổi quân Trung Hoa chạy đi. Còn ở đây, nơi miền Tây Tạng, chúng tôi không được tin tức gì cả. Chúng tôi không ra khỏi chỗ này, còn quân Trung Hoa thì tha hồ đánh giết và cướp giật của chúng tôi. Vị thượng tọa cầm đầu ở Ourga có thể sai người đem tin đến cho chúng tôi kia mà. Cứ như người Trung Hoa ở tận miền đông, nơi thành Ourga và thành Kiakhta xa xôi là thế, mà họ còn phái sứ đến thành Kabdo miền Tây được! Sao chính phủ Mông Cổ lại không làm như vậy được?”

Tôi hỏi rằng: “Người Trung Hoa có thể đem binh tiếp ứng qua Ourga chăng?”

Vị ấy cười rổn rảng, đáp: “Tôi đã chận mấy tên sứ giả lại, tịch thu thư từ của họ và đưa họ xuống âm phủ hết rồi.”

Người lại cười lên nữa và nhìn chung quanh mình với cặp mắt sáng ngời. Bấy giờ, tôi mới nhìn thấy gò má và cặp mắt của người không giống với người Mông Cổ ở miền trung ương Á Châu, mà giống với người Tân Cương.( )

Chúng tôi yên lặng và hút thuốc. Rồi sau nói qua chuyện tình hình quân sự trong nước, vị Lạt-ma ấy được biết tôi vừa thất bại trong cuộc hành trình vượt qua xứ Tây Tạng thì người có vẻ cảm mến lắm. Người lấy làm tiếc mà nói với tôi rằng: “Thật ra, duy chỉ có mỗi mình tôi là có thể giúp ngài trong cuộc hành trình đó thôi. Sư thượng tọa ở Na-ra-băn-si không đủ sức giúp đỡ các ngài đâu. Nếu có tờ thông điệp của tôi, quý ngài có thể muốn đi đến bất cứ nơi nào trong xứ Tây Tạng đều được cả. Tôi là Tu-sơ-guông Lạt-ma( ) đây.

Hóa ra vị này chính là Tu-sơ-guông Lạt-ma! Tôi đã được nghe biết bao nhiêu chuyện bí hiểm về ngài. Ngài là người Mông Cổ ở vùng thuộc Nga.( ) Vì ngài rất nhiệt thành trong cuộc tranh đấu cho việc Mông Cổ được độc lập, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ngoại bang, nên đã nhiều phen tù tội ngay từ khi nước Nga còn theo chế độ quân chủ.( ) Sau ngài trốn thoát được ngục tù mà chạy xuống vùng Mông Cổ tự trị, được nhân dân Mông Cổ tôn kính và sùng bái lắm. Ngài có mối quan hệ rất thân mật với đức Phật sống Dalai-Lama ở Lhassa, vì ngài trước vốn là đệ tử của vị chúa tể Tây Tạng ấy. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với đức Dalai-Lama, ngài vẫn luôn giữ được tư thế độc lập, không phụ thuộc, vì chính ngài đang nắm giữ các lực lượng của nhân dân xứ Mông Cổ miền Tây, kể cả miền thuộc Trung Hoa. Uy thế chính trị của ngài thậm chí còn lan rộng đến cả các lực lượng người Mông Cổ ở Tân Cương. Người ta kiêng sợ và kính nể ngài lắm, vì ngài có những hành tung đầy bí ẩn và uy dũng. Hầu như người Mông Cổ nào cũng nể sợ ngài cả. Thực tế thì những ai trái lệnh ngài rất khó mà bảo toàn tính mạng.

minhquang
11-12-2020, 07:40 AM
Một vị sư chiến sĩ


..........

Không ai có thể biết trước được ngày giờ nào ngài xuất hiện, và xuất hiện ở đâu. Hoặc ngài hiện ra trong một nhà trại giữa đồng hoang, hoặc uy phong lẫm liệt trên lưng ngựa hồng. Quyền lực của ngài cũng hiện ra một cách đa dạng theo nhiều cách. Hoặc là một lưỡi gươm đoạt mạng, một viên đạn súng lục, hay mấy ngón tay bóp chẹt vào cuống họng. Và những chuyện ấy luôn luôn đến rất bất ngờ không ai có thể lường trước được.

Trong khi chúng tôi chuyện vãn, bên ngoài gió vẫn thổi ào ào, làm cho tuyết rơi xuống đập vào tấm nỉ giăng trại tạo thành âm thanh đều đặn, rắn chắc. Xen lẫn trong tiếng gió gào, người ta như nghe thấy những tiếng la hét, gầm thét và cười đùa. Bỗng vị Tu-sơ-guông Lạt-ma ngước đầu lên, mắt nhìn chăm chú vào mặt tôi, ngài nói:

“Trong tạo hóa có lắm sự mà người ta chưa từng biết đến. Nếu có thể tùy ý vận dụng những gì mà người ta chưa từng biết đó, tức là được phép bí thuật. Song không dễ có mấy ai đạt được những quyền phép ấy. Để tôi cho ngài xem đôi chút, rồi ngài hãy nói cho tôi biết ngài đã từng thấy những điều như thế này hay chưa.”

Nhà sư nói xong liền đứng dậy, vén áo cà-sa lên, chụp lấy chuôi gươm và bước đến trước người chủ nhà trại. Ngài truyền lệnh rằng: “Mi-sít!( ) Hãy đứng dậy.”

Người chủ nhà liền đứng dậy. Vị sư đưa một tay tháo nút áo của ông này, bày rõ bộ ngực ra. Tôi chưa kịp hiểu ngài đang định làm gì thì bỗng thấy ngài dùng hết sức mà đâm mạnh mũi gươm thấu qua ngực ông chủ nhà. Ông này té ngửa ra, mặt mày, mình mẩy dính đầy máu. Tôi nhìn thấy cái áo cà-sa vàng bằng lụa của vị Lạt-ma cũng vấy đầy máu nữa. Tôi hốt hoảng la lên: “Ngài làm gì vậy?”

Nhà sư quay sang tôi, gương mặt tái xanh. Ngài bảo nhỏ tôi rằng: “Ông nên giữ yên lặng.”

Rồi ngài lấy gươm bổ xuống mấy nhát nữa, xẻ banh ngực của nạn nhân ra. Tôi nhìn thấy hai buồng phổi thoi thóp và cả sự động đậy của trái tim ông ta nữa. Vị Lạt-ma lấy tay sờ vào những phần cơ thể ấy. Bỗng máu hết chảy và gương mặt ông chủ trại trở nên bình thản lại. Ông nhắm nghiền mắt, dường như đang ngủ một giấc ngon. Tôi lại thấy vị Lạt-ma bắt đầu moi ruột người chủ trại ra. Khủng khiếp quá, tôi nhắm chặt hai mắt lại không còn dám nhìn nữa. Khi mở mắt trở ra, tôi kinh ngạc vô cùng khi thấy ông chủ trại vẫn còn nằm nghiêng qua một bên, ngực áo hở ra, nhưng những vết thương khủng khiếp ban nảy không còn nữa. Ông vẫn thản nhiên ngủ ngon lành gần bếp lửa. Vị Lạt-ma thì thong thả ngồi hút một điếu thuốc bên lò lửa, tâm trí như đang suy nghĩ một điều gì. Tôi liền đến bên nói với ngài: “Hay lạ thật! Tôi chưa từng thấy những điều kỳ lạ như vậy.”

Ngài hỏi tôi: “Ông nói gì vậy?”

Tôi đáp: “Tôi nói về những phép thuật mà ngài phô diễn cho tôi xem và hỏi tôi đã từng thấy hay chưa đó.”

Ngài đáp thản nhiên: “Nào tôi có nói gì đâu?”

Tôi bèn hỏi ngay người dẫn đường của chúng tôi, lúc ấy cũng đang ngồi cạnh tôi: “Ông có thấy gì không?”

“Thấy gì?” Ông này trả lời tôi với giọng ngái ngủ.

Tôi chợt hiểu. Hóa ra nhà sư vừa dùng phép thôi miên để chế ngự tôi, làm cho tôi trông thấy tất cả những cảnh tượng ghê rợn ấy. Tôi thở phào. Thà vậy còn hơn là thực sự chứng kiến cái chết của một người vô tội. Và quả thật, lẽ nào lại có chuyện mổ bụng người rồi làm cho lành lặn trở lại dễ dàng như vậy sao?

Qua hôm sau, tôi từ giã mọi người. Vị đại sư Lạt-ma cho tôi biết là ngài sắp thực hiện một cuộc vân du. Ngài sẽ đi khắp xứ Mông Cổ, từ những trại du mục tầm thường nơi đồng hoang vắng lạnh, hay trong các trại huy hoàng của hàng vương tôn công tử. Ngài sẽ đi khắp cả và ở đâu ngài cũng sẽ sống được theo một cách rất tự nhiên. Hầu như đâu đâu người ta cũng kính phục ngài. Khi chia tay, ngài bỗng bất ngờ nói với tôi: “Những gì ông thấy hôm qua chỉ là một sự phô diễn rất xoàng thôi. Người Âu Châu các ông còn lâu mới hiểu hết những huyền vi bí ẩn nơi xứ sở chúng tôi. Giá như ông có thể thấy được những quyền thuật của đức Ban-thiền Lạt-ma. Khi ngài chú nguyện thì nguyện lực ấy có thể làm cho tất cả đèn thắp trên điện thờ Phật sáng rực lên. Lại còn một vị nữa, có quyền thuật cao hơn.”

Tôi ngắt lời ông: “Có phải vị chúa tể ở Agharti chăng?”

Nhà sư chăm chú nhìn tôi, có vẻ ngạc nhiên. Cặp chân mày ngài nhíu lại, ra tuồng suy nghĩ. Rồi ngài hỏi tôi: “Ông có nghe nói đến vị ấy rồi sao?”

Không đợi tôi trả lời, ngài ngước mắt lên và nói tiếp: “Chỉ có một người đã đến tận xứ Agharti và biết được hồng danh của vị ấy mà thôi. Người ấy là tôi đây. Chính vì vậy mà đức Đạt-lai Lạt-ma trọng nể tôi. Vị Phật sống ở Ourga kính trọng tôi. Song tôi không lên ngôi như hai vị ấy đâu, vì tôi thật chẳng phải một thầy tu. Tôi là một chiến sĩ.”

Vừa dứt câu ấy, ngài đã ngồi gọn trên yên ngựa. Vừa quất ngựa ra đi, ngài vừa quay lại nói thêm lời từ giã với chúng tôi: “Chào quý ngài! Chúc đi may mắn nhé.”

Khi chúng tôi tiếp tục trên đường đi, người dẫn đường là Xơ-ren( ) kể thêm cho chúng tôi nghe rất nhiều điều kỳ lạ về Tu-sơ-guông Lạt-ma.

https://www.rongmotamhon.net/xem-sach_17.-Mot-vi-su-chien-si_ckqdtsdd_show.html#