Xem phiên bản đầy đủ : Câu chuyện về luật nhân quả, Phước năng thắng số.
baodiep
03-05-2016, 08:17 PM
Câu chuyện về luật nhân quả, Phước năng thắng số.
Thầy sẽ kể cho các bạn một chuyện , không phải tạo phước là chỉ phải cúng dường, bố thí, từ thiện , đó là những cách làm phước rất tốt, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc
cho mọi người và sự thanh thản, an lạc cho ta mà còn một phương diện làm từ thiện nữa chính là những việc vặt nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày.
Chúng ta đôi khi làm việc thiện để cầu mong, hồi trước có một cậu thanh niên bị bệnh gan rất nặng, 2 tháng nữa phải phẩu thuật, tỉ lệ thành công chỉ là 7-12%, ở cái tỉ lệ đó cậu thanh niên rất tuyệt vọng, chán ngán, đau khổ, câu ấy và gia đình tới chùa để thắp hương, nói chuyện với thầy và kể sự tình cho thầy nghe, thầy an ủi và nói với cậu ấy rằng:
-Con người sống chết có số hết con ạ, ai rồi cũng sẽ về với cát bụi, chỉ là sớm hay muộn thôi, nhưng nếu sống thì hãy sống một cách thật ý nghĩa và ra đi phải thật thanh thản và bình an mới được, bây giờ con hãy làm việc thiện và coi như đó là món nợ con đã trả hết cho cuộc đời này,gia đình hãy giúp đỡ những người nghèo khổ, hãy nên phóng sanh ăn chay, nếu nhà không nấu được thì đến chùa này để dùng bữa cùng các Phật tử, đến chùa thắp hương, học Phật pháp và khi ra đi thì ta cũng đã có cái gì đó để lại cho đời.
Cậu thanh niên cũng nói với gia đình là chi phí phẫu thuật cao mà tỉ lệ gần như không có cơ hội nên hãy để cậu ấy vậy và lấy số tiền phẩu thuật đem cho từ thiện để cậu ấy vui vẻ mà qua đời nhưng bố mẹ ép cậu phải phẫu thuật và từ thiện thì làm riêng . Khoảng một tháng thì cậu ấy không đến chùa nữa, thầy cũng thắp hương cho Phật độ cho cậu ấy.
Chắc các bạn củng biết kết quả ra sao rồi, cậu ấy vẫn sống và từ đó gia đình đến chùa thường xuyên, cúng dường làm từ thiện, thầy thì thầy có hỏi trong thời gian qua gia đình cậu làm việc thiện như thế nào. Cậu dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình làm từ thiện, đồ đạc quần áo của cậu đem đi cho những đứa trẻ nghèo vì cậu nghĩ sẽ không còn dùng đến nữa, từ ngày đến chùa cả nhà ăn chay niệm Phật, thu mua cá số lượng lớn để phóng sanh xuống sông, cha mẹ anh chị thay nhau đi làm từ thiện, giúp người vô số.
Các y tá, bác sĩ trong bệnh viện cho đó là kì tích nhưng thầy theo thầy thì thầy theo quan niệm dân gian “ Đức năng thắng số” thầy nghĩ đơn giản vì cậu ấy và gia đình làm việc thiện nên quả báo đã xảy đến và phước đức đã đưa cậu ấy vượt qua cơn phẩu thuật một cách thành công.
Cứ vậy nhé các Phật tử, về sau này các quý Phật tử cùng dùng cách này nhé, hãy khuyên họ làm việc thiện nhiều vào thì kỳ tích chắc chắn sẽ xảy đến,trong cuộc sống đôi khi những việc tưởng chừng như không thể vượt qua, chúng ta đừng thất vọng mà hãy lạc quan lên,hãy hy vọng, hãy cứ làm việc thiện nhiều vào mọi chuyện đều sẽ vượt qua suôn sẻ. Luật nhân quả có bỏ sót ai đâu.
trantu
03-08-2016, 05:59 PM
Nhân đọc bài của bạn baodiep, trantu nhớ lại khi xưa cũng đã được nghe sư phụ của mình kể, xin chép lại hầu quý đạo hữu vậy :
Cách nay khoảng 100 năm (thời Pháp thuộc), có một thiếu niên phát tâm muốn tìm Thầy học đạo. Nghe đồn trên núi có một Tu sĩ đạo hạnh rất cao thâm, bèn xin phép song thân, không quản khó nhọc trèo đèo lội suối tìm đến vị danh sư xin học đạo. Nhìn người trai trẻ mặt mày sáng sủa, nói năng lễ độ, vị sư ưng ý nhận làm đệ tử.
Một năm sau, một hôm vị sư chợt nhìn thấy 2 nếp nhăn từ trên cách mũi của đệ tử chạy vòng vào khóe miệng, rõ ràng là tướng "Đằng xà nhập khẫu" đây rồi : http://i774.photobucket.com/albums/yy28/thanhtruc13/dangxanhapkhau_zpsylqaobdg.jpg
Vị sư già buồn bả âm thầm quan sát thêm sắc diện, thấy Tử tướng hiện ra, bèn kêu đệ tử lại :
_ Thầy tính sẽ cho con học Thiền định, nhưng trước hết, con phải trở về nhà thăm viếng và sắp đặt cho cha mẹ ổn định, làm một vài chuỵên cho cha mẹ để gọi là báo hiếu, rồi 3 tháng sau trở lại đây, Thầy sẽ bắt đầu dạy đạo cho con.
Thầy trò bịn rịn chia tay, nhà sư nghĩ rằng "Lần ra đi này sẽ là chia tay vĩnh viễn, Thầy sẽ không bao giờ còn được gặp lại con nữa, vì con sẽ chỉ còn sống 3 tháng nữa là nhiều !"
-----------
Chàng thanh niên quảy túi lên vai (chỉ có một bộ đồ để thay đổi và một ít lương khô), tìm đường băng rừng về nội. Được về thăm gia đình, đáp nghĩa song thân trước khi nhập thất tu Thiền, chàng vui mừng lắm.
Một vài đóa hoa dại đung đưa như chào hỏi, có tiếng thác đổ ầm ầm và kia, giữa dòng nước sủi bọt một khúc gỗ mục đăng băng băng trôi xuống.
_ Có cái gì lúc nhúc thế kia ?, Ồ ! cả một tổ kiến đang hoảng loạn, chúng nháo nhác chạy lăng xăng tìm đường thoát thân. Nhưng thoát đi đâu được ? bốn bề nước chảy thế kia, chỉ sảy chân là mất hút trong dòng nước bạc thôi !
Động lòng, chàng lượm một cành cây, bước xuống mép nước, ngăn đón khúc gỗ mục, lùa nó vào bờ, rồi gát nhánh cây ấy bắt cầu cho kiến lên bờ.
Thấy đàn kiến vui mừng kéo nhau lên cầu vào bờ hết, chàng vui vẻ xoa tay tiếp bước.
-----------
Về đến nhà, chàng tích cực sửa sang phên vách, mái lá kín đáo cho cha mẹ, lại chuẩn bị củi gạo đầy đủ. Ba tháng sau, từ giả cha mẹ, chàng tung tăng trở lại am tranh của sư phụ.
Vị sư già xúc động đón chàng trai, người hỏi han và ngắm đệ tử thật kỹ. Ô kìa ! Sao nay trên đầu lưỡi của đệ tử lại bắt đầu ửng lên một nốt ruồi son thế kia ? Ấy da ! Tướng này không phải là "Đằng xà nhập khẫu" nữa, mà là "Lưỡng long triều nguỵêt" _ cũng có sách nói là "Lưỡng long tranh châu" đây !
_ Con hãy kể cho ta nghe, từ ngày con xuống núi, con có cứu giúp ai thoát chết hay không ?
_ Dạ, Không !
_ Con từ từ nhớ kỹ lại xem, có khi con vô tình cứu giúp người hay là vật gì đó chăng ? Ta thấy ấn đường của con rạng rỡ, tươi sáng.
_ Dạ, con nhớ ra rồi, trên đường xuống núi, con có thấy một đàn kiến bị nước lũ cuốn trôi, con lùa khúc cây mục vào bờ, gát nhánh cây cho đàn kiến lên bờ an toàn hết.
_ Ừ ! Có thế chứ ! Con đã làm được một việc đại phúc đức, cho nên đã cải số, bây giờ con không không còn tướng "bất đắc kỳ tử" nữa. Vậy từ nay con nên an tâm mà tu học !.
Thế đó ! đó là câu chuỵên sư phụ kể hôm nào, nay con kính cẫn chép lại cúng dường cho các bạn con, xin Thầy hoan hỉ./.
trantu
03-09-2016, 10:59 AM
Cám ơn quý đạo hữu đã đọc bài trên !
Và tiếp theo, bài này là người thật việc thật mà trantu đã biết, xin viết lại hầu chuỵên cùng quý hữu (xin phép dấu tên nhân vật chính):
PHÓNG SANH CHIM, THOÁT CHẾT
Người con gái ấy vốn là một Tiểu Thơ _ con gái nhà giàu _ thời Pháp thuộc (sinh khoảng năm 1930). Cô được cho ăn học tử tế, cho nên cũng thường được đọc Kinh Sách. Những tư tưởng đời là bể khổ, đáng chán đáng chê ăn sâu vào tiềm thức; có tiền rủnh rỉnh trong túi, cô chỉ mua sách và mua chim cá phóng sanh, hầu như tuần nào cô cũng có phóng sanh vài chục đến 100 con chim, ngoài ra bất chợt gặp những con vật khác cần được thả, cô cũng đều hỏi mua để thả.
Rồi một hôm mẹ cô bạo bệnh qua đời, cô khóc thương nhiều lắm, mọi người nghĩ đó là chuỵên bình thường. Nhưng nào ai ngờ cô đã âm thầm lên kế hoạch. Vịn cớ bị mất ngủ, cô đến tiệm thuốc Tây hỏi mua mỗi lần một tuýp thuốc ngủ, thời buổi đó mua một tuýp thuốc ngủ không cần toa bác sĩ.
Khi đã mua được 200 viên thì cô bổng dưng mất tích, cả nhà túa ra tìm kiếm khắp nơi. Cuối cùng người ta phát hiện ra cô nằm bên mộ mẹ, áo quần xốc xếch với những tuýp thuốc ngủ chỉ còn vỏ rỗng lăn lóc quanh cô; mọi người tức tốc đưa cô vào bệnh viện của quân đội Mỹ để cấp cứu.
Và kỳ tích xuất hiện không ngờ, lần đầu tiên một người uống 200 viên thuốc ngủ, đã qua đêm trong nghĩa địa mà vẫn cứu sống được.
Đến nay, người con gái ấy đã là bà cụ gần 90 tuổi mà vẫn sống nhăn.
Có lẻ vì phóng sanh chim cá quá nhiều, nên cô không thể chết sớm (?).
Kính chia sẻ !
trantu
03-12-2016, 10:41 AM
Hôm nay trantu sưu tầm được một mẫu chuyện khác cho chủ đề này, xin kính chia sẻ cùng quý đạo hữu :
_Vào triều Bắc Tống, ở một làng nọ có một cậu bé tàn tật chừng mười tuổi, gãy chân, sống một cuộc sống ăn xin nghèo khổ.
Trước làng là một con suối lớn. Vì không có cầu, nên dân làng muốn qua suối là phải lội, rất bất tiện, nhất là đối với những người già vào mùa nước lũ.
Nhiều năm đã qua đi như vậy, cho đến một hôm người ta thấy cậu bé ăn xin bị tật gom những tảng đá về bên suối. “Cháu muốn xây cầu để mọi người đi lại thuận tiện”, cậu giải thích. Người làng cho đó là chuyện khôi hài của một cậu bé khùng nên không để ý đến.
Nhưng đống đá dần dần lớn lên qua tháng năm trở thành một cái gò, và dân làng bắt đầu hiểu ra. Nhiều người cũng góp thêm sức vào, chẳng mấy chốc đã đủ đá xây cầu. Rồi người ta thuê thợ xây dựng đến làm.
Trong quá trình cùng làm, cậu bé bị mảnh đá bắn vào mắt và mù cả hai mắt. Người dân lấy làm thương cảm lắm. Nhưng cậu bé, mặc dù đã què lại thêm mù, vẫn không một lời ca thán và cố gắng trong khả năng của mình cùng góp sức xây cầu với dân làng.
Cuối cùng, sau những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, cây cầu đã được xây xong. Dẫu không nhìn thấy gì, nhưng trên khuôn mặt của cậu hiện một nụ cười rạng rỡ.
Đột nhiên một tiếng sấm nổ vang dù trời quang mây tạnh. Và người ta thấy rằng cậu bé ăn mày đáng thương đã bị sét đánh chết ngay trên chiếc cầu mới xây.
Bấy giờ đúng lúc Bao Công đi thị sát qua làng. Dân làng kéo ra kêu oan với Bao Công rằng : Tại sao trời xanh lại hại người tốt?. Trước câu chuyện quá thương tâm, và cảm thấy quá bất công, Bao Thanh Thiên chẳng cầm nổi lòng mình, bèn viết câu: Ninh hành ác vật hành thiện (tức thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện).
Trở về Kinh thành sau chuyến công du, Bao Công cảm thấy trong lòng không thoải mái, nhất là về những gì ông đã viết trong lúc không dằn được lòng mình. Trong bản tấu trình, ông đã không tâu lên Hoàng thượng về sự kiện hy hữu đó.
Hoàng thượng hôm ấy mời Bao Công đến chơi và dẫn Bao Công đến gặp hoàng tử mới ra đời trong lúc Bao Công đi thị sát ngoại tỉnh. Hoàng tử trông khôi ngô nhưng mắc tật khóc suốt ngày. Hoàng thượng cũng muốn hỏi Bao Công xem có cách nào cho hoàng tử hết khóc.
Bao Công thấy hoàng tử da dẻ trắng trẻo mịn màng, và trong lòng bàn tay dường như có một hàng chữ. Ghé mắt vào nhìn kỹ thì chính là câu Ninh hành ác vật hành thiện (thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện). Quá bất ngờ và xấu hổ, Bao Công lấy tay để xoá, và kỳ lạ thay, ông vừa vuốt qua thì dòng chữ biến mất. Hoàng tử nín khóc tức thì.
Hoàng thượng rất đỗi ngạc nhiên, hỏi "Tại sao lại như thế ?". Bao Công sợ hãi quỳ xuống kể lại hết đầu đuôi câu chuyện, và xin Hoàng thượng xá tội vì đã không báo cáo về chuyện này trong bản tấu trình. Hoàng thượng bèn ra lệnh Bao Công phải điều tra cho rõ vụ việc.
Đêm ấy Bao Công ngả đầu lên chiếc gối “âm dương địa phủ” và lập tức trong mộng đi đến cõi âm gian. Diêm Vương kể cho ông rằng:
Vị hoàng tử đó vào mấy đời trước từng làm việc đại gian ác, nên phải trả nghiệp ác ấy trong ba đời: Đời thứ nhất què cụt, đời thứ hai mù lòa, và đời thứ ba bị sét đánh chết. Nhưng khi què quặt xin ăn, cậu bé đã luôn vì người làm việc tốt, nên nghiệp quá khứ đã thay đổi (cộng dồn) và khiến cậu bé ăn xin bị mù.
Sau khi mù, cậu bé đã không những không oán thán ai hết mà vẫn luôn vì người làm điều thiện. Vì lý do ấy lại một lần nữa nghiệp quả cộng dồn, để cậu bé trả hết nghiệp trong một đời.
Diêm Vương nói với Bao Công: “Một đời trả hết nghiệp thay cho ba đời, lại còn được chuyển sinh làm đương kim Thái tử, hưởng thụ phúc phận của Thiên tử, há không là điều đáng mừng hay sao ?!"
trantu
03-13-2016, 10:09 AM
Ngày xưa.......
Một tay bán dầu tên Bùi Độ (đời vua Hán Cảnh Đế) nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì có hai đường chỉ chạy vòng cung vào mép miệng (hình ảnh minh họa ở bài trước). Ngày kia, Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to. Thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn quyên sinh. Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế.
Sau một thời gian, nhà tướng số gặp lại Bùi Độ và kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ. Đúng vậy, sau khi được cứu sống thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử.
Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã xiêu lòng với những hình bóng giai nhân khác. Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi. Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá. Ngọc Hà đau khổ tìm chồng, trông thấy bộ xương và cũng gục chết bên cạnh. Cái phước của Bùi Độ xuất hiện do tâm niệm liều mạng tìm vàng cứu cô gái. Phước đó quá lớn đến nỗi chuyển hẳn tướng mạo và số mệnh để cho Bùi Độ trở thành quan chức vinh hiển.
Nhưng rồi, tư cách tầm thường tham dục đã phá vỡ phước cũ để cho nghiệp chết đói đủ cơ duyên xuất hiện trở lại.
Như vậy, tướng mạo tùy thuộc vào nghiệp chứ không cố định. Nếu chúng ta thường xuyên biết “liều mạng” cứu giúp mọi người, ắt hẳn tướng mạo và số kiếp chúng ta sẽ thay đổi một cách tốt đẹp.
trantu
03-14-2016, 10:27 AM
Cũng vẫn ngày xưa ......
Tào Bân là vị đại tướng nổi tiếng triều Tống, giúp Tống Thái Tổ bình định thiên hạ, có công lao chinh chiến rất lớn. Có một lần, Tào Bân gặp Trần Hi Di là một người có học vấn rất uyên bác, giỏi xem tướng thuật. Ông này xem qua tướng mạo của Tào Bân rồi nói:
Hai bên thành xương của ông lồi lên, ấn đường rộng, mắt dài phóng ánh sáng, chắc chắn sớm trở nên giàu có, song có tướng xấu là quai hàm cao, miệng trệ, xem ra ông không được hưởng phước khi tuổi già. Cứ theo đây mà nói, mỗi khi xuất binh chinh chiến ông nên đối xử khoan hồng, gieo trồng phước đức cho lúc tuổi già.
Tào Bân nghe Trần Hi Di nói liền cúi đầu cảm tạ, ghi nhớ lời ấy.
Một lần, khi Tào Bân xuất trận, phó tướng Toại Ninh và rất nhiều tướng sĩ thuộc hạ đều chủ trương giết sạch dân trong thành để thị uy. Tào Bân biết được liền ra lệnh nghiêm cấm giết hại dân lành, cấm xâm hại phụ nữ hoặc cướp bóc tài sản của dân. Sau khi chiến sự kết thúc, ông còn cấp lương thực cho những người xa quê muốn trở về, dân chúng không ai không cảm tạ tấm lòng nhân đức của ông.
Sau đó, Tào Bân nhận lệnh dẫn binh đánh Giang Nam. Bởi không nỡ nhìn thấy cảnh dân tình khốn khổ lầm than vì chiến cuộc nên ông cáo bệnh không đi. Các võ tướng dưới quyền ông lúc đó đều kéo đến thăm hỏi bệnh tình của ông trước khi xuất chinh. Tào Bân nói với tất cả những người đến thăm bệnh:
Bệnh của tôi không thuốc gì chữa khỏi, nhưng chỉ cần tất cả anh em thành tâm thành ý cùng thề rằng ngày tiến công Giang Nam tuyệt đối không được tùy tiện giết hại dân lành, như thế thì bệnh của tôi sẽ tự nhiên thuyên giảm thôi.
Các tướng sĩ vốn hết sức kính trọng Tào Bân, nên họ liền cùng nhau phát lời thệ nguyện đúng như vậy. Đến ngày đánh Giang Nam, nhờ đó mà có vô số dân thường được thoát khỏi sự lạm sát. Tấm lòng từ bi của vị tướng quân họ Tào được truyền rộng khắp Giang Nam, dân chúng ai nấy đều cảm kích. Vì thế, mọi người cùng rủ nhau mang lương thực đi đón quân triều đình. Sức chống cự của phản quân vì thế rất yếu ớt. Nhờ vậy mà trận chiến này không phải tốn hao nhiều nhân mạng, hơn nữa còn bảo vệ được tài sản của nhân dân không bị tàn phá.
Sau đó ít lâu, Tào Bân có dịp tình cờ gặp lại Trần Hi Di. Ông ta nhìn tiên sinh một lúc rồi nói:
Lạ thật! Năm trước tôi xem tướng của ông thấy quai hàm cao miệng trệ, lúc đó tôi khẳng định ông không có phước về già, nhưng hiện tại đã biến đổi, miệng mép đầy đặn xinh đẹp, ánh kim quang thù diệu nhìn thấy khắp mặt và râu tóc, nhất định sẽ được sống lâu nhiều phước lộc.
Tào Bân hỏi lại: Sao gọi là kim quang?
_ Đó là ánh sáng hiển hiện của phước đức, nếu người có âm đức thì mặt hiện ánh sáng màu vàng y, mắt sáng, cả khuôn mặt đều tỏa ra khí sắc tốt lành. Người như vậy không chỉ tăng tuổi thọ, con cháu nhiều đời về sau cũng đều hưởng nhờ phước đức.
Quả nhiên, về già Tào Bân sống trong cảnh an nhàn thư thái, lúc ra đi cũng hết sức nhẹ nhàng, thọ 69 tuổi, sau khi chết được truy phong tước hiệu Tể Dương quận vương. Tiên sinh có cả thảy 9 người con trai, con trưởng là Vĩ, con thứ là Tông, con thứ ba là Xán, đều là những tướng lãnh nổi tiếng; nhiều đời con cháu về sau đều vinh hiển không ai sánh.
trantu
03-15-2016, 11:28 AM
Chuyện ông Thủ Huồng
Ở Biên Hòa, người lớn tuổi thường hay mắng con cái khó dạy rằng "Tao mắc mày như mắc cái gông Thủ Huồng". Vậy Thủ Huồng là ai ? Gông Thủ Huồng là cái gông ra làm sao ? Chuỵên kể rằng :
Thủ Huồng tên thật là Võ Hữu Hoằng, sống ở thế kỷ 18, là người Cù lao Phố, ngày ấy gọi là châu Đại Phố (huyện Phước Chính, phủ Phước Long). Võ Hữu Hoằng làm thư lại trong nha môn, cái tên Hữu Hoằng của ông ta không hiểu sao bị người dân địa phương đọc trại ra thành Thủ Huồng, có thể là do kỵ húy vua Hoằng Lịch (Càn Long) chăng ?
Là một kẻ gian tham, nên sau mấy chục năm làm thư lại, Thủ Huồng đã biển thủ, vơ vét được khá nhiều tiền bạc, và trở thành một trong những người giàu có nhất vùng. Tương truỳên Ông thường cho vay với lải suất cắt cổ gọi là "bạc 13"(tức là lải suất 30%), ai mất khả năng trả nợ thì phải cho con mình làm đày tớ trừ nợ, nhưng sẽ không bao giờ hết nợ. Sự giàu có bằng con đường bất chính ấy của ông ta lại đã làm cho không ít gia đình phải điêu đứng, tan nát. Có lẽ vì thế, Thủ Huồng đã bị trời phạt về mặt đời tư khi vợ của ông ta chết sớm mà chẳng để lại một đứa con nào.
Khi đã quá thừa thãi về của cải, tiền bạc, Thủ Huồng xin nghỉ việc thư lại, về nhà tậu ruộng vườn, sống đời trưởng giả. Sống một mình giữa ruộng vườn bao la, Thủ Huồng chẳng khi nào nguôi nỗi nhớ thương về người vợ quá cố. Một hôm có người mách cho ông ta biết rằng có một chỗ mà người dương gian và người cõi âm có thể gặp nhau, đó là chợ Mãnh Ma ở tận ngoài Quảng Yên (tức Quảng Ninh bây giờ). Vào nửa đêm mùng 1 tháng 6 hàng năm, nếu muốn gặp người thân đã chết, người sống cứ việc mang đến chợ một món hàng nào đó.
Tin lời bạn, Thủ Huồng lên thuyền đi ra ngoài Bắc. Ông ta làm mọi việc y như lời dặn của người bạn và đã tìm thấy vợ trong chợ Mãnh Ma. Sau một hồi hỏi han nhau về quãng thời gian âm dương cách biệt, Thủ Huồng ngỏ ý muốn được xuống xem âm phủ ra sao, vợ ông ta đồng ý và dẫn chồng đi qua những đoạn đường tối mịt mờ, đầy âm khí ma quái. Xuống tới âm phủ, vợ Thủ Huồng để chồng trú tạm trong một gian nhà thấp rồi đi làm công việc của bà ở dưới cõi âm.
Trong lúc chờ vợ trở về, Thủ Huồng thơ thẩn đi thăm thú chỗ này chỗ nọ. Tới chỗ nhà ngục, Thủ Huồng bỗng rợn người khi thấy nhiều tội nhân đang bị hành hạ bằng cách mổ bụng, cắt chân tay… Sau khi trấn tĩnh, Thủ Huồng hỏi dò mấy người cai ngục thì được biết những kẻ bị hành hạ đó, lúc còn sống trên dương thế đã làm toàn những chuyện gian ác như giết người, cướp bóc, bất hiếu, bất nghĩa, hành hạ người khác… Nghe vậy, Thủ Huồng không khỏi giật mình. Chợt thấy một cái gông đặc biệt, vừa to vừa dài nhưng đang để không :
http://a9.vietbao.vn/images/vn999/150/2015/09/20150912-cuc-hinh-xu-tu-kinh-hoang-danh-cho-pham-nhan-trung-quoc-12.jpg
(ảnh minh họa, gông có chủ)
Thủ Huồng hỏi người cai ngục: “Gông này để làm gì?”. Người cai ngục đáp: “Để chờ một kẻ gian ác bậc nhất là Võ Hữu Hoằng, hiện đang sống tại huyện Phước Chính, phủ Phước Long, nước Đại Nam. Tên này, khi còn làm thư lại, vì lòng tham không đáy mà đã lợi dụng chức vụ của mình biến trắng thành đen, đen thành trắng, hãm hại nhiều người vô tội, trong đó có không ít người đã bị xử tội chết, bị tù tội hoặc mất hết nhà cửa ruộng vườn một cách oan ức, qua đó có thể chiếm đoạt tài sản của họ hoặc làm lợi cho những kẻ ác đã đút lót cho hắn”.
Thủ Huồng rụng rời chân tay, lắp bắp hỏi: “Vợ của hắn đã chết rồi, bà ta có phải đeo gông không?”. Cai ngục lắc đầu: “Không, ai làm người ấy chịu”. Thủ Huồng lại hỏi: “Ông ta phải làm gì để khi chết xuống đây không bị đeo gông?”. Cai ngục đáp: “Phải đem hết những của cải bất nghĩa ấy bố thí đi. May ra sẽ được giảm tội”. Thủ Huồng đem toàn bộ câu chuyện nói lại với vợ, vợ ông ta cũng khuyên chồng khi trở về dương gian nên làm việc thiện để chuộc lại mọi lỗi lầm ngày trước. Thủ Huồng chia tay vợ và hẹn 3 năm sau gặp lại ở chợ Mãnh Ma.
Trở về nhà, Thủ Huồng đem tiền, gạo bố thí cho những người nghèo khó trong vùng. Sau 3 năm, ông ta đã phát tán tới 3 phần tư cơ nghiệp cho những việc như thế. Đúng ngày hẹn với vợ, ông ta lại tới chợ Mãnh Ma và lại được vợ đưa xuống âm phủ. Thủ Huồng vội tìm đến chỗ nhà ngục và thấy cái gông nọ đã nhỏ đi khá hiều so với trước. Ông ta hỏi tại sao, cai ngục đáp rằng có lẽ tên Võ Hữu Hoằng trên dương thế đã biết hối cải, bỏ việc ác, làm việc thiện nên cái gông tự động nhỏ đi. Trở về nhà, Thủ Huồng đem bán hết nhà cửa, ruộng đất, tài sản. Ngoài việc tiếp tục bố thí cho những người nghèo khổ, ông ta đem một phần tiền bạc xây dựng chùa Chúc Thọ, mà dân gian gọi là chùa ông Huồng.
http://www.vncgarden.com/di-tich-danh-thang/chuavietnam-xuavanay/dhong-nai/chua-chuc-tho
Ngoài ra ông ta còn tổ chức nạo vét một con rạch ở khu Tân Vạn và bắc một cây cầu đá trên con đường gần sông Đồng Nai (rạch và cầu này về sau đều được mang tên Thủ Huồng).
http://2.i.baomoi.xdn.vn/16/01/10/50/18411832/1_438887.jpg
http://www.baomoi.com/Huyen-thoai-cau-Thu-Huong/c/18411832.epi
trantu
03-15-2016, 11:35 AM
Sau đó, Thủ Huồng tới ngã ba sông Đồng Nai và sông Gia Định, thuê người làm một cái bè lớn, trên bè có một ngôi nhà lá rộng rãi, trong đó để sẵn nồi niêu, gạo củi…, để những người đi lại qua đây có chỗ tá túc, ăn uống, nghỉ ngơi miễn phí. Dần dà, nhiều người khác cũng kết bè quanh đó để buôn bán và chỗ này được dân gian gọi là Nhà Bè, tức huyện Nhà Bè thuộc TP HCM bây giờ. Ở Nhà Bè hiện còn lưu truyền câu ca dao: “Ai ơi có đến Nhà Bè. Nhớ ơn nước ngọt bè tre Thủ Huồng”.
Lần cuối được "đi thiếp" xuống âm phủ, ông không còn thấy cái gông đó nữa.
Những năm cuối đời, Thủ Huồng ở hẵn trong chùa làm chuỵên lặt vặt. Tương truỳên khi lâm chung Thầy trụ trì đã dùng mực son viết vào lòng 2 bàn tay 6 chữ Đại Nam - Gia Định - Thủ Huồng.
Tương truỳên khi Thái Tử (sau này là vua Đạo Quang của nhà Thanh, Trung Quốc) ra đời thì 2 bàn tay luôn nắm, vua cha phải thỉnh một vị Cao Tăng đến mở ra thì thấy những chữ son này. Vua bèn sai người qua An Nam điều tra, sau khi đã rõ chân tướng sự việc. Về sau, vua Đạo Quang có gửi tặng chùa Chúc Thọ một bộ tượng Tam thế Phật bằng gỗ trầm hương. Bộ tượng này hiện vẫn còn :
http://www.vncgarden.com/_/rsrc/1306078619386/di-tich-danh-thang/chuavietnam-xuavanay/dhong-nai/chua-chuc-tho/394-Bo%20tuong%20di%20da%20Tam%20ton%20a.jpg
http://www.vncgarden.com/_/rsrc/1306078659554/di-tich-danh-thang/chuavietnam-xuavanay/dhong-nai/chua-chuc-tho/394-Bo%20tuong%20di%20da%20tam%20ton%20b.jpg
http://www.vncgarden.com/_/rsrc/1306078687407/di-tich-danh-thang/chuavietnam-xuavanay/dhong-nai/chua-chuc-tho/394-Bo%20tuong%20di%20da%20Tam%20ton%20c.jpg
Ghi chú : khoảng năm 1972, tôi có được thấy bộ tượng này trong lồng kiếng, không sơn phết gì cả (còn nguyên bản)
Đồng thời cũng được vua Đạo Quang tặng kèm một tấm bia cẩm thạch có ghi chép đầy đủ câu chuỵên trên bằng chữ Hán, được nhà chùa cẫn vào vách nhà thờ Tổ. (Không hiểu vì lý do gì, ngày nay không thấy nhắc đến)
Powered by vBulletin® Version 4.2.3 Beta 3 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.