votam
06-28-2020, 09:23 AM
Huyền thoại về SƯ VÀ CỌP ở núi Dốc LÂN
Từ khi đất đá cỗi già
Quyện sâu hồn xác, chan hòa máu xương
Khuya nghe uềnh oạc ễnh ương
Một trang huyền thoại thơm hương tỏa ngời…
Khoảng những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước, núi Dốc Lân còn là một vùng hoang dã ma thiêng nước độc, nhiều thú dữ, như câu truyền khẩu "Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận", lại là vùng bất ổn do thường xảy ra xung đột sắc tộc giữa ba dân tộc Kinh, Chàm và Thượng, nên chẳng ai dại dột dám nghĩ đến chuyện chọn "đất cắm dùi" mà sinh sống, lập nghiệp.
Thế nhưng, có một người đã đến với núi Dốc Lân, một trong bốn ngọn núi nhỏ được xếp vào hàng Tứ Linh (Long Lân Quy Phụng) thuộc địa phận Cam Ranh, vùng giáp ranh với Phan Rang – Ninh Thuận, rồi phát hoang, dựng am cốc để tịnh tu với đại nguyện sẽ tạo dựng một chốn già lam thánh chúng để truyền bá chánh pháp nhà Phật mãi về sau...
Đó chính là Sa môn Thích Nhơn Hưng, là đệ tử của Tổ Phước Tường, húy thượng Thanh hạ Chánh, tự Quảng Đạt, bậc danh tăng thạc đức ở Phú Yên, sau này là Viện chủ Tổ đình Thiên Bửu (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)...
Một đêm trăng thanh tĩnh mịch, từ trong tịnh cốc, Sư nghe được những âm thanh khác thường vọng xuống từ triền núi, có sự xáo động qua cây lá và sỏi cuội, rồi im ắng một lúc lâu, rồi lại vang lên tiếng kêu gào ngắt quãng như rên xiết của loài mèo...
Sư điềm nhiên thắp đuốc lần mò tiến lên hướng trên núi, qua những tảng đá bụi cây, vạch dây leo gai góc chằng chịt mà đến gần nơi vẫn còn đang phát lên âm thanh rên rĩ vì đau đớn nhức nhối...
Sư dừng chân trước một cái hang đá nhỏ chật chội. Huơ ngọn đuốc ra phía trước, nhướng mắt nhìn, giật thót mình khi nhận ra bên trong là một... con mèo to ầm, ồ không, đó là một "Ông Ba Mươi" lông trắng vằn xám đen. Thấy Sư, cọp trắng gầm gừ hăm dọa dữ tợn. Sư đáp lại:
"Nam mô A Di Đà Phật!"
Sau câu niệm, Sư an nhiên đến lạ thường, vô ngại tự tại, tiếp cận chúa sơn lâm, và nhận ra con cọp trắng quý hiếm này đang trúng tên nỏ, loại vũ khí hiểm ác của dân tộc Thượng thường dùng để săn bắn, có khi tẩm thuốc độc, có khi chỉ tẩm thuốc mê làm tê liệt cơ bắp. Con cọp này mạng còn dài, số còn hên, nên chỉ trúng tên thuốc mê, chứ mà trúng thuốc độc là chết ở đâu đó bên kia triền núi rồi, không lết được về đến đây, về đến nơi nó được phước duyên gặp người tu hành đạo từ bi cứu nhơn độ thế.
Đúng là phước duyên của cọp. Vì ngay sau đó, sau giây phút hội ngộ thiêng liêng giữa người tu và thú dữ, với kiến thức sẵn có về thuốc Nam, Sư đã chong đuốc tìm những bụi cây ngải cứu, hái lá giã nhuyễn rồi đắp lên vết thương, băng bó cho cọp. Biết người đang cứu chữa cho mình, cọp ngoan ngoãn nằm im, giao phó hết sinh mệnh cho cái ông “đầu tròn áo vuông”. Suốt đêm đến sáng mờ sương, Sư lo lắng, chăm sóc thuốc men, nước uống, trông chừng an nguy cho thú dữ, miệng không ngớt niệm Phật niệm chú, chính là lúc Sư đang hành trì Tứ Nhiếp (bốn phương pháp để nhiếp hóa chúng sinh, gồm: bố thí, ái ngữ, đồng sự, lợi hành).
Đợi khi sáng bửng, Sư đã xuống núi, về đồng bằng nhờ người mua thịt mang về hang cho cọp ăn lấy sức trong thời gian đầu tịnh dưỡng chờ lành vết thương. Rồi sau đó, Sư ăn gì cọp ăn nấy, Sư thọ trường trai thì cọp cũng ăn chay trường với rau củ quả. Cọp được Sư nuôi từ đó, được thuần hóa như một con mèo to xác, duyên mệnh gắn liền với núi Dốc Lân có chùa Thanh Sơn của Sư kiến tạo sau này…
Tương truyền, kể từ ngày nhiếp hóa thuần dưỡng được con cọp trắng, dùng thuốc Nam chữa bệnh cho nhiều người, danh tiếng của Sư vang dội, lan truyền rộng khắp. Dân quanh vùng còn kể thêm, không chỉ có mỗi một con cọp trắng được nuôi, mà sau này còn có thêm một con cái tìm về sống có đôi có cặp trên một cái hang rộng sâu hơn ở trên đỉnh núi, còn hang nhỏ gần nơi tịnh cốc của Sư chỉ là nơi “tạm trú ghé chơi”. Cọp cũng tu, sống gần Sư, và khi chết đã được Sư an táng trên triền núi,
Ngày nay, nếu được thuận duyên đến thăm chùa, khách vãn cảnh vẫn còn được thấy cái hang nhỏ mà đêm tịch mịch xưa kia cọp bị thương chui vào ẩn náu. Bên phải trước cửa hang, có lập một bàn linh nho nhỏ với đầy đủ bát hương, hoa quả. Gần đó, là hai tảng đá lớn, tương truyền rằng đó là nơi Sư khai sơn chùa thường ngồi tọa thiền, còn cọp trắng thì nằm dài trên phiến đá đối diện. Ngoài ra, nhà chùa còn lưu giữ được một tảng đá có mặt bằng phẳng, Sư dùng làm bàn, sau bao năm lũ quét núi lở, bàn đá này đã xê dịch và đổ nghiêng rồi nằm đó, những chiếc ghế đá thì trôi đâu mất biệt…
Chùa Núi Thanh Sơn xưa kia được Sư trồng rất nhiều cây cỏ để làm dược liệu, trong đó có ngãi cứu và ngũ trảo chuyên dùng chữa lành vết thương, cầm máu nhanh, trị đau nhức xương khớp… Nhưng, đặc biệt nhất là loài Sứ Hoa Trắng, được Sư trồng bao quanh núi, rất nhiều đến nỗi sau này được nhắc đến qua một bài vè, nghe rằng dài đến 45 câu ba chữ ứng với 45 vị đệ tử của Tổ Phước Tường, truyền tụng trong giới Phật giáo Khánh Hòa nói chung, và trong tông môn nói riêng:
“Me - Thiên Bảo, Gạo - Khánh Long, Thông - Nhơn Thứ, Sứ -Nhơn Hưng, Vừng - Nhơn Nguyện, Kiến - Nhơn Hoằng, Găng – Nhơn Lý, Thị - Thiên Ân…”
Qua bài vè truyền khẩu, chúng ta có thể hiểu rằng tên một loài mộc thụ được trồng nhiều ở một chốn thiền tự gắn liền với pháp hiệu của một vị khai sơn, hoặc trụ trì, từ đó mà suy ra cho từng chùa từng loại cây. Sứ hoa trắng ở Chùa Núi Thanh Sơn còn hợp duyên với cả một rừng mai trắng quý hiếm, chừng như người trồng nên chúng đã có ý lấy màu trắng để đối xứng với màu đen của những cây mun, cây sao đen vốn có sẵn tự nhiên khắp núi, hắc bạch hòa hợp tương giao…
Vậy mà, than ôi… thế sự đảo điên, vật đổi sao dời, núi Dốc Lân trở thành nơi chốn hoang lạnh, núi trọc chùa tan, hàng hậu duệ trở về chứng kiến mà ruột cắt khúc, lòng quặn đau…
Tuy nhiên, vẫn còn một điều để an ủi, đó là cội Bồ Đề cổ thụ gân trăm tuổi nằm trong khuôn viên, phái bên tay phải của chánh điện cũ, qua bao năm thắng trầm đến nay vẫn được người dân trong vùng tôn kính “bất khả xâm phạm”, với dáng đẹp uy nghiêm sum suê cành lá, trong tương lai sẽ là nơi thiết trí tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca thành đạo.
Tâm Không Vĩnh Hữu
Từ khi đất đá cỗi già
Quyện sâu hồn xác, chan hòa máu xương
Khuya nghe uềnh oạc ễnh ương
Một trang huyền thoại thơm hương tỏa ngời…
Khoảng những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước, núi Dốc Lân còn là một vùng hoang dã ma thiêng nước độc, nhiều thú dữ, như câu truyền khẩu "Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận", lại là vùng bất ổn do thường xảy ra xung đột sắc tộc giữa ba dân tộc Kinh, Chàm và Thượng, nên chẳng ai dại dột dám nghĩ đến chuyện chọn "đất cắm dùi" mà sinh sống, lập nghiệp.
Thế nhưng, có một người đã đến với núi Dốc Lân, một trong bốn ngọn núi nhỏ được xếp vào hàng Tứ Linh (Long Lân Quy Phụng) thuộc địa phận Cam Ranh, vùng giáp ranh với Phan Rang – Ninh Thuận, rồi phát hoang, dựng am cốc để tịnh tu với đại nguyện sẽ tạo dựng một chốn già lam thánh chúng để truyền bá chánh pháp nhà Phật mãi về sau...
Đó chính là Sa môn Thích Nhơn Hưng, là đệ tử của Tổ Phước Tường, húy thượng Thanh hạ Chánh, tự Quảng Đạt, bậc danh tăng thạc đức ở Phú Yên, sau này là Viện chủ Tổ đình Thiên Bửu (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)...
Một đêm trăng thanh tĩnh mịch, từ trong tịnh cốc, Sư nghe được những âm thanh khác thường vọng xuống từ triền núi, có sự xáo động qua cây lá và sỏi cuội, rồi im ắng một lúc lâu, rồi lại vang lên tiếng kêu gào ngắt quãng như rên xiết của loài mèo...
Sư điềm nhiên thắp đuốc lần mò tiến lên hướng trên núi, qua những tảng đá bụi cây, vạch dây leo gai góc chằng chịt mà đến gần nơi vẫn còn đang phát lên âm thanh rên rĩ vì đau đớn nhức nhối...
Sư dừng chân trước một cái hang đá nhỏ chật chội. Huơ ngọn đuốc ra phía trước, nhướng mắt nhìn, giật thót mình khi nhận ra bên trong là một... con mèo to ầm, ồ không, đó là một "Ông Ba Mươi" lông trắng vằn xám đen. Thấy Sư, cọp trắng gầm gừ hăm dọa dữ tợn. Sư đáp lại:
"Nam mô A Di Đà Phật!"
Sau câu niệm, Sư an nhiên đến lạ thường, vô ngại tự tại, tiếp cận chúa sơn lâm, và nhận ra con cọp trắng quý hiếm này đang trúng tên nỏ, loại vũ khí hiểm ác của dân tộc Thượng thường dùng để săn bắn, có khi tẩm thuốc độc, có khi chỉ tẩm thuốc mê làm tê liệt cơ bắp. Con cọp này mạng còn dài, số còn hên, nên chỉ trúng tên thuốc mê, chứ mà trúng thuốc độc là chết ở đâu đó bên kia triền núi rồi, không lết được về đến đây, về đến nơi nó được phước duyên gặp người tu hành đạo từ bi cứu nhơn độ thế.
Đúng là phước duyên của cọp. Vì ngay sau đó, sau giây phút hội ngộ thiêng liêng giữa người tu và thú dữ, với kiến thức sẵn có về thuốc Nam, Sư đã chong đuốc tìm những bụi cây ngải cứu, hái lá giã nhuyễn rồi đắp lên vết thương, băng bó cho cọp. Biết người đang cứu chữa cho mình, cọp ngoan ngoãn nằm im, giao phó hết sinh mệnh cho cái ông “đầu tròn áo vuông”. Suốt đêm đến sáng mờ sương, Sư lo lắng, chăm sóc thuốc men, nước uống, trông chừng an nguy cho thú dữ, miệng không ngớt niệm Phật niệm chú, chính là lúc Sư đang hành trì Tứ Nhiếp (bốn phương pháp để nhiếp hóa chúng sinh, gồm: bố thí, ái ngữ, đồng sự, lợi hành).
Đợi khi sáng bửng, Sư đã xuống núi, về đồng bằng nhờ người mua thịt mang về hang cho cọp ăn lấy sức trong thời gian đầu tịnh dưỡng chờ lành vết thương. Rồi sau đó, Sư ăn gì cọp ăn nấy, Sư thọ trường trai thì cọp cũng ăn chay trường với rau củ quả. Cọp được Sư nuôi từ đó, được thuần hóa như một con mèo to xác, duyên mệnh gắn liền với núi Dốc Lân có chùa Thanh Sơn của Sư kiến tạo sau này…
Tương truyền, kể từ ngày nhiếp hóa thuần dưỡng được con cọp trắng, dùng thuốc Nam chữa bệnh cho nhiều người, danh tiếng của Sư vang dội, lan truyền rộng khắp. Dân quanh vùng còn kể thêm, không chỉ có mỗi một con cọp trắng được nuôi, mà sau này còn có thêm một con cái tìm về sống có đôi có cặp trên một cái hang rộng sâu hơn ở trên đỉnh núi, còn hang nhỏ gần nơi tịnh cốc của Sư chỉ là nơi “tạm trú ghé chơi”. Cọp cũng tu, sống gần Sư, và khi chết đã được Sư an táng trên triền núi,
Ngày nay, nếu được thuận duyên đến thăm chùa, khách vãn cảnh vẫn còn được thấy cái hang nhỏ mà đêm tịch mịch xưa kia cọp bị thương chui vào ẩn náu. Bên phải trước cửa hang, có lập một bàn linh nho nhỏ với đầy đủ bát hương, hoa quả. Gần đó, là hai tảng đá lớn, tương truyền rằng đó là nơi Sư khai sơn chùa thường ngồi tọa thiền, còn cọp trắng thì nằm dài trên phiến đá đối diện. Ngoài ra, nhà chùa còn lưu giữ được một tảng đá có mặt bằng phẳng, Sư dùng làm bàn, sau bao năm lũ quét núi lở, bàn đá này đã xê dịch và đổ nghiêng rồi nằm đó, những chiếc ghế đá thì trôi đâu mất biệt…
Chùa Núi Thanh Sơn xưa kia được Sư trồng rất nhiều cây cỏ để làm dược liệu, trong đó có ngãi cứu và ngũ trảo chuyên dùng chữa lành vết thương, cầm máu nhanh, trị đau nhức xương khớp… Nhưng, đặc biệt nhất là loài Sứ Hoa Trắng, được Sư trồng bao quanh núi, rất nhiều đến nỗi sau này được nhắc đến qua một bài vè, nghe rằng dài đến 45 câu ba chữ ứng với 45 vị đệ tử của Tổ Phước Tường, truyền tụng trong giới Phật giáo Khánh Hòa nói chung, và trong tông môn nói riêng:
“Me - Thiên Bảo, Gạo - Khánh Long, Thông - Nhơn Thứ, Sứ -Nhơn Hưng, Vừng - Nhơn Nguyện, Kiến - Nhơn Hoằng, Găng – Nhơn Lý, Thị - Thiên Ân…”
Qua bài vè truyền khẩu, chúng ta có thể hiểu rằng tên một loài mộc thụ được trồng nhiều ở một chốn thiền tự gắn liền với pháp hiệu của một vị khai sơn, hoặc trụ trì, từ đó mà suy ra cho từng chùa từng loại cây. Sứ hoa trắng ở Chùa Núi Thanh Sơn còn hợp duyên với cả một rừng mai trắng quý hiếm, chừng như người trồng nên chúng đã có ý lấy màu trắng để đối xứng với màu đen của những cây mun, cây sao đen vốn có sẵn tự nhiên khắp núi, hắc bạch hòa hợp tương giao…
Vậy mà, than ôi… thế sự đảo điên, vật đổi sao dời, núi Dốc Lân trở thành nơi chốn hoang lạnh, núi trọc chùa tan, hàng hậu duệ trở về chứng kiến mà ruột cắt khúc, lòng quặn đau…
Tuy nhiên, vẫn còn một điều để an ủi, đó là cội Bồ Đề cổ thụ gân trăm tuổi nằm trong khuôn viên, phái bên tay phải của chánh điện cũ, qua bao năm thắng trầm đến nay vẫn được người dân trong vùng tôn kính “bất khả xâm phạm”, với dáng đẹp uy nghiêm sum suê cành lá, trong tương lai sẽ là nơi thiết trí tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca thành đạo.
Tâm Không Vĩnh Hữu