Xem phiên bản đầy đủ : Trích đăng Truỳên Đăng Lục _ quyển 3
lavinhcuong
06-21-2015, 08:25 AM
Trích đăng Truỳên Đăng Lục _ quyển 3
Bài 35.
Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma (Bodhidharma) 菩提達磨
Ngài là vị Tổ thứ 28 bên Ấn độ (đầu thế kỷ thứ mười một) sau Phật Niết-bàn, cũng là vị Tổ thứ nhất ở Trung-Hoa.
Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở Nam-Ấn, cha là Hương-Chí vua nước nầy. Vua Hương-Chí sanh được ba người con trai, Ngài là Vương-tử thứ ba. Thưở nhỏ, Ngài đã có chí siêu việt và đặc tài hùng biện. Nhơn vua Hương-Chí thỉnh Tổ Bát-Nhã-Đa-La vào cung cúng dường, Ngài mới có duyên gặp Tổ. Qua cuộc nghiệm vấn về hạt châu, Tổ đã biết Ngài là người siêu quần bạt tục sẽ kế thừa Tổ vị. Sau khi vua cha băng, Ngài quyết chí xuất gia cầu xin Tổ Bát-Nhã độ làm đệ tử, Tổ hoan hỷ làm lễ thế phát và truyền giới cụ túc.
Tổ bảo Ngài: -Hoàng-tử đối các pháp đã được thông suốt, nay nên đổi hiệu là Bồ-Đề-Đạt-Ma.
Từ đây, Ngài luôn hầu hạ bên thầy. Một hôm, Tổ gọi Ngài đến truyền pháp và dặn dò: -Ngươi tạm giáo hóa ở nước nầy, sau sang Trung-Hoa mới thật là nhơn duyên lớn. Song, đợi ta diệt độ, sáu mươi bảy năm sau sẽ đi. Nếu ngươi đi sớm, sau e có việc không tốt.
Những điều kiết hung về sự giáo hóa ở Trung-Hoa sau nầy, Ngài đều cầu xin Tổ chỉ dạy.Tổ dùng những lời sấm ký tiên đoán sự kiết hung vận số Phật pháp ở Trung-Hoa, nói có hơn mười bài kệ.
Tổ tịch rồi, Ngài vẫn ở tại nước nhà giáo hóa. Người huynh đệ đồng sư với Ngài là Phật-Đại-Tiên cùng chung sức giáo hóa. Thời nhơn gọi hai Ngài là "Hai cửa cam lồ". Song, sau môn đồ của Phật-Đại-Tiên lại chia làm sáu tông:
1.-Hữu tướng, 2.-Vô tướng, 3.- Định huệ, 4.-Giới hạnh, 5.-Vô đắc, 6.-Tịch tịnh, đua nhau truyền bá. Ngài thấy sự chia ly ấy, ngại cho chánh pháp suy vi. Vì thế, Ngài dùng phương tiện cảm hóa họ hồi đầu quay về chánh pháp.
Vua Nguyệt-Tịnh băng, con vua là Thái-tử Dị-Kiến nối ngôi. Dị-Kiến lên ngôi không bao lâu lại tin theo tà thuyết bài bác Phật giáo. Ngài sai đệ tử là Ba-La-Đề đến cung vua để nhiếp hóa. Sau khi cải tà quy chánh, vua Dị-Kiến hỏi ra mới biết Ba-La-Đề là đệ tử của chú mình. Nhà vua cho người thỉnh Ngài về cung giáo hóa. Về cung giáo hóa một thời gian, Ngài thấy cơ duyên sang Trung-Hoa đã đến, bèn đem lời huyền ký của Tổ Bát-Nhã-Đa-La thuật lại cho vua biết. Vua không còn lời gì dám ngăn cản, đành sắm một chiếc thuyền buôn, cho thủy thủ đưa Ngài sang Trung-Hoa. Vua và quần thần tiển đưa Ngài ra tới cửa biển.
Ngài ở trên thuyền gần ngót ba năm, thuyền mới cặp bến Quảng-Châu, nhằm đời nhà Lương niên hiệu Phổ-Thông năm đầu (520 sau T.C.), ngày 21 tháng 9 năm Canh-Tý. Thích-sử tỉnh nầy ra đón tiếp Ngài, đồng thời dâng sớ về triều tâu vua Lương-Võ-Đế. Vua được sớ, liền sai sứ lãnh chiếu chỉ đến thỉnh Ngài về Kim-Lăng (Kinh đô nhà Lương).
Vua Võ-Đế hỏi: -Trẩm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng ni, không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng ?
Ngài đáp: -Đều không có công đức.
-Tại sao không có công đức ?
-Bởi vì những việc ấy là nhơn hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật. (*)
-Thế nào là công đức chơn thật ?
–Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.
-Thế nào là thánh đế nghĩa thứ nhất ?
-Rỗng rang không thánh.
-Đối diện với trẩm là ai ?
–Không biết !
Vua Lương-Võ-Đế không lãnh ngộ được, lui về nghỉ. Ngài biết căn cơ chẳng hợp, tạm lưu lại đây ít hôm.
Đến ngày 19, Ngài bỏ vua Lương, lén sang sông qua Giang-Bắc. Ngài nhập cảnh nước Ngụy đi đến Lạc-Dương nhằm đời Hậu-Ngụy, vua Hiếu-Minh-Đế niên hiệu Chánh-Quang năm đầu (520 sau T.C.) ngày 23 tháng 11.
Ngài dừng trụ tại chùa Thiếu-Lâm ở Trung-Sơn, trọn ngày ngồi xây mặt vào vách im lặng. Tăng chúng đều không hiểu được. Người đời gọi Ngài là "Thầy Bà-la-môn ngồi nhìn vách" (Bích quán Bà-la-môn). Có vị Tăng tên Thần-Quang học thông các sách, giỏi lý diệu huyền, nghe danh Ngài tìm đến yết kiến. Thần-Quang đã đủ lễ nghi mà Ngài vẫn ngồi lặng yên ngó mặt vào vách không màng đến. Quang nghĩ: "Người xưa cầu đạo chẳng tiếc thân mạng, nay ta chưa được một trong muôn phần của các Ngài". Hôm ấy, nhằm tiết mùa đông (mùng 9 tháng chạp), ban đêm tuyết rơi lả tả, Thần-Quang vẫn đứng yên ngoài tuyết chấp tay hướng về Ngài. Đến sáng tuyết ngập lên khỏi đầu gối, mà gương mặt Thần-Quang vẫn thản nhiên. Ngài thấy thế thương tình, xây ra hỏi:
-Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu việc gì ?
Thần-Quang thưa: -Cúi mong Hòa-thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.
-Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay ! Huống là, dùng chút công lao nhỏ nầy mà cầu được pháp chân thừa ?
Thần-Quang nghe vậy bèn lén lấy đao chặt cánh tay trái để trước Ngài để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Ngài biết đây là pháp khí bèn dạy:
-Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân, nay ngươi chặt cánh tay để trước ta, tâm cầu đạo như vậy cũng khá.
–Pháp ấn của chư Phật con có thể được nghe chăng ?
–Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà được.
–Tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm.
–Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.
–Con tìm tâm không thể được.
–Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Thần-Quang nhơn đây được khế ngộ. Ngài liền đổi tên Thần-Quang là Huệ-Khả.
lavinhcuong
06-21-2015, 08:27 AM
Từ đây kẻ Tăng người tục đua nhau đến yết kiến Ngài, tiếng tăm vang dậy. Vua Hiếu-Minh-Đế nước Ngụy sai sứ ba phen thỉnh Ngài, Ngài đều từ chối. Nhà vua càng kính trọng, sai sứ đem lễ vật đến cúng dường: một cây tích trượng, hai y kim tuyến, bình bát, v.v…Ngài từ khước nhiều lần, nhưng nhà vua cố quyết cúng dường, rốt cuộc Ngài phải nhận.
Mở cửa phương tiện, Ngài có dùng bốn hạnh để giáo hóa môn đồ: 1.-Báo oán hạnh, 2.-Tùy duyên hạnh, 3.-Vô sở cầu hạnh, 4.-Xứng pháp hạnh.
Ở Trung-Hoa gần chín năm, Ngài thấy cơ duyên đã đến, liền gọi đồ chúng dạy:
-Giờ ta trở về sắp đến. Các ngươi mỗi người nên nói chỗ sở đắc của mình.
Đạo-Phó ra thưa: -Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của đạo.
Ngài bảo: -Ngươi được phần da của ta.
Bà ni Tổng-Trì ra thưa: -Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A-Nan thấy nước Phật A-Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại.
Ngài bảo: -Ngươi được phần thịt của ta.
Đạo-Dục ra thưa: -Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con không một pháp có thể được.
Ngài bảo: -Ngươi được phần xương của ta.
Đến Huệ-Khả bước ra đảnh lễ Ngài, rồi lui lại đứng yên lặng.
Ngài bảo: -Ngươi được phần tủy của ta.
Ngài gọi Huệ-Khả đến dặn dò: -Xưa Như-Lai đem đại pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca-Diếp, lần lượt truyền đến ta. Nay ta đem trao lại cho ngươi, ngươi phải truyền trao không để dứt mất. Cùng trao cho ngươi y Tăng-già-lê và bát báu, để làm pháp tín. Mỗi thứ tiêu biểu cho mỗi việc, ngươi nên biết.
Huệ-Khả thưa: -Xin thầy từ bi chỉ dạy mọi việc.
Ngài dạy: -Trong truyền tâm-ấn để khế hợp chổ tâm chứng, ngoài trao cà-sa để định tông chỉ. Đời sau có nhiều người cạnh tranh nghi ngờ, họ nói "Ta là người Ấn, ngươi là người Hoa, căn cứ vào đâu mà được pháp, lấy cái gì để minh chứng ?". Ngươi gìn giữ pháp y nầy, nếu gặp tai nạn, ngươi đem ra làm biểu tín, thì sự giáo hóa không bị trở ngại. Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y bát nầy dừng lại không truyền, vì lúc đó, Phật pháp rất thạnh hành, Chính khi ấy, người biết đạo thật nhiều, người hành đạo quá ít, người nói lý thì nhiều, người ngộ lý thì ít. Tuy nhiên, người thầm thông lặng chứng có hơn ngàn vạn. Ngươi gắng xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ. Nghe ta nói kệ:
Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình,
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.(**)
(Ta sang đến cõi nầy,
Truyền pháp cứu mê tình,
Một hoa nở năm cánh,
Nụ trái tự nhiên thành).
Ngài lại bảo: -Ta có bộ kinh Lăng-già bốn quyển, là Phật nói tột pháp yếu, cũng giúp cho chúng sanh mở, bày, ngộ, nhập kho tri kiến Phật, nay ta trao luôn cho ngươi. Ta từ Nam-Ân sang đây đã năm phen bị thuốc độc mà không chết, vì thấy xứ nầy tuy có khí đại-thừa mà chưa ứng hợp, nên ta lặng lẽ ngồi lâu chờ đợi. Nay đã truyền xong, đã có thủy ắt phải có chung vậy.
Xong rồi, Ngài cùng đồ chúng đi đến Võ-môn ở chùa Thiên-Thánh dừng lại ba hôm. Quan thái thú thành nầy tên Dương-Huyễn-Chi là người sùng mộ Phật pháp. Nghe tin Ngài đến, liền tới đảnh lễ.
Ông hỏi: -Thầy ở Ấn-Độ được kế thừa làm Tổ, vậy thế nào là Tổ, xin thầy dạy cho ?
Ngài đáp: -Rõ được tâm tông của Phật, không lầm một mảy, hạnh và giải hợp nhau, gọi đó là Tổ.
-Chỉ một nghĩa nầy hay còn nghĩa nào khác ?
-Cần rõ tâm người, biết rành xưa nay, chẳng chán có không, cũng chẳng cố chấp, chẳng hiền chẳng ngu, không mê không ngộ. Nếu hay hiểu như thế, cũng gọi là Tổ.
Huyễn-Chi lại thưa: -Đệ tử vì bị nghiệp thế tục, ít gặp được tri thức, trí nhỏ bị che lấp không thể thấy đạo. Cúi xin thầy chỉ dạy, con phải noi theo đạo quả nào ? dùng tâm gì được gần với Phật, Tổ ?
Ngài vì ông nói kệ:
Diệc bất đổ ác nhi sanh hiềm,
Diệc bất quán thiện nhi cần thố,
Diệc bất xả trí nhi cận ngu,
Diệc bất phao mê nhi tựu ngộ.
Đạt đại đạo hề quá lượng,
Thông Phật tâm hề xuất độ,
Bất dữ phàm thánh đồng triền,
Siêu nhiên danh chi viết Tổ. (***)
(Cũng đừng thấy dữ mà sanh chê,
Cũng đừng thấy lành mà ái mộ,
Cũng đừng bỏ trí mà gần ngu,
Cũng đừng ném mê mà về ngộ.
Đạt đạo lớn chừ quá lượng,
Thông Phật tâm chừ vô kể,
Chẳng cùng phàm thánh đồng vai,
Vượt lên, gọi đó là Tổ).
Huyễn-Chi nghe dạy hoan hỷ đảnh lễ, lại thưa: -Xin thầy chớ vội tạ thế, để làm phước lợi cho quần sanh.
Ngài bảo: -Đời mạt pháp, kẻ tệ ác quá nhiều, dù ta còn ở lâu e chẳng lợi ích, mà thêm tai nạn, làm tăng trưởng tội ác cho người.
-Từ thầy đến đây ai thường hại thầy, xin thầy chỉ họ, con sẽ sắp xếp.
–Nói ra ắt có tổn hại, ta nên đi vậy. Đâu cam hại người để mình được vui.
Huyễn-Chi nài nỉ thưa: -Con không hại người, chỉ muốn biết đó thôi. Ngài bất đắc dĩ nói bài kệ:
Giang tra phân ngọc lãng,
Quản cự khai kim tỏa,
Ngũ khẩu tương cộng hành,
Cửu thập vô bỉ ngã.
(Thuyền con rẽ sóng ngọc,
Đuốc soi mở khóa vàng,
Năm miệng đồng cùng đi,
Chín, mười không ta người).
Huyễn-Chi nghe rồi ghi nhớ, đảnh lễ Ngài lui ra. Ở đây đúng ba hôm, Ngài ngồi an nhiên thị tịch.
Hôm ấy là ngày mùng 9 tháng 10 năm Bính-Thìn, nhằm niên hiệu Đại-Thông năm thứ hai nhà Lương (529 T.C). Đến ngày 18 tháng chạp năm nầy, làm lễ đưa nhục thân của Ngài nhập tháp tại chùa Định-Lâm, núi Hùng-Nhĩ.
Sau, vua Hậu Ngụy sai Tống-Vân đi sứ Ấn-Độ về, gặp Ngài tại núi Thông-Lãnh, thấy Ngài tay xách một chiếc dép, một mình đi nhanh như bay.
Tống-Vân hỏi: -Thầy đi đâu ?
Ngài đáp: Về Ấn-Độ.
Ngài lại nói thêm: -Chủ ông đã chán đời rồi.
Tống-Vân ngẩn ngơ, từ giả Ngài về triều. Đến triều thì vua Minh-Đế đã băng. Hiếu-Trang-Đế lên ngôi. Ông đem việc ấy tâu lại, vua ra lệnh mở cửa tháp dở quan tài ra, quả nhiên là quan tài không, chỉ còn một chiếc dép. Vua sắc đưa chiếc dép về thờ ở chùa Thiếu-Lâm, Đến đời Đường niên hiệu Khai-Nguyên năm thứ 15 (728 sau T.C) môn đồ lại dời chiếc dép về thờ ở Chùa Hoa-Nghiêm. Vua phong Ngài hiệu Viên-Giác Thiền-Sư, tháp hiệu Không-Quán.
(Tương truyền tập Thiếu-Thất-Lục-Môn là tác phẩm của Ngài) .
---------------------
Phụ chú :
(*)
thử đãn nhân thiên tiểu quả hữu lậu chi nhân, như ảnh tùy hình, tuy hữu phi thật.
(**)
吾本來茲土
傳法救迷情
一華開五葉
結果自然成
(***)
亦不覩惡而生嫌
亦不觀善而勤措
亦不捨智而近愚
亦不拋迷而就悟
達大道兮過量
通佛心兮出度
不與凡聖同躔
超然名之曰祖
(****)
江槎分玉浪
管炬開金鎖
五口相共行
九十無彼我.
hoatihon
06-21-2015, 08:38 AM
亦不覩惡而生嫌
亦不觀善而勤措
亦不捨智而近愚
亦不拋迷而就悟
Không hai
http://i1240.photobucket.com/albums/gg499/hoatihon/diecbat_zps7990fcab.jpg
hoatihon
06-21-2015, 08:39 AM
Bất dữ phàm Thánh đồng triền
http://i1240.photobucket.com/albums/gg499/hoatihon/datdaidao_zps465581a0.jpg
lavinhcuong
06-21-2015, 08:50 AM
Bài 36.
Huệ-Khả Đại sư (494 – 601 T.L ) 慧可大師
(Ngài là vị Tổ thứ 29, cũng là vị Tổ thứ 2 của Thiền Tông Trung quốc)
Sư họ Cơ quê ở Võ-Lao, dòng tôn thất nhà Chu, cha mẹ Sư lớn tuổi không con, lắm phen đến chùa cầu con, sau mẹ có thai sinh ra Sư. Khi Sư lọt lòng mẹ, có hào quang lạ chiếu sáng trong nhà, nên đặt tên Sư là Quang.
Thuở bé, Sư học hết sách đời, rất thông Lão-Trang. Năm ba mươi tuổi, Sư tự cảm than: "Lão, Dịch là sách thế gian chẳng tột được đại lý". Sư bắt đầu xem kinh Phật, sau viễn du tìm thầy học đạo, đến Lạc-Dương lên núi Hương-Sơn chùa Long-Môn gặp thiền sư Bảo-Tịnh bèn xin xuất gia. Kế đó, Sư đến chùa Vĩnh-Mục thọ giới ở tại Phù-Du Giảng-Tứ. Sư chuyên học Kinh luận, chưa bao lâu thảy được tinh thông. Năm 32 tuổi, Sư trở về Bổn sư nơi Hương-Sơn. Ở đây trọn ngày, Sư ngồi thiền quán trên núi. Trải tám năm như thế, một hôm khi Sư đang thiền định, bỗng có vị thần hiện ra thưa: -Ngài không nên ở đây lâu, muốn được đạo quả hảy đi về phương Nam.
Hôm sau, trên đầu Sư chợt đau như kim châm không thể chịu được. Sư định đi tìm thuốc trị, chợt nghe trong hư không có tiếng nói: "Đây là đổi xương, chẳng phải bệnh thường". Sư đem việc nầy thuật lại Thiền-sư Bảo-Tịnh. Bảo-Tịnh ngăn không cho trị thuốc. Sáng hôm sau, Bảo-Tịnh xem trên đầu Sư quả thấy đầu xương nổi cao như năm ngọn núi liền bảo:
-Lạ thay ! ngươi có tướng tốt này ắt sẽ đắc đạo. Thần lại dạy ngươi sang miền Nam, ta nghe Đại-sĩ Bồ-Đề-Đạt-Ma đến ở chùa Thiếu-Lâm, chắc đó là thầy của ngươi vậy. Nhơn có Thần mách bảo, nên Bổn sư Bảo-Tịnh đổi hiệu Sư là Thần-Quang. Sư tìm đến chùa Thiếu-Lâm yết kiến Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma và được truyền tâm ấn. Sư ở đây cho đến lúc Tổ qui tịch. Sau đó, sư sang Bắc-Tề hoằng truyền chánh pháp.
Một hôm, Sư gặp một người cư sĩ trạc 40 tuổi, chẳng nói tên họ, đến đảnh lễ Sư thưa:
-Đệ tử mang bệnh ghẻ lở đầy mình, xin thầy từ bi vì đệ tử sám tội.
Sư bảo: -Đem tội ra, ta sẽ vì ngươi sám hối.
Ông cư sĩ đứng sững giây lâu thưa: -Đệ tử tìm tội không thể được.
–Ta đã vì ngươi sám hối rồi, nhưng ngươi nên nương tựa Phật Pháp Tăng.
-Hiện giờ đệ tử thấy thầy đã biết được Tăng. Chẳng biết thế nào là Phật và Pháp ?
-Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp, Phật Pháp không hai, ngươi có biết đó chăng ?
–Nay đệ tử mới biết tánh tội không ở trong, ngoài, chặng giữa; như tội, tâm cũng vậy, thật Phật Pháp không hai.
Sư nghe nói rất hoan hỷ, cho cạo tóc xuất gia bảo: -Ngươi là vật báu của ta, nên đặt tên Tăng-Xán.
Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Thiên-Bình năm thứ hai ( 536 T.L ), Tăng-Xán được thọ giới cụ túc tại Chùa Quang-Phước. Từ đó, bệnh của ông lần lần thuyên giảm. Ông theo hầu thầy được hai năm. Một hôm, Sư Huệ-Khả gọi ông đến bảo: -Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma chẳng ngại xa xôi từ Ấn-Độ sang, đem chánh pháp nhãn tạng truyền cho ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát, ngươi khéo giữ gìn chớ để đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ:
Bổn lai duyên hữu địa,
Nhơn địa chúng hoa sanh,
Bổn lai vô hữu chủng,
Hoa diệc bất tằng sanh. (*)
(Xưa nay nhơn có đất,
Bởi đất giống hoa sanh,
Xưa nay không có giống,
Hoa cũng chẳng từng sanh).
Đọc bài kệ xong Sư lại tiếp: -Ngươi phải tìm nơi núi sâu ở ẩn, không nên đi giáo hóa sớm, trong nước sẽ có nạn.
Tăng-Xán thưa: -Thầy đã biết trước mọi việc, cúi xin từ bi dạy con rành rẽ.
–Đây không phải tự ta nói, mà là lời huyền ký của Tổ Bát-Nhã-Đa-La do Tổ Đạt-Ma thuật lại cho ta nghe: Sau khi Tổ nhập Niết-bàn 150 năm sẽ có những việc xảy ra như bài kệ nầy:
Tâm trung tuy kiết ngoại đầu hung,
Xuyên hạ tăng phòng danh bất trung,
Vi ngộ độc long sanh võ tử,
Hốt phùng tiểu thử tịch vô cùng.
(Trong tâm tuy kiết ngoài đầu hung,
Đất xuyên phòng tăng tên chẳng trúng,
Vì gặp độc long sanh con võ,
Chợt nghe chuột nhỏ lặng vô cùng).
Xét về niên số nhằm đời của ngươi, ngươi cố gắng gìn giữ. Ta cũng có cái nợ ngày trước nay cần phải trả. Sư sang xứ Nghiệp-Đô tùy nghi giáo hóa thuyết pháp độ sanh ngót ba mươi bốn năm. Lúc đó, có một văn sĩ nổi tiếng là thần đồng tên Mã-Tăng-Ma. Năm 21 tuổi, ông đã giảng được sách Lễ, kinh Dịch tại miền Đông-Hải, thính giả đến nghe đông như chợ. Một phen gặp Sư, Tăng-Ma liền xin xuất gia đầu Phật. Từ đây về sau, ông chẳng cầm đến cây viết, bỏ hết sách thế gian, chỉ một y một bát, một tọa cụ, ngày ăn một bửa, dưới gốc cây ngủ một lần, chuyên tu hạnh đầu đà.
Lại có ông cư sĩ Hướng (**) học thức Uyên bác nhưng chẳng màng đến bả công danh, tánh thích rừng sâu quê vắng, đói ăn lá cây, khát uống nước giếng, làm bạn với nước biếc non xanh, để di dưỡng tinh thần. Nghe Sư hoằng hóa ở Bắc-Tề, ông biên thơ đến hỏi, thơ viết:
_ Bạch Thầy ! Theo thiển ý của tôi, người đời cảnh tạm, công danh phú quý như lùm mây nổi, lạch biển cồn dâu, đài các phong lưu, như hòn bọt nước. Có cái gì là chơn thật, đáng để ta quí trọng.
Vì bởi bóng do hình mà có, vang theo tiếng mà sanh, đuổi bóng nhọc hình, chẳng biết hình là gốc của bóng, to tiếng để ngăn vang, đâu biết tiếng là cội của vang. Trừ phiền não mà thú hướng Niết-bàn, dụ bỏ hình mà tìm bóng; lìa chúng sanh mà cầu Phật quả, dụ im tiếng mà tìm vang. Cho nên biết, mê ngộ một đường, ngu trí chẳng khác, không tên mà đặt tên, nhơn tên đó mà có thị phi. Không lý mà tạo thành lý, nhơn lý đó mà khởi tranh luận. Huyễn hóa chẳng phải chơn, thì cái gì phải ? cái gì quấy ? Hư vọng chẳng thật, thì cái gì không ? cái gì có ?
Muốn đem cái biết "được mà không chỗ được, mất mà không chỗ mất" trình với Thầy mà chưa có dịp gặp. Nay thố lộ ý nầy, mong thầy từ bi đáp cho.
Sư đáp thơ:
_ Bị quán lai ý giai như thật,
Chơn u chi lý cảnh bất thù,
Bổn mê ma-ni vị ngõa lịch,
Hoát nhiên tự giác thị chơn châu,
Vô minh trí huệ đẳng vô dị,
Đương tri vạn pháp tất giai như,
Mẫn thị nhị kiến chi đồ bối,
Thân từ tá bút tác tư thơ,
Quán thân dữ Phật bất sai biệt,
Hà tu cánh mích bỉ vô dư ?
(Xem rõ ý ông gởi đến đây,
Đối lý chơn u có khác gì,
Mê bảo ma-ni là ngói gạch,
Bỗng nhiên giác ngộ biết chơn châu,
Vô minh trí huệ đồng chẳng khác,
Muôn pháp đều như, phải liễu tri,
Thương kẻ chấp thường và chấp đoạn,
Bày lời mượn bút viết thơ này,
Quán thân với Phật không sai khác,
Nhọc gì tìm kiếm Niết-bàn chi ?)
Ông cư sĩ Hướng được thơ Sư, đọc xong ông tìm đến đảnh lễ và thọ nhận ấn ký.
Sau nầy, Sư (Huệ Khả) đổi đạo phục, giả dạng thế gian, có khi vào quán rượu, hoặc lúc đến hàng thịt, hoặc ở giữa đám đông thuyết pháp, hoặc làm người khuân vác v.v…
Có người biết hỏi Sư: -Thầy là nhà tu, tại sao làm như thế ?
Sư đáp: -Ta tự điều phục tâm, đâu có quan hệ gì đến việc của ngươi.
Sư đến huyện Quản-Thành, ở trước tam quan chùa Khuôn-Cứu diễn nói đạo vô thượng. Nhằm lúc ông trụ trì là pháp sư Biện-Hòa đang giảng Kinh Niết-bàn, thính giả bên trong từ từ rút lần ra nghe Sư diễn hóa. Ông Biện-Hòa bực tức mới đi cáo gian với quan Ấp-Tể tên Địch-Trọng-Khản rằng "Sư giảng tà thuyết làm việc phi pháp".
Địch-Trọng-Khản không biết nhận xét, cứ nghe bướng liền bắt Sư gia hình. Sư không đối kháng vẫn mặc nhiên thừa nhận để trả nợ trước cho xong. Sư nhận gia hình mà thị tịch nhằm niên hiệu Khai-Hoàng năm thứ 13 nhà Tùy (601T.L)
Sư hưởng thọ 107 tuổi. Thiện tín thương xót đem di thể của Sư về chôn ở Từ-Châu phía đông-bắc huyện Phú-Dương.
Đến đời vua Đức-Tông nhà Đường truy phong Đại-Tổ-Thiền-Sư.
-------------
Phụ chú :
(*)
本來緣有地
因地種華生
本來無有種
華亦不曾生
(**)
Cư sĩ Hướng là người đồng thời với Tam Tổ Tăng Xán, cùng được ấn chứng nơi Nhị Tổ Huệ Khả, nhưng hầu như vô danh trong Phật sử vì :
Tam Tổ Tăng Xán hành VƯƠNG NGUYỆN, cư sĩ Hướng hành BIỆT NGUYỆN.
hoatihon
06-21-2015, 08:55 AM
Pháp Vô Ngã (Vạn pháp Hư Huyễn)
http://i1240.photobucket.com/albums/gg499/hoatihon/vophap_zps0a6463cc.jpg
lavinhcuong
06-21-2015, 08:56 AM
Bài 37.
Tăng-Xán Đại sư _ 497 (?) –> 602 T.L. _ 僧璨大師
Ngài là vị Tổ thứ 30 của Phật Giáo và là Tổ thứ 3 của Thiền Tông Trung Hoa.
Không ai biết quê quán và gốc gác Sư thế nào, chỉ biết Sư với hình thức cư sĩ mắc bệnh ghẻ lở đến lễ Tổ Huệ-Khả xin sám tội, nhơn đó được ngộ đạo, được Tổ cho thọ giới cụ túc tại Chùa Quang-Phước, nhằm niên hiệu Thiên-Bình thứ hai (536 T.L) nhà Bắc-Tề ngày 18 tháng 3. Sư theo hầu hạ Tổ được hai năm. Tổ truyền kệ và y bát bảo phải đi phương xa ẩn tránh kẻo có nạn. Sư đến ở ẩn nơi núi Hoàn-Công thuộc Thư-Châu.
Đời Châu-Võ-Đế ra lệnh diệt Phật pháp (561 T.L). Sư sang ở núi Tư-Không huyện Thái-Hồ. Sư thường đổi dời ít khi ở lâu một chỗ, nên hơn mười năm mà không ai biết tông tích. Thời gian Sư ở núi Tư-Không có một vị sư người Ấn tên Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi sang Trung Hoa cầu pháp. Gặp sư, Lưu-Chi hết lòng kính mộ xin làm đệ tử. Sư truyền tâm ấn cho và khuyên qua phương Nam tiếp độ chúng sinh.
Đời nhà Tùy khoảng niên hiệu Khai-Hoàng có ông Sa-di hiệu Đạo-Tín được 14 tuổi đến lễ Sư thưa:
_ Xin Hòa-Thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.
Sư hỏi: -Ai trói buộc ngươi ?
_ Không ai trói buộc.
_ Đã không trói buộc, đâu cần cầu giải thoát.
Đạo-Tín nghe liền đại ngộ. Từ đây, Đạo-Tín theo hầu hạ Sư suốt chín năm. Sau Đạo-Tín đến Kiết-Châu thọ giới, rồi trở lại hầu thầy rất cần mẫn. Sư thường dùng lý huyền diệu gạn hỏi, biết Đạo-Tín cơ duyên đã thuần thục, bèn truyền y pháp cho ông.
Sư bảo: -Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát. Ngươi gắng mà gìn giữ. Nghe ta nói kệ:
Hoa chủng tuy nhơn địa,
Tùng địa chủng hoa sanh,
Nhược vô nhơn hạ chủng,
Hoa địa tận vô sanh.(*)
(Giống hoa tuy nhơn đất,
Từ đất giống hoa sanh,
Nếu không người gieo giống,
Hoa, đất trọn không sanh).
Sư dạy tiếp: -Xưa Tổ Huệ-Khả trao pháp cho ta rồi, Ngài đến xứ Nghiệp-Đô hoằng hóa hơn ba chục năm mới thị tịch. Nay đã có người thừa kế cho ta thì việc của ta đã xong, còn mắc ở đây làm gì ! Sư đến núi La-Phù ngao du hai năm. Sư lại trở về Châu-Thư, ngụ tại chùa Sơn-Cốc. Dân chúng ở đây nghe Sư đến đều vui mừng tấp nập kéo đến thừa sự cúng dường. Sư đăng tòa thuyết pháp cho tứ chúng nghe. Thuyết xong, Sư đứng ngay thẳng dưới cây đại thọ chấp tay thị tịch.
Nhằm ngày rằm tháng 10 năm Bính-Dần, niên hiệu Đại-Nghiệp thứ hai (602 T.L) nhà Tùy. Sư có trước tác bài "Tín tâm minh" là một tác phẩm trọng yếu của Thiền tông hiện còn lưu hành. Vua Huyền-Tông đời Đường truy phong hiệu là Giám Trí thiền sư.
Phụ chú :
(*)
華種雖因地
從地種華生
若無人下種
華地盡無生
hoatihon
06-21-2015, 08:58 AM
Bi nguyện
http://i1240.photobucket.com/albums/gg499/hoatihon/Binguyen_zps1062618e.jpg
lavinhcuong
06-21-2015, 08:59 AM
Bài 38.
Đạo-Tín Đại sư ( 580 – 651 T.L. ) 道信大師
Ngài là vị Tổ thứ tư Trung-Hoa _ thứ 31 Tây thiên.
Sư họ Tư-Mã, tổ tiên quê ở Hà-Nội, thân phụ Sư dời về Kỳ-Châu huyện Quảng-Tế, mới sanh Sư. Sư xuất gia khi còn để chóp. Tuy tuổi ấu thơ, mà Sư có ý chí siêu việt, ngưỡng mộ Không tông và các môn giải thoát.
Năm 14 tuổi là một Sa-di, Sư gặp Tổ Tăng-Xán cầu xin pháp môn giải thoát, được Tổ khai ngộ cho. Sư theo hầu Tổ suốt chín năm, mới được truyền pháp. Sau khi được pháp, Sư một bề tinh tấn trọn ngày đêm không nằm. Niên hiệu Đại-Nghiệp thứ 13 (613 T.L.) đời Tùy, Sư thống lãnh đồ chúng sang Kiết-Châu. Đến đây bị bọn giặc Tào-Võ-Vệ vây thành suốt bảy tuần. Dân chúng trong thành kinh hoàng. Sư dạy họ chí tâm niệm "Ma-ha-bát-nhã". Toàn dân trong thành đều thành kính tụng niệm. Quả nhiên bọn giặc nhìn trên thành có thần binh trùng điệp, chúng sợ hãi rút quân.
Niên hiệu Võ-Đức thứ hai (619 T.L.) đời Đường, Sư sang đất Loa-Xuyên. Ở đây, Sư giáo hóa ngót bảy năm. Sau Sư trở về an trụ tại Kỳ-Xuân trên núi Phá-Đầu. Ở đây, Tăng chúng bốn phương đua nhau tìm đến tham vấn rất đông.
Đời Đường niên hiệu Trịnh-Quán thứ tư (630 T.L.) Sư đang ở trên núi Phá-Đầu nhìn xem khí tượng, biết trên núi Ngưu-Đầu có bậc dị nhơn. Sư đích thân tìm đến núi nầy, vào Chùa U-Thê hỏi thăm những vị tăng rằng: -Ở đây có đạo nhơn chăng ? Có vị tăng đáp: -Phàm là người xuất gia ai chẳng phải đạo nhơn ? Sư hỏi: -Cái gì là đạo nhơn ? Tăng im lặng không đáp được. Có vị tăng khác thưa: -Cách đây chừng mười dặm bên kia núi,có một vị sư tên Pháp-Dung, lười biếng đến thấy người chẳng đứng dậy chào, cũng không chấp tay, phải là đạo nhơn chăng ?
Sư liền trèo núi tìm đến thấy Pháp-Dung đang ngồi thiền trên tảng đá, dường như chẳng để ý đến ai.
Sư hỏi: -Ở đây làm gì ?
Pháp-Dung đáp: -Quán tâm.
-Quán là người nào, tâm là vật gì ?
Pháp-Dung không đáp được, bèn đứng dậy làm lễ thưa: -Đại đức an trụ nơi nào?
Sư đáp: -Bần tăng không có chỗ ở nhất định, hoặc Đông hoặc Tây.
–Ngài biết thiền sư Đạo-Tín chăng ?
–Vì sao hỏi ông ấy ?
_ Vì nghe danh đức đã lâu, khao khát muốn đến lễ yết.
_ Thiền sư Đạo-Tín là bần đạo đây.
_ Vì sao Ngài quan lâm đến đây ?
_ Vì tìm đến thăm hỏi ngươi, lại có chỗ nào nghỉ ngơi chăng ?
Pháp-Dung chỉ phía sau, thưa: -Riêng có cái am nhỏ.
Pháp-Dung liền dẫn Sư về am. Chung quanh am toàn loài cọp sói nằm đứng lăng xăng, Sư giơ hai tay lên làm thế sợ.
Pháp-Dung hỏi: -Ngài vẫn còn cái đó sao ?
Sư hỏi: -Cái đó là cái gì ?
Pháp-Dung không đáp được. Giây lát, Sư lại tấm đá của Pháp-Dung ngồi vẽ một chữ PHẬT, Pháp-Dung nhìn thấy giật mình.
Sư bảo: -Vẫn còn cái đó sao ?
Pháp-Dung không hiểu, bèn đảnh lễ cầu xin Sư chỉ dạy chỗ chân yếu.
Sư bảo: -Phàm trăm ngàn pháp môn đồng về một tất vuông. Diệu đức như hà-sa thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới, định, huệ, thần thông biến hóa, thảy đều đầy đủ nơi tâm ngươi. Tất cả phiền não xưa nay đều không lặng. Tất cả nhơn quả đều như mộng huyễn, không có tam giới có thể ra, không có bồ-đề có thể cầu. Người cùng phi nhơn tánh tướng bình đẳng. Đại đạo thênh thang rộng lớn bặt suy dứt nghĩ. Pháp như thế, nay ngươi đã được không thiếu khuyết, cùng Phật không khác, lại không có pháp gì lạ. Chỉ tâm ngươi tự tại, chớ khởi quán hạnh, cũng chớ lóng tâm, chớ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, rỗng rang không ngại, mặc tình tung hoành, chẳng làm các việc thiện, chẳng làm các việc ác, đi đứng ngồi nằm, mắt thấy gặp duyên thảy đều là diệu dụng của Phật. Vì vui vẻ không lo buồn nên gọi là Phật.
Pháp-Dung thưa: -Tâm đã đầy đủ, cái gì là Phật ? cái gì là tâm ?
Sư đáp: -Chẳng phải tâm thì không hỏi Phật, hỏi Phật thì chính là tâm.
Pháp-Dung thưa: -Đã không khởi quán hạnh, khi gặp cảnh khởi tâm làm sao đối trị ?
Sư đáp: -Cảnh duyên không có tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm, nếu tâm chẳng theo danh (tên),vọng tình từ đâu khởi ? Vọng tình đã chẳng khởi, chơn tâm mặc tình biết khắp. Ngươi chỉ tùy tâm tự tại, chẳng cầu đối trị, tức gọi là pháp thân thường trụ, không có đổi thay. Ta thọ pháp môn đốn giáo của Tổ Tăng-Xán, nay trao lại cho ngươi. Nay ngươi nhận kỹ lời ta, chỉ ở núi nầy về sau có năm vị đạt nhơn đến nối tiếp giáo hóa.
Một hôm Sư đến huyện Huỳnh-Mai, giữa đường gặp một đứa bé dáng vẻ khôi ngô, độ chừng bảy tuổi. Sư để ý quan sát đứa bé, rồi hỏi: -Ngươi họ gì ?
Đứa bé đáp: -Họ thì có, mà không phải họ thường.
_ Là họ gì ?
_ Là họ Phật !
_ Ngươi không họ à ?
_ Vì họ ấy là không.
Sư nhìn những người thị tùng bảo: -Đứa bé nầy không phải hạng phàm, sau nầy sẽ làm Phật pháp hưng thịnh.
Sư cùng thị tùng tìm đến nhà đứa bé, thuật những lời đối đáp lạ thường của nó và xin mẹ cho nó xuất gia. Mẹ đứa bé đồng ý cho nó xuất gia. Thế là, Sư nhận đứa bé làm đệ tử xuất gia, đặt pháp danh là Hoằng-Nhẫn(*).
Một hôm Sư gọi Hoằng-Nhẫn đến bảo: -Xưa Như-Lai truyền chánh pháp nhãn tạng chuyển đến đời ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát. Ngươi đều giữ gìn, cố gắng truyền trao không cho dứt bặt. Nghe ta nói kệ:
Hoa chủng hữu sanh tánh,
Nhơn địa hoa sanh sanh,
Đại duyên dữ tín hiệp,
Đương sanh sanh bất sanh.(**)
(Giống hoa có tánh sống,
Nhơn đất hoa nảy mầm,
Duyên lớn cùng tín hợp,
Chính sanh, sanh chẳng sanh).
Sư lại bảo Hoằng-Nhẫn: -Trước trong thời Võ-Đức ta có viếng Lô-Sơn, lên tột trên đảnh nhìn về núi Phá-Đầu thấy một vầng mây màu tía giống như cái lộng, dưới phát ra lằn hơi trắng chia ra sáu đường, ngươi cho là điềm gì ? Hoằng-Nhẫn thưa: -Đó là điềm sau Hòa-Thượng con cháu sẽ chia thêm một nhánh Phật pháp. Sư khen: -Hay thay, ngươi khéo biết đó
Niên hiệu Trinh-Quán thứ 18 (644 T.L.) nhà Đường, Vua Thái-Tông ngưỡng mộ đạo hạnh của Sư sai sứ mang chiếu thỉnh Sư về kinh đô để tham vấn đạo lý. Sứ đi đến ba phen mà thỉnh không được. Sư cứ từ chối là già bệnh. Lần thứ tư, vua hạ lệnh nếu Sư không chịu đi thì lấy thủ cấp đem về, vì Sư phạm tội trái lệnh. Sứ giả đọc chiếu chỉ xong, Sư ngửa cổ cho sứ chém, mà thần sắc vẩn thản nhiên. Sứ giả thấy thế, không dám hạ thủ, trở về tâu lại nhà vua. Vua nghe việc nầy càng thêm kính phục, gởi đồ lụa gấm đến cúng dường.
Đến niên hiệu Vĩnh-Huy năm thứ 2 (651 T.L) đời Đường, ngày mùng 4 tháng 9 nhuần năm Tân-Hợi, Sư gọi môn nhân vào dặn: -Tất cả các pháp thảy đều là giải thoát, các ngươi phải tự gìn giữ và giáo hóa đời sau.
Nói xong, Sư ngồi an nhiên thị tịch. Sư thọ 72 tuổi. Môn nhơn xây tháp thờ tại núi Phá-Đầu. Sư từ khi ngộ đạo cho đến lúc thị tịch gần ngót năm mươi năm mà vẫn tinh tấn tu hành không khi nào nằm nghỉ.
Ngày mùng tám tháng tư năm sau, tự nhiên cửa tháp mở ra, nghi dung của Sư xinh tươi như lúc sống. Từ đây về sau môn nhơn không đóng cửa tháp. Đời Tống vua truy phong Sư hiệu Đại Y Thiền Sư.
------------
Phụ chú :
(*)
Bài sau sẽ nói rõ "do đâu mà Tổ đặt pháp danh là HOẰNG NHẪN ?"
(**)
華種有生性
因地華生生
大緣與信合
當生生不生
hoatihon
06-21-2015, 09:03 AM
Hoa phi hoa
華種有生性
因地華生生
大緣與信合
當生生不生
http://www.upsieutoc.com/images/2014/09/23/hoaphihoa.jpg
lavinhcuong
06-21-2015, 09:05 AM
Bài 39.
Hoằng-Nhẫn Đại sư 弘忍大師 (602 - 675 T.L.)
Ngài là vị Tổ thứ 32 và cũng là Tổ thứ 5 của Thiền Tông Trung Hoa.
Một hôm, Tổ Đạo-Tín đi viếng núi Long-Phong gặp một vị sư già trồng tòng, thời nhơn gọi là Tài-Tòng đạo giả.
Vị sư ấy hỏi Tổ rằng: -Đạo Pháp của Như-Lai có thể cho tôi nghe được chăng ?
Tổ đáp: -Tuổi ông đã già, dù có nghe được cũng không hoằng hóa kịp. Nếu có tái sanh được thì ta cũng nán chờ.
Đạo giả nghe dạy rồi từ tạ đi xuống núi. Đến huyện Huỳnh-Mai, thấy một cô gái đang giặt áo ở bờ sông, ông chào và hỏi: -Nhà cô ở gần xa, cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ được chăng ?
Cô đáp: -Tôi còn cha mẹ không dám tự quyền, mời Sư vào nhà hỏi cha mẹ tôi là hơn.
Ông bảo: - Vậy cô có bằng lòng không cho tôi biết ?
Cô đáp: -Riêng tôi bằng lòng.
Đạo giả nghe cô hứa chịu, bèn trở về núi ngồi ngay thẳng viên tịch.
Cô gái kia là con út của nhà họ Châu, sau khi hứa lời với Đạo giả rồi, không bao lâu có thai. Cha mẹ cô thấy chưa chồng mà có thai, là làm ô nhục gia phong, quyết định đuổi cô đi. Cô mang bầu, lại sống bơ vơ không chỗ nương đỡ, phải đi kéo chỉ mướn nuôi miệng qua ngày.
Đến ngày, cô sinh ra một đứa con trai xinh xắn, nhưng vì sự kỳ thị không chồng mà có con, nên cô đành kết bè đem thả trôi sông, hy vọng sẽ có ai đó đem về nuôi.
Sáng ngày, cô thấy đứa bé vẫn ở chỗ cũ (nước chảy mà bè không trôi), khí sắc vẫn tươi tỉnh lạ thường. Cô lấy làm lạ nên đổi ý bồng về nuôi dưỡng tiếp, mặc cho tiếng đời dị nghị. Đến bảy tuổi, đứa bé gặp Tổ Đạo-Tín đối đáp trôi chảy, ý tứ sâu xa, được Tổ xin cho xuất gia, đặt tên là Hoằng-Nhẫn.
Hoằng-Nhẫn có nghĩa là mẹ nhẫn nhục nuôi con, cũng có nghĩa Tổ Đạo-Tín nhẫn chờ đứa bé khôn lớn truyền pháp. Theo truyện nầy, Tổ Hoằng-Nhẫn là thân sau của Tài-Tòng đạo giả.
Thuở nhỏ, Sư thông minh, xinh đẹp. Có ông thầy xem tướng khen rằng: "Đứa bé nầy có đầy đủ tướng tốt, chỉ thua Phật bảy tướng thôi".
Năm bảy tuổi, Sư gặp Tổ Đạo-Tín độ cho xuất gia. Từ đây về sau, Sư theo hầu Tổ đến khi được truyền tâm ấn. Khi Tổ tịch, Sư kế thừa trụ trì tại núi Phá-Đầu, giáo hóa nơi đây rất thạnh hành. Khi ấy, dân chúng kính mộ tông phong dù ở xa nghìn dặm cũng tìm đến tham học. Tại đạo tràng nầy, tăng chúng thường trực không dưới năm trăm người.
Khoảng niên hiệu Hàm-Hanh (670-674 T.L.) nhà Đường, có người cư sĩ tên Huệ-Năng từ phương Nam đến yết kiến Sư.
Sư hỏi: -Ngươi từ đâu đến ?
Huệ-Năng thưa: -Đệ tử từ Lĩnh-Nam đến.
_ Ngươi đến đây muốn cầu việc gì ?
_ Đệ tử chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu việc gì khác.
_ Người Lĩnh-Nam là kẻ man di làm sao làm Phật được ?
_ Người thì có Nam Bắc, Phật tánh há có Nam Bắc sao ?
Sư biết là bậc lợi căn, giả vờ nạt bảo: -Lại nhà sau đi !
Huệ-Năng đảnh lễ, đi xuống nhà sau lãnh phần đạp chày giã gạo.
Một hôm, Sư dự biết thời kỳ truyền pháp đã đến, liền gọi đồ chúng đến bảo: -Chánh pháp khó hiểu không nên nhớ ghi lời nói suông của ta, giữ làm nhiệm vụ của mình. Các ngươi, tùy ý mỗi người làm một bài kệ, nếu thấy được ta sẽ truyền pháp và y bát cho.
Lúc đó, hội chúng hơn bảy trăm người, ai cũng tôn sùng thượng tọa Thần-Tú, cho rằng chỉ có TT Thần Tú là người có khả năng, nên không trình kệ. Thần Tú cũng không dám trình thẳng mà lén chép kệ lên vách hành lang. Ngủ Tổ thấy kệ còn vướng mắc, nên thầm kêu Thần Tú vào phòng riêng bảo làm lại.
Huệ Năng nghe chúng tụng bài kệ của Thần Tú, bảo rằng "Tôi cũng có kệ, phiền ai đó chép lên dùm". Tổ Hoằng Nhẫn đọc được bài kệ ấy liền lấy dép bôi ngang dọc bài kệ và bảo :
_ Ai làm bài kệ nầy cũng chưa thấy Tánh.
Một hôm Sư làm bộ đi dạo xuống nhà bếp, hỏi tác giả bài kệ :
_ Cầu đạo cực như vậy sao ? Gạo đã trắng chưa ?
_ Dạ, gạo trắng đã lâu, chỉ chưa sàng mà thôi !
Tổ dùng gậy gõ vào 3 cái vào cối giả gạo, rồi chắp tay sau lưng mà quay đi. Huệ-Năng nửa đêm (canh ba) đi ngỏ sau vào thất. Sư lấy y che ánh sáng, rồi giảng kinh Kim-Cang cho Huệ-Năng nghe. Đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" Huệ-Năng bừng ngộ, Sư dạy:
-Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, bởi chúng sanh căn cơ có lớn nhỏ, tùy đó hướng dẫn, mới có nói ra ba thừa, mười địa đốn tiệm, gọi đó là giáo môn. Như-Lai riêng đem chánh pháp nhãn tạng vô thượng chơn thật vi diệu trao cho Tổ Ma-Ha-Ca-Diếp, lần lượt truyền đến đời thứ 28 là Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma. Tổ Đạt-Ma sang Trung-Quốc truyền nối đến đời ta là 5 đời, nay ta đem Phật pháp và y bát đã thọ trao lại cho ngươi. Ngươi phải gắng gìn giữ truyền trao đừng cho bặt dứt, hãy nghe ta nói kệ:
Hữu tình lai hạ chủng,
Nhơn địa quả hoàn sanh,
Vô tình ký vô chủng,
Vô tánh diệc vô sanh.(*)
(Gặp Hữu tình thì gieo giống xuống,
Nhơn đất quả liền sanh,
Đối với Vô tình thì không gieo giống,
Bởi không tánh cũng không sanh).
Huệ-Năng thọ pháp và y bát xong, lễ bái thưa: -Pháp đã nghe dạy, còn y bát có nên truyền cho người sau chăng ? Sư bảo:
-Xưa Tổ Đạt-Ma là người nước khác, truyền pháp cho Tổ Huệ-Khả, vẫn ngại người đời không tin sự truyền thừa của thầy trò, nên lấy y bát truyền để làm tín vật. Nay tông môn của ta thiên hạ đều biết rõ, nên y bát không cần thiết phải truyền nữa, song chánh pháp thì nên gắng truyền bá ngày càng rộng. Ngươi nên đi liền, khéo tránh, thời gian sau sẽ ra hoằng hóa.
Huệ-Năng lại hỏi: -Nay con phải đi về đâu ?
Sư bảo: -Đến Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn.
Huệ-Năng lãnh dạy, lễ tạ rồi ra đi ngay đêm ấy. Sau khi truyền pháp, liên tiếp ba hôm, Sư không thượng đường thuyết pháp. Toàn chúng đều nghi ngờ, đồng đến thưa thỉnh.
Sư bảo: -Pháp của ta đã đi về phương Nam rồi. Giờ lại nói gì ?
Chúng thưa: -Người nào được ?
Sư bảo: -Năng ấy được đó.
Chúng biết là cư sĩ Huệ-Năng. Họ đồng đuổi theo, song ngoài Huệ Minh ra thì không ai tìm gặp được.
Bốn năm sau, một hôm chợt Sư gọi đại chúng bảo: -Việc ta đã xong, đến lúc nên đi.
Sư vào trong thất ngồi an nhiên thị tịch, nhằm niên hiệu Thượng Nguyên thứ hai (675 T.L.) nhà Đường, thọ 74 tuổi. Chúng xây tháp ở Đông-Sơn huyện Huỳnh-Mai tôn thờ. Vua Đường-Đại-Tông truy phong là Đại-Mãn Thiền Sư, tháp hiệu Pháp-Võ.
Sư có trước tác tập "Tối thượng thừa luận", hiện giờ còn lưu hành.
-----------------
Phụ chú :
(*)
有情來下種
因地果還生
無情既無種
無性亦無生
hoatihon
06-21-2015, 09:08 AM
Ngói bể làm gương.
http://www.upsieutoc.com/images/2014/09/24/ngoibelamguong.jpg
lavinhcuong
06-21-2015, 09:13 AM
Bài 40.
(Thưa quý đạo hữu, ở bài 39, chúng ta đã sưu khảo về đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn rồi, đến bài 40 này xin được trình bày tiếp về đức Lục Tổ Huệ Năng (cho liền mạch), mặc dầu trong Truyền Đăng Lục bài nói về đức Lục Tổ Huệ Năng được sắp vào quyển 5)
Huệ-Năng Đại sư 慧能大師 (638 – 713 T.L.)
Ngài là vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Hoa và là Tổ thứ 33 Tây Thiên.
Sư họ Lư, Tổ tiên quê ở Phạm-Dương, cha tên Hành-Thao, mẹ là Lý-Thị. Đời Võ-Đức (618-627 T.L.) nhà Đường cha Sư làm quan ở Nam-Hải, sau dời về Tân Châu. Sư sanh tại Tân-Châu. Sư được ba tuổi, cha mang bệnh rồi mất, mẹ thủ chí nuôi con. Sư lớn lên trong gia đình rất nghèo túng. Mỗi ngày, Sư phải vào rừng đốn củi đem ra chợ đổi gạo nuôi mẹ.
Một hôm, nhơn gánh củi ra chợ bán, có người mua bảo gánh đến nhà. Sư gánh ngang qua một căn nhà, bỗng nghe người trong nhà tụng kinh, âm ba vang ra, Sư lắng tai, chợt nghe như người khách tha phương bổng gặp lại người thân nơi xứ lạ.
Sư hỏi khách: - Ông tụng đó là Kinh gì ? do đâu mà được Kinh này ?
Khách đáp: -Kinh Kim-Cang. Phát xuất từ Ngũ Tổ Hoằng-Nhẫn ở chùa Đông-Sơn, tại huyện Huỳnh-Mai.
Nghe nói xong, Sư tỏ chí muốn tìm đến đó học đạo, song gia cảnh còn mẹ già không ai nuôi ! Có người khách hàng quen vốn cũng là Phật tử xin đài thọ số tiền để Sư cung cấp mẹ già. Gặp cơ hội tốt, Sư về xin phép mẹ cho xuất gia, mẹ Sư hoan hỉ cho xuất gia.
Sư khăn gói lên đường, trải hơn một tháng mới đến huyện Huỳnh-Mai.
Sư vào yết kiến Tổ, Tổ hỏi: -Ngươi từ đâu đến ?
Sư thưa: -Dạ, con từ Lĩnh-Nam đến.
_ Ông đến đây để cầu việc gì ?
_ Dạ con đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.
_ Người Lĩnh-Nam là phường thấp kém (người Hoa hay chê là Nam man) làm sao cầu làm Phật được ?
_ Người thì có Nam Bắc, chớ Phật tánh không chia Nam Bắc.
Tổ biết Sư là hàng pháp khí, bèn bảo xuống nhà trù làm công quả.
Ở đây, Sư chuyên bửa củi, giã gạo. Cối gạo to, chày đạp lớn, người Sư ốm, không đủ sức nặng để làm đối trọng cất được chày đạp, Sư phải cột thêm tảng đá lớn vào lưng để đủ sức giã gạo. Sư làm công việc nặng nhọc như vậy gần ngót sáu tháng, mà chưa khi nào trễ nải, thối chí.
Một hôm, Tổ xuống nhà trù, đi ngay chỗ Sư giã gạo, thấy Sư mang đá giã gạo, Tổ bảo: -Ngươi vì đạo quên mình như thế ư ? Ta biết ngươi căn tánh lanh lợi, nhưng ngại kẻ khác hại ngươi nên ta không nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng ?
Sư thưa: -Dạ, con có biết.
Tổ biết thời cơ truyền pháp đã đến, liền ra lệnh cho toàn chúng trình kệ. Trong số chúng bảy trăm người đều suy nhường Thượng tọa Thần-Tú. Thần Tú ráng hết sức làm bài kệ mà không dám trình, bèn chép lên vách hành lang rằng :
Thân thị Bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai. (*)
(Thân như cây Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Lúc lúc siêng lau chùi
Chớ để dính bụi dơ).
Sư nghe mọi người tụng bài kệ của Thần-Tú, lòng không phục, bèn nói :"Tui cũng có một bài kệ, xin phiền vị nào hay chữ chép dùm", kệ rằng :
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.(**)
(Cội giác nào phải cây,
Tuệ giác có chi đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính trần ai ?!)
Đọc kệ của Huệ Năng, Tổ biết : đây là người mà mình cần tìm, bèm lấy dép xoá đi.
Vài hôm sau, Tổ tìm cơ hội xuống nhà trù, đến chỗ Sư đang giã gạo hỏi:
_ Gạo trắng chưa ?
Sư thưa: -Dạ, đã trắng mà chưa có sàng.
Tổ bèn cầm gậy gõ trên tay cối ba cái, rồi chắp tay sau lưng đi lên. Canh ba đêm ấy Sư theo ngỏ sau, lẻn vào thất Tổ. Tổ lấy y cà sa che ánh sáng lại, rồi giảng Kinh Kim Cang cho Huệ Năng nghe, đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" sư ngộ được YẾU CHỈ PHẬT PHÁP, bèn vui mừng thốt lên :
Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Nào dè tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
Nào dè tự tánh vốn tự đầy đủ,
Nào dè tự tánh vốn chẳng lay động,
Nào dè tự tánh hay sanh vạn pháp!
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết Huệ Năng đã chứng ngộ, nên truyền trao y bát cho Sư, đọc bài kệ truyền pháp, và dạy đi về phương Nam.
Sư mang y bát đi được mấy hôm vừa đến Dưu-Lãnh bị một người hiệu Huệ-Minh đuổi theo. Sư để y bát trên tảng đá, vào rừng ẩn. Huệ-Minh đến dỡ y bát lên không nổi, đành phải kêu:
_ Hành giả ! Tôi đến đây vì pháp, chớ không vì y bát.
Sư nghe nói, bước ra ngồi trên tảng đá bảo: -Nếu ông vì pháp, hãy bình tâm lại nghe tôi nói.
Huệ-Minh đứng lặng yên giây lâu.
Sư bảo: -Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?
Huệ-Minh nghe câu nầy liền nhận ra "mặt thật xưa nay" của mình.
Sư thường tàng ẩn nơi hai ấp Hoài và Hội. Có lúc gặp phải cuộc sống khó khăn, Sư lại gia nhập vào đoàn thợ săn.
Ngót mười sáu năm ẩn tránh. Sư biết cơ duyên hoằng pháp đã đến, bèn đến Quảng-Châu, nhằm ngày mùng tám tháng giêng năm Bính-Tý, niên hiệu Nghi-Phụng năm đầu (676 T.L) nhà Đường. Sư vào nghỉ nhờ ngoài hiên chùa Pháp-Tánh.
Hôm ấy, pháp sư Ấn-Tông đang giảng kinh Niết-Bàn. Trước chùa treo lá phướng dài, gió thổi lá phướng phất phơ qua lại. Hai ông đạo lấy đó làm đề tài tranh luận. Người nói: "phướng động".người bảo "gió động"; bàn qua cải lại ỏm tỏi. Sư bảo: -Không phải phướng động, không phải gió động, mà tâm của mấy vị động. Mọi người nghe qua đều ngạc nhiên. Họ vào báo cho Ấn-Tông biết lời bàn kỳ diệu ấy.
lavinhcuong
06-21-2015, 09:15 AM
Hôm sau, Ấn-Tông mời Sư vào hỏi thăm, Sư luận giải rõ ràng. Ấn-Tông bất giác đứng dậy thưa: -Ngài không phải là người thường. Nghe nói y pháp của Ngũ Tổ Huỳnh-Mai đã về phương Nam, vậy có phải Ngài chăng ?
Sư đáp: -Chẳng dám.
Ấn-Tông bèn tập hợp bốn chúng, cầu xin Sư trình bày y bát của Tổ. Sư bèn đem y bát cho đại chúng chiêm bái. Ấn-Tông xin làm đệ tử, đồng thời cầu chỉ dạy thiền yếu.
Đến ngày rằm tháng giêng, Ấn-Tông thỉnh các bậc danh đức đến làm lễ thế phát cho Sư. Ngày mùng tám tháng hai, làm lễ truyền giới cụ túc cho Sư tại chùa Pháp-Tánh. Luật sư Trí-Quang làm Tuyên-luật-sư. Giới đàn nầy, đời Tống,Tam Tạng Cầu Na Bạt-Đà-La đã dự ký trước rằng: -Sau sẽ có nhục thân Bồ Tát thọ giới tại đây.
Lại, thời Lương mạc, Tam Tạng Chân-Đế, đích thân trồng hai cây Bồ Đề tại giới đàn nầy và bảo chúng rằng: -Sau khoảng một trăm hai chục năm, sẽ có bậc đại sĩ ở dưới cội Bồ Đề nầy khai diễn pháp vô thượng thừa, độ chúng sanh vô lượng.
Sau đó có quan Thích Sử Thiều Châu tên Vi Cừ thỉnh Sư đến chùa Đại Phạm thuyết pháp môn vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Quan liêu, sĩ thứ và kẻ tại gia, người xuất gia đến dự nghe pháp trên ngàn người. Những thời thuyết pháp tại đây, được đệ tử Sư ghi lại đầy đủ trong kinh Pháp Bảo Đàn.
Năm sau, Sư muốn trở về chùa Bửu Lâm ở Tào Khê là chỗ ẩn xưa kia. Ấn Tông cùng quan liêu sĩ thứ đạo tục tiển đưa có hơn ngàn người. Sư an trú ở đây, tăng chúng xa gần đua nhau đến tham vấn. Trung bình chư tăng thường có mặt tại chùa không dưới một ngàn. Sư đã dựng lên cây cờ Đại pháp, bốn phương trông thấy đều hướng về.
Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 T.L) Vua Trung Tông xuống chiếu sai sứ là Tiết Giảm đi thỉnh Sư về triều. Sư từ chối vì lý do bệnh. Trong lời từ chối của Sư có câu: "Tôi nguyện được trọn đời ở chốn núi rừng".
Tiết Giảm thưa: -Các bậc thiền đức nơi kinh thành đều nói "muốn được hội đạo cần phải tọa thiền tập định, nếu không nhơn thiền định mà được giải thoát, là việc chưa từng thấy". Chưa biết Thầy thường nói pháp dạy người thế nào ?
Sư đáp: -Đạo do tâm ngộ, đâu phải do ở ngồi. Kinh nói: "Nếu nói Như-Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc nằm là người ấy không hiểu nghĩa ta nói" (Kinh Kim Cang). Vì sao ? Vì Như-Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu . Vì không từ đâu đến nên không sanh, vì không đi đâu nên không diệt. Nếu không sanh diệt là Như-Lai thanh tịnh thiền, các pháp không tịch là Như-Lai thanh tịnh tọa. Tột cùng không được, cũng không có chỗ chứng, huống là ngồi ư ?
Tiết Giảm thưa: -Đệ tử trở về kinh đô ắt Chúa Thượng có hỏi. Cúi xin Hòa Thượng từ bi chỉ cho chỗ tâm yếu, ngõ hầu đối cảnh giải rành, khiến cho những kẻ học giả ở kinh đô hiểu biết tu hành. Ví như thắp một ngọn đèn, mồi được trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ tối tăm được sáng, sáng mãi không cùng.
Sư bảo: -Đạo không có tối sáng, tối sáng là nghĩa đối đãi nhau; dù sáng mãi không cùng, cũng là có cùng. Bởi vì đối đãi mà lập danh tự cho nên Kinh nói: "Pháp không có so sánh vì không có đối đãi".
–Sáng thí dụ trí huệ, tối thí dụ phiền não. Người tu hành nếu không dùng trí huệ chiếu phá phiền não, thì cái sanh tử từ vô thủy do đâu được ra khỏi ?
Sư bảo: -Nếu dùng trí huệ chiếu phá phiền não, đây là kẻ tiểu căn Nhị thừa, là xe dê, xe nai, người đại căn thượng trí không như vậy.
Tiết Giảm hỏi: -Thế nào là chỗ kiến giải của Đại thừa ?
Sư đáp: -Sáng cùng không sáng tánh nó chẳng hai, tánh không hai tức là tánh thật. Tánh thật thì ở phàm phu chẳng bớt, ở hiền thánh chẳng thêm, dừng nơi phiền não mà chẳng loạn, đứng nơi thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến, chẳng đi, chẳng ở giữa và hai bên, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi, gọi đó là Đạo.
Tiết Giảm thưa: -Hòa thượng nói chẳng sanh chẳng diệt, có khác gì chúng ngoại đạo nói ?
Sư bảo: -Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt là đem cái diệt chận cái sanh, lấy cái sanh để bày cái diệt. Diệt vẫn chẳng diệt, sanh nói không sanh. Ta nói không sanh diệt là xưa tự không sanh, nay cũng không diệt, đâu có thể đồng với ngoại đạo ư ? Ông muốn rõ được tâm yếu thì, đối tất cả việc thiện ác đều chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào.Tâm thể trong trẻo thường lặng lẽ diệu dụng như hằng sa.
Tiết Giảm nghe qua liền đại ngộ, lễ bái Sư trở về triều. Về triều ông tâu hết tự sự cho vua nghe. Vua càng thêm cung kính và ngợi khen.Vua lại ban chiếu và cúng dường ca-sa, tích trượng bảo câu. Sắc đổi tên chùa Bửu-Lâm là Trung-Hưng.
Năm sau, vua lại sắc thích sử Thiều-Châu kiến thiết ngôi chùa Trung-Hưng lại và đổi tên là Pháp-Tuyền. Chùa của Sư ở trước, tại Tân-Châu đổi tên là Quốc-Ân.
Một hôm Sư bảo chúng: -Thiện tri thức ! các ngươi mỗi người tịnh tâm nghe ta nói pháp, hết thảy các ngươi tâm mình là Phật, chớ có hồ nghi. Ngoài không có một pháp có thể dựng lập, đều là tâm mình
sanh ra muôn pháp. Kinh nói: "Tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt"(***). Nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt nhất tướng tam muội và nhất hạnh tam muội. Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng ấy mà không sanh yêu ghét, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại,..v.v…an ổn thanh tịnh gọi là nhất tướng tam muội. Nếu ở tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm, ròng một trực tâm, không dời khỏi đạo tràng, liền thành tịnh độ, gọi là nhất hạnh tam muội. Nếu người đủ hai tam muội nầy, như đất có giống hay chứa đựng, nuôi dưỡng thành tựu được bông trái của nó. Nhất tướng, nhất hạnh cũng lại như vậy.
Nay ta nói pháp, ví như khi mưa thấm ướt cả đất, Phật tánh của các ngươi ví như các hột giống, vừa gặp thấm ướt, liền nảy mầm. Giữ đúng lời ta quyết được Bồ-Đề, đúng theo ta dạy mà thực hành nhất định chứng quả Phật.
Niên hiệu Tiên-Thiên năm đầu (712 T.L) một hôm Sư chợt gọi đồ chúng đến bảo: -Ta ở chỗ Tổ Hoằng-Nhẫn thọ pháp yếu cùng y bát. Nay tuy nói pháp mà không truyền y bát, bởi vì các ngươi lòng tin đã thuần thục, không còn nghi ngờ, nên chẳng truyền. Nghe ta nói kệ:
Tâm địa hàm chư chủng,
Phổ vũ tất giai sanh.
Đốn ngộ hoa tình dĩ,
Bồ-Đề quả tự thành.(****)
(Đất tâm chứa các giống,
Mưa khắp ắt nẩy mầm.
Hoa tình vừa đốn ngộ,
Trái bồ-đề tự thành).
Sư lại bảo: -Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy. Đạo kia thanh tịnh cũng không các tướng. Các ngươi dè dặt chớ quán tịnh và tâm kia không.Tâm nầy sẵn tịnh, không lấy bỏ, mỗi người tự nỗ lực tùy duyên đi an lành.
Sư thuyết pháp độ sanh đã được bốn chục năm. Trước đây, Sư đã sai người về chùa Quốc-Ân ở Tân-Châu xây tháp. Đến ngày mùng 6 tháng 6 năm nầy, Sư lại sai người đến đốc suất làm nhanh.
Đến ngày mùng 1 tháng 7, niên hiệu Tiên-Thiên thứ hai (713 T.L),Sư gọi môn nhân bảo: -Ta muốn trở về Tân-Châu, các ngươi lo sửa soạn thuyền. Lúc ấy, đại chúng đều buồn bã, thỉnh Sư ở nán lại.
Sư bảo: -Chư Phật ra đời vẫn thị hiện vào Niết-Bàn. Có đến ắt có đi, lẽ đó là việc thường vậy. Thân hình hài của ta về ắt có chỗ.
Chúng hỏi: -Hôm nay thầy đi bao giờ trở lại ?
Sư bảo: -Lá rụng về cội, trở lại không hẹn.
Chúng hỏi: -Pháp nhãn tạng, thầy sẽ trao cho người nào ?
Sư bảo: -Có đạo thì được, vô tâm thì thông.
Chúng thưa: -Thầy để lời di chúc xem có nạn không ?
Sư bảo: -Ta diệt độ khoảng năm, sáu năm ắt có người đến lấy đầu ta. Nghe ta nói kệ:
Đầu thượng dưỡng thân,
Khẩu lý tu xan.
Ngộ Mãn chi nạn,
Dương Liễu vi quan.
(Trên đầu nuôi thân,
Trong miệng để ăn.
Gặp Mãn gây nạn,
Dương Liễu làm quan).
-Sư nói tiếp: Sau khi ta diệt độ khoảng bảy chục năm, có hai vị Bồ-Tát từ phương Đông đến, một tại gia, một xuất gia chung hưng hóa Phật pháp, sửa lại các ngôi già lam nâng đỡ tông chỉ của ta.
Sư về đến Tân-Châu, vào chùa Quốc-Ân, tắm gội xong, ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Khi ấy có mùi hương lạ xông ra, móng trắng vòng chí đất. Sư tịch ngày mùng hai tháng tám năm Quý Sửu, niên hiệu Tiên-Thiên thứ hai (713 T.L), đời Đường, thọ 76 tuổi.
Bấy giờ môn đồ hai châu Thiều và Tân muốn đem hài cốt Sư về châu mình an táng. Bàn nhau không ngã lẽ, phải thấp hương cầu nguyện ý Sư; nếu khói hương bay về đâu, thì vâng theo ý đó. Khói hương bay thẳng hướng Tào-Khê. Thế là môn đồ ở Thiều Châu sửa soạn đưa linh cữu Sư về nhập tháp. Ngày 13 tháng 11 đưa linh cữu về nhập tháp tại bên bờ khe Tào-Hầu, nay là chùa Nam-Hoa.
Vua Đường Hiến-Tông truy phong Sư là Đại Giám thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Linh Chiếu. Môn đệ của Sư đắc pháp và hoằng hóa sau nầy có cả thảy bốn mươi ba vị: 1-Hành-Tư ở núi Thanh Nguyên. 2-Hoài-Nhượng ở Nam Nhạc.
3-Pháp-Hải. 4-Huệ-Trung. 5-Bổn-Tịnh. 6-Thần-Hội. 7-Huyền-Giác. 8-Huyền-Sách. 9-Tam Tạng Quật-Đa v.v…
-------------
Phụ chú :
(*)
身是菩提樹,
心如明鏡臺,
時時勤拂拭,
勿使惹塵埃
(**)
菩提本無樹,
明鏡亦非臺;
本來無一物,
何處惹塵埃?
(***)
心生種種法生。心滅種種法滅
(****)
心地含諸種
普雨悉皆生
頓悟華情已
菩提果自成
hoatihon
06-21-2015, 09:21 AM
Thân thị Bồ đề thọ.
http://www.upsieutoc.com/images/2014/09/26/thanthibodetho.jpg
hoatihon
06-21-2015, 09:22 AM
Bồ đề bổn vô thọ.
http://i1240.photobucket.com/albums/gg499/hoatihon/Bodebonvotho_zps39765074.jpg
Powered by vBulletin® Version 4.2.3 Beta 3 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.